Bài 18 : Đức Giêsu được tôn vinh và đưa vào đời sống mới (Tuyên xưng đức tin công giáo)

BÀI 18:

ĐỨC GIÊSU ĐƯỢC TÔN VINH VÀ ĐƯA VÀO ĐỜI SỐNG MỚI

Lời Kinh Thánh

“Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi. Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương- hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã phục sinh. Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm, tức là những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa, trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, nghĩa là thời ông Nô-ê đóng tàu. Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ nước. Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em. Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền (1Pr 3,18-22)

Thập giá chưa phải là cùng đích, nó chỉ là một chặng đường. Đích Thập giá hướng tới là sự phục sinh. Chúa Giêsu đã từ sự chết tiến tới phục sinh và lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa.

thangthien.jpg

1.Lên trời về bên Thiên Chúa

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu về bên Chúa Cha. Tuy nhiên, trong vòng 40 ngày chuyển tiếp, Ngài còn đến với các Tông đồ và các môn đệ nhiều lần để an ủi, củng cố lòng tin và trao ban các quyền cần thiết. Thời gian này còn giúp các ông làm quen dần với sự hiện diện của Ngài (Cv 1,3). Sau đó họ không còn thấy Ngài nữa, chỉ có thể gặp gỡ bằng đức tin. Ngài đã “lên trời”

Ngày tận thế, khi lịch sử loài người kết thúc. Chúa Giêsu lại tái hiện hữu hình trong vinh quang để xét xử thế giới và đưa những người được cứu độ vào cõi sống trọn vẹn của Nước Thiên Chúa: “ Hỡi những người Ga-li-lê sao còn đứng nhìn lên trời ? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến như các ông đã thấy Người lên trời.” (Cv1,11)

Về bên Chúa Cha, có nghĩa là Chúa Giêsu đi sâu vào tâm tình của Chúa Cha trong cuộc sống vô tận sau khi tự hạ trong cái chết khổ nhục, nay cùng chia sẻ vinh quang và uy quyền của Cha. Ngài là Cha của muôn loài, thống lĩnh và hướng dẫn mọi sự: “ Thiên Chúa đã đặt dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể hội thánh (Ep 1,22; Pl 2,6-11).

Ở bên Chúa Cha, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục công cuộc cứu thế bằng cách khẩn cầu cho nhân loại và chuyển thông ân phúc cho loài người. Còn công cuộc cứu thế dưới trần. Ngài trao cho Giáo hội được Ngài hướng dẫn qua Chúa Thánh Thần: “ Khi nào Thần Khí Chân Lý đến ngài sẽ dẫn anh em đến chân lý toàn diện.” (Ga 16,13)

2.Ngày quang lâm Người sẽ trở lại trong vinh quang

Đời sống của mỗi người đều có giới hạn, và cả thế giới cũng như lịch sử nhân loại rồi sẽ qua đi nhường chỗ cho một thế giới mới: Đó là ngày tận thế hay cánh chung.

Thiên Chúa là chủ thế giới và thời gian, chính Ngài ấn định giới hạn đó, chỉ mình Ngài biết “ngày giờ” sẽ đến: “còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các Thiên sứ trên trời hay cả Người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi.” (Mt 24,36)

Lúc đó Chúa Giêsu sẽ trở lại, nghĩa là Ngài trở nên hữu hình trong thế giới vinh quang và uy quyền, khác hẳn với xưa kia khi Ngài đến trong Bê-lem khiêm tốn.

Lần này, khi Ngài đến, cả vũ trụ sẽ rung chuyển, thế giới cũ qua đi, thế giới mới xuất hiện. Trong đó, không còn tội lỗi, đau khổ và sự chết: “ bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Lc 21,27; Mt 24, 29-30; 26,64).

a.Sống lại và xét xử

Với quyền năng của Thiên Chúa, Chúa Giêsu sẽ gọi người chết chỗi dậy ra khỏi mồ, thân xác họ sẽ được phục sinh hợp lại với linh hồn (1Cr 15,42-44). Sau khi mọi người sống lại, Chúa Giêsu sẽ tập hợp xét xử toàn thê loài người nhân danh Chúa Cha. Ngài sẽ công khai hóa tình trạng mỗi người và phân chia người lành với kẻ dữ. Cuộc xét xử tập thể long trọng và chung cuộc này gọi là “Phán xét chung” (Mt 25,31-46)

b.Thế giới được hoàn tất

Chúa Giêsu loan báo Nước Trời, nước đó đã lớn lên trong suốt lịch sử, nay đạt tới viên mãn: Lịch sử đã chấm dứt, vĩnh cửu tràn ngập khắp nơi. Từ nay, ý định cứu độ của Thiên Chúa đã thành tựu, công cuộc cứu thế của Chúa Giêsu đã hoàn tất, chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã đạt tới đích.

Trong tình trạng “vĩnh cửu” đó, từ nay con người được hiệp nhất thâm giao với Thiên Chúa, và tràn ngập sự sống của Ngài. Thiên Chúa ở trong ta, ta ở trong Thiên Chúa. Đó là hạnh phúc Nước Trời, sẽ không còn sa ngã, tội lỗi, chia ly, sự chết. Chỉ có sự bình an. Trong thiên Chúa, ta được tất cả những gì trước kia ta mong ước: “ Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người.” (1Cr 2,9)\

3.Thái độ của ta đối với ngày tận thế

Chúa Giêsu không cho ta biết chính xác “ngày giờ”, cho nên thái độ khôn ngoan nhất là “tỉnh thức” (Mt 24,42) và “sẵn sàng” (Mc 13,33). Vì giờ đó sẽ đến một cách bất ngờ: “ Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình đắm say tửu sắc, đa mang sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì ngày ấy sẽ ập tới mọi dân cư trên trái đất. Vậy anh em phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến, và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21, 34-36)

Tuy nhiên, trông chờ cuộc sống vĩnh cửu mai sau, không cho phép ta làm ngơ thế giới này, quên đi cuộc sống trần gian, tìm cách trốn thoát các thực tại hàng ngày. Vì đời sống có một ý nghĩa, tất cả những gì ta làm tốt bổn phận hiện tại, chính là chuẩn bị một cách vững vàng cho tương lai rực rỡ Thiên Chúa hứa ban.

4.Những thực tại cuối cùng của cuộc sống

Cuộc sống của ta có giới hạn, một ngày kia nó sẽ chấm dứt. Vậy những gì đang đợi ta ở cuối đường.

a.Chết và phán xét riêng

Mọi người đều phải chết, vì nguyên tổ đã phạm tội (Rm 5,12) sự chết xâm nhập vào thế giới thật khủng khiếp. Tuy nhiên, nhờ Chúa Giêsu, sự chết không còn bi thảm tuyệt vọng. Giờ chết là Chúa Giêsu gọi ta về ở với Ngài, là lúc gọi ta đến tính sổ (Mt 25,14-30).

Vì thế, ngay sau khi chết, ta sẽ gặp Thiên Chúa, đối diện với Ngài, Chúa Giêsu cho thấy toàn thể đời ta (tư tưởng, lời nói, việc làm…) kể cả những gì bí ẩn nhất. Số phận mỗi người sẽ được quyết định ngay sau khi xét xử (phán xét riêng): “ Mọi người chúng ta sẽ phải trả lời về mình trước mặt Thiên Chúa.” (Rm 14,12)

b.Thiên đàng- Hỏa ngục – Luyện ngục

Sau khi Thiên Chúa xét xử, mỗi người sẽ ở vào trong ba tình trạng: Thiên đàng, hỏa ngục, luyện ngục.

  • Những ai sống đời đức hạnh, chết trong ân phúc của Thiên Chúa, họ sẽ được đón nhận cho tham dự vào hạnh phúc vĩnh cửu. Đó là Thiên Đàng- tình trạng những người cứu độ, họ được tràn đầy sự sống của Thiên Chúa, hiệp nhất với Thiên Chúa Ba Ngôi, hạnh phúc này bất diệt vượt quá tất cả những gì hiện nay ta có gì hình dung được: “Nào, những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thưở tạo thiên lập địa.” (Mt 25,34).
  • Những ai không muốn sống trong ân phúc của Thiên Chúa, tới giờ chết họ vẫn khước từ tình thương của Ngài, họ sẽ vĩnh viễn xa lìa Thiên Chúa. Đó là hỏa ngục – tình trạng con người tự loại mình khỏi ơn cứu độ, họ không được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa, họ đau khổ, lương tâm dày vò, oán hận nguyền rủa chính mình và rơi vào tình trạng tuyệt vọng: “ Quân bị nguyền rủa kia, đi cho khuất mắt Ta mà vào hỏa ngục đời đời nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và các thần dữ theo nó” (Mt 25,41).
  • Có những người khi chết vẫn còn vướng mắc ít nhiều khuyết điểm, họ cần một thời gian trải qua một thời gian thanh luyện trong khi chờ đợi về bên Thiên Chúa. Đó là luyện ngục- tình trạng xa cách Thiên Chúa tạm thời, những người này sám hối tội mình và đầy lòng khao khát Thiên Chúa, họ đau khổ vì chưa được ở với Ngài, nhưng lại được an ủi vì biết mình sẽ được đón nhận vào chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu: “ Thầy cho anh em biết: anh em sẽ ra không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.” (Mt 5,25). Chúng ta có thể giúp các linh hồn đang thanh luyện bằng lời cầu nguyện, các việc đạo đức, nhất là dâng Thánh Lễ.

Thiên Chúa không muốn phạt ai, Ngài muốn mọi người được cứu độ và đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu (1Tm 2,4). Những kẻ chịu án phạt đời đời là những người cố tình chối bỏ Thiên Chúa và tự dấng mình vào con đường hư vong.

Kết luận

“Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã. Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời. Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Kitô Giêsu trên cõi trời. Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Kitô Giêsu, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người.” (Ep 2,4-7)

Câu hỏi

  1. Chúa Giêsu lên trời về bên Chúa Cha nghĩa là gì ?
  2. Khi Chúa Giêsu trở lại trong ngày Quang Lâm những gì sẽ xảy đến ?
  3. Thái độ của ta đối với ngày tận thế ?
  4. Những thực tại cuối cùng của cuộc sống con người ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *