Câu chuyện đầu năm

Đây là câu chuyện ở nhà thờ xứ tôi ngày đầu năm:

Một phụ nữ lớn tuổi ngồi trên xe lăn đã được ai đó đẩy vào nhà thờ sau hàng ghế cuối cùng. Là ngày Tết, tiết trời khá lạnh, lại là ngày Mùng Hai, ngày cầu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Có lẽ đó chính là lý do bà có mặt ở nhà thờ.

Bà ngồi một mình lọt thỏm trong chiếc xe lăn vì bà quá gầy còm, nhưng điều đáng chú ý là ngày Tết mà bà mặc rất xuềnh xoàng, tiết trời lạnh mà bà chỉ có cái áo ấm mầu rêu bạc phếch, con cháu chẳng thấy một ai.

Suốt buổi lễ bà ngồi lặng lẽ, thều thào vài câu kinh, thỉnh thoảng đưa tay chùi mắt, không biết để lau ghèn hay chùi vội dòng nước mắt. Tới giờ rước lễ, bà loay hoay như muốn lên rước lễ, một cô gái trẻ trang phục cũng “nghèo” và lạnh lẽo như cụ: váy ngắn, sát nách, màu đỏ định đẩy bà; nhưng rồi có lẽ … ngại nên cô tiến lên ghế trên gần đó, nói vào tai một phụ nữ khác.

Người phụ nữ mau mắn quay lại, nhìn thấy bà, chị lặng lẽ ôm chặt hai bờ vai bà, rồi hai bàn tay vừa nắm vừa xoa bàn tay cho bà đỡ lạnh, thoáng chút giật mình, chị vội cởi áo khoác ngoài choàng lên vai bà; rồi nhẹ nhàng thong thả đẩy xe cho bà lên rước lễ.

Sau lễ, chị đẩy bà ra thang máy rồi đưa bà ra cổng. Trong lúc chờ cô gái váy đỏ, nhiều người tiến đến chúc thọ bà và hỏi thăm: – Mẹ đấy à? Nhìn ánh mắt của bà, không ngần ngại, chị trả lời nhẹ:

– Dạ!.

Sáng thứ Tư lễ tro, nhiều người trong nhà thờ thấy chị luôn đón “mẹ” từ ngoài cổng, để đẩy lên nhà thờ, đẩy lên rước lễ rồi lại đưa xuống cổng.

Sáng thứ bảy, có người hỏi chị: ngày mai, Chúa Nhật tới có đưa mẹ đi lễ không? Chị trả lời ngập ngừng:

– Dạ… có.

Ngập ngừng là vì chị không biết con gái bà có chịu đưa bà tới cổng dùm chị không. Bởi vì bao ngày tháng qua từ ngày bị cắt chân vì di chứng tiểu đường bà không được đi lễ. Chỉ đến hôm Mồng Hai Tết vừa rồi bà nài nỉ quá, cô mới chịu đưa bà đi.

Và cũng vì chị thiết tha xin cô gái đưa bà đến nhà thờ nhiều hơn với lời hứa: đón và đưa bà tận cổng, chịu trách nhiệm đẩy bà lên rước lễ, chứ cô gái thì:

– Em ngại lắm, em như thế này mà mẹ thì…

Khi chị trả lời có đưa bà đi lễ, người ấy nói nhỏ:

– Nhớ thay quần áo cho mẹ tươm tất một chút. Chị vâng nhẹ, vì chị nào được thay quần áo cho bà, ngay cả nhà bà ở đâu cô gái kia cũng dấu biệt.

Sáng Chúa Nhật, người ta thấy chị đón bà từ cổng, đẩy vào nhà vệ sinh, lau lọt cho bà thơm tho, thay bộ quần áo sạch, đẹp rồi mới lên nhà thờ. Chị biết không phải nhà bà nghèo mà vì như lời cô gái: – Em bận lắm, giờ đâu mà thay quần với áo, cứ nhìn đồng hồ thấy đến giờ là vội vàng đẩy bà đi thôi.

Nhà bà không nghèo, nhưng chị vẫn chăm sóc cho bà vì bà “lỡ là Mẹ của chị” từ hôm tết rồi.

Ước mong bà cứ được đến nhà thờ mỗi sáng Chúa Nhật để không phải riêng chị mà nhiều người được chăm sóc bà, nhà thờ mấy hôm nay ấm hơn và cũng ý nghĩa hơn khi đang cùng nhau bước vào Mùa Chay thánh. Bởi vì mọi người biết bà không phải là “mẹ” của riêng chị. Bây giờ bà là thành viên của đại gia đình giáo xứ rồi.

theresa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *