Bài 33 : Sống theo ý Chúa (Đáp lại tình thương Thiên Chúa)

CHƯƠNG 2:
ĐÁP LẠI TÌNH THƯƠNG THIÊN CHÚA

Bài 33:

Yêu Mến Thiên Chúa Hết Lòng – Hết Linh Hồn – Hết Trí Khôn

(Giới luật : 1, 2, 3)

Lời Kinh Thánh

“Trước hết hãy tìm kiếm nước thiên chúa và đức công chính của người, còn tất cả những thứ kia, người sẽ thêm cho.” (Mt 6,33)

Đứng đầu mọi nghĩa vụ của con người là bổn phận tôn giáo đối với Thiên Chúa.

tencommandments.jpg

1.Tôn thờ một Thiên Chúa

“Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai – Cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.” (Xh 30,2-3)

Ý nghĩa giới luật thứ nhất

Tôn thờ Thiên Chúa là bổn phận của thụ tạo, Người là Đấng dựng nên ta và là Chúa ta. Chúng ta biểu lộ thái độ suy phục bằng hành động tôn thờ.

Giới luật thứ nhật chống lại hình thức tôn thờ tà thần. Chỉ mình Thiên Chúa đáng tôn thờ, Ngài là Chúa và là Đấng Thánh. Ngòai Thiên Chúa ra không còn Chúa nào khác. Mọi thần linh chỉ là sản phẩm của con người, do con người đặt ra, hoặc ngộ nhận tôn thờ như Tạo hóa (Tv 134).

Đặc điểm của việc tôn thờ Thiên Chúa

Tôn thờ Thiên Chúa đùng sự thật: Thiên Chúa đòi buộc con người tôn thờ Ngài đúng sự thật (Ga 4, 24). Do đó, người Ki – tô hữu lo tìm hiểu Lời Chúa để nhận biết Thiên Chúa một cách rõ ràng chính xác, tránh mê tín hay cuồng tín.

Tôn thờ Thiên Chúa bằng cả tâm hồn lẫn thể xác: Thiên Chúa là chủ toàn thể con người, vì thế, thân xác phải kết hợp với tâm hồn mà tôn vinh Thiên Chúa bằng những hành động và cử chỉ bên ngoài.

Tôn thờ Thiên Chúa một cách công đồng: chúng ta thuộc gia đình dân Chúa, nên cùng nhau hội họp để tôn vinh Thiên Chúa một cách công đồng. Chính Ngài chúc phúc cho những việc tôn thờ công đồng này (Mt 18,20)

2.Tôn kính danh Thiên Chúa

“Các ngươi không được lấy danh Ta mà thề gian: làm thế là (các) ngươi xúc phạm tới danh Thiên Chúa của (các) ngươi. Ta là ĐỨC CHÚA.” (Lv 19,12)

Trong Cựu Ước

Khi tỏ mình ra cho dân Do Thái, Tiên chúa tự đồng hóa với tên Người (xh 20,7; Lv 19,12). Tên Thiên Chúa cũng cao cả thánh thiện như chính Thiên Chúa, nên Thánh danh Người phải được tôn kính cách đặc biệt. Vì thế, danh Thiên Chúa, chỉ được nêu lên khi cầu khấn, không được lấy danh Thiên Chúa mà nguyền rủa, gọi theo thói quen, thiếu kính trọng.

Trong Tân Ước

Thiên Chúa đích thân tỏ mình nơi Đức Giêu-su Kitô chứ không chỉ tỏ mình trong một tên gọi như trong Cựu ước. Vì thế, danh “Chúa Giêsu” phải được tôn kính đặc biệt như danh Thiên Chúa, không được lấy danh Ngài để thề, làm chứng gian (Mt 5, 33 – 37). Vì khi nghe “danh Giêsu” mọi tạo vật phải qùy gối xuống (Pl 2,10) và đó là “danh hiệu trổi vượt trên mọi danh hiệu” (Pl 2,9).

Lòng tôn kính này còn bao trùm tất cả những gì liên quan đến Thiên Chúa như: Nơi thờ phượng, đồ thờ phượng, tượng ảnh Kinh Thánh….

3.Thánh hóa ngày chúa nhật

“Ngươi hãy nhớ lấy ngày hưu lễ để tác thánh ngày ấy.” (Xh 20,8)

Ý nghĩa ngày của Chúa

Trong Cựu ước: Ngày của Chúa là ngày nghỉ lễ (hưu lễ), tiếng Do Thái gọi là “sa-bát”, tức là ngày thứ bảy trong tuần. Người Do Thái thánh hóa ngày này bằng cách nghỉ việc và nhất là để cùng nhau hân hoan mừng Chua đã giải phóng dân Người khỏi ách nô lệ.

Trong Tân ước: Từ những năm đầu tiên của Giáo hội, các tín hữu đã chọn ngày Chúa Kitô sống lại (ngày thứ nhật trong tuần) là “Ngày của Chúa”. Trong ngày này, họ họp nhau cử hành Thánh Thể tưởng nhớ màu nhiệm ơn cứu độ đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô.

Thánh Hóa ngày Chúa Nhật thế nào ?

Tham dự Thánh Lễ: các ngày Chúa Nhậtvà Lễ Giáng Sinh buộc tín hữu tham dự Thánh Lễ để nghe Lời Chúa, giáo huấn của Giáo hội và cử hành Thánh Thể. Thánh lễ Chúa nhật là đỉnh cao của tuần lễ, đây là việc thờ phượng cao cả nhất ta có thể dâng lên Thiên Chúa, nhờ việc thờ phượng này, ta kết hợp với Thiên Chúa và cộng đòan một cách cụ thể và sâu xa hơn. Chính Thánh lễ mang lại cho ta ân sủng, sức mạnh, niềm vui để sống đạo suốt tuần.

Nghỉ ngơi: Ngòai việc tham dự Thánh lễ, cộng đoàn tín hữu còn “tránh” làm việc nặng nhọc. Giáo hội muốn tìn hữu được nghỉ ngơi về thể xác và dùng thời giờ để cầu nguyện, sống với nhau trong gia đình, thăm viếng bà con, bạn bè, làm công việc từ thiện. Ngày chúa nhật là ngày ta tỏ ra cởi mở hơn, quan tâm tới người khác hơn, là ngày hoàn toàn dâng hiến cho lòng mến Chúa yêu người.

Kết luận

“Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (Ga 14,21)

Câu hỏi

  1. Tại sao ta phải tôn thờ Thiên Chua ?
  2. Đặc điểm của việc tôn thờ Thiên Chúa ?
  3. Tại sao phải tôn kính danh Thiên Chúa ?
  4. Để tôn kính danh Thiên Chúa ta phải làm gì ?
  5. Ý nghĩa ngày của Chúa trong Kinh Thánh ?
  6. Phải làm gì để thánh hóa ngày Chúa Nhật ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *