Bài hát và suy niệm (12.06.2016 – Chúa Nhật XI Thường Niên năm C)

Lời Chúa: Lc 7,36 – 8,3

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca

7 36 Khi ấy, có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. 37 Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. 38 Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.
39 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng : “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào : một người tội lỗi !” 40 Đức Giê-su lên tiếng bảo ông : “Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông !” Ông ấy thưa : “Dạ, xin Thầy cứ nói.” 41 Đức Giê-su nói : “Một chủ nợ kia có hai con nợ : một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. 42 Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn ?” 43 Ông Si-môn đáp : “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giê-su bảo : “Ông xét đúng lắm.”
44 Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn : “Ông thấy người phụ nữ này chứ ? Tôi vào nhà ông : nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. 45 Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. 46 Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. 47 Vì thế, tôi nói cho ông hay : tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” 48 Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ : “Tội của chị đã được tha rồi.” 49 Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng : “Ông này là ai mà lại tha được tội ?” 50 Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ : “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”
8 1 Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai 2 và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, 3 bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.

 

1. Văn hóa và đức tin

2. Lòng Chúa xót thương

3. Yêu nhiều để được tha nhiều – Lm. Anmai

4. Hãy cảm thông cho nhau

5. Lòng Chúa xót thương

 

1. Văn hóa và đức tin

Qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay chúng ta nhận thấy bữa tiệc đang diễn ra bình thường tại nhà ông Simon biệt phái, thì người phụ nữ bước tới. Cô ta có những cử chỉ kính trọng đặc biệt đối với Chúa Giêsu khiến cho ông Simon có vẻ thắc mắc. Để giải toả, Chúa Giêsu đã nói chuyện chân tình với ông. Qua những lời Chúa nói, chúng ta nhận thấy có một số tập tục về cách tiếp khách, chẳng hạn như chào hôn, đưa nước rửa tay và sử dụng dầu thơm. Ngoài những tập tục có tính cách văn hoá ấy, Chúa Giêsu còn nói tới một yếu tố sâu xa hơn, đó là tình cảm trong lòng chủ nhân đối với khách.

Theo cái nhìn của Chúa, thì Ngài duy trì những hình thức văn hoá bề ngoài và lại càng quý trọng lòng yêu mến bên trong. Như thế chúng ta thấy giá trị của một bữa tiệc đãi khách không phải chỉ hệ tại những món ăn mà còn tuỳ thuộc vào những cử chỉ và cách sắp xếp có văn hoá và nhất là tuỳ thuộc vào mức độ quý mến trong lòng người chủ đối với khách. Hương vị món ăn là quan trọng, nhưng hương vị cua cách tiếp đón cũng không được coi thường, và nhất là hương vị của tấm lòng lại càng quan trọng hơn.

Với những nhận định trên, tôi nghĩ tới việc tham dự Thánh lễ. Thánh lễ là một bữa tiệc và còn hơn thế nữa. Đa số chúng ta đã tham dự Thánh lễ một cách đúng đắn đáng khen. Với thái độ bên ngoài tề chỉnh và thái độ bên trong sốt sắng, chúng ta tỏ ra là những người vừa có văn hoá lại vừa có đức tin.

Tuy nhiên, tôi cũng đã thấy một số người ngoại đạo tham dự Thánh lễ một cách kính cẩn. Họ giữ thái độ tôn trọng nơi thờ tự, tôn trọng trật tự chung, tôn trọng những người chung quanh. Họ không có đức tin nhưng họ tỏ ra là những người có văn hoá. Với những đức tính văn hoá ấy, tuy dù không có đức tin, họ vẫn mang hương thơm của đạo làm người và dành được nhiều kính nể. Đang khi đó, có một số ít người công giáo vẫn thường tham dự Thánh lễ một cách bất xứng. Không những họ tỏ ra thiếu đức tin, mà còn tỏ ra thiếu cả văn hoá. Một khi coi thường những thiếu sót ấy trong Thánh lễ thì người ta lại càng dễ coi thường những thiếu sót ấy trong cuộc sống gia đình và xã hội.

Về văn hoá, tôi thường nghĩ tới những thói quen nhạy bén đối với các giá trị thông thường làm đạo con người, như lương thiện, lịch sự, tế nhị, chân thành, trật tự, sạch sẽ, tận tuỵ, biết đối thoại, biết kính trọng và hay giúp đỡ kẻ khác. Những đức tính ấy đã có sẵn mầm mống trong mỗi người. Thực vậy, có người tự nhiên dễ phát huy thành thói quen. Có người phải tập luyện lâu dài mới rèn được những tập quán ấy. Nhưng dù dễ hay khó, chúng ta phải cố gắng để đạt cho được. Đó không phải chỉ là một đòi hỏi của đạo làm người mà hơn thế nữa còn là đòi hỏi của đạo Chúa.

Bởi vì trước khi là Kitô hữu chúng ta phải là người. Rồi để đem Chúa đến cho người khác, chúng ta phải gây được những cảm tình và những ấn tượng tốt nơi họ. 

2. Lòng Chúa xót thương

Sự kiện mà đoạn Tin Mừng sáng nay vừa kể lại sẽ được ghi nhớ mãi mãi và chẳng bao giờ bị chìm vào quên lãng. Bởi vì nó là một đề tài cho những người đạo đức giả phản đối, nhưng lại là niềm vui mừng cho những tâm hồn tội lỗi.

Hôm đó một ông biệt phái mời Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà mình và Chúa Giêsu đã chấp nhận lời mời ấy. Đang khi dùng bữa, thì Madalena, một thiếu phụ tội lỗi, nổi tiếng ở trong thành. Nàng bước vào với một bình dầu thơm trên tay. Mọi con mắt đều đổ dồn về phía nàng. Người ta chờ xem nàng sẽ làm những gì. Bất chấp những cái nhìn soi mói, nàng quỳ gối trước mặt Chúa Giêsu, khóc lóc cho quãng đời dĩ vãng. Rồi đổ thứ thuốc thơm xức chân Chúa Giêsu và lấy tóc mình mà lau.

Trước sự việc bất ngờ ấy, chắc hẳn nhiều người đã thoáng có ý tưởng khinh bỉ và chỉ trích. Nhưng Phúc Âm chỉ chú trọng tới lập trường của ông biệt phái. Ông thầm nghĩ rằng: Nếu Chúa Giêsu là một vị tiên tri hẳn phải biết người đang quỳ dưới chân mình chỉ là một kẻ tội lỗi và sẽ không chấp nhận những biểu lộ như thế. Thế nhưng Chúa Giêsu đã thấu suốt những ý nghĩ thầm kín của ông ta. Ngài muốn cho ông ta hiểu được giá trị của những hành động ấy, cũng như tỏ cho ông ta thấy lòng thương xót vô bờ của Ngài. Ngài bắt đầu bàng câu chuyện về hai con nợ. Một mắc nợ nhiều và một mắc nợ ít, rốt cuộc cả hai đều được tha thứ, thì lý đương nhiên kẻ được tha thứ nhiều thì sẽ yêu mến ông chủ nhiều hơn. Từ đó Chúa Giêsu đã đi tới kết luận: Tôi nói cho ông hay: tội lỗi của nàng tuy nhiều nhưng đã được tha thứ hết bởi vì nàng đã yêu mến nhiều.

Từ câu chuyện trên, tôi muốn đi tới một nhận định như thế này: Làm cho kẻ chết sống lại là một phép lạ vĩ đại, cũng thế, làm cho kẻ tội lỗi ăn năn là một phép lạ vĩ đại không kém. Ngày nay Chúa vẫn còn tác động và lôi kéo biết bao nhiêu tâm hồn như Madalena thuở trước. Từ chỗ bùn nhơ tội lỗi đã trở nên những người con yêu dấu. Một khi đã hoán cải cuộc đời và mặc lấy một cuộc sống mới, họ sẽ dấn thân, không một chút nề hà để phục vụ cho Thiên Chúa.

Thế nhưng để phép lạ ấy được thực hiện nơi bản thân chúng ta thì điều kiện chúng ta cần phải có đó là khiêm nhường và yêu mến. Khiêm nhường nhận ra thân phận yếu đuối và tội lỗi của mình. Yêu mến để được tha thứ và được tẩy sạch mọi dấu vết của tội lỗi, cũng để có được nghị lực sống đời sống mới. Như Madalena, chúng ta hãy tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, để nhờ đó giục lòng sám hối ăn năn, thú nhận tội lỗi hầu lãnh nhận ơn Chúa thứ tha. 

3. Yêu nhiều để được tha nhiều – Lm. Anmai

Đã là người, mang thân phận mỏng dòn và yếu đuối thì sẽ không thoát khỏi tội. Chuyện phạm tội là chuyện của con người yếu đuối nhưng quan trọng hơn chuyện yếu đuối đó chính là con người sẽ làm gì sau khi phạm tội. Con người sẽ ở lỳ trong tội hay đứng dậy để bước ra khỏi tội và sẽ làm gì sau khi bước ra vòng vây của tội lỗi.

Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng Thánh, ngàn trùng Chí Thánh mới có quyền tha tội và con người có can đảm, có tin để chạy đến với Chúa để đón nhận ơn tha tội đó hay không mới là chuyện quan trọng. Chẳng biết có phải là ngẫu nhiên hay không nhưng các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay đã vẽ nên hình ảnh của một Thiên Chúa và là Thiên Chúa của tình yêu thật đẹp. Cũng vì yêu mà Thiên Chúa chấp nhận tất cả và tha thứ tất cả cho dù tội người ấy có đỏ thẫm tựa như son.

Một hình ảnh hết sức quen thuộc, một hình ảnh hết sức dễ thương và cũng hết sức gần gụi với những ai thường đọc Thánh Kinh, suy niệm Thánh Kinh đó chính là vua Thánh Đavít. Cuộc đời của Đavít ít nhiều gì ai ai cũng có thể biết rõ. Làm gì có thể gắn cho cái tên Đavít là Thánh nhưng cuối cùng Đavít lại được gọi bằng cái tên Vua Thánh thật dễ thương.

Lược lại cuộc đời của Đavít ta sẽ thấy. Chỉ với vài dòng vỏn vẹn trong sách Samuel quyển thứ hai mà chúng ta vừa nghe ấy chúng ta biết Đavít như thế nào. Đavít đã làm gì để ngôn sứ Nathan nói với vua Đavít: “Kẻ đó chính là ngài! Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel, phán thế này: Chính Ta đã xức dầu phong ngươi làm vua cai trị Israel, chính Ta đã giải thoát ngươi khỏi tay vua Saun. Ta đã ban cho ngươi nhà của chúa thượng ngươi, và đã đặt các người vợ của chúa thượng ngươi vào vòng tay ngươi. Ta đã cho ngươi nhà Israel và Giuđa. Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít, thì Ta sẽ ban thêm cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa. Vậy tại sao ngươi lại khinh dể lời Đức Chúa mà làm điều dữ trái mắt Người? Ngươi đã dùng gươm đâm Urigia, người Khết; vợ y, ngươi đã cướp làm vợ ngươi; còn chính y, ngươi đã dùng gươm của con cái Ammon mà giết. Ấy vậy, gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi, bởi vì ngươi đã khinh dể Ta và cướp vợ của Urigia, người Khết, làm vợ ngươi. Bấy giờ vua Đa-vít nói với ông Nathan: “Tôi đắc tội với Đức Chúa.” Ông Nathan nói với vua Đavít: “Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài; ngài sẽ không phải chết.

Chuyện ta biết rõ đó là vì lòng dục đã làm cho Đavít mù tối để rồi giết Urigia và chiếm đoạt vợ của Urigia. Sau khi làm cái tội tày đình ấy và được ngôn sứ Nathan nhắc nhở Đavít. Sau khi nghe lời nhắc của Nathan Đavít đã hoán cải, đã ăn chay và mặc áo nhậm để đền tội của mình. Đứng trước lòng khiêm hạ của Đavít, Thiên Chúa đã tha thứ tất cả những lầm lỗi của ông.

Cứ đọc và nghiền ngẫm lại các Thánh Vịnh trong Cựu Ước mà nhiều nhà chú giải cho là tác giả là của Vua Thánh Đavít chúng ta sẽ thấy tâm tình ăn năn thống hối của Đavít. Một trong những tâm tình sâu sắc của Đavít phải nói đến Thánh Vịnh 50:

Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,

mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.

Xin rửa con sạch hết lỗi lầm

tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.

Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,

dám làm điều dữ trái mắt Ngài.

Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án,

liêm chính khi xét xử.

Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi,

đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.

Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật,

dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan.

Xin dùng cành hương thảo

rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền;

xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết.

Xin cho con được nghe

tiếng reo mừng hoan hỷ,

để xương cốt bị Ngài nghiền nát được nhảy múa tưng bừng.

Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi

và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm.

Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một

tấm lòng trong trắng,

đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.

Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,

đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.

Lời tự tình xưa của Đavít phải chăng đó là lời tự tình của người phụ nữ “vốn là người tội lỗi trong thành” hôm nay trong Tin mừng theo Thánh Luca. Người phụ nữ này cũng phạm tội và đã bị người ta liệt vào hàng tội lỗi như Đavít xưa vậy. Dẫu bị người ta họi là tội lỗi nhưng chị đã không mặc cảm trước cái nhìn của công chúng, của mọi người để rồi chị tìm đủ mọi cách để đến với Chúa Giêsu. Cách diễn tả của chị hết sức dễ thương của chị đó là lấy bình bạch ngọc đựng dầu thơm và lấy nước mắt thống hối của chị rồi tưới lên chân Chúa và lau và lấy dầu thơm mà đổ lên.

Chúa Giêsu đã ghi nhận, Chúa Giêsu đã trân trọng tấm lòng của người phụ nữ tội lỗi và đã nói tâm tình của Ngài cho người chủ tiệc là ông Simon. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.”

Vì sao người phụ nữ đã được Chúa tha thứ thì mọi người đã rõ: vì chị yêu mến nhiều! Vấn đề của chị không dừng lại ở lòng mến mà đi xa hơn một bước nữa đó là lòng tin. Lòng tin và lòng mến trong lòng chị đan quyện lại với nhau. Người mời tiệc cũng như những người được mời tiệc ngày hôm ấy thắc mắc “ông ấy lấy quyền gì để tha tội” thì chị, chị đã tin vào quyền năng của Chúa Giêsu. Chị đã tin, đã yêu, đã phó thác vào lòng bàn tay của Chúa Giêsu cuộc đời của chị. Chị đến với Chúa Giêsu để nhận được tình yêu của Chúa Giêsu, để nhận được ơn tha thứ từ Chúa Giêsu.

Vấn đề con người được nên công chính không phải là làm những gì luật dạy nhưng nhờ lòng tin như Thánh Phaolô vừa bộc bạch: “con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Ki-tô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Ki-tô Giêsu, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Ki-tô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy. Quả thế, tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá”. Thánh Phalô một con người đã cảm nghiệm như thế nào về tình yêu của Thiên Chúa Ngài mới dám khẳng định như vậy. Nhờ niềm tin mà vua Thánh Đavit, người phụ nữ “vốn là người tội lỗi trong thành” cũng như chính bản thân của Thánh Phaolô đã được thứ tha, được trở về với Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót cũng như được nên công chính. Hơn nữa, sau khi cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho mình thì Phaolô đã thốt lên: Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi”.

Không chỉ Phaolô thôi mà là cả vua Đavít, người phụ nữ tội lỗi và tất cả những ai đã hơn một lần phạm tội và đã cảm nhận được tình thương tha thứ cũng sẽ quay trở lại để sống tròn đầy tình thương tha thứ của Chúa.

Chúa là đấng từ bi thương xót, không chấp nhất mà chỉ có xót thương luôn giang rộng cánh tay để đón những con người yếu đuối, những con người tội lỗi. Chuyện quan trọng là con người có thống hối, có quay về để hưởng tình thương tha thứ đó hay không mà thôi.

Phạm tội không quan trọng bằng có biết đứng dậy để quay lưng lại với tội và trở về với Thiên Chúa hay không.

Những ai yêu mến nhiều sẽ được tha nhiều. Thiên Chúa vẫn chờ đợi những người trót phạm nhưng yêu nhiều để sẵn lòng tha thứ nhiều. 

4. Hãy cảm thông cho nhau

(Suy niệm của Lm Giuse Tạ Duy Tuyền)

Nếu giả dụ như chúng ta là người đã từng có những lỗi lầm chúng ta sẽ cần điều gì nơi tha nhân? Có phải là định kiến không bao giờ thay đổi về ta? Có phải là sự xét đoán hà khắc? Có phải là xa lánh, thiếu cảm thông? Và nếu giả dụ như cha mẹ hay anh chị em của mình phạm phải sai lầm thì chúng ta sẽ hành động ra sao? Liệu chúng ta có muốn người khác ghi nhớ mãi lỗi lầm của họ, hay chúng ta muốn họ được phán xét một cách công bằng và cho họ một cơ hội được làm lại từ đầu? Nếu vậy, tại sao chúng ta lại không có cái nhìn yêu thương, cảm thông với những yếu đuối của tha nhân?

Nơi một xóm đạo có một anh thanh niên mới ra tù, những đứa trẻ trong xóm thường len lén nhìn anh với ánh mắt sợ hãi. Người lớn thường bảo nhau: Cẩn thận, ngày xưa nó chém người đấy! Trong tâm trí những đứa trẻ non nớt ấy thì người thanh niên ấy thực sự rất đáng sợ. Lớn lên, mọi người tưởng chừng như đã quên vết nhơ trong quá khứ nhưng chỉ cần trong xóm mất đồ hay bọn trẻ đánh nhau, tên anh ta lại được xướng lên với những tiếng chậc lưỡi đầy rẻ rúng: “Đấy đấy, lại học theo cái bọn trộm cắp, giết người!”

Thời gian, vạn vật luôn thay đổi. Con người cũng luôn luôn đổi thay. Có thể hôm nay họ lầm lỗi nhưng ngày mai họ đã sửa đổi. Có thể quá khứ của họ chẳng ra gì, nhưng hiện tại họ đang cống hiến cho cộng đồng. Thế nên, hãy để họ được sống và cố gắng sống thật tốt, đừng bao giờ tước đi cơ hội được làm một con người có ích với đời chỉ vì những định kiến và lời phê bình thiếu tình yêu của chúng ta.

Người xưa từng nói: “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Hãy rộng lượng với tha nhân. Hãy nâng đỡ và cảm thông với những yếu đuối của họ. Tuy không đồng lòng với lỗi lầm của họ nhưng không đoạn tuyệt với họ, mà biết tạo cơ hội để họ canh tân cuộc đời.

Người phụ nữ tội lỗi trong Tin Mừng lòng tràn ngập niềm vui và bình an. Tội của chị rất nặng. Lỗi lầm của chị rất nhiều. Thế nhưng, Chúa đã không nhìn quá khứ của chị để kết án. Chúa nhìn hiện tại để cảm thông, để nâng đỡ, để cho chị cơ hội bày tỏ lòng ăn năn. Chị được đến gần Chúa. Chị được bày tỏ lòng tôn kính Chúa. Chị hôn chân Chúa và xức dầu thơm cho Chúa. Một cử chỉ biểu lộ lòng làm tôn kính Thầy Giêsu. Một cử chỉ của lòng biết ơn với Thầy Giêsu vì đã tạo cho chị cơ hội sửa đổi và canh tân.

Cuộc đời quanh ta cũng có biết bao phận người đang cô đơn thất vọng. Họ cô đơn vì cộng đoàn thiếu cảm thông. Họ thất vọng vì cộng đoàn không chỉ bỏ rơi mà còn kết án vì những lỗi lầm của quá khứ. Dẫu biết rằng, con người luôn có lầm lỗi. Con người luôn cần sự cảm thông tha thứ của tha nhân, nhưng chính con người lại thường hà khắc và kết án lẫn nhau. Chúng ta thường có cái nhìn quá khắc khe như những người biệt phái năm xưa. Họ chỉ thấy quá khứ tội lỗi. Họ thiếu cái nhìn yêu thương để có thể nâng đỡ và giúp người tội lổi chuộc lại lỗi lầm. Một thế giới thiếu tình yêu, thiếu cảm thông sẽ hoang tàn để thù hận lên ngôi.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết khiêm tốn nhìn nhận sự bất toàn của mình để sám hối ăn năn, và nhất là để cảm thông với những yếu đuối của anh em. Xin đừng vì tự cao tự đại mà thiếu khoan dung với tha nhân. Xin cho chúng ta biết học nơi Chúa luôn nhẫn nại yêu thương để nâng đỡ anh em. Amen. 

5. Lòng Chúa xót thương

Mađalêna là một thiếu phụ tội lỗi. Chắc hẳn nàng đã có một dĩ vãng bê bối, khiến cho mọi người, một khi biết tiếng, đều phải tránh xa, như tránh một cơn bệnh truyền nhiễm. Thế nhưng, kể từ ngày được nghe Chúa giảng dạy, nàng đã quyết tâm ăn năn sám hối và làm lại cuộc đời.

Hôm đó, được tin Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà ông Simon biệt phái, bất chấp mọi con mắt dòm ngó và mọi miệng lưỡi chê bai, nàng đã tới, đổ thuốc thơm xức chân Ngài, rồi lấy tóc mình mà lau, để biểu lộ tấm lòng tan nát khiêm cung.

Rồi sau đó một thời gian, trong cuộc thương khó đang khi các môn đệ bỏ Chúa mà chạy trốn, thì nàng vẫn can đảm đứng dưới chân cây thập giá và lo toan việc chôn cất Ngài. Chính vì thế, nàng là người đầu tiên có diễm phúc được Chúa hiện ra sau khi sống lại và được Chúa sai đi loan báo tin mừng Phục sinh cho các môn đệ khác.

Từ hình ảnh và việc làm của Mađalêna, chúng ta đi vào cuộc sống riêng tư. Thực vậy, con người tự bản chất vốn đã là như một chiếc bình sành có thể rơi vỡ bất kỳ lúc nào. Và thực tế cho thấy nhiều người trong chúng ta cũng đã từng sa ngã, vấp phạm nặng nề, chẳng hạn như Mađalêna, như Phêrô, như Augustinô…Thế nhưng, điều quan trọng đó là chúng ta phải biết tin tưởng vào lòng Chúa xót thương, để ăn năn sám hối, cải thiện đời sống và quay trở về với Ngài. Hẳn chúng ta còn nhớ lời Chúa đã phán:

– Không phải người khoẻ mạnh, mà là những kẻ yếu đuối mới cần tới thầy thuốc…Ta đến không phải để tìm kiếm người công chính, nhưng đến để tìm kiếm kẻ tội lỗi…Một kẻ tội lỗi sám hối ăn năn sẽ làm cho cả thiên đàng vui mừng hơn là 99 người công chính không cần ăn năn sám hối.

Cũng như ngày hôm nay, Ngài đã xác quyết với ông Simon biệt phái:

– Tội của nàng tuy nhiều, nhưng đã được tha thứ hết, bởi vì nàng đã yêu mến nhiều.

Với chúng ta cũng thế. Việc thứ nhất chúng ta cần phải làm ngay, đó là hãy dứt khoát với tội lỗi.

Như chúng ta đã biết: Thiên Chúa là Đấng thánh thiện và tốt lành vô cùng, còn tội lỗi thì xấu xa gớm ghiếc. Vì thế, Thiên Chúa và tội lỗi không thể nào đội trời chung với nhau, không thể nào cùng nhau sánh bước đi chung một con đường. Do đó, chúng ta cũng không được phép có thế đứng trung lập, hay có thái độ lửng lơ con cá vàng, nhung phải dứt khoát chọn Chúa hay chọn tội lỗi, thuộc hẳn về Chúa hay thuộc hẳn về tội lỗi, như một câu danh ngôn:

– Sống là bơi ngược dòng nước, nếu không cố gắng bơi, thì sẽ bị dòng nước uốn trôi.

Vì thế, muốn trở về cùng Chúa, thì lý đương nhiên chúng ta phải dứt khoát với tội lỗi. Sự dứt khoát này chính là bước chân đầu tiên trên nẻo đường tìm về với Chúa.

Tiếp đến, việc thứ hai chúng ta cần phải làm ngay, đó là hãy yêu mến Chúa.

Đúng thế, mến Chúa như Mađalêna, đã bất chấp mọi sự dòm ngó và soi mói. Mến Chúa như Phaolô, đã dấn thân một cách trọn vẹn cho những hoạt động tông đồ, truyền bá Phúc âm, để chứng tỏ cho mọi người thấy: Dù thiên đàng hay hoả ngục, dù sự sống hay sự chết, dù hiện tại hay tương lai, dù bất cứ tạo vật nào cũng không thể tách biệt ngài ra khỏi lòng mến Đức Kitô.

Mức độ được tha thứ lệ thuộc trực tiếp vào lòng yêu mến của chúng ta. Càng yêu mến nhiều, thì càng được tha thứ nhiều. Hay như lời thánh Augustinô đã nói:

– Ama et fac quod vis, nghĩa là hãy yêu mến rồi mốn làm chi cũng được.

Bởi vì mọi hành động xuất phát từ lòng yêu mến chân thành, đều có được một giá trị thiêng liêng to lớn trước mặt Thiên Chúa. 

***