Tuyên xưng đức tin bằng đời sống (23.09.2022 – Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Gv 3,1-11 (năm chẵn), Kg 1,15b – 2,9 (năm lẻ), Lc 9,18-22  


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 9,18-22).

Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?” Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại”. Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.

Tuyên xưng đức tin bằng đời sống (23.09.2022)

Ngày 23.09: Lễ Nhớ Thánh Pi-ô Pi-ết-ren-si-na, linh mục

“Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu đau khổ nhiều.” 

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta, một mặt noi gương thánh Phêrô để tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa. Nhưng ngay sau đó, chúng ta cũng phải là người phản ánh niềm tin cách trung thực trong cuộc sống của mình, để mọi người nhận ra Chúa Giêsu trong cuộc sống của chúng ta.

Muốn làm được điều đó, chúng ta phải hiểu về Chúa Giêsu và sứ mạng của Ngài là: chết để đền tội thay cho nhân loại, chứ không phải lãnh đạo và cứu độ bằng quyền lực. Đừng để suy nghĩ của những người Do-thái hay của các môn đệ thời bấy giờ về Chúa Giêsu làm chi phối sự lựa chọn của chúng ta, để rồi từ đó ta lại hy vọng một điều phù phiếm, hão huyền.

Thật vậy, những con người thời đó, họ hiểu Chúa Giêsu là Đấng Cứu Tinh theo kiểu trần tục, đến để tái lập nước Ít-ra-en và giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của ngoại bang và mang lại độc lập phồn vinh cho xứ sở. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không nằm trong ý định của Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu đến để giải thoát bằng con đường khiêm hạ và phục vụ, hy sinh và phải chết.

Tin một người và theo người đó thật không dễ chút nào nếu không biết đặt trọn niềm tin vào người đó. Chúa Giêsu cũng có nhiều người biết đến nhưng liệu họ có niềm tin đủ mạnh để phó thác trọn vẹn vào tay Chúa không. Khi gặp gian nan thử thách, chúng ta có bám víu vào Chúa không hay bị những thực tại khác chi phối? Chúa Giêsu sau khi hỏi những người khác tuyên xưng Chúa là ai, Ngài cũng muốn chính các ông nhìn nhận Ngài là ai trong cuộc đời, để một lần nữa giúp các ông xác tín niềm tin của mình. Các ông sống gần Chúa, được Chúa dạy dỗ và chứng kiến nhiều phép lạ Ngài làm nên đã có kinh nghiệm về Chúa. Vậy, để trả lời cho câu hỏi Chúa là ai trong cuộc đời ta, ta cần sống gần Chúa, kết hiệp mật thiết với Chúa để câu trả lời nơi mỗi người được chính xác hơn.

Mượn tâm tình của bài hát “Biết Chúa Biết Con” (Linh mục Ân Đức), chúng ta hãy cầu xin Chúa soi sáng để ta nhận biết Chúa là ai và dám tuyên xưng niềm tin ấy bằng lời nói và bằng cả đời sống của chính mình:

“Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con. Biết Chúa là Con Chúa đã đến trần gian mặc xác phàm nhân. Biết Chúa thương con nhiều. Biết Chúa tha con nhiều. Biết Chúa đã chịu chết và đã sống lại vinh quang… Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con. Biết Chúa là hạnh phúc đã cứu độ con, là sức mạnh con. Biết Chúa như kho tàng, biết Chúa trong tâm hồn. Biết Chúa là chân lý, là chính vẻ đẹp muôn năm… Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con. Biết Chúa là sự sống là chốn nghỉ an là suối hồng ân. Biết Chúa trong cuộc đời, biết Chúa trong mọi người, biết Chúa là ánh sáng, là chính hy vọng vô biên…”

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con một khi đã tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Độ, thì đồng thời cũng phải là người phản chiếu tình yêu cứu độ của Chúa ngang qua cuộc sống của chúng con mỗi ngày. Ước gì mỗi người chúng con là chứng nhân trung thành của Chúa trong xã hội hôm nay. Amen.

Joston

Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa (24.09.2021)

Tin Mừng hôm nay cho ta một cuộc thăm dò dư luận của Chúa Giêsu, qua dân chúng và người thân, để xem người ta hiểu về mình thế nào? Người hỏi các tông đồ: “Dân chúng bảo Thầy là ai”, “Anh em bảo Thầy là ai?”. Câu trả lời được lần lượt: “ Họ bảo Thầy là ông Gioan tẩy giả…là ông Êlia…là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại…”. Tất cả đã không chính xác, nhưng có điều họ đã thấy Người có những điều đặc biệt mà coi người, sánh ví Người như các nhân vật đặc biệt của thời Cựu Ước mà Thiên Chúa đã sai đến. Duy câu trả lời của ông Phêrô là đúng mà Chúa lại không muốn cho nói ra.

Nhận biết được Chúa Cứu Thế quả là một điều quá khó đối với con người, đây cũng là một mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người. Việc Chúa Giêsu  xuống thế đã được loan báo trước hàng ngàn năm trong Thánh Kinh, các bậc thầy Do Thái đã nghiên cứu, theo dõi và trông chờ. Ấy thế mà khi Người đến tuyệt nhiên họ đã chẳng biết gì mà còn hùa nhau đóng đanh Người nữa . Nhận biết Chúa Cứu Thế thiết nghĩ còn khó hơn việc nhận biết Thiên Chúa tạo dựng. Vì “ khi nhin xem trời đất muôn vật và trật tự lạ lùng trong vũ trụ thì họ liền biết có Đấng tạo thành . Còn khi Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa Cứu Thế, Người đã không khen là ông thông minh tài giỏi, nhưng đã khen: “Anh thật là người có phúc vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”(Mt16,17).

Được nhận biết Chúa Cứu Thế, tôi thật là có phúc, vì không phải do công trạng của tôi mà là tình thương Thiên Chúa dành cho. Tôi được sống yên vui, tin tưởng hoan lạc. Vì những điều tôi tin, việc tôi làm đều chuẩn xác dưới ánh sáng Tin Mừng Chúa Cứu Thế soi dẫn. Tôi không sợ sai lầm, lạc lối khi tiến bước tìm về Thiên Chúa. Vì người dạy dỗ tôi là Đấng từ Trời đến, bởi Thiên Chúa mà ra. Vậy thì trong các tôn giáo còn có ai cao trọng, khôn ngoan, thiện hảo… và đáng tin tưởng bằng?  Có ai đã lên trời, biết về trời và Đấng ở trên trời hơn?

Người được nhận biết Chúa Cứu Thế, họ triệt để sống Lời Chúa dù mình có yếu đuối: Họ mến Chúa và yêu tha nhân hết lòng ở mọi nơi và không muốn làm một chút gì thiệt hại. Họ sống trung thành trong mọi việc nhỏ to, gặp thành công họ không vỗ ngực tự hào, gặp thất bại khổ đau chẳng hề nao núng.

Thánh Phêrô, sớm nhận ra Chúa Cứu Thế, dù không phải công trạng của riêng ông, nhưng đã được Chúa tin tưởng trao phó:“Anh là Phêrô nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời; dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”(Mt 16,18-20).

Thánh giáo hoàng GioanPhaoLô 2 đã hết lòng cho tình thân ái giữa các tôn giáo trên thế giới. Nhiều dịp lễ thánh Phanxicô Asisi, Ngài đã mời đại diện các tôn giáo quy tụ tại Assi gặp gỡ thân thiện. Ngày ấy, mỗi  đoàn tự dâng lời  nguyện của mình lên Đấng mình tôn thờ. Với tình thân ái ấy, Ngài cũng không ngần ngại phát hành cuốn “Chúa Giêsu Đấng cứu độ duy nhất của trần gian”, đó cũng là lời của thánh Phêrô công bố trước công nghị Do Thái xưa về Đức KiTô: “Vì ngoài Người ra., không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ”(Cv 4,12).

Lạy Thiên Chúa! Con xin hết lòng cảm tạ Người vì đã cho con được nhận biết Chúa Giêsu là đấng cứu độ duy nhất. Xin cho con luôn yêu mến ơn huệ ấy mà thực thi lời Chúa Giêsu dạy hầu đem lại hạnh phúc đời đời cho con- Amen.

Giuse Ngọc Năng.

Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? (25.09.2020)

Ghi nhớ:

Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Lc 9, 20).

 Suy niệm:

Một người đặt ra câu hỏi như sau: Nếu như có người ngoại giáo hỏi bạn: “ Ông Giê-su là ai?” mà bạn chỉ được trả lời vắn gọn trong mười từ thôi, thì bạn sẽ trả lời làm sao cho đầy đủ ý nghĩa nhất? Có bạn nói:

  • Tôi sẽ nói: “ Đức Chúa Giê su là Đấng Cứu Độ nhân loại”.

Một bạn khác rằng:

  • Tôi trả lời: “Đức Giê su là Đấng thương xót hết mọi người”.

Còn tôi , một người khác nữa nói: tôi sẽ nói với người ấy rằng:

  • Đức Giê-su có lời ban sự sồng đời đời.(Ga 6, 68).

Với những câu trả lời trên thì ai cũng cho rằng câu trả lời của mình hay nhất. Song người cuối cùng giải thích rằng:  

  • Sử sách ghi lại Phanxicô Savie là một người rất thông minh nên học hành đỗ đạt, là giáo sư nổi tiếng ở Pháp. Thuở ấy con đường công danh sự nghiệp rộng mở đón chào người nên Phanxicô chạy theo tiền bạc, danh vọng và các lạc thú trần gian. Thế nhưng khi thầy của ông là thánh Ignatiô Loyola nói với ông rằng: “ Được lời lãi cả và thế gian mà thiệt mất linh hồn, thì nào có ích chi?”. (Mt 6, 26). Chính câu nói này làm cho Phanxicô phải suy nghĩ. Thế rồi ông đã hoàn toàn thay đổi mục đích sống, Ông dâng mình cho Chúa, ra đi đem Ánh Sáng Tin Mừng đến cho muôn người( Ấn Độ, Mã Lai và Nhật Bản) vì vậy Thánh nhân đã mang về cho Giáo Hội cũng như cho Thiên Chúa biết bao linh hồn. Như thế thì rõ ràng nhờ Lời của Đức Giê-su đã biến đổi Phanxicô để rồi từ một người chỉ biết tìm kiếm tiền tài, danh vọng, thú vui cho bản thân đã trở nên tông đồ nhiệt thành của Chúa, và ngài đã tìm được hạnh phúc vĩnh cửu trên Nước Hằng Sống.

 Thời đại ngày nay, người nào muốn đi ra nước ngoài hoặc muốn được thu nhận vào làm việc tại một cơ sở, một công ty, hoặc một tập đoàn nào đó thì việc đầu tiên họ phải trải qua một cuộc phỏng vấn. Trong đó người ta sẽ đặt ra một số các câu hỏi để người muốn đi nước ngoài hoặc đi xin việc trả lời, và rồi căn cứ vào các câu trả lời đó của “thí sinh” mà vị “giám khảo” sẽ đưa ra quyết định cho sự thành công hay thất bạị cho đương sự.

Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su muốn các môn đệ của Ngài trả lời cho Ngài một câu hỏi rất quan trọng: Đó là, “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”Và ông Phê-rô đã thay mặt cho các môn đệ trả lời câu hỏi đó; “ Thầy là Đấng Ky-tô của Thiên Chúa”

Ngày nay. Đức Giê-su cũng hỏi mỗi người chúng ta câu hỏi này. Vậy thì chúng ta sẽ trả lời Ngài ra sao?. Câu trả lời tùy thuộc vào nhận thức của mỗi người và Đức Giê su sẽ tôn trọng quyền tự do trong câu trả lời đó của chúng ta.

Cũng tùy thuộc vào câu trả lời của mình, điều này sẽ dẫn chúng ta đến sự sống đời đời hay đi đến sự tiêu vong chết chóc: Nếu chúng ta nhìn nhận Ngài là Đấng Cứu Thế. Ngài là Đấng đầy lòng thương xót và nhờ Đấng ấy mà muôn vật được tạo thành để rồi đem hết lòng, hết sức ra phụng thờ, đồng thời tuân giữ các điều Ngài truyền dạy thì chắc chắn chúng ta sẽ được Ngài Cứu Chuộc và ban cho sự sống đời đời. Ngược lại nếu như chúng ta không để cho Đức Giê-su bước vào cuộc sống của mình, chỉ coi Ngài như một người dửng dưng xa lạ. Sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời này chẳng  mảy may tác động gì đến cuộc sống của chúng ta và chúng ta sẽ để cho bản thân là xác thịt, là mê đắm thế gian điều khiển chi phối cuộc đời của mình thì chắc hẳn chúng ta sẽ bị hư mất. Và nếu như việc ấy xảy ra thì chúng ta thật  sự trở thành những kẻ vô cùng bất hạnh và vô phúc vì sẽ không thể lấy cái gì mà bù đắp cho sự mất mát thiệt hại này.

Cuộc đời của chúng ta mỗi người chỉ có sống một lần nên phải sống thế nào để sau này không ân hận! Đó là phải nhận biết Thiên Chúa và thờ phượng Ngài, cũng như tuân giữ các giới răn Ngài dạy . Như vậy cuộc sống của chúng ta mới thật sự có ý nghĩa và sau cuộc lữ hành trần gian này kết thúc chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Cứu Thế, Với sự tiến bộ mọi mặt của con người ngày nay, họ được sống trong giấu sang, tiện nghi, văn minh và hưởng thụ, người ta mải mê chạy theo chúng mà quên mất Chúa là Đấng tạo thành muôn vật muôn loài, họ loại bỏ Chúa ra khỏi cuộc sống của mình. Xin Chúa thức tỉnh và đổi mới chúng con. Để chúng con luôn xác tín rằng chỉ có Chúa mới là nguồn hạnh phúc đích thực mà ở trần gian này không thể đem lại cho chúng con được. Xin cho nhân loại biết hướng về Chúa trong tâm tình kính thờ, phụng sự và tín thác. Amen.

Sống Lời Chúa:

Thờ phượng Chúa hết lòng và yêu thương mọi người như anh em.

 Đaminh Trần Văn Chính.

Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa (27.09.2019)

Ngày 27.09: Lễ Nhớ Thánh Vinh-sơn Phao-lô, linh mục

Ghi nhớ:

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”.(Lc 9, 20)

 Suy niệm:

Hai người bạn “ giang hồ” lâu ngày gặp lại nhau. Một người hỏi bạn rằng. 

  • Bây giờ cuộc sống của ông ra sao? 
  • Tôi đã theo đạo Công Giáo. Đã “ gác kiếm” sống hiền lành tử tế. 
  •  Như vậy là bạn đã từ bỏ tất cả và tình nguyện đi theo ông Giê-su? 
  •  Vâng. 
  • Nếu như vậy xin cho tôi hỏi một câu? 
  • Được! Anh cứ hỏi. 
  • Ông Giê-su mà anh theo đó. Người nước nào? Sinh ra và lớn lên ở đâu? 
  • Những điều bạn vừa hỏi, thực ra tôi không biết. Nhưng có một điều tôi biết chắc chắn, để  nói với bạn rằng: Chính nhờ giáo lý của Đức Giê-su đã cải tạo tôi, để rồi từ một người chồng nghiện ngập, chơi bời trác táng, từ một người cha tàn nhẫn, vô trách nhiệm nay tôi đã trở thành một ông chồng, một người cha hết lòng yêu thương chăm sóc bảo vệ  gia đình vợ con. Sống hiền hòa và sẵn sàng giúp đỡ  mọi người khi họ cần đến!

 Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giê-su hỏi các môn đệ một câu hỏi rất quan trọng, để các ông xác định lập trường và lý tưởng mà bước đi theo Ngài, đó là: “ Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”.

Nếu như ngày hôm nay Đức Giê-su cũng đặt ra câu hỏi này cho mỗi người  trong chúng ta thì câu trả lời mà chúng ta thưa cùng Ngài sẽ như thế nào? Đã hẳn là chúng ta đang tin Chúa, đi theo Chúa, tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ chúng ta. Nhưng chúng ta có thực sự để cho Đức Giê-su làm chủ cuộc đời mình, để Ngài dẫn dắt chúng ta trên đường lữ hành hay không?

Sứ điệp trong bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta khẳng định một điều hệ trọng cho cả cuộc đời của chúng ta. Đó là: Chúa chính là lẽ sống, là sản nghiệp của đời con. Vì thế, mọi tư tưởng, mọi hành vi, mọi việc làm trong đời sống hàng ngày chúng ta phải thực hiện với tâm tình quy hướng về Chúa, để cho Ngài  mãi mãi làm chủ cuộc đời của chúng con.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, Chúa đã sinh ra chúng con, hay nói cách khác; chúng con đã từ Chúa mà được sinh ra và chúng con phải thực hiện một cuộc hành trình để trở về với Ngài. Cuộc hành trình lữ thứ đó có thể ngắn, có thể dài theo sự an bài của Chúa. Nhưng chắc chắn trên đường đi của cuộc hành trình đó có rất nhiều những trở ngại chông gai. Xin luôn gìn giữ trợ lực để chúng con có thể vượt qua tất cả. Ngõ hầu cuộc sống nơi trần gian này chúng con chỉ biết phụng thờ Chúa và yêu thương anh em như Lời Ngài đã dạy. Amen.

 Sống Lời Chúa:

Chúa là trên hết trong trái tim tôi.

Đaminh Trần văn Chính

Tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô (28.09.2018)

Ngày 28.09: Lễ Nhớ Thánh ÐA MINH I-BA-NHÊ Ê-QUI-XI-A, GIA-CÔ-BÊ KI-U-XÊ-I TÔ-MÔ-NA-GA, linh mục, LÔ-REN-XÔ RU-I, giáo dân, và 13 anh em tử đạo

Trong bài Tin Mừng hôm nay, giúp chúng ta nhận ra Đức Giêsu: Người là Đấng Kitô Con Thiên Chúa, nhưng là Đấng Kitô chịu đau khổ, chứ không phải là Đấng Kitô vinh quang theo quan niệm trần thế mà các Tông đồ ngộ nhận và mong ước. Người đã vạch ra cho chúng ta thấy con đường cứu độ của Ngài chính là Thập Giá và mời gọi những ai muốn đi theo Ngài, hay là muốn làm môn đệ của Ngài thì hãy đi vào con đường Thập Giá ấy.

“Người ta bảo Con Người là ai?”

Chúa hỏi thế, xem ai trả lời

Môn đệ cùng đáp chung lời:

Gioan Tẩy Giả, một thời giảng rao

*

Ê-li-a sống vào kiếp trước

Giê-rê-mi-a ước dựng xây

Hay là Ngôn sứ ngày nay

Người của Thiên Chúa đến đây cứu đời

Đức Giêsu hỏi các môn đệ của Ngài một vấn nạn mà dân chúng đang xôn xao về Danh tánh của Ngài. Có kẻ cho rằng Ngài là một vị Ngôn sứ hoặc là Gioan Tẩy Giả. Nhưng điều mà Đức Giêsu quan tâm không phải là Danh tánh của Ngài đã được dân chúng thừa nhận hoặc suy tôn, nhưng là: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Đức Giêsu muốn nghe lập trường của chính các ông. Câu hỏi này đã khiến cho các môn đệ phải suy nghĩ không ít và ông Phêrô đã lên tiếng trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.

Chúa lại hỏi bằng lời thân thiết

Còn các con hiểu biết là ai?

Phêrô mau mắn thưa ngay

Thầy là Đức Chúa tràn đầy quyền năng

*

Con Thiên Chúa vĩnh hằng sự sống

Đến trần gian giải phóng tội khiên

Đem lại hạnh phúc bình yên

Cho người trần thế âm êm thuận hòa

 

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một hình ảnh về Kitô hữu. Kitô hữu là người vác thập giá của chính mình để đi theo Đức Giêsu vác thập giá. Vì thế hằng giờ hằng phút trong cuộc đời, chúng ta hãy sẵn lòng chấp nhận mang lấy khổ giá, để đi tới cái chết thiêng liêng, cái chết cho chính mình để rồi được sống lại và sống cho Thiên Chúa.

 

Tuyên xưng Thiên Chúa là Cha

Được vác thập giá chính là niềm vui

Sống cho trọn vẹn kiếp người

 Mai sau vinh phúc Quê Trời mãi luôn

 

Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa là Con Thiên Chúa, là Đức Kitô, là nguyên khởi và là cùng đích của cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con biết đặt niềm tin tưởng nơi Chúa và bước theo con đường Chúa đã đi, để chúng con cùng được chia sẻ đau khổ thập giá và vinh quang sống lại với Ngài. Amen.

 HOÀI THANH

Lòng Chúa Thương Xót (23.09.2016)

Thánh Padre Piô (1887-1968)

“Con Người phải chịu đau khổ nhiều,… bị loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại.” (Lc 9,22)

Vào một ngày tháng 11 năm 2014, tại trạm tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, có một người đàn ông mặc chiếc áo với dòng chữ “Bao cát thịt người, giá 10 tệ một cú đấm” và xin người khác đánh vào mình. Người đó là Hạ Quân, anh có đứa con trai mắc bệnh máu trắng hiểm nghèo. Sau khi bán hết tài sản và vay mượn số tiền lớn để chữa trị cho con nhưng không đủ, anh không còn cách nào khác bèn nghĩ ra cách này để mong có tiền chữa bệnh cho con. Tấm lòng của người cha yêu thương con vô bờ đã khiến nhiều người rớt nước mắt. Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, đã yêu thương con người vô hạn và luôn làm mọi cách để cứu độ con người, ngay cả việc phải hy sinh chính mạng sống Con Một của mình.

“Đức Giêsu Na-da-rét đã mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời nói, hành động và bằng cả bản thân Người” (Dung Mạo Lòng Thương Xót, số 1). Cao điểm lòng thương xót ấy chính là cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giê-su. Chúng ta được mời gọi nhận ra dung mạo của lòng thương xót nơi con người Đức Giê-su và sống lòng thương xót ấy nơi cuộc đời mình. Bằng cách đi con đường thập giá với Đức Ki-tô, là đón nhận những đau khổ, chúng ta góp phần cứu độ mình và cứu độ người khác.

Chúng ta tự nguyện vui vẻ hy sinh trong ngày để cầu nguyện cho một người nào đó, hoặc làm việc chia sẻ với một người đang gặp đau khổ, bệnh hoạn, nghèo đói…

Lạy Chúa Giê-su là Đấng giàu lòng thương xót, xin cho chúng con biết đón nhận những đau khổ trong cuộc đời mình bằng sự kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa, vì phần rỗi của con và của mọi ngưới. Amen.

BCT

“Anh em bảo Thầy là ai?” (25.09.2015)

Trải qua các thời đại cho đến ngày hôm nay, lời giảng dạy và hành động và cả chính con người của Chúa Giê-su đã khiến cho người ta không ngừng thắc mắc: Ngài là ai? Chúa Giê-su không cần các môn đệ nói mới biết ý kiến của người đương thời về Ngài. Điều cần thiết hơn cả là Ngài muốn các môn đệ nói lên chính họ nhìn nhận Ngài là ai. Ngài không muốn các môn đệ nhìn Ngài như người ta nghĩ, người ta tưởng về Ngài, mà trái lại Ngài muốn họ có một hiểu biết đúng Ngài là ai: “là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” và nhất là muốn họ có thái độ dấn thân quả quyết, dứt khoát để đi theo làm môn đệ của Ngài.

“Giờ này, đối với tôi, Đức Ki-tô là ai rồi?… Ngài còn là Ngài hay thôi?” Tôi đã thực sự biết Ngài và sống thiết nghĩa với Ngài như với Đấng là Thiên Chúa và là Chủ đời tôi? Hay tôi vẫn nhìn Ngài theo cảm nhận chủ quan, theo dư luận, quan điểm của thế gian?.

Lạy Chúa Giê-su, không ai có thể làm thay con, nhưng con phải tự mình khám phá khuôn mặt Chúa trong suốt cuộc đời con. Xin ban cho con đôi mắt trong sáng để nhận ra Chúa mọi nơi mọi lúc; và đôi tai mở rộng để lắng nghe tiếng Chúa gọi mời.

Xin giúp con sống điều Chúa dạy, để người khác cũng nhận ra khuôn mặt đáng yêu của Chúa nơi chính cuộc đời con. Xin giúp Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh chúng con có được chiều sâu nội tâm, để nhìn ra Chúa đang hiện diện trong chính anh chị em mình, hầu chúng con biết sống hết mình vì nhau.

BCT

Anh em bảo Thầy là ai? (26/09/2014)

“Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” Chúa Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” (Lc 9,19-20).

Suy niệm: “Anh em bảo Thầy là ai?”  Đây là câu hỏi hệ trọng đến cuộc đời  mỗi người, không chỉ ở đời này mà còn đời sau, được Chúa Giê-su đặt ra cho mọi người. Đây là câu hỏi đòi buộc tất cả phải trả lời. Câu trả lời không chỉ đến từ những kiến thức trong sách vở, mà còn phải đến từ kinh nghiệm đức tin cá nhân của mỗi người. Nếu trả lời câu hỏi này chỉ từ những vốn liếng kiến thức, thì chúng ta lạc đề, vì câu trả lời từ kiến thức dành cho câu hỏi “Người ta bảo Thầy là ai?” chứ không phải “Anh em bảo Thầy là ai?” Chỉ khi trả lời câu hỏi “Chúa là ai?” bằng kinh nghiệm đức tin của Giáo Hội và của mình, chúng ta mới sống đức tin vững mạnh, có thể giúp người khác hiểu biết Chúa Giê-su, và thờ phụng Ngài. Công cuộc tân Phúc Âm hóa đòi buộc ta làm mới lại đức tin của mình cũng vì lý do truyền giáo ấy. Do đó, rất cần các Ki-tô hữu dành thời gian cầu nguyện mật thiết với Chúa, hầu được biết Chúa Giê-su, và có thể loan báo Chúa cho mọi người.

Mời Bạn: Kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Chúa Giê-su rất cần thiết cho mỗi người và cho công cuộc tân Phúc Âm hóa: gặp gỡ Chúa qua việc đọc Lời Chúa với tâm tình cầu nguyện, qua các bí tích, đăïc biệt qua bí tích Thánh Thể và bí tích hòa giải, qua việc dấn thân phục vụ. Mời bạn đi vào cuộc gặp gỡ Chúa.

Sống Lời Chúa: Tôi cám ơn Chúa sốt sắng mỗi khi rước lễ.

Cầu nguyện: Đọc kinh Các thánh tử đạo Việt Nam.

Một thời và một đời

– Thông tin thi hài thánh nữ Agatha đã tồn tại hơn 1700 năm tại Ý bị kẻ xấu phá hoại khiến tôi cảm thấy tiếc nuối và đau buồn. Hành động như thế không ai có thể chấp nhận. Tôi tự hỏi, tại sao người ta không biết trân trọng sự thiêng thánh như thế? Người phá hoại rồi sẽ bị trừng phạt. Nhưng làm sao phục hồi lại được sự toàn vẹn của di sản tâm linh và lịch sử lâu đời ấy?

Đúng là không có gì vĩnh cửu! Chỉ có Thiên Chúa mới tồn tại muôn đời. Lời sách Giảng Viên hôm nay lại vang lên nhắc mỗi người về cuộc đời mình.

– Mỗi người chỉ có một đời để sống. Thế nhưng, chúng ta có nhiều thời điểm để làm nên sự toàn vẹn cho cuộc đời của chính mình. Biết mình đang ở thời điểm nào của cuộc đời là cần thiết. Bởi khi biết như vậy, người ta sẽ “đầu tư” đúng cách và đúng chỗ. Nếu không biết, có thể người ta sẽ bỏ phí nhiều điều quan trọng. Sách Giảng Viên đã cảnh báo con người về điều này rất rõ.

Cũng thế, mỗi chúng ta là một chấm nhỏ để làm nên lịch sử nhân loại này. Tuy là chấm nhỏ, nhưng mỗi người có đóng góp phần mình. Không ai là vô nghĩa khi được sinh ra trong trần gian. Thiên Chúa đặt để mỗi người theo cách của Ngài để cho trần thế này thêm phong phú.

– Đức Giêsu, Con Thiên Chúa cũng đã nhập cuộc như một phần không thể thiếu để cho thế gian được phục hồi sự sống. Trong “cuộc chơi trần thế” này, dù ngắn ngủi, Đức Giêsu đã để lại cho người cùng thời, và muôn đời sau đầy ngỡ ngàng và nhiều thắc mắc. Người ta nói Thầy là ai? Anh em bảo Thầy là ai?

Người Ki-tô hữu được mời gọi sống cuộc đời mình cách tích cực và đầy hy vọng, dẫu cho thế giới còn nhiều đau khổ và tội lỗi. Đó là cách đi theo Đức Giêsu đẹp nhất. Đó cũng là lời tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu mạnh mẽ nhất.

Cuộc đời con đã làm gì để thể hiện niềm tin vào Chúa?

Thời điểm này con sẽ làm gì để bước đi theo Chúa?

Lm. Giuse Mai Văn Điệp, OP