Bài 39 : Đời sống hàng ngày của Kitô hữu

Bài 39
ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY CỦA KITÔ HỮU

Lời Kinh Thánh

“Thưa anh em, Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” (Rm 12, 1-2)

Sống thánh thiện là bổn phận của một Kitô hữu, tất cả đều được mời gọi để diễn tả sự thánh thiện của Thiên Chúa nơi bản thân trong cuộc sống hằng ngày.

sg_trai2015b.jpg

1.THÁNH HÓA ĐỜI SỐNG

a.Bổn phận thánh hóa đời sống

Trong đời sống hằng ngày, mỗi tín hữu tùy theo địa vị, nghề nghiệp, đều có những bổn phận, trách nhiệm phải chu toàn. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, làm nghề gì, người tín hữu cũng phải luôn luôn nhắc nhở mình sống đúng tư cách là người đã tin Chúa và trung thành với lời hứa trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội là sống theo lời Chúa: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Mỗi người Kitô hữu được mời gọi để diễn tả sự thánh thiện của Thiên Chúa nơi bản thân mình.

b.Thánh hóa đời sống hằng ngày thế nào ?

Thánh hóa đời sống hằng ngày là đặt đời sống thường nhật của mình trong Thiên Chúa, và làm cho ngày sống thấm nhuần tình thương của Ngài khi bắt đầu ngày mới, các công việc làm trong ngày, để “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.” (1Cr 10,31).

c.Sống với Thiên Chúa

Người Kitô hữu không chỉ biểu lộ đức tin ở nhà thờ, lúc đoc kinh cầu nguyện nhưng còn diễn tả mọi nơi mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh. Để được như vậy, phải tập cho mình biết sống với niềm tin: Thiên Chúa hiện diện khi ta làm việc, cư xử, hành động. Ngài cũng cóm ặt trong niềm vui, nỗi buồn, thành công hay thất bại, đau khổ hay hạnh phúc, vì: “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chất cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa.” (Rm 14, 7-8) và “Chúa Giêsu là mọi sự trong tất cả” (Rm 8, 35-38)

Dĩ nhiên, không phải lúc nào ta cũng có thể thực hiện như thế, nên phải thường xuyên nhắc nhở mình, chẳng hạn: Khi bắt đầu một công việc, bắt đầu một ngày mới, hoặc trước một biến cố mới xảy ra.

2.NĂM PHỤNG VỤ CỦA GIÁO HỘI

a.Phụng vụ là gì ?

Phụng vụ là việc kính thờ. công đồng giáo hội kính dâng lên Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Kitô là thủ lãnh và dâng lên Chúa Kitô, đấng lãnh đạo mình qua những nghi lễ được cử hành theo các qui luật ấn định.

Phụng vụ gồm có: Thánh lễ, các bí tích và các giờ kinh phụng vụ.

b.Năm phụng vụ.

Năm phụng vụ là lịch trình 12 tháng, trong khoảng thời gian đó, Giáo hội lần lượt mừng kính các lễ thuộc mầu nhiệm cứu độ của chúa Giêsu để hướng dẫn và củng cố đức tin cho cộng đoàn dân Chúa.

Năm phụng vụ được phân chia thành năm mùa, bắt đầu từ Chúa nhật I Mùa vọng (khoảng đầu tháng 12), và kết thúc vào Chúa nhật 34 thường niên, nhằm lễ chúa Kitô vua vũ trụ.

+ Mùa vọng

Từ Chúa nhật I Mùa vọng đến 24 tháng 12, gồm khoảng 4 tuần lễ, giúp tín hữu chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa Kitô quang lâm và mầu nhiệm Con Thiên Chúa giáng trần.

+ Mùa giáng sinh

Từ 25 tháng 12 đến Chúa nhật sau lễ Hiển linh, gồm 2 tuần lễ điễn tả niềm vui nhân loại đón nhận con Thiên Chúa làm người.

+ Mùa chay

Từ thứ Tư lễ Tro đến hết Tuần Thánh, gồm khoảng 5 tuần lễ, giúp tín hữu có hoàn cảnh thuận tiện để thống hối tội lỗi, sửa đổi cuộc sống, chuẩn bị tâm hồn đón mừng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh.

Kết thúc mùa Chay là “Tuần Thánh”, mở đầu là Chúa nhật lễ lá – cuộc khải hoan của Chúa Giêsu vào thánh Giê-ru-sa-lem. Ba ngày cuối cùng của Tuần Thánh gọi là “Tam nhật vượt qua” (thứ 5, 6, 7). Trong ba ngày này giáo hội kính nhớ cuộc Thương Khó mà Chúa Giêsu đã trải qua để cứu độ con người.

+ Mùa Phục Sinh

(Từ Chúa nhật phục sinh đến lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống)

Gồm 7 tuấn lễ, diễn tả niềm hy vọng và vui mừng của Giáo Hội vì Chúa Giêsu đã phục sinh về trời nhưng vẫn còn lưu lại giữa con người bằng Thần Khí của Người.

+ Mùa thường niên (Mùa quanh năm)

Gồm 34 tuần lễ, mùa chờ đợi ngày Chúa trở lại vinh quang trong ngày quang lâm, được chia làm hai giai đoạn:

– Sau lễ Giáng sinh đến thứ 4 lễ Tro

– Sau lễ Chúa Thánh Thần đến lễ Chúa Kitô vui vũ trụ.

Các lễ mứng trong năm phụng vụ không phải chỉ là một kỷ niệm, nhưng còn giúp sống các biến cố đó trong hiện tại. Mỗi giây phút trong cuộc đời Chúa Kitô là một giầy phút cứu độ. Khi cử hành các biến cố trong “lịch sử cứu độ”, giáo hội muốn đem ơn cứu độ vào trong chính cuộc sống cụ thể của mỗi người chúng ta hôm nay.

Kết luận

“Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.

Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật đồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thấn khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãu làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (Cl 3,12-17)

Câu hỏi

1.Tại sao phải sống thánh thiện ?
2.Sống thánh thiện là gì ?
3.Thánh hóa đời sống hằng ngày thế nào ?
4.Thế nào là sống với Thiên Chúa ?
5.Phụng vụ và năm phụng vụ là gì ?
6.Phụng vụ có mấy thời kỳ, ý nghĩa mỗi thời kỳ ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *