Biến cố đáng âu lo – Chính Thống Giáo Nga đoạn giao với Tòa Thượng Phụ Constantinople

1. Đức Hồng Y Pietro Parolin cử hành thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Tổng thống Văn Tại Dần (Moon Jae-in) đã tham dự một thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên do Vatican tổ chức vào ngày 17/10.

Ông cũng đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày hôm sau để chuyển tiếp lời mời đến thăm Triều Tiên của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Ân.

“Tổng thống Văn đã nhân cơ hội tham dự Hội nghị Á-Âu tại Bỉ để đến thăm Pháp, Ý, Thành phố Vatican, Bỉ và Đan Mạch từ ngày 13 đến 21 tháng 10,” Phát ngôn viên Phủ tổng thống Kim Nghi Khiêm (Kim Eui-kyeom) đã cho biết như trên.

Sự kiện quan trọng trong chuyến viếng thăm Châu Âu của tổng thống Văn là chặng dừng chân tại Vatican trong hai ngày 17 và 18 tháng 10.

“Tổng thống Văn và Đệ nhất phu nhân đã tham dự một thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên tại Đền Thờ Thánh Phêrô ở Vatican vào ngày 17 tháng 10,” phát ngôn viên của Blue House nói.

“Thánh lễ đặc biệt này được chính Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chủ sự” ông Kim Nghi Khiêm nói thêm, và mô tả điều này là “dấu chỉ cho thấy sự quan tâm của Vatican trong việc tái lập hòa bình bán đảo Triều Tiên. “

Sau thánh lễ, tổng thống Văn đã phát biểu về những nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc nhằm lập lại hòa bình trên bán đảo.

2. Chính Thống Giáo Nga đoạn giao với Tòa Thượng Phụ Constantinople

Trong một diễn biến thật đáng buồn Thánh Công Đồng Chính Thống Nga (bao gồm Nga, Belarusia và Ukraine) đã quyết định chấm dứt “hiệp thông Thánh Thể” với Tòa Thượng Phụ Constatinople.

 

Hôm 15 tháng 10, vào cuối phiên họp khoáng đại của Thánh Công Đồng Chính Thống Nga tại Minsk, thủ đô Belarusia, hay còn gọi là Bạch Nga, các nhà lãnh đạo trong khối Chính Thống Giáo Nga đã thông qua một tuyên bố cáo buộc Tòa Thượng Phụ Constatinople có hành động lấn chiếm trên “lãnh thổ giáo luật” của Chính thống Nga.

Hàng lãnh đạo Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga cho rằng họ không thể tiếp tục “hiệp thông Thánh Thể” với Tòa Thượng Phụ Constatinople vì hành động lấn chiếm, và vì Tòa Thượng Phụ Constatinople đã thừa nhận các nhóm ly giáo, và công nhận Đức Thượng Phụ Philaret Denisenko của Chính Thống Giáo Kiev, cùng với tất cả các “giám mục” và “giáo sĩ” được phong chức bởi vị Thượng Phụ này.

Tuyên bố cho biết “Từ nay cho đến khi Đức Thượng Phụ Constantinople từ bỏ các quyết định vi phạm giáo luật này, tất cả các giáo sĩ của Giáo hội Chính thống Nga không được cử hành Phụng Vụ chung với các giáo sĩ của Giáo hội Constantinople, và các giáo dân không được tham gia vào các bí tích do Giáo Hội đó ban phát”.

3. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô hoãn lại việc cấp quy chế tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Điều đáng nói là quyết định của Thánh Công Đồng Chính Thống Nga chấm dứt “hiệp thông Thánh Thể” với Tòa Thượng Phụ Constatinople đã diễn ra chỉ vài ngày sau khi Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô tỏ ra nhân nhượng và quyết định hoãn việc cấp quy chế tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine.

Vấn đề cấp Tomos, tức là quy chế tự trị, cho một Giáo Hội Chính Thống Giáo tân lập tại Ukraine đã bị hoãn lại. “Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô sẽ đưa ra quyết định về vấn đề này vào một thời điểm thuận lợi hơn trong tương lai,” Tổng Giám Mục Asen Emosence của Arsenios bên Áo và đồng thời là Giám Quản Chính Thống Giáo Hung Gia Lợi cho tờ Deutsche Welle biết như trên.

Tờ Regnum báo cáo thêm rằng 9 trong số 12 vị lãnh đạo trong phiên khoáng đại kết thúc hôm 11 tháng 10 đã bỏ phiếu ủng hộ việc cấp quy chế tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine.

“Chúng tôi không muốn tạo ra bất kỳ vấn nạn mới nào, nhưng với sự phù trợ của Thiên Chúa, chúng tôi sẽ tiến hành ban cấp quy chế này trong một diễn trình hòa bình”, Tổng Giám Mục Asen Emosence cho biết như trên khi đề cập đến những căng thẳng giữa Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa và Tòa Constantinople về vấn đề này.

Đức Tổng Giám Mục Daniel Pamphilon và Giám mục Ilarion, là đại diện toàn quyền của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã đến Constantinople sau vài tuần lưu lại Kiev trong nỗ lực hiệp nhất 3 hệ phái Chính Thống Giáo tại đây.

“Sau 27 năm, tôi nghĩ các Giáo Hội ở Ukraine đã sẵn sàng hiệp nhất,” Đức Tổng Giám Mục Daniel Pamphilon nói.

Việc cấp Tomos cho Ukarine đã bị trì hoãn nhiều lần, mặc dù các chính trị gia Ukraine và một số nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo đang mong mỏi một cách tuyệt vọng nhận được Tomos trước cuộc bầu cử tổng thống sắp tới vào ngày 31 tháng 3 năm 2019.

Trong một bài giảng tại Washington, DC vào tháng 9 vừa qua, Đức Thượng Phụ Philaret Denisenko của Chính Thống Giáo Kiev đã nói về cuộc bầu cử sắp tới. Ngài nêu bật động lực chính trị trong việc kêu gọi Constantinople cho tự trị. Ngài nói: “Chúng tôi muốn điều này xảy ra trong năm nay. Tại sao trong năm nay? Bởi vì Mạc Tư Khoa hy vọng năm sau, sau cuộc bầu cử tổng thống Ukraine, một tổng thống thân Nga hơn có thể được bầu và sẽ không quan tâm đến việc hình thành một Giáo hội tự trị thống nhất, và do đó vấn đề của Tomos sẽ bị trì hoãn cho đến không biết khi nào”

4. Tình trạng hiện nay của Chính Thống Giáo Ukraine

Trong tổng số 44,033,000 dân, các tín hữu Chính Thống Giáo chiếm 67% dân số. Khoảng 10% là người Công Giáo theo nghi lễ Đông phương hay Latinh.

Tại Ukraine hiện nay có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa do Đức Tổng Giám Mục Trưởng Onufry lãnh đạo. Theo Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, nhóm này chiếm hơn 50% dân số Chính Thống Giáo tại Ukraine với hơn 12,000 giáo xứ và hơn 200 tu viện. Hiện nay, nhóm này được thế giới Chính Thống Giáo và cách riêng là Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa công nhận.

Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine do Đức Thượng Phụ Philaret Denisenko lãnh đạo.

Nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ. Nhóm này do Đức Thượng Phụ Mstyslav lãnh đạo và có ít nhất là 10% dân số Chính Thống Giáo tại Ukraine.

Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa luôn coi hai nhóm sau này là ly giáo. Cho đến gần đây, cả hai nhóm sau này đều không được thế giới Chính Thống Giáo công nhận.

Đầu tháng 10 vừa qua, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô cho biết ngài sẽ công nhận Đức Thượng Phụ Philaret Denisenko. Diễn biến này đã khiến Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa bất mãn.

5. Quan điểm của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô về khái niệm lãnh thổ giáo luật do Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đưa ra.

Một trong những mâu thuẫn chủ yếu giữa Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa là khái niệm “lãnh thổ giáo luật” do Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đưa ra.

Theo Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, Nga, Belarusia và Ukraine là các quốc gia nằm trong “lãnh thổ giáo luật” của Chính Thống Giáo Nga, tức là dưới quyền tài phán của Tòa này.

Trong khi đó, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô không đồng ý như vậy. Ngài giải thích như sau:

“Chính Thống Giáo Ukraine đã có từ lâu trước khi Tòa Thượng Phụ Kiev được dời đến Mạc Tư Khoa vào đầu thế kỷ 14. Việc di dời này không hề có phép về giáo luật của Giáo Hội Mẹ. Từ đó đã có những nỗ lực không mệt mỏi về phía các anh em người Kiev của chúng ta để giành độc lập khỏi sự kiểm soát của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.”

Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô nói thêm rằng không có biến cố lịch sử nào của Giáo hội Chính thống ở Ukraine “có thể biện minh cho bất kỳ sự can thiệp nào của Giáo hội tại Nga.” Hơn thế nữa, “Nga, là nước phải chịu trách nhiệm cho tình hình đau khổ hiện nay ở Ukraine, vì thế không thể đứng ra giải quyết vấn đề này.

Do đó, ngài nhấn mạnh rằng: “Thượng Phụ Đại kết đã chủ động giải quyết vấn đề bất công này.”

6. Lần thứ hai, chính phủ Đài Loan đưa ra lời mời Đức Thánh Cha Phanxicô thăm đảo quốc này

Chính phủ Đài Loan đã lặp lại lời mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm đất nước này, một động thái theo sau những phát triển mới trong quan hệ giữa Tòa Thánh và đối thủ của nước này tại Hoa lục.

Phó tổng thống Trần Kiến Nhân (Chen Chien-jen – 陳建仁) đã đưa ra lời mời Đức Thánh Cha trong một buổi triều yết Đức Giáo Hoàng dành cho ông trước lễ tuyên thánh cho Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và 6 vị Chân Phước khác hôm Chúa Nhật 14 tháng 10.

Trong cuộc gặp gỡ với các phóng viên báo chí sau lễ Tuyên Thánh, phó tổng thống Trần Kiến Nhân cho biết Đức Giáo Hoàng nói với ông rằng “ngài sẽ cầu nguyện cho Đài Loan” và yêu cầu vị phó tổng thống chuyển lời chào thăm của ngài đến Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen, 蔡英文).

Được hỏi về triển vọng Đức Giáo Hoàng đến thăm đảo quốc này, phó tổng thống Trần Kiến Nhân nói rằng Đức Giáo Hoàng đã mỉm cười trước lời mời đến thăm Đài Loan. Phó tổng thống Trần Kiến Nhân là một người Công Giáo và đã từng viếng thăm Vatican nhiều lần. Lần cuối là vào dịp tuyên thánh Mẹ Têrêsa thành Calcutta vào năm 2016.

Đáp lại những tin tức này tổng thống Thái Anh Văn viết trên Facebook của mình “Tôi muốn cảm ơn Đức Giáo Hoàng vì những lời chào và phước lành của Ngài”.

“Chúng tôi sẽ sử dụng các hành động tích cực và cụ thể để tiếp tục hỗ trợ Đức Giáo Hoàng và Vatican trong việc truyền bá các giá trị chung của tự do, công lý, hòa bình và sự chăm sóc cho mọi chân trời góc bể trên thế giới này”, bà nói.

Đây là lần thứ hai các nhà lãnh đạo chính trị Đài Loan mời Đức Thánh Cha đến thăm quốc gia họ.

Tháng 9 năm 2017, Tổng thống Thái Anh Văn đã chính thức mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm đất nước cô qua Đức Hồng Y, lúc đó đang có mặt tại Đài Loan để tham dự Đại hội Quốc tế về mục vụ cho các nhân viên hàng hải và những người du hành bằng đường biển.

7. Tình hình Giáo Hội Công Giáo tại Đài Loan

Có khoảng 300,000 người Công Giáo ở Đài Loan, tức là khoảng hai phần trăm dân số.

Sự phân chia Trung Hoa thành Trung Quốc và Đài Loan bắt đầu từ năm 1949, sau khi các lực lượng quốc gia triệt thoái khỏi Hoa lục sau những thất bại trên chiến trường trong cuộc chiến chống cộng sản tại đại lục. Đài Loan chính thức được gọi là Cộng hòa Trung Hoa hay Trung Hoa Dân Quốc, trong khi Trung Quốc được gọi là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Tòa Thánh đã có quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Trung Hoa từ năm 1942, và tiếp tục giữ quan hệ này với Đài Loan. Tòa Thánh hiện không có quan hệ ngoại giao chính thức với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, từ sau khi cộng sản kiểm soát đại lục sau khi kết thúc cuộc nội chiến vào năm 1949 .

Hôm 22 tháng Chín, đại diện của Tòa Thánh và chính phủ cộng sản Trung Quốc đã ký một thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo. Thỏa thuận này, theo thông cáo của Tòa Thánh đưa ra sau đó, “sẽ tạo ra điều kiện cho sự hợp tác song phương ở cấp độ lớn hơn”.

Phát ngôn viên Vatican Greg Burke nhấn mạnh rằng thỏa thuận tạm thời hướng đến các mục tiêu “mục vụ chứ không phải là chính trị” và sẽ cho phép “các tín hữu có các giám mục hiệp thông với Rôma nhưng đồng thời cũng được chính quyền Trung Quốc công nhận.”

Có khoảng 12 triệu người Công Giáo ở Trung Quốc, nhưng trong nhiều thập kỷ qua, họ đã bị chia thành Giáo hội thầm lặng hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh, đôi khi với giá phải trả là sự bách hại của bọn cầm quyền; và Giáo hội do Hiệp hội Công Giáo Yêu nước kiểm soát. Hiệp hội Công Giáo Yêu nước là cơ chế do Mao Trạch Đông đẻ ra từ năm 1957 nhằm thiết lập một Giáo Hội thoát ly hoàn toàn khỏi Tòa Thánh. Các Giám Mục Trung Quốc đôi khi được tấn phong mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng. Một số vị lại là thành viên của Quốc hội Nhân dân Trung Quốc.

Tháng Năm vừa qua, các giám mục Đài Loan đã thực hiện chuyến thăm ad-limina đầu tiên của các ngài trong 10 năm qua.

Trong chuyến thăm này, các giám mục Đài Loan đã mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm đất nước các ngài nhân dịp Đại hội Thánh Thể, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3 năm 2019.

Đã có nhiều mối quan tâm giữa một số nhà lãnh đạo chính trị Đài Loan rằng Toà Thánh sẽ từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Loan nếu có được một thỏa thuận ngoại giao với Trung Quốc. Đền nay, Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn, không phải là một quốc gia có chủ quyền.

Trong quá khứ, Trung Quốc đã yêu cầu các quốc gia khác chấm dứt công nhận ngoại giao với Đài Loan như là một điều kiện tiên quyết để tăng cường hợp tác kinh tế hoặc chính trị. Đến nay, Tòa Thánh là một trong những thực thể nổi bật nhất vẫn còn công nhận đảo quốc này. Theo Agence France Presse, Tòa Thánh là đồng minh chính thức duy nhất của nước này ở châu Âu. Đài Loan đã mất năm đồng minh kể từ năm 2016. Các nước đang phát triển như El Salvador, Panama và Cộng hòa Dominica đã phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan dưới áp lực của Bắc Kinh.

Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Đài Bắc đã không được lãnh đạo bởi một vị Sứ Thần Tòa Thánh từ ngày 25 tháng 10 năm 1971, khi Liên Hợp Quốc ngừng công nhận chính phủ Đài Bắc là chính phủ hợp pháp của Trung Hoa. Vào thời điểm đó, Tòa Thánh đã chuyển Sứ Thần Tòa Thánh khỏi Đài Bắc và đến nay vẫn chưa chỉ định người kế nhiệm. Sứ vụ ở Đài Bắc từ năm 1971 đến nay đã được điều hành bởi một viên Tham Tán Tòa Sứ Thần (Chargé d’affairs).

Đức Tổng Giám Mục Gioan Hồng Sơn Xuyên (John Hung Shan-chuan – 洪山川) của Đài Bắc, nói với Reuters vào tháng 3 vừa qua, rằng Giáo hội ở Đài Loan đã không trông đợi Toà Thánh và Trung Quốc đại lục thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau, vì điều ấy chỉ nên xảy ra nếu hai bên chia sẻ “những giá trị chung với nhau”.

“Các giá trị mà Vatican hướng đến khác xa với những giá trị được Đảng Cộng sản Trung Quốc đề cao. Việc xây dựng quan hệ với Vatican đòi hỏi nhà cầm quyền Hoa Lục phải tôn trọng các giá trị bao gồm cả tự do và dân chủ,” ngài nói.

8. Nhận định của Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher về Tài Liệu Làm Việc tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên

Ngày 10 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher viết trên Blog của Tổng Giáo Phận Sydney các nội dung thảo luận tại Thượng Hội Đồng về người trẻ.

Theo Đức Tổng Giám Mục bất cứ văn kiện Thượng Hội Đồng nào cũng không nên bắt đầu bằng xã hội học mà nên khởi đi từ một hình tượng trong câu truyện Emmau. “Chỉ lúc đó, mô hình xem-xét-hành động mới có hiệu quả. Tài Liệu Làm Việc quá tiêu cực, tập chú vào các vấn đề trong khi đáng lẽ ta nên đưa ra nhiều điển hình thành công với người trẻ,” ngài viết.

Hơn thế nữa, theo Đức Tổng Giám Mục: “ Tài Liệu Làm Việc có tính Tây Phương rất nhiều và không lưu ý đủ tới tuổi trẻ tại các nước nghèo hơn và đang phát triển. Người trẻ cần cả tư cách làm cha làm mẹ thiêng liêng. Sự suy nghĩ về nền văn hóa Kỹ Thuật Số trong Tài Liệu Làm Việc nên được tổng hợp tốt hơn, ý thức rằng cuộc di dân kỹ thuật số đi vào thế giới điện tử (e-world) đang tạo ra việc mất gốc giống như sự di dân của những người đang di cư giữa các lục địa.”

Ngài nhấn mạnh rằng “Tài Liệu Làm Việc đánh giá chưa đúng mức việc lạm dụng tình dục trẻ em như một lực lượng đang phá hoại các mối tương quan đối với người trẻ và các cố gắng truyền giảng Tin Mừng cho họ. Việc quá nhấn mạnh đến việc lắng nghe người trẻ trong Tài Liệu Làm Việc có vẻ như đang làm giảm vai trò giảng dạy của Giáo Hội, nhưng không hề có sự căng thẳng nhất thiết nào giữa lắng nghe và giảng dạy.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *