Yêu thương người tội lỗi (16.01.2016 – Thứ Bảy sau CN I TN C)

Thứ Bảy sau Chúa nhật I Thường Niên – 16. 01.2016

 Lời Chúa: Mc 2,13-17

 
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô

13 Khi ấy, Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. 14 Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông : “Anh hãy theo tôi !” Ông đứng dậy đi theo Người.
15 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ, vì họ đông và đi theo Người. 16 Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người : “Sao ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi ?” 17 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ : “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

GHI NHỚ LỜI CHÚA: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

SUY NIỆM:

Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại việc Đức Giêsu chọn gọi một người thu thuế vào hàng ngũ các tông đồ của Người; và sau đó đến dùng bữa tại nhà ông.

Sau khi chữa lành cho một bệnh nhân bị bại liệt được người ta đặt trên một cái gường nhỏ, và họ dỡ mái nhà để thòng xuống trước mặt Người, khi Người đang ở trong nhà; Đức Giêsu cùng các môn đệ rời khỏi thành Ca-pha-na-um để ra bờ biển hồ; rất nhiều người khác cũng đi theo Người. Khi Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế,  thấy ông Lê-vi đang ngồi ở đó, Người liền gọi: “Anh hãy theo tôi”. Ông Lê-vi liền đứng dậy đi theo Người, rồi mời Người đến nhà và mở tiệc thiết đãi Đức Giêsu cùng bạn bè ông.

Lê-vi còn có tên là Mát-thêu (Mt 9, 9), ông làm trưởng trạm thu thuế ở Ca-pha-na-um. Đối với người Do Thái, Mát-thêu bị coi là hạng tội lỗi; vì hai lý do:

– Làm tay sai cho ngoại bang, vì ông giữ chức vụ thu thuế cho người La-mã; bắt dân của mình phải nộp đủ, nộp đúng thời hạn tiền thuế và gây khó dễ với những người gặp khó khăn hoặc chậm trễ.

– Là người có chức quyền nên dễ dàng gian lận, bớt xén tiền thuế của dân.

Vì thế, theo tập tục truyền thống Do Thái giáo:  người “công chính” thì không được tiếp xúc, thân cận với hạng người này.

Trên đường đi, Đức Giêsu nhìn thấy ông Mát-thêu và có lẽ ông cũng đang nhìn Người; cuộc gặp gỡ chớp nhoáng diễn ra qua ánh mắt với Đức Giêsu đã biến đổi cuộc đời Mát-thêu, và khi nghe Người lên tiếng bảo ông: “Anh hãy theo tôi”; ngay lập tức, vị quan thuế từ bỏ công việc mình đang làm và đi theo Người.

Đám đông (trong đó có cả các kinh sư) đi theo Đức Giêsu thì quá đỗi ngạc nhiên, nhất là khi Người cùng các môn đệ vào nhà ông Mát-thêu và dùng bữa ở đó; họ thường tự hào vì đã nghiêm nhặt tuân giữ lề luật Mô-sê theo truyền thống cha ông để lại; cũng như cầu nguyện lâu giờ, thường xuyên ăn chay, hãm mình đền tội; do đó họ cho mình là người công chính nên coi thường và lên án người khác, nhất là hạng người bị coi là tội lỗi (gái điếm, trộm cắp, thu thuế cho ngoại bang, bệnh hoạn, tật nguyền .v.v); thấy Đức Giêsu hành động như vậy, họ rất khó chịu.

Qua dấu lạ người bại liệt  được Đức Giêsu chữa lành: Người truyền cho anh vác chõng rời khỏi đám đông đang tập trung, chen lấn quanh ngôi nhà bị dỡ mái, lúc Người đang ở đó; đã làm cho đám đông chứng kiến phải sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa; mọi người thấy Đức Giêsu thật quyền năng và nghĩ rằng đây chính là người của Thiên Chúa. Giờ đây,  họ thấy Đức Giêsu gần gũi, thân mật và đồng bàn với ông Mát-thêu cùng những người thu thuế và người tội lỗi khác, thì có ý chê trách; mấy ông kinh sư đến nói với các môn đệ của Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi! “. Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.”

Đức giêsu mượn hình ảnh “người khoẻ mạnh” trong đời thường để nói nói lên thực trạng của những kẻ kiêu căng, luôn cho mình là đạo đức, là khuôn mẫu cho người khác; nhưng họ chỉ là những người đạo đức giả hình, họ đã khước từ sự thật, khước từ giáo huấn của Người; Đức Giê-su cũng muốn nói đến sự ương nghạnh chai lì của các kinh sư và luật sĩ, không những họ không muốn đón nhận ơn cứu độ mà còn tìm cách ngăn cản người khác. Còn hình ảnh “người đau ốm”, những người cảm nhận được sự yếu đuối thể lý nơi thân xác họ như: bệnh hoạn, tật nguyền; thì họ rất cần được thầy thuốc chữa lành; sau đó, Đức Giê-su xác nhận sứ vụ của Người: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”. Đức Giê-su rao giảng chân lý cứu độ để củng cố niềm tin cho những tâm hồn biết khiêm tốn đón nhận và Người sẽ giải thoát cho họ thoát khỏi lầm lạc, tội lỗi; đồng thời chữa lành cho họ.

Đức Giêsu dùng hình ảnh “người mạnh khỏe, người công chính” trong hoàn cảnh này có ý cảnh cáo các kinh sư, luật sĩ lúc bấy giờ; bởi họ là những người tự hào đang nắm giữ luật Mô-sê và dạy cho dân thi hành, nhưng lại rất kiêu căng và hình thức.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho thấy: Đức Giêsu yêu thương tất cả mọi người không loại trừ ai; đặc biệt người gần gũi và biểu lộ lòng thương xót, tha thứ với những người tội lỗi. Nhân vật được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay là một người thu thuế ở Ca-pha-na-um; dưới cái nhìn khắt khe của người Do Thái, ông Mát-thêu là một người tội lỗi đáng bị nguyền rủa; nhưng Đức Giêsu đã chọn gọi ông và vào nhà ông dùng bữa; không những với ông mà còn cả với những người bạn thu thuế của ông và nhiều người tội lỗi khác, họ là những người bị cộng đồng Do Thái khinh khi và xa lánh. Đức Giêsu trở nên thân thiết để cảm hóa và mời gọi họ bước theo Người.

Đức Giêsu Con Một Thiên Chúa đến trần gian để cứu vớt, giải thoát con người khỏi tội lỗi; nhờ cuộc thương khó và hy lễ Người tiến dâng trên thập giá đẹp lòng Chúa Cha; Người gánh lấy tội lỗi nhân loại và được toàn quyền tha thứ mọi tội lỗi cho những ai gặp gỡ, tin tưởng và yêu mến Người. Lòng thương xót của Người luôn hướng đến những người bệnh tật, nghèo khổ, tội lỗi, và Người thực thi sứ mệnh cứu độ của Người bằng cách chữa lành những căn bệnh thể lý nơi thân xác con người, đồng thời cũng tha thứ những tội lỗi những khiếm khuyết trong tâm hồn họ và biến đổi họ nên tốt lành. Đức Giêsu đã quảng đại ôm vào lòng những con người tội lỗi ấy và chúc phúc cho họ.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

-Tin tưởng, cậy trông và tín thác cuộc đời cho lòng thương xót tha thứ của Đức Giêsu.

-Quảng đại cảm thông, yêu thương và giúp đỡ những người vì một lý do nào đã mắc phải những lỗi lầm. Giúp họ nhận ra tình thương của Chúa luôn mời gọi, chờ đợi họ.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa! Xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi và tín thác bước theo Chúa, để đem tình thương của Chúa đến với tha nhân.

SỐNG TIN MỪNG:

Khiêm tốn để nhận ra thân phận yếu đuối, tội lỗi của mình, đồng thời siêng năng chạy đến với lòng thương xót tha thứ của Đức Giêsu Kitô, vì người đang mời gọi: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”.