Bài 35 : Xây dựng xã hội trong trật tự yêu thương (giới luật 5,7,8,10)

Bài 35: YÊU THƯƠNG THA NHÂN
XÂY DỰNG XÃ HỘI TRONG SỰ THẬT VÀ YÊU THƯƠNG

(Giới luật: 5,7,8,10)

Lời Kinh Thánh

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34)

Thiên Chúa đã ban cho con người một thân xác và một sự sống, cùng với những khả năng thể xác và tinh thần. Thiên Chúa muốn con người sử dụng chúng đúng mức để tôn vinh Ngài và đạt tới ơn cứu độ.

ungxu giadinh.jpg

1.Tôn trọng thân xác và sự sống (Giới luật 5)

“Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa. (1Ga 4,7)

Yêu thương bản thân

Giới luật 5 nhằm hướng tới 3 khía cạnh trong đời sống:

* Thể lý: Thiên Chúa đã dựng nên thân xác và ban cho sức sống nhờ linh hồn. Ngôi hai đã mặc lấy thân xác loài người. Chúa Thánh Thần đến ngự trong thân xác và biến thành đền thờ của Thiên Chúa. Sau này thân xác cũng sẽ được phục sinh trong vinh quang bất diệt. Chính vì thế, người tín hữu tôn trọng sự thánh thiện của thân xác, lo cho mình có của ăn áo mặc đầy đủ, nghỉ ngơi đúng mức để để bảo vệ sức khỏe. Không tự tử, tự ý cắt bỏ, gây ra những vết thương trên thân thể. Khi đau ốm phải lo chữa trị. Cũng không được đầu độc thân xác, giết hại thân thể bằng rượu, ma túy… Vì chỉ có một mình Thiên Chúa làm chủ sự sống.

*Về tinh thần: Ngoài thân xác, Thiên Chúa còn ban cho con người các cơ năng tinh thần. Mhờ chúng, con người vượt lên trên mọi thụ tạo khác. Do đó, cần phát triển các khả năng tinh thần bằng học hỏi, suy nghĩ, tìm hiểu. Tránh những gì có nguy cơ tổn hại tinh thần như: Thù oán, giận dỗi…

*Về đời sống tôn giáo: Nơi người tín hữu, ngoài việc nuôi sống thân xác và phát triển khả năng tinh thần , mỗi người cố gắng duy trì sự kết hợp với Chúa. Để đời sống tôn giáo phát triển, cần thường xuyên cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, loại bỏ những gì làm mất tình nghĩa với Thiên Chúa.

Yêu thương tha nhân

*Về thể lý: Tôn trọng sự sống tha nhân, không cho phép ta cố ý đả thương hay hủy hoại sự sống của người khác cho dù là thai nhi, hay rút ngắn sự đau đớn của người hấp hối. Khi bị uy hiếp tấn công, ta có quyền tự vệ trong giới hạn cần thiết, dù có thể gây nguy hiểm cho đối phương. Tôn trọng tha nhân còn loại trừ những gì làm cho cuộc sống những gnười chung quanh kém phần thoải mái như: gây ô nhiễm môi trường, buôn bán hàng dỏm, hàng giả…

*Về tinh thần: Người tín hữu có bổn phận đóng góp khả năng, sức lực, trí tuệ giúp xã hội thăng tiến, có phương iện phát triển khả năng tinh thần và sống xứng đáng với địa vị con người.

*Về đời sống tôn giáo: Người tín hữu cố gắng loan truyền Tin mừng cứu độ cho tất cả những người mình gặp gỡ, tiếp xúc, tránh làm những gì cho người khác xa Chúa bằng lời nói, gương xấu, hành động.

Kết luận

“Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy lạo trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô.” (Ep 4,29. 31-32)

2.Tôn trọng của cải người khác (Giới luật 7 và 10)

“Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian hại người. ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.” (Xh 20, 15-17)

Của cải vật chất là phương tiện để sinh sống, danh dự là những giá trị tinh thần. Mỗi người có quyền tìm kiếm nhưng đồng thời cũng biết tôn trọng của cải và danh dự người khác.

Hai giới luật 7 và 10 giúp con người thực hiện đức công bình, đặt nền tảng cho cách cư xử giữa con người với nhau. Có tôn trọng công bình, con người mới có thể sống hòa hợp với nhau được. Vì thế, hai giới luật này nghiêm cấm những vi phạm quyền sở hữu của tha nhân trong hành động và ước muốn.

Đức công bình buộc chúng ta tôn trọng của cải riêng củ tha nhân, tài sản chung xã hội. Không được cướp giật, chiếm đọat, tạo khế ước bất công, làm thiệt hại tài sản của người khác…Đức công bình buộc chúng ta đền trả hoặc bồi thường những gì mình đã gây thiệt hại.

Đức công bình còn buộc chúng ta tôn trọng danh dự của người khác, không được nghe hoặc nói xấu, xúc phạm đến danh dự, hạ nhục tha nhân. Ai đã xúc phạm cũng phải đền bù cách xứng đáng.

Giới luật 10 còn cấm những tội lỗi đức công bình trong lòng như: Tham lam, ước muốn chiếm đoạt, hoặc làm thiệt hại cho người khác.

Như vậy, để sống đức công bình, người tín hữu cố gắng tạo cho mình của cải chính đáng bằng công sức lao động của bản thân và chia sẻ cho những người túng thiếu, không để cho lòng tham biến mình thành nô lệ cho của cải, nhưng biết sử dụng của cải theo điều Thiên Chúa mong muốn.

Kết luận:

“Ai quen trộm cắp, đừng trộm cắp nữa, trái lại, hãy chịu khó dùng đôi tay của mình mà làm ăn lương thiện để có gì chia sẻ với người túng thiếu”. (Ep 4, 28)

3.Tôn trọng sự thật (Giới luật 8)

Nhưng hễ ‘có” thì phải nói ‘có”, “không” thi nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ. (Mt 5,37)

Giới luật này giúp con người sống ngay thẳng, nói và hành động đúng như điều mình nghĩ. Ngay thẳng là một cách tự trọng đồng thời cần thiết để con người có thể tin nhau.

*Không nói dối, ngay cả khi muốn làm ích cho người khác, hoặc để tránh khó khăn cho mình và nhất là với ý lường gạt cho người khác bị hại.

*Tôn trọng sự thật không cho phép vu khống, làm chứng gian, tiết lộ lỗi lầm còn giữ kín của người khác. Cần bênh vực danh dự cho những người chung qunah khi họ bị hạ nhục cách bất công.

*Tôn trọng sự thật đòi hỏi chúng ta suy nghĩ theo sự thật, không thành kiến, cố chấp.

*Tôn trọng sự thật và sống ngay thẳng đòi buộc chúng ta thành thực với chình mình, lời nói có tính cách xây dựng, biết lắng nghe và hành động đúng sự thật.

Thiên Chúa là chân lý, là sự thật tuyệt đối. Khi cố gắng sống theo tinh thần giới luật thứ 8, người tín hữu họa hình ảnh Thiên Chúa trong con người mình.

Kết luận

“Một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau.” (Ep 4,25)

Câu hỏi

  1. Tại sao ta phải tôn trọng thân xác và sự sống của bản thân mình ?
  2. Tôn trọng thân xác và sự sống bản thân như thế nào ?
  3. Yêu thương tha nhân, cần thực hiện những gì ?
  4. Giới luật 7 và 10 đòi buộc ta tôn trọng của cải và danh dự của người khác như thế nào ?
  5. Cần thực hiện những gì để tôn trọng sự thật và sống ngay thẳng ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *