Bài ca ngợi khen bất hủ (31.05 – Lễ Kính Đức Ma-ri-a thăm viếng Bà Ê-li-sa-bét)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

31.05: Lễ Kính Đức Mẹ Đi Thăm Viếng

Lời Chúa: Xp 3,14-18a (Rm 12,9-16b), Lc 1,39-56


✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 1,39-56)

39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. 41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần. 42 Bà Ê-li-sa-bét kêu lớn tiếng và nói rằng : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? 44 Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói :

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
49Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn !
50Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
55như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.”

56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

Bài ca ngợi khen bất hủ (31.05.2023)

“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Danh Ngài thật chí thánh chí tôn.” (Lc 1,49)

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Đức Ma-ri-a thăm viếng Bà Ê-li-sa-bét, chúng ta liền nhớ ngay đến bài ngợi ca khen Thiên Chúa của Đức Mẹ (Magnificat) nổi tiếng, khi Mẹ đến thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét. Làm sao không ngợi khen Thiên Chúa trước những điều kỳ diệu Ngài thực hiện cho Mẹ? Không lạ gì bà Ê-li-sa-bét phải reo lên:  “Bởi đâu  tôi  được phúc này là Thân mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy?”.

Huynh Đoàn Đa Minh chúng ta có truyền thống tốt đẹp là việc : “Thăm viếng bác ái huynh đệ”, hằng năm Cha Đặc Trách Huynh Đoàn Đa Minh Việt Nam, và các vị trong Ban Phục Vụ Tỉnh Dòng Đa Minh , có xếp lịch đi thăm viếng các Liên Huynh ở mọi vùng miền từ Bắc vô Nam. Rồi từng chi nhánh các Huynh Đoàn nhỏ, anh chị em luôn quan tâm sống tinh thần hiệp hành theo đường lối của Giáo Hội, đặc biệt để ý đến những thành viên đau bệnh, già yếu, cô thân cô thế…, để cùng nhau tới thăm viếng, giúp đỡ, sẻ chia cả tinh thần và vật chất cho những hoàn cảnh đó. Noi gương Mẹ Maria sống tình bác ái với anh chị em mình.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con biết theo mẫu gương sống tốt lành của Đức Mẹ, là biết luôn mở rộng tâm hồn để đón Chúa và sống bác ái với tha nhân. Amen.

BCT

Vấn an (31.05.2022)

Vấn an (問安); nghĩa là:

Đến thăm hỏi người trên xem có được bình yên, mạnh giỏi không.

Chữ Vấn (問) gồm bộ Khẩu (口– cái miệng) nằm giữa bộ Môn (門 – cái cửa). Môn (門) ở đây không phải là cánh cửa theo nghĩa đen, mà đó là cánh cửa đạo nghĩa (đạo nghĩa chi môn), là cái then chốt đạo nghĩa. Lão Tử đã nâng tầm thăm hỏi thành cái “chúng diệu chi môn” đấy thôi !

Thế mới rõ, sự thăm hỏi chính là cái then chốt mọi điều mầu nhiệm (chúng diệu chi môn)

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Mẹ mau mắn, vội vã lên đường, đến một miền núi, vào nhà của chị họ mình là Ê-li-sa-bét để vấn an bà, vì Mẹ vừa được sứ thần Gáp-ri-en cho hay bà chị họ của Mẹ đã mang thai được sáu tháng. Chính sự viếng thăm, hỏi han của Mẹ Ma-ri-a là “cái then chốt mọi điều mầu nhiệm” đã xảy ra. Thai nhi Gio-an Tiền hô đã nhảy mừng trong dạ của mẹ mình.

Chính sự vấn an bà Ê-li-sa-bét làm cho cả hai người phụ nữ đều vui thỏa và tràn đầy Thánh thần Chúa. Riêng Mẹ Ma-ri-a thì hết sức hớn hở vui mừng vì biết rằng Mẹ đã được Thiên Chúa đoái thương và chúc phúc nhiều hơn tất cả mọi phụ nữ, trước Mẹ và sau Mẹ cũng không có một ai !

“Cái then chốt mọi điều mầu nhiệm” hơn cả; đó chính là Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả: Cho Mẹ được cưu mang Thánh Tử Giê-su; cho Mẹ được ơn vô nhiễm tội truyền; cho Mẹ được ơn trinh nguyên cả đời; cho Mẹ được đồng công Cứu chuộc nhân loại… Nhờ đó, mà con cái Mẹ là chúng con cũng được hưởng nhờ Ơn Cứu chuộc, được Mẹ phù hộ, chở che, chăm sóc trên hành trình đức tin còn nhiều khó khăn, thử thách và không thiếu những cám dỗ.

Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ chính là Mẹ Hội thánh, Mẹ là cửa Thiên đàng… Xin Mẹ dẫn đưa mỗi người chúng con là con cái của Mẹ vượt qua hiểm nguy biển đời đến bến bình an. Amen.

CÁT BIỂN

 

Thực thi ý Chúa là hành động truyền giáo (31.05.2021)

Đỉnh điểm của yêu thương là hiện diện. Đỉnh điểm của truyền giáo là việc làm của chính mình theo thánh ý Thiên Chúa.

Trong dụ ngôn người Samaria (Lc 10, 29-37) trên đường đi gặp người hoạn nạn đã ra tay cứu giúp, chữa trị và sẵn sàng chi tiền của để cứu giúp người gặp nạn. Ông đã đem Chúa đến cho tha nhân.

Trong lần Chúa Giêsu chữa lành cho người bị bại liệt (Lc 2, 1-12), một số người đã tình nguyện sẵn sàng khiêng người bại liệt đến gặp Chúa Giêsu, và còn tháo gỡ mái nhà để thả họ xuống vì đám đông đã vây kín ngôi nhà Chúa đang ở trong đó. Họ đã đem Chúa đến cho tha nhân.

Thánh Nữ Têresa Hài Đồng Giêsu đã luôn cầu nguyện cho giáo hội, cho hàng giáo phẩm, cho mọi người và cho các linh hồn. Mỗi mũi kim khâu, mỗi lần quét nhà… Thánh Nữ Têresa đều làm vì Chúa và cầu cho các linh hồn. Thánh Nữ đem Chúa đến cho tha nhân qua việc cầu nguyện.

Bắt đầu thời Tân Ước, khi Đức Mẹ Maria nhận lời sứ thần Truyền Tin thì ngay lập tức Đức Mẹ vội vã lên đường (Lc 1, 39-56) đem Chúa đến cho chị họ là Isave và ở lại phục vụ cho chị. Đức Mẹ Maria là người đầu tiên thực hiện việc làm truyền giáo. Đức Mẹ đã đem Chúa đến cho bà Isave và thánh Gioan.

Truyền giáo là việc làm thể hiện đời sống đức tin và lòng yêu thương tha nhân của chính mình để đem Chúa đến cho mọi người. Đi truyền giáo là đi cùng với Chúa đến nơi Chúa đã chuẩn bị rồi.

Trong suốt cuộc đời của Mẹ là một cuộc đời truyền giáo. Lúc vội vã lúc lặng thầm, lúc quan tâm lúc nhẹ nhàng, như lần đầu tiên Mẹ vội vã lên đường đến với chị họ, lần đầu tiên theo Chúa Giêsu đi giảng dạy tại tiệc cưới Cana, Đức Mẹ đã nhẹ nhàng nói với những người giúp việc, Người nói gì các anh cứ làm theo (Ga 2, 5). Khi Chúa Giêsu vác thập giá lên núi Sọ thì Đức Mẹ từng bước thầm dõi theo, Mẹ đi để đồng hành với Chúa. Mẹ luôn đi theo Chúa suốt cả cuộc đời của Mẹ mà không có một điều kiện gì hoặc chán nản trên đường đi.

Mỗi người cũng nên học như Mẹ nói lời xin vâng, xin vâng chấp nhận mọi khổ đau để truyền giáo, làm theo Mẹ sống đời Tận Hiến cho Chúa để Chúa ngự vào lòng rồi vội vã mang Chúa đến cho mọi người. Hãy đi làm bạn với những ai chưa biết Chúa, những ai còn đang khó nghèo, vất vả, đau yếu cần giúp đỡ, hãy làm bạn với họ rồi đem họ về với Chúa, đồng hành với họ và là bạn của họ trong cuộc sống từng ngày. Nhưng thế giới hôm nay có quá nhiều tiện nghi vật chất đã làm cho lương tâm bị lu mờ, họ cứ ngỡ vật chất mới là cứu cánh, mới là chia sẻ, nên mọi người vội vã đi tìm vật chất mà bỏ quên không đi tìm Thiên Chúa. Họ xem Thiên Chúa như một cái gì rất xa lạ, để rồi họ cũng

Trong cơn đại dịch, để loan báo Tin Mừng thì hãy âm thầm đồng hành với anh em, đồng hành với giáo hội bằng lời kinh cầu hằng ngày, liên lỉ không thôi, xin Chúa chúc lành cho nhân loại hôm nay.

Cầu nguyện

Lạy Mẹ Maria, xin cho con luôn theo Mẹ sống hoàn toàn lệ thuộc về Chúa, cậy trông và phó thác vào Chúa, để con có Chúa trong lòng và vội vã đến với anh em trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi và phục vụ hết mình trong Chúa Giêsu Kitô. Xin cho con luôn biết tìm kiếm Chúa và đi đến với những nơi Chúa đã dọn sẵn đang chờ con đến. Amen./.

Hư Vô

Niềm vui với Mẹ… (31.05.2019)

Thế giới hôm nay có nhiều thứ làm cho con người ta vui sướng, thỏa mãn. Con người ta tin tưởng rằng càng có nhiều tiền bạc thì càng có được nhiều thứ; càng có được nhiều thứ thì càng có nhiều vui sướng, và nhiều hạnh phúc. Thế nhưng thật sự thì không phải như vậy. Bởi lẽ, lắm khi hưởng thụ được nhiều thứ từ những sinh hoạt thường ngày thì cũng có được niềm vui và hạnh phúc. Nhưng sau đó lại rơi vào sự buồn chán triền miên vì không tìm được ý nghĩa đời sống của mình.

Thế giới hôm qua đã được Tin Mừng Lu-ca thuật lại:

Mẹ Ma-ri-a nghe tin bà Ê-li-sa-bét có thai, Mẹ liền vội vã đi thăm để chia sẻ niềm vui; vì cả hai được mang thai một cách lạ lùng và tiện thể giúp đỡ bà chị họ đã trọng tuổi luôn.

Mẹ Ma-ri-a chính là khí cụ mà Thiên Chúa đã dùng để ban phúc lành cho nhân loại.

Nhận biết hài nhi Giê-su đang trong cung lòng Mẹ Ma-ri-a, bà Ê-li-sa-bét cất tiếng ca khen Mẹ và Người Con trong cung lòng Mẹ, rồi bà tỏ ra vui mừng khi được Mẹ Chúa đến viếng thăm gia đình mình.

Bà Ê-li-sa-bét đã hết lời ngợi khen Mẹ Ma-ri-a: Mẹ thật diễm phúc, vì Mẹ tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã hứa với Mẹ (x. Lc 1,45).

Liền lúc đó, Mẹ Maria cũng cất tiếng ngợi khen Chúa đã làm cho Mẹ những điều cao cả. Ca khen danh Người thật chí thánh, chí tôn (x. Lc 1,49).

Thánh Phê-rô Kim Ngôn đã nói: “Mẹ Thiên Chúa đã khám phá ra ân sủng, để cung cấp ơn cứu độ cho nhân loại. Mẹ phát sinh ơn sủng. Đó là một ân sủng dư dật để độ phúc cho mỗi người chúng ta, để tuôn đổ dạt dào sóng dư ân sủng đó xuống mọi thụ tạo”.

Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ được tặng ban cho thế giới dịch chuyển tình thương; để nhờ qua Mẹ mà các ân sủng được liên tiếp trao ban từ Thiên Chúa xuống cho nhân loại. Xin giúp con luôn vững tin như Mẹ, biết nhìn qua bên kia những khả năng và giới hạn của những biến cố hoàn toàn nhân loại, để vui vẻ đón nhận những đau khổ, khó khăn trong đời con và xin giúp con tìm thấy ý nghĩa của nó trong tình yêu Thiên Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

Chăm nom, phục vụ và ngợi khen (31.05.2018)

1. Ghi nhớ:

Bởi đâu tôi được thế này, là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi!”(Lc 1,43)

2. Suy niệm:

Vào một buổi chiều hôm đó trong nhà thờ, đầy nghẹt những người cùi hủi. Đức cha Maigret đứng bên bàn thờ quay xuống hỏi họ:

Các con thân mến, các con hằng mong ước có một linh mục đến ở cùng và phục vụ các con. Thì đây tôi xin giới thiệu; cha Đamien(Joseph Damien de Veuster 1840-1889 người Bỉ) Ngài đã đến và sẽ ở lại để chăm sóc, phục vụ và chia sẻ với các con từ nay cho đến chết. Các con có vui mừng không?. Cả nhà thờ xôn xao, thì thầm to nhỏ. Cha Đamien đứng bên cạnh Đức giám mục mà chẳng hiểu tí gì! Rồi họ từ từ tiến lên cung thánh, họ đến bên cha, sờ vào mặt, vào tay và vào áo cha…Cha hỏi Đức giám mục: Họ làm gì vây?.Đức cha giả thích: Họ nói họ không thể tưởng tượng được một người từ nơi phương xa, chẳng có bà con huyết thống gì với họ, còn trẻ và lại đẹp trai nữa, không bệnh tật gì mà tự nguyện đến phục vụ họ trên mảnh đất khốn cùng này. Họ không tin vào mắt mình nên họ mới xúm lại sờ mó vào người cha xem thử cha có thực sự bị bệnh phong cùi như họ không? Rồi họ nói với nhau rằng: “ Không, cha không bệnh tật gì và cha đẹp trai quá!”.

Vào năm 1873, cha Đamien đã tự tình nguyện ra đảo Molokai, nơi mà chính quyền  Hawai thời đó “thu gom” những người  bất hạnh bị bệnh cùi hủi ra sống ở đảo nhằm cách ly, tránh sự lây lan cho xã hội. Vì thế họ bị bỏ mặc, sống lạc loài và cô đơn trên đảo, không nhận được bất cứ một sự chăm sóc nào về thể xác cũng như tâm linh!

Cha Đamien đã đến và biến đổi một trại cùi hiu quạnh bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài thành một trung tâm sinh hoạt yên vui như một gia đình lớn.

Và rồi sau mười sáu năm tận tình phục vụ những anh chị em cùi, cha đã bị lây bệnh và qua đời vào năm 1889. Vì thế cha được mệnh danh là “Tông Đồ người cùi”.

(Ngài được phong chân phước  ngày 04/06/1995 và được phong hiển thánh ngày 11/10/2009).

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ đi thăm viếng gia đình bà Elisabet. Chúng ta thấy theo tường thuật của Phúc Âm, thì ngay sau khi nói lời “xin vâng”đê chương trình cứu thế của Thiên Chúa được bắt đâu thực hiện thì Đức Mẹ đã “ vội vã” lên đường đên thăm gia đình người chị họ. Đây không phải là một cuộc thắm viếng bình thường, mà là chuyến đi mang niềm vui của ơn cứu độ đến cho tha nhân. Niềm vui này thật quan trọng và lớn lao đến nỗi bà chủ nhà Elisabet, khi thấy Đức Maria đến đã phải thốt lên rằng: “ Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến thăm viếng tôi”. Và Gioan tuy chỉ là một thai nhi cũng đã vui mừng mà nhảy lên trong dạ mẹ. Như vậy chúng ta thấy, khi nhận được niềm vui của Tin Mừng cứu độ, Mẹ đã không giữ lại cho riêng mình mà đã vội vã lên đường đi chia sẻ niềm vui ấy cho mọi người.

Với tư cách là Mẹ Đấng Cứu Thế, thì lẽ ra người phải đến chăm nom, phục vụ và ngợi khen Đức Mẹ phải là bà Elisabet. Nhưng vì lòng khiêm nhường, Đức Mẹ đã không quản ngại đường xá xa xôi vất vả, và không phải là không có những mối nguy hiểm trên đường! Nhưng Mẹ vẫn đến để thăm viếng phục người chị em này.

Noi gương Đức Mẹ, chúng ta là những người được mệnh danh là “người có Chúa” tức những Ki-tô hữu thì cũng phải có bổn phận đem Chúa đến giới thiệu cho tha nhân. Nhưng trước hết hãy học nơi Mẹ  nhân đức khiêm nhường và yêu thương. Bởi chỉ có thực sự khiêm tốn và yêu thương chân thành chúng ta mới có thể đem Tin Mừng cứu độ cho tha nhân được.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta biết thể hiện những hành động yêu thương quí mến mọi người mà chúng ta gặp gỡ, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Chúng ta có thể trao cho họ những nụ cười tươi thắm, những lời nói nhỏ nhẹ chân thành, những ánh mắt thiện cảm nhân từ… Như thế là chúng ta đã mang niềm vui, an bình đến cho mọi người, và nhất là chúng ta đã thể hiện được là người có Chúa Ky-tô đang ngự  trị nơi tâm hồn của chúng ta.

3. Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, còn biết bao người chưa nhận biết Chúa. Xin ban Thánh Thần thức tỉnh tâm hồn họ để nhờ đó họ nhận ra chỉ có Chúa là Đấng Cứu Độ trần gian mà họ phải tôn thở, kính mến đẻ cuộc sống dương gian này mang lại ý nghĩa  thực sự cho họ và cũng xin ban cho mỗi người chúng con luôn biết bổn phận mình là Ky-tô hữu thì phải đem Chúa đến cho mọi người và đem mọi người về cho Chúa, bằng đời sống yêu thương, bác ái, hy sinh và phục vụ của mình. Amen.

4. Sống Lời Chúa:

Mỗi ngày cố gắng hy sinh làm việc thiện, có ý cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo.


Đaminh Trần văn Chính.

Yêu mến và phục vụ tha nhân (31.05.2017)

Khi truyền tin cho Trinh Nữ Maria, để thuyết phục lòng tin tưởng của Người, Thiên thần đã tiết lộ một dấu hiệu, Thiên thần nói với Người về việc làm mẹ của một phụ nữ lớn tuổi mà son sẻ, để chứng tỏ là Thiên Chúa có thể làm được tất cả những gì Ngài muốn. Khi nghe thấy thế, Đức Maria ra đi lên đường về miền đồi núi. Người không hồ nghi lời nói của Thiên thần, mà còn cảm thấy vững tâm về sứ điệp và dấu hiệu này. Người ra đi hằng hái theo chủ đích, trách nhiệm của lương tâm, và mau mắn vì vui mừng.

 

Sau khi đón nhận truyền tin

Chịu thai Thánh Tử , Mẹ xin nhận lời

Tâm hồn phấn khởi vui tươi

Lên đường thăm viếng một người chị thân

*

Giu-đê-a cũng chẳng gần

Cất công Mẹ tới, ân cần viếng thăm

Dù cho cách trở xa xăm

Mong được thể hiện từ tâm lòng thành

*

Lời chào thăm hỏi chúc lành

Chị em vui vẻ đạt thành ước mong

Hài nhi mừng nhảy trong lòng

Niềm vui tỏa rộng ấm nồng thương yêu

 

Trong cuộc thăm viếng tại làng Ain Karim ngày ấy, Đức Maria cũng đem lại cho gia đình bà Êlisabét món quà vô giá là Đức Kitô. Bà Êlisabét là người đầu tiên nghe tiếng Đức Maria; còn thai nhi Gioan là người đầu tiên cảm nhận được Đức Kitô. Bà nghe bằng đôi tai của thân xác; thai nhi con bà lại nhảy trong bụng mẹ vì vui mừng nhận ra ân sủng cao quý. Bà nhận ra sự hiện diện của Đức Maria; còn vị Tiền Hô nhận thức được sự hiện diện của Chúa mình.

 

Êlisabét vui nhiều

Nói lời cảm tạ, bao điều ca khen

Thiên Chúa chúc phúc cho Em

Giữa bao người nữ càng thêm sáng ngời

*

Mẹ Maria cũng nguyện lời

Linh hồn tôi tới muôn đời ca vang

Trí lòng vời vợi hỷ hoan

Tâm tư tình cảm vô vàn kính tôn

*

Chúa là Đấng Thánh ban ơn

Lòng thương xót mãi còn hơn bội phần

Yêu thương cứu độ nhân trần

Ủi an nâng đỡ ân cần đoái thương

 

Sự kiện Đức Maria lên đường cho thấy Đức Mẹ hiểu được rằng sứ điệp truyền tin còn loan báo tình trạng người chị họ đang mang thai và Đức Maria nhận ra điều này như sứ mạng của mình: viếng thăm, phục vụ và đồng hành với người chị họ, thể hiện Thiên Chúa gần gũi dân Ngài. Chúng ta học được ở đây một tiêu chuẩn khác về tính đích thực của ơn gọi của chúng ta là: nhạy cảm với nhu cầu của tha nhân, yêu mến và phục vụ tha nhân.

 

Những ai từ tốn khiêm nhường

Ngài luôn che chở chỉ đường vinh thăng

Với ai lòng trí kiêu căng

Ngài hạ xuống thấp chẳng bằng hơn ai

*

Tình thương của Chúa mãi hoài

Trước sau vẫn vậy, nối dài thiên thu

Với ai lòng dạ khiêm nhu

Ngài luôn gần gũi tựa như bạn hiền

*

Tình thương của Chúa vô biên

Xót thương tất cả triền miên suốt đời

Dâng lên Thiên Chúa bao lời

Ngợi khen chúc tụng mọi thời kính tin

 

Lạy Mẹ Maria, Mẹ vội vã lên đường đi thăm viếng bà Êlisabét do lòng nhiệt thành yêu mến Chúa và người chị họ. Xin cho chúng con biết phấn khởi vui mừng khi đem Chúa đến cho người khác; nhiệt thành loan báo Tin Mừng không chút chần chừ và tích cực trợ giúp nhau trong cuộc sống mà không chút tính toán thiệt hơn. Amen. 

HOÀI THANH

 

Thăm viếng (31.05.2016)

Mẹ Ma-ri-a và bà Ê-li-sa-bét. Cả hai người được Thiên Chúa mời gọi “nhận vai”  loan báo Tin Mừng Cứu Độ một cách hết sức tuyệt vời và hoàn hảo.

Mẹ Maria vừa mới nói lời Xin Vâng với Sứ thần Gáp-ri-en, vừa ưng nhận cưu mang Đấng Cứu Thế do bởi phép Chúa Thánh Thần; thì Mẹ đã không quản đường sá xa xôi, vội vã lên đường để đến thăm bà chị họ của mình là Ê-li-sa-bét, cũng vừa mang thai được sáu tháng trong khi tuổi đã già.

Hai trường hợp mang thai hết sức diệu kỳ, để nhân loại tin nhận quyền năng của Thiên Chúa, không gì không thể làm được (x. Lc 1, 26-38).

Mẹ Maria, nhận mình là nữ tỳ của Thiên Chúa. Một nữ tỳ rất khiêm hạ, hết sức đẹp lòng Thiên Chúa. Mẹ không chỉ đến để phục vụ người chị họ của mình; mà Mẹ còn đem theo niềm vui cho cả nhân loại, mà Gioan Tẩy Giả đang ở trong lòng bà Ê-li-sa-bét là đại diện.

Mẹ đã cưu mang Đấng Cứu Độ; cưu mang Đấng ban sự bình an cho nhân loại. Cho nên việc Mẹ viếng thăm bà Ê-li-sa-bét, có thể nói được là Mẹ đã đem sự bình an không chỉ cho riêng gia đình bà Ê-li-sa-bét, mà còn đem sự bình an đến cho toàn thể nhân loại.

Bình an mà Mẹ đem tới cũng chính là lời “Ngợi Khen” (Magnificat) của Mẹ và cũng là sự hoàn tất niềm hy vọng trông đợi Đấng Cứu Thế của Ít-ra-en.

Lời “Ngợi Khen” của Mẹ quả thực tuyệt vời.

Lời “Ngợi Khen” của Mẹ là dấu chỉ tình thương và ân huệ của Thiên Chúa dành cho con người.

Lời “Ngợi Khen” của Mẹ vừa là lời cầu nguyện vừa là một lời cầu chúc cho nhân loại.

Vâng, chính nhờ Mẹ Maria, mà người được tuyển chọn để dọn đường cho Chúa là Gioan Tẩy Giả đang ngự trong cung lòng của bà Ê-li-sa-bét đã “ nhảy lên” vui mừng vì gặp được Đức Kitô. Phải chăng đây cũng là dấu chỉ của bình an và niềm vui cứu độ ?

Lời đáp trả của bà Ê-li-sa-bét cũng là một lời cầu chúc. Bà tạ ơn Thiên Chúa vì những việc lạ lùng Người đã làm cho Mẹ Maria – một Evà mới – Là Đấng đem lại cho nhân loại Đấng Cứu Thế – Đức Ki-tô (x. Lc 1,41-45).

Thăm Viếng là ra đi, là ra khỏi chính mình để đến với người khác.

Thăm Viếng là một phương thế hết sức đời thường, hết sức đơn giản; nhưng hiệu quả hết sức hữu hiệu và diệu kỳ, mà ai ai cũng có thể làm được với thiện tâm.

Là một phần tử của gia đình Đa-Minh, tại sao lâu nay tôi không học theo cách thế này của Đức Mẹ?

Loan báo Tin Mừng Cứu Độ chính là thăm viếng, gặp gỡ tha nhân;

Loan báo Tin Mừng Cứu Độ chính là lúc tôi biết quan tâm, chia sẻ, và giúp đỡ anh chị em chung quanh mình;

Loan báo Tin Mừng Cứu Độ chính là sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống cho mọi người chung quanh mình.

Loan báo Tin Mừng Cứu Độ chính là vượt thắng sự ích kỷ của bản thân của mình, để vượt qua mọi trở ngại, mọi thử thách; để đến với mọi người; để biết cảm thông, để biết hy sinh phục vụ tha nhân vì đức Ái.

Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ đã mau mắn ra khỏi nhà, ra khỏi chính mình, đã quảng đại đi đến và ở lại phục vụ bà chị họ Ê-li-sa-bét, để cùng với bà chị họ, ca ngợi, tạ ơn hồng ân tuyệt vời Thiên Chúa đã làm cho Mẹ, cũng như cho bà chị họ. xin cho tất cả chúng con biết nhận ra Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa: chung một niềm tin, chung tâm tình tạ ơn và tri ân Thiên Chúa. Amen. 

CÁT BIỂN

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *