Căn nguyên của đạo đức giả là tà tâm (20.10.2017 – Thứ Sáu Tuần XXVIII Thường Niên năm A)

Lời Chúa: Lc 12,1-7
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca

1 Khi ấy, đám đông tụ họp hàng vạn người, đến nỗi giẫm lên nhau. Bấy giờ Đức Giê-su bắt đầu nói, trước hết là với các môn đệ : “Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu, tức là thói đạo đức giả. 2 Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. 3 Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày ; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.

4 “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết : Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. 5 Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai : hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết : anh em hãy sợ Đấng ấy. 6 Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không ? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. 7 Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.”

Suy niệm:

Đạo đức giả là chính lòng không ngay thẳng, không thiện tâm, thường có ác ý hoặc ý đồ xấu. Có tà tâm.

Đạo đức giả là sự giả dối bề ngoài để phô trương những lời nói, hành động tốt của mình nhằm mưu lợi riêng hay là đối xử tốt với người khác nhưng thực tâm lại đi hãm hại họ. Gọi là đạo đức giả vì đây là những hành vi không tốt của bọn người “khẩu phật tâm xà”.

Con người đạo đức giả nhận ra họ một cách dễ dàng sau một thời gian ngắn, vì những lời nói hay việc làm của họ luôn luôn làm thiệt hại người khác hoặc làm cho người khác bị hiểu lầm, bị vu oan, bị tẩy chay, bị loại trừ…

Đạo đức giả xuất hiện từ ngàn xưa, từ khi con người biết gian dối, từ khi con người biết phân chia giai cấp, quyền lực. Đạo đức giả luôn sống trong sĩ diện, trong thành tích.

Thời Chúa Giêsu, bọn giả hình đã bị Chúa lên án nhiều lần: “Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen” (Mt 6, 2); “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy” (Mt 6, 5); “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay” (Mt 6, 16); Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7, 5).

Những người đạo đức giả thì mang trong lòng một tà tâm. Tà tâm ấy được thể ngay trong những việc bác ái khi bố thí; tà tâm ấy thể hiện ngay cả khi tịnh lòng cầu nguyện; tà tâm ấy thể hiện ngay trong những hy sinh hãm mình của họ; tà tâm ấy thể hiện lòng ghen ghét đố kỵ đạo đức của họ đối với anh em.

Đạo đức giả tồn tại nơi mỗi con người như tồn tại âm dương vậy. Nếu để cho thiện tâm triển nở thì đạo đức tỏa sáng như ánh hừng đông, được nhiều người yêu mến, được Chúa Trời thưởng công, có đời sống hiền lành và khiêm nhường; ngược lại, nếu để cho tà tâm lấn chiếm lòng mình thì đạo đức trở nên lu mờ, những việc dã tâm, việc làm ác ngày thêm ác, lừa dối anh em, bạn bè, phản bội gia đình, người thân, quê hương đất nước… tư lợi riêng mình, làm hại đất nước… hơn thế nữa các thế lực chính trị tàn sát lẫn nhau, âm mưu triệt hạ, tranh giành quyền lực, danh vọng, cái ác lộng hành, đau thương tang tóc, việc làm bất nhân bất đức.

Những con người đạo đức giả họ sẽ chẳng nhận ra mình vì cái xà tà tâm đã che mất tầm nhìn. “Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!” (Mt 6, 23)

Sự đạo đức giả ngày hôm nay cũng còn vô số những người mang danh con Đức Chúa Trời, sống trong đạo, nhưng có một đời sống đạo đức giả. Họ đến nhà thờ dự lễ mỗi ngày, mỗi tuần, họ giữ những luật buộc của Giáo Hội, những giới răn của Thiên Chúa, như luật định của xã hội, mà tất cả các luật kia chỉ tóm gọn vào hai giới răn trọng nhất: Đó là MẾN CHÚA và YÊU NGƯỜI.

Nhìn vào đời sống của họ, chúng ta cũng dễ nhận ra một đạo đức giả nơi họ, đó là chính cuộc sống phản ánh của họ: Họ long đong đi tìm niềm tin nơi này nơi khác, họ nói chỗ này linh thiêng hơn chỗ kia, trong khi đó họ có biết rằng: tất cả mọi HỒNG ÂN đều do một Thiên Chúa ban cho mà thôi, như Chúa Giêsu đã nói vơi người phụ nữ Samria: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này hay tại Giêrusalem” (Ga 4, 21). Những người có đời sống đạo đức giả khi gặp gian nan thử thách họ luôn ra thất vọng. Vậy lòng mến Chúa của họ ở đâu? Đó là thực thi điều răn thứ nhất.

Còn điều răn thứ hai thì sao?

Họ mỗi ngày tham dự thánh lễ Misa, rước lễ, đọc kinh hằng ngày sáng tối, nói những lời ca tụng Thiên Chúa, nhưng lòng họ thì đố kỵ với người hàng xóm, ghen ghét với anh em trong cùng một gia đình, khinh chê người này, ghét bỏ người kia. Nếu ai đó nhận ơn của họ mà vô tình không cảm ơn, ngay lập tức họ sẽ lên án. Những người đạo đức giả luôn sống hơn thua với anh em, xóm giềng, họ hão huyền với những thành tích đã làm, coi rẻ những người không bằng mình, luôn chấp nhất, cho vay ăn lời quá đáng, họ đã ghét ai thì phải tiêu diệt cho bằng được, nếu không tiêu diệt được thì lòng bất an, thù hận suốt đời. Họ chỉ YÊU NGƯỜI một cách giả tạo!

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra con là con của Chúa, con nhận ra mọi người là anh em của con, và con luôn học nơi Chúa. Vì Chúa đã dạy: “Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Amen./.

Gã Đầu Bạc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *