Bài hát và Suy niệm (07.05.2023 – Chúa Nhật V Phục Sinh năm A)

– Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

– Nghe giảng

 

NL: CON HÂN HOAN

ĐC: HÃY HÂN HOAN

ALL: Chúa phán: Thầy là đường, là sự thật và là sự sống.

Không ai đến được với Cha mà khÔng qua Thầy.

DL: NHẠC KHÚC YÊU THƯƠNG

HL: XIN DẠY CON

KL: TRINH VƯƠNG MARIA

NL: CHÚA DẪN CON

ĐC: HÃY HÂN HOAN

DL: XIN HIỆP DÂNG

HL: CHÚA LÀ CON ĐƯỜNG

KL: CÙNG MẸ TẠ LỄ

Lời Chúa: Cv 6,1-7; 1Pr 2,4-9; Ga 14,1-12

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 14,1-12)

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. 2 Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở ; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. 3 Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. 4 Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.”

5 Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường ?” 6 Đức Giê-su đáp : “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. 7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”

8 Ông Phi-líp-phê nói : “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” 9 Đức Giê-su trả lời : “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói : ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’ ? 10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. 11 Anh em hãy tin Thầy : Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy ; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. 12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.”

Thầy là con đường (07.05.2023)

Bài đọc một, thánh Phê-rô Tông đồ sau khi đã suy tư, cầu nguyện, nói một câu vô cùng xác đáng và có giá trị với mọi thời đại “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải.

Từ ghép “Chúng tôi”, là nhân danh “những người được Chúa chọn, Hội Thánh tiên khởi mang trong mình sứ mạng Chúa trao, có nhiệm vụ lo lắng cho phần rỗi các linh hồn trong chương trình của Thiên Chúa.” Điều này nói lên tính chất chính danh và chính thống bắt nguồn từ thánh ý Chúa và sủng ân của Người. Điểm khai mào đây nhấn mạnh thêm tính chất quan trọng của việc rao giảng lời Thiên Chúa. Một công việc đem lại vinh quang cho Thiên Chúa, hoàn tất chương trình của Người và đem lại ơn cứu độ cho tha nhân. Chân lý này là một trong những viên đá góc xây lên lâu đài đức tin trong Giáo Hội của Người, đồng thời liên kết với ý nghĩa của bài đọc hai và bài Phúc Âm mà chúng ta sẽ cùng chia sẻ sau đây.

Thánh Phê-rô trong tư cách Tông Đồ Trưởng, vị Giáo Hoàng đầu tiên của Hội Thánh, mở ra một chương thần học lớn với tiêu đề “Anh em hãy tiến lại gần Đức Ki-tô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô.” Các con biết không, đọc đoạn Thánh Thư này ngoài việc nhận ra ý nghĩa bổ sung, làm rõ nghĩa hơn từ “Chúng tôi” ở trên. Bố-ba còn cảm nhận, thánh Phê-rô tông đồ để lại bút tích không nhiều như thánh Phao-lô, nhưng thật ra những gì ngài bảo viết đều thật hàm súc, mang ý nghĩa thần học sâu xa và hết sức quan trọng.

Đi vào ý nghĩa, Thánh Phê-rô người được chọn hàng đầu cho công việc truyền giảng Tin Mừng. Trong tư cách này, ngài đưa chúng ta tới một nhịp sống thần khí hết sức quan trọng. Cũng là một hành động thiêng liêng rất mực cần thiết phải thực hiện trên con đường là chính Đức Ki-tô Giê-su, mà chúng ta phải kinh qua ở trần gian. Nhịp sống truyền giảng Tin Mừng trở nên dãy đá sống động trong ngôi Đền Thờ thiêng liêng của Thiên Chúa ở nhân gian.

Đồng thời một ơn gọi khác dành cho chúng ta, hãy làm viên đá sống động trong nhiệm thể Chúa, tức dùng tự do đặt viên đá đời mình vào tòa nhà Hội Thánh. Như lời Chúa đã dạy “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng,”. Đây là nhiệm vụ thật cao cả, mang lại vinh quang Nước Trời vô cùng vinh sáng cho các con.

Bây giờ chúng ta cùng suy tư, tìm hiểu ý nghĩa câu “Thầy là con đường” của Chúa Giê-su, được đặt trên sự liên kết thần học với hai tư tưởng được trích dẫn trên. Đề tài tuy chỉ có bốn chữ, nhưng ẩn giấu ý nhiệm rất sâu xa mà không dễ gì chúng ta lãnh hội cho thấu đáo, cho sáng ra trong hồn lối bước đức tin đi về quê hương vĩnh phúc.

Lần giải từng phần lượt đề đã được tóm gọn trong lời cầu nguyện ở trên “Chúa Ngôi Lời xuống thế, Chúa ở nhân gian, Chúa rao giảng Nước Trờichịu khổ nạn và chết trên thập giá, được an táng trong mồ, rồi Chúa sống lại và thăng thiêng.”, chúng ta sẽ thấy rằng mình cần phải biết các chặng của các tuyến đường, mới mong có được một hành trình bình an và tiến nhanh tới đích cuối cùng. Rất tiếc với giới hạn của một bài viết tâm sự hằng tuần, may ra chỉ nói được một chặng đầu.

Thầy là con đường”: khi nói “Thầy là con đường” Chúa Giê-su giải đáp cho thắc mắc của dân Do Thái “Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” (Ga 10,24) Câu trả lời gián tiếp qua các môn đệ của Chúa là: “Thầy” vốn là Chúa Ngôi Lời, đồng bản vị với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Là Đấng Tạo Hóa tạo ra muôn thụ tạo, là Cao Cả trên hết mọi cao cả mà thụ tạo có lý trí có thể nhận thức được. Trong Thiên Chúa Cha, theo ý muốn của Người “Thầy” đã làm người, nghĩa là sẽ hạ xuống mặc lấy phận người của thụ tạo đã thất sủng đang đi vào hư vong. Để rồi giờ đây, Thầy đã thực sự hạ xuống nhân gian, mặc lấy phận người, đứng giữa các con kể lại mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Thầy.

Chặng đầu tiên này của Đức Ki-tô Giê-su, thể hiện một sự khiêm hạ tột mức. Đức khiêm hạ trở thành tiêu chuẩn mở đầu cho hành trình cứu thế của Chúa Ngôi Hai. Mầu nhiệm này được thánh Phao-lô tóm gọi trong thư gởi giáo đoàn Phi-líp-phê

Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
” (Pl 2,6-7)

Cách làm mở đầu chương trình cứu độ của Chúa Ngôi Hai, làm nên một gương mẫu, một bài học đầu tiên cho thành viên nào muốn tham dự vào vinh phúc Nước Trời. Sống khiêm hạ sẽ không dừng lại trong ý nghĩa là thực thi một nhân đức, mà còn là bước vào cuộc thanh tẩy cho tận căn, cho hoàn thiện, nên thật vinh sáng, nên tốt hơn mãi theo gương mẫu của Thiên Chúa Nhập Thể. Đồng thời, ở một góc độ khác, lòng khiêm hạ còn phác họa nên nét đẹp đầu tiên về phẩm chất của một người con Thiên Chúa cho thế giới cao ngạo và sa đọa này.

Đức khiêm hạ cho ta sức mạnh để từ bỏ theo lời Chúa Giê-su dạy, không có khiêm hạ, chúng ta không có khả năng để từ bỏ điều gì, nhất là từ bỏ bản thân. Như thế, khởi đầu đã không đi được vào con  đường Chúa Giê-su, làm sao có thể hưởng vinh phúc vĩnh cửu với Người?

Chúa Giê-su từng dạy “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 14,11) và Người đã để lại tấm gương tuyệt hảo cho chúng ta. Vì thế, sống đức khiêm hạ phải là nguyên tắc được các con cẩn trọng gìn giữ, là cẩm nang để tiến đức cho người khát vọng Nước Trời.

Người khiêm hạ sẽ không cho mình là quan trọng, không lấy mình làm trung tâm cuộc sống, chẳng đòi buộc mọi người phải theo mình, biết mình, quan tâm tới mình hay nâng mình lên. Những tâm tư này không chỉ trước Chúa mà cả với tha nhân, với thụ tạo. Người khiêm hạ sẽ cư xử mềm mỏng, dịu dàng, nhân từ, hiền lành, khoan dung, dễ tha thứ, rộng rãi, quảng đại, cao thượng, dễ làm hòa, đặc biệt là trung thành, chung thủy.

Ai đến với Chúa hay than thở, trách hờn, giận dỗi… hay cầu xin đủ thứ cho mình, cho tha nhân, luôn có hậu ý vụ lợi trong tương giao với Thiên Chúa, thì trong tâm linh chất chứa hỏa hào kiêu ngạo đã đành. Những người hờ hững việc đạo, việc Hội Thánh, chẳng quan tâm gì tới chân lý đức tin, hay nguyện vọng của Chúa Giê-su, của ân sủng mình lãnh nhận… thì tâm tư cũng nhuốm đầy ích kỷ và kiêu ngạo, chỉ biết yêu lấy bản thân mình và những sự ở đời này. Những người như thế, họ không có khả năng bước vào con đường là chính Chúa Giê-su. Không mong gì có thành đạt trên đường tiến đức, cũng chẳng thể mơ được sáng láng trong vinh phúc vĩnh hằng.

Ai hay lớn tiếng, gắt gỏng, nộ nạt, sừng sộ, tự hào, tự phụ, tự mãn, dễ dàng chửi mắng, chỉ trích, phê phán, kết tội người khác, muốn mọi người phải nghe mình nói, nghe theo mình, làm như mình muốn, xem mình là quan trọng… Trái lại, dễ tự ái, dễ tự ti mặc cảm, dễ cảm thấy bị tổn thương, dễ nản lòng, thường bất nhẫn, bất tuân phục… thì cũng đang cưu mang con quái thú kiêu ngạo đầy sung sức trong linh hồn. Những người như thế, sẽ còn cách xa con đường của Chúa lắm lắm!

Tình Yêu Hoa Cỏ

ANH EM ĐỪNG XAO XUYẾN

Khi Thầy Giêsu sắp từ giã các môn đệ mà trở về với Chúa Cha, lòng các ông u buồn xao xuyến. Chuyến đò nên nghĩa, làm sao các ông không khỏi buồn phiền hụt hẫng, vì sau ba năm theo Thầy chan chứa bao nghĩa tình, Thầy trò bên nhau, với bao là vui buồn sướng khổ, hạnh phúc chứa chan. Làm sao không lo âu khi chốn tựa nương ấy giờ đây sắp hết chẳng còn? Thời gian bên nhau càng dài với nhiều kỷ niệm, nhiều biến cố, người ta càng luyến tiếc không muốn rời xa…

Thầy dùng những lời tâm huyết mà an ủi dỗ dành: Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở ; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14,1-4). Nghe những lời trấn an dịu dàng, đầy hy vọng và hứa hẹn một tương lai tươi sáng của Thầy cho các ông, chắc họ an lòng vui vẻ vì được Thầy mình vỗ về thương yêu. Nhưng dưới cái nhìn của “người trần mắt thịt”, chúng con thấy cả đời Thầy mãi… “ất ơ bập bênh”! “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Thầy nghèo khổ từ lúc mới sinh ra trong hang lừa hôi hám chật hẹp… cho tới lúc chết trần trụi trên cây gỗ, phải nằm nhờ mộ của người khác. Mọi điều Kinh Thánh đã chép về Đấng Thiên Sai phải được ứng nghiệm nơi Thầy. Sau khi Thầy Phục Sinh, các môn đệ mới “à ra” mọi sự.

“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,6). Chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện trong Thầy. Thầy là đường đưa chúng con đến với Chúa Cha. Con đường chúng con phải qua là con đường chật hẹp khó đi của Tin Mừng, là đường dẫn tới sự sống. Nhưng chúng con lại cứ thích đi trên con đường rộng rãi thênh thang, êm ru của xác thịt trần tục, theo ý riêng của chính  mình, đường dẫn tới diệt vong, dẫn tới “cái chết êm dịu”.

Đức Giêsu chứng minh cho các ông, rằng Ngài chính là Lời của Chúa Cha: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”? (Ga 14,8). Rõ xấu hổ cho ông vì bị “kiểm tra kiến thức thực hành”, nhưng lúc đó chắc cả đoàn đều chưa “biết”. “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy”. (Ga 14,7a). Nhưng dù ở với Thầy bấy lâu, các ông vẫn chưa “biết”, không hiểu nổi Thầy mình, vì đầu óc còn mơ mộng danh vọng, chức quyền, địa vị, chỉ mong cùng “hiển trị” với Thầy sau này… đủ thứ lấp kín tâm trí. Trong bài “Viếng Thánh Thể”, thánh Alphongsô từng thốt lên: “Không dân tộc nào, dù hùng cường đến đâu, mà lại được Chúa họ thờ ở cùng họ, như Chúa Giêsu của chúng ta “ở cùng” chúng ta.”

Ngày nay nếu chúng con mở lòng đón nhận và biết Chúa là con đường, để được đi vào bên trong, “ở với” và sống trong Chúa, chúng con sẽ nhận ra khuôn mặt của Cha, Thiên Chúa Tình Yêu trong anh em. Có Chúa ở trong, cuộc đời tầm thường của chúng con sẽ trở nên ý nghĩa, đáng sống và hạnh phúc ngọt ngào, đời thường hiện tại mà trở nên như Thiên Đàng thánh thiêng.

 Én Nhỏ

TA LÀ ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT VÀ LÀ SỰ SỐNG

1. Ghi nhớ:

“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.” (Ga,14-6)

2. Suy nệm:

Đức cố Hồng y Phanxicô Savier Nguyễn văn Thuận(1928-2002) “ bị cầm tù mười ba năm từ 1975-1988, trong đó có 9 năm bị biệt giam. Thời gian bị tù đày, Ngài đã viết tác phẩm; “Đường hy vọng (The Road of hope) để nói lên tâm tình của Ngài.

Chúng ta có thể hình dung được những đau khổ hồn xác mà Đức giám mục Thuận phải chịu là lớn lao dường nào. Từ một vị Giám mục đầy uy quyền, danh giá, được tiền hô hậu ủng. Phút chốc trở thành người bị giam cầm tù đày.Cứ như tất cả đã sụp đổ, đã tan tành theo mây khói. Thế nhưng hơn ai hết Đức Cha hiểu rằng đây là“con đường”khổ giá mà Ngài sẽ phải nối gót Thầy Chí Thánh Giê-su, phải vượt qua với một tâm tình tràn đầy niềm tin và hy vọng. Suốt cả cuộc đời của Ngài cho dù khi bị tù đày giam hãm. Đức Cha vẫn luôn sống kết hiệp với Chúa qua việc cầu nguyện và dâng thánh lễ, bên cạnh đó là một đời sống làm chứng nhân cho Tin Mừng Đức Ki-tô.Ngài nói: “Cho dù các anh có giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Bởi Chúa Ki-tô đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng được gọi là Ki-tô hữu.”

Ngài còn bày tỏ một tâm hồn yêu nước qua câu nói: “Con có một tổ quốc Việt-Nam. Quê hương yêu dấu ngàn đời, Con hãnh diện, con vui sướng, con yêu non sông gấm vóc, con yêu lịch sử vẻ vang!.”

Sau này khi ra khỏi tù, và làm việc bên Rôma. Ngài là vị Giám mục Việt-Nam đầu tiên và cũng là duy nhất được vinh dự giảng tĩnh tâm tuần thánh cho Đức giáo hoàng Gioan-phaolô II và cả giáo triều Rôma năm thánh 2000.

Có thể nói: Trọn cuộc đời Đức Hồng Y “Đấng đáng kính” đã đi theo “con đường Giê-su” và chính con đường này đã dẫn đưa Đức Hồng y đến sự thật và sự sống đời đời, cũng như đưa Ngài đến với Thiên Chúa Cha.

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa trấn an các môn đệ đừng lo lắng xao xuyến và khuyên các ông hãy đặt hết niềm tin vào Ngài. Đồng thời Chúa Giê-su còn mặc khải cho các môn đệ biết Chúa Cha.

 Qua cách diễn tả của Chúa Giê-su thì Ngài chính là hiện thân của Đức Chúa Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” Cũng như: “Ai đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” Và: “Tôi và Chúa Cha là một.”

Như vậy niềm hân hoan mãn nguyện của chúng ta là khi đặt hết lòng tin tưởng tuyệt đối vào Thầy Giê-su. Bởi chính Ngài là hình ánh sống động hiện hữu của Đức Chúa Cha.Đấng vô hình.

Người Con yêu thương chúng ta như thế nào thì Người Cha cũng thương mến chúng ta như vậy!

Chúa Giê-su lại dùng một hình ảnh rất thực tế, thân thương, quen thuộc và gần gũi để diễn tả về Người. “Tôi là con đường.” Thật vậy! Bao lâu còn sống trên đời này thì bấy lâu con người ta phải cần đến đường. Đường đưa các bà nội trợ đến chợ. Đường đưa các em học sinh tới trường đến lớp. Đường đưa những người đau yếu bệnh tật đến bệnh viện, nhà  thương và đường đưa các tín hữu đến với nhà thờ. Không có đường thì chẳng bao giờ con người ta có thể đi đên nơi họ muốn đến được!Con người ta như bị bại liệt!.

Cũng vậy, bước sang đời sống tâm linh thì chính Chúa Giê-su là con đường dẫn chúng ta đến với tha nhân trong tình yêu thương, đến với sự sống đời đời khi ta bước đi trong tin yêu Chúa và đến với Chúa Cha khi ta kính mến Chúa Con và luôn thực thi lời chỉ bảo của Người. Do đó, nếu chúng ta sống không đi trên con đường của Chúa Giê-su thì chúng ta sẽ chẳng thể đi đến đâu được, nói cách khác, “nếu cuộc đời này chúng ta không để cho Chúa Giê-su cùng đồng hành với mình thì chẳng bao giờ chúng ta tìm được sự sống đời đời và như vậy đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ chằng bao giờ gặp được Người Cha nhân từ trên thiên đàng”.

3. Cầu nguyên:

Lạy Chúa Giê-su, Ngài sinh ra nhân loại trong yêu thương, và Chúa còn tiếp tục yêu thương loài người mãi, thế nên trong cuộc đời trần thế này Ngài đã trở nên bạn đồng hành đi cùng chúng con để bảo vệ che chở. Ngài còn dọn sẵn cho chúng con một chỗ để Ngài ở đâu thì chúng con cũng được ở đó. Xin cho chúng con hằng vững tâm bước đi theo Ngài, cho dù cuộc đời có nhiều bão tố phong ba, chúng mãi vẫn cố gắng bước đi trên con đường của Ngài. Để mai sau được về ở nơi Ngài đã dọn sẵn cho chúng con. Chỗ ở đó chúng con biết rằng Ngài đã dọn cho chúng con bằng giá Máu Cứu Chuộc của Ngài. Amen.

4. Sống lời Chúa:

Tôi luôn phải ý thức rằng mình đã được Chúa yêu thương, đổ Máu Đào ra cứu chuộc, nên tôi phải cố gắng sống đi theo con đường của Chúa . Để công trình cứu chuộc của Chúa được hoàn thành nơi tôi.

Đaminh Trần Văn Chính

***

MỤC LỤC

 

1. Đường tình yêu. 
2. Vững tin vào Thiên Chúa, không xao xuyến. 
3. Trở nên hình ảnh Chúa Giêsu – Lm. Trần Ngà. 
4. Khát vọng đời thường. 
5. Con đường Giêsu. 
6. Con đường mang tên Giêsu. 
7. Bước về nhà Cha. 
8. Trong Chúa Kitô. 
9. Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

1. Đường tình yêu

(Trích “Như Thầy Đã Yêu” của Thiên Phúc)
Đức Khổng Tử trong giờ phút lâm chung cho gọi thầy Tăng Tử là môn đệ mà Ngài đặt nhiều tin tưởng, đến bên giường bệnh và nói:
– Này Tăng Tử con ơi! Trước giờ thầy nhắm mắt lìa đời, con có điều gì thắc mắc về nhữnglời ta đã cùng con thảo luận?
Thầy Tăng Tử đáp:
– Bạch Thầy, Thầy quả là bậc chí nhân quân tử. Những lời Thầy đã chỉ dạy làm cho chúng con thấy khó mà thực hiện cho trọn vẹn.
Đức Khổng Tử mới nói:
– Này Tăng tử, trong các điều ta đã giáo huấn có điều đúng, có điều sai. Nhưng có một cái mà ta chắc chắn không bao giờ sai đó là điều ta không biết!
***
Đức Khổng Tử là bậc thánh hiền, học thuyết của ông đã ảnh hưởng đến bao đời, thế mà trước lúc lâm chung, ông phải tự nhận mình không biết gì. Khác với Khổng Tử là người chỉ đường Đức Giêsu chính là đường. Trước khi lìa các môn đệ để về cùng Cha, Người đã khẳng định: “Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua thầy” (Ga 14,6).
Đức Giêsu chính là Đường, dẫn chúng ta đi từ nhịp cầu đau khổ đến bến bờ vinh quang, từ cõi chết trở về cõi sống, từ đời sống tạm bợ tới cuộc sống vĩnh hằng, từ trần gian tục lụy về quê hương Thiên đàng.
Đức Giêsu chính là sự thật. Sự thật tuyệt đối, sự thật về một Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc con người. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta (Ga 8,32)
Đức Giêsu chính là Sự Sống. sự sống vĩnh cửu, sự sống từ cung lòng Cha ban cho mọi loài được sống. Sự sống đã giải thoát con người khỏi chết muôn đời.
Người chính là Đấng cứu độ duy nhất. Cũng như “mọi con đường đều dẫn tới Roma”, thì mọi con đường cứu độ đều phải dẫn đến con đường Giêsu. Tất cả loài người đều được cứu độ nhờ danh của Người, kể cả những con người không biết Người, nhưng sống theo lương tâm ngay lành, đều được Người ban ơn cứu độ. Sách công vụ tông đồ viết: “Thiên Chúa không ban một danh nào khác dưới bầu trời, để nhờ danh đó mà chúng ta được ơn cứu độ” (Cv 4,12).
Con đường của Người là đường phục vụ, đường yêu thương. Vì thế những ai muốn đi trên con đường của Người cũng phải dấn thân phục vụ anh chị em, và tận tình yêu thương con người.
Con đường của Người là đường thánh giá, đường đau khổ. Vì thế những ai bước đi trên con đường ấy cũng phải dám hy sinh bản thân, và sẵn lòng chịu khổ vì danh Đức Giêsu.
Hy sinh bao giờ cũng cho tâm hồn đẹp cao thượng. Với tình yêu, những khó khăn kia dường như nhỏ lại, những vất vả như bị xóa nhòa. Lòng chúng ta lại thấy vui hơn, cuộc đời thênh thang rộng mở.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã về với Chúa Cha trong vinh quang sau khi đã sống một đời yêu thương tự hiến. Xin cho chúng con cũng biết đi trên con đường của Chúa, là yêu thương phục vụ anh em, để cuối con đường thập giá và đau khổ chúng con được hợp hoan với Chúa trong vinh quang Nước Trời. Amen.  [Mục Lục]

2. Vững tin vào Thiên Chúa, không xao xuyến 

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Bước vào Chúa nhật thứ V Phục Sinh, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta đọc và suy niệm về những lời của Chúa Giêsu trước lúc ra đi về Trời. Sắp từ giã Thầy yêu quí, tâm trạng các môn đệ không khỏi ” xuyến xao”, vì họ hiểu rằng con đường Thầy đi qua sẽ là cái chết ; và có lẽ họ lo cho sự sống của chính mình. Chúa Giêsu trấn an họ: ” Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy ” (Ga 14, 1). Người mời gọi họ hãy tin vào Thiên Chúa là Chúa của Israel, Đấng đã cứu dân Ngài vượt qua Biển Đỏ, nay hãy tin vào Người, Người cũng sẽ cứu họ vượt qua dòng nước của sự chết. Khi nói thế, Chúa Giêsu không chỉ quả quyết rằng cái chết không thể cầm giữ được Người nữa, Người còn cho các môn đệ biết Người sẽ làm một cuộc xuất hành với các ông là mở lối đi cho dân mới của Thiên Chúa.
” Thầy đi để dọn chỗ cho các con ” (Ga 14, 2). Lời nói trên biểu lộ ý nghĩa cứu độ của Chúa Giêsu. Người ra đi để chuẩn bị chỗ cho các ông và xin Chúa Cha ban cho mỗi người một chỗ trong nhà của Chúa Cha. Vì yêu thương, nên Người muốn, Người ở đâu, thì chúng cũng ở đó với Người.
Dường như Chúa Giêsu muốn gợi ý khiến Tôma thắc mắc khi nói: ” Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi ” (Ga 14, 4). Đường nào, và đi đâu các ông nào có hay, khiến Tôma phản ứng: ” Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi? ” (Ga 14, 5). Đó là lý do để Người khẳng định: ” Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống ” (Ga 14, 6). Ai bước đi trên con đường Giêsu, thì sẽ được về cùng Chúa Cha, vì Người chính là đường đi. Không có con đường nào khác để về cùng Chúa Cha, để đạt tới mục đích cuối cùng của đời người, ngoài con đường Giêsu, Người đã tuyên bố: ” Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy ” (Ga 14, 6).
Chúa Giêsu là Sự Thật, là Chân Lý; Người cho chúng ta biết sự thật về Thiên Chúa và sự thật về con người. Nhờ Chúa Giêsu chúng ta biết rõ Thiên Chúa đích thực là ai và con người là ai, sinh ra ơ trần gian để làm gì và chết rồi sẽ đi đâu. Người mặc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là Tình Thương, và ai yêu thương thì sẽ giống như Thiên Chúa.
Chúa Giêsu là Sự Sống; Người đến thế gian trao ban sự sống của Thiên Chúa cho con người, với sứ mạng đến trần gian để cho nhân loại được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10). Người là Đấng cứu tinh, Người đến giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ, khỏi mọi tội lỗi và khỏi chết đời đời, nay Người trở về nhà Cha sau một hành trình dài. Người cảm thấy hạnh phúc biết bao khi được trở về ” nhà Cha “! Niềm vui ngập tràn trước lúc lên đường, hạnh phúc và niềm vui ấy cần được chia sẻ. Người đi chuẩn bị cho mỗi người một chỗ, đích thân Người sẽ trở lại đón chúng ta đi. Chúa Giêsu đến thế gian ấp ủ trong lòng sự khắc khoải là một ngày nào đó đón được chúng ta về nhà ” Cha của Người và cũng là Cha chúng ta, Thiên Chúa của Người cũng là Thiên Chúa của chúng ta ” (Ga 20 , 17) để chia sẻ sự sống thần linh với Thiên Chúa và sẽ sống với Chúa Giêsu Ktiô trong cung lòng Chúa Cha.
Đối với Philipphê, chỉ cần thầy Chúa Cha là đã đủ rồi, nên ông thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con” (Ga 14, 8). Thêm một cơ hội để Chúa Giêsu mạc khải Thiên Chúa Cha, Người nói: “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư, Philipphê? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha, sao con lại nói ‘Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha’? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? (Ga 14, 8-10).
Đúng theo những lời Đức Kitô đã nói với Philípphê, việc ” thấy Chúa Cha” việc thấy Thiên Chúa trong đức tin – đạt được trong sự gặp gỡ lòng thương xót của Ngài một cấp độ đơn sơ và chân thật nội tâm giống như cấp độ chúng ta nhận ra trong dụ ngôn người con hoang đàng (Lc 15, 11s).
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha ” (Ga 14, 9). Tất cả những gì làm thành việc ” thấy ” Đức Kitô trong đức tin sống động và trong lời giảng dạy của Giáo Hội đều đưa chúng ta lại gần việc ” thấy Chúa Cha ” trong sự thánh thiện của lòng Ngài thương xót. Trích Thông điệp ” Thiên Chúa Đấng giầu lòng thương xót số 13 “.
Ở chỗ khác Chúa Giêsu nói, ” Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta, Ta và Cha là Một” (Ga 10 , 30). Thật lôgích để nói rằng ” ai thấy Thầy là xem thấy Cha ” ; nghĩa là ai đón nhận Lời Chúa Con trong đức tin, thì cũng biết Chúa Cha mà Chúa Giêsu mạc khải rõ khuôn mặt đích thực.
Vượt qua ngưỡng cửa này, những người tin được hứa: ” Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn ” (Ga 14, 12). Mỗi người chúng ta có ơn gọi mạc khải khía cạnh sự dịu dàng vô biên của Chúa Cha, ” Đấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người ” (1 Pr 2, 9 ) đây là cách chúng ta trở nên ” những tảng đá sống động, xây dựng toà nhà thiêng liêng,” được xây dựng trên “nền tảng” là chính Chúa Kitô.
Như các môn đệ sau ngày Lễ Ngũ Tuần, ” đầy đức tin và Chúa Thánh Thần ” họ là ” dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa ” (1 Pr 2, 5), có trách nhiệm loan báo cho mọi người biết Chúa Giêsu là con đường chân chính, Người sẽ dẫn đưa chúng ta sự sống đời đời. Thiên Chúa nhắc lại cho chúng ta và tất cả những người mà chúng ta được sai đến: ” Các điều ấy Ta đã nói với các ngươi rồi, ngõ hầu sự vui mừng của Ta có nơi các ngươi, và sự vui mừng của các ngươi được nên trọn ” (Ga 15 , 11).
Lạy Mẹ Maria, giữa bao nghịch cảnh của cuộc đời, xin giúp con vững tin vào Chúa như Mẹ. Amen[Mục Lục]

3. Trở nên hình ảnh Chúa Giêsu – Lm. Trần Ngà. 

Nhiều lần Chúa Giêsu nói về Chúa Cha khiến các môn đệ đâm ra tò mò. Chúa Cha là Ai? Ngài ở đâu? Ngài là Đấng thế nào?
Thế nên Philípphê mới đề nghị với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.”
Dùng ngôn ngữ vốn rất hạn hẹp của con người để diễn tả mầu nhiệm cao vời về Chúa Cha thì khác chi lấy gang tay đo chín tầng trời. Vì vậy, thay vì dùng lời để diễn giải, Chúa Giêsu dùng phương pháp trực quan. Ngài chỉ cho Philípphê cũng như các môn đệ xem chân dung, xem hình ảnh đích thực của Thiên Chúa Cha. Chân dung đó, hình ảnh đó chính là Ngài: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.
Tiếp theo, Chúa Giêsu cũng tỏ cho các môn đệ biết giữa Ngài và Chúa Cha có một mối hiệp thông hết sức mật thiết. Những lời Chúa Giêsu nói chính là những lời của Chúa Cha được phát ra qua môi miệng Chúa Giêsu: “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. (Ga 14,10). Những gì Chúa Giêsu thực hiện trong cuộc đời đều cũng là những hành động của Chúa Cha…
Thế là Chúa Cha tự tỏ mình qua Chúa Giêsu. Nhìn vào Chúa Giêsu, nhân loại sẽ biết được Thiên Chúa Cha.
* * *
Thánh A-tha-na-si-ô đã diễn tả chân lý nầy như sau: “Chúa Cha được bày tỏ qua Chúa Con và Chúa Con được bày tỏ qua Giáo Hội.” Nói khác đi, Chúa Con là hình ảnh trung thực của Chúa Cha, còn Giáo Hội là hình ảnh trung thực của Chúa Con, và chúng ta, vì là thành phần của Giáo Hội, nên cũng phải là hình ảnh trung thực của Chúa Giêsu.
* * *
Theo nhật báo Chứng Nhân kitô hữu (Témoignage Chrétien), vào năm 1941 có một vị linh mục bị Đức Quốc Xã giam trong trại tập trung dành cho người gốc Do thái. Như bao tù nhân khác, ngài cũng bị hành hạ và ngược đãi thậm tệ. Tuy nhiên ngài vẫn vui vẻ và luôn sẵn sàng giúp đỡ anh em đồng cảnh ngộ đang lâm vào tình trạng khủng hoảng và tuyệt vọng.
Trong cảnh tù đày đói khát, một vụn bánh còn quý hơn vàng, vậy mà ngài dám chia sớt phần ăn ít ỏi của mình cho những bạn tù yếu sức hơn.
Những lúc trời rét buốt xương, tấm áo len được xem là kho tàng vô giá, thế mà có lần ngài tặng không chiếc áo len đang mặc cho bạn tù đang lâm trọng bệnh nằm run cầm cập trong xó nhà.
Ngài là nhịp cầu yêu thương giữa những kẻ bất hoà, đem sự khích lệ tinh thần cho những tâm hồn sầu muộn… Ngài đã cứu được mấy bạn tù tuyệt vọng khỏi tự huỷ mình nhờ những khuyên lơn an ủi… Vì thế, các tù nhân trong trại rất yêu quý và xem ngài như người cha thứ hai. Họ đều gọi ngài cách thân thương là… Bố.
Trong trại tù còn có một thanh niên bụi đời, lớn lên nơi đầu đường xó chợ, căm hờn mọi người, không ngần ngại phạm bất kỳ tội ác nào.
Vị linh mục khả ái từng bước tiếp cận, trò chuyện, giúp đỡ, khuyên răn, và cuối cùng đã cảm hoá được chàng thanh niên chai đá và tưởng chừng như vô phương cứu chữa nầy. Ngài cũng mong ước dần dần dẫn dắt cậu về với đạo thánh Chúa.
Thế rồi, một hôm, có lệnh chuyển cha sang trại Ao-sơ-vích (Auschwitz), một trại tập trung mà chỉ mới nghe danh xưng, mọi trại viên đều phải kinh hoàng. Đó là lò hủy diệt con người bằng những hầm hơi ngạt và lò thiêu xác.
Trước khi chia tay với các bạn tù và đặc biệt với cậu thanh niên mới hoàn lương, ngài quyết định phải giới thiệu đôi nét về Chúa Giêsu cho cậu với hy vọng cậu sẽ trở thành người con Chúa.
Ngài vỗ vai cậu và ôn tồn nói “Này, con yêu của Bố, đã từ lâu Bố rất mong con nhận biết và trở thành môn đệ Chúa Giêsu.”
Cậu thanh niên thưa lại: “Nhưng con chưa biết gì về Chúa Giêsu cả. Bố có thể kể sơ lược về Ngài cho con biết được không?”
Biết mình không còn thời gian để giới thiệu dông dài vì giờ chuyển trại sắp đến, vị linh mục già thinh lặng cúi đầu, cầu nguyện giây lát, rồi ngài ngẩng lên khiêm tốn đáp: “Chúa Giêsu mà Bố muốn cho con tin và yêu mến, Ngài giống như Bố đây!”
Bấy giờ cậu thanh niên nhìn thẳng vào mắt ngài cách trìu mến và chân thành đáp lại: “Nếu Chúa Giêsu mà giống Bố thì có thể một ngày nào đó, con sẽ tin và yêu mến Chúa Giêsu!”
Sau thế chiến thứ hai, người ta không còn gặp lại vị linh mục nầy nữa. Còn cậu thanh niên thì được sống sót qua các trại tập trung trở về với gia đình và đã thuật lại câu chuyện trên đây về một mục tử đã thực sự trở thành hình ảnh trung thực của Chúa Cứu Thế. Cũng chính nhờ hình ảnh Chúa Giêsu ngời sáng lên nơi con người và cuộc đời của vị mục tử tốt lành nầy, chàng thanh niên được cảm hoá và trở thành người con Chúa.
Lạy Chúa Giêsu,
Đã bao lần chúng con làm cho khuôn mặt Chúa trở méo mó, biến dạng và có thể là rất khó thương vì đời sống không đẹp của chúng con.
Xin cho chúng con biết nhìn lên Chúa như một khuôn mẫu tuyệt vời để đào tạo bản thân mình thành con người mới, có phẩm chất cao đẹp, có đạo đức và văn hoá để nhờ đó, chúng con trở thành hình ảnh trung thực về Chúa cho thế giới hôm nay. [Mục Lục]

4. Khát vọng đời thường 

Trong đời sống đức tin của người Công giáo, hình ảnh mà chúng ta có về Thiên Chúa là rất quan trọng. Bởi lẽ, tuỳ như hình ảnh mà mình nuôi dưỡng về Thiên Chúa như thế nào, thì mình sẽ xây dựng đời sống đạo đức của mình như thế.
1. Hình ảnh con người có về Thiên Chúa trong Cựu ước:
Nhìn lại lịch sử dân Do thái qua những trang Kinh Thánh thời Cựu Ước, chúng ta thấy được rằng: đối với họ,Thiên Chúa còn là một vị thần quá xa vời, mặc dầu họ vẫn cảm nhận được rằng Ngài rất yêu thương họ, luôn bảo vệ họ và ở với họ trong mọi biến cố quan trọng của đời sống. Vì thế, tâm tình của họ dành cho Thiên Chúa là sợ hãi hơn là yêu mến. Họ sợ Thiên Chúa vì: “có ai nhìn thấy Thiên Chúa mà còn được sống bao giờ”. Chẳng hạn Ông Ma-nô-ác liền nói với vợ: “Chúng ta chết mất thôi, vì đã thấy Thiên Chúa.” (Tl13,22), hay Ông Gia-cóp đặt tên cho nơi đó là Pơ-nu-ên, “vì ông nói: tôi đã thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, mà tôi đã được tha mạng.” (St 32,31), nên họ sợ nhìn thấy Thiên Chúa và sợ gặp Thiên Chúa lắm. Những hình ảnh ấy nếu không được giải thích cho tận tường có thể sẽ làm méo mó khuôn mặt đích thực về Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa vẫn chấp nhận cho con người tô vẽ về Ngài với những điều chưa đúng đắn ấy để dần dần Ngài sẽ dẫn đưa họ tới sự thật về Ngài khi đến giờ Ngài đã định.
2. Khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô:
Đến thời Tân Ước, thời của Chúa Giêsu Kitô đến làm người và sống với con người, thì mọi mặc khải rõ ràng và chuẩn mực về Thiên Chúa được trình bày cho con người. Đức Giêsu đã âu yếm gọi Thiên Chúa là Cha và dạy cho con người biết nhìn về Thiên Chúa như người Cha đích thực của mình; một sự thật vượt quá suy nghĩ và tưởng tượng của con người. Ngài không ngừng nói về Thiên Chúa Cha cho con người qua những dụ ngôn “người cha nhân hậu”, “ông chủ thương xót tên đầy tớ”… Thiên Chúa là một người cha hết mực yêu thương con người dù Ngài vẫn là Thiên Chúa toàn năng và là Thiên Chúa sáng tạo mọi loài.
3. Khát vọng của con người về Thiên Chúa:
Các môn đệ của Đức Giêsu ao ước được nhìn thấy Cha lắm. Do đó, Philipphê đã không bỏ qua cơ hội xin Đức Giêsu cho mình và anh em được nhìn thấy Thiên Chúa Cha khi Ngài nói về Thiên Chúa Cha cho họ “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”.
Khát vọng của Philipphê và của các tông đồ cũng là khát vọng của biết bao con người trên thế gian này, những con người thiện chí không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng mà họ gọi bằng những tên gọi khác nhau: Đấng tối cao, Đấng Tạo thành, Thượng Đế… Con người muốn bắc một nhịp cầu với Đấng siêu việt, muốn cảm nghiệm và tương quan với Đấng Tạo hoá. Khát vọng ấy suy cho cùng là chính đáng, là khôn ngoan. Bởi lẽ, con người nào mà không muốn biết mặt, không muốn nhìn thấy và sớ mó đến cha của mình bao giờ, nhất là người cha ấy lại là Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã thấu hiểu nỗi niềm của con người nên Ngài đã đáp lại khát vọng ấy khi cho Con Một của Ngài làm người và ở giữa chúng ta. Để qua Đức Giêsu Kitô, chúng ta được gặp gỡ Chúa với chính Thiên Chúa, được diện kiến mặt đối mặt với Ngài, một Thiên Chúa dễ gần, dễ thấy, dễ quen, dễ cảm thông với con người. Như vậy, Thiên Chúa đâu chỉ ở nơi cao thẳm ngàn trùng hay vô phương thấu đạt nữa. Qua Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa hiện diện cách khiêm hạ với con người. Nhưng điều này con người không dễ chấp nhận nếu không được Thiên Chúa ban ơn đức tin cho họ. Đức Giêsu đã nói “Ai thấy Thầy là thấy Cha” vì “Cha ở trong Thầy và Thầy ở trong Cha” (Ga 14,10) và Ngài còn mạnh dạn khẳng định “Cha và Tôi là một”. Đây là một sự gắn bó và kết hiệp cách lạ lùng giữa Đức Giêsu và Cha của Ngài và cũng là Thiên Chúa của chúng ta.
Sự hiệp thông giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha đạt tới sự trọn vẹn để giờ đây lời nói và việc làm của Chúa Giêsu chính là lời nói và việc làm của Chúa Cha. Toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu được Cha chiếm ngự. Đức Giêsu trở nên một tấm gương trong suốt phản chiếu trái tim và khuôn mặt của Thiên Chúa: đầy lòng nhân ái và hết mực bao dung với hết mọi người “Ai thấy Thầy là thấy Cha”.
Sứ mạng của mỗi người chúng ta là hãy sống như Đức Giêsu đã sống. Chúng ta hãy cố gắng sao cho đời sống của mỗi người chúng ta trở nên trong suốt khỏi những lớp bụi mờ của lòng ích kỷ, ghen tương, hận thù, để người khác nhìn thấy được Đức Giêsu trong chúng ta. Sứ mạng của người Kitô hữu là trở nên một Chúa Kitô khác cho con người hôm nay, là phấn đấu để nói lên rằng: “Ai biết tôi là biết Đức Giêsu. Ai thấy tôi là thấy Đức Giêsu” và như thế cũng là biết và thấy Thiên Chúa vậy.
Jack là một công nhân khai thác đá. Anh tuy ít học, nhưng lại có một đời sống rất tất lành. Anh gần gũi, cảm thông và chia sẻ với mọi người trong những công việc nặng nhọc hay nhẹ nhàng. Không ai thấy sự nóng nảy, cáu gắt trên khuôn mặt của anh bao giờ, dù có những lúc anh làm việc rất vất vả… Một người bạn của anh hỏi anh: “Này Jack, tại sao anh đối xử tốt với mọi người như vậy?”. Anh đơn sơ trả lời rằng: “vì Chúa dạy tôi như vậy đó”. Bạn anh lại tiếp tục hỏi anh: “Chúa của anh ra sao?” Anh quá bối rối trước câu hỏi này vì anh không phải biết trình bày Chúa của mình như thế nào để cho bạn anh hiểu đây. Nhưng sau một phút ngập ngừng, anh trả lời với bạn của anh rằng: “Chúa tôi giống như tôi vậy nè”. Người bạn của Jack nghe vậy quá xúc động và nói với anh rằng: “Vậy thì tôi xin tin vào Chúa của anh”. Vài ngày sau, người ta thấy Jack dẫn người bạn của mình đến một ngôi nhà thờ gần đó để người ấy được gia nhập vào đạo và trở thành Kitô hữu.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta không ngừng khao khát trở thành hình ảnh của Đức Giêsu và của Thiên Chúa Cha trong cuộc đời mình bằng một đời sống yêu thương phục vụ và hy sinh vì anh em đồng loại, để mọi người nhận ra được khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa và để cho Danh Ngài được cả sáng khắp mọi nơi. Amen[Mục Lục]

5. Con đường Giêsu 

Cái trớ trêu của các môn đệ Chúa là các Ngài đã sống với Chúa một thời gian đủ để nhận, hiểu và biết Chúa, nhưng các Ngài vẫn tỏ ra thật ngớ ngẩn khi Chúa nói: “… Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi”. Ông Tôma nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”.
Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta hiểu được rằng Lời của Chúa thường ví cuộc đời như một cuộc hành trình. Từ lúc Ađam và Evà trốn Chúa tới Nôe và cả đại gia đình của ông xuống tàu, Abraham cùng gia đình ra đi tới một vùng đất thật xa lạ, đến ngày vội vã ra đi của Mẹ Maria, thánh cả Giuse và Hài Nhi Giêsu sang đất Ai Cập, và cả một cuộc đời di chuyển rầy đây mai đó của Chúa Giêsu. Những hình ảnh này diễn tả cuộc hành trình đức tin không ngừng của người Kitô hữu. Đời con người là một cuộc hải hành, là một cuộc hành trình không ngừng. Sinh ra, lớn lên với tất cả tranh dành để sống, rồi tuổi già đến, tất cả đều cho con người thấy cuộc đời ở trần gian chỉ là tạm bợ mà thôi. Chúa Giêsu đã cho ta thấy chính Ngài đã trải qua cuộc đời này bằng biết bao nhiêu cuộc hành trình: Chúa sinh ra trong cuộc hành trình, cha mẹ Ngài trở về quê khai lại sổ nhân danh, Ngài vừa sinh ra đã được cha mẹ vội vàng đưa đi lánh nạn bên Ai Cập. Năm 12 tuổi, Chúa cũng lạc mất trong một cuộc hành trình về Giêrusalem mừng lễ. Những năm rao giảng, Ngài đi không mệt mỏi khắp vùng Palestina và các vùng phụ cân. Cuối cuộc hành trình của đời sống trần thế của Ngài là Giêrusalem và đồi Canvê. Qua cả một cuộc đời hành trình, Chúa Giêsu đã tuyên bố:” Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống “. Tuyên bố như vậy, Chúa Giêsu muốn nói lên một sự thực: ” Ai tin vào Ngài và đi theo Ngài ” sẽ không bao giờ bị trệch hướng trong cuộc hành trình đức tin dài lâu của mình.
Thánh Gioan Phaolô II cũng đã từng nói về Đức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu, vào ngày 16.10.1978 tại Quảng Trường thánh Phêrô: ” Tôi trình diện với hết thảy anh chị em để tuyên xưng đức tin chung của chúng ta, lòng trông cậy và tín thác của chúng ta nơi Đức Mẹ Chúa Kitô và nơi Giáo Hội, và cũng là để lại – khởi hành trên con đường lịch sử là con đường Công Giáo tông truyền”. Thánh Gioan Phaolô II đã đặt Triều Đại Giáo Hoàng của Ngài dưới lá cờ phù hộ đặc biệt của Đức Mẹ Maria. Cả triều đại của Chân Phước Gioan Phaolô là một cuộc hành trình. Bởi vì, nói cho cùng tất cuộc đời trần thế là một cuộc hành trình đức tin liên lỉ. Thánh Tôma lúc đó vẫn chưa hiểu lời của Chúa Giêsu nói. Do đó, Tôma đã thưa với Chúa: “… chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường”. Thánh Tôma làm sao biết được Chúa Giêsu tự nhận là đường. Con đường tình yêu, con đường mở ra hạnh phúc. Con đường hy vọng, con đường tin yêu, con đường cứu độ. Con đường ấy có tên Giêsu. Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống, bởi vì Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Ngài đến trần gian là để hướng dẫn con người về với Thiên Chúa Cha, đạt được hạnh phúc đích thực và được thông dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong Chúa Kitô, chúng ta tìm được con đường và được mời gọi vươn cao lên mãi, vươn lên không ngừng. Càng mặc lấy Đức Kitô, chúng ta càng cảm nghiệm sâu xa lời của thánh Phaolô tông đồ: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”.
Con người là con đường dẫn tới Thiên Chúa. Nên, dù chưa thấy Nhan Thánh Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, con người vẫn có thể đi vào tương quan mật thiết với Ngài. Con người đến với Chúa bằng một tương quan thân mật Cha-Con. Chúa dạy chúng ta hãy đi theo con đường của Chúa trong suốt cuộc sống trần thế của chúng ta. Có Chúa, chúng ta sẽ hiên ngang vững bước và như thánh Phaolô trong thư Philíp đã nói: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi “. Có Chúa chúng ta sẽ không cô đơn vì Chúa đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế “. Chính vì thế, cuộc hành trình đức tin của chúng ta sẽ không vô ích bởi vì chắc chúng ta đang tìm hạnh phúc nghĩa là tìm thông hiệp với Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là ánh sáng, là đường, là sự thật, xin hướng dẫn chúng con để chúng con lúc nào cũng đi trên con đường của Chúa và sau cõi đời này, chúng con được về quê trời với Chúa. Amen[Mục Lục]

6. Con đường mang tên Giêsu 

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Theo Báo Thanh Niên số 69 ngày thứ ba 30.4.1996, Thành phố Hồ Chí Minh đang tiến hành công việc chỉnh đổi tên đường trên địa bàn toàn thành phố. Bởi vì trong hơn 1000 con đường của thành phố có khoảng 100 con đường trùng tên và hơn 300 con đường mang số. Đợt đổi tên này sẽ đặt tên mới cho các con đường trên. Ngoài ra, một số nhân vật lịch sử trước kia có tên đường, nhưng đã bị huỷ bỏ, nay có thể sẽ được phục hồi, như gần đây đã phục hồi tên đường cho Giáo sĩ Alexandre de Rhodes.
Tới đây, dự kiến sẽ có con đường mang tên Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Con đường TGM. Nguyễn Văn Bình sẽ thay thế đường Nguyễn Hâu, nối liền đường Hai Bà Trưng với bên hông Nhà Thờ Chính Toà và Công Xã Paris với công viên Nữ Vương Hoà Bình trước mặt tiền Vương Cung Thánh Đường Đức Bà.
Có một con đường thật danh tiếng và luôn luôn nổi tiếng, không thể thay đổi được, từ hai mươi thế kỷ nay, trong Giáo Hội chúng ta ai cũng biết, đó là con đường mang tên Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ta là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống”. Trả lời cho ông Tôma, đồng thời Chúa Giêsu để lộ cho biết từ nay chỉ có một con đường duy nhất được mở ra trong ơn Cứu Độ, và tên gọi con đường ấy chính là Ngài.
Ngài là Đường Sự Thật, bởi Ngài là Chân Lý, một chân lý sống động khả tín làm nền tảng và hướng đi cho mọi cuộc đời, một thực tại năng động đầy Thần Khí làm sức mạnh giải thoát cho mọi kẻ tin. Đường Sự Thật không phải là một hệ thống giáo điều, nhưng là toàn thể cuộc sống, lời nói và việc làm của Chúa Giêsu trong ý nghĩa cứu độ. Nhưng đâu phải ai cũng nhận ra con đường Sự Thật này. Tổng trấn Philatô, giữa phiên toà dịp lễ Vượt Qua, trước mặt Chúa Giêsu, đã hỏi một câu ngớ ngẩn: “Sự thật là gì?”. Chúa Giêsu không trả lời. Vì hỏi là đã trả lời rồi: Sự thật hiện thân chính là Ngài đang đứng đó. “Ta là Sự Thật”.
Ngài là Đường Sự Sống, bởi vì Ngài là Sự Sống thượng nguồn phát sinh các sự sống khác trong công trình sáng tạo, và là sự sống cội nguồn mà mọi sự sống khác phải tìm về trong công cuộc tái tạo của ơn Cứu Độ. Ngài thông ban sự sống cho mọi sinh linh và luôn đi bước trước để lôi kéo mọi người về với sự sống của Thiên Chúa. Ngài chịu chết để nhân loại được sống và Ngài sống lại để mãi mãi mở ra nẻo đường dẫn vào cõi sống. Mọi sự sống trần gian có thể đổi thay tan biến, nhưng sự sống Ngài là vĩnh cửu thường tồn. Ngài hằng sống hằng trị muôn đời.
Ngài là Đường dẫn tới Nhà Cha, bởi vì Ngài và Cha là một. Chúa Con ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Chúa Con. Vẫn là một từ ngàn xưa và mãi mãi là một tới ngàn sau. Chính Ngài quả quyết: “Con đường dẫn đến Chúa Cha chính là Thầy”. “Không ai đến được Cha mà không qua Thầy”. “Ai thấy Thầy là thấy Cha”. Cho nên đường mang tên Giêsu tất yếu cũng là địa chỉ Nhà Cha, và ngược lại, tìm đến Nhà Cha cũng là hành trình vào đường Sự Thật và Sự Sống.
Thưa anh chị em,
Dẹp bỏ con đường cũ của thất vọng hoang mang để khai mở con đường mới, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cất bước lên đường theo Ngài. Đi trên Đường Giêsu là đi bằng cả niềm tin gắn bó hiệp thông của những con người biết mình có một lý tưởng để theo đuổi, và sẵn sàng hy sinh tất cả để đạt được lý tưởng ấy. Trút bỏ những hành trang cồng kềnh của danh lợi thú, đoạn tuyệt với những ngõ cụt lối mòn của cuộc sống khô khan, chấp nhận canh tân để có được bước đi vừa thanh thoát vừa thanh thản của đời nhân đức, chính là “hát lên khúc ca mới trên con đường mới” (Thánh Augustinô). Vì lý tưởng ấy chính là lẽ sống, cũng chính là vinh dự một đời: “Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là chủng tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa” (Bài đọc 2).
Đi trên Đường Giêsu cũng là đi bằng niềm hy vọng bền vững. “Thầy đi dọn chỗ cho các con”. Vận mệnh tương lai đã mở ra. Không còn xa xôi tít tắp, nhưng đã châm rễ từ cuộc đời này. Sống hôm nay là chuẩn bị sống ngày mai, và ngày mai tại Nhà Cha đã được định hình ngay từ hôm nay trên bước đường lữ thứ của Hội Thánh giữa lòng đời. Đi trong hy vọng là nhận ra rằng con người được tạo dựng để hướng về một cứu cánh, được tái sinh trong giới hạn nhưng không ngừng hướng về vô hạn. Thiết tưởng lời kinh của Thánh Augustinô có thể tóm kết của bước đi hy vọng đã biến thành khát vọng: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con đẻ cho Chúa, nên con mãi khắc khoải cho tới khi được nghỉ ngơi trong Ngài”.
Đi trên Đường Giêsu còn là đi bằng cả tình yêu chan hoà phục vụ. Bài đọc thứ nhất là hình ảnh đẹp về một Giáo Hội trẻ đang cựa mình vươn vai tiến tới. Có những phân công khác biệt: kẻ phục vụ Bàn Thánh, người phục vụ bàn ăn; kẻ chuyên chăm rao giảng Lời Chúa, người chuyên lo hạnh phúc anh em. Nhưng vẫn là nhịp bước đồng hành đặt chân mình trong dấu chân Chúa Giêsu. Và cũng có thể hiểu được rằng: “Con người là con đường của Giáo Hội” (Gioan Phaolô II), là đối tượng mà Giáo Hội yêu mến và phục vụ đến hơi thở cuối cùng, như Chúa Giêsu đã sống. Đó chính là tốc độ mới của tình yêu chan hoà phục vụ trên Con Đường Giêsu hôm nay.
Anh chị em thân mến,
Nếu mai ngày thành phố chúng ta có một con đường mang tên Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình bên cạnh Nhà Thờ Chính Toà thì đó là điều chính đáng. Vì Đức Tổng Giám Mục luôn đặt từng bước chân của Ngài vào đúng vết chân của Chúa Giêsu trên dòng lịch sử dân tộc và thế giới, với niềm xác tín rằng: bước theo dấu chân Ngài là sẽ gặp được niềm vui xum họp đông đủ với mọi người anh em trong Nhà Cha chúng ta trên trời.
Con Đường mang tên Giêsu hôm nay là Con Người sống động đang hiện diện ở đây, trong Thánh lễ này. Ngài lấy Lời Ngài làm ánh sáng chiếu soi Chân Lý và lấy Mình Máu Ngài làm lương thực dưỡng nuôi sự sống. Như thế, Thánh lễ phải là đỉnh cao của lời tuyên xưng: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”, đồng thời là khởi điểm cho hành trình chung bước với Chúa Giêsu trên đường yêu thương phục vụ. [Mục Lục]

7. Bước về nhà Cha 

Ai cũng hiểu về đến Nhà Cha mới là một thành công thật sự cho mọi nổ lực của những người theo Chúa. Nhà Cha được hiểu đó chính là Thiên đàng, nơi con người được sống trong hạnh phúc bất diệt với Thiên Chúa. Đường trần gian đi đã khó, đường về Thiên đàng thì lại càng khó hơn. Đường trần gian có những bóng mờ, thì đường về thiên đàng cũng có khi mịt lối vì những quyến luyến trần gian làm khuất mắt con người. Nếu nói đường đời có nhiều ngã rẽ thì đường nhà Cha chỉ có một lối mòn nhưng khó ai chịu đi đúng hướng. Nhiều người đã tự ý đi theo lối đi của riêng mình.
“Thầy là đường là sự thật và là sự sống” (Ga14,6). Lời Chúa Giêsu như vừa tự giới thiệu về mình, vừa như muốn hối thúc nhiều người hãy đến với Ngài. Chính Ngài sẽ đứng ra dẫn lối, đồng thời Ngài cũng là lối đi duy nhất dẫn về Chúa Cha. “Thầy đi Thầy dọn chỗ cho anh em” (Ga14,2). Đường về nhà Cha có nhiều cách đi. Thành công của kẻ lữ hành là phải đến nơi mình định tới.
Đường đi một mình
Mỗi người phải tự quyết định ngay từ ban đầu, đi hay không đi. Sự quyết định nói lên sự tự do chọn lựa và một trách nhiệm về số phận của mình. Chúa kêu gọi từng cá nhân theo Ngài, dó đó mỗi người phải có lời đáp trả cách riêng tư. Tuy nhiên, cho dù vai trò cá nhân được đề cao đến đâu đi nữa thì con đường đi một mình là con đường nguy hiểm: Mệt lã không ai nâng đỡ; lạc hướng không kẻ chỉ đường; buồn phiền không người an ủi. Nếu biết thế, dại gì ta đi một mình trong khi ta có quyền chọn lựa những cách đi khác: Đồng hành với Chúa và với anh chị em.
Đồng hành với anh chị em
“Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây sống gần nhau thân mới thẳng…” Lời hát như nhắc nhớ con người sống giữa mọi người cần có sự nâng đỡ của người khác để mình được lớn lên. Một sự lớn lên theo đường hướng tốt đẹp. Cây được thẳng là nhờ những cây khác mọc xung quanh mình. Người sống với người cũng rất cần sự nâng đỡ nhau như thế. Hôm nay tôi ngã có người nâng đỡ tôi. Và đến lượt tôi cũng có trách nhiệm để nâng đỡ kẻ khác khi họ cần đến.
Chúa Giêsu đến trần gian, Ngài không chọn duy nhất một “đệ tử ruột” để truyền hết “bí kiếp võ công” cho riêng kẻ ấy. Không, Ngài đã chọn nhiều tông đồ và sai đi “Cứ dấu này mà người ta nhận các con là môn đệ của Thầy là các con hãy yêu thương nhau”. Ngài muốn môn đệ của mình phải sống với nhau bằng sợi dây yêu thương không thể tách rời.
Trong tập suy niệm “Đường Đi Một Mình”, Cha Nguyễn Tầm Thường có nhắc đến câu chuyện về những người lữ hành trong trận bão tuyết. Người thứ nhất đi đầu và bị ngã quỵ trong cơn bão. Người thứ hai đi ngang qua cúi nhìn rồi bỏ đi. Người thứ ba đi đên thấy và vác kể xấu số đã quỵ ngã ấy. Ông cố chống tuyết, ôm người ngất xỉu trên vai. Đến ngôi làng, người ta thấy xác của người thứ hai chết trên đường. Rõ ràng cái chết bí ẩn không phải vì do cái giá lạnh của tuyết nhưng nằm ẩn kín trong tim của mỗi con người. Người thứ ba còn bước đi nỗi bởi vì khi vác kẻ xấu số trên vai, hơi ấm của họ đã truyền sang nhau nên cả hai còn sống sót. Bấy giờ ông hiểu, có những con đường không thể tự mình đi.
Đồng hành với Chúa Giêsu
Người tông đồ dù cho tự mình có đứng vững ở mức nào, dù bản thân có được sự nâng đỡ của người khác ra sao thì tự bản thân người ấy không thể đến với vinh quang Thiên Chúa được. Tự bản chất có một hố sâu ngăn cách thế giới trên cao và thế giới ta đang sống. Thế giới trên cao không phải là điều gì quá mơ hồ khiến con người không thể vươn tới. Tôma thì coi việc trở về với Cha là điều gì rất bí nhiệm, rất mong manh.
Chúa Giêsu đã tự nói “Thầy là Đường… ai thấy Thầy là xem thấy Cha” (Ga14, 6.9 ). Chúa Giêsu chính là con đường độc nhất dẫn tới nơi duy nhất. Tiếc rằng có nhiều người đã không dám đón nhận con đường ấy. Có nhiều người quá chú ý đến những chi tiết phụ tuỳ. Họ chỉ nghĩ đến những chuyện trước mắt như thiếu phụ Samaria chỉ biết nghĩ đến nguồn nước tươi mát vọt lên từ dòng suối (Ga 4,11-15) mà không nghĩ tới Đấng đang ở trước mặt bà. Họ giống như người Do thái chỉ ớong chờ vào bánh manna mà không màng chi đến Bánh Hằng Sống mà Người đem lại (Ga6, 33).
Đường về nhà cha xem ra đã quá rõ ràng mà không bị bí lối. Chính Chúa Giêsu đã khai mở con đường. Duy chỉ một con đường mà chính Ngài là người dẫn đường và cũng chính Ngài là con đường. Ai theo Người, cùng đi với Người sẽ không hề bị lạc lối bao giờ.
Tâm nguyện
Lạy Chúa đường đời còn nhiều ngã rẽ, khiến con dễ lầm lạc. Xin cho con luôn bước đi trong lối bước duy nhất của Ngài. Đường gian trần còn nhiều bóng mát mời gọi. Xin cho con đừng vì thế mà dừng lại quá lâu nhưng luôn hăng hái tiến về nhà Cha. Vì nhà Cha là nơi hạnh phúc thật mà chúng con kiếm tìm[Mục Lục]

8. Trong Chúa Kitô 

ĐIỀU KHÔNG THỂ ĐƯỢC ĐÃ CÓ THỂ ĐƯỢC TRONG CHÚA KITÔ
Đoạn này diễn tả cách gián tiếp điểm độc đáo và thâm sâu nhất của cuộc sống Kitô hữu, đồng thời tóm tắt sứ điệp của Phúc Âm theo thánh Gioan. Nó thuộc về toàn bộ lời dạy của Chúa Giêsu nhằm cắt nghĩa về chính thân thế Ngài. Qua đó, Ngài cũng trình bày cho chúng ta rõ Ngài là gì đối với chúng ta và chúng ta phải làm gì đối với Ngài. Chúa Giêsu là người đích thật, giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Đồng thời Ngài thấm nhuần thực tại thần linh sống động đến mức giữa Ngài và Chúa Cha có sự duy nhất và đồng nhất về hữu thể, hiện hữu và bản tính. Đối với chúng ta, Ngài là mặc khải chính xác về Chúa Cha, tỏ bầy cá vị, lời nói, hành động của Chúa Cha. Liên kết với Chúa Giêsu là chúng ta liên kết với Chúa Cha. Đối với Ngài, chúng ta là những kẻ Chúa Cha đã ban cho và Ngài muốn rằng Ngài ở đâu chúng ta cũng được ở đấy với Ngài.
Ngài cầu nguyện và hành động để cho chúng ta được chia phần trong Ngài vào sự sống Chúa Cha thông ban. Ở đây chúng ta đứng trước một mầu nhiệm trí khôn không thấu suốt, nhưng cởi mở đón nhận sự dấn thân linh hoạt do đức tin thúc đẩy. Mọi trang của Phúc Âm thánh Gioan đều gợi ra những suy niệm bất tận. Khi đọc qua đoạn văn ngày hôm nay, chúng ta hãy dừng lại đây đó, như khi đi đường chúng ta thấy một phong cảnh mở rộng, làm cho tâm hồn chúng ta cũng như chân trời sáng ngời lên.
1) Tâm hồn các con thôi đừng bối rối. Các con tin nơi Thiên Chúa thì cũng hãy tin nơi Ta.
Điều này có nghĩa là trọng tâm của đức tin chúng ta chính là Ngài, con người Ngài, sứ điệp Ngài. Người ta có thể thắc mắc: làm sao Chúa Giêsu Kitô cũng là Thiên Chúa lại có thể nói về Thiên Chúa như một ai khác? Ở đây chúng ta chạm đến một trong những khía cạnh của mầu nhiệm Nhập Thể, nghĩa là mầu nhiệm Thiên Chúa đi vào thời gian và không gian, chịu các giới hạn nhân loại. Con Thiên Chúa, tuy vẫn còn chức phẩm mình, đã như thể tự thu hẹp theo kích thước của thực tại nhân loại. Chúa Giêsu muốn nói: Con người hữu hình của Ngài dễ cho chúng ta đặt lòng tin sống động hơn Thiên Chúa vô hình. Nhờ tin vào Ngài, Chúa Con, chúng ta có thể tin vào Chúa Cha. Mà tin vào Chúa Cha là ước nguyện thâm sâu nhất của con người bị đau khổ dày vò. Lòng tin sống động vào Chúa Giêsu Kitô và qua đó sự quy thuận Chúa Cha chẳng khiến sự bối rối xa lìa chúng ta, mang lại cho chúng ta an bình, vui mừng, sức mạnh sao?
2) Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống
Trong cuộc sống của con người vô thần, đường là một hệ thống tư tưởng hay một minh triết sự thật, là một chọn lựa trong số các ý kiến; sự sống là một hoạt động; một tình yêu mong manh, thường là một sự chịu đựng.
Đối với người theo Đức Kitô, sự dấn thân là một thông hiệp mở ra những lối bất khả. Nơi Đức Kitô, người Kitô hữu tìm thấy đường đi, lối thoát vượt qua biên giới của một thế giới khép kín vô vọng. Hơn nữa con đường ấy, chính Đức Kitô, là một lời mời gọi cất bước, tiến tới, đi lên không ngừng. Nơi Đức Kitô, người Kitô hữu khám phá được sự đáp ứng cho nhu cầu kỳ lạ của con người, là cảm thấy cần nương tựa vào một chân lý chắc chắn, nhưng còn để rộng chỗ cho việc tìm tòi. Hơn thế nữa, việc chắc chắn đã tìm thấy kích thích sự tìm tòi. Ngươi đã không tìm kiếm Ta nếu ngươi đã không gặp Ta rồi. Chân lý sống động không bao giờ là một sở hữu, nhưng cho người ta sự đảm bảo chân thực. Càng gặp Chúa Giêsu, càng tìm biết Ngài. Cần xác định, biết Đức Kitô trước hết là sống bởi Ngài. Khi sống bởi Đức Kitô, các thực tại tự nhiên của cuộc sống có thay đổi không? Không. Người Kitô hữu có một hoạt động nhân loại và thực tế như mọi người, nhưng hoạt động ấy có được một linh hồn. Có một cách suy nghĩ, chọn lựa mục đích, gặp gỡ người khác… do sự hiện diện của Đức Kitô trong cuộc sống. Chúng ta có biết ngạc nhiên về việc trong Đức Kitô điều bất khả thi đã được biến thành điều khả thi hay không?

9. Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống

(Suy niệm của Lm. Giuse Maria Nguyễn Đức Vinh)
Khung cảnh của bài tin mừng hôm nay thật đầm ấm. Đó là một buổi nói chuyện, chia sẻ và giáo huấn của Đức Giêsu cho các Tông đồ trong bầu khí thật thân thương, tràn đầy tình mến. Buổi nói chuyện hôm nay diễn ra trong tình yêu của Chúa Giêsu và sự tích cực của các Tông đồ.
Khởi đầu bài tin mừng Chúa Giêsu mời gọi các tông đồ: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”, để làm gì? để đừng xao xuyến! Lời mời gọi cho chúng ta thấy Chúa Giêsu thấu hiểu nỗi lòng của các ông, thấu hiểu những lo toan … có cả nỗi sợ hãi của cuộc sống hiện tại và tương lai mà các ông đang và sẽ trải qua. Cuộc đời con người là như thế, được dệt nên bởi những niềm vui – nỗi buồn, bởi những thành công – thất bại, bởi những hy vọng – lo lắng…, xem ra dễ dàng dẫn họ tới thất vọng, chán nản, xao xuyến và buông xuôi tất cả. Thế nhưng cuộc đời người tông đồ của Đức Giêsu thì lại không như vậy; dẫu biết rằng họ vẫn sống, vẫn trải qua những vui – buồn của kiếp người như bao người khác, nhưng tinh thần thì lại khác hẳn, vì sao? Vì họ có Chúa Giêsu đồng hành và nâng đỡ nên họ không còn xao xuyến và sợ hãi nữa, mà ngược lại họ sống đầy hy vọng bởi đã thiết lập với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu mối tương giao được đặt trên nền tảng Đức Tin.
Không ai sống mãi ở đời này, đó là chân lý mà Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo dạy chúng ta. Chân lý này không chỉ được người Kitô hữu đón nhận mà được cả nhân loại đón nhận vì thực tế cuộc sống cho thấy như vậy (mọi người đều phải chết). Ra khỏi cuộc đời này, con người trở về với Thiên Chúa là nơi mình phát xuất ra. Sự trở về đó diễn tả cho chúng ta thấy sự cần thiết của ‘con đường’, vì không có đường đi thì làm sao mà trở về?
Hình ảnh ‘con đường’ rất gần gũi, vì đó là thực tế cuộc sống mà hằng ngày mọi người đều cảm nhận sự cần thiết không thể thiếu của nó (con đường). Để có thể đi đến nơi này nơi kia, thực hiện việc này việc nọ, mọi người đều phải đi trên ‘đường’; nếu không có đường đi, con người không thể đến được nơi mình muốn đến và càng không thể thực hiện được ước muốn mà mình muốn. Từ ‘con đường’ của trần thế mà mọi người đi trên đó để đạt được mục đích của mình, đến được nơi mình muốn đến; chúng ta suy nghĩ ‘con đường về trời’ (con đường thiêng liêng); và một khi hiểu được ý nghĩa và sự cần thiết ‘phải có con đường’, chúng ta mới nhận ra và hiểu lời mà Chúa Giêsu nói hôm nay: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”.
Lời Chúa Giêsu nói và sự khẳng định của Ngài đã cho chúng ta ‘chân lý sống’, khiến chúng ta an tâm vì đã tìm được ‘con đường’ để đi, tìm được ‘sự thật’ để sống, tìm được sự sống vĩnh cửu mai sau là đích điểm chúng ta hướng đến. Tất cả những thao thức và tìm kiếm của con người cho một con đường để đi, cho một sự thật để sống đều có nơi con người Giêsu. Từ đó, chúng ta có thể nói được rằng: có Chúa là có tất cả: ‘con đường, sự thật và sự sống’; ngược lại, thiếu vắng Giêsu trong đời, con người chỉ còn bóng tối và sự trống rỗng.
Lạy Chúa, với Lời Chúa dạy hôm nay, tự vấn lại chính mình; chúng con nhận ra mình đang sống đầy sợ hãi trước những thách đố của cuộc đời: những thách đố có sức làm cho chúng con ngã gục, thất vọng và xao xuyến. Xin Chúa ban ơn thánh và giúp chúng con luôn biết đáp lại lời Chúa mời gọi: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Xin Chúa nâng đỡ và ban Thánh Thần để chúng con luôn tin nhận Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống của đời chúng con. Amen[Mục Lục]

Sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *