Điều răn quan trọng (17.01.2024 – Thứ Tư Tuần II Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: 1 Sm 17,32-33.37.40-51 (năm chẵn), Hr 7,1-3.15-17 (năm lẻ), Mc 3,1-6


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 3,1-6)

1 Khi ấy, Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. 2 Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tố cáo Người. 3 Đức Giê-su bảo người bại tay : “Anh đứng dậy, ra giữa đây !” 4 Rồi Người nói với họ : “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết người ?” Nhưng họ làm thinh. 5 Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn bực vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay : “Anh giơ tay ra !” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. 6 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.

Điều răn quan trọng (17.01.2024)

Ngày 17.01: Lễ Nhớ Thánh An-tôn, viện phụ

 Rồi Người nói với họ: “Ngày sa-bát, được

phép  làm  điều  lành  hay điều dữ,  

cứu mạng người hay giết đi? ” (Mc 3,4)

Trong bộ luật của người Do Thái có tới 613 điều. Các Kinh sư và người Pharisêu hiểu biết và giữ luật cách chặt chẽ nghiêm túc, đôi khi lại quá máy móc, hình thức bên ngoài. Vì thế họ thường theo dõi  Đức Giêsu để bắt bẻ này nọ, khi bất chợt họ thấy Ngài vi phạm ngày Sabát thì tố cáo Ngài. Đức Giêsu nhân dịp này đã chỉ cho họ một điều lớn lao hơn: Giữ luật với lòng bác ái. Làm điều tốt thì vượt lên trên mọi sự ràng buộc của luật.

Khi được hỏi về điều răn quan trọng nhất, Đức Giêsu trả lời: phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn hết trí khôn, và thứ hai là phải yêu người thân cận như chính mình.

Trong Huynh Đoàn Đa Minh, mọi người đều hiệp thông gắn kết với nhau như anh chị em trong tinh thần yêu mến Chúa Giêsu. Khi được nhận tin báo có một đoàn viên đau bệnh nặng, Ban phục vụ đại diện Huynh đoàn liền dành thời gian đến thăm viếng bệnh nhân đó, nếu cần điều gì sẽ mau mắn chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua cơn hoạn nạn…

Lạy Chúa, xin cho chúng con có được lòng bác ái vô vị lợi đối với những hoàn cảnh đau khổ của người mình gặp gỡ trong mọi biến cố cuộc đời, bất kể họ là ai khi cần đến sự giúp đỡ thì chúng con luôn biết sẵn sàng, như mẫu gương Chúa đã cứu người bại tay dù là ngày Sabát. Amen.

BCT

Tránh xa điều dữ (18.01.2023)

Ngày 18.01: Lễ Nhớ Thánh Ma-ga-ri-ta Hung-ga-ry (1242-1270), Trinh nữ

Bắt đầu tuần lễ cầu cho các Ki-tô hữu hiệp nhất

Đức Giê-su bảo người bị bại tay: “Anh chỗi dậy, ra giữa đây.” Rồi Người nói với họ: “Ngày Sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (Mc 3,4)

Bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã rất buồn giận trước thái độ cố chấp, lòng chai dạ đá của những người Pharisêu. Họ giữ ngày Sabat quá hình thức, rồi vô tình bỏ quên điều cốt lõi của luật chính là lòng thương xót yêu người. Họ ngụy biện vào luật cứng ngắc để kết án điều tốt lành cụ thể như việc Chúa chữa bệnh cứu mạng người.

Lời Chúa nhắc nhở chúng ta phải biết ý thức thi hành việc tốt đẹp mình cần làm để giúp đỡ anh chị em trong ngày chủ nhật ( Sabat), nên làm điều lành và tránh xa điều dữ…như cờ bạc, ăn chơi nhậu nhẹt sa đà…

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết tránh xa điều dữ, và cố gắng thực thi việc lành bác ái như gương sáng Chúa đã để lại và dạy chúng con noi theo. Amen.

BCT

Ngày yêu thương – ngày hạnh phúc (19.01.2022)

“Trong ngày Sabbat được cứu sống hay là giết chết?” Có người tâm sự: “Không hiểu tại sao, cứ mỗi sáng Chúa Nhật là vợ chồng em lại có chuyện bất bình! Đi lễ, mà trong lòng chẳng thấy vui. Vào nhà thờ, vừa quỳ xuống, đã khóc”. Có thể là vợ chồng ấy chuẩn bị đủ quần áo xinh, xe đẹp để đi lễ, nhưng họ chưa chuẩn bị đủ tình yêu nhau, đủ lòng mến Chúa. Lại có câu chuyện này: “Không biết có tự đời ông tổ hay ông cố, mà ông Tư thường nói với các con: “Ông bà ta dặn: ngày Chúa  nhật  là  ngày  yêu  thương,  ngày  hạnh  phúc,  ngày  thánh thiện, ngày làm việc lành, lánh việc tội, ngày xây dựng tình hiệp nhất huynh đệ trong nhà, trong làng xóm, cộng đoàn…”.

Bởi thế, khi vợ chồng con trai giận nhau, ông thường nói: “Hết ngày giận nhau rồi sao con? Hôm nay Chúa nhật!”. Hoặc: “Hôm nay lễ trọng nhé, con!”. Nếu ngày thường, mà các con giận nhau, ông Tư nói:  “Xem như hôm nay ngày Chúa nhật đi con, ngày lễ trọng đi con!”. Cũng vậy, thỉnh thoảng, ông cũng nói với bà trước giờ đọc kinh tối: “Bà hết giờ giận rồi sao? Sao phải giận giờ này?!” Thảo nào, mấy bạn già của ông Tư kể, lúc nào gặp nhau mà nghe ai nói chuyện tào lao, hay nói xấu ai, ông Tư hay nhắc: “Nhớ nhé, hôm nay lễ trọng đấy!”.

Chúa Giê-su hỏi: “Trong ngày Sabbat, được cứu sống hay là giết chết”. Chúa cũng hỏi chúng ta: “Ngày Chúa nhật, nên yêu hay giận, nên làm việc tốt hay việc xấu, nên thứ tha hay chấp tội, nên quảng đại cho đi hay ích kỷ giữ lại, nên bồi dưỡng đời sống thiêng liêng, hay chỉ nghỉ ngơi bồi dưỡng thể xác…?”

Lạy Chúa, xin giúp các gia đình chúng con biết sống yêu thương, và ngay lành trong ngày Chúa Nhật. Và từ việc “thánh hoá” ngày Chúa nhật, ngày lễ trọng, xin cho chúng con cũng biết thánh hoá các ngày thường, và cả thời gian sống, để gia đình sống thánh thiện, an bình, hạnh phúc, trở nên bằng chứng cho Tin Mừng Tình Yêu. Amen.

“Trong ngày Sabbat được cứu sống hay là giết chết?” ( Mc 3,4 )

BCT

Ngày làm sống lại niềm tin và hạnh phúc (20.01.2021)

“Trong ngày Sabbat được cứu sống hay là giết chết?” ( Mc 3,4 )

Tin  Mừng  hôm  nay,  thánh  Mar-cô  lại  kể  tiếp  câu chuyện  về  ngày  Sa-bat.  Chúa  Giê-su  chữa  lành  người  bị  bại tay trong ngày Sa-bát và bị nhóm biệt phái cho là phạm luật. Lời Chúa Giê-su hỏi nhóm người biệt phái, cũng là lời chất vấn mỗi chúng ta: “Trong ngày Sa-bat được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?”.

Chúng ta hãy vui mừng nhìn thấy một thực tế đáng trân trọng này là: hiện nay có nhiều gia đình công giáo đã sử dung thời gian ngày Chúa Nhật đúng ý Thiên Chúa: Việc tâm linh, cả nhà cùng nhau đi tham dự thánh lễ, nghe Lời Chúa; Việc bác  ái:  vợ,  chồng  thăm  viếng  người  yếu  đau  bệnh  tật,  đồng thời còn có một chút quà sẻ chia cho người bất hạnh; Việc làm mới lại tình yêu hôn nhân gia đình: sau Thánh Lễ, vợ chồng con cái chở nhau đi ăn sáng, uống cà phê, rồi vợ đi chợ, làm một  bữa  cơm  khá  hơn  ngày  thường  để  cả  nhà  cũng  thưởng thức. Bầu khí đạo đức và yêu thương đầm ấm của ngày Chúa Nhật làm cho gia  đình có đủ sinh khí  và  niềm vui  cho  công việc vất vả cả tuần sắp đến.

Nhưng,  cũng  thật  đáng  buồn,  đáng  tiếc  vì  có  nhiều người sử dụng ngày Chúa Nhật vào những công việc vô bổ: vợ chồng hẹn  nhau  nhậu  nhoẹt,  say sưa,  hát  hò,  nhảy  múa,  hay tìm tiêu  khiển  nơi những  tương  quan  ngoài luồng  bất  chính; còn con cái thì tự do muốn chơi nhỡi đâu đó cũng chẳng màng. Vô tình,  ngày Chúa  Nhật  để  thờ  phượng  Chúa,  đã  trở  thành thời gian phạm tội, tự đánh mất linh hồn, mất sức khỏe, mất phẩm cách, và nhất là mất cả hạnh phúc gia đình.

Lạy  Chúa,  xin  cho  các  gia  đình chúng con biết  dùng  ngày  Chúa Nhật để làm sống lạị và sống dồi dào lòng Tin Cậy Mến Chúa, làm mới tình yêu hôn nhân và hạnh phúc gia đình của mỗi chúng con. Amen.

BCT

Đức Giêsu chữa người bị bại tay (22.01.2020)

Tin Mừng hôm nay vẫn ở trong hành trình giảng đạo tại miền Galilê của Chúa Giêsu. Ban đầu người ta sửng sốt, vui mừng nhưng dần dần thấy việc làm, lời dạy của Chúa khác thường, họ bắt đầu nhòm ngó, bới móc chê bai. Chúa bắt đầu va chạm với họ. Như hôm nay “Đức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày sabat không, để tố cáo Người”. Biết lòng họ chai đá ác độc, Chúa đã gọi người bại tay đứng ra công khai trước mặt mọi người: “Anh trỗi dậy ra giữa đây, rồi người nói với họ: Ngày sabat, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?Họ làm thinh. Đức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá”. Thế rồi Người vẫn quyết tâm cứu chữa anh mặc dù cho những người Pharisêu phản đối: “Người bảo anh bại tay, anh giơ tay ra. Người ấy giơ ra và tay liền trở lại bình thường”. Người Pharisêu quả là ác độc, mê muội và sai lầm. Đúng là đã đến lúc Chúa cứu thế phải đến để hủy bỏ, đối mới những sai lầm ấy. Họ vẫn tự hào có tổ phụ là Apraham, có Thiên Chúa là Cha. Thiên Chúa đã truyền cha ông họ phải tuân giữ mười giới răn qua tổ phụ Môsê trước đó đã hàng ngàn năm, tóm gọn lại là: “Hãy kính mến Thiên Chúa là Chúa ngươi hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”. Còn phần thứ hai cũng quan trọng như phần trước: “Hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi vậy.”(Đnl 6,2-6). Trong khi luật lệ của họ thời đó được phép kéo con bò con vật lên nếu chúng bị sa xuống hố trong ngày sabat. Vậy mà họ cố tình chống đối hành động yêu thương Chúa dành cho con người bại tay. Thậm chí còn “bàn tính… để tìm cách giết Đức Giêsu nữa”, thì quả là ác độc không còn chỗ nói.

Người Pharisêu xét nét, nệ luật một cách mù tối. Họ hiểu sai luật Chúa để rồi chống lại chính Thiên Chúa, mà có lần Chúa Giêsu đã nói về luật rửa tay trước khi ăn của họ: “Các ngươi gạn lọc một con muỗi ra, nhưng lại nuốt chửng cả  con lạc đà.” (Mt 23,23-26).

Giờ đây nhìn lại mình xem có bao giờ chúng ta còn mắc những sai lầm như những người Pharisêu xưa không?

Có bao giờ chúng ta phán quyết sai lầm để rồi làm khổ, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm những người anh em ta không?

Có bao giờ chúng ta thù ghét, loại trừ ai chỉ vì họ không thuận theo ý ta điều nọ điều kia chăng?

Lạy Chúa ! Xin Người luôn soi sáng tâm hồn chúng con, để mọi suy nghĩ, lời nói việc làm của chúng con đều thuận theo thánh ý Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Giuse Lâm Ngọc Năng

Chữa người bại tay (23.01.2019)

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục sứ mang tại quê hương Galêlia của Người: “Đức Giêsu lại vào hội đường” làm phép lạ, chữa bệnh tật cho người ta: “ở đó có một người bại tay”, Chúa đã chữa lành cho họ: “Người bảo anh bại tay: Anh giơ tay ra… và tay liền trở lại bình thường”.

Nhưng Chúa lại bị nhóm người Pharisêu nhòm ngó chê trách vì Chúa đã chữa bệnh vào ngày lễ nghỉ, ngày sabat.

Biết lòng họ, Chúa đã sửa dạy những sai lầm của họ bằng câu hỏi và cũng chính là câu trả lời dạy họ: “Ngày sabat được làm lành hay làm dữ, cứu mạng người hay giết đi?”

Như ta đã biết, 10 điều răn gồm mến Chúa và yêu người, Thiên Chúa đã truyền cho người Do Thái đã hàng nghìn năm trước. Vậy mà trước việc làm yêu thương của Chúa, họ lại thù ghét quyết liệt như vậy. Vì sao thế? vì họ dốt nát, ngu muội, sống câu nệ vào lề luật lý do để bảo vệ luật Chúa chăng? Hay họ vẫn biết Chúa đã làm việc nhân ái, nhưng vì ghen tức muốn nâng mình lên, hạ Người xuống thì quả là độc ác. Làm một việc nhân ái mà Chúa bị họ kết án tử: “Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê để tìm cách giết Đức Giêsu”. Lich sử kể lại nhân loại ngày ấy sống với nhau quả là ác độc. Người Do Thái được Chúa dẫn dắt ban lề luật mà còn thế, huống hồ dân ngoại. Họ coi mạng sống con người không hơn con vật, mạnh được yếu thua. Người cầm quyền muốn giết ai thì giết. Mạng sống con người được đưa ra làm trò vui giết nhau trên đấu trường mà khán giả vỗ tay cười ha hả. Đúng là Chúa cứu thế đã đổi mới lòng người thế gian thật tuyệt vời.

Ngày nay theo gương Thầy chí thánh của mình, Hội thánh tiếp tục yêu thương nâng đỡ, chia sẻ với mọi lớp người, đã được nhiều người yêu mến. Thế nhưng vẫn chưa hết bị hiểu lầm hay ghen ghét. Còn mỗi chúng ta bây giờ có thể nói được rằng nếu Chúa hiện diện trở lại với tôi như trong câu chuyện Tin Mừng trên thì tôi sẽ chẳng hề dám kết án Chúa. Nhưng có khi nào tôi cố tình phủ nhận những việc tốt lành của tha nhân, chỉ vì họ có lỗi lầm hoặc va chạm với họ trong quá khứ? Có khi nào vì ích kỷ vì sống buông thả mà đã cố tình loại bỏ chính đứa con của mình?

    Lạy Chúa! xin Chúa luôn soi sáng hướng dẫn đời con, để con không phải đi theo cái vết xe ngu muội chai lì, độc ác của những người Pharisêu xưa.  Amen.

 Gs. Ngọc Năng (BC)

Kính mến Thiên Chúa và yêu thương anh em (17.01.2018)

Ngày 17.01: Lễ Nhớ Thánh An-tôn, viện phụ

Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các Pharisêu, liên quan đến việc giữ luật ngày Sabát. Chúa Giêsu đã có một phản ứng mãnh liệt trước sự mù quáng của những người Pharisêu khi họ cố ý dò xét xem Ngài chữa bệnh trong ngày Sabát, để mượn cớ tố cáo Ngài.  Họ đã lạm dụng luật ngày Hưu lễ để bắt bẻ và cấm chế. Về phần Chúa Giêsu, Ngài vốn là Ðấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, Ngài tỏ ra cảm thông với những đau khổ của con người và Ngài đã giải thoát họ thoát khỏi những khổ đau đó.

Chúa là cùng đích đời con

Cho con sự sống, cho con ơn lành

Với bao ước nguyện hoàn thành

Bến bờ hạnh phúc luôn dành chờ con

*

Con xin ghi dạ sắt son

 Phụng thờ Thiên Chúa, đâu còn gì hơn

Có Chúa vững bước chẳng sờn

Quên đi gian khổ giận hờn thương đau

Thời gian thấm thoát qua mau

Đêm qua, ngày tới, trời màu xanh tươi 

 

“Mến Chúa và yêu người” chính là đặc tính cốt yếu của Kitô giáo. Chúa Giêsu muốn con người sống tinh thần yêu thương nhau với tất cả lòng quảng đại. Ngài đã chữa lành cho người có cánh tay bị khô bại. Qua việc làm đó, Ngài muốn trả lại cho ngày Sabát ý nghĩa nguyên thủy mà Thiên Chúa đã lập nên. Điều này chứng tỏ Chúa luôn yêu thương con người bằng một tình yêu vô bờ bến và Ngài đã “làm chủ ngày Sabát”.

Yêu thương tất cả mọi người

Tận tâm phục vụ cho đời hoan ca

Ca khen Tình Chúa bao la

Nhân từ thương xót, chan hòa tình thương

Chúa dạy con phải đúng đường

Kính mến Thiên Chúa, yêu thương mọi người

 

“Ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (Mc 3,4). Câu hỏi đặt ra của Chúa Giêsu đã khiến cho những người Pharisêu phải im lặng không trả lời được, vì họ quá câu nệ vào hình thức mà quên đi nội dung tinh thần và ý nghĩa của luật lệ.

Qua nội dung của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cảm nhận được: ngày Sabát là ngày của lòng thương xót, ngày của ơn cứu độ và thực thi việc lành. Vì chính Chúa là hiện thân của Lòng thương Xót, Ngài đã hành động trong ngày Sabát là chũa lành cho người bị khô bại cánh tay, để làm mẫu mực cho những việc làm của chúng ta, giúp chúng ta hiểu và thực thi những điều cần thiết phải làm khi tuân giữ ngày Sabát.

Tim con rực lửa sáng ngời

Cháy lên lòng mến, vang lời thiết tha

Ngày mai hội ngộ hoan ca

Thiên Đàng hạnh phúc mãi là niềm vui

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã thức tỉnh chúng con qua lời phán dạy:  “Trong ngày sabát được làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay giết chết?”. Xin Chúa thương giải thoát chúng con khỏi thái độ sống đạo vụ hình thức, để chúng con biết quan tâm chia sẻ với những nỗi khổ đau, bất hạnh của người khác. Bởi từ lòng thương yêu mọi người, chính là sức mạnh tinh thần để chúng con được đến với Chúa và kết hợp mật thiết với Chúa nhiều hơn. Amen.

  HOÀI THANH

Giữ Ngày Sabat (18.01.2017)

Thánh Ma-ga-ri-ta Hung-ga-ry (1242-1270), Trinh nữ – Lễ nhớ 

Dọc theo Tin Mừng, thỉnh thoảng lại gặp thấy cảnh các nhóm Do thái thời đó tranh luận và chống đối Chúa Giêsu về vấn đề giữ ngày sabat. Thực ra, có ngày sabat là để con người được nghỉ ngơi, Thiên Chúa không muốn một dân thánh lại làm nô lệ cho nhu cầu ăn uống hằng ngày hoặc cho việc lao động của mình. Tuy nhiên, không phải vì thế mà con người làm nô lệ cho ngày sabat, nhưng là để “Con Người làm chủ ngày sabat.” Vì tinh thần này, Chúa Giêsu hay bị các kinh sư và nhóm Pharisêu chống đối.

Trong Tin Mừng hôm nay, cũng vào một ngày sabat, thấy Đức Giêsu vào giảng dạy trong hội đường, lại sẵn có một anh bị bại tay, họ “rình” xem Ngài có “phá luật” để chữa anh không? Thừa biết ý nghĩ trong đầu họ, Ngài liền bảo anh trỗi dậy, ra giữa đây và hỏi thách thức họ: “Ngày sabat, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (Mc 3,4). Nhưng họ làm thinh. Ngài hỏi thế thì ngày nay con cũng biết trả lời là phải làm điều lành  cứu mạng người. Rảo mắt nhìn họ hết lượt, rồi Ngài tự trả lời bằng việc làm, lập tức Ngài chữa anh khỏi hẳn, tay anh trở lại bình thường. Thế là thua cuộc, họ giận điên lên và ra đi bàn tính với phe Hêrôđê để tìm cách giết Ngài. Chỉ cần một chút ghen tương, thù ghét lẻn vào hồn, sẽ biến lương tâm thành tà tâm có ý hại người.

Những người Pharisêu giữ lề luật cách máy móc và cứng nhắc để bắt lỗi. Họ trung thành với luật lệ đến nỗi bỏ việc lành là cứu người. Thái độ máy móc này khiến họ có cái nhìn về Thiên Chúa như một vị thần so đo, tính toán và luôn rình phạt con người, Thiên Chúa như quan tòa thưởng phạt theo tâm trạng và cảm tính của con người.

Đức Giêsu đến để kiện toàn lề luật, Ngài đánh đổ quan niệm ấy, Ngài đến với những người thu thuế, tội lỗi, gái điếm. Ngài chữa bệnh và làm phúc cho con người mọi nơi mọi lúc, bất kể ngày sabat hay ngày thường. Ngài bày tỏ cho con người thấy rõ khuôn mặt yêu thương, nhân từ của Thiên Chúa đối với con người. Tình yêu thương ấy vượt qua mọi thứ cân lường, tính toán theo lẽ công bình của con người, vượt qua không gian, thời gian. Tinh thần cốt lõi của luật là tình yêu thương. Tình yêu thương phải luôn trải dài, không kể năm tháng ngày giờ để thi ân. Ngày nay chúng con cần phải thay đổi cách nghĩ, lối nhìn về luật lệ. Con người được hạnh phúc là Thiên Chúa được tôn vinh. Ngày sabat được lập ra vì con người.

Lạy Chúa, xin hoán cải và đổi thay trái tim con, để con luôn yêu Chúa với hết tâm tình. Yêu Chúa con không rời xa Chúa giây phút nào. Yêu Chúa con luôn lắng nghe và thực thi Ý Chúa mà không tính toán đo lường hay sợ luật lệ. Con sẽ mạnh dạn bước đi trong Tình Yêu Ngài, vì “tình yêu thì vượt lên nỗi sợ”.

Én Nhỏ 

Yêu thương là chu toàn Lề Luật (20.01.2016)

Trình thuật Tin Mừng Nhất Lãm cho chúng ta nhận biết những phép lạ Ðức Giêsu đã làm trong ngày Sabát, trong một hội đường ở thành Ca-phác-na-um thuộc miền Ga-li-lê…

Đức Giêsu vừa giảng dạy, vừa chữa trị mọi thứ bệnh hoạn, tật nguyền, và trừ nhiều quỷ… cho nhiều người. Lời giảng dạy của Người khác với các kinh sư, nội dung giảng dạy mới mẻ, đầy uy lực, khiến thần ô uế phải tuân lệnh.

Từ đó, làm cho danh tiếng của Đức Giê-su được đồn ra khắp nơi, khiến mọi người thán phục, sửng sốt (x. Mc 1,21-28). Vì thế, nhóm Biệt phái đã theo dõi, rình xem… tìm mọi cách để bắt lỗi, tố cáo Người, vì Người đã lỗi luật ngày hưu lễ. Ðức Giêsu nhìn họ với ánh mắt buồn và giận, vì họ cứng lòng, dạ chai như đá; họ giữ luật chỉ vì hình thức, khuôn sáo bên ngoài.

Không phải Ðức Giêsu đến trần gian để phá bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn, làm cho luật được trọn nghĩa: Tất cả chỉ vì yêu thương và mưu cầu hạnh phúc cho con nguời.

Đối với Đức Giêsu, con người luôn có giá trị vượt lên trên mọi thứ lề luật. Không phải cứ giữ luật không sai một chấm, một phẩy là làm đẹp lòng Thiên Chúa và được cứu rỗi. Người đã phá bỏ rào cản trói buộc của lề luật. Tẩy rửa não trạng thống trị của lề luật. Và mở ra tinh thần mới “sống lề luật”, chứ không phải để “giữ lề luật”. Đó là một tinh thần vị nhân, vị ái. Cho con người hiểu rõ tính chất của lề luật và thi hành nó với một lương tâm chân chính. Bởi lẽ, để chu toàn lề luật, thì ngày hưu lễ không được phép làm điều lành, không được phép chữa bệnh cứu người hay sao ? (x. Mc 3,1-6).

Ngày nay, chúng ta lắm lúc cũng rơi vào tình trạng vụ luật; sống đạo xơ cứng, giữ luật Chúa và Giáo hội một cách máy móc, vô hồn, áp đặt cho người khác… giống như người Biệt phái trong Tin Mừng. Nghĩa là:

Nhiều khi tôi sống đạo một cách hết sức hình thức: đi lễ, đọc kinh, cầu nguyện… hết sức máy móc; thuộc làu và giữ luật theo kiểu “chương cú” vì sợ lỗi luật của Chúa và Giáo hội hơn là vì lòng yêu mến Chúa, và sống tình con thảo muốn làm đẹp lòng Chúa, noi gương học biết yêu thương người khác như Chúa đã yêu…

Nhiều khi tôi hăng hái tham gia mọi hoạt động của họ đạo, hội đoàn nào cũng tham gia, nhóm tổ nào cũng sinh hoạt… Tham gia, sinh hoạt để tô hồng, để chứng tỏ vị thế đời sống đạo đức cá nhân của mình; hơn là tham gia vì bổn phận phải chia sẻ sự thăng tiến chung xây cộng đoàn, vì tình hiệp thông huynh đệ, và vì đức ái Kitô giáo đòi buộc tôi…

Ngược lại với những hăng hái nói trên. Nhiều khi tôi lại ù lì, thụ động, không tham gia, cộng tác làm việc với người khác, không thèm sinh hoạt gì cả, mà ngồi yên đó dò xét, nhìn xem người khác làm thế nào để rồi soi mói, bắt bẻ, lên án… việc làm của họ theo não trạng xơ cứng, cố chấp, ganh tỵ của chính mình.

Lạy Chúa, xin uốn nắn chỉnh sửa những tư tưởng cố chấp vụ hình thức, và nệ luật của chúng con… trở thành những nghĩ suy tích cực, ngay chính, và nhân ái…để góp phần yêu thương, san sẻ, dựng xây nhiệm thể Chúa Kitô theo như ý Chúa. Xin biến đổi lòng chai dạ đá của chúng con thành những tấm lòng biết rung cảm trước những nhu cầu khẩn thiết, những khốn khổ, và những bất hạnh của anh chị em sống xung quanh mình; để góp phần dựng xây nền văn minh tình thương, và sự sống ngay trong lòng thế giới hôm nay. Amen.

CÁT BIỂN 

Sabát, ngày của sự sống

“Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết chết?” (Mc 3,4)

Suy niệm: Luật lệ được lập ra là để phục vụ cho con người hay ngược lại? Đây là một câu hỏi không chỉ được đặt ra từ bối cảnh thời đại hôm nay, mà đã xuất hiện từ hơn 2000 năm trước, được chính Đức Giêsu khơi gợi lên. Là người Do Thái, Đức Giêsu chắc hẳn hiểu rất rõ về ý nghĩa của ngày sabát: đó là ngày dành riêng để thờ phượng Thiên Chúa. Phải có những luật lệ căn bản trong ngày này là điều không có gì phải bàn cãi. Thế nhưng, một khi việc thờ phượng Thiên Chúa trong ngày sabát đánh mất đi chiều kích nội tâm, và chỉ còn lại dáng vẻ bề ngoài, tức là chỉ còn biết tuân giữ luật lệ cách khắt khe, tỉ mỉ, bất chấp cả sự sống con người, thì cần phải đặt lại vấn đề. Chính Đức Giêsu đã làm thế khi đặt ra câu hỏi: “Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết chết?” Ngài chỉ cho thấy một sự thật, đó là việc thờ phượng Thiên Chúa không loại trừ nhưng làm cho cuộc sống của con người được sung mãn trọn vẹn.

Mời Bạn: Ngày hôm nay, chúng ta, trong đó có bạn và tôi, hơn lúc nào hết, cần nhận ra sự thật mà Đức Giêsu đã chỉ cho thấy và được thánh giáo phụ Irênê đã diễn tả cách chính xác: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống.”

Chia sẻ: Bạn hiểu thế nào về câu nói của thánh Irênê được nêu trên đây? Bạn nghĩ phải làm gì cụ thể để Thiên Chúa được vinh quang?

Sống Lời Chúa: Quyết tâm bảo vệ nhân phẩm và sự sống con người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết đón nhận và sống hết mình cho sự thật mà Chúa đã trao ban.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *