Bài hát và suy niệm (06.11.2022 – Chúa Nhật XXXII Thường Niên năm C)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

NL: TÂM TƯ HÂN HOAN

ĐC: TỪ SỚM MAI

DL: HY TẾ CUỘC ĐỜI

HL: CHO CON THẤY CHÚA

KL: MẸ ĐẸP TƯƠI

Lời Chúa: 2Mcb 7,1-2.9-14; 2Tx 2,16-3,5; Lc 20, 27-38

Bài đọc 1: 2 Mcb 7,1-2.9-14

Bài trích sách Ma-ca-bê quyển thứ hai.

Hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm.  Thay mặt cho anh em mình, một người lên tiếng nói : “Vua muốn tra hỏi chúng tôi cái gì ? Vua muốn biết điều gì ? Chúng tôi sẵn sàng thà chết chẳng thà vi phạm luật pháp của cha ông chúng tôi.”

Khi sắp trút hơi thở cuối cùng, anh nói : “Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời.”

Sau người này, đến lượt người thứ ba bị tra tấn. Vừa được yêu cầu anh liền thè lưỡi, can đảm đưa tay ra,  và khẳng khái nói : “Tôi có được lưỡi này, tay này, là do Chúa Trời ban. Nhưng vì luật Chúa Trời, tôi coi khinh những thứ đó, và tôi hy vọng nhờ Chúa Trời, tôi sẽ lấy lại được.”  Nhà vua và quần thần phải sửng sốt vì lòng can đảm của người thanh niên đã dám coi thường đau khổ.

Người này chết rồi, người ta cũng tra tấn hành hạ người thứ tư như vậy.  Khi sắp tắt thở, anh nói như sau : “Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại. Còn vua, vua sẽ không được sống lại để hưởng sự sống đâu.”

Bài đọc 2: 2 Tx 2,16 – 3,5

Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

Thưa anh em, xin chính Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô, và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp,  xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành.

Sau cùng, thưa anh em, xin anh em cầu nguyện cho chúng tôi, để lời Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh, như đã thấy nơi anh em.  Xin cũng cầu nguyện cho chúng tôi được thoát khỏi tay người độc ác xấu xa, bởi vì không phải ai cũng có đức tin.  Nhưng Chúa là Đấng trung tín : Người sẽ làm cho anh em được vững mạnh, và bảo vệ anh em khỏi ác thần.  Trong Chúa, chúng tôi tin tưởng vào anh em : anh em đang làm và sẽ làm những gì chúng tôi truyền.  Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh em, để anh em biết yêu mến Thiên Chúa và biết chịu đựng như Đức Ki-tô.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 20, 27-38)

27 Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại.28 Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết.30 Người thứ hai,31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào.32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết.33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ? “

34 Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng,35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham,Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp.38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”

 

Sự sống lại

Các bài đọc cho chúng ta cơ hội để suy tư và cả thưởng thức về mầu nhiệm sự sống lại. Tiền nhân của chúng ta, những người chung quanh chúng ta, những người không tin Chúa hay chưa biết Chúa, họ mờ mịt trước đường về cõi sống vĩnh hằng. Khiến cho ý nghĩa cuộc đời của những người không có niềm tin càng tăm tối hơn. Còn chúng ta – người Ki-tô hữu, tin vào Chúa Giê-su Ki-tô là Đường về cõi sống vinh phúc vĩnh hằng. Cũng đồng nghĩa tin vào sự sống lại mà Đấng Cứu Thế ban tặng cho chúng ta nhờ sự phục sinh của Người. Bài đọc một cho chúng ta chiêm ngưỡng từ xa xưa đã có những niềm tin sắt son vào Thiên Chúa duy nhất và sự sống lại “nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời.” Những lời phát xuất tự con tim dù phải chết, nói lên sự xác tín mà không phải ai cũng có đủ sức, đủ sáng suốt để nói. Đây là cơ hội cho ta hồi tâm nhìn ngắm lại đức tin mình, chuyển mình cho vươn tới đời sống đức tin vững mạnh. Nhìn kìa, dù phải đánh đổi cả tính mạng, bảy người anh em và người mẹ thật anh hùng kia cũng sẵn sàng đánh đổi để giữ trọn lề luật Chúa. Trước sự đe dọa bắt chịu những cực hình và cái chết của vị vua ác độc, lời của họ đầy niềm xác tín vào Thiên Chúa và sự sống đời sau.

Trên đây, chính là ý nghĩa Chúa Thánh Thần muốn chúng ta ghi khắc vào lòng để bước vào ý nghĩa của bài đọc hai “Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp”. Đúng vậy, sống đức tin Ki-tô giáo mà không có, hay chưa có “niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp” thì chưa thật sự có đức tin vững mạnh. Hay nói cách khác, vì chưa có niềm trông cậy tốt đẹp, nên đức tin còn nhiều nỗi sợ: sợ bệnh tật, sợ gian khó, sợ hy sinh, sợ mất mát, sợ nguy hiểm, sợ vất vả nhọc nhằn, sợ sống nghèo nàn, sợ khổ nhục, sợ mất uy danh, sợ sa hỏa ngục, sợ cái chết, sợ Chúa như một hung thần v.v… là đức tin chưa trưởng thành, chưa thể phát huy hoa trái thần khí mà Chúa muốn nơi người con của Người. Là cành nho chưa tháp được vào thân nho một cách viên mãn, linh hồn chưa gắn chặt mình vào Chúa Ba Ngôi.

Bài đọc hai còn có một ý nghĩa độc đáo nữa “xin anh em cầu nguyện cho chúng tôi, để lời Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh,”. Điều này có nghĩa: một đức tin đầy niềm cậy trông phải hướng tới lòng khao khát cho Nước Chúa được rộng mở, Lời Chúa được tôn vinh nơi nhân sinh. Tức là được thêm nhiều người tin vào Chúa, coi trọng Lời Chúa và tích cực sống theo Chúa dạy. Thánh Phao-lô Tông Đồ xin người tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca cầu nguyện cho công cuộc truyền giảng Tin Mừng của ngài được phát triển. Nói lên tâm thức chân chính của một Tông Đồ, vừa thao thức mở rộng Nước Trời, vừa thể hiện lòng khiêm hạ làm gương cho chúng ta. Đây chính là con đường tiến đến sự sống lại và vinh quang miên viễn.

Đến bài Phúc Âm, qua ngòi bút của thánh Lu-ca, chúng ta nhận ra: trước trò thách đố vặt của những người thuộc nhóm Xa-đốc, sự khôn ngoan và thần tính của Chúa Giê-su được biểu lộ rõ ràng. Nhóm Xa-đốc nghĩ rằng sẽ bắt bí được Chúa Giê-su với câu chuyện bảy người anh em lấy một người phụ nữ theo lề luật Ít-ra-en. Cả bảy người đều lấy một người, thì người ấy là vợ của ai khi sống lại? Xem ra khó trả lời theo não trạng tự nhiên, nhưng cũng nhờ đó, chúng ta được Chúa Giê-su – Đấng hiện hữu từ muôn thuở, giải thích cho biết thêm về mầu nhiệm Nước Thiên Đàng. Người là Đấng quản trị vạn vật, nên hiểu tận tường chương trình của Thiên Chúa. Thiên đàng khi đó chỉ có các thiên thần, chưa có bóng dáng của con người. Chúa Giê-su thấu biết chương trình của Thiên Chúa, nên mới khẳng định cho con người về sự sống lại như thế nào. Điều mà một con người tự nhiên lúc bấy giờ không thể nào biết được. Một nơi, một cõi chỉ có đời sống tinh thần trong hoan lạc vô biên, trong mới mẻ và hạnh phúc miên trường. Những người được sống lại không còn “lấy vợ cưới chồng”, nghĩa là không còn đời sống tính dục, không còn cảm giác xác thịt như trên trần gian. Một đời sống thăng hoa thượng đỉnh tinh thần, do đó không còn phải chết mà được nâng lên như các thiên thần, được hiện hữu vĩnh hằng trong hoan lạc vô biên “Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần.”

Những ý nghĩa trên làm cho chúng ta suy tưởng đến đời sống của những vị thánh, các ngài tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc trong Chúa, hạnh phúc thanh cao của tinh thần đức tin. Cho dầu phải chịu thiệt phần thể xác, hay bị tước lột những nhu cầu cần thiết ở đời này, để đổi lại được có Chúa. Thì đối với các ngài đã là hạnh phúc lớn lao ngoài sức mong đợi “Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người.” (Pl 3,7-9a). Như vậy, đời sống tinh thần của các thánh đã mở đường cho các ngài bắt nhịp với hạnh phúc thiên đàng ngay ở trần gian. Trái lại, nếu chúng ta sống buông thả theo tinh thần thế tục, chạy đuổi theo những hư ảo xác thịt và dục vọng thường tình. Chúng ta sẽ càng ngày càng xa rời tinh thần của Chúa, cũng đồng nghĩa mất dần đi ân sủng của Người, tạo nên nguy cơ hiểm nghèo lao xuống vực thẳm dẫn tới sự trầm luân muôn kiếp.

Chân lý là như thế, nhưng trong thực tế cuộc sống, vì tự ái, vì tính tự nhiên và kiêu ngạo còn tiềm ẩn trong tâm thức. Chúng ta dù ý thức hay không ý thức đủ, sẽ âm thầm bị tác động vào suy nghĩ, lời nói, việc làm. Hoặc thỉnh thoảng lý trí không sáng suốt cầm cương, để cho bản năng ứng xử đi ra ngoài đường lối của Chúa. Người không chủ tâm theo đuổi đường nhân đức, ít hồi tâm xét mình, dễ bị ràng buộc, bị lôi kéo vào con đường thế tục, lún sâu vào nếp sống tự ái. Có thể đi đến mức sống ảo tưởng, sống giả hình mà không hay biết về tình trạng tâm linh của mình. Cái bẫy này các anh thường áp dụng cho những linh hồn không khao khát sống trọn lành, tự giới hạn ân sủng và bổn phận phải tích cực sống nhân đức của mình.

Hướng về sự sống đời đời, các con hãy nâng lòng khát khao lên mà nhiệt tâm tiến đức. Siêng năng hồi tâm để sớm phát hiện ra những khuyết điểm, tự ái, ham muốn sự đời hay đam mê thầm kín vẫn ở trong ta. Nhờ đó, biết hạ mình hơn trước Chúa, sống đời sám hối và cầu nguyện nhiều để được sống trong ơn nghĩa tình Chúa luôn mãi.

Đối với Thiên Chúa tất cả đều đang sống”, bởi vì đối với Thiên Chúa không có gì qua đi, không có con người nào chết cả. Tất cả đều hiện hữu trước tôn nhan Người, dù là kẻ sống hay kẻ chết, đời này hay đời sau, đối với con người. Cái chết của con người đối với Thiên Chúa là sự trầm luân đời đời, cái chết của linh hồn phải xa cách tôn nhan Chúa, đánh mất phần hạnh phúc được hiện diện bên Người trong cõi vĩnh hằng. Đây chính là sự mất mát lớn nhất, đau đớn nhất, để lại hậu quả nghiêm trọng nhất mà không làm sao khắc phục được sự bi thảm của nó đối với với số phận một con người. Sáu mươi năm cuộc đời hưởng thụ đánh đổi sự đau khổ khủng khiếp và tồn tại miên viễn, mà không còn hiện hữu với bất cứ thụ tạo nào. Có còn gì thảm hại hơn, đau đớn hơn, tuyệt vọng hơn?

Nguyện xin Thánh Tâm Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta trên con đường công chính và chân thật, cho xứng đáng được ở trong lòng Thánh Tâm Chúa Ba Ngôi đời đời. Amen.

Tình Yêu Hoa Cỏ

Thiên Chúa Của Kẻ Sống

Những người thuộc nhóm Sađốc chủ trương không có sự sống lại. Nhưng họ biết là Thầy Giêsu, những người Pharisêu và đa số dân chúng đều tin vào sự sống lại. Vì muốn bác bỏ niềm tin này, họ dựa vào luật Môsê, bịa ra chuyện trớ trêu về người phụ nữ có bảy đời chồng, một câu chuyện khá hấp dẫn để gài bẫy, bằng cách hỏi khó Thầy Giêsu, vừa chế giễu niềm tin vào sự sống lại và để bảo vệ chủ trương của họ: “Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ”? (Lc 20, 33).

Chất vấn thật khó xử như vậy, mà Thầy Giêsu lý giải thật minh bạch rõ ràng mọi nhẽ: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai… Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” (Lc 20, 34-38). Đời này người ta còn dựng vợ gả chồng, sinh con cái, tính toán làm ăn mưu sinh, còn có quy luật sinh-lão-bệnh-tử. Thầy Giêsu nói đến cảnh sống ở đời sau, khi sống lại người ta được thanh thoát như thiên thần, không ăn uống ngủ nghỉ, hoạt động về thể lý, không còn lệ thuộc vào những công lệ tự nhiên của trần gian như người đời. Thầy Giêsu chứng minh sự bất tử của linh hồn, Thầy giải thích thật hợp lý hợp tình. Tôi đang sống cuộc đời này thì cứ sống giây phút hiện tại cho thật đẹp, cần chi tìm lo biết nhiều về tương lai, có khi lại bê trễ đời hiện tại. Có câu hát rằng: “Ôi cuộc sống đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp, mùa xuân đâu chỉ có hoa thơm và nắng hồng. Cuộc đời còn có cả những nụ hôn”. Vâng, cuộc sống đời này không phải chỉ có cơm áo gạo tiền, nhưng cần có tình yêu. Và chỉ có Tình Yêu của Chúa mới lấp đầy nỗi lòng con người. Khi được no thỏa Tình Yêu thì lòng tôi hân hoan vui sướng, dù trong khó khăn đau khổ chẳng nề, sống quảng đại vị tha, khốn khó trở nên nhẹ nhàng vì có Tình Yêu. Giữa cuộc đời trần thế mà được Tình Yêu siêu nhiên nâng cao lên, đến độ biết hiến mạng sống mình vì người mình yêu, thể hiện ngay trong gia đình, nơi những người thân, những người mà tôi gặp gỡ. Như thế ngay cuộc sống đời này đã có dấu hiệu về sự sống đời sau. Nếu chúng con cảm nhận được cuộc sống tốt đẹp mai sau ngay trong đời hiện tại gắn bó với Chúa, chúng con sẽ minh chứng được rằng: “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” (Lc 20, 38).

 Én Nhỏ

Dùng Tạm Bợ Xây Vĩnh Cửu

1- Ghi nhớ: 

“Những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng” (Lc 20, 35).

2- Suy niệm: 

Chuyện kể rằng: Lúc ấy, trên sân trường, trong giờ giải lao, có nhiều học sinh đang chơi đùa, Cha giáo đi đến chỗ các em,Ngài nói:

– Bây giờ Cha đặt ra cho các con một giả thiết. Nếu như Chúa chỉ để cho các con sống một giờ đồng hồ nữa, thì trong giờ còn lại trên thế gian, các con sẽ làm gì?

Một em trả lời:

-Thưa Cha, con sẽ lập tức đi dọn mình để xưng tội ngay!

– Con sẽ nghỉ chơi,vào nhà thờ cầu nguyện trước Chúa GiêsuThánh  Thể.

Còn con Đaminh Saviô thì nói:

– Thưa Cha, con vẫn tiếp tục chơi, vì con đã chuẩn bị,đã sẵn sàng rồi Cha ạ.

 Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê su mặc khải cho chúng ta biết về sự sống lại và cuộc đời mai sau. Trong cuộc sống đó, Ngài nói chúng ta sẽ trở nên giống như các thiên thần. Do vậy, ta có thể hình dung là: người được phúc sống lại sẽ nhẹ nhàng thanh thoát và thánh thiện, không con khổ đau, đói khát, bệnh hoạn hay lo âu…. Những định luật và điều kiện của cuộc sống dương gian không còn có thể chi phối, chúng ta không còn bị lệ thuộc hoặc bị ràng buộc bởi chúng nữa. Có thể nói đó là một cuộc sống mới tràn đầy hạnh phúc, viên mãn triên miên trong tình yêu  Thiên Chúa.

Nhưng làm sao để đạt được cuộc sống ấy, bởi vì chính Chúa Giê su đã nói cuộc sống đó chỉ dành riêng cho những người “được xét là đáng hưởng” mà thôi. Vậy để được xét và đáng hưởng, Chúng ta cần phải chuẩn bị sống tốt ngay ở đời này bằng đời sống theo tinh thầnTám mối phúc, thực thi công bằng bác ái và tránh xa những cám dỗ của thế gian. Hay nói một cách khác, chúng ta hãy dùng cuộc sống tạm bợ ở trần gian này mà xây dựng cho mình cuộc sống vĩnh cửu sau này bằng cách lắng nghe Lời của Chúa mà đem ra thưc hiện mọi ngày trong cuộc sống dương trần này. Có như thế chúng ta mới được Chúa cho sống lại mà hưởng phúc trường sinh sau này.

Sống ở trần gian có nghĩa chi ?

                                   Nếu không biết sống để làm gì?

                                   Ngày qua, mê mải việc cơm áo

                                   Tháng lại, lo toan chuyện tiền tài

                                   Chỉ kiếm thú vui nơi trần thế

                                   Chẳng tìm hạnh phúc chốn Quê Trời

                                   Hết đời, nhắm mắt xuôi tay xuống.

                                   Ân hận, thì thôi quá muộn rồi!

 

3- Cầu nguyện

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã thương cho chúng con được làm người, lại còn cứu chuộc chúng con để chúng con đươc làm con cái Chúa và sau cuộc đời trần gian này lại còn cho chúng con hưởng hạnh phúc Thiên Đàng. Xin Chúa luôn giữ gìn che chở và ban cho chúng con sức mạnh, để chúng con hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Chúa đã trao ban và vượt qua mọi cám dỗ để xứng đáng hưởng hạnh phúc Nước Trời mà Chúa đã dành sẵn cho chúng con. Amen.

 4- Sống Lời Chúa :

Tiền bạc, danh vọng, nhan sắc… tất cả rồi cũng sẽ qua đi, chỉ còn việc lành, công đức mới tồn tại và có giá trị để chúng ta được xứng đáng hưởng Nước Thiên Đàng mà thôi.

                                                                                Đaminh Trần Văn Chính

 

1. Thiên Chúa của kẻ sống – An Phong

2. Chết là về cõi sống

3. Một mầu nhiệm lớn hơn chúng ta biết

4. Đời sau khác đời này

5. Có chăng một thế giới bên kia?

6. Sống lại – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

1. Thiên Chúa của kẻ sống – An Phong

Niềm tin vào sự sống đời sau vừa là một khát vọng, vừa là một điều khó khăn đối với con người. Khát vọng vì con người không cảm thấy bằng lòng với cuộc sống này; không thể chấp nhận những bất công còn đầy dẫy mà cuộc sống này không bao giờ có thể giải quyết hoàn toàn; không thể chịu đựng được sự phi lý vì những mất mát, chia lìa của cuộc sống nhân loại phải đón nhận. Khó khăn vì người ta dễ cảm thấy chắc tâm khi đạt được những thành công, tìm thấy những bảo đảm cho cuộc sống này để mình được sung sướng; hơn là “thả mồi bắt bóng” ở thế giới nào khác.

Những người Sađốc là những người muốn an tâm với những sung sướng rõ ràng như thế; vua Antioco và quần thần của vua thì tưởng ai cũng như thế, nên lấy những hình phạt thể xác để đe dọa các tín hữu.

Niềm tin của người kitô hữu không phải là khinh chê cuộc sống này để “thả mồi bắt bóng”, nhưng luôn qui chiếu đời sống của mình vào ngày Thiên Chúa hoàn thành chương trình cứu độ; khi đó Ngài “trả lại” những mất mát, Ngài hoàn thành những khát vọng, Ngài nối lại những chia lìa, Ngài biến đổi những giới hạn nên một “trời mới đất mới”.

Người ước vọng hạnh phúc đời sau không phải là người chán đời, bi quan; nhưng là những người tràn đầy lòng yêu thương, sống mãnh liệt niềm khát vọng thực hiện cuộc đời mình cho tốt đẹp hơn, muốn mang lại hạnh phúc cho người khác trọn vẹn hơn.

Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống, xác tín điều đó giúp cho người kitô hữu vượt qua lòng ích kỷ, thắng được sự nhát đảm và cảm nhận được giá trị của niềm vui đích thực, niềm vui “là con cái Thiên Chúa, bởi đã được sống lại”.

Tâm tình hiệp lễ

Vầng đông dậy, ánh hồng gieo rắc

Chốn thiên cung nhã nhạc vang hòa…

Ấy Vua Cả oai phong lẫm liệt

Cõi âm ty: hủy diệt tiêu tan.

Chân người dẫm nát tử thần

Tù nhân đau khổ ân cần đưa lên.

Đã im bặt câu than tiếng khóc,

Đã hết rồi cảnh ngục thê lương,

Sứ thần áo trắng vui mừng

Loan tin Chúa đã vui mừng phục sinh.

Xin cho mọi lòng thành hoan hỉ

Mãi muôn đời mừng lễ Vượt Qua

Tái sinh ơn nghĩa chan hòa

Vang vang khúc khải hoàn ca reo hò.

Muôn lạy Chúa Giêsu từ ái

Đấng lừng danh đánh bại tử thần.

Ngàn đời hiển trị muôn dân

Cùng Ngôi Thánh Phụ Thánh Thần quang vinh.

Thánh Thi Phục Sinh 

2. Chết là về cõi sống 

(Trích dẫn từ ‘Cùng Nhau Suy Niệm’ – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền)

Khi nhìn về kiếp nhân sinh thật mong manh và vắn vỏi, nhạc sĩ Trinh Công sơn đã từng thốt lên:

Con chim ở đậu cành tre

Con cá ở trọ trong khe nước nguồn.

Tôi nay ở trọ trần gian

Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời

Dẫu biết rằng cuộc đời này chỉ là quán trọ nhưng quán trọ cuộc đời này thật hấp dẫn, hấp dẫn đến nỗi ai cũng muốn níu kéo thời gian nơi quán trọ. Thế nhưng cho dù có bám víu, có cố công vun trồng những tiện nghi thật đầy đủ cho quán trọ cuộc đời này, rồi cũng có ngày phải từ giả tất cả để ra đi.

Vâng, thưa anh chị em, là người ai trong chúng ta cũng phải chết. Sự chết đó là định luật tất yếu của đời người. Có người chết vì bệnh tật, vì thiên tai, vì tai nạn. Có người chết khi tuổi đời còn rất trẻ và cũng có người chết khi tuổi đời đã vượt quá “thất thập cổ lai hy”. Sự chết dường như là mẫu số chung cho tất cả những con người đang sống trên mặt đất. Nhưng cái chết luôn luôn là bất ngờ, con người không bao giờ biết mình sẽ chết ngày nào và ở nơi nào?

Đôi khi chúng ta tự hỏi: Tại sao Chúa không cho mình biết trước ngày giờ mình sẽ ra đi để mình chuẩn bị đầy đủ hành trang về với Chúa? Để mình dẹp bỏ mọi công danh sự nghiệp, mọi danh lợi thú cho tâm hồn thanh thản bình an. Có lẽ Chúa không muốn điều đó. Vì Chúa vẫn tôn trọng tự do của con người, Chúa chỉ đòi hỏi chúng ta: Hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào chủ sẽ về, và cũng không biết khi nào kẻ trộm đến. Chúa đòi chúng ta phải tỉnh thức, phải nỗ lực làm tròn bổn phận mà Chúa đã trao phó. Tựa như một trận đá banh, nếu biết trước tỷ số, trận bóng sẽ nhàm chán và các cầu thủ sẽ thiếu trách nhiệm với bổn phận của mình trên sân cỏ. Một trận bóng chỉ đẹp khi mà các cầu thủ đều phải tỉnh thức, phải nỗ lực làm tròn trách nhiệm và chu toàn tốt vị trị được trao. Cuộc đời con người cũng vậy. Không biết lúc nào mình sẽ phải ra khỏi sân cỏ cuộc đời, nhưng chúng ta phải sống đầy đủ trách nhiệm của mình thì cuộc đời đó mới đẹp, mới xứng đáng được lãnh thưởng ân phúc mà Chúa sẽ trao ban cho ai tín trung với ngài.

Thế nhưng, trong niềm tin kytô giáo, chúng ta tin rằng bên kia sự chết đó là ánh binh của sự phục sinh, của sự sống vĩnh cửu bên Chúa. Sự chết không phải là hết. Chết là chuyển đổi sự sống thêm sung mãn hơn. Đó là sự sống trong Thiên Chúa hằng sống. Hơn nữa, Thiên Chúa tạo dựng con người không phải để chết mà là để sống đời đời. Cái chết thể xác chỉ là hậu quả của tội Adam. Nhưng Chúa Giêsu khi mang kiếp người Ngài đã phục sinh để kéo mọi người lên cùng Chúa. Ngài đi qua cái chết để vực dậy con người khỏi cái chết trầm luân bởi lạc xa tình Chúa nay được sống trong ân nghĩa Chúa.

Lời Chúa hôm nay khẳng định có sự sống đời sau. Sự sống đó không còn lệ thuộc bởi việc dựng vợ gả chồng vì con người đã tham dự vào sự sống bất diệt của Đấng hằng sống. Sự sống đó cũng không còn lệ thuộc bởi vật chất, hay bởi danh lợi thú vì con người không còn cảm thấy thiếu thốn mà đã đạt đến sự sung mãn trong sự sống thần linh của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Thiên Chúa hằng sống và con người là hoạ ảnh của Thiên Chúa, nên con người cũng được thừa hưởng sự sống thần linh của Chúa. Đây chính là niềm vui, là sự khích lệ cho cuộc đời chúng ta. Đau khổ cuộc đời này sẽ qua. Những khốn khó trần gian sẽ qua đi. Cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ. Sự sống thần linh mới là vĩnh cửu. Cuộc sống đó không còn những tranh chấp của danh lợi thú, không còn những khổ đau của thiếu thốn, không còn nước mắt của dòng đời bể khổ mà chỉ còn hạnh phúc viên mãn bên Chúa mà thôi.

Nguyện xin Chúa là Đấng hằng sống luôn nâng đỡ phù trì chúng ta trong tình thương quan phòng của Chúa. Amen. 

 

3. Một mầu nhiệm lớn hơn chúng ta biết 

(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ – Charles E. Miller)

Những mầu nhiệm là một phần của cuộc sống, những mầu nhiệm đó đã xảy ra trong hành tinh của chúng ta, đã được xoay vần với những khoảng cách chính xác của mặt trời, nếu không như thế một là chúng ta bị tiêu hủy trong ngọn lửa hoặc sẽ đông cứng thành băng? Vì sao trời đã mưa xuống và đất đã trổ sinh hoa trái? Và điều gì đã làm nên công việc tuyệt diệu ấy? Những điều kỳ diệu đó tâm trí con người chúng ta có thể miêu tả nhưng không thể hiểu hoặc cắt nghĩa. Một trong những điều kỳ diệu là nòi giống con người. Chúng ta là một sự kỳ diệu lớn nhất và là mầu nhiệm sâu xa nhất trong vũ trụ.

Chúng ta bắt đầu sự hiện hữu của mình trong thân xác mẹ của chúng ta như một phòng đơn độc nhỏ xíu có vẻ tầm thường, đã bám vào trong nhau của mẹ như một đặc ân quý giá của đời sống, đang tìm kiếm sự an toàn cư trú trong dạ của mẹ chúng ta. Chúng ta lớn lên và phát triển mỗi ngày rõ ràng hơn, thành một tạo vật mà Thánh Vịnh đoạn 8 đã miêu tả là nhỏ hơn các thiên thần một chút. Không phải những sự kỳ diệu này đã có thể trình bày những điều kỳ diệu lớn hơn chăng?

Không phải những người Pharisiêu trong bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay không tin vào sự Phục Sinh từ cõi chết. Họ nghĩ rằng họ đã đánh bẫy Chúa Giêsu và đặt một câu hỏi cho có vẻ giống như sự Phục Sinh thì không thể có. Một người đàn bà đã kết hôn với bảy người chồng hành sự. Một câu hỏi đặt ra là người đàn bà đó là vợ của ai sau khi sống lại. Cái sai lầm của họ là nghĩ về giáo lý của sự Phục Sinh có nghĩa là những người sống lại sẽ sống một đời sống xác thịt như đã được sở hữu trước khi họ chết. Chúa Giêsu trong một vài từ đã sửa chữa những sai lầm của họ bằng bài giáo huấn này, mặc dầu trước khi Phục Sinh chúng ta có nhỏ hơn thiên thần một chút nhưng sau khi Phục Sinh chúng ta sẽ giống như các thiên thần. Chúng ta sẽ có một sự thay đổi. Chúng ta sẽ qua một sự phát triển mà không giống như việc chúng ta ở trong dạ mẹ để sửa soạn cho ngày sinh của chúng ta.

Sự phát triển của chúng ta đang diễn ra ngay bây giờ, đặc biệt là qua sự tiếp nhận Thánh Thể. Chúng ta lãnh nhận Thân Mình và Máu của Chúa, Đấng đã chết và sống lại. Đó là Chúa của sự sống lại vinh quang, Đấng đã nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chúng ta, duy trì và làm phong phú ân sủng cho đời sống của chúng ta. Khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể chúng ta hãy nhớ rằng, lời hứa đã được củng cố bởi Lời của Chúa Giêsu: “Ai ăn Thịt và uống Máu Ta sẽ được sống đời đời, và Ta sẽ cho chúng sống lại vào ngày sau hết”. Chúng ta chờ đợi trong niềm hy vọng và vui mừng việc đến để cứu thoát chúng ta, và chúng ta sẽ nói với Người những lời đáp ca trong Thánh Vịnh: “Lạy Chúa khi vinh quang Ngài xuất hiện, niềm vui của chúng con được tràn đầy”. Niềm tin của sự Phục Sinh đã đem lại niềm hy vọng và can đảm cho những người đi trước chúng ta. Những người sốt sắng, giống như bảy anh em trong bài đọc đầu tiên hôm nay đã sẵn sàng đi đến cái chết để giữ vững đức tin của họ. Thật là kinh ngạc khi chính mẹ của họ van xin họ hãy chấp nhận cái chế. Tất cả những điều này đã xảy ra bởi Thiên Chúa đã ban cho niềm tin và hy vọng phục hồi viên mãn sự sống trong sự Phục Sinh vào ngày sau hết.

Chúng ta bị thách đố không phải để chết cho đức tin nhưng là để sóng theo đức tin của chúng ta. Thật sự, sự Phục Sinh của chúng ta diễn ra như một mầu nhiệm được ẩn giấu trong Thiên Chúa, khi chúng ta có thể bảo đảm rằng điều đó sẽ là một điều kỳ diệu lớn lao bởi vì chúng ta sẽ thông dự vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô.

4. Đời sau khác đời này 

(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)

Đức Cha Fulton J. Sheen trong tác phẩm “Trên đỉnh cao Thập Giá” đã kể rằng: Sau khi bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi Địa Đàng và gánh chịu hình phạt lao dịch, A-đam đã phải vất vả khổ cực tìm kiếm của ăn. Một lần kia, trên đường ra nương rẫy, A-đam vấp phải thân xác bất động của A-ben. A-đam nâng dậy vác con lên vai đưa về nhà đặt trong vòng tay E-và. Ông Bà lay gọi nhưng A-ben không đáp trả. Trước đây A-ben là đứa con ngoan, lanh lợi, không có trầm lặng như vậy. Ông Bà nâng tay A-ben lên, bàn tay lại rơi xuống đất bất động, trước đây A-ben không hề như thế. Ông Bà nhìn vào đôi mắt của con: lạnh lùng, trắng dã, vô tư một cách bí mật, trước đây đôi mắt của A-ben có vô tình như vậy bao giờ đâu. Ông Bà kinh ngạc, nỗi kinh ngạc tăng dần lên. Thế rồi hai Ông Bà chợt nhớ lời Thiên Chúa: “Ngày nào ngươi ăn trái cây này, ngươi sẽ phải chết”.

Cái chết của A-ben là cái chết đầu tiên của nhân loại. Khi Nguyên tổ phạm tội, Địa Đàng đã đóng ngõ cài then. Đau khổ và sự chết đã tràn vào thế giới và chảy dọc theo thời gian. Thiên Chúa đã sinh ra sự sống, nhưng tội lỗi đã khởi phát ra sự chết. Sống và chết là hai thái cực đối chọi nhau. Sự sống và sự chết đều là kỳ công của Thiên Chúa. Con người không thể làm ra được sự sống cũng không tài nào cản ngăn được sự chết. Thế giới càng văn minh thì Tử Thần càng xuất hiện dưới muôn hình vạn trạng khác nhau. Có cái chết êm đềm thư thái, có cái chết đau đớn khốn khổ, muốn chết không được, muốn sống không yên. Càng chạy trốn Tử Thần, thì Tử Thần càng đến gần. Càng tránh đau đớn thì đau đớn càng nhiều.

Ở mọi thời đại, cái chết vẫn là một mầu nhiệm thách thức lý trí con người. Tại sao con người lại phải chết? Chết là gì? Đó luôn luôn là những câu hỏi làm xao xuyến tâm não con người trong mọi không gian và thời gian. Sự chết là một đề tài suy niệm phong phú. Mỗi tôn giáo, mỗi con người nhìn và hiểu một cách tuỳ theo quan niệm của mình, tuỳ theo niềm tin, tuỳ theo chọn lựa và thái độ cuộc sống.

Đối với Ki-tô giáo chúng ta, Thiên Chúa là Chúa của sự sống, ý định của Người là thông ban sự sống chứ không phải sự chết. Vậy sự chết bởi đâu mà có? Kinh Thánh trả lời rằng: sự chết là hậu quả của tội lỗi ( Rm 5, 12; 6, 23 ). Nhưng Thiên Chúa “vì quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài để những ai tin vào Người Con ấy sẽ không phải chết nhưng được sống muôn đời” ( Ga 3, 16 ) và lời tuyên bố của Chúa Giê-su trước khi làm cho La-da-rô sống lại là một trong những lời kỳ diệu nhất: “Thầy là sự sống lại và là sự sống”. Lời mặc khải này có nhiều người tin vào Chúa, nhưng cũng không ít người nghi ngờ, không tin.

Bài Phúc Âm hôm nay kể về phái Xa-đốc không tin có sự sống lại, họ đặt ra những vấn nạn vô lý để chất vấn Chúa Giê-su. Họ trích sách Đệ nhị luật 25, 5-6 để hỏi Người: Nhà kia có 7 anh em trai. Người anh cả cưới vợ rồi chết không con. Theo luật Mô-sê, người em phải lấy chị goá để có con nối dõi, và cả 7 anh em đều chết không con. Khi sống lại, chị goá đó vợ sẽ là của ai?. Họ đưa ra ví dụ mà chẳng thể xảy ra trong thực tế. Trong thế giới mai sau, bà vợ thuộc về ai trong số 7 ông chồng? Chẳng lẽ 7 ông đánh nhau để dành 1 bà trên thiên đàng? Kiểu lý luận hàm ẩn một quan niệm, thế giới mai sau cũng như hiện tại, nối dài hiện tại. Người Việt Nam cũng vậy, thói quen đốt vàng mã, đốt đôla, đốt xe honda, đốt nhà lầu…cho người cõi âm xài…Người ta tin rằng thế giới mai sau cũng giống như thế giới mình đang sống cho nên người đã chết cũng cần xe, cần tiền…

Chúa Giê-su trả lời với hai nét độc đáo: thế giới mai sau là một thế giới hoàn toàn khác, hoàn toàn được biến đổi, và sự sống mới hoàn toàn được bắt đầu từ hôm nay.

Đời sau khác đời này. Người ta không lấy vợ gả chồng, không cần con nối dõi, nhưng sống như các thiên thần, chỉ lo phụng sự và ca ngợi Chúa. Đời sau không còn bóng dáng của Thần Chết. Con người thoát khỏi quy luật thông thường của lẽ tử sinh. Toàn bộ con người cả xác lẫn hồn được sống lại. Thân xác tuy đã tan thành tro bụi theo thời gian, nhưng sẽ được biến đổi cách kỳ diệu để chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với linh hồn. Bởi vì: “Đức Chúa là Thiên Chúa của Tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, đối với Người tất cả đều đang sống”.

Qua mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh sắp tới, Đức Giê-su sẽ hoàn tất mạc khải này. Đức Giê-su đã chiến thắng sự chết bằng chính cái chết trên Thập Giá và Người đã sống lại để trao ban sự sống mới, sự sống của Đấng Phục Sinh. Chính bởi sự yêu mến, vâng phục và dâng hiến nên cái chết của Chúa Ki-tô là một sự chiến thắng, bẻ gãy mũi nhọn của thần chết ( 1 Cr 15, 14 ). Thánh Phê-rô đã nói một cách sâu sắc: “Tội lỗi của chúng ta, chính Đức Ki-tô đã mang vào thân thể, mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết với tội lỗi, chúng ta được sống cuộc đời công chính” ( 1 Pr 2, 24 ).

Vì Đức Giê-su đã thắng được những xao xuyến, thắng được những tuyệt vọng, nên Người đã biến cái hố thẳm hay biển cả mênh mông ngàn trùng xa cách giữa con người và Thiên Chúa thành biển cả tình thương liên kết hiệp nhất Thiên Chúa và loài người. Đức Ki-tô đã trở nên con đường giao hoà và Thập Giá Đức Ki-tô đã trở thành như chiếc thang nối liền trời và đất, kết hợp Thiên Chúa và loài người. Yếu tính sự chết đã được biến đổi. Sự chết không còn là tang tóc nữa mà đã trở thành Lễ Vượt Qua để tiến tới Vinh Quang Thiên Quốc. Từ nay Đức Giê-su không còn lệ thuộc vào thân xác vật chất nữa, những gì thuộc về thân xác vật chất đều đã chết trên Thập Giá. Chúa Ki-tô đã được Thần Khí hoá ( Rm 8, 11; 1 Pr 3, 18 ), và sự sống của Người thuộc về Thiên Chúa ( Rm 6, 10 )

Niềm tin vào Đức Giê-su, Đấng đã chết và sống lại là niềm tin cao cả nhất. Khi trái tim một người Ki-tô hữu ngừng đập thì chuông Nhà Thờ vang lên báo tin cho mọi người biết linh hồn một người đã được Chúa gọi về. Nghe chuông báo tử, mọi người đến tang gia để thăm viếng, phân ưu, đọc kinh cầu nguyện, tham dự nghi thức tẩm liệm, cùng đưa người chết đến Nhà Thờ. Linh cửu được đặt ngay trước Nhà Tạm của Chúa Giê-su. Cây nến Phục Sinh tượng trưng cho sự sống lại của Chúa và của những ai theo Người được thắp sáng lên đặt cạnh quan tài. Thánh Lễ được cử hành để hiệp thông cầu nguyện cho người chết, nói lên việc Giáo Hội trân trọng với cả xác chết. Đại diện cho Giáo Hội là Linh Mục tiễn đưa người quá cố từ Nhà Thờ đến Đất Thánh, làm phép huyệt để thánh hoá nơi người chết an nghỉ và nói lên niềm hy vọng tuyệt vời: “Chúng ta gởi thân xác người thân yêu ở lại đây, đợi ngày sống lại gặp nhau trên Thiên Đàng.”

Sự chết và sự sống lại của Chúa Ki-tô không những đã chuộc lại được cho con người những gì nó đã mất vì tội lỗi, nhưng còn là một cuộc sáng tạo. Bởi vì nhờ sự chết và sống lại của Người mà nhịp cầu liên kết giữa Thiên Chúa và con người được nối lại và một tương quan mới được thiết lập, đó là tương quan Cha Con. Nhờ cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Ki-tô, con người được tha thứ, được gội rửa sạch tội lỗi, khỏi án chết đời đời và trở nên con cái Thiên Chúa. Từ nay con người được gọi Thiên Chúa là Áp-ba, Cha ơi ( Rm 8, 15 ).

Tin và sống trong ân tình của Chúa Ki-tô chính là chiến thắng sự chết, chính là đã mang trong mình mầm sống của sự sống đời đời: “Ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ chết” (Ga 11, 26; 1 Ga 3, 14). Không bao giờ chết chính là không bao giờ mất sự hiện hữu trong tương quan với Thiên Chúa, không bao giờ mất sự sống trong tương quan ân tình với Người. Niềm tin vào sự sống mai sau đem lại cho chúng ta niềm vui và hy vọng. Niềm tin ấy mang lại ý nghĩa cho cuộc đời và cho mọi sinh hoạt của chúng ta hôm nay. Niềm tin đó thôi thúc chúng ta sống theo Tin Mừng Chúa Giêsu. Niềm hy vọng ấy thôi thúc chúng ta hy sinh cầu nguyện nhiều hơn, siêng năng dâng lễ, làm việc lành phúc đức nhiều hơn trong tháng 11 nầy để cầu cho những người thân yêu và các tín hữu đã ra đi trước chúng ta được về quê trời vui hưởng hạnh phúc ngàn thu.

Thiên Chúa dựng nên con người để con người được hưởng hạnh phúc đời này và cả đời sau. Sống là một cuộc hành trình tiến về đời sau. Đừng mải mê với những hạnh phúc mau qua, những lạc thú chóng tàn mà quên đi cùng đích cuộc đời là gặp được Chúa. Hạnh phúc duy nhất và cũng là quan tâm duy nhất của người sống đời sau là được ở gần Chúa để phụng thờ Người.

Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và chúng con còn khắc khoải mãi cho đến khi được an nghỉ trong Chúa (Thánh Augustinô). Amen.

 

5. Có chăng một thế giới bên kia? 

(Trích dẫn từ ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm Ignatio Trần Ngà)

Sau khi Raymond Moody xuất bản quyển Life after life (Cuộc Sống sau cõi đời nầy) vào năm 1975, công chúng phương Tây ngày càng quan tâm đến kinh nghiệm cận tử (tạm gọi là trải nghiệm sự chết đi sống lại). Có một số người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã được giới chuyên môn về y khoa xác nhận là đã chết lâm sàng và thi thể của họ được đưa vào nhà xác. Nhưng sau đó họ hồi sinh.

Năm 1982, George Gallup ước lượng có khoảng 8 triệu người ở Mỹ và 23 triệu người trên toàn thế giới đã trải qua kinh nghiệm nầy.

Những năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và Mỹ rất chú ý đến hiện tượng nầy. Họ đã phỏng vấn 1,370 người trải qua kinh nghiệm cận tử. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí, như sau:

– Có một cuộc sống khác ở “cõi bên kia” và cuộc sống đó hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.

– Điều đặc biệt là sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không còn ham muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người. (Willie Hoffsuemmer).

Bác sĩ George Rodonaia, có học vị tiến sĩ trong ngành thần kinh học (về sau nầy cũng là một tiến sĩ tâm lý học tôn giáo) vốn là công dân Liên Xô, nhập cư vào Mỹ năm 1989. Ông là chuyên gia nghiên cứu về thần kinh tại Đại học Moscow. Ông đã trải qua một kinh nghiệm cận tử đặc biệt nhất được ghi nhận từ trước đến giờ. Ông được giới y khoa xác nhận là chết ngay lập tức sau một vụ tai nạn ô tô vào năm 1976, được đưa vào nhà xác và được quàn tại đó trong ba ngày. Ông vẫn không hồi sinh cho tới khi bác sĩ tiến hành giải phẩu phần bụng như một phần của công tác khám nghiệm tử thi.

Ông thuật lại trải nghiệm về cuộc sống bên kia và xác quyết rằng chính biến cố nầy khiến ông đổi đời tận gốc rễ.

Trước khi trải qua kinh nghiệm cận tử, ông vừa là bác sĩ vừa là một nhà thần kinh học, và là người theo chủ nghĩa vô thần. Vậy mà sau lần chết đi sống lại đó, ông chú tâm học bộ môn tâm lý học tôn giáo, nhận bằng tiến sĩ tâm lý học tôn giáo. Sau đó ông trở thành tín đồ thuộc giáo hội Eastern Orthodox. Hiện nay, ông là mục sư tại nhà thờ the First united Methodist ở Nederland, bang Texas, Hoa Kỳ. (nguồn: Tổ Chức Nghiên Cứu Về kinh nghiệm cận tử (Near Death Experience Reseach Foundation. (http://www.nderf.org/Vietnamese/index.htm)

Có chăng một cuộc sống đầy hoan lạc ở ‘cõi bên kia’ như những người trải qua kinh nghiệm cận tử xác quyết?

Những người thuộc phái Xa-đốc không tin điều đó. Họ dựng lên một kịch bản một vợ bảy chồng để phi bác niềm tin vào sự sống đời sau.

Chúa Giêsu Dạy Cho Chúng Ta Biết Có Sự Sống Đời Sau

Khi những người thuộc phái Xa-đốc đến chất vấn Chúa Giêsu về sự sống lại, Chúa Giêsu khẳng định có sự sống đời sau. Ngài dạy rằng có những người được xét là đáng được hưởng phúc đời sau thì không còn chết nữa. Họ giống như các thiên thần (câu 36). Rồi Ngài cũng trích dẫn sách thánh, đoạn sách nói về Thiên Chúa hiện ra với Mô-sê trong bụi gai, để chứng tỏ rằng Abraham, Isaac và Gia-cóp dù đã từ trần từ lâu nhưng vẫn còn đang sống. Mà nếu các vị nầy còn sống, tức là có sự sống đời sau.

Trong dụ ngôn về ngày phán xét cuối cùng, Đức Giêsu cũng tỏ cho thấy kẻ dữ thì “phải ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng lấy sự sống muôn đời.” (Mt 25,46) Như thế, Chúa Giêsu tỏ cho thấy không những có cuộc sống đời sau mà còn cho biết cuộc sống đó sẽ kéo dài “muôn đời muôn kiếp.”

Cuộc Đời Của Đức Giêsu Minh Chứng Cho Sự Sống Lại

Ngoài những lời dạy của mình, Chúa Giêsu còn dùng cả cuộc đời của Ngài để minh chứng cho thấy có cuộc sống đời sau.

* Nếu không có cuộc sống đời sau, không có thiên đàng hoả ngục, con người chết rồi là hết, chỉ còn là bụi đất… thì Chúa Giêsu chịu khổ nạn để làm gì? Máu Chúa Giêsu đổ ra hoàn toàn vô ích.

Nhưng chính vì để cứu con người khỏi hư mất và đem lại cho họ sự sống hoan lạc đời sau nên Con Thiên Chúa đã xuống trần, chịu vô vàn đau thương khổ luỵ và chấp nhận trả bằng giá máu để chuộc lấy con người.

* Chúa Giêsu, dù là Thiên Chúa quyền năng, nhưng đã trở nên hoàn toàn là người như chúng ta, đã sống như chúng ta, đã chết như chúng ta nhưng rồi Người đã từ trong cõi chết sống lại và lên trời vinh hiển.

Sự kiện Chúa Giêsu sống lại chứng tỏ cho chúng ta biết có sự sống đời sau và những ai gắn bó với Chúa Giêsu, trở nên chi thể trong Thân Mình Người thì cũng sẽ được sống lại như Người.

* * *

Niềm tin vào sự sống mai sau đem lại cho chúng ta niềm vui và hy vọng. Niềm tin ấy mang lại ý nghĩa cho cuộc đời và cho mọi sinh hoạt của chúng ta hôm nay.

Ước gì niềm tin nầy thôi thúc chúng ta sống theo đường lối Chúa Giêsu để rồi chúng ta sẽ đạt đến nơi mà Người đã đến. Ước gì niềm hy vọng nầy cũng sẽ thúc đẩy chúng ta hy sinh cầu nguyện nhiều hơn, siêng năng dâng lễ nhiều hơn trong tháng 11 nầy để cầu cho ông bà cha mẹ và các tín hữu đã ra đi trước chúng ta được về quê trời vui hưởng hạnh phúc ngàn thu.

 

6. Sống lại – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt 

Trong chương trình “Những điều bạn có thể chưa biết” của đài VTV3 có tường thuật một trường hợp lạ lùng: Một phụ nữ bị nhồi máu cơ tim. Chị tắt thở. Chị đã chết. Nhưng nhiều giờ sau, chị tỉnh lại. Các bác sĩ hỏi chị đã thấy gì trong thời gian ấy. Chị trả lời: chị thấy mình như bay bổng lên cao, và từ trên cao chị nhìn xuống thấy các bác sĩ, các y tá đang chăm sóc cho mình, nhìn thấy thân xác mình nằm bất động, nhìn thấy thuốc men, dụng cụ y tế. Chị cũng nhìn thấy một chiếc giày tennis cũ màu xanh da trời, đế giày bị mòn ở mép trong bàn chân, giây giày màu trắng, đầu một sợi dây thòng xuống dưới đáy giày. Nghe lời tả rất chi tiết của chị, vị bác sĩ chuyên điều tra băn khoăn để ý tìm kiếm. Một hôm vị bác sĩ đi qua tòa nhà đối diện nhìn sang bệnh viện, bà giật mình kinh hãi vì thấy ở tầng ba của tòa nhà, trên một gờ xi măng rất cheo leo, có một chiếc giày tennis cũ ai đã đặt ở đó tự hồi nào. Vị bác sĩ quan sát kỹ lưỡng và thấy chiếc giày giống từng chi tiết với chiếc giày mà người chết kể lại: chiếc giày vải cũ màu xanh, đế giày mòn ở mép trong, dây giày màu trắng, đầu một dây thòng xuống nằm ở dưới đáy giày.

Đó là một trong 1370 trường hợp trở về từ cõi chết mà các bác sĩ Đức và Mỹ đã điều tra. Theo những người có kinh nghiệm về cái chết này thuật lại thì: Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này. Và sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai muốn kiếm tiền bạc, danh vọng, lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người. Tất nhiên đây chưa phải là bằng chứng chắc chắn về việc người chết sống lại. Nhưng nó rất gần với mặc khải của Lời Chúa hôm nay. Và kinh nghiệm hiếm có của họ rất có thể hữu ích cho ta. Kinh nghiệm của họ nói với ta hai điều:

1) Có cuộc sống khác ở bên kia cái chết. Kinh nghiệm của họ phù hợp với niềm tin dân gian, nhất là của người Việt Nam vẫn tin rằng: thác là phế thách, còn là tinh anh. Vì tin có sự sống ở bên kia cái chết mà chúng ta mới thờ kính tổ tiên, cúng quảy, giỗ chạp.

Niềm tin ấy phù hợp với giáo lý của Chúa. Khi Môsê thấy Chúa hiện ra trong bụi gai cháy đỏ. Ông hỏi Chúa là ai. Chúa trả lời: “Ta là Thiên Chúa của Abraham, Isaác, Giacóp”. Vào thời của Môsê, Abraham đã qua đời được 5, 6 trăm năm. Vậy mà Chúa vẫn tự giới thiệu là Thiên Chúa Abraham, tức là Abraham vẫn sống, đang sống bên Chúa. Vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của người sống chứ không phải Thiên Chúa của kẻ chết.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhiều lần nhắc đến cuộc sống sau cái chết như dụ ngôn người giàu có và Lagiarô, trong dụ ngôn về ngày phán xét, dụ ngôn lúa đồng và cỏ dại.

Theo thánh Phaolô, cuộc sống đời sau mới là đích điểm mà mọi tạo vật nhắm tới. Trong thư Rôma, Ngài viết: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt phải chịu vậy. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến nay, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,19-23)

Chúng ta rên siết vì cuộc sống hiện tại đầy khổ ải. Chúng ta mong chờ cuộc sống đích thực ở mai sau. Đời sống này là thời kỳ thai nghén. Ta phải chịu đau đớn để sinh vào đời sau.

2) Cuộc sống ở bên kia rất khác với cuộc sống hiện tại. Khi Chúa Giêsu trả lời người Sadducêô, Chúa Giêsu đã mặc khải ba chân lý.

Chân lý thứ nhất: Chỉ những ai được tuyển chọn mới được vào Nước Chúa. Sự sống đời sau có đó. Nhưng không phải ai cũng vào được. Chỉ có những người được xét là xứng đáng mới được vào. Trong Phúc Âm, nhiều lần Chúa đã nói tới việc tuyển chọn này. Chúa sẽ loại chiên ra khỏi dê, lúa tốt ra khỏi cỏ dại, cá tốt ra khỏi cá xấu. Tiêu chuẩn để chọn lựa là Tám mối phúc, nhất là giới răn bác ái yêu thương.

Chân lý thứ hai: Người ta sẽ giống như thiên thần. Đời sống trên trời sẽ không có gì giống với đời sống dưới đất. Sẽ không còn đói khát nên sẽ không cần ăn uống. Sẽ chẳng có lấy vợ lấy chồng, sẽ chẳng cần sinh con để nối dõi vì người ta không bao giờ chết nữa. Nếu vậy, trên trời ta có còn là ta nữa không hay ta trở thành một người khác, một kiếp khác? Thưa, tuy có khác nhưng ta vẫn là ta. Đứa bé bụ bẫm hôm nay chẳng có gì giống với cái bào thai ngọ nguậy trong bụng mẹ hôm qua. Nhưng cả hai chỉ là một. Bà cụ 90 tuổi hôm nay chẳng còn gì giống với cô thiếu nữ mà bà đã là cách nay 70 năm. Nhưng cả hai vẫn là một. Chú bướm xinh đẹp nhởn nhơ bay lượn trên khóm hoa hôm nay chẳng có gì giống với gã sâu xấu xí lê la trên đất hôm qua. Nhưng cả hai vẫn chỉ là một.

Trên trời, ta sống một cuộc sống khác, không ăn uống, không lấy vợ lấy chồng. Nhưng ta vẫn là ta. Có khác biệt nhưng vẫn có liên tục.

Chân lý thứ ba: Ta sẽ trở thành con Thiên Chúa. Sống lại rồi, ta như đứa con bấy lâu phiêu bạt xa quê nay được trở lại nhà cha mẹ. Tâm hồn luôn bị dằn vặt vì niềm khao khát vô biên, nay mới được no thỏa: Thiên Chúa chính là hạnh phúc lấp đầy được vực thẳm khao khát vô biên của ta. Thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, nên lòng con mãi khắc khoải băn khoăn cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Là con Thiên Chúa, hạnh phúc lớn nhất của ta là được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là cội nguồn hạnh phúc, nên thánh Phaolô đã nói: “Những đau khổ ta chịu bây giờ không thấm gì so với hạnh phúc sau này ta sẽ được. Và mọi tạo vật mong tới ngày được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, để được cùng con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,22). Vì hạnh phúc ấy mà tám mẹ con trong bài đọc thứ nhất đã cam chịu mọi khổ hình.

Lời Chúa hôm nay đem lại cho ta bao niềm hy vọng. Chúa cho ta biết, đời ta sẽ không đi trong bất định, lạc vào hư vô, nhưng đời ta có một cùng đích, đó là trở về với Thiên Chúa là cội nguồn của ta. Đời ta sẽ không chìm đắm trong đau khổ, nhưng sẽ vươn lên hạnh phúc, hạnh phúc làm con Thiên Chúa, hạnh phúc chia sẻ sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đời ta như vậy sẽ không đi vào mạt kiếp lụi tàn, nhưng sẽ triển nở trong vinh quang tự do. Đúng như lời thánh Phaolô nói: “Gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,43-44)

Lạy Chúa, xin cho con biết sống ở đời này theo đúng Lời Chúa dạy, để mai sau con xứng đáng được trở nên con của Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Cái chết là một thành phần của đời sống. Bạn chuẩn bị và đón nhận cái chết thế nào?

2) Con người sinh ra không phải để chết nhưng để sống. Bạn hiểu câu này thế nào?

3) Đời sau ta sẽ sống với Chúa. Ngay từ bây giờ bạn phải làm gì để chuẩn bị cho cuộc sống với Chúa?

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *