Cách đóng thuế cho Đền thờ xưa và nay (14.08.2017 – Thứ Hai tuần XIX Mùa Thường Niên năm A)

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu  

22 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ tụ họp ở miền Ga-li-lê, Người nói với các ông : “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, 23 họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm.

24 Khi thầy trò tới Ca-phác-na-um, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phê-rô : “Thầy các ông không nộp thuế sao ?” 25 Ông đáp : “Có chứ !” Ông về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông : “Anh Si-môn, anh nghĩ sao ? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế ? Con cái mình hay người ngoài ?” 26 Ông Phê-rô đáp : “Thưa, người ngoài.” Đức Giê-su liền bảo : “Vậy thì con cái được miễn. 27 Nhưng để khỏi làm cớ cho họ sa ngã, anh hãy ra biển thả câu ; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra : anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan ; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.”

 

1. Ghi nhớ:

Khi Đức Giê-su và các môn đệ tụ họp ở miền Ga-li-lê, Đức Giê-su nói với các ông: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm. 

Khi thầy trò tới Ca-phác-na-um, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phê-rô: “Thầy các ông không nộp thuế sao?”  Ông đáp: “Có chứ!” Ông về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông: “Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?”  Ông Phê-rô đáp: “Thưa, người ngoài.” Đức Giê-su liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn.  Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh

2. Suy niệm:

 Bài Tin Mừng hôm nay chia làm hai phần rõ rệt, phần đầu chỉ gồm hai câu vắn gọn, Thánh sử Matthêu nêu ra rất rõ ràng: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”.
Phần hai, nói đến việc Chúa Giêsu và các môn đệ nộp thuế cho đền thờ Giêrusalem.  Đóng thuế cho đền thờ ngày xưa, được tương đương với hai ngày công thời bấy giờ, kể cả những người sống ngoài Đất Thánh, phải đóng bằng tiền Do Thái để chi phí việc thờ phượng, Người ta bắt đầu thu thuế này quãng 15 ngày trước lễ Vượt Qua.

Thế nên khi Phêrô về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi  ông:

– Anh Simon, anh nghĩ sao: vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?

Phêrô đáp:

– Thưa, người ngoài

 Chúa Giêsu liền bảo:

– Vậy thì con cái được miễn

Người muốn ám chỉ quyền của Người trên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Người chính là con Thiên Chúa, là chủ đền thờ, và không phải đóng thuế. Đồng thời, Chúa Giêsu còn ngụ ý nói với các môn đệ của Người. Phải chăng đây cũng là cách Chúa cho chúng ta hiểu rằng, từ nay đã chấm dứt chế độ phụng thờ cũ của đền thờ Giê-ru-sa-lem, để chuyển qua một nền phụng tự mới. Đó là tập trung vào chính Chúa Giêsu. Tuy nhiên xét về bản tính loài người, Chúa Giêsu đã tuân giữ việc nộp thuế bằng một phép lạ để các môn đệ thấy tỏ tường quyền năng của Người.

Ngày nay, Giáo hội vẫn dành cho mỗi Kitô hữu hoàn toàn tự do, không bắt đóng  bất cứ một khoản thuế nào. Tuy nhiên Giáo hội vẫn khuyến khích cần tới lòng quảng đại với lòng tự nguyện, hy sinh của mọi người, để cùng nhau chia sẻ vào công việc công ích chung cho Giáo hội, nhằm mục đích chính đem lời Chúa lan tỏa đến cho nhiều người chưa nhận biết Thiên Chúa. Thí dụ như: Giáo hội cần đến những người có tấm lòng rộng mở dâng cúng giúp người khó khăn neo đơn, đau ốm, tật nguyền v.v… hay cùng nhau chung tay xây dựng mái ấm tình thương, xây dựng những cây cầu đi lại vùng thôn quê hẻo lánh nhằm đem lại lợi ích cho cá nhân hay tập thể trong xã hội đang cần sự trợ giúp. Hoặc cùng nhau xây dựng Thánh đường để mọi người cùng nhau ca tụng và tôn vinh Thiên Chúa, hay  xây dựng nhà Giáo lý để nâng cao tầm hiểu biết về cách sống đạo của từng Kitô hữu , hay đào tạo các em thiếu nhi, giáo lý viên hầu nước Chúa được khai mở đến tận cùng trái đất.

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa, bổn phận của chúng con là biết xây dựng Nước Trời nơi trần gian này, bằng cách sống trọn vẹn giới răn mến Chúa, sống yêu thương mọi người, để chu toàn bổn phận người Kitô hữu là biết sống dâng hiến, phó thác qua lòng nhân từ của Thiên Chúa, để sống cho đi nhưng không với tha nhân. Hầu hưởng vinh phúc nới quê Trời. Amen

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *