Các Ân Xá: Đại Xá và Tiểu Xá

Phần I: Lý Giải ơn Đại Xá và Tiểu Xá

1. Vấn nạn

Giáo dân Việt Nam đã quen với việc lãnh nhận Ơn Toàn Xá trong nhiều dịp khác nhau (Thánh lễ mở tay của tân linh mục, các dịp lễ đặc biệt của các giáo phận, các dòng tu, v.v.). Tuy nhiên, trong kinh nghiệm mục vụ, chúng ta thường gặp nhiều thắc mắc liên quan tới ý nghĩa của ân xá. Chúng tôi xin trình bày các vấn nạn theo 3 nhóm sau:

Vấn nạn thường hay được đặt ra nhất là: Tại sao tội đã được tha mà hình phạt vẫn còn? Tại sao Chúa “hà khắc” hoặc “keo kiệt” đến nỗi không tha luôn hình phạt?

Rồi đối với những người quan tâm tới giáo lý và ý nghĩa sâu xa của các việc nhà đạo thì các vấn nạn sau hay được đặt ra: Tại sao phải chờ những dịp lễ quan trọng, có sắc lệnh của Toà Thánh, giáo dân mới có thể đón nhận Ơn Toàn Xá? Nếu ơn Chúa là thiêng liêng và Chúa luôn sẵn sàng ban ơn, thì bất kể lúc nào giáo dân thành tâm cũng có thể lãnh nhận được Ơn Toàn Xá chứ?

Hơn nữa, việc lãnh Ơn Toàn Xá có thực sự hữu ích cho đời sống đạo không khi mà việc đó có vẻ máy móc? Việc lãnh nhận Ơn Toàn Xá có thay đổi đời sống tín hữu không khi mà họ quan niệm rằng cứ lãnh phép lành, đọc một số kinh, xưng tội, rước lễ là được tha mọi hình phạt của tội? Rồi có cả những thắc mắc đơn sơ, mang tính “luật lệ”, có vẻ hơi “vật chất” nhưng rất “thực tiễn”: Lãnh bao nhiêu Ơn Toàn Xá thì đủ? Lãnh nhiều quá có bị “dư” không? Ơn Toàn Xá dư (ngay cả khi đã áp dụng cho người quá cố) thì đi đâu?

2. Định nghĩa

Trước khi cố gắng giải đáp các vấn nạn trên, chúng ta cần tìm hiểu xem ân xá nói chung là gì. Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo[1] (GLHTCG) có một định nghĩa xúc tích về ân xá trong số 1471. Ở đây, chúng tôi xin phân tách câu và diễn giải lại định nghĩa trên, có nhấn mạnh các yếu tố quan trọng (bằng dấu gạch dưới), hầu làm rõ ý của định nghĩa hơn.

Theo GLHTCG, ân xá là các ơn từ kho tàng ân phúc của Đức Kitô và các thánh mà

– Giáo Hội dùng quyền Chúa Giêsu ban để áp dụng

– cho những ai thật tâm (ao ước, sám hối) và chu toàn các điều kiện được Giáo Hội quy định.

– Ơn này có tác dụng xoá các hình phạt tạm do các tội (đã xưng và đã được tha) gây ra.

GLHTCG còn nói thêm rằng các tín hữu có thể áp dụng các ân xá cho những người đã qua đời, và rằng có hai loại ân xá: ơn tiểu xá xoá một phần hình phạt tạm, ơn đại xá xoá toàn bộ hình phạt tạm. Trong bài viết này, chúng tôi xin bàn đến ân xá nói chung mà không đi vào sự phân biệt giữa Đại Xá với Tiểu Xá.

3. Diễn giải

Chúng tôi xin diễn giải chi tiết hơn để làm sáng tỏ định nghĩa trên. Chúng tôi xin diễn giải 3 yếu tố quan trọng trong định nghĩa ân xá, với ý hướng làm sáng tỏ cho 3 nhóm vấn nạn tương ứng nêu ở trên:

– Có sự phân biệt giữa hình phạt tạm của tội và tội được tha. Tội đã được tha, nhưng hình phạt tạm vẫn còn. GLHTCG, số 1472 còn nói về sự phân biệt giữa hình phạt vĩnh cửu do tội trọng gây nên và hình phạt tạm do tội nhẹ gây nên. GLHTCG, số 1473 nói rằng khi tha tội, Chúa tha những hình phạt vĩnh cửu, nhưng hình phạt tạm thì vẫn còn.

– Giáo Hội đóng vai trò thiết yếu trong tiến trình tha hình phạt tạm này. Với vai trò là chủ thể cai quản “kho tàng ân phúc”, là thừa tác viên ơn cứu độ, Giáo Hội có năng quyền áp dụng các ân phúc của Đức Kitô và của các thánh để xoá các hình phạt tạm cho các cá nhân tín hữu (x. GLHTCG 1478). Kho tàng ân phúc là gì? Và tại sao phải cần tác động của Giáo Hội để mở kho tàng ấy, thì ơn ích thiêng liêng mới tới được các tín hữu? Đó là kho tàng ơn thánh vô biên do Đức Kitô mang lại cho nhân loại qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Người. Kho tàng này cũng bao gồm lời cầu nguyện và công phúc của các thánh. Kho tàng này được trao ban cho toàn nhân loại và ai cũng có thể được hưởng từ kho tàng này nhờ mối thông công (x. GLHTCG 1476-1477). Nhưng Giáo Hội, với quyền trói buộc và tháo cởi do Đức Kitô ban, có thể can thiệp để mở kho tàng và áp dụng cho các cá nhân tín hữu.

– Để được tha hình phạt tạm, tín hữu cần phải có tâm tình xác đáng. Họ phải có ý muốn cởi bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới bằng việc làm các việc lành bác ái, cầu nguyện và thực hành việc hãm mình, đền tội, v.v. (x. GLHTCG 1473).

4. Lý giải

Các diễn giải trên, dựa vào ngôn ngữ và ý tưởng của giáo huấn Giáo Hội như được diễn tả trong sách giáo lý, có thể làm sáng tỏ phần nào các vấn nạn nêu trên. Tuy nhiên, có thể độc giả tuy thấy mình đã hiểu về ân xá, nhưng chưa thấy được thuyết phục bởi các điểm mà giáo lý đưa ra. Vấn nạn thứ nhất vẫn còn y nguyên, chưa giải đáp được: Tại sao Chúa tha hình phạt vĩnh cửu mà không tha được hình phạt tạm? Vấn nạn thứ hai vẫn chưa được giải đáp rõ ràng lắm: Tại sao mối thông công giữa các thánh (trong các ơn thánh) lại cần sự can thiệp của Giáo Hội?

Ở phần này, chúng tôi xin thử trình bày một lý giải thần học về ân xá, bằng ngôn ngữ của kinh nghiệm nhân sinh[2], với ý hướng là mang giáo lý lại gần đời sống hơn, để chúng ta không chỉ chấp nhận các chân lý đạo bằng trí óc mà thôi, mà còn bằng cả tâm tình xác tín, yêu mến và thực hành nữa.

a. Hình phạt do tội

Trước hết, phải nói rằng cụm từ “hình phạt” có thể gây hiểu lầm như là cái gì áp đặt từ bên ngoài theo nghĩa pháp lý, và vì thế làm chúng ta không thể hiểu nổi tại sao Chúa “không thể” tha hình phạt tạm của tội. Nhưng thực ra, theo kinh nghiệm nhân sinh, hình phạt do tội được kinh nghiệm dưới hai chiều kích như hai mặt của một thực tại: như là hậu quả của tội và như là tiến trình thoát ly khỏi hậu quả đó[3].

Theo kinh nghiệm nhân sinh, mọi ý nghĩ, hành vi của chúng ta đều để lại hậu quả ngoại tại lẫn nội tại trên đời sống và con người chúng ta. Điều này cũng đúng cho những ý nghĩ, hành vi xấu; chúng có tác hại lên thói quen, cách sống, cách nghĩ, cách cảm nghiệm và cả thể trạng của ta. Các tác hại này làm cho chúng ta đau khổ, phá vỡ sự hài hoà trong các tương quan và làm chúng ta lệ thuộc vào các thói quen xấu. Chúng ta đều có kinh nghiệm rằng hành vi xấu càng nghiêm trọng hoặc càng được lặp lại nhiều lần thì hậu quả của nó trên con người và đời sống (bao gồm các tương quan với thế giới và với người khác) ta càng nặng nề và lâu dài. Ví dụ: hành vi giết người sẽ để lại những dấu ấn tai hại, đậm và bền trên tính cách, tâm lý và các tương quan của kẻ sát nhân hơn một lời nói dối. Tuy thế, lời nói dối, nhất là khi nó được lặp lại nhiều lần, cũng để lại dấu ấn xấu trên thói quen của người nói và trên sự tin tưởng của người khác đối với người ấy. Điều này được minh hoạ trong kinh nghiệm rằng chúng ta rất khó bỏ hoặc rất khó khắc phục hậu quả của các thói xấu nặng và các thói xấu được lặp lại nhiều lần.

Chúng ta có thể hiểu các tác hại này là một khía cạnh của “hình phạt” do tội vậy. Như vậy, hình phạt do tội là do chính hành vi tội lỗi của chúng ta gây ra, hay nói cách khác, chính chúng ta tự phạt mình khi phạm tội. Và rất nhiều lúc chúng ta “hoan hỉ ”, “háo hức” và tìm đủ mọi cách để tự phạt mình bằng cách phạm tội, dẫu biết rằng tội dẫn chúng ta tới các tác hại và cuối cùng là cái chết. Đó chính là sự mâu thuẫn nội tại của tội và của sự dữ nơi kinh nghiệm của chúng ta, như thánh Phaolô nói “tôi làm điều tôi không muốn” (Rm 7, 16), tức tôi làm điều có hại cho tôi và cho người thân của tôi, và tôi rất thích làm điều đó.

Khi xưng tội là khi chúng ta ý thức sự tai hại của tội và muốn dứt bỏ nó. Nhưng tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm rằng rất nhiều lúc chúng ta xưng, thật lòng sám hối và dốc lòng chừa một tội nào đó, nhưng rồi, sau một thời gian, lại tái phạm tội đó. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm “lực bất tòng tâm” trong việc bỏ các thói xấu và các hậu quả tai hại của tội và kêu lên như thánh Phaolô: “Thật khốn thân tôi! ai cứu tôi khỏi thân xác đáng chết này?” (Rm 7, 24). Khi ban Bí Tích Hoà Giải qua thừa tác viên của Giáo Hội, Chúa dùng quyền năng vô biên của lòng từ ái Ngài và của cái chết và sự sống lại của Đức Kitô để tha tội cho chúng ta và một cách lạ lùng như một phép lạ, bảo đảm rằng chúng ta sẽ không bị vướng vào các hậu quả của tội cách vĩnh cửu (tức xoá hình phạt vĩnh cửu). Đây là niềm hy vọng Kitô giáo, niềm hy vọng của sự sống lại. Thiên Chúa đảm bảo chắc chắn đã cứu chúng ta khỏi vòng vây hãm và trói buộc của tội và các hậu quả tai hại của nó. Điều mà chúng ta thấy mình không thể làm được thì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta, nhờ tình yêu vô biên và cái chết và sự sống lại của Đức Kitô, Con Ngài.

Nhưng đây là niềm hy vọng cánh chung, tức rất thực tế chứ không hão huyền; niềm hy vọng này tôn trọng và phù hợp với tiến trình lớn lên của chúng ta trong không gian thời gian. Là những chủ thể có tự do, chúng ta xây dựng và định hình vĩnh cửu của mình trong không gian và thời gian này. Mặt khác, thường thì ơn Thánh của Chúa hoạt động cách thực tiễn, vẫn được xây dựng trên các quy luật tự nhiên, tuy siêu vượt trên các quy luật đó. Thế nên, tuy trong Ngày Sau Hết, chúng ta chắc chắn sẽ được chữa lành khỏi mọi hậu quả tai hại của tội cách vĩnh viễn, nhưng trong lúc này, là những chủ thể có chiều kích thể lý, chúng ta cần trải qua một tiến trình thanh luyện, để gột rửa từ từ các hậu quả đó, để dần cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới. Tiến trình này đòi hỏi không chỉ lòng sám hối, quyết tâm, mà còn cả sự khổ luyện, chiến đấu, tu tập, cầu nguyện, hãm mình, v.v. nữa. Tiến trình thanh luyện này là một khía cạnh khác trong kinh nghiệm nhân sinh về hình phạt do tội, và chúng ta có thể gọi đó là hình phạt tạm. Tiến trình thanh luyện này, vừa là biểu hiện kéo dài, vừa là hệ quả mà đôi khi cũng là nguyên nhân sinh ra lòng sám hối, cũng còn lệ thuộc vào thiện chí, ý muốn của chúng ta nữa. Nếu chúng ta không muốn và không nỗ lực để được thanh luyện, tức là không thật sự sám hối, thì Ơn Thánh cũng không phát huy được tác dụng trên con người và đời sống chúng ta. Chính vì thế sự thanh luyện vẫn còn “diễn ra” ngay cả sau khi chết (giáo lý gọi là Lửa Luyện Tội, hay Luyện Ngục), vì hậu quả của tội vẫn còn, tuỳ vào thiện chí và nỗ lực của chúng ta khi còn sống.

Như vậy chúng ta đã hiểu tại sao trong Bí Tích Hoà Giải, tội tuy đã đ?ợc tha, nhưng hình phạt tạm vẫn còn. Vì Bí Tích đó không phải là một nghi thức phù chú suông (chỉ là dăm bảy phút nơi Toà Giải Tội), mà cần phải đ?ợc trải rộng và tiếp diễn trong cuộc sống chúng ta ngoài Toà Giải Tội nữa. Tội đã đ?ợc tha, Chúa đã đảm bảo cứu chúng ta cách vĩnh cửu, nhưng tiến trình gột rửa, thoát ly khỏi tội và hậu quả của nó vẫn cần phải diễn ra trong cuộc sống. Tiến trình đó diễn ra nhanh hay chậm tuỳ vào mức đ? thiện chí và nỗ lực trong thực tế cuộc sống của chúng ta.

b. Vai trò của Giáo Hội

Thế nhưng, tiến trình đó không diễn ra riêng lẻ cách cá nhân. Tất cả chúng ta có mối liên hệ thiêng liêng với nhau (giáo lý gọi là mối thông công); mọi phúc đức cũng như tội vạ của mỗi người đều có tác động lên những người khác. Sự tác động này là thiêng liêng, nên vô hình, nhưng nhiều lúc chúng ta vẫn cảm thấy được nó qua những biểu hiện thể lý, xã hội, văn hoá của nó. Một câu chửi thề, một hành vi trả lại của đánh rơi, v.v. tất cả đều có âm vang và ảnh hưởng trên xã hội chúng ta, trên thế hệ trẻ và trên những người khác.

Tiến trình gột rửa, thoát ly khỏi sự trói buộc và hậu quả của tội, tuy là nỗ lực của mỗi cá nhân, cũng diễn ra trong mối hiệp thông rộng lớn với toàn thể Giáo Hội (kể cả Giáo Hội chiến thắng lẫn Giáo Hội đang thanh luyện, tức với cả các thánh lẫn các linh hồn trong Lửa Luyện Tội). Công phúc vô biên của Đức Kitô và phúc đức của các thánh cổ võ và thúc đẩy tiến trình đó (chẳng hạn, qua gương sáng và gợi hứng hướng về sự thánh thiện), trong khi tội của những người khác cũng tác động gây cản trở tiến trình thanh luyện của chúng ta (chẳng hạn, qua gương xấu và làm nhụt ý chí tốt lành của chúng ta).

Như vậy, qua những lần ban ân xá, Giáo Hội thể hiện cách hữu hình và cụ thể mối hiệp thông đó vẫn có trong toàn Giáo Hội, để nâng đỡ và thúc đẩy tiến trình thanh luyện của mỗi người chúng ta diễn ra cách suông sẻ, dễ dàng hơn. Là những chủ thể sống trong không gian thời gian, chúng ta cần những hình thức hữu hình và cụ thể đó để cảm nghiệm và tiếp nhận sự cổ võ và đồng hành của Giáo Hội và các thánh. Như vậy, khi nói “ân xá tha hình phạt tạm của tội” là có ý nói rằng Giáo Hội, qua lời cầu nguyện chính thức của mình, đồng hành, cổ võ và thúc đẩy tiến trình thanh luyện của các cá nhân, để giúp họ vượt qua các hậu quả của tội và trở nên con người mới cách suông sẻ và dễ dàng hơn.

c. Tiểu kết

Tóm lại, việc Giáo Hội ban ân xá nói lên rằng:

– Chúng ta, vốn là những chủ thể sống trong không gian và thời gian, cần trải qua một tiến trình để thanh luyện khỏi tội và hậu quả của nó.

– Chúng ta không chiến đấu với tội cách cô đơn, nhưng trong mối hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, trong đó chúng ta nhận được sự giúp đỡ và đồng hành của các thánh là những người đã cộng tác đắc lực với ơn thánh vô biên của Đức Kitô.

– Việc lãnh ân xá không phải là phép ma thuật, nhưng tự nó bao gồm và đòi chúng ta phải có tâm tình hoán cải và nỗ lực sống tiến trình lột bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới.

5. Lý giải theo văn hoá Việt Nam

Trong mục này, chúng tôi thử diễn tả những tâm tình nằm sâu trong ý thức tôn giáo của người Việt Nam liên quan đến việc lãnh nhận ân xá. Khi đưa ra những điểm tích cực trong tâm tình người Việt Nam trong việc lãnh nhận ân xá, chúng tôi đồng thời cũng xem đây là những gợi ý cho việc canh tân hoạt động thiêng liêng đầy ý nghĩa và rất truyền thống này.

Chúng ta đã quá quen với nét văn hoá “tặng quà” củ a ngư?i Việt Nam. “Bánh ít cho đi bánh quy cho lại”, “có qua có lại mới toại lòng nhau”, đó là một nét văn hoá đóng vai trò thiết yếu trong việc xây dựng và củng cố các tương quan gia đình, xã hội. Chắc chắn nhiều lúc nét văn hoá đó đã bị lạm dụng, bóp méo làm cho việc tặng quà mất đi ý nghĩa đích thực của nó mà trở thành “mua chuộc, hối lộ”. Trong hành vi tặng quà đích thực, món quà thường có giá trị ở ý nghĩa biểu tượng hơn là ở giá trị vật chất của nó. “Củ a cho không bằng cách cho”. Thái độ và tâm tình của người tặng quan trọng hơn là giá trị vật chất của món quà. Món quà là một biểu tượng cụ thể, hữu hình của tình thương, sự quan tâm, sự hy sinh, lòng trìu mến giữa người với người. Một nhúm trà, một vài trái cau cũng là quà; một bao lì xì với giá trị tiền tệ rất nhỏ, cũng là quà, nhưng làm cho những dịp lễ, Tết trở nên thực sự vui nhộn, hào hứng và ý nghĩa. Không có trầu cau sẽ không có đám hỏi; không có trà, không có bao lì xì, Tết sẽ mất vui.

Việc bóp méo ý nghĩa của hành vi tặng quà đã làm cho nó trở nên giả dối và nặng nề. Chúng ta dần cảm thấy sợ những dịp Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán, đám cưới, đám hỏi, v.v. chính vì những méo mó và lạm dụng của nét văn hoá tặng quà. Trong trường hợp này, những món đồ có giá trị vật chất cao không còn là biểu hiện của sự quan tâm, trìu mến và hy sinh nữa mà thể hiện sự đòi hỏi, yêu sách và trở thành sợi dây vô hình ràng buộc và lạm dụng người khác.

Tuy nhiên, nét văn hoá tặng quà, nếu được duy trì trong sự tinh tuyền của nó thì sẽ rất đẹp và quan trọng cho việc xây dựng các tương quan xã hội đầy tính nối kết liên vị. Để thấy rõ hơn giá trị của nét văn hoá này, chúng ta có thể kể đến các khái niệm vẫn còn được trân trọng nơi tâm khảm người Việt: đó là các khái niệm Thảo và Lộc. Vào những dịp lễ như Tết Nguyên Đán chẳng hạn, con cháu đến viếng thăm ông bà cha mẹ với tâm tình thảo hiền, và thể hiện tâm tình đó qua những món quà đơn sơ, cụ thể cùng những lời chúc chân thành. Đó là Thảo. Đáp lại, ông bà cha mẹ cũng trao cho con cháu những bao lì xì cùng những lời chúc tốt đẹp. Đó là Lộc. Các món quà, các bao lì xì là những biểu hiện cụ thể, không thể thiếu của tâm tình Thảo nơi con cháu và của Lộc từ ông bà cha mẹ. Vào những dịp lễ như thế, con cháu không thể không diễn tả chữ Thảo và bậc cha mẹ cũng không thể không trao ban Lộc. Mối tương quan giữa Thảo và Lộc này còn được thấy rõ nơi những cuộc giáo dân thăm viếng đền đài, chùa chiền, nhà thờ ở Việt Nam vào dịp đầu Xuân. Không kể những lạm dụng và mê tín, những cuộc thăm viếng đó có thể được xem là việc diễn tả chữ Thảo của giáo dân, bổn đạo, và họ cũng mong chờ Lộc từ các bậc thánh nhân, và từ Thiên Chúa.

Thiết tưởng, Thảo và Lộc cũng là những nét được tìm thấy nơi tâm tình tôn giáo của giáo dân Việt Nam trong những dịp lãnh nhận ân xá. Ở Việt Nam, nhất là những năm gần đây, những dịp ân xá thường gắn liền với những dịp lễ đặc biệt của một giáo phận, dòng tu, hoặc là những năm thánh, những dịp lễ đầu tay của các linh mục. Trong những dịp lễ như thế, ân xá được cảm nghiệm như một món quà cụ thể đặc biệt Thiên Chúa ban cho những người tham dự ngang qua trung gian của giáo phận, dòng tu, linh mục hoặc các chủ thể tổ chức năm thánh (chúng tôi xin gọi tắt là các chủ thể trung gian). Chính nhờ các chủ thể trung gian cử hành các dịp lễ đặc biệt mà giáo dân có cơ hội lãnh nhận ân xá. Giáo dân tham dự những cử hành, những Thánh Lễ, trong tâm tình hiệp thông chia vui với các chủ thể trung gian và đón nhận ân xá như món quà rất đặc biệt của dịp lễ. Món quà này thiêng liêng, nhưng cũng rất cụ thể và là món quà quý giá nhất mà qua đó các chủ thể trung gian có thể chia sẻ ơn Chúa, niềm vui, vinh dự, lòng tri ân của họ với những người tham dự. Tham dự một dịp cử hành lớn mà thiếu phép lành Toà Thánh để ân xá có thể được ban thì giáo dân sẽ cảm thấy như thiếu vắng một yếu tố rất quan trọng, làm cho dịp cử hành bớt đi tính phong phú và long trọng của nó. Giáo dân đến tham dự các buổi lễ, mang theo tâm tình Thảo hiền của mình đối với Chúa và Giáo Hội, cụ thể là Giáo Hội địa phương hiện diện nơi chủ thể trung gian này. Và họ cũng mong chờ Lộc thánh của Thiên Chúa, được ban ngang qua chủ thể trung gian đó. Có thế, buổi lễ cử hành của chủ thể trung gian mới được vẹn toàn ý nghĩa và thật sự mang “tính Việt Nam”.

Như vậy, chúng ta thấy có một mối liên hệ nào đó giữa tâm tình tôn giáo của người Việt Nam trong việc lãnh nhận ân xá và nét văn hoá tặng quà. Nếu như món quà là biểu hiện hữu hình, cụ thể nhưng thiết yếu của tấm lòng và của tương quan, thì ân xá cũng thường được kinh nghiệm như biểu hiện cụ thể và quan trọng cho tình yêu, sự quảng đại, hào phóng của Thiên Chúa trong những dịp lễ đặc biệt, qua trung gian một giáo phận, dòng tu, linh mục hay cộng đoàn nào đó.

Kết luận

Từ những gì được trình bày ở trên, chúng ta có thể rút ra những tâm tình cần phải có để việc lãnh nhận ân xá được thực sự ý nghĩa, đẹp lòng Chúa và mang lại hiệu quả cứu độ.

Trước hết, việc lãnh ân xá là dịp để chúng ta trở về với Bí Tích Hoà Giải, không như một thủ tục, mà với tâm tình sám hối và ý chí hoán cải đích thực, được cụ thể hoá bằng một tiến trình hành động, tập dứt bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới.

Thứ đến, việc lãnh ân xá còn là dịp để chúng ta ý thức hơn và sống mối hiệp thông trong toàn bộ Giáo Hội, để cảm nghiệm sự đồng hành, cổ võ, nâng đỡ của Giáo Hội, khuyến khích chúng ta cùng tiến lên trên con đường nhân đức thánh thiện.

Cuối cùng, nét văn hoá Việt Nam, đặc biệt là những tâm tình xoay quanh hai chữ Thảo và Lộc, ngoài việc thể hiện rõ tâm tình hiệp thông với Giáo Hội cách cụ thể qua và nơi giáo hội địa phương, còn cổ võ chúng ta nên nhìn ân xá theo nghĩa đích thực như là ơn – món quà, tức là biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa. Nét văn hoá đó mời gọi chúng ta không quan niệm việc lãnh ân xá như một thủ tục pháp lý hay mang tính vật chất (vốn là các đặc tính của trả nợ, hối lộ và tham nhũng). Nhìn ân xá như là một ơn, chúng ta chú ý tới chính Người Tặng với lòng biết ơn và cảm mến, chứ không tập trung vào món quà để tính toán, so sánh. Có thế, việc lãnh ân xá mới thực sự trở nên một dịp lễ mừng, thổi bùng lên trong tâm hồn chúng ta một sức sống đổi mới.

04.02.2014

FX. Nguyễn Hai Tính, SJ

Phần II: Các dịp lãnh ơn Đại Xá và Tiểu Xá

(Đ.992-997)

1. LỊCH SỬ

Lịch sử các ân xá được bắt nguồn từ kỷ luật hòa giải của thời rất xa xưa trong Giáo hội. Các hối nhân, sau khi đã xưng tội xong phải trải qua một thời gian làm việc đền tội lâu dài, đôi khi đền suốt đời. Những việc đền tội ấy được gọi là “những hình phạt tạm thời” (poenae temporales); đối lại với những hình phạt “đời đời” trong hỏa ngục. Việc đền tội nầy, đôi khi Giáo hội chấp nhận cho các hối nhân, thay vì tự mình làm việc đền tội, có thể nhờ bà con, bạn bè làm thay. Nhờ đó, các tội nhân được giảm hình phạt, được hưởng “ân xá” nhờ tình liên đới của tha nhân.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc trong lịch sử Giáo hội, đã xảy ra những lạm dụng về việc ban ân xá, đến độ biến thành một thứ thương mại, có thể dùng tiền để mua ân xá. Vì thế, sau công đồng Vatian II, với Tông hiến “Indulgentiarum doctrina” (tạm dịch: Tín lý các ân xá), ban hành ngày 01-01-1967, Đức thánh Cha Phaolô VI đã chỉnh đốn lại kỷ luật ân xá, nhằm nêu bật ý nghĩa thiêng liêng của ân xá, và nhắm đến tinh thần bác ái đền tội, hơn là thực hiện những công việc bề ngoài trống rỗng.

Về phương diện thần học, tội lỗi không những xúc phạm đến Thiên Chúa nhưng còn gây ra xáo trộn trong thế giới và trong chính con người phạm tội nữa. Vì vậy, cho dù khi tội đã được tha thứ (khi lãnh nhận bí tích giải tội), nhưng sự xáo trộn vẫn còn, và cần được sửa chữa qua việc đền tội (tội và nợ). Việc đền tội có thể thực hiện do chính tội nhân, hoặc với sự giúp đỡ của Giáo hội, xét như là sự thông hiệp giữa các thánh. Nghĩa là tất cả Giáo hội là nhiệm thể Chúa Kitô, bao gồm cả Chúa Kitô, Đức Mẹ Maria và các thánh, san sẻ công nghiệp cho nhau.

Bộ giáo luật hiện hành dựa vào Tông hiến trên và đưa ra những quy tắc tổng quát, nhưng không đưa ra những chi tiết. Chúng ta tham chiếu cả hai nguồn Giáo luật và Tông hiến để thấy được cụ thể hơn.

2. NHỮNG NGUYÊN TẮC TỔNG QUÁT

a. Định nghĩa

Ân xá là việc tha trước mặt Thiên Chúa hình phạt tạm thời phải chịu vì các tội đã được xóa bỏ; Kitô hữu nào đã được chuẩn bị đầy đủ và đã thực hiện một số điều kiện đã được ấn định, thì được hưởng ơn tha thứ nầy nhờ sự trợ giúp của Giáo Hội; với tư cách là thừa tác viên ơn cứu chuộc, Giáo Hội dùng quyền mình để phân phát và áp dụng kho tàng đền tội của Đức Kitô và các thánh (đ.992).

Định nghĩa trên đây về ân xá được trích ra từ Tông hiến Indulgentiarum Doctrina ban hành ngày 01/01/1967 và Sắc lệnh của Bộ Xá giải Enchiridion of Indulgences ban hành ngày 29/6/1968 với tất cả các qui tắc điều lệ qui định về ân xá. Văn kiện này gồm tóm các nguyên tắc thần học về ân xá cho các tín hữu với sự hiệp thông với Giáo hội. Ân xá tăng cường niềm tin của từng cá nhân các tín hữu trong niềm hy vọng được hòa giải trong bình an với thiên Chúa.

Định nghĩa về ân xá của điều 992 cho chúng ta thấy rằng: Ân xá không tha thứ các tội lỗi đã phạm, nhưng ân xá xóa các hình phạt tạm (poena) gây ra bởi tội lỗi đã phạm (cái nợ); còn tội thì được tha thứ qua Bí tích Giải tội.

b. Các loại ân xá

Có hai loại ân xá: “Ân xá gồm có tiểu xátoàn xá” (đ.993). Ân xá được gọi là tiểu xá hay còn gọi là từng phần (partialis), nghĩa là ân xá chỉ tha có một phần hình phạt; ân xá được gọi là toàn xá (indulgentia plenria), nghĩa là đại xá, tha hoàn toàn hình phạt tạm phải chịu vì tội (x.đ.993).

Tại sao có lúc gọi là toàn xá có lúc gọi là đại xá?

Trong truyền thống chúng ta có gọi là toàn xá và đại xá, nhưng trong Giáo luật ngày nay không còn phân biệt điều nầy nữa, chỉ còn gọi là toàn xá mà thôi (x.đ.993, GLGHCG.1471). Vì toàn xá hay đại xá cũng là ân xá tha toàn phần. Sở dĩ có sự phân biệt nầy là nhằm muốn nói lên sự trọng đại của những dịp trọng đại mà ta lãnh nhận ơn đại xá thì gọi là toàn xá (năm thánh, bách chu niên…); còn những lần cá nhân chúng ta làm một số những quy định theo luật thì được hưởng ơn đại xá (thờ lạy Mình Thánh Chúa ít là nữa giờ, đọc 50 kinh Mân Côi, đọc Kinh Thánh nữa giờ…).

c. Ai được hưởng ân xá?

Bất cứ tín hữu nào cũng có thể hưởng những ơn tiểu xá hoặc ơn toàn xá, hoặc cho chính mình, hoặc dành cho những người đã qua đời (đ.994).

Ân xá không tự nhiên được ban mà một người ước muốn được hưởng ân xá và phải làm một công việc nào đó đã được qui định. Ân xá này có thể áp dụng cho chính mình hay cho những người đã qua đời. Ân xá theo qui định của Giáo luật, không thể chuyển cho người còn đang sống (tôi không thể lãnh ơn xá nầy và rồi nhường cho một người còn đang sống), mà chỉ cho chính mình hay cho người đã qua đời.

d. Quyền ban ân xá

Theo điều 995 của Bộ giáo luật và những quy định trong sách “Mục lục các ân xá”, những người sau đây có thẩm quyền ban ân xá:

a/ Đức Thánh Cha, đích thân hoặc qua Tòa Ân giải Tòa thánh, có quyền ban ân xá trong toàn thể Hội thánh.

b/ Các Hồng y, Thượng phụ, Giám mục chỉ có quyền ban phép lành Tòa thánh với ơn đại xá một năm ba lần vào dịp lễ trọng thể. Tuy nhiên, các ngài có quyền ban ân tiểu xá cho những người hay những nơi dưới quyền của các ngài mỗi khi có thể. Các tín hữu có thể lãnh phép lành đại xá qua đài truyền thanh hay truyền hình, dựa theo nghị định của Tòa Ân giải Tòa thánh ngày 14/12/1985.

c/ Những người được luật cho phép (tân linh mục trong thánh lễ tạ ơn đầu tiên, kỷ niệm 25, 50 và 60 năm linh mục).

e. Những điều kiện để được hưởng ân xá

Những điều kiện để lãnh nhận ân xá được quy định ở điều 996. Điều luật nầy đưa ra hai yếu tố: yếu tố nền tảng ở đoạn 01 và những điều kiện thông thường khi lãnh nhận ân xá.

i/ Những yếu tố nền tảng:

–     là người đã được rửa tội: để thành phần tử trong Giáo hội và được dự phần trong việc “các thánh thông công”;

–     là không bị giáo vạ tuyệt thông: ngược lại thì không thể có sự thông công;

–     đang có ơn nghĩa cùng Chúa: sạch tội trọng, hoặc ít là lúc cuối của các việc lãnh ân xá.

ii/ Những điều kiện

Có hai điều kiện căn bản là: (1) có ý định muốn lãnh nhận ân xá và (2). thi hành những công tác như đã ấn định (ngày, nơi, dịp lãnh nhận ân xá và xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý ĐGH). Một điều kiện đòi hỏi khác là phải dứt lòng quyến luyến tội lỗi, dù tội nhẹ.

(1) có ý định muốn lãnh nhận ân xá : có ý chung chung cũng đủ, hoặc ý thường kỳ tỏ ra một lần mà không rút lại;

(2) thi hành những công tác như đã ấn định : xưng tội rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng.

xưng tội : mỗi lần xưng tội cho một dịp lãnh nhận ân xá đặc biệt có quy định tiền trước; còn lãnh nhận ân xá thông thường thì một lần xưng tội cho những ngày lãnh nhận ân xá liền tiếp theo, nếu trong lòng không mắc hoặc vương vấn tội (cẩm nang các ân xá, No.26).

rước lễ : điều nầy được thực hiện mỗi ngày khi lãnh nhận ơn xá Tín lý về ân xá No.9). Tuy nhiên, Bản quyền địa phương có thể miễn chuẩn việc rước lễ cho những người không thể tuân giữ được (người bệnh, người ở xa nhà thờ).

cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng : việc cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng được diễn ta bằng việc đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Kính Mừng là đủ, nhưng vì lòng đạo đức mà đọc thêm những kinh khác cũng là điều tốt (Tín lý các ân xá No.10).

Nếu không có đủ điều đòi hỏi, hay không đủ 3 điều kiện trên, thì chỉ được tiểu xá (Tín lý các ân xá No. 7).

3. CÁC DỊP LÃNH ƠN XÁ

a. Ơn Toàn xá

Sau đây là mục lục các ân xá theo “Cẩm nang các ân xá” của Bộ xá giải, ban ngày 29/6/1968 và được tái bản hai lần từ đó đến nay.

Lưu ý: có thể nhận hưởng ân toàn xá bằng hai cách thế. Một số ân toàn xá có thể nhận mỗi ngày, một số ân toàn xá chỉ có thể được nhận hưởng trong những ngày hay những dịp đặc biệt. Nên để ý một điều là mỗi ngày một tín hữu chỉ nhận hưởng được ân toàn xá một lần mà thôi, ngoại trừ trường hợp nguy tử (articulo mortis). Thí dụ như vào một ngày nào đó, một người đã hưởng nhận ân toàn xá vào buổi sáng, nhưng buổi chiều trong giờ phút lâm chung, người ấy có thể được nhận ân toàn xá lần thứ hai.

b. Ân toàn xá mỗi ngày

Mỗi ngày, một tín hữu có thể nhận được một ân toàn xá nếu làm những việc sau:

(1) Viếng Mình Thánh Chúa ít nhất nửa tiếng đồng hồ (số 3).

(2) Đọc 50 kinh Mân Côi trong nhà thờ, nhà nguyện, gia đình, tu viện hay cùng với hội đoàn (số 48).

(3) Đọc Kinh Thánh liên tục trong nửa tiếng đồng hồ với ý thức là đang đọc Lời Chúa (số 50).

(4) Đi đàng Thánh giá (số 63).

c. Ân toàn xá trong những dịp đặt biệt

(1)  Thăm viếng một trong bốn đền thờ của các Thánh Giáo Phụ tại Rôma vào ngày lễ kính thánh Giáo phụ đó hay trong các ngày lễ buộc; hay là bất cứ một ngày nào đó trong năm do tự chính mình ấn định trước. Trong lúc thăm viếng đọc một kinh Lạy Cha và một Kinh Tin kính (số 11).

(2)  Thăm viếng một đất thánh trong các ngày từ mồng một cho đến ngày mồng tám tháng mười một mỗi năm và cầu nguyện cho các linh hồn. Ân toàn xá nhận hưởng trong lần này phải chỉ cho các linh hồn nơi Luyện tội (số 13).

(3) Viếng nhà thờ hay nhà nguyện trong ngày 2 tháng 11 cầu cho các đẳng linh hồn (số 67).

(4) Viếng nhà thờ chính tòa, nhà thờ xứ vào ngày lễ bổn mạng và ngày 02 tháng 8 (số 65).

(5) Viếng nhà thờ nào vào ngày cung hiến, và đọc kinh Lạy Cha và Tin Kính một lần (số 66).

(6) Viếng nhà thờ hay nhà nguyện của tu viện trong ngày lễ thành lập dòng, và đọc kinh Lạy Cha và Tin Kính một lần (số 68).

(7) Viếng nhà thờ hay nhà nguyện và tham dự phụng vụ ở đó, trong thời gian có cuộc kinh lý mục vụ, và đọc kính Lạy Cha và Tin Kính một lần (số 69).

(8)  Đón nhận với tâm tình đạo đức sốt sắng Phép lành của Đức Giáo Hoàng “Urbi et Orbi”. Ngay cả việc nghe hay đọc từ đài phát thanh hay truyền hình (số 12).

(9)  Hiện diện tham dự Nghi Thức Thờ Kính Thánh giá vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và hôn kính Thánh giá trong Nghi thức này (số 17).

(10)  Hiện diện tham dự cử hành Thánh lễ trọng thể cử hành trong dịp bế mạc một hội nghị Công giáo (số 23).

(11)  Hiện diện tham dự tuần cấm phòng (tĩnh tâm) ba ngày liên tiếp (số 25).

(12)  Hiện diện tham dự cách sốt sắng buổi cầu nguyện công cộng Reparation or Atonement theo nghi thức qui định vào ngày lễ Thánh Tâm Chúa;

(13)  Đọc chung kinh Thánh hiến nhân loại cho Chúa Giêsu Kitô Vua vào ngày lễ Chúa Kitô Vua (số 27).

(14)  Vào giờ chết: bất cứ ai đó có thói quen đọc kinh nào đó hàng ngày lúc còn sống (số 28).

(15) Khiêm nhường tôn kính một vật thể đã được Đức Giáo Hoàng hay một Giám mục làm phép (thánh giá, tượng chịu nạn, áo đức bà, ảnh thánh đeo cổ). Tuy nhiên, ân toàn xá này chỉ được nhận hưởng trong ngày lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô tông đồ khi đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Tin kính (số 35).

(16) Hiện diện tham dự một buổi giảng thuyết truyền giáo với điều kiện là phải tham dự đến nghi thức bế mạc buổi giảng thuyết;

(17)  Khi nhận lãnh Bí tích Thánh Thể lần đầu. Ân toàn xá này được ban cho người rước lễ lần đầu và những người giúp đỡ trong nghi thức Thánh lễ Rước lễ lần đầu (số 42).

(18) Thánh lễ mở tay (Lễ mở tay hay Thánh lễ Tạ ơn của Tân Linh mục). Ân toàn xá này được ban cho chính vị tân Linh mục và những người tham dự lễ (43).

(19) Thánh lễ trong dịp kỷ niệm 25 năm, 50 năm và 60 năm ngày thụ phong Linh mục, với điều kiện đương sự ý thức lập lại trước mặt Chúa ý của lời tuyên hứa của ngày thụ phong: hứa chu toàn bổn phận cách trung thành trong ơn gọi. Nếu Thánh lễ được cử hành trọng thể, thì cả những người tham dự Thánh lễ cũng được nhận hưởng ân toàn xá (số 49).

(20)  Thăm viếng nhà thờ nơi đang có hội nghị Giáo phận với điều kiện đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin kính. Trong suốt thời gian hội nghị, ân toàn xá này chỉ được nhận hưởng một lần thôi.

(21)  Ngày Thứ Năm Tuần Thánh hay Ngày lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa với điều kiện đọc hay hát bài Tantum ergo cùng với câu Panem de coelo. Deus, qui nobis (Chúa đã ban bánh bởi trời cho nhân loại) (số 59).

(22) Hiện diện tham dự một nhà thờ hay bàn thờ trong lễ cung hiến với điều kiện đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin kính.

(23)  Lập lại các lời hứa khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội vào Thánh Lễ Vọng Phục sinh hay trong ngày kỷ niệm giáp năm hàng năm ngày nhận lãnh Bí tích Rửa tội (số 70).

(24) Đọc chung kinh “Veni Creator” ngày đầu năm dương lịch và lễ Hiện Xuống (số 61).

(25) Đọc chung kinh “Te Deum” vào ngày cuối năm dương lịch (số 60).

d. Ân tiểu xá

Ơn tiểu xá thì nhiều vô số kể, xin tạm ghi vài số của “Cẩm nang các ân xá mà thôi.

(1) Khi làm dấu Thánh giá: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (số 55).

(2) Đọc các kinh Tin, Cậy, Mến, Ăn năn tội (số 2); Tin kính (số 16)

(3) Kinh trước Thánh giá “Lạy Đức Chúa Giêsu nhân lành” (số 9); Kinh đền tạ Thánh Tâm Chúa (số 26)…

Trên đây là những ân xá ban cho tất cả các tín hữu. Các tu sĩ, các hội viên các hiệp hội có thể được hưởng các ân xá khác ban riêng cho tu hội hay đoàn thể của họ.

Mỗi người chúng ta không những có thể lãnh nhận ân xá cho bản thân mình, nhưng còn có thể áp dụng cho người đã qua đời nữa (đ.994). Việc áp dụng ân xá cho người qua đời không những là một nghĩa cử liên đới bác ái, nhưng còn giúp chúng ta liên tưởng đến những giá trị vĩnh cửu đang khi chúng ta phấn đấu tại thế gian nầy nữa.

 

Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *