Bài hát và Suy niệm (04.06.2023 – Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi Năm A)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Nghe giảng


NL: ĐẾN TRƯỚC NHAN NGÀI

ĐC: CHÚC TỤNG CHÚA

ALL: Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần.

Sáng danh Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có và sẽ đến.

DL: KHI CUỘC ĐỜI LÀ CỦA LỄ

HL: VINH QUANG CHÚA

KL: KHÚC CA TẠ ƠN

CHÚA BA NGÔI 2020

NL: ĐẾN TRƯỚC NHAN NGÀI

ĐC: TÔN VINH CHÚA MUÔN ĐỜI

HALL: Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Sáng danh Thiên Chúa Đấng đang có, đã có và sẽ đến.

DL: XIN DÂNG

HL: VINH QUANG CHÚA

KL: THÁNH TÂM GIÊSU VUA

Lời Chúa: Xh 34,4b-6.8-9; 2Cr 13,11-13; Ga 3,16-18

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 3,16-18)

16 “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án ; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.”

Tam Vị Nhất Thể

Cả ba bài đọc hôm nay cùng xoáy đến một chủ đề: mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Mầu nhiệm chính trong đời sống đức tin Ki-tô giáo, mầu nhiệm mở ra tất cả các chiều kích đức tin nhiệm mầu khác. Một điều vượt quá trí khôn loài người đưa đến vinh dự khải hoàn cho nhân loại nơi những người tin. Đúng là chỉ có thể tin thôi, không giải thích được gì. Những người tin, họ được hiển hách và được đưa về miền ánh sáng trong tư cách là con Thiên Chúa Ba Ngôi, sau khi trải qua cuộc thử thách cõi đời tạm ở trần gian. Để được hưởng phúc vinh miên viễn, cùng hoan lạc vô cùng, vô tận trong cõi trường sinh.

Bài đọc một giới thiệu về Chúa Cha, tức là Đức Chúa, như chính Người đã lên tiếng trong sách Xuất Hành “ĐỨC CHÚA đi qua trước mặt ông và xướng: “ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín”. Và điều này đã được chính Chúa Giê-su tỏ cho biết qua việc Người dặn dò trước khi thăng thiêng “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa ChaChúa Con và Chúa Thánh Thần,” (Mt 28,19). Hội Thánh tái khẳng định lại trong sách Giáo Lý “Các Ki-tô hữu được rửa tội “nhân danh” Cha và Con và Thánh Thần, chứ không “nhân các danh” của các Ngài, bởi vì chỉ có một Thiên Chúa, Cha toàn năng, Con duy nhất của Ngài và Thánh Thần: Đó là Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.” (GLHT 233)

Đức Chúa là Chúa Cha, cũng là Cha của toàn thể thụ tạo theo nghĩa rộng, vì chính Người đã tạo dựng nên tất cả. Là Cha theo nghĩa hẹp đối với những thọ vật có lý trí đã tin kính Người, là Đấng tác tạo nên mình và muôn loài hữu hình cũng như vô hình. Đức tin vào Thiên Chúa là Cha của mỗi người, là vinh dự của Lòng thương xót Chúa tặng ban cho người khiêm hạ, xác tín niềm tin có Chúa Ba Ngôi. Những gì chúng ta cùng tìm hiểu đây, đã được mạc khải bởi Chúa Thánh Thần “Nguồn gốc vĩnh cửu của Chúa Thánh Thần được mạc khải trong ‘sứ vụ trong thời gian’ của Ngài. Chúa Thánh Thần được sai đến với các Tông Đồ và với Hội Thánh, hoặc do Chúa Cha nhân danh Chúa Con, hoặc do chính Chúa Con, sau khi Người trở về với Chúa Cha. Sứ vụ của Ngôi Vị Chúa Thánh Thần sau khi Chúa Giê-su được tôn vinh mạc khải một cách đầy đủ mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh.” (GLHT 244)

Vế sau câu Đức Chúa nói “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín”, cho chúng ta biết về Chúa Cha là Đấng như thế nào. Theo dòng lịch sử nhân loại, Đức Chúa đã và đang nhìn nhân loại tội lỗi với bản tính “nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín”, cũng đồng nghĩa Người đang nhìn chúng ta với lòng thương xót vô bờ của Thánh Tâm Thiên Chúa Ba Ngôi. Cho nên, với tâm tình người con Chúa hãy biết cảm kích và tri ân tấm lòng của Chúa Cha dành cho ta, hầu xứng đáng là con Chúa, cùng được ơn tha thứ và thương xót của Người miên viễn.

Bài đọc hai, thánh Phao-lô dẫn chúng ta vào sâu hơn trong hoa trái của đức tin, giúp cho chúng ta có cái nhìn thực tiễn về đời sống đức tin: yêu thương và hiệp nhất trong Chúa Ba Ngôi. Một đời sống không những mang lại vui vẻ, phấn khởi, tràn đầy hy vọng và hạnh phúc ở đời này, mà nhờ sự hoàn thiện còn được vinh dự, dồi dào phần phúc mãi mãi ở đời sau.

Lời kết của bài đọc hai “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men.”, cho ta sự khẳng định về nguồn ơn dồi dào và đầy đại lượng của Chúa Ba Ngôi. Đấng nắm trong tay mọi giềng mối sướng khổ, họa phúc, nhục vinh… tạm thời hay miên viễn của con người. Những ai tin vào Chúa Ba Ngôi, sống trong Người, vâng theo lời Người dạy, cậy trông ở Người, tất nhiên sẽ được Người phù trợ với tất cả Tình Cha của Đấng Toàn Năng và thương xót vô biên.

Lời của bài Phúc Âm xác nhận những gì chúng ta vừa chia sẻ cho nhau là sự thật chân lý “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” Tình yêu của Thiên Chúa là Cha chúng ta, tình yêu lớn hơn trời cao bao phủ, che chở lấy phận người, không bao giờ con người có thể hình dung hay tưởng tượng ra hết được. Câu ca dân gian từng làm tan chảy bao tâm hồn, khắc sâu tình thương cốt nhục

Công cha như núi thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Đem so sánh với tình Cha của Chúa với tình người sâu sắc nhất, tha thiết nhất, nhiều hy sinh nhất, cũng chẳng khác gì giọt nước sánh cùng đại dương. Đó là hình ảnh đem so sánh về lượng, còn về phẩm chất thánh thiện lại còn muôn trùng cách xa hơn. Có cha mẹ nào không từng hỷ nộ ái ố…, sân si với con cái mình? Cha mẹ nào không có lúc hiểu lầm, trách mắng ức oan cho con cái. Nhưng tình Cha của Thiên Chúa không bao giờ có những sắc màu khiếm khuyết của phận người, tình Cha của Người vô cùng thánh thiện, rất mực khoan dung, giàu nhẫn nại, tràn đầy nhân hậu và thương xót ngần nào. Bí tích Giao Hòa vô vàn lần tha thứ, dẫu rằng tội nhân có tội lỗi nặng nề đến đâu, và cho dù có lập lại bao nhiêu lần đi nữa. Chỉ riêng điểm này thôi, chúng ta cũng nhận ra Thiên Chúa thể hiện lòng khoan dung và xót thương tột mức với con người xấu xa và tội lỗi. Còn Bí tích Thánh Thể nói lên tình yêu thương gắn bó và sự hy sinh vĩ đại dường nào của Chúa Ngôi Hai Nhập Thể dành cho con người, bộc bạch tất cả tình thương xót Chúa dành cho phận người hư vô. Còn Thánh Lễ mỗi ngày cho con người cơ hội gặp gỡ Đấng Vô Hình, hòa vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi hầu kín múc ơn cứu độ vô cùng cao quý, đem lại hạnh phúc không thể nào tả xiết.

Vì quá đỗi yêu thương con cái loài người, Thiên Chúa Ba Ngôi đã sắm sửa cho con người vô số phương thế lẫn phương dược thần linh cao quý. Để con người được nuôi dưỡng bởi lương thực trường sinh là bí tích Thánh Thể và Lời chân lý mang lại sự sống đời đời.

Quả thật, lời của Chúa Giê-su khơi dậy cho ta niềm hy vọng lớn trong khi đấu tranh với phận người thật yếu đuối và mỏng dòn, tăm tối và đầy sợ hãi. Nhờ Con Một của Thiên Chúa, chúng ta mới được cứu độ “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” Một tình yêu thương xót nhưng không, trước Chúa Giê-su chẳng có, mãi ngàn sau vô tận cũng không.

Tình yêu của Cha trên trời đại lượng như thế mà chối từ, thì xứng đáng rơi vào lời Chúa nói đây “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.” Hy vọng chúng ta đã tin, nên biết nuôi dưỡng mạnh mẽ hơn đức tin của mình, cho xứng đáng với vinh phúc mai sau.

Tình Yêu Hoa Cỏ

THIÊN CHÚA ĐÃ SAI CON CỦA NGƯỜI ĐẾN

Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (Ga 3,16). Vì yêu thế gian, Thiên Chúa sẵn sàng ban tặng Người Con duy nhất để cho thế gian được sống muôn đời. Người Con đã hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc nhân loại. Cái chết trên thập giá là bằng chứng tận cùng của tình yêu. Nhưng buồn thay thế gian lại không cảm nhận và thấy hạnh phúc vì được ban cho Người Con duy nhất, nên khi thì nhạt nhẽo, có khi không cần chi đến Người. Chuyện cơm, áo, gạo, tiền lấp đầy cõi lòng tâm trí rồi thì đâu còn chỗ để liên đới mật thiết với Người Con được ban tặng.

“Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian tội lỗi nhờ Ngài mà được cứu độ”. (Ga 3,17). Nhưng để đáp lại, thật ngược đời, thế gian lại lên án Người và làm cho Người phải chết trên thập tự. Có khi ngày nay nhiều người vẫn tiếp tục lên án Chúa. Trước bệnh tật rủi ro, đau khổ hoạn nạn, tai ương… đều đổ cho Chúa định, Chúa gửi thánh giá… Oan cho Chúa quá! làm sao để đổi mới cái nhìn mà nhận ra giữa cuộc đời ánh sáng và bóng tối lẫn lộn bao trùm này? Chỉ có Chúa Thánh Thần là Đấng có thể giúp chúng con đổi mới cái nhìn ấy.

Trong bài đọc II, thánh Phaolô cầu chúc cho tín hữu, cũng là lời cầu của vị chủ tế trong mỗi Thánh lễ hôm nay: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen”. (2Cr 13,13).

Lễ Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng con chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cao cả lạ lùng: Tình yêu của Chúa Cha được thể hiện bằng việc hiến tặng Con Một yêu dấu. Tình yêu của Chúa Cha, ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần còn thể hiện trong Chúa Con, nơi tâm hồn các môn đệ và luôn ở trong chúng con nữa. Chúa ngự trị trong chính cõi lòng chúng con, cõi lòng là kho để cất giữ những gì quí giá. Vâng, Chúa Cha hằng ở trong Chúa Con, Chúa Con ở trong tâm hồn chúng con, như thế chúng con hằng được ở trong tình yêu Ba Ngôi hiệp nhất với tình yêu thương. Còn gì cao quý hạnh phúc hơn? Chúng con phải can đảm làm chứng cho tình yêu ấy nơi chúng con sống và làm việc mọi ngày.

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi trong lòng mọi người và giữa lòng thế giới. Chúng con ước mong nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mỗi người chúng con khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, trong những điều quen thuộc của cuộc sống. Hằng ngày chúng con vẫn hưởng nhận tình yêu Ngài  mà chẳng nhận ra để cảm tạ Ngài. Nguyện xin Thánh Thần Chân Lý đến chiếu tỏa trên chúng con ánh sáng của Ngài, biến đổi chúng con thành những chiến sĩ theo Chúa Kitô, thành nhân chứng nước trời, cho muôn người trong khắp nơi. Amen.

 Én Nhỏ

CHÚA BA NGÔI

1. Ghi nhớ:

“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3.16)

2. Suy niệm:

 Anh Giáo Lý Viên đến hội trường nhà xứ mang theo một bọc bánh to. Vào lớp sau khi điểm danh các học viên xong, anh nói:

– Các em sẽ có quà sau buổi học giáo lý hôm nay, nhưng mỗi em sẽ được thưởng thêm nếu như trả lời đúng các câu hỏi mà anh đưa ra. Cả lớp đều vỗ tay tán thành.

Chúng ta nhất trí với nhau như vậy nhé!  Anh Giáo Lý Viên. Giờ thì chúng ta bắt đầu.

– Những ngày vừa qua, các em có xem trận chung kết cúp C1, còn gọi là Champions League mùa giải 2016-2017 giữa hai đội bóng: Juventus(Ý) và Real Madrid (Tây Ban Nha) đá vào ngày 04-06 vừa qua không?

Ở dưới lớp có nhiều cánh tay giơ lên.

– Thì ra các em trai trong lớp này, nhiều em cũng hâm mộ bóng đá nhỉ? Vậy các em nghe anh hỏi đây:

– Trước khi trận đấu bắt đầu, các em có để ý thấy một số cầu thủ của cả hai bên, đã có hành động gì để biểu lộ niềm tin không?

 Nhiều cánh tay lại đưa lên.

– Họ làm gì? Anh hỏi em Tuấn.

– Thưa anh, em thấy có mấy cầu thủ họ làm Dấu Thánh Giá.

– Đúng. Nhưng cụ thể là những ai?  Anh Giáo Lý Viên hỏi tiếp.

– Em không nhớ được tên.

– Vinh, Đông em nào có thể nêu được tên?

-Thưa anh- Đông nói: Em thấy thủ môn Buffon, Navas và cầu thủ Marcelo.

– Đúng rồi! Đề nghị cả lớp cho một tràng pháo tay.

Chúng ta đã biết có ba Mầu Nhiệm chính trong đạo Công Giáo: Đó là Mầu Nhiệm Một Chúa Chúa Ba Ngôi.Mầu Nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm Người và Mầu Nhiệm Ngôi Hai cứu chuộc. Vậy, anh hỏi các em khi nào thì chúng ta tuyên xưng ba Mầu Nhiệm ấy?

Cả lớp đều đưa tay lên và nhất loạt nói: Khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá.

Đúng rồi.nhưng các em có biết ý nghĩa cụ thể từng cử chỉ của việc làm Dấu Thánh Giá trên mình không?

Cả lớp nín thinh.  Anh Giáo Lý Viên giải thích: Khi ta đặt tay phải trên trán rồi thưa lên:

Nhân Danh Cha, là ta tuyên xưng Đức Chúa Cha. Đấng đã tạo dựng nên trời đất sinh vật và loài người người, đặt tay dưới ngực rồi nói: và Con, là ta tuyên xưng Đức Chúa Con do Chúa Cha trao ban cho nhân loại, đã xuống thế nhập thể làm Người bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, chịu chết trên cây thánh giá, rồi phục sinh để cứu chuộc chúng ta, tiếp đến đặt tay trên vai trái và đưa sang vai phải, xướng lên: và Thánh Thần, hành vi này xưng tụng Chúa Thánh Thần, Đấng do Chúa Con trao ban để Ngài thánh hóa chúng ta: đưa chúng ta từ bên trái tức đàng tội lỗi sang bên phải tức đàng đạo đức thánh thiện, khi chắp tay lại và kêu lên: Amen có nghĩa là ngợi khen, tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi.

– Anh cần lưu ý các em. Khi làm dấu Thánh Giá chúng ta phải thực hiện một cách nghiêm trang ,trịnh trọng bởi lẽ đó là lúc chúng ta tuyên xưng Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi….

Hôm nay toàn thể Hội thánh kính mừng trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi.Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là Mầu Nhiệm quan trọng nhất trong đạo. Nếu Đức Chúa Cha không thương xót loài người đến nỗi ban Con Một Ngài cho thế gian, thì mãi mãi loài người sẽ chẳng bao giờ có diễm phúc biết được rằng mình có Một Thiên Chúa mà Ngài lại có Ba Ngôi. Đấng Thiên Chúa ấy đã, đang và sẽ mãi yêu thương họ. Chính Người Con  được trao ban đó đã đến thế gian và Ngài mặc khải cho nhân loại biết Mầu Nhịêm này.

Chúng ta là tạo vật hèn mọn, nhưng đã được Ba Ngôi Cực Thánh quan tâm yêu thương, chăm sóc.Thật vậy, chỉ vì yêu thương loài người quá đỗi nên Thiên Chúa Cha đã chẳng tiếc Con Một Người mà sẵn sàng trao ban cho nhân thế, để Ngài đến cứu độ nhân loại. Chính Người Con đó cũng yêu thương thế gian đến nỗi tự nguyện chịu chết khổ nhục trên cây Thánh Giá mà đền tội cho thiên hạ. Sau khi sống lại, trước khi về trời, Chúa Con không để cho con cái bị mồ côi mà còn ban Chúa Thánh Thần để ngày đêm canh giữ bảo vệ chở cho loài người được sống trong an bình hạnh phúc.

Mầu Nhiêm Một Chúa Ba Ngôi sáng lên tinh thần hiệp Nhất yêu thương mà Tam Vi Nhất Thể luôn thực hiện cho nhau, cho con người và cho vũ trụ. Như vậy, từ Mầu Nhiệm cao cả này chúng ta được mời gọi sống một cuộc đời hiệp nhất yêu thương. Tôn thờ, hiệp nhất và yêu mến Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng như hiệp nhất, yêu thương, phục vụ anh em

Sống tâm tình tôn thờ, kính mến và hiệp nhất trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta sẽ  thực hiện được khi chúng ta đón nhận Chúa Giê-su vào lòng qua việc rước Thánh Thể Chúa. Vì Như xưa Chúa Giê-su đã nói: “Ai đón tiếp Ta thì cũng là đón tiếp Đấng đã sai Ta.” Cũng như: “Ta và Cha Ta là một.” Như vậy, qua việc đón nhận Mình Thánh Chúa Ki-tô vào lòng thì chúng ta cũng tiếp rước Đức Chúa Cha. Và khi đã có Chúa Cha, Chúa Con ngự trong tâm hồn rồi thì chính các Ngài sẽ trao ban Thần Khí cho chúng ta. Tin tưởng vào Ngôi Con và hàng ngày sống kêt hợp mật thiết với Ngôi Con qua việc lãnh nhận Thánh Thể Chúa là chúng ta đã thực hiện được lời Đức Chúa Cha đã hứa. “Những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3.16)

3. Cầu Nguyện:

Lạy Thiên Chúa.Chúng con là tạo vật hèn mọn, xin hết lòng cảm tạ muôn ơn lành mà chúng con đã nhận được từ Ba Ngôi Thiên Chúa. Xin cho chúng con hằng kính thờ Thiên Chúa hết lòng hết trí và hết cuộc đời của chúng con. Chúng con nguyện làm cho danh Chúa được rạng sáng bằng đời sống đạo đức hàng ngày của chúng con. Amen.

4. Sống lời Chúa:

Tôi sẽ vượt qua sự ngại ngùng mà kính cẩn làm Dấu Thánh Giá tạ ơn Chúa trước khi dùng bữa nơi các quán ăn công cộng

Đaminh Trần Văn Chính

***

MỤC LỤC 

1. Tình Yêu Ba Ngôi
2. Chịu trách nhiệm về sự hiện diện của Đức Kitô
3. Con búp bê và biển cả
4. Nguồn tình yêu
5. Một Thiên Chúa của tình yêu
6. Huyền nhiệm tình yêu

7. Dòng sông
8. Sống hoà nhịp
9. Đủ ánh sáng chưa?

10. Mầu nhiệm hiệp thông

11. Dấu Thánh nhiệm mầu.

1. Tình Yêu Ba Ngôi 

Tôi nhớ lại cách đây không lâu, khi học học về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, tôi và những người bạn cùng lớp ai cũng ngao ngán khi nghe nói đến từ “Mầu nhiệm”, vì với sức con người không thể hiểu tận tường mà phải nhờ đến mạc khải. Vì thế, đã thật sự là mầu nhiệm thì trí khôn loài người hiểu sao được. Nhưng chính Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm này, để chúng ta hiểu một phần nào tình thương vô bờ bến của Chúa Ba Ngôi đối với con người:

  1. Thiên Chúa là Đấng tạo dựng.

Hàng ngày chúng ta vẫn tuyên xưng đức tin: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất”, không những thế Ngài còn gìn giữ, cai trị. Đặc biệt là con người, Ngài đã ban cho ơn làm con Chúa, được nâng lên đời sống siêu nhiên, được tự do. Nhưng con người vì lạm dụng tự do đã phản bội, nhưng Ngài không ghét bỏ mà lại yêu thương “đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Khi Chúa Cứu Thế đến, đem sự sáng, đem ân sủng đến cho loài người, nhắc nhủ họ nhớ đến tình thương của Chúa là Cha, thì loài người lại không chịu nhận biết và nghe lời Người; Một hành động cố chấp được xem như Chúa Thánh Thần sẽ phải lãnh hậu quả do chính mình chọn lấy là “bị lên án”. Trong cuốc sống với nhiều lo toan dễ làm cho chúng ta quên hẳn Thiên Chúa là Cha, là Đấng dựng nên và ban cho chúng ta sự sống, là Đấng lúc nào chúng ta cũng có thể trông cậy.

  1. Chúa là Đấng Cứu Chuộc.

Vì tình yêu mà Thiên Chúa là Cha đã “sai Con Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ”. Chúng ta không thể nào hiểu được tình thương vô cùng của Ngôi Hai, Ngài đã mặc lấy thân thể loài người, như con người và đã chấp nhận chịu cho con người được sống. Nhưng khốn thay, con người được Chúa ban cho tự do lại dùng chính tự do này để từ chối Chúa. Dĩ nhiên sự cứu rỗi của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô không phải như một món quà vật chất nuôi sống con người trong lúc khốn cùng, hay một cái gì vượt thời gian, nhưng là một công trình tình yêu của Ba Ngôi, một lời mời gọi, một sự cứu vớt mà chúng ta sẽ được sống qua niềm tin vào Đức Kitô. Vì “Ai tin vào Con Một của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.

  1. Chúa là Đấng Thánh Hoá.

Có một điều cần lưu ý là đoạn Tin Mừng hôm nay được phụng vụ chọn vào lễ Chúa Ba Ngôi, lại không trực tiếp nói đến Chúa Thánh Thần, nhưng nhờ những chỗ khác, ta biết rằng Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu cứu rỗi trần gian bằng cách ban Thánh Thần cho trần gian. Hơn nữa, đoạn Tin Mừng này nối tiếp câu chuyện đối thoại giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô về ơn tái sinh, mà ơn tái sinh này lại do Chúa Thánh Thần “không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí”.(Ga 3,5-6). Vì thế, qua ý nghĩa của đoạn Tin Mừng này, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa sai con một Người đến thế gian để cứu rỗi thế gian bằng cách thông ban Thánh Thần. Ngài là ngôi Ba đã thánh hoá, soi sáng mở đường cho chúng ta biết đường ngay nẻo chính, biết làm điều lành tránh điều dữ. Tuy nhiên trong con người chúng ta vẫn luôn có hai khuynh hướng lối kéo. Một là Thánh Thần, hai là tà thần. Nhưng thân xác yếu hèn của ta lại dễ bị sự quyến rũ cám dỗ của tà thần. Vì vậy, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần soi sáng, để ta biết chọn Ngài và đi theo sự hướng dẫn của Ngài.

Lạy Chúa Ba Ngôi, xin biến đổi chúng con để chúng con ngày một sống xứng đáng hơn với tình yêu mà Thiên Chúa Ba Ngôi đã dành cho chúng con. Amen. [Mục Lục]

2. Chịu trách nhiệm về sự hiện diện của Đức Kitô 

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – của Achille Degeest)

Đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi đi qua đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Mọi giáo huấn về Thiên Chúa chất chứa nơi con người của Chúa. Do đó sự liên kết đức tin vào Chúa Con đã chứa đựng hành vi tin vào Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Bởi thế Phúc Âm có thể nói: “Mọi người tin vào Ngài không phải chết, nhưng có được sự sống đời đời”. Việc Giáo Hội chọn một đoạn có chủ ý nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin vào Chúa Giêsu Kitô trong ngày lễ Chúa Ba Ngôi, chứng tỏ rằng khởi điểm, tiến trình và đích điểm của tác động tin toàn diện chứa đựng trong việc liên kết toàn diện với Đức Kitô. Ai đến cùng Đức Kitô là đến cùng Chúa Cha, nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Nhưng đây là một câu hỏi khác mà Phúc Âm mang lại câu trả lời: Thiên Chúa cứu độ thế gian bằng cách nào? Bằng cách sai Con Người đến. Thế ngày nay Đức Kitô đến trong thế gian bằng đường lối ưu tiên nào? Qua Giáo Hội. Do đó Giáo Hội có sứ mạng làm cho Đức Kitô hiện diện với thế gian. Giáo Hội phải thông truyền một sự hiện diện chứ không phải chỉ giảng dạy những lời nói, một giáo thuyết, một huấn giới. Thiên Chúa Ba Ngôi đã tự hạ xuống ngang tầm con người nơi ngôi vị Đức Giêsu Kitô, được tỏ lộ bởi và trong Giáo Hội. Người đặt lòng tin tưởng nơi Đức Giêsu cho đến mức chia xẻ định mệnh chết và sống lại với Ngài, được tham dự vào mầu nhiệm linh động của Thiên Chúa. Điều này giải thích tại sao lời giảng của các tông đồ lúc khai nguyên Giáo Hội không phải là một sách giáo lý về Ba Ngôi chí thánh nhưng là lời loan báo Đức Giêsu Kitô. Qua giòng lịch sử của mình, nhất là qua các Công Đồng, Giáo Hội cố gắng diễn tả gẫy gọn một sự suy tư về mầu nhiệm Tam Vị. Nhưng công trình chính yếu của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội (và trong mỗi người chúng ta) là làm sao cho Giáo Hội tin và tiếp tục tin vào Chúa Giêsu Kitô. Hai câu hỏi:

1) Đâu là trung tâm đức tin của chúng ta?

Chúng ta có thể tự đặt câu hỏi ấy đối diện với một số người đương thời đang dấn thân vào những hy vọng nhân loại dựa trên những ý thức hệ. Phúc Âm có phải là một ý thức hệ như bao nhiêu cái khác và các Kitô hữu có phải là những người ủng hộ một phong trào nhằm tạo một nhân loại hạnh phúc hơn về mặt trần thế? Không có gì xa lạ với đức tin chân thật hơn điều đó. Trung tâm đức tin là con người Đức Giêsu Kitô. Ước vọng một thế giới tốt đẹp hơn nơi người Kitô hữu được gọi là lòng khao khát ơn cứu độ, khao khát được giải thoát khỏi sự dữ và sự chết, về mặt vật chất và tinh thần. Việc này chỉ có thể thực hiện được bằng sự liên kết hồn xác với Chúa Con, nhờ Ngài mà thế gian được cứu. Đức tin của chúng ta chỉ hữu hiệu cho việc cứu độ thế gian trong mức chúng ta thông hiệp với Chúa Giêsu, trung tâm đức tin của chúng ta.

2) Sứ điệp của chúng ta là gì?

Người ta chỉ truyền bá có giá trị những gì người ta sống. Để Chúa Giêsu trở thành nguyên cực ơn cứu độ, nghĩa là gặp gỡ Thiên Chúa trong tự do, chân lý, cuộc sống hằng cửu. Giáo Hội cần phải tỏ bày Ngài ra cho mọi người. Giáo Hội là chính mỗi người chúng ta. Mọi tín hữu đều mang trách nhiệm phần mình làm cho Đức Kitô hiện diện với người ta, bằng lời cầu nguyện hay bằng hành động, bằng việc dâng hiến một đau khổ hay bằng ảnh hưởng của hoạt động, bằng sự hy sinh thầm kín hay bằng việc loan báo lời Chúa. Mỗi tín hữu có sứ mạng làm sao cho Giáo Hội thông đạt tới thế giới sứ điệp ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô.[Mục Lục]

3. Con búp bê và biển cả 

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Trong quyển sách tựa đề: “Sức thu hút của Thiên Chúa”, tác giả người Italia, ông A-léc-xan-drô Phong-xa-tô đã kể lại câu chuyện vui sau đây về con búp bê bằng muối:

Muốn tìm hiểu thế nào là biển cả để thỏa mãn tính tò mò của mình, con búp bê một mình tiến ra bờ biển và hỏi:

– “Biển cả ơi, bản chất của biển cả là như thế nào?”

Và biển cả đã trả lời:

– “Biển cả là biển cả. Nếu ngươi muốn biết ta là như thế nào thì hãy xuống đây, hãy để cho toàn thân ngươi thấm nhập vào biển cả”.

Con búp bê bằng muối do dự. Nhưng rồi vì tính tò mò thúc đẩy, nó tiến gần ra mặt nước rồi đưa hai chân thấm vào nước biển. Trong nháy mắt sóng biển đánh mạnh vào đôi chân bằng muối của nó làm cho đôi chân tan thành nước biển. Con búp bê kinh hãi lùi lại, nhưng đôi chân đã mất. Tiếng biển cả dịu dàng mời gọi:

– “Này con búp bê nhỏ kia ơi, biển cả là biển cả. Ngươi muốn biết biển cả như thế nào thì đừng sợ. Hãy tiến vào đây với ta. Ta sẽ bảo vệ ngươi. Ngươi sẽ được hòa nhịp với ta và hiểu ta như thế nào. Hãy can đảm lên! Nếu bỏ cuộc nửa chừng thì không bao giờ ngươi sẽ hiểu biển cả như thế nào đâu, và phải sống những năm tháng còn lại với đôi chân đã mất”.

Tính tò mò thúc đẩy, con búp bê ngâm mình xuống biển. Chỉ một lát sau con búp bê bằng muối đã hòa tan trong nước biển và hiểu được thế nào là biển cả.

Anh chị em thân mến, giữa con búp bê bằng muối và biển cả có một căn bản giống nhau. Cũng thế, giữa con người và Thiên Chúa cũng có một sự giống nhau. Con người đã được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh của Ngài. Tâm hồn con người hướng về Thiên Chúa, muốn hiểu biết Thiên Chúa, muốn được kết hợp với Ngài ngày càng khăng khít hơn, giống như con búp bê bằng muối kia muốn hiểu biển cả là thế nào.

Như con búp bê được biển cả mời gọi dìm mình vào trong lòng biển cho mình hòa tan trong biển để hiểu được biển cả, thì mỗi người chúng ta cũng được mời gọi dìm mình vào trong Thiên Chúa. Cần để cho cái tôi của mình được hòa tan đi, biến mất đi trong Thiên Chúa để có thể hiểu biết Thiên Chúa, sống kết hợp với Ngài. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm. Lý trí loài người khó mà hiểu biết cho tường tận được. Chúng ta không hiểu biết Thiên Chúa bằng lý trí cho bằng tình yêu. Thật vậy, chỉ khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta mới hiểu và biết Chúa. Chỉ có sự hiểu biết như vậy mới làm cho ta thỏa lòng thỏa trí. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm hiệp thông và tình yêu.

Thiên Chúa là Tình Yêu, nghĩa là Ngài không đơn độc một mình. Nếu như Ngài đơn độc một mình thì Ngài sẽ yêu một mình Ngài một cách ích kỷ vô cùng. Nhưng Ngài là 3: Cha, Con và Thánh Thần. Là ba, nhưng cả ba hoàn toàn yêu thương hiến tặng sự sống, hoàn toàn tương quan với nhau, hiệp nhất với nhau: Cha hoàn toàn là của Con, Con hoàn toàn là của Cha và mối tương quan tình yêu và sự sống này giữa Cha và Con là Chúa Thánh Thần.

Tình yêu Thiên Chúa không khép kín lại nơi cộng đồng Ba Ngôi mà còn lan tỏa ra bên ngoài, trên khắp vũ trụ: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban cho thế gian quà tặng quý giá nhất của người Con Chí Ái của Ngài, nghĩa là chính sự sống của Ngài. Rồi đến lượt Người Con ấy cũng trao ban Thánh Thần, nghĩa là chính sự sống của Ngài cho thế gian. Chính nơi Người Con ấy, nơi bản thân, cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu mà chúng ta nhận ra được Thiên Chúa là tình yêu và thế nào là sống như con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa: “Ai không yêu thương anh em là không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8). Còn ai đã biết Thiên Chúa thì phải yêu thương anh em như Ngài đã yêu thương, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

Thưa anh chị em, với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa muốn vạch ra cho chúng ta con đường của yêu thương và hiệp nhất. Chúng ta chỉ có thể yêu thương và hiệp nhất với nhau khi mỗi người thực sự phải là mình, và chấp nhận đồng hành gắn bó với tha nhân, coi tha nhân là thành phần của chính hiện hữu của mình, đồng thời ý thức rằng mình chỉ có thể sống nhờ tha nhân, sống với tha nhân và sống cho tha nhân; bởi vì tự chính trong nguyên lý, sự sống không phải là một thực tại đơn độc, khép kín, mà là chia sẻ, hiệp thông: sự sống thần linh của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Cái độc đáo mà mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi muốn nói lên đó là Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của sự khác biệt. Ngài yêu thích sự khác biệt. Ngài tạo ra sự khác biệt và Ngài bao hàm chính sự khác biệt đó trong bản tính của Ngài. Nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa của sự hiệp nhất. Ngài hiệp nhất những gì khác biệt. Phải có cái khác biệt thì mới có thể nói tới hiệp nhất. Phải có Ba Ngôi mới có thể hiệp nhất thành một Thiên Chúa. chỉ khi nào chúng ta chấp nhận và tôn trọng cái khác biệt: khác biệt về hiện hữu, về chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, địa vị, phái tính, tuổi tác v.v… và sống với những khác biệt đó, hiệp nhất những cái khác biệt đó. Chỉ khi đó, chúng ta mới đi đúng con đường mà ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi soi dẫn chúng ta. Sự hiệp nhất ấy không làm cho chúng ta phong phú hơn và sống đúng bản chất là cộng đoàn của Thiên Chúa yêu thương, là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, trong Thánh lễ hôm nay, cũng như trong các Thánh lễ, chúng ta dâng lên Chúa Cha của lễ cuộc đời chúng ta, nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, để chúc tụng vinh quang Thiên Chúa Ba Ngôi muôn đời. [Mục Lục]

4. Nguồn tình yêu 

Từ tấm bé, chúng ta đã được cha mẹ dạy làm Dấu Thánh Giá: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Lớn lên, chúng ta lại được học những bài giáo lý về Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, bài học về Chúa Ba Ngôi thật là khô khan và khó hiểu, chỉ có thể dùng một vài hình ảnh tương tự để cắt nghĩa cho dễ hiểu như: một tam giác đều có ba cạnh bằng nhau, ba dạng của nước là rắn – lỏng – khí, bật quẹt thì cùng lúc phát sinh ra ngọn lửa – ánh sáng và sức nóng…

Mầu nhiệm về Chúa Ba Ngôi thật cao cả, lý trí loài người khó mà hiểu cho tường tận được. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một hình ảnh sống động về Chúa Ba Ngôi mà không cần lý luận, không cần hình ảnh so sánh: “Thiên Chúa yêu thương thế gian” (Gn 3,16). Như thế, tìm hiểu Chúa Ba Ngôi là như thế nào không hệ trọng cho bằng nhận biết Chúa Ba Ngôi là gì, và Lời Chúa đã cho ta lời giải đáp: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Gn 4,16).

Vì yêu, Thiên Chúa đã bỏ qua mọi lỗi lầm của dân Do thái. Khi Môsê lên núi nhận Bia Giao ước, dân Do thái dưới chân núi đã tạc tượng bò vàng mà thờ lạy. Đây là một sự xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa vô hình. Ngài đã chỉ cho Môsê thấy, rồi nói sẽ tiêu diệt dân và đặt Môsê làm tổ phụ một dân tộc khác biết vâng lời hơn. Nhưng Môsê đã sấp mình van xin cho dân. Thiên Chúa ghét tội nhưng luôn thương kẻ có tội. Ngài sẵn lòng bỏ qua tất cả, tha thứ tất cả nếu con người biết quay trở lại đường ngay nẻo chính (Bài đọc 1).

Vì yêu, Thiên Chúa đã gìn giữ ba thanh niên Do thái trước hiểm nguy. Thời dân Do thái bị ách thống trị của vua Nabucôđônôzor, vua sai chọn lọc trong dân Do thái bị lưu đày một số đứa trẻ để đem vào triều dạy dỗ. Trong số những thanh niên được dạy dỗ từ bé đó, có ba thanh niên, nhờ bạn là Đaniel giúp đỡ, được cất nhắc. Bọn gian tà Canđê thấy ba chàng được cất nhắc thì ghen tức nên tìm cách hãm hại. Họ tố cái ba chàng đã chống lệnh vua không chịu lạy tượng thần. Vì thế, vua cho bỏ ba chàng vào lò lửa, nhưng Thiên Chúa đã gìn giữ ba thanh niên vững tin nầy. Do đó, ba chàng đã cất lời ca tụng tình yêu Chúa mà chúng ta nghe ở bài đáp ca.

Vì yêu, Thiên Chúa đã “ban Con Một để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Gn 3,16). Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu tột cùng của Ngài, bằng cách trao ban cho con người món quà vô giá là Con Một của Ngài. Tình yêu Thiên Chúa, qua Ngôi Con nhập thể, dưới tác động của Thánh Thần, đã phát sinh nguồn ơn cứu độ cho những ai đặt niềm tin vào công trình sáng tạo mới nầy.

Như thế, các bài đọc hôm nay cùng đưa ra một thông điệp: Thiên Chúa là Chúa của tình yêu. Đó cũng là điều trên hết và trước hết mỗi người cần nhận ra khi nghĩ về Chúa Ba Ngôi: Chúng ta nghĩ đến Thiên Chúa như một người Cha hằng yêu thương ta bằng tình yêu tín trung, nồng cháy. Chúng ta nghĩ đến Chúa Giêsu như một người Anh đã hiến tặng cho chúng ta chính cuộc đời của Người. Và chúng ta nghĩ đến Chúa Thánh Thần như một người Bạn đồng hành, để trợ giúp chúng ta sống theo gương Đức Giêsu và liên kết chúng ta với nhau trong cùng một lòng tin, một tình yêu.

Mỗi người, qua Bí tích Rửa tội, đã được dẫn đưa vào sống trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa yêu thương ta, không phải vì ta tốt lành, nhưng vì Thiên Chúa là Đấng nhân hậu và từ bi. Chính sự hiện hữu của chúng ta đã là dấu hiệu rõ nét về tình yêu Chúa. Do đó, sự đáp trả của chúng ta chỉ có thể là tin tưởng vào tình yêu Chúa và sống yêu thương nhau mà thôi. Mỗi ngày sống, chúng ta cần ý thức tuyên xưng Chúa Ba Ngôi bằng chính hành động đậm nét yêu thương của mình. Điều mà Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu thành Côrintô cũng là lời khuyên cho chúng ta: “Anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em” (2Cr 13,11). [Mục Lục]

5. Một Thiên Chúa của tình yêu 

Ngày nọ, có hai người đàn ông trí thức đi dạo trên bãi biển. Họ vừa đi vừa thảo luận với nhau về mầu nhiệm Thiên Chúa. Tuy nhiên, cuộc thảo luận của họ vẫn không có gì tiến triển. Thình lình, họ thấy một trẻ nhỏ đang chơi trên bờ biển. Nó đào một cái lỗ trên cát và chạy xuống biển lấy cái thùng đồ chơi trẻ em, lấy nước biển, chạy lên đổ vào cái lỗ nó đã đào.

Hai nhà trí thức thấy nó chạy lên chạy xuống nhiều lần lấy nước biển và đổ vào cái lỗ. Họ thấy cảnh buồn cười. Bèn đến gần thằng bé để hỏi xem nó tại sao nó lại làm chuyện ngốc nghếch như vậy. Họ hoàn toàn ngạc nhiên khi nghe nó nói, nó muốn tát cạn đại dương với cái lỗ nó đào trên cát.

Hai người đàn ông trí thức mỉm cười, bỏ đi và tiếp tục thảo luận về mầu nhiệm Thiên Chúa. Sau một lúc, một trong hai người dừng lại và nói với người kia: “anh có biết không, việc làm của chúng ta thật đáng buồn cười như chuyện thằngbé nói, nó muốn tát cạn đại dương vào một cái lỗ trên cát vậy đó”. Chuyện chúng ta đang thảo luận về Thiên Chúa cũng giống như thế. Chúng ta thật không thể hiểu hết được mầu nhiệm của Thiên Chúa cũng như đứa bé không thể dồn hết nước của đại dương vào một cái lỗ. Trí khôn của chúng ta quá nhỏ như cái lổ trên cát, còn Thiên Chúa như là đại dương mêng mông, làm sao có thể đặt vào được.

Câu chuyện trên muốn nói với chúng ta rằng: Thật khó có thể hiểu hết về Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là mầu nhiệm. Nhưng mầu nhiệm ấy không phải là cái gì không thể hoàn toàn không thể hiểu được gì hết. Mầu nhiệm Thiên Chúa là một cái gì đó chứa đầy ý nghĩa, cho dù cố gắng đến đâu, con người cũng không thể hiểu thấu đến ngọn nguồn. Tuy nhiên, câu chuyện trên không nhằm bào chữa cho sự lười biếng hoặc cho sự nông cạn của chúng ta không cố gắng để hiểu một chút gì đó về mầu nhiệm Thiên Chúa.

Cũng như chúng ta hoàn toàn có thể biết được sự hiện hữu của Thiên Chúa bằng lý trí của mình. Ở khía cạnh này hay khía cạnh khác, một người có thể biết được mọi vật không phải tự nó mà có, vì chỉ có một mình Chúa mới là Đấng tự hữu.

Nhưng chúng ta sẽ biết rất ít về Thiên Chúa nếu như chúng ta không được Ngài mạc khải. Đặc biệt qua Thánh Kinh, chúng ta có thể biết về Thiên Chúa cách rõ ràng nhất. Và cũng từ Thánh Kinh, chúng ta biết được Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần.

Và cũng nhờ Thánh Kinh, chúng ta học biết được Thiên Chúa là Đấng như thế nào. Như qua bài đọc I, chúng ta biết được Thiên Chúa là Đấng quảng đại, hay thương xót, chậm giận và giàu lòng tình thương và trung tín. Còn Tin Mừng thì nói cho chúng ta biết: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, đền nỗi đã ban Con Một Ngài cho thế gian để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ”.

Tất cả các bài Thánh Kinh hôm nay đều có chung một sứ điệp: “Thiên Chúa là Thiên Chúa của tình yêu”. Đây là một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể biết được về Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta không phải vì chúng ta tốt lành nhưng vì Ngài tốt lành. Sự hiên diện của chúng ta trong cuộc đời này là một dấu chỉ về tình yêu của Thiên Chúa. Và điều mà chúng ta gọi làTin Mừng chính là tình yêu không điều kiện mà Chúa đã dành cho chúng ta.

Và điều chúng ta có thể đáp trả với Ngài chính là biết đặt niềm tin vào Ngài và yêu thương anh em. Do đó, những gì mà thánh Phaolô đã nhắn nhủ với Tín hữu thành Côrintô cũng vẫn còn ý nghĩa đối với chúng ta hôm nay: “Hãy giúp đỡ nhau, hiệp nhất với nhau, hãy sống trong bình an. Vì như thế, tình yêu và sự bình an của Thiên Chúa sẽ luôn ở cùng bạn”. [Mục Lục]

6. Huyền nhiệm tình yêu 

Người ta thường hiểu một cách tiêu cực về chữ “mầu nhiệm”. Bất cứ điều gì người ta không hiểu, không vươn tới được thì cho rằng đó là mầu nhiệm. Thật ra điều đó cũng đúng được phần nào đó, nhưng đúng ra đó chỉ là hiện tượng của Mầu nhiệm. Chúng ta nên có cái nhìn và cách hiểu tích cực hơn về 2 chữ mầu nhiệm này nhân dịp chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm lớn lao và vĩ đại nhất đối với con người.

Mầu nhiệm được hiểu là một thực tại thuộc về Thiên Chúa, mà Thiên Chúa thì cao siêu vượt trên con người, nên con người không thể nào hiểu được hay nắm bắt được về Thiên Chúa. Nhưng chính Chúa Thánh Thần đến giúp cho con người phá vỡ hạn hẹp của mình và nâng cấp con người lên để họ có thể hiểu biết và tiếp cận cách nào đó với Thiên Chúa theo khả năng mà Chúa Thánh Thần ban cho họ.

Khi nói về mầu nhiệm về Chúa Ba Ngôi, người ta thường nhắc về một giai thoại của thánh Augustinô khi ngài cố gắng tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chuyện kể rằng: Khi thánh Augustinô đi dọc theo một bờ biển để suy nghĩ và tìm hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thì ngài gặp một em bé đang lấy vỏ sò múc nước biển đổ vào một cái hang trên bờ biển. Thánh nhân hỏi em bé rằng: “Em làm gì thế?” Em bé thản nhiên trả lời rằng:”Em đang múc hết nước biển đổ vào trong cái hang này!” Thánh nhân cười nhạo và nói với em bé rằng: “Em không bị tâm thần chứ? Làm sao em có thể dùng cái vỏ sò này để múc được hết nước biển chứ?”. Em bé trả lời: “có lẽ chuyện tôi làm sẽ dễ dàng hơn chuyện ông đang cố hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đó ông ạ”. Thánh nhân liền được giác ngộ.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi tuy rất cao sâu nhưng cũng rất gần gũi với cuộc sống con người, cuộc sống của từng người chúng ta. Nói cách khác, Thiên Chúa Ba Ngôi chính là cuộc sống của con người. Bất cứ hoạt động nào của con người cũng chính là hoạt động của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi luôn là nguyên nhân tác thành chính yếu trong mọi hành vi, mọi cử động, mọi suy tư của con người.

Linh mục Maurice Zundel đã nói về Thiên Chúa như sau: “Thiên Chúa là khi bạn tốt”. Như thế bất cứ khi nào chúng ta hành động ngay chính và thể hiện tình bác ái yêu thương thì lúc đó chúng ta trở thành phản ảnh trong suốt về Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chúng ta có thể nói rằng: một vị Thiên Chúa đích thực chỉ có thể và phải là một Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh Gioan tông đồ đã định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình yêu”. Một tình yêu trọn hảo và tròn đầy khi tình yêu đó hướng về người khác, trao ban trọn vẹn cho người khác… Thiên Chúa là Tình yêu vì Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha yêu Chúa Con, hướng về Chúa Con và trao ban trọn vẹn cho Chúa Con; Chúa Thánh Thần chính là nụ hôn tình yêu bền chặt và trọn hảo đó.

Trong cuộc sống hằng ngày, có một điều luôn khiến các bạn trẻ băn khoăn, đó là làm sao để không bị choá mắt bởi những ảo ảnh của tình yêu, làm cách nào để khỏi bị lừa dối bởi những ngọt ngào giả tạo để rồi phải vỡ mộng ôm lấy thương đau trong trường tình? Bài Tin mừng hôm nay sẽ gợi lên chúng ta một số tiêu chuẩn khi về những điều đó khi chúng ta cùng nhau ngắm nhìn vào tình yêu của Thiên Chúa.

  1. Tình yêu đích thực là tình yêu hiến trao:

Thánh Gioan đã viết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một của Ngài”. Đây không phải chỉ là việc trao tặng một món quà hay một cái gì đó ở ngoài mình, nhưng là việc cho đi một điều thiết thân và quí báu. Điều quí báu nhất của Thiên Chúa Cha chính là Người Con Một của Ngài, là Đức Giêsu Kitô. Khi trao ban cho chúng ta Đấng bị treo trên Thập giá là Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta chính bản thân của Ngài. Ngài chấp nhận cho Ngài chịu chết để cho nhân loại được sống. Tình yêu chân thật chẳng hề biết giữ lại điều gì cho mình, nhưng là chia sẻ, là cho đi, là mong muốn cho người mình yêu được hạnh phúc.

  1. Tình yêu đích thực làm phát sinh và khơi mào sự sống:

“Bất cứ ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Sự sống đời đời đã bắt đầu ngay ở đời này. Con người đã được Thiên Chúa tình yêu đưa vào thế giới thần linh khi con người tháp nhập vào Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Con người được chia sẻ hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa không muốn cho bất cứ ai phải hư mất hay bị trầm luân đời đời. Chính Chúa đã phán: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed 33,11). Nhưng nếu có ai phải chết hay bị hư mất thì không phải là vì Thiên Chúa độc ác hay không muốn cứu sống họ nhưng vì họ đã dùng tự do của Thiên Chúa ban cho họ mà từ chối Thiên Chúa là nguồn sống muôn đời. Con người có thể dùng tự do của mình để mở ra hay khép lại trước sự sống được trao ban từ Thiên Chúa tình yêu.

  1. Tình yêu đích thực còn phải là tình yêu chia sẻ:

“Thiên Chúa là Tình yêu ”, một tình yêu chia sẻ chan hoà giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: Cha trao tất cả cho Con, Con dâng tất cả cho Cha và chỉ sống vì Cha, Thánh Thần là sự hiệp thông giữa Cha và Con. Tình yêu ấy đã tràn ngập khắp cả vũ trụ nhân loại này. Thiên Chúa cũng chính là tình yêu sáng tạo khi Ngài dựng nên con người theo hình ảnh Ngài. Ngài là tình yêu cứu độ khi Ngài tha thứ tất cả cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô. Ngài cũng chính là tình yêu thánh hoá khi Ngài muốn ban cho chúng ta sự sống mới trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta sẽ mãi mãi xa lạ với Thiên Chúa nếu chúng ta xa lạ với tình yêu và khép chặt lòng mình trước tình yêu của Thiên Chúa. “Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,8), và ai không ở lại trong tình yêu thì cũng không ở lại trong Thiên Chúa (x. Ga 4,16).

Ước gì cuộc đời của chúng ta được tới gội bởi tình yêu để mọi chúng ta làm đều bắt nguồn từ tình yêu và qui hướng về Tình yêu. Ước gì chúng ta làm chứng về Thiên Chúa tình yêu bằng một đời sống trao ban và chia sẻ. Amen. [Mục Lục]

7. Dòng sông 

Hôm nay toàn thể Hội thánh mừng kính trọng thể mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm quan trọng nhất của Kitô giáo. Không một ngày nào Hội thánh và mỗi người chúng ta lại không tuyên xưng mầu nhiệm ấy, bởi vì mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá, mỗi khi đọc kinh sáng danh thì đó là lúc chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Nhưng có lẽ chẳng mấy khi ta quan tâm để tìm hiểu xem mầu nhiệm này có ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc đời của chúng ta. Bởi vì nói tới các mầu nhiệm, đặc biệt là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta dễ có cảm tưởng đó là những chuyện xa vời và chẳng liên hệ gì tới đời sống của mình. Nhưng không phải thế. Mầu nhiệm nào cũng rất gần gũi và liên hệ mật thiết với đời sống của con người, bởi mầu nhiệm nào cũng là một luồng ánh sáng soi cho chúng ta hiểu rõ thân phận mình và dẫn lối để chúng ta đi tới bến bờ hạnh phúc.

Đối với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta không thể tìm được một hình ảnh, một ngôn từ nào để diễn tả cách chính xác, rõ ràng và đầy đủ được. Tuy nhiên chúng ta có thể tạm dùng hình ảnh một dòng sông để diễn tả ảnh hưởng của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời mình.

Con sông mang dòng nước phù sa đến tưới cho các cánh đồng, cho các vườn cây được tươi tốt và đơm bông kết trái. Dòng sông cũng mang sự sống đến cho con người và mọi loài. Chúng ta thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó mình không có chút nước nào để dùng thì cuộc sống sẽ ra sao?

Thiên Chúa Cha chính là cội nguồn của dòng sông, và Người đổ vào dòng sông nguồn nước phù sa mầu mỡ là tình yêu và ân sủng của Người. Chúa Giêsu chính là dòng sông chứa đựng nguồn nước tình yêu và ân sủng ấy. Và Chúa Thánh Thần là sức đẩy để nguồn nước tình yêu chảy đến các tâm hồn.

Như con cá sẽ không sống được nếu nó nhảy ra khỏi dòng sông. Như cây cối sẽ không thể tươi tốt và đơm bông kết trái nếu nó không hút lấy sự sống từ dòng sông mang lại. Càng ở xa dòng sông, cánh đồng càng dễ nứt nẻ và khô cháy. Cũng vậy, con người sẽ không thể sống được nếu tách ra khỏi dòng sông tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Càng xa rời tình yêu của Thiên Chúa bao nhiêu, con người càng cằn cỗi bấy nhiêu và rồi sẽ chết khô. Bởi đó, sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là biết mở lòng mình ra để đón lấy nguồn nước tình yêu và ân sủng của Người, để ta có thể sống và được sống dồi dào. Đón nhận dòng nước là đón nhận Chúa Kitô và tin vào Người. Lời Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay dạy ta như thế. “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Mình, để những ai tin vào Người sẽ không phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Mà tin vào Chúa Kitô chính là thể hiện trong đời mình cuộc sống của Người, nghĩa là suy nghĩ, nói năng, hành động và cư xử như Người. Điều Chúa Kitô quan tâm nhiều nhất và đã sống triệt để nhất chính là tình yêu thương. Người yêu Chúa Cha nên thi hành mọi sự theo ý Cha. Người yêu con người nên chấp nhận chết để cho con người được sống.

Yêu Chúa và yêu người, đó chính là ta đang sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi vậy. [Mục Lục]

8. Sống hoà nhịp 

Ngày kia, có một người nông dân đi lên thành phố. Khi đang đi bộ trên một con đường đông đúc, thì đột nhiên, anh ta nói với một người bạn cùng đi với mình: “Tôi có thể nghe được tiếng kêu rúc rích của một con dế”. Người bạn của anh ngạc nhiên và hỏi: “Làm sao mà anh lại có thể nghe được tiếng dế, giữa tất cả những tiếng động ồn ào này?”

Người nông dân đáp lại: “Bởi vì hai tai của tôi hòa nhịp được với tiếng dế”.

Thế rồi anh ta lại càng cố tình lắng nghe nhiều hơn, và dõi theo âm thanh đó, anh đã tìm ra được một con dế đang bò trên bờ cửa sổ. Người bạn của anh không thể nào làm được điều này. Nhưng người nông dân không hề tỏ ra ngạc nhiên. Thay vào đó, anh móc vài đồng xu từ trong túi áo ra, và ném chúng xuống lề đường. Khi nghe được tiếng leng keng của mấy đồng xu, những người qua đường liền ngừng lại nhìn theo dấu vết của chúng.

Người nông dân nói: “Bạn hiểu ý tôi chứ: Không có ai trong số những người này có thể nghe được tiếng dế, nhưng tất cả bọn họ đều có thể nghe được âm thanh của tiền bạc. Người ta nghe được cái gì hòa nhịp với hai tai của họ, và không thể nghe được tất cả những thứ còn lại”.

Điểm cần ghi chú ở đây khá rõ ràng: Nếu ít bị lo lắng phiền muộn, chúng ta có thể hòa nhịp với Thiên Chúa. Voltaire đã nói: “Ngay khi mở đôi mắt của mình ra, thì tự nhiên, người ta thừa nhận được sự hiện hữu của Thiên Chúa”. Và Abraham Lincoln đã nói: “Tôi có thể nhận thấy con người có thể nhìn xuống mặt đất, và trở nên một người vô thần ra sao, nhưng tôi không thể tưởng tượng được làm thế nào mà người ta có thể nhìn lên bầu trời, và nói rằng không hề có Thiên Chúa”.

Khi nhìn vào sự vật nào đó hoặc người khác, người ta sẽ nhận biết ngay rằng những sự vật này không tự hiện hữu được, mà chính là nhờ Thiên Chúa. Tương tự như một căn nhà phải có người xây dựng ra nó, một cái áo do người may, một cánh cửa do thợ mộc. Như vậy, thế giới chứng tỏ rằng phải có Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa.

Khi nhìn vào một công trình nghệ thuật, không thể nào bạn không nghĩ đến người nghệ sĩ. Nhìn vào thế giới tạo vật, mà không nhận thấy Đấng Tạo hóa, chính là mù quáng, không thấy được ý nghĩa của toàn thể công việc sáng tạo, và ý nghĩa sự hiện hữu của bản thân mình. Tuy nhiên, thật đáng buồn là có nhiều người nhìn, mà vẫn không thấy gì. Họ lắng nghe, mà vẫn không nghe được gì. Đức Giêsu đã nói về Thiên Chúa, như là một người Cha đầy lòng xót thương và khoan dung. Người nói về chính mình, với tư cách là Con của Cha, và Người gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta, để trợ giúp chúng ta sống tư cách người môn đệ và con cái của Thiên Chúa.

Chúng ta đang trực diện với một mầu niệm vĩ đại. Tuy nhiên, bất cứ người con nào cũng đều có thể thấu hiểu, bằng cách cầu nguyện và sống mầu nhiệm này. Chúng ta nghĩ đến Thiên Chúa như là một người Cha (và người Mẹ), một người Cha yêu thương chúng ta một cách sâu sắc. Chúng ta nghĩ đến Đức Giêsu như là một người Anh, Đấng hiến tặng cho chúng ta chính cuộc đời của Người. Và chúng ta nghĩ đến Chúa Thánh Thần như là một người Bạn. Đấng trợ giúp chúng ta sống theo Đức Giêsu, và liên kết chúng ta với nhau, như là anh chị em trong một cộng đoàn của lòng tin và tình yêu thương. Với tư cách là những người Kitô hữu, đây là bầu khí mà trong đó chúng ta sinh sống, di chuyển và hiện hữu. [Mục Lục]

9. Đủ ánh sáng chưa? 

Bà Rose đã viết thư cho bà Abby như sau, “Chào bà Abby, năm nay tôi đã 40 tuổi và tôi mong muốn tìm được một người đàn ông chạc tuổi của tôi, nhưng ông ấy không được có những tất xấu.” Sau đó, bà Abby đã trả lời cho bà Rose như sau, “Kính thưa bà Rose, đó là người đàn ông mà tôi cũng mong muốn để tìm.” Một điều hiển nhiên là cả hai bà Rose và Abby sẽ không bao giờ tìm được người đàn ông hoàn hảo mà họ hằng luôn mong muốn bởi vì người đàn ông hoàn hảo đó không hiện hữu trên thế gian này. Tất cả loài người chúng ta đều có những khuyết điểm. Nói theo tiếng của Thánh Kinh là chúng ta là kẻ có tội

Vậy thì chúng ta đi đâu để mà tìm được một con người hoàn hảo? Hôm nay Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta một Đấng hoàn hảo mà tất cả chúng ta có thể tin tưởng, cậy trông, và phó thác trót cả cuộc đời chúng ta cho Ngài. Đó là Thiên Chúa Ba Ngôi.

Giáo Hội đặt bài đọc Phúc Âm hôm nay vào ngày Lễ này thật là có ý nghĩa bởi nó nhắc đến cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Bài Phúc Âm hôm nay kể cho chúng ta mẩu đổi thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô. Ông Nicôđêmô là một trong đám người Pharisiêu đã nhận ra sự siêu nhiên ở con người Chúa Giêsu. Ông đã đến với Chúa Giêsu để tìm câu trả lời cho những thắc mắc của mình. Bắt đầu cuộc đối thoại, Chúa Giêsu đã khuyên Nicôđêmô rằng nếu ông muốn chiếm được Nước Trời ông phải được sinh lại trong nước và Thần Khí. Chúa Giêsu còn nói với Nicôđêmô, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài… Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Jn 3:16-17).

Qua bài Phúc Âm này, chúng ta thấy sự hiện diện của cả Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha yêu thương thế gian nên đã sai Con Ngài xuống thế gian, Chúa Con xuống thế gian để cứu chuộc nó, và Chúa Thánh Thần là Thần Khí ban sự sống. Nhận xét một cách kỹ lưỡng, chúng ta thấy sứ mệnh của Ba Ngôi Thiên Chúa đều qui về một điểm đó là: yêu thương loài người chúng ta và muốn ban ơn cứu độ chúng ta để chúng ta có thể hưởng vinh quang Nước Trời.

Suy niệm về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta rút ra được bài học mà Chúa Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô trong bài Phúc Âm hôm nay: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án, nhưng để nhờ Con của Người, mà được cứu độ”. Chúa Giêsu đến không phải để lên án thế gian nhưng để thể hiện tình thương của Thiên Chúa đối với thế gian. Ngài đã trở nên giá chuộc thế gian. Chúng ta phải tránh không lên án bất cứ ai nhưng hãy yêu thương người khác.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã kết thúc với câu, “Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ là: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Jn 3:21).

Ánh sáng ở đây phải hiểu như thế nào? Một Thầy Rabbi đã hỏi các học sinh của mình câu hỏi này, “Trong đêm tối, thế nào mới là có đủ ánh sáng?” Một học sinh trả lời, “Khi có thể nhìn thấy và phân biệt được rõ ràng được con vật đang ở trước mặt con là con chó hay con chó sói”. Một học sinh khác trả lời, “Khi con có thể phân biệt được cái cây ở trước mặt con là cái cây gì.” Một học sinh khác trả lời, “Khi con gần bước tới một cái hố mà con bất chợt nhận ra nó và ngừng bước”. Sau đó, Thầy Rabbi mới nói, “Đây là câu trả lời đúng nhất mà Thiên Chúa đã nói với chúng ta: Có đủ ánh sáng có nghĩa là khi chúng ta có thể nhìn thấy khuôn mặt của người khác là những khuôn mặt của người anh em chúng ta.”

Xin cho chúng con biết sống trong sự yêu thương bác ái. Chúng con xin tuyên xưng đức tin một Chúa Ba Ngôi: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen. [Mục Lục]

10. Mầu nhiệm hiệp thông 

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta mừng kính một mầu nhiệm cao cả, cũng là một mầu nhiệm thách đố trí tuệ loài người. Chúng ta biết rằng mầu nhiệm là một điều con người không thể đạt thấu bằng trí tuệ, nhưng lại có thể cảm nghiệm bằng đức tin, bằng lòng mến, bằng sự hiệp thông chân thành yêu mến với Thiên Chúa, nhất là khi Chúa muốn ban cho ta hồng ân đó. Xin được chia sẻ một vài suy niệm hết sức thô thiển, nhân ngày đại lễ hôm nay. Kính mời cùng suy niệm….

a/. Câu hỏi ta sẽ nêu trước hết, Thiên Chúa Ba Ngôi là gì? Thưa đó chính là một mầu nhiệm; vì thế qua bao thế kỷ, đây vẫn còn là một câu hỏi thách thức trí tuệ con người; và cho đến ngày tận thế cũng vẫn luôn là một dấu hỏi lớn. Dù vậy con người biết chắc rằng mình đang sống trong mầu nhiệm đó. Ai cũng sống trong dòng đời, nhưng mấy ai hiểu rõ được dòng đời? Ai cũng cảm nghe được điệu nhạc, nhưng không thể lấy ra cho người ta xem được. Con cá đang sống trong nước, nếu bắt nó ra khỏi nước, nó sẽ chết. Tách biệt con người khỏi dòng đời, con người sẽ không tìm thấy hạnh phúc. Mỗi nốt nhạc khi đánh lên riêng rẻ, chỉ là một âm thanh trơ trọi, không thành bài ca. Một ca khúc sống động chính là một sự kết hợp các nốt nhạc trôi chảy, nhịp nhàng. Mầu nhiệm Thiên Chúa không phải là một vấn đề để con người nghiên cứu, cân đo bằng trí tuệ giới hạn. Nếu ta chỉ học về Thiên Chúa để làm giàu thêm kiến thức, thì Thiên Chúa vẫn luôn là một vị thần xa lạ. Nếu niềm tin của ta chỉ dựa vào những công thức máy móc, những cách cầu nguyện vô hồn, Thiên Chúa vẫn luôn xa lạ với con người chúng ta. Mầu nhiệm Ba Ngôi chính là lời mời gọi hiệp thông trong tình yêu, là tham dự vào sức sống thần linh của Thiên Chúa. Hiểu được điều này, có làm cho chúng ta kinh ngạc không?

b/. Ba Ngôi Thiên Chúa có phải là một mầu nhiệm tình yêu, và luôn muốn đồng hành với con người không? Thưa phải. Ngay từ khi tạo dựng con người, Thiên Chúa luôn yêu thương, vẫn ở bên họ, luôn muốn đồng hành với họ. Kinh thánh thuật lại: chiều chiều Thiên Chúa đi dạo trong vườn và đàm đạo với Adam, Evà. Thiên Chúa cũng ban cho con người quyền làm chủ cá biển chim trời, vì Chúa luôn muốn con người được hạnh phúc như Chúa….Khi Môisen dẫn dân Do Thái ra khỏi đất Ai cập, Thiên Chúa vẫn luôn ở với họ: ban ngày là cột mây, ban đêm là cột lữa trên đầu họ…Sau đó, bao nhiêu lần dân chúng phản bội, bị phạt; rồi họ ăn năn chạy tới cầu khẩn Môisen, cầu khẩn Chúa, Chúa vẫn luôn tỏ ra dung mạo Người là Đấng đầy lòng yêu thương, luôn đồng hành với họ…Dù vậy, những bí ẩn muôn đời của Thiên Chúa chỉ được bày tỏ trọn vẹn qua Con Người và cuộc đời của Đức Kitô làm người. Với Đức Kitô, Ba Ngôi Thiên Chúa được gọi là Tình Yêu, Đấng luôn yêu thương và muốn đồng hành với con người. Với Đức Kitô, mầu nhiệm sâu thẳm về Ba Ngôi không còn là bức tường thành kiên cố, bất khả xâm phạm, nhưng lại là nhịp cầu nối liền trời với đất. Mấu nhiệm Ba Ngôi khi xưa là Thiên Chúa vô hình, nay trở nên bằng xương bằng thịt, nay trở nên là Đấng Cứu thế đầy lòng yêu thương, luôn cảm thông và đồng hành với con người, sẵn sàng cùng vui với tiệc cưới Cana, cảm thấy đau xót trước bệnh tật, trước nạn ma quỉ ám ảnh của dân chúng, và cũng khóc thương với Ladarô bạn thân, vì anh này đã chết. Với Đức Kitô, Thiên Chúa đó sẵn sàng cảm thông ngay cả tội lỗi, yếu đuối của con người, đã dang rộng cánh tay trên thánh giá để mở rộng cửa trời, ôm ấp cả nhân loại về cho Thiên Chúa.

c/. Mầu nhiệm của Ba Ngôi có phải còn là lời mời gọi hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người? Có phải cũng là lời mời gọi con người sống bằng sức sống của Thiên Chúa sáng tạo và đổi mới không? Thưa phải. Đức Kitô đã nói: “Thầy là cây nho, chúng con là cành, là nhánh..” Người Kitô hữu khi được tham dự vào sự hiệp thông, vào sức sống của Thiên Chúa, họ phải sẵn sàng bỏ qua tính ganh tị, tính loại trừ, chia rẻ nhau để xây dựng tình huynh đệ trong Thiên Chúa, y như hình ảnh nhánh nho, muốn được tháp chặt vào Thân Nho, nó phải loại bỏ nhựa của chính mình, để chỉ hút nhựa từ Thân Nho mà thôi. Ngược lại, nhánh nào không hút nhựa từ Thân Nho, nó phải khô héo và phải chết…

Người đời có nói: “Đừng phàn nàn cà phê đắng, có thể tại vì đường của bạn chưa đủ ngọt”. Nếu đường chúng ta đã đủ ngọt và cà phê không còn đắng nữa, đó là lúc ta khám phá ra dung mạo rạng ngời của Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng là lúc Thiên Chúa ban cho ta được tham dự vào sự hiệp thông thần thánh, đầy yêu thương, cũng là lúc ta sống bằng chính sức sống của Thiên Chúa Ba Ngôi sáng tạo và đổi mới trong một nền văn minh tình thương.

d/. Gợi ý sống và chia sẻ: nhân ngày mừng kính Thiên Chúa Ba Ngôi, ta có nhận ra rằng: lời mời gọi sống hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, thúc bách chúng ta mở rộng tâm hồn mình ra với thế giới và với mọi người chung quanh, để cố gắng xây dựng xã hội, gia đình chúng ta hôm nay, thành nền Văn minh Tình thương như ý Ba Ngôi mong muốn không? [Mục Lục]

11. Dấu Thánh nhiệm mầu. 

(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)

Ca khúc “Làm Dấu” với giai điệu nhẹ nhàng mang tâm tình cầu nguyện, lời ca tuyên xưng niềm tin Ba Ngôi Thiên Chúa mỗi khi làm dấu thánh giá. Có lẽ nhiều người thuộc lòng và ngân nga bài ca này hàng ngày.

  1. Con đặt tay lên trán tôn vinh Chúa Cha toàn năng.

Con đưa tay xuống ngực chúc tụng Chúa Con tình yêu.

Đưa tay sang trái phải, vinh danh Chúa Thánh Thần nguồn ơn thánh thiên hồng phúc đời con.

Mỗi lần làm dấu thánh xin ngự đến trong tâm hồn con, mỗi khi con cầu nguyện xin hãy biến đổi tâm hồn con, xin cho con giống Ngài trong lời nói việc làm, ước mong đời con nên dấu chỉ yêu thương của Ngài giữa đời.

ĐK: Con làm dấu hằng ngày. Con làm dấu một đời, khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu nhắc nhở con luôn hướng lòng lên Chúa.

Con làm dấu hằng ngày. Con làm dấu một đời, khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu Chúa mãi ở trong con con ở trong Chúa.

  1. Bao lần con quên Chúa khi vô ý hay khi thờ ơ.

Bao phen con ngại ngần lúc làm dấu tuyên xưng niềm tin.

Đã có lúc yếu hèn, không làm dấu giữa đời, Ngài ơi giúp con bừng cháy niềm tin.

Giữa hiểm nguy khốn khó con làm dấu xin ơn bình an, trong an vui ngập tràn con làm dấu hân hoan tạ ơn. Khi cô đơn thất vọng, khi mệt mỏi chán chường, Chúa ơi ở bên con nhé vì con đây luôn cần tới Ngài.

Làm dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng đức tin, tôn vinh Chúa Ba Ngôi của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác.

Mùa Phục Sinh kết thúc với đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Giáo hội nhìn lại chương trình cứu độ được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử nhân loại và nhận ra rằng: nguồn ơn cứu độ chính là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Vì thế, chúng ta hiểu tại sao ngày Chúa nhật mùa Thường niên tiếp ngay sau lễ Hiện Xuống, luôn luôn được Giáo hội mừng kính và suy niệm về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Giáo Hội là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ Ngài, Giáo Hội sinh ra; nhờ Ngài, Giáo Hội hoạt động; và hướng tới Ngài, Giáo Hội dấn bước. Chỉ một mình Thiên Chúa mới nắn đúc nên Giáo Hội theo lòng Ngài mong ước. (Thư Chung 2011, Số 19).

Giáo hội được Chúa Cha tập hợp chung quanh Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Là dân tộc lữ hành, Giáo hội phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Chúa Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần. Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô, được xây dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Giáo hội như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo hội là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại (x.GH1; GLCG số 772). Ba Ngôi là cội nguồn và là cùng đích của Giáo hội. Giáo hội là công trình của Ba Ngôi. Giáo hội nuôi sống con cái mình bằng thần lương Ba Ngôi ban tặng qua các bí tích.

  1. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo.

Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất, cao cả nhất mà lý trí con người, ngay cả óc tưởng tượng của con người, cũng không thể nào thấu hiểu hay hình dung được. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề, càng không phải là một vấn đề toán học. Mầu nhiệm không phải là vấn đề hay bài toán: 3 là 3; 1 là 1. Không tính với bài toán nào mà 1 là 3 hay 3 thành 1 được. Thiên Chúa không phải là những con số. Không thể làm trò ảo thuật hay lý luận đưa ngón tay ba đốt hay hình tam giác mà ví von được.

Vậy ai đã cho chúng ta biết mầu nhiệm này? Chính Chúa Giêsu Kitô. Nếu Chúa không dạy bảo thì loài người không thể nào biết được. Cho tới trước khi Chúa Kitô đến, loài người không có một ý niệm nào. Dân Do thái, dân riêng của Chúa, cũng không biết gì về mầu nhiệm Ba Ngôi. Cựu Ước chỉ nói tới một Thiên Chúa duy nhất, tạo dựng và làm chủ vũ trụ. Chính Chúa Giêsu, trong đời sống công khai giảng dạy đã mạc khải dần dần. Ngài đã từng bước vén lên bức màn của mầu nhiệm Ba Ngôi.

Ngài cho biết: Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là một. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, cùng bản tính với Chúa Cha. Ngài cũng là Thiên Chúa. Ngài với Chúa Cha là một Thiên Chúa.

Ngài cũng cho biết: Chúa Thánh Thần là Đấng mà Chúa Cha sai đến, cũng là Thiên Chúa. Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt nhau chứ không phải là ba Chúa.

  1. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm Tình Yêu.

Tại sao Chúa Giêsu lại mạc khải cho chúng ta một mầu nhiệm quá cao siêu như thế? Chắc chắn không phải là để thử thách thiện chí của con người, hoặc để xây lên bức tường chặn đứng suy luận và óc tưởng tượng của con người. Nhưng vì Chúa muốn chúng ta hiểu biết đời sống nội tại của Thiên Chúa, đó là tình yêu. Thiên Chúa là Tình yêu. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nói lên điều đó.

Thiên Chúa là Tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một công thức khác để nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Vì tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, ban cho con người được hạnh phúc như Chúa. Nhưng con người đã phạm tội phản nghịch đánh mất hạnh phúc. Thiên Chúa không từ bỏ con người. Ngài đã quyết định ban Con Một yêu dấu để cứu chuộc. Và vì yêu thương con người, Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian thực hiện sứ mệnh yêu thương đó. Và khi hoàn tất, Ngài về trời. Chúa Thánh Thần đến để tiếp tục công việc của Ngài, công việc yêu thương. Nhờ Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa tiếp tục được bày tỏ mãi cho tới chúng ta hôm nay và mãi về sau nữa.

Vì thế, khi mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội không chỉ nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này, nhưng còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương và hiệp nhất. Như tình yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa đã trào tràn trên mọi thụ tạo, thì tình yêu thương của người Kitô hữu cũng vậy, phải mở ra cho hết mọi người. Sống yêu thương là cách diễn tả đúng và đầy đủ ý nghĩa cuộc sống làm người và làm con Chúa; đồng thời cũng diễn tả cuộc sống của Chúa Ba Ngôi: yêu thương và hiệp nhất.

  1. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm gần gũi nhất trong đời sống đạo.

Mầu nhiệm Ba Ngôi thật cao cả và cũng thật gần gũi. Thánh Augustinô đã nói: “Nếu bạn thấy tình yêu, bạn sẽ thấy Chúa Ba Ngôi”. Tình yêu gắn liền với đời sống con người.

Chúng ta có thấy tình yêu không, và thấy như thế nào? Tình yêu được nhìn thấy qua những hành vi yêu thương.

– Yêu thương là ban tặng: khi yêu người ta trái tim của mình cho người yêu. Yêu thương sâu đậm là cho đi điều quý báu nhất cho người mình yêu, như trường hợp của Chúa Cha mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin mừng Gioan: “ Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian” (Ga 3, 16). Hay chính trường hợp của Chúa Giêsu: “Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người dám thí mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15, 13). Yêu thương là cho đi chính mình, là tự hiến chính mình. Vợ chồng yêu thương nhau, dâng hiến bản thân cho nhau, kể cả thân xác mà không chút e dè, trái lại còn hạnh phúc nữa. Cha mẹ và con cái yêu thương nhau có thể hy sinh mạng sống mình cho nhau.

– Yêu thương là chia sẻ: yêu nhiều, người ta chia sẻ cho nhau nhiều, yêu nhau hết mức thì người ta chia sẻ cho nhau tất cả. Vợ chồng yêu nhau chia sẻ cho nhau tất cả, từ của cải vật chất đến gia sản tinh thần, đến cả tình gia đình. Ông bà cha mẹ của chồng trở thành ông bà cha mẹ của vợ và ngược lại. Trong Thiên Chúa cũng thế, Ba Ngôi Thiên Chúa chia sẻ cùng một sự sống thần linh. Và chính sự sống thần linh duy nhất làm cho Ba Ngôi là một. Chúa Cha đã sai Chúa Con mang sự sống thần linh ấy xuống trần gian chia sẻ cho nhân loại. Sự sống ấy là Bánh bởi trời mà chúng ta nhận lãnh trong bí tích Thánh Thể.

– Yêu nhau là đón nhận nhau. Đón nhận tình yêu và ý muốn của người mình yêu, đón nhận tất cả, đón nhận chính bản thân của người yêu. Người được yêu có vị trí quan trọng trong trái tim của người yêu. Suy nghĩ về tình yêu giữa Chúa Con và Chúa Cha, chúng ta sẽ thấy ở trần gian này, không có sự đón nhận nào trọn vẹn như thế. Chúa Con đón nhận tất cả từ Chúa Cha: giáo lý, ý muốn, lời nói, hành động. Chúa Con đón nhận chính bản thân Chúa Cha làm bản thân của mình, vì vậy mà đồng bản thể với Chúa Cha.

– Yêu nhau còn là gắn bó với nhau. Càng yêu nhau càng gắn bó mật thiết đến nỗi là một với nhau. Hai vợ chồng yêu nhau ở mức độ cao nhất thì trở nên một: một xương thịt, một thân mình. Bấy giờ tình yêu vợ chồng không những là dấu chỉ hữu hình của tình yêu Chúa Giêsu đối với Giáo Hội, mà còn là dấu chỉ của tình yêu Ba Ngôi. Ba Ngôi gắn bó với nhau đến nỗi là Một với nhau. Và chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, Thiên Chúa là Tình Yêu nguồn suối, mẫu mực cho mọi tình yêu của con người (ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc).

Hôm nay chúng ta mừng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người. Tuy không thể hiểu thấu mầu nhiệm đó, nhưng may thay qua Chúa Giêsu, chúng ta thấy được biểu hiện của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm của tình yêu.

Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Chúa. Sự ghen ghét hận thù làm cho khuôn mặt chúng ta lem luốc méo mó, không còn giống khuôn mặt Thiên Chúa.

Hôm nay ta hãy biết sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi. Biết sống hiệp nhất với nhau. Biết dâng hiến bản thân mình, biết cho đi, biết chia sẻ, biết sống chan hoà tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, ta phải biết bỏ mình, bỏ sở thích riêng, bỏ của cải và nhất là phải biết bỏ ý riêng, hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình như thế, ta sẽ nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta.

Trước khi dùng cơm, phần lớn trong chúng ta đều làm dấu thánh giá và đọc nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Khi đọc kinh trong nhà thờ hay tại nhà, chúng ta đều bắt đầu bằng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Có những người có thói quen tốt là trước khi làm bất cứ việc gì, họ đều làm dấu thánh giá. Qua đài truyền hình, thỉnh thoảng chúng ta thấy, có những cầu thủ bóng đá quốc tế làm dấu thánh giá sau khi đá lọt lưới đối phương, hoặc trước khi đá phạt đền.

Làm dấu trên trán, chúng ta tuyên xưng Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Làm dấu trên ngực, chúng ta tuyên Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Làm dấu trên hai vai chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Chúa và Đấng ban sự sống, Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Dấu chữ thập mà chúng ta làm chỉ thánh giá của Chúa Giêsu, nơi mạc khải trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với nhân loại.

Dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng đức tin vắn tắt nhất của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác. Lời kinh nhân danh Cha và Con và Thánh Thần tóm tắt đức tin mà chúng ta đã nhận lãnh khi chịu phép rửa tội, mà nội dung là ba điều khoản lớn của đức tin công giáo, điều khoản thứ nhất tuyên xưng Chúa Cha, điều khoản thứ hai tuyên xưng Chúa Con, điều khoản thứ ba tuyên xưng Chúa Thánh Thần và Hội thánh.

Dấu Thánh Gía là một công thức ngắn gọn nhất, nhưng lại đầy đủ nhất về đức tin vào Một Thiên Chúa Ba Ngôi.

Như vậy cách thực tế và đơn giản nhất để tôn vinh Chúa Ba Ngôi là chúng ta hãy làm dấu Thánh Giá cách sốt sắng và ý thức, với tất cả lòng yêu mến và kính trọng.

Lạy Chúa, khi làm dấu Thánh Giá, xin cho con biết khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu, Chúa mãi ở trong con, con ở trong Chúa. Amen. [Mục Lục]

Sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *