Bài 17 : Đức Kitô : Thương khó và Phục sinh (Tuyên xưng đức tin công giáo)

BÀI 17

CUỘC THƯƠNG KHÓ VÀ PHỤC SINH CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ

Lời Kinh Thánh

“Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi ân xá nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin.” (Rm 3,23-25)

Chúa Giêsu thực hiện công cuộc Cứu Thế bằng lời truyền giảng, bằng cuộc sống, nhất là bằng sự chết của Ngài trên Thập Giá. Thập Giá chính là nguồn ơn cứu độ.

chuaphucsinh.jpg

1. Kinh Thánh nói trước về công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu

Khi Chúa Giêsu khởi sự rao giảng Tin Mừng, dân chúng và nhất là giới lãnh đạo Do Thái mong Ngài sẽ là vị cứu tinh giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của Rôma. Nhưng họ thất vọng, vì Ngài chỉ nói tới cuộc giải phóng tâm linh.

Sợ sứ điệp của Chúa Giêsu làm dân chúng quên mất cuộc đấu tranh cho độc lập và nhất là lời giảng và hành vi của Ngài đụng chạm đến uy tín và quyền lợi của giới lãnh đạo. Vì thế họ quyết định thanh toán Người: “Các Thượng tế và người Pharisêu triệu tập một phiên họp Thượng hội đồng và nói: chúng ta phải làm gì đây ? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, thì mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá hủy cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” (Ga 11,47-48). “Các Thượng tế và người Pharisêu ra lệnh: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải phải báo cho họ đến bắt.” (Ga 11,57)

Chúa Giêsu biết rỏ những nguy hiểm đó, nhưng Ngài tự nguyện chấp nhận. Vì đó là Thánh ý của Thiên Chúa Cha” và cái chết của Ngài ứng nghiệm đúng các lời Kinh Thánh (Tv 68,62; Ga 19,28; Is 53,1; Mt 27,38; Tv 108, 25; Mt 27,39), “Chúa Cha yêu mến tội, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.” (Ga 10,17-18).

2.Cuộc thương khó của Chúa Giêsu

a.Chúa Giêsu tự hiến trong bữa Tiệc Ly

Dịp Lễ Vượt Qua đã gần, Chúa Giêsu cùng với các môn đệ họp mừng biến cố lịch sử này và đây cũng là bữa tiệc chia tay trước khi Ngài chịu chết. Đang bữa ăn, Chúa Giêsu cầm bánh và rượu, dâng lời chúc tụng, trao cho các môn đệ và nói: “Mời anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy. Mời anh em cầm lấy mà uống, đây là Máu Thầy. Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”. Ngay lúc đó với quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa, Chúa Giêsu biến bánh và rượu thành Mình và Máu Ngài để:

  • Làm lễ vật dâng lên Thiên Chúa Cha đền tội cho nhân loại
  • Tỏ bày sự hiến dâng tự nguyện Ngài sẽ thực hiện trên Thập Giá
  • Cho môn đệ được tham dự vào hiến tế cứu độ: Hiệp nhất với Thiên Chúa.
  • Cho mọi người thấy lòng yêu thương của Thiên Chúa: Ngài muốn hiện diện với con người.
  • Cũng từ đây, mọi người nhận ra sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu: “Con Người đến không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng là hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10,45)

b.Chúa Giêsu tự hiến trên Thập Giá

Khi đến “giờ”, Chúa Giêsu tự nguyện đón nhận Thập Giá và sự chết. Ngài chấp nhận trong lòng yêu mến và vâng phục vì yêu thương con người: “Vì ta, Đức Kitô đã sống phục tùng cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập Tự” (Pl 2,8). Chính tâm tình đó làm cho sự hiến dâng có giá trị tuyệt đối và Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết.

Sự hiến dâng của Chúa Giêsu trên Thập giá Mạc khải cho con người khuôn mặt Thiên Chúa tình thương, soi sáng cho thấy tội lỗi và sự ác thật khủng khiếp vì đã xô đẩy Thiên Chúa ra khỏi thế giới con người.

Trong Tiệc Ly cũng như trên Thập giá, chỉ là một sự hiến dâng. Nhưng trong Tiệc Ly Chúa Giêsu hiến dâng dưới hình bánh và rượu, còn trên Thập Giá, Ngài hiến dâng một cách hữu hình, có đổ máu qua sự chết của thân xác.

Mỗi khi cử hành Thánh Lễ, sự hiến dâng của Chúa Giêsu lên Thiên Chúa Cha được tưởng niệm và tái diễn dưới hình bánh và rượu như trong Tiệc Ly và trên Thập Giá, mang lại sự hiệp thông với Thiên Chúa, hướng tới tương lai lúc thời gian mãn kỳ mọi người đoàn tụ trong Nước Thiên Chúa: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa ngự đến.”

3.Chúa Giêsu phục sinh

Chúa Giêsu phục sinh, đó là niềm tin của người Kitô hữu và là một sự kiện lịch sử minh thiên:

  • Trong thời gian truyền giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã loan báo trước về mầu nhiệm phục sinh của Ngài: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy.” (Mt 17,22-23)
  • Tất cả bốn tác giả Tin Mừng đều xác nhận sự kiện nền tảng này. Thánh Mác-cô ghi lại rỏ ràng về ngôi mộ trống khi có mấy phụ nữ vào thăm vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần: “ Các bà tìm Đức Giêsu Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã sống lại rồi, không còn ở đây nữa, chỗ đặt Người đây này.” (Mc 16, 6-7)
  • Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần với các môn đệ: với bà Maria Mac-đa-la và bà Maria khác (Mt 28,1-10; Ga 20,21-17); với 11 môn đệ ở Galilê, trao cho các ông sứ mạng Tông Đồ (Mt 28,16-20); với hai môn đệ trên đường Em-mau và 11 Tông đồ (Lc 24,19-49); với các môn đệ trong phòng đóng kín và trên bờ hồ Ti-bê-ri-a (Ga 20,19-30)
  • Các môn đệ nhận ra vinh quang Chúa Giêsu Phục sinh và làm chứng những gì tai nghe, mắt thấy bất chấp lời đe dọa ngăn cản: “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20; 10, 40-43). Họ sẵn sàng đánh đổi cả cuộc đời cho niềm tin và rao giảng về Đức Kitô phục sinh.
  • Thánh Phao lô quả quyết: “Nếu Đức Kitô không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin anh em cũng trống rỗng … Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là kẻ đáng thương hơn hết mọi người.” (1Cr 15,14-19)
  • Đối với người Kitô hữu, Chúa Giêsu phục sinh là nền tảng đức tin và cần thiết để được cứu độ: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ.” (Rm 10,9)

4.Ý nghĩa cuộc thương khó và phục sinh của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu vô tội nhưng Ngài gánh lấy hậu quả của tội lỗi chúng ta. Ngài mang lấy hình phạt để trả lại cho chúng ta ân phúc và nên công chính trước Thiên Chúa: “ Chính các thương tích của Ngài đã chữa lành anh em.” (Ep 1,7).

Nhờ lòng yêu mến và vâng phục, Chúa Giêsu đã đền bù tội bất tuân của nguyên tổ, giao hòa ta cùng Thiên Chúa, trở thành con của Ngài. Ân phúc và Bình an Thiên Chúa lại đổ xuống tràn đầy trên ta: “Nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.” (Rm 5,15)

Sự phục sinh của Chúa Giêsu mở ra cho nhân loại niềm hy vọng được sống lại cùng Thiên Chúa trong cuộc sống vĩnh cửu: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người, nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người.” (2Tm2, 11-12a).

Qua Chúa Giêsu phục sinh, Thiên Chúa mạc khải rõ chủ quyền chủ quyền của Ngài trên sự sống và sự chết: “ Ta là Đấng Hăng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thưở muôn đời; Ta giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ.” (Kh 1,18).

Kết luận

“Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì kh6ong bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay, Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu.”

Câu hỏi

  1. Chúa Giêsu làm gì để cứu độ con người ?
  2. Sự tự hiến của Chúa Giêsu trong Tiệc Ly và trên Thập Giá, giống và khác nhau thế nào ?
  3. Những điểm nào cho thấy Chúa Giêsu Phục sinh là một sự kiện lịch sử minh nhiên ?
  4. Ý nghĩa cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *