Bài 37 : Năm giới luật của Hội Thánh

Bài 37
NĂM GIỚI LUẬT CỦA HỘI THÁNH

(Cập nhật theo luật hiện hành)

Lời Kinh Thánh

Chúa Giêsu nói với Si-mon Phê-rô: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16,18-19)

Sứ mạng của Giáo hội là tiếp tục công cuộc cứu thế của Chúa Giêsu. Ngoài nhiệm vụ truyền giảng Tin mừng và Thánh hóa. Giáo hội còn được Chúa Giêsu trao cho nhiệm vụ lãnh đạo để tìm phương thế hữu hiệu giúp người tín hữu đạt tới ơn cứu độ.

tn_mtc10.jpg

1. Giáo hội lập luật

a.Quyền lập luật của Giáo hội

Giáo hội là một tập thể xã hội hữu hình, nên có quyền lãnh đạo trong nội bộ. Hơn nữa, giáo hội còn được Chúa Giêsu ủy thác cho quyền này (lc 10,16; Ga 21,15. Mt 18,18). Do đó, giáo hội có quyền thiết lập luật lệ cho các phần tử của mình.

b.Mục đích luật lệ giáo hội

Luật của giáo hội đặt ra nhằm giúp người tín hữu có thể chu toàn bổn phận của mình theo đời sống và ơn gọi mỗi người, đồng thời làm sáng tỏ thêm các luật của Thiên Chúa.

2.Năm giới luật của giáo hội

Các luật lệ của giáo hội được trình bày trong bộ giáo luật gồm 7 cuốn và 1.752 khoản. Các điều luật triển khai giới luật của Thiên Chúa trong thực hành gồm 5 giới luật.

Giới luật 1

“Tham dự Thánh lễ Chúa nhật cũng và các ngày lễ buộc, kiêng việc xác và những hoạt động cản trở việc thánh hóa những ngày đó.

Giới luật này đã được đề cập trong giới luật 3 của Thiên Chúa: “Thánh hóa ngày Chúa Nhật”. Tuy nhiên, nơi đây minh định thêm : Ngoài các ngày Chúa Nhật, ở giáo tỉnh miền Bắc có bốn ngày lễ buộc gồm lễ Giáng Sinh, lễ Chúa Lên Trời, lễ Đức Mẹ Mông Triệu và lễ các Thánh Nam Nữ.

Tại Miền Nam chỉ một lễ buộc duy nhất là: “lễ Giáng Sinh”, và ba ngày buộc kiêng việc xác ngặt là lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh và lễ Chúa Thánh Thần. (Nếy chỉ vì lý do kinh tế thì không được làm)

Trong ngày này, chúng ta có bổn phận như ngày Chúa Nhật: tham dự Thánh lễ và nghỉ ngơi. Những trường hợp sau đây được kể là chính đáng miễn chuẩn việc tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật:

– Khi đau nặng, già yếu không thể đi được.

– Người bận công vụ: Quân nhân canh gác, y tá trực, tài xế lái xe chuyên chở công cộng…không thể sắp xếp thời gian thuận tiện hoặc người thay thế.

– Người coi nhà, giữ con nhỏ, xa nhà thờ, coi bệnh nhân không có người thay thế. Tuy nhiên, những trường hợp trên được miễn chuẩn khỏi tham dự Thánh lễ, nhưng không miễn làm việc tôn thờ Thiên Chúa. Vì thế, cần thực hiện các công việc đạo đức khác để thánh hóa ngày Chúa Nhật.

– Nghỉ lao động nhằm nhắc nhở con người đến cuộc Phục Sinh của Đức Kitô: Thiên Chúa giải phóng con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi và hậu quả của tội lỗi gây nên. Hơn nữa, sau một tuần lao động, con người cần có thời gian nghỉ ngơi, dùng thời giờ tôn vinh Thiên Chúa, cầu nguyện và thực thi công việc bác ái – “Lao động vì con người, chứ không phải con người vì lao động.” Những trường hợp sau đây được miễn chuẩn giữ luật nghỉ việc:

– Những người nghèo không có phương tiện nào để nuôi sống mình và gia đình, phải làm việc cả ngày Chúa Nhật.

– Những công việc khẩn thiết để tránh thiệt hại cho cá nhân và tập thể.

– Những dịch vụ cần thiết cho đời sống xã hội như: thông tin, điện lực… không có người thay thế.

Những người làm việc này có thể thánh hóa ngày Chúa nhật với ý hướng: Phục vụ tha nhân.

Giới luật 2 : Xưng tội một năm ít là một lần”.

Luật này chỉ buộc những người mắc tội trọng. Nhưng trong thực tế, những người mắc tội nhẹ cũng nên xưng tội để được thêm ơn trợ giúp và tránh phạm tội trọng.

Giáo hội chỉ buộc xưng tội hàng năm, chứ không chỉ định thời kỳ nào. Nhưng để chu toàn việc “lãnh nhận Mình Thánh Chúa trong mùa Phục Sinh”, tốt hơn nên thực hiện hai việc đó cùng với nhau.

Luật giáo hội chỉ quy định mức tối thiểu, nhưng giáo hội vẫn ước mong các tín hữu năng lãnh nhận ơn hòa giải với Chúa thường xuyên, nhất là mỗi khi mắc tội trọng, để tình nghĩa giữa ta với Thiên Chúa ngày càng thắm thiết.

Giới luật 3 : lãnh nhận Mình Thánh Chúa trong mùa Phục Sinh

Mùa Phục Sinh kể từ thứ tư lễ tro đến hết lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Trong thời gian kể là dài để dễ dàng thực thi giới luật này. Tuy nhiên, nếu trong mùa Phục Sinh bị trở ngại không thể xưng tội rước lễ được, thì sau mùa Phục Sinh vẫn phải giữ luật đó càng sớm càng tốt.

Khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu kêu gọi mọi người năng đến lãnh nhận Mình và Máu người (Ga 6,55). Cũng như hàng ngày cần ăn uống để nuôi dưỡng con trẻ, thì Mình và Máu Chúa Kitô cũng nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng trong tâm hồn như vậy. Giáo hội ước mong các tín hữu năng đón nhận “lương thực bởi trời” này mỗi khi tham dự Thánh lễ để được thực sự sống bởi Chúa và trong Chúa.

Giới luật 4 : Giữ chay và kiêng thịt những ngày giáo hội quy định”.

Luật giữ chay và kiêng thịt được giáo hội ban hành với mục đích áp dụng việc sám hối đền tội mà Chúa Giêsu đã kêu gọi “Nếu anh em không ăn năn trở lại, anh em sẽ hư đi” (Lc 13,3). Đó là phương thế tốt nhất để chúng ta đền bù tội lỗi. Vì trong cuộc sống, bổn phận này dễ dàng bị quên đi. Nên giáo hội có những quy định cụ thể giúp thực hiện việc ăn năn sám hối này.

Các tín hữu từ 14 tuổi trở lên giữ luật kiêng thịt, và từ 16-60 tuổi giữ luật ăn chay. Ở Việt Nam hiện nay, chỉ còn hai ngày giữ chay kiêng thịt: Thứ tư Lễ tro (bắt đầu vào mùa chay) và thứ sáu Tuần Thánh (trước lễ phục sinh).

Ăn chay có nghĩa ăn ít hơn ngày thường vào bữa ăn chính, mức độ bao nhiêu còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe con người. Tuy nhiên điều quan trọng không phải là tính tóan chi li tỉ mỉ về trọng lượng khẩu phần mỗi bữa ăn , nhưng nên chú trọng tới chay tịnh trong tâm hồn: tự chế lời nói, các cư xử, ộng lượng giúp đỡ tha nhân, ống an hòa với mọi người.

Giới luật 5 : Mỗi người theo khả năng, đóng góp cho các nhu cầu của Hội Thánh.

Luật này thể hiện trách nhiệm chung với cộng đoàn, trong việc xây dựng, tu sửa, và tham gia các hoạt động tông đồ bác ái. Nên nhớ, chính chúng ta cũng được thừa hưởng những đóng góp của cộng đoàn.

Luật buộc theo khả năng, nghĩa là không buộc khi không thể, ngược lại với người có điều kiện, thì đừng eo hẹp với cộng đoàn.

Kết luận

“Thưa anh em, anh em đã được Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi, thì hãy cố gắng hết mình, để làm cho các ơn đón ên vững ạmnh. Có thể, anh em sẽ không bao giờ vấp ngã, và nhờ đó, con đường rộng mở để đón nhận anh em vào Nước vĩnh cửu của Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng cứu độ chúng ta.” (2Pr 1, 10-11)

Câu hỏi

  1. Mục đích luật lệ Giáo Hội ?
  2. Tham dự Thánh lễ, nghỉ lao động ngày Chúa Nhật và lễ buộc có ý nghĩa gì ?
  3. Khi nào được miễn chuẩn “tham dự Thánh lễ” và nghỉ việc ?
  4. Giáo hội mong muốn thực hiện luật xưng tội và rước lễ như thế nào ?
  5. Mục đích của luật giữ chay và kiêng thịt ?
  6. Ý nghĩa việc đóng góp cho nhu cầu của giáo hội ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *