Sống khiêm tốn và phục vụ (25.08.2023 – Thứ Bảy Tuần XX Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Ed 43,1-7a (năm chẵn), R 2,1-3.8-11 ; 4,13-17 (Năm Lẻ), Mt 23,1-12

Bài đọc 1 (năm chẵn): Ed 43,1-7a

Bài trích sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en.

Thiên sứ đưa tôi đi tới cổng, cổng quay về phía đông,  và này, vinh quang của Thiên Chúa Ít-ra-en từ phía đông tiến vào. Bấy giờ có tiếng như tiếng nước lũ và đất rạng ngời vinh quang Đức Chúa.  Thị kiến này giống như thị kiến tôi đã thấy khi Người đến để huỷ diệt thành, đồng thời cũng giống như thị kiến tôi đã thấy bên sông Cơ-va. Bấy giờ, tôi sấp mặt xuống đất.

Vinh quang Đức Chúa tiến vào Đền Thờ qua cổng quay về phía đông.  Thần khí đưa tôi lên và dẫn tôi vào sân trong, và này vinh quang Đức Chúa tràn ngập Đền Thờ.  Tôi nghe có Đấng phán với tôi từ Đền Thờ, trong khi người kia vẫn đứng bên tôi. a Đấng ấy phán với tôi : “Hỡi con người, đây là nơi Ta đặt ngai của Ta, đây là nơi Ta đặt chân của Ta. Ta sẽ ngự tại đây, giữa con cái Ít-ra-en, cho đến muôn đời.”

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 23,1-12)

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng : 2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7 thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được người ta gọi là thầy.

8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

Sống khiêm tốn và phục vụ (25.08.2023)

Ghi nhớ:

“Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23, 11).

Suy niệm:

Tâm lý thường tình thì là con người, ai cũng thích mình được làm lớn, được coi trọng, ngay từ thuở nhỏ các bậc cha mẹ thường gieo vào tiềm thức của con cái mình bằng những câu nói đại loại như: “ Các con phải cố gắng học hành để mai sau được làm bác sỹ, kỹ sư, ông nọ bà kia, để được giầu có và đi đâu cũng được người ta tôn trọng, quý mến”. Muốn cho được người khác tôn trọng đó là một mong muốn tốt: Khi mà chúng ta ý thức phải luôn hoàn thiện bản thân, phải trau dồi đạo đức cũng như kiến thức, rèn luyện loại bỏ thói hư tật xấu, ra sức làm việc để có  của nuôi sống chính bản thân mình, và sau nữa là những người mà mình có trách nhiệm và nếu có thể thì tiếp giúp người chung quanh.

Người Nhật có một câu thành ngữ: “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”. Thật vậy, bông lúa sẽ cúi mình khi nó gánh một chuỗi những hạt lúa nặng, no tròn. Còn ngược lại khi bông lúa lép hạt thì nó sẽ chổng chơ ngọn lên trời vì nó không phải đeo theo sức nặng của những hạt lúa. Cũng thế con người chỉ thực sự có giá trị khi biết khiêm tốn, biết đem lại niềm vui cho mọi người bằng việc biết tự hạ mình. Cúi đầu không phải là sống nhu nhược hèn kém. Mà trước hết là biết cúi đầu trước thiên nhiên hùng vĩ, trước Đấng sáng tạo càn khôn. Sau là biết cúi đầu trước công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ,  biết cúi đầu trước mọi ngừơi vì hiểu rằng mình tuy có tài giỏi bao nhiêu thì vẫn phải chịu ơn của mọi người cách này hay cách khác.

Bài Tin Mừng hôm nay hướng chúng ta đến một Vị Chủ thể cuối cùng đó chính là Thiên Chúa. Đấng là Thầy, là nhà Lãnh Đạo tối cao, bởi lẽ chính Ngài đã tạo dựng và điều khiển vũ trụ trời đất và muôn vật muôn loài. Vì vậy việc chúng ta tôn thờ, kính mến Ngài là lẽ đương nhiên. Là một việc làm phải đạo. Thiên Chúa yêu thích kẻ khiêm nhường và Ngài chống lại kẻ kiêu căng. Thật ra, chính mỗi người chúng ta cũng có tâm ý giống Thiên Chúa vì chúng ta cũng mang hình ảnh của Ngài. Chúng ta yêu quý, tôn trọng và thích giao du với những ai có tâm hồn khiêm hạ, hiền lành, thật thà, tất nhiên chúng ta không ưa thích những kẻ vênh váo “ta đây” huyênh hoang tự đắc, trong khi đó, có khi chính chúng ta nếu không để ý giữ mình, chúng ta có thể trở thành những người không khiêm tốn.

Một tấm gương vĩ đại để chúng ta noi theo: Đó là hãy nhìn lên Chúa Cứu Thế. Ngài là Chúa. Ngài là Vua trên các vua; thế mà Đức Giê-su còn tự khiêm hạ bằng cách  cúi xuống để rửa chân cho các môn đệ, thì chúng ta là gì mà lại có thái độ tự cao tự đại cho được? Một tấm gương khác gần gũi hơn với chúng ta đó chính là tấm gương của Đức Mẹ Maria. Mẹ tuy được vinh dự cao cả là Mẹ Thiên Chúa nhưng trọn một cuộc đời Mẹ luôn khiêm tốn xin vâng theo thánh ý Chúa, âm thầm đồng hành với Đức Giê-su, con Mẹ và ngày nay Mẹ vẫn lặng lẽ bảo vệ và chở che con cái loài người chúng ta.

Để tỏ lòng là người con thảo hiếu chúng ta sẽ cố gắng sống sao cho đẹp lòng Thiên Chúa bằng cách cố gắng sống tinh thần khiêm tốn và phục vụ mọi người nhất là những người nghèo khổ bất hạnh đang sống bên cạnh chúng ta. Luôn phải ý thức rằng mọi cái chúng ta có đều là do bàn tay Thiên Chúa ban cho mà thôi.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết thực thi những điều Chúa dạy, biết phục vụ mọi người trong tinh thần khiêm tốn. Amen.

Sống Lời Chúa:

Sống trong tâm tình yêu thương, khiêm tôn và phục vụ.

Đaminh Trần Văn Chính.

Tôn thờ Thiên Chúa và khiêm tốn phục vụ anh em (20.08.2022)

Ngày 20.08: Lễ Nhớ Thánh Bê-na-đô, viện phụ, tiến sĩ Hội Thánh

Ghi nhớ:

“Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không muốn động ngón tay vào ”. (Mt 23, 3-4).

 Suy niệm:

Thời đại nào cũng có những kẻ lợi dụng tôn giáo, họ đi tu, nhưng với động cơ vị kỷ, tuy rằng khoác trên mình bộ tu phục, song tâm địa lại chẳng có chút gì là tu trì cả. Thay vì sống phục vụ tha nhân, giúp người hoạn nạn, giúp người túng thiếu, thì họ làm ngược lại. Họ lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của tín đồ mà trục lợi, họ để người khác phục vụ mình, họ ăn ngon mặc đẹp, phạm giới luật! Chỉ tội nghiệp cho các tín đồ, vì quá tin tưởng, thiếu hiểu biết và mù quáng để cho họ lợi dụng! Bị mất tiền bạc, mất công sức, nhưng chẳng được lợi gì  cho bản thân mình!

Bối cảnh thời Đức Giê-su đi rao giảng Tin Mừng; thì trong xã hội người Do Thái lúc bấy giờ rất nhiễu nhương. Đất nước thì bị đô hộ bởi đế quốc La Mã, vì thế cho nên người dân mất tự do, bị khai thác. Trong lãnh vực tôn giáo lại có phần tệ hơn. Những kẻ lãnh đạo tôn giáo thì thay vì chăm sóc, an ủi, đồng hành, chia sẻ cùng đàn chiên, họ lại sống thiếu tinh thần của vị mục tử, họ ra sức bóc lột, họ nói một đàng làm một ngả: Họ sống giả dối, khi làm việc tốt thì chỉ cốt để cho mọi người xem thấy để đề cao và ca tụng mà thôi, họ thích được ngồi chỗ cao, muốn mọi người phải coi trọng; bằng chứng là họ rất thích mọi người gọi mình bằng từ: “ Ráp-bi” nghĩa là thầy. Đức Giê-su biết tâm địa những kẻ tha hoá đó, nên trong bài Phúc Âm hôm nay, Ngài cảnh tỉnh dân chúng để họ đừng để cho những kẻ lợi dụng tôn giáo trục lợi: Đồng thời Ngài dẫn dắt, hướng tâm hồn dân chúng lên với Thiên Chúa: “Anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô”, tiếp đến Đức Gê-su chỉ bảo cho dân chúng cũng như các môn đệ cách sống thực sự có ý nghĩa: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”.

Ở đây, về việc gọi ai đó là thầy hoặc là cha, Đức Giê-su không có ý cấm cản, nhưng chúng ta phải hiểu theo nghĩa bóng của từ ngữ, bởi Đức Giê-su không nhắm vào việc sử dụng ngôn ngữ, mà ý Ngài chỉ muốn đưa dân chúng cũng như các môn đệ và ngày nay là chúng ta lên tầm cao hơn. Đó là chúng ta chỉ có một Thầy chỉ đạo duy nhất là Đức Giê-su và cũng chỉ có một Người Cha duy nhất là Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên chúng ta mà thôi. Bởi vì thế cho nên, chúng ta phải thờ phượng, kính mến Thiên Chúa và thi hành những huấn lệnh mà Đức Giê-su đã chỉ bảo một cách triệt để. Ngoài ra, Đức Giê-su còn đề ra chúng ta thái độ sống tốt; đó là phải khiêm nhừng, đừng tự cao tự đại và cách sống đó sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Nghe và áp dụng lời Đức Giê-su vào trong cuộc sống, thì đời sống của chúng ta sẽ trở nên có ý nghĩa,  chúng ta không để cho tiền tài, danh vọng cũng như các dục vọng trần gian chi phối, điều khiển, mà chỉ để cho Đức Giê-su hướng dẫn cũng như luôn tôn kính, thờ phượng một Thiên Chúa, sống yêu thương và phục vụ mọi người trong tinh thần khiêm tốn, như thế là chúng ta đã sống đẹp lòng Đấng đã tạo dựng và gìn giữ chúng ta.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, chúng con có tính thường hay tự cao tự đại, sống ích kỷ. Xin giúp chúng con biết nhận ra thân phận mình nhỏ nhoi yếu đuối, và tất cả những gì chúng con có đều do Chúa ban, để mỗi ngày chúng con biết sống khiêm tốn mà phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh em. Amen

Sống Lời Chúa.

Thờ phượng Thiên Chúa và yêu thương, phục vụ anh em.

Đaminh Trần Văn Chính.

Khiêm tốn phục vụ (21.08.2021)

Mỗi Ki-tô hữu đều có một nét riêng biệt. Không ai giống ai hoàn toàn. Và ơn gọi của mỗi người đều có những sắc thái khác nhau, không ai giống ai, không ai như ai cả. Nhưng tựu trung, mỗi Ki-tô hữu đều có một mẫu số chung là được mời gọi trở nên trọn lành như Chúa Cha trên trời và khắc họa lại đời sống của Đức Giê-su Ki-tô càng giống chừng nào, càng tốt chừng nấy.

Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay cho thấy Chúa Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ của Người rằng: Người là lớn hơn cả, phải làm người phục vụ mọi người; Chúa còn quả quyết rằng: Ai hạ thấp bản thân mình xuống, thì sẽ được nâng tôn lên; và ngược lại (x. Mt. 23,11-12)

Qua đó, Chúa dạy mỗi người hãy chu toàn bổn phận, trách nhiệm mà mình được giao khi phục vụ, giúp đỡ, khuyên bảo, sửa dạy… người khác, hoặc làm việc tông đồ bác ái… nhất định phải làm đúng như những điều mình nói, một cách tận tụy, với thái độ khiêm tốn mà thi hành; chứ không như các kinh sư và người Biệt Phái nói một đàng làm một nẻo, thậm chí không buồn động ngón tay vào những công việc mà họ đề ra.

Chúa Giê-su muốn tất cả Ki-tô hữu từ giáo sĩ, tu sĩ, hoặc giáo dân hãy sống và phục vụ nhau một cách tận tụy, thật lòng khiêm hạ; lo lắng cho nhau không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, làm việc không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ; đừng lấy quyền chức mà thống trị nhưng hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau (x. 1Pr. 3,8; 5,1-6).

Lạy Chúa, xin cho con biết sống và phục vụ mọi người trong tình yêu Chúa và trong sự khiêm hạ. Amen.

Chớ như họ (25.08.2018)

Chớ như họ vì họ là những kẻ khua môi múa mép. Họ thích dùng ba tấc lưỡi để tự ca ngợi mình và cưỡng chế người khác ca ngợi mình. Tại sao phải cưỡng chế? Vì họ chẳng có gì đáng để ca ngợi nên chúng ta không thể biết ca ngợi họ ở điểm nào.

Chớ như họ vì họ là những kẻ gian manh, xảo trá. Họ dùng những lời đường mật để lừa dối người khác, khiến mọi người tin vào bức tranh màu hồng do họ vẽ ra mà quên đi thực tại đen tối. Một khi đã tin vào những lời gian trá đó, người ta sẽ dễ dàng chìm sâu vào ảo mộng vô thực.

Chớ như họ vì họ là những kẻ thích nói hơn làm. Họ thích sai khiến người khác, muốn làm giai cấp thống trị và bắt buộc mọi người phải phục vụ mình. Họ đưa ra những luật lệ hà khắc nhưng chỉ áp dụng với người khác, còn họ thì không. Kẻ nào vi phạm luật lệ ấy sẽ phải trả giá rất đắt nhưng nếu kẻ đố là một trong số họ thì lại bình an vô sự.

Chớ như họ vì họ là những kẻ chỉ biết đến bản thân mình. Trái tim họ đã chai sạn vì họ không nghĩ đến ai khác ngoài bản thân mình. Lợi ích của họ phải được đặt lên hàng đầu và không có bất cứ ai có thể nhận được sự cảm thông từ họ. Chớ trách than vô ích vì trong mắt họ không hề có những người thấp cổ bé họng như chúng ta.

Vậy, “họ” là ai?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, họ là những người luật sĩ, biệt phái. Họ chất lên vai người ta gánh nặng nhưng lại không đặt mình vào hoàn cảnh của những người ấy. Người ta chỉ biết lặng im sống trong xiềng xích lề luật hà khắc, nặng nề mà không dám chống lại. Không dừng lại ở Tin Mừng, chúng ta có thể liên hệ gần hơn, đó là xã hội chúng ta đang sống.

Trong xã hội ngày nay, họ là những người thuộc tầng lớp thống trị, tầng lớp nắm quyền lực trong tay. Chính vì nắm giữ quyền lực nên họ có thể bắt buộc người khác làm theo ý mình. Họ khiến người dân kiệt quệ trong khi họ được vinb thân phì gia. Họ đặt ra đủ thứ luật lệ nhưng chỉ áp dụng với những tầng lớp dưới họ. Họ trơ mắt nhìn những mảnh đời bất hạnh quanh mình mà không chút động lòng thương cảm. Với họ, đồng tiền và quyền lực là trên hết.

Chớ như họ, vì chúng ta là người Kitô hữu. Chúng ta không chỉ tránh trở thành một trong số họ mà quan trọng hơn, chúng ta phải cố gắng lôi kéo họ bước ra khỏi con đường ấy. Đồng thời, cũng không quên cầu nguyện cho họ vì suy cho cùng, ta đều là anh em cùng một Cha.

Lạy Chúa, xung quanh con vẫn còn rất nhiều người vì quyền lực và của cải mà chèn ép anh em mình. Xin cho chúng con biết yêu thương, quý trọng lẫn nhau và lôi kéo những ai đang lầm đường lạc lối về nẻo chính đường ngay. Xin cho chúng con biết làm đúng những điều mình đã nói, để có thể trở thành tấm gương, từ đó giúp mọi người ý thức hơn về lời nói, việc làm và trách nhiệm của mình. Amen.

Petrus Sơn

Thần Thánh hóa (26.08.2017)

Trong một tổ chức bất kỳ hay một đất nước nào, ắc phải có người đứng đầu và hiển nhiên tiếng nói của người lãnh đạo sẽ được mọi người tôn trọng và lắm khi nó trở thành tiếng nói của thần quyền. Cái gì làm nên tiếng nói này có giá trị như thế, thưa chính là chữ Tín trong cuộc đời lãnh đạo này.

Đối với học thuyết Khổng giáo, cụ thể trong tác phẩm “Luận ngữ”, điều quan trọng đối với Khổng tử là năm quy tắc bất biến: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Khổng Tử nói: “Vô tín nhi bất lập”, ý nói rằng, người mà không giữ chữ tín thì sao có chỗ sinh tồn, chỗ đứng trên thế gian này đây? Cũng có người nói, chữ tín là sinh mệnh thứ hai của con người. Câu nói này kỳ thực cũng rất có đạo lý. Thật vậy đã hứa thì phải giữ, đã nói thì phải làm, không như con vẹt, con két…

Tin mừng ngày hôm nay Chúa Giêsu cảnh tỉnh các môn đệ và những người Do Thái bấy giờ trước hiện trạng các kinh sư và người Phariseu nói mà không làm, từ đó Người đưa ra một kết luận đừng thần thánh hóa một ai, và ngay cả bản thân mình.

Thật thế theo truyền thống hội đường Do-thái, Luật gồm 613 điều răn trong đó 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm. Luật nhiều đến nổi không nhớ hết, như một đám rừng, với nhiều sợi dây luật chằng chịt. Đến nổi các kinh sư phải đeo những hột kinh, mà nơi những hột kinh này phải đựng các lời trọng yếu của luật, họ cột vào tay và trán để nhớ. Hay họ mặc nhưng tua áo thật dài, để nhắc nhớ mình thuộc đoàn dân thánh. Tất cả các biện pháp người do thái làm, cụ thể là các kinh sư làm điều là tốt, nhưng nó trở nên giả hình và xấu khi họ dùng các hình thức này như chiếc bình phong che đi tội lỗi của họ.

Bởi thế Chúa Giê su thấy được một nghịch lý đang diễn ra, đó là những người kinh sư và Phariseu có thể nói họ là những người chuyên viên về luật, họ có một chổ đứng trong đời sống chính trị và có uy tín trong dân, thế mà họ không giữ luật, mà còn đứng ra để xử luật. Chúa Giê su rất khôn khéo khi nói đến vấn đề này, Ngài không bảo đứng lên chống đối và hủy bỏ luật, mà Ngài bảo hãy làm theo luật mà họ dạy dỗ, còn họ làm gì thì đừng làm theo, vì họ nói mà không làm.

Từ đó chúng ta thấy được rằng Chúa Giêsu rất tôn trọng lề luật của tiền nhân, vì chính Chúa cũng đã nói: “Ta đến không phải đến bãi bỏ mà để kiện toàn” và Người đã cảnh giác các môn đệ đừng để ai thần thánh hóa mình cũng như thần thánh hóa một ai, ngoài trừ Thiên Chúa. Ngài nói rất rõ đừng để ai gọi là “Thầy” và cũng đừng gọi ai là “Cha” vì chỉ có một thầy và một cha, còn tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau.

Trong đời sống mỗi người chúng ta, lắm khi chúng ta đã thần thánh hóa một ai đó và chính bản thân mình. Khi chúng ta thần thánh hóa ai đó, chúng ta xem họ như thần như thánh, những gì họ nói và họ làm điều là đúng. Nhưng chúng ta vô tình không để ý, họ cũng có những thiếu xót, những yếu đuối của bản thân. Đâu có phải mọi lời nói và quyết định của họ lúc nào cũng đúng. Bởi thế trong mối tương quan của chúng ta hàng ngày, chúng ta phải biết phân định và nhận định đâu là điều tốt, đâu là điều xấu, vì chẳng ai chịu trách nhiệm thay chúng ta trước quyết định của mình. Đó là việc chúng ta khi nhận xét về một người, còn chúng ta đã bao lần tự thần thánh mình rồi, khi mọi lời nói và việc làm chúng ta mang màu độc tài.

Một ví dụ rất cụ thể trong đời sống giáo xứ chúng ta, đó là việc tương quan giữa ta với các cha xứ. Dù biết các cha là đại diện Chúa, đại diện Giáo hội để hướng dẫn chúng ta, nhưng chúng ta phải biết điều này đó là các ngài vẫn là một con người, các ngài cũng có những yếu đuối riêng mình. Từ đó các ngài cũng có những khuyến điểm, nhưng khổ nổi giáo dân chúng ta xem cha như thần như thánh, đòi hỏi các cha phải thế này thế nọ. Khi các ngài không đáp ứng được, dẫn tới thất vọng. Nhiều khi chúng ta cũng nghe nói hay ngay cả thân chúng ta, đó là chắc tôi “bỏ đạo” quá, vì lí do ông cha này như thế này, ông cha kia thế nọ hay đụng chạm trực tiếp đến chúng ta. Thưa việc giữ đạo hay không là quyền tự do của mỗi người chúng ta, đó là quyền chọn lựa của chúng ta. Nếu mỗi lần chúng ta có suy nghĩ đó cũng chính là lúc chúng ta đã thần thánh hóa mình, xem mình là trọng tâm.

Vậy chúng ta phải làm gì? Thưa trước tiên chúng ta phải làm tròn bổn phận của mình, luôn biết phân định nhận định trước mọi lời nói và hành động, không chỉ của người khác và ngay cả bản thân mình.

Lạy Chúa, ngoài Chúa ra không ai là đấng thánh. Xin cho chúng con luôn biết khiêm nhường để không thần thánh hóa mình và có cái nhìn khoa học hơn để không thần thánh một ai. Xin cho chúng con luôn biết cộng tác với nhau trong tinh thần phục vụ, để xin nước Chúa mau trị đến.

Sống tinh thần phục vụ (23/08/2014) 

“Trong anh em, người làm lớn hơn cả,  phải làm người phục vụ anh em.” (Mt 23,11).

Suy niệm: Chúa Giê-su thật sự đã làm một cuộc “cách mạng” khi thay đổi cách nhìn thông thường của người đời về vai trò của những “người làm lớn”. Đối với Ngài, người được cất nhắc lên một chức vụ cao, không phải là để cai trị, không phải để được người khác phục vụ, nhưng là để phục vụ người khác. Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã trở nên gương mẫu cho mọi người về tinh thần phục vụ mà Ngài rao giảng. Dù là Con Thiên Chúa, Ngài đã sẵn lòng đến sống và phục vụ con người trần thế cho đến giây phút cuối cùng. Không chỉ phục vụ bằng việc rao giảng, chữa lành bệnh tật, Chúa Giê-su còn trao chính thân mình để đem lại ơn cứu độ cho mọi người mà Chúa Cha đã trao phó cho Ngài. Thật như Ngài đã nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).

Mời Bạn: Giữa cảnh đời ganh đua, tìm kiếm lợi lộc, thì tinh thần phục vụ, hơn lúc nào hết, trở nên một thách đố lớn cho người Ki-tô chúng ta. Hôm nay, bạn và tôi được mời gọi làm chứng cho Chúa giữa lòng đời bằng đời sống quên mình phục vụ anh chị em mình, không tính toán, so đo hơn thiệt.

Chia sẻ: Bạn nghĩ thế nào về tinh thần phục vụ mà Chúa dạy chúng ta hôm nay? Đâu là cảm nghiệm của bạn khi phục vụ người khác?

Sống Lời Chúa: Làm một việc nhỏ bé mỗi ngày để giúp đỡ người bên cạnh ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dạy chúng con phải biết hy sinh phục vụ anh chị em đồng loại. Xin giúp chúng con thực thi Lời Chúa dạy mỗi ngày trong suốt cuộc đời. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *