Chương IX : Thế kỷ XVIII – Trước Cách Mạng 1789

Chương IX :
Thế kỷ XVIII – Trước Cách Mạng 1789

Trích “HÀNH TRÌNH CHÂN LÝ”
(The Dominicans, a short history, W. Hinnebusch OP
Brève histoire de l’Ordre Dominicain, Guy Bedouelle OP)
Lm Px. Đào Trung Hiệu op và lớp tập 1992-93.

Cũng như ít ai cảm thấy việc biến đổi từ hè sang thu, thì từ thế kỷ XVII bước sang thế kỷ XVIII, được ví như mùa hè đang chờ gặt hái những hoa lợi được gieo từ trước, chẳng ai ngờ, sẽ kết thúc bằng một đợt cuồng phong. Cuộc cách mạng Pháp năm 1789 đã ập đến Châu Âu với sức mạnh của bão táp, quét sạch chế độ cai trị xưa cũ. Dòng Đa Minh sinh hoạt khá ổn định trong giai đoạn chuyển tiếp sang thu này. Bề trên tổng quyền Antonino Cloche, nắm quyền năm từ 1686, đã điều hành Dòng bước vào thế kỷ mới một cách thanh bình. Ngài không thể ngờ khi ngài qua đời vào tuổi 92, tức là năm 1720, Dòng đang vinh quang như chính thể quân chủ của vua Louis XIV, nhưng sẽ bị suy yếu, tan vỡ và kiệt quệ sau năm nhiệm kỳ Tổng quyền của thế kỷ XVIII, tức vào thời cha Balthasar de Quinones (+1798).

Bốn bề trên Tổng quyền nối tiếp giữa hai vị trên là các cha Augustinô Pipia, Thomas Ripoll, Antonino Brémond và Gioan Thomas de Boxadors. Cha Pipia lãnh chức vụ năm 1721, lên hồng y năm 1724 và mãn nhiệm vào năm sau. Nhiệm kỳ của cha Brémond chỉ có bảy năm, xen vào giữa hai nhiệm kỳ dài của cha Ripoll (1725-47), cha Boxadors (1756-77) và cha Quinones, tổng cộng 65 năm, đã phải đương đầu với số phận đau thương sẽ ập đến với Dòng sau năm 1790.

Trong việc quản trị Dòng các Bề trên Tổng quyền ít nhận được sự giúp đỡ của các tổng hội. Vì ngoài tổng hội 1705 do cha Cloche triệu tập, các tổng hội sau chỉ họp để bầu Bề trên Tổng quyền. Dòng bỏ thói quen quản trị bằng vị tổng đại diện. Bối cảnh ưu thế của chính thể độc tài và các cuộc chiến tranh cho phép các vua ngăn cản Dòng nhóm họp tổng hội. Hệ thống quản trị đại biểu của Đa Minh chỉ còn thể hiện rõ nét ở cấp tỉnh dòng. Các tỉnh hội tiếp tục nhóm họp bốn năm một lần. Sau tổng hội 1777, tổng hội kế tiếp mãi đến năm 1832 mới triệu tập được, nghĩa là 55 năm sau.

Tòa thánh tiếp tục “chăm sóc” Dòng. Sau khi đặt Tổng quyền Pipia lên chức hồng y, đức Benêdictô XIII, một tu sĩ Đa Minh, đã chỉ định vị tôn sư thánh điện Ange-Guillaume Molo chủ tọa tổng hội bầu cử năm 1725. Ngài cũng gửi cho cha một chương trình hành động. Năm 1756, đức Benêdictô XIV quyết định tổng hội phải họp tại Bologne để kính thánh Đa Minh, sau đó ngài lại muốn đích thân chủ tọa tổng hội, nên tổng hội phải dời về họp tại Roma. Cha Boxadors đắc cử trong thời gian này, ngài bị vị giáo hoàng kế nhiệm đức Benêdictô XIV là đức Clementê XIII phủ nhận, nên hai năm sau, tức năm 1759, ngài phải trừu lại giấy triệu tập tổng hội mà Ngài đự định nhóm họp tại Barcelona. Đức Pio VI hiện diện khi cha Quinones đắc cử năm 1777. Trước khi rời khỏi thư viện Casanate, nơi diễn ra tổng hội, Đức Thánh Cha đã truyền cho hồng y Boxadors chủ tọa các phiên họp tiếp theo và ban cho ngài quyền bầu cử.

Ưu tư cho công ích của Dòng, các vị giáo hoàng không chỉ can thiệp vào việc quản trị, mà còn muốn đi sâu vào đời sống Đa Minh. Các chỉ thị của đức Benêdictô XIII tại tổng hội 1725 làm sáng tỏ nhiều chi tiết, cho thấy các tu sĩ đã rời xa kỷ luật cũ bao nhiêu, điều này còn cho thấy để tái lập các tập quán tốt trong một giai đoạn suy yếu về tinh thần đời tu, sẽ khó khăn chừng nào. Đức giáo hoàng nhấn mạnh việc trung thành tham dự các giờ kinh chung, đặc biệt là giờ kinh đêm, ít ra nơi các tập sinh, và việc thống nhất trong chay kiêng cũng như phục sức. Điều quan trọng được ngài nhấn mạnh ở đây chính là những khó khăn nảy sinh do giờ kinh nửa đêm, việc hãm mình thường xuyên và việc kéo dài mùa chay (từ 14-9 đến lễ Phục Sinh), trong thời đại Dòng đã phát triển hơn nhiều so với thời Trung Cổ.              

Điều đó còn thấy rõ hơn trong những lời khuyến cáo của đức Benêdictô XIII không cho các tu sĩ dùng y phục và thực phẩm của người đương thời, đây là lời chỉ giáo khá quan trọng cho ta thấy sở thích lộng lẫy và huy hoàng, là nét đặc trưng của nghệ thuật baroques. Đức Benêdictô XIII còn can thiệp vào một khuyết điểm lớn hơn, khi ngài kêu gọi anh em hãy sẵn sàng với công tác mục vụ đặc biệt là việc giải tội. Văn bản gây trong chúng ta cảm tưởng nhiều anh em thiếu nhiệt tâm với sứ vụ. Hai năm sau, sự ưu ái của vị giáo hoàng Đa Minh dành cho Dòng lại được bộc lộ khi ngài tái xác định các đặc quyền trước kia của Dòng và ban thêm những đặc ân mới. Các quyền ngài ban quá rộng rãi đã khiến người kế vị ngài phải bãi bỏ một phần để các Dòng khác khỏi phen bì.

Các tỉnh dòng

Bản đồ dòng Đa Minh thêm nhiều thay đổi do việc thiết lập các tỉnh dòng và các Hiệp hội mới. Đầu thế kỷ, dòng có 45 tỉnh dòng : cuối thế kỷ đã có 51 tỉnh. Số tỉnh dòng gia tăng không phải vì mở rộng về địa dư mà do sự phân chia các tỉnh dòng cũ. Sự suy yếu của tỉnh dòng Hungari đã dẫn tới việc sát nhập các tu viện của tỉnh này với các tu viện ở Áo năm 1702, thành lập tỉnh dòng mới Áo-Hung ; điều này cũng phản ảnh việc hiệp nhất chính trị của hai quốc gia dưới vương triều nhà Habsbourg. Hiệp hội thánh Marcô, có lòng tôn kính đặc biệt cha Savonarola, được nâng lên tỉnh dòng năm 1705. Các tu sĩ Đa Minh tại Sardaigne đã kết hợp thành Hiệp hội năm 1615 và trở thành tỉnh dòng năm 1706, năm 1707 đến lượt các tu viện ở miền nam nước Đức.

Những khó khăn trong việc di chuyển, và khoảng cách giữa các miền tại Tân thế giới bắt buộc Dòng năm 1724 tách tỉnh dòng Chilê để thành lập tỉnh dòng Arhentina. Các hiệp hội nhiệm nhặt Santa Maria della Sanità và San Marco Dei Cavoti tại vương quốc Naples đã hợp nhất thành tỉnh hạt năm 1725, nhưng sớm tan rã do sự bất đ0ồng giữa các tu sĩ. Các tu viện ở Galacie đã liên kết thành tỉnh hạt năm 1728, sau khi tách khỏi tỉnh dòng Balan, vì miền của họ ở dưới sự thống trị của người Áo. Các tu viện tại Silésie là thành phần của tỉnh dòng Ba-lan, tới năm 1754 hợp thành một Hiệp hội tự trị. Nhiều Hiệp hội khác được thành lập từ các tỉnh dòng đang có sẵn. Hai Hiệp hội nhỏ tại quần đảo Antilles thuộc Pháp được tách ra vào năm 1706 và năm 1721 cho ta một điển hình rõ nét để thấy rằng hoàn cảnh đưa tới sự gia tăng việc chia cắt.

Các nữ đan sĩ và các Nữ tu

Các nữ đan sĩ Đa Minh đã thiết lập khá nhiều đan viện trong thế kỷ XVII, nhất là tại Tây Ban Nha. Lần đầu tiên trong lịch sử Dòng, họ tới Ai nhĩ lan thiết lập các đan viện Dublin, Waterford và Drogheda. Tại Tân-Tây Ban Nha, họ lập cộng đoàn ở Buenos Aires, ở Guadalajara và Puebla. Tới cuối thế kỷ XVIII, tỉnh dòng Đức có 14 đan viện và miền nam Đức có 35 đan viện. Tại pháp, Ủy ban đời tu (Commission des réguliers) đã bắt buộc một số cộng đoàn phải đóng cửa. Nhạy cảm với những gì xảy ra xung quanh, các nữ tu Cecilia Mayer, và Maria Columba Weigl đã say mê đấu tranh đòi những người duy lý phải ngưng chống báng các vấn đề siêu nhiên. Sau niềm hạnh phúc được thánh Đa Minh hiện ra năm 1730, nữ tu Maria Columba đã được thông phần cuộc Thương Khó của Chúa vào các ngày thứ sáu, chị đã được in năm dấu thánh.

Các nữ tu Dòng Ba đã gia tăng thêm nhiều cộng đoàn. Hai nhóm nữ tu lên đường truyền giáo tại đảo Martinique. Năm 1684, mẹ Maria Poussepin được cha Mespolié hỗ trợ trong việc huấn luyện các tập sinh tại Paris, đã thiết lập Hội Dòng chị em bác ái Dâng Mình (Soeurs de la charité de la Présentation) ở Tours, cho đến nay vẫn chuyên phục vụ các công tác từ thiện.

Phụng vụ

Phụng vụ Đa-minh được thêm hai lễ kính thánh Agnès de Montepulciano (phong thánh năm 1729) và thánh Rosa Lima (phong thánh năm 1757). Việc du nhập các vị xướng ca và nhạc cụ trong giờ kinh phụng vụ, chắc chắn ảnh hưởng lời kêu mời của đức Bênêdicto XII và phù hợp với thời đại. Tuy nhiên, đây không phải chỗ đễ phân tích đúng hay sai việc chỉ nhận vào tu những phần tử có năng khiếu âm nhạc như người ta đã làm ở đan viện Catharina thành Ausbourg. Chính đan viện này cho ta thấy đòi hỏi đó thật vô ích : năm 1719, trong ngày lễ bổn mạng, lần đầu tiên hai thỉnh sinh đã chơi trompette và kèn “co” (cor) trong khi cử hành phụng vụ. 35 năm  sau, một trong hai nữ tu đó vẫn tiếp tục sử dụng đàn co …

Việc can thiệp của nhà nước

Việc thế quyền can thiệp vào nội bộ của Dòng có ảnh hưởng trầm trọng hơn sự can thiệp của giáo triều. Càng ngày, sự đột nhập đó càng nguy hiểm. Các dòng bị bao vây trong tấm lưới mà chính giáo hội cũng gặp. Khi chính thể chuyên chế được xem là mốt thời thượng, các vị vua “sáng suốt” bị mê hoặc bởi triết học duy lý đã trở thành những “nhà độc tài khoan dung”, họ nghĩ mình biết những gì cần cho thần dân không cần hỏi ý kiến của dân. Lãnh vực siêu nhiên bị thuyết duy lý phi bác, tôn giáo bị miệt thị, Ki tô giáo được coi như chỗ dựa của thời phong kiến đang bị đe dọa.

Khi dòng tộc Bourbons đoạt được ngai vàng Tây Ban Nha năm 1701, chủ trương Pháp giáo đã lan tràn tại Tây Ban Nha và trong đế quốc của họ, tới Naples, tới nam Ý và Tân thế giới. Nước Đức và Áo thì khai triển chủ trương Pháp giáo theo cách riêng của mình. Chủ thuyết Fébronianisme tại Đức là một cuộc tấn công triệt để chống lại quyền tối thượng của giáo hoàng, đòi cho các giáo hội địa phương tự trị, chỉ liên kết với sự thống lĩnh từ xa của giáo hoàng. Dự án của Áo do vua Joseph II chủ xướng, mang danh “Joséphisme”. Ông đặt chủ quyền quốc gia lên trên giáo hội, đòi quyền tài phán trong giáo hội, đóng cửa nhiều cơ sở tôn giáo và các tu viện. Nhiều cải cách xã hội và quản trị cũng như một số hoạt động khác của các nhà độc tài “sáng suốt” này đã lỗi thời từ lâu.

Những ưu tư bắt đầu xảy đến với dòng Đa Minh tại Pháp vào thập niên 1760, khi cha Rarmundo Garalon, giám tỉnh Occitanie không vâng lời bề trên tổng quyền trong những vấn đề không được vua Pháp chấp thuận. Bận rộn với việc kinh lý các tu viện Tây Ban Nha, cha Boxadors ủy thác việc bênh quyền lợi của Dòng cho cha La Berthonie, một nhà thần học nổi tiếng. Mặc dù việc bênh vực của ngài mang lại một số thành quả, nhưng nhiều vấn đề mới lại xảy đến cho tất cả các dòng tu.

Khi 29 tu sĩ Biển Đức thuộc ngành Saint-Maur xin vua Louis XV chuẩn miễn về tu phục và tu luật vào năm 1765, hội đồng giáo sĩ đề nghị vua trả lại cho tòa thánh quyền cải tổ các dòng tu. Thay vì nghe lời, nhà vua đã lập ra một Ủy ban phụ trách dòng tu dưới sự điều hành của tổng giám mục Toulouse, là Loménie de Brienne, một người thích tranh luận về thần học. Ba năm sau, ủy ban công bố các chỉ thị cho các dòng tu như nâng cao tuổi khấn, đóng cửa các tu viện dưới chín thành viên, mỗi dòng chỉ được phép có một cơ sở trong thành phố và buộc phải có bản dịch hiến pháp dòng bằng tiếng quốc ngữ .

Năm 1777, các tu sĩ Đa Minh bị ép buộc phải làm đúng theo các mệnh lệnh này. Một công đồng quốc gia gồm 32 tu sĩ bị cưỡng bách tập trung dưới sự chỉ đạo của hai giám mục do vua đặt lên để soạn thảo hiến pháp. Khi đại sứ của Pháp ở Roma trình bản văn đó lên bề trên tổng quyền Boxadors, cha đã thẳng thắn không nhượng bộ và không châu phê. Ngài không chịu thay đổi lập trường dù nhà vua dùng áp lực để ép buộc. Cuối cùng cha giám tỉnh Toulouse đã nhờ cha phụ tá bề trên tổng quyền can thiệp, cha Boxadors mới chịu nhân nhượng.

Nhiệt tâm của Ủy ban đời tu đã làm giảm thiểu số ơn gọi và số dòng tu tại Pháp. Những phương sách này góp phần gia tăng sự giảm sút đã có từ năm 1710. Từ năm 1750 tới năm 1790 con số các tu sĩ Đa Minh giảm đi một phần ba. Năm 1767 cha bề trên liên tập viện Pháp đã báo cáo với cha Boxadors rằng : ba tỉnh dòng Pháp cộng lại, hiện chỉ có ba tập sinh.

Vua Joseph II, cùng với mẹ ông, thái hậu Marie Thérèse khởi sự cai trị bằng chính sách tương tự như “Pháp giáo” trong các lãnh thổ kế thừa của dòng họ Habsbourg từ năm 1765. Ông ban hành mệnh lệnh ngăn cấm liên hệ với Roma nếu không có phép của chính quyền, và cấm xuất bản các thư mục vụ hay tài liệu giáo hội nếu chưa được hội đồng kiểm duyệt quốc gia chấp thuận. Ông đóng cửa các đan viện, nam cũng như nữ. Tại Áo, Hungari và Bohême, số các đan viện từ 915 giảm xuống còn 318. Vua Joseph II đã đóng cửa các học viện và chủng viện, thay vào đó là các “chủng viện mới” do các giáo sư “sáng suốt” đứng lớp. Ông tịch thu tài sản của giáo hội, tập trung vào quỹ tôn giáo. Các sắc lệnh của ông còn chỉ đạo cả về phụng vụ và các việc đạo đức : như cấm đi đàng thánh giá và lần chuỗi Mân côi. Ông cũng đi tới chỗ qui định cả số nến đốt trong nghi lễ khác nhau, ông xứng với biệt danh “ông vua thánh quản”. Mối liên hệ Áo-Roma bị cắt đứt trong giai đoạn này, phải tới năm 1852 mới được nối lại toàn vẹn.

Các ông hoàng giám mục (Princes-Évêques) tại Đức, đặc biệt là tổng giám mục Cologne, anh em của hoàng đế ; quận công xứ Toscane : Leopold cũng là anh em của hoàng đế Joseph II ; cộng hòa Venise, các vua Tây Ban Nha, vua Sardaigne và Naples đều rập khuôn theo vị hoàng đế. Các Dòng nói chung may mắn lắm là thoát khỏi số phận của Dòng Tên, đã đức Clementê XIV bãi bỏ trước sức ép quá mạnh mẽ của các “nhà độc tài sáng suốt”.

Philip Hughes đã diễn tả tình hình trên như sau :

Quả dễ dàng để hiểu điều một sử gia Pháp nói : “Như vậy Thiên Chúa đã cứu Giáo hội bằng cách gửi tới cuộc Cách mạng Pháp để phá hủy chế độ quân chủ”. Bởi vì vào khoảng năm 1790, ngoài Nước Tòa Thánh và nước Hoa kỳ tại Mỹ Châu, Giáo hội công giáo không được tự do phát triển như mình muốn, tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới, cũng chẳng có một quốc gia Công giáo nào mà người ta không tính đến việc đàn áp nó.

Việc học hành

Việc xuất hiện ngày càng nhiều học thuyết và giả thuyết thần học trong thế kỷ XVII và XVIII khiến các Bề trên Tổng quyền phải nhấn mạnh hơn việc trung thành với thánh Thomas. Các ngài đã phải dùng biện pháp nghiêm khắc để ngăn chặn việc truyền bá các tác phẩm của hai tu sĩ Đa Minh : Giuse de Vita thành Palerme và Sébastiano Knippenberg thành Cologne, là những vị đã xa rời học thuyết Thomas. Bản Ratio studiorum – chương trình học – do cha Antonio Cloche phổ biến, đã buộc suốt thời kỳ học thần học phải theo sát bộ Tổng luận Thần học của thánh Thomas, và được đào luyện kỹ lưỡng theo đạo lý của ngài.

Tổng hội 1706 đã đóng cánh cửa tương lai của các khóa học quen gọi là “matériels”, đặt nền trên các thủ bản thần học đang được mến mộ hơn bộ Tổng luận. Các Tổng hội ở thế kỷ XVIII đã không ngừng chứng tỏ tầm quan trọng của việc học hỏi Kinh thánh và việc học ngôn ngữ. Các tổng hội yêu cầu các giáo sư thần học phải đưa vào giáo trình các nội dung liên quan đến giáo sử, giáo luật và Giáo phụ. Người ta cũng đề nghị các vị gợi ý cho sinh viên tham gia những đề tài tranh luận mới và huấn luyện họ biết phi bác các lạc thuyết quan trọng nhất.

Khi đắc cử năm 1721, cha Pipia đã đề ra các chi tiết cụ thể để duy trì và phổ biến học thuyết Thomas. Hai mươi lăm năm sau tức năm 1757, cha Boxadors đã gửi một lá thư luân lưu nói về việc nghiên cứu học thuyết Thomas và yêu cầu đọc lá thư đó tại nhà cơm hàng năm, hầu cho mọi người nhớ lại sứ mạng của Dòng để giảng thuyết, và trình bày cách sâu sắc hơn các dữ kiện mạc khải dựa vào các nguyên tắc và phương pháp của thánh Thomas. Có lẽ ngài nhấn mạnh điều này vì một số tu sĩ Đa Minh Pháp tỏ ra thiện cảm với Jansénisme và Pháp giáo.

Cha Noel Alexandre, một trong số các thần học gia Pháp nổi tiếng nhất thời đó, đã cổ võ việc đi trệch đường trên bằng thế giá của mình. Năm 1684, đức Inocentê XI đã xếp cuốn Lịch sử Giáo hội của cha, một cuốn sách được người đương thời mến mộ vì lối văn phê bình sắc xảo vào thư mục sách cấm (Index) : vì tác giả theo “thuyết pháp giáo” . Cha Alexandre hoàn toàn quy phục phán quyết của Toà thánh, và thêm các lời giải thích vào ấn bản năm 1699. Trong lần xuất bản năm 1734, cha đã sửa chữa và thêm các ghi chú để làm giảm nhẹ những đoạn văn có tính công kích, và đức Bênêdicto XIV đã cất các hình phạt cho những người đọc tác phẩm của cha, nhưng vẫn để tác phẩm trong danh mục sách cấm. Khi tranh luận về “lý do trường hợp lương tâm”, bị đức Clementé XI kết án năm 1705, cha Alexandre liên kết với nhóm 39 tiến sĩ đại học Sorbonne, họ chủ trương : “thinh lặng kính trọng” trước việc kết án tín lý của Giáo hội. Cha cũng là một trong những người nại đến công đồng chung, chống lại sắc lệnh Unigenitus.

Sắc lệnh Unigenitus được công bố năm 1713, trong đó đức Clêmentê XI muốn tổ chức lễ an táng giáo lý Jansénismes đồng thời kết án “Các suy tư luân lý về sách Tân ước” của cha Quesnel thuộc dòng Oratoire. Nhiều tu sĩ Đa Minh đòi mở công đồng chung vì Quesnel xử dụng thuật ngữ của thánh Thomas khi trình bày một số sai lạc của mình. Một số người khác đã tự nguyện tham gia nhóm Jansénisme. Trong nỗ lực giải quyết những người chống lại sắc lệnh Unigenitus, cha Ripoll đã khá mạnh tay với các tu sĩ Đa Minh ở Rodez, đặc biệt là cha Viou đã bị cha Ripoll trục xuất ra khỏi Dòng năm 1744, vì các hành vi có tính bất tuân

Tòa Thánh khích lệ những cố gắng của các Bề trên Tổng quyền để nâng đỡ bảo vệ học thuyết Thomas. Đức Bênêdicto XIII, năm 1724, năm đầu tiên trong nhiệm kỳ Giáo hoàng, đã ban bố sắc lệnh “Demissas preces”, kêu mời dòng Đa Minh gìn giữ cách sống động và làm cho phong phú truyền thống Thomas. Đức giáo hoàng đã đề cập đến những nguyên tắc quan trọng nhất của thuyết Thomas, đặc biệt là vấn đề ân sủng và tương quan giữa ân sủng với tự do. Bức thư ngài gửi cho tổng hội bầu cử (năm 1725) kêu mời các tu sĩ thống nhất trong giáo lý ấy. Hai năm sau, tông huấn “Pretiosus” của ngài đã chấp nhận quyền trao bằng cấp thần học cho các sinh viên dòng cũng như ngoài dòng học tại các Tổng học viện Đa Minh.

Một đóng góp vĩ đại vào việc nghiên cứu học thuyết Thomas món quà quý giá hồng y Giêromimô Casanate tặng cho Dòng năm 1700. Trong chúc thư, ngài đã tặng cho Dòng thư viện riêng với hơn 25.000 cuốn sách, ngài đã dự liệu trước việc xây dựng một ngôi nhà tại Saint-Marie-de-la-Minerve để lưu trữ. Ngài cũng trao cho dòng hai ghế giáo sư dạy thần học Thomas và một tổ chức sáu giáo sư. Trách vụ của hai giáo sư trên là tổ chức những khóa hằng ngày trong thư viện, và cùng với sáu giáo sư kia hội họp hàng tuần để thảo luận các vấn đề thần học đương thời để tìm ra các giải pháp. Các vị đó xuất thân từ các tỉnh dòng khác nhau, được tụ họp với nhiệm vụ chính là bảo vệ đức tin. Nhân viên của thư viện gồn hai linh mục và ba thầy trợ sĩ. Thư viện Casanate, theo khế ước của đức hồng y, phải được mở cửa cho công chúng, nó đứng thứ nhì trong các thư viện Rôma, chỉ sau thư viện Vatican. Thư viện Casanate có tới hơn 200.000 cuốn sách và hơn 40.000 thủ bản. Sau năm 1870, nước Ý đã quốc hữu hóa các tài sản của giáo hội. Vị thủ thư Đa Minh cuối cùng đã rời thư viện năm 1884.

Ngoài các trách nhiệm trong Dòng, các thần học gia Đa Minh vẫn quan tâm đến những tranh luận đương thời. Để giải đáp cho triết học thời Ánh sáng, Roselli đã phổ biến một bộ “Tổng luận triết học” gồm nhiều tập. Cha Charles Louis Richard bảo vệ Giáo hội chống lại Voltaire, đồng thời bênh vực đời tu, ơn mạc khải, ngài bàn đến sự thánh thiện của đời sống hôn nhân, đến quyền bính của giáo triều và quyền sở hữu của Giáo hội. Cha Richard cùng một nhóm cộng sự viên phổ biến bộ “Từ điển tổng quát về khoa học thánh”, để trả lời bộ cho từ điển “Bách khoa”. Bộ từ điển đó đã khởi sự cho hàng loạt tác phẩm tương tự xuất hiện sau này. Trước khi chết do đạn của phe tham gia cách mạng Pháp tại Mons, thuộc Bỉ năm 1794, nhà thông thái Richard vẫn tiếp tục công việc của mình, xuất bản thêm một số sách viết về các công đồng chung của Giáo hội. Trong số các tu sĩ Đa Minh đã dùng ngòi bút mình để chống thuyết duy lý ta có thể kể : Valsecchi, Brunquell và Jost. Cha Thomas Mamachi phi bác giám mục Febronius, người xuất bản sách nhằm giảm thiểu quyền bính đức giáo hoàng tại Đức.

Môn sử Dòng được phát triển cách đáng kể trong thế kỷ XVIII do các tổng hội thúc đẩy và việc xuất bản tài liệu của nhiều tác giả. Nổi bật nhất là bộ “Các tác giả Dòng Thuyết Giáo” (Scriptores ordinis preadicatorum), được phổ biến trong khoảng năm 1719-21. Bộ sách do cha Giacôbê Quétif khởi xướng và được cha Giacôbê Richard tiếp tục, là một bản danh mục các văn sĩ Đa Minh, hiện vẫn là tài liệu không thể thiếu của ngành sử.

Người ta vẫn coi “tài liệu sưu tầm tuyệt vời nhất của thế kỷ XVIIIlà bộ “Các Văn Kiện Dòng Thuyết Giáo” (Bullarium Ordinis Preadicatorum). Mới đầu do cha Ripoll, ngài thu thập các văn kiện trong Dòng, song cha đã trúng cử bề trên Tổng quyền trước khi tài liệu được xuất bản, công trình sẽ được cha Antonin Brémond tiếp nối từ 1729-40. Cha Brémond đích thân chọn lựa, qui tụ một số sử gia để sưu tầm và công bố các tài liệu khác có liên quan đến lịch sử Dòng Đa Minh.

Dù Viện nghiên cứu sử Đa Minh đầu tiên này không tồn tại sau cuộc cách mạng Pháp và dù chưa xuất bản được bao nhiêu tài liệu, trừ cuốn “Biên niên sử” của Mamachi, thì các sử gia trên đã có công rất lớn trong việc thu thập tài liệu lưu trữ tại công hàm của dòng. Một tác phẩm quan trọng khác là bộ “Niên lịch Đa-minh” (L’Année Dominicaine), mặc dù đã nhiều tập nhưng vẫn chưa hoàn tất : công trình do cha Thomas Souèges soạn thảo, thu thập tiểu sử cuộc đời các anh chị em ưu tú, nổi bật về tinh thần trách nhiệm và sự thánh thiện.

Một số nhà nghiên cứu khác ấn hành những tài liệu về các tu viện hay các tỉnh dòng như : cha Percin viết về tu viện Toulouse, cha Bernard De Jhonge viết về tỉnh dòng Bỉ, các cha O’Heyne và Thomas de Burgo viết về tỉnh dòng Ái Nhĩ Lan. Tác phẩm “L’Istoria ecclessiastica” của cha Joseph Augustin Orsi, một nhà lý luận, một thần học gia và là một sử gia tuyệt vời, tác phẩm đó là một công trình tổng quát nhất. Nó được xem như câu trả lời cho khuynh hướng Pháp giáo trong cuốn “LHistoire ecclésiastique” của Claude Fleury. Cha Philippe-Ange Bucchetti sẽ viết tiếp tục bộ Giáo Sử của cha Orsi, theo ấn bản Rôma năm 1883, bộ sách có tất cả 50 cuốn.

Trong một thế kỷ có nhiều chân dung các văn sĩ vĩ đại như thế, người ta vốn xếp cha Nicolas Coeffeteau vào số những người khai sáng nền văn xuôi Pháp. Trong lãnh vực khoa học thánh, cha Daniel Concina tiếp tục cuộc tranh luận đã khởi xướng từ một phần tư thế kỷ, đối đầu với thuyết phóng túng và cái nhiên thuyết. Ngài thường gặp sự chống đối của những người chủ trương cực đoan nghiêm khắc thái quá. Cha Martin Wigant đã biên soạn các tác phẩm thần học luân lý. Trong số các nhà chú giải thánh Thomas, chúng ta lưu ý cách riêng các cha Giuse Ridel, Willibald Mohrenwaller và René Billwart với bộ “Somme de Saint Thomas” gồm 19 tập vẫn còn được sử dụng trong thế kỷ XX. Còn cha Anrê Augustin Krazer thì chuyên tâm nghiên cứu về môn phụng vụ.

Con đường sứ vụ

Có khá nhiều các nhà giảng thuyết nổi danh ở thế kỷ XVIII hoàn thành sứ vụ đặt biệt của Dòng như : Francois de Poscedas tại Andalousie, cha Pierre Ulloa ở Tây Ban Nha, ở Mỹ và ở quần đảo Caniries, cha Nicolas Riccardi, có biệt danh là Padre Mostro (Monstre), cha Grégoire Rocco, cha Daniel Concina ở Ý, và cha Nicolas Coeffteau ở Pháp. Các tu sĩ Đa Minh ở Đức và ở Áo cũng có những nhà giảng thuyết kỳ tài. Anh em ở Đức đến cư ngụ tại Berlin năm 1681, làm mục vụ cho các công nhân công giáo từng làm việc trong các xưởng chế tạo vũ khí của vua Fédéric-Guillaume ở Posdam. Các vị mở rộng việc truyền giảng cho một số miền trên đất Phổ và làm tuyên úy cho các binh sĩ công giáo viễn chinh của nước Phổ.

Về sứ vụ truyền giáo miền xa, anh em Đa Minh tỉnh dòng Roma vẫn tiếp tục hoạt động ở Pera, gần Constantinople, tại Kurdistan và Ba tư. Các tỉnh dòng Mỹ châu Latinh vẫn luôn chu toàn sứ vụ tại địa phương. Tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi tại Philippines gánh chịu nhiều cuộc bách hại nặng nề tại Việt nam trong thế kỷ XVIII và XIX, và cống hiến cho Giáo hội các vị tử đạo anh hùng. Các thừa sai cũng bị bách hại tại Trung hoa từ 1745-1748 và từ 1837-1838.

Các anh em Đa Minh ở Ái nhĩ lan, Anh và Hà lan, hoạt động trong các hoàn cảnh tương tự như ở các vùng truyền giáo. Rõ ràng là trong thế kỷ XVIII, các tỉnh dòng Anh và Ái nhĩ lan vẫn tồn tại trong giai đoạn anh em Tin lành tại quần đảo Britannique muốn tiêu diệt tận gốc đạo công giáo, ý định đó đã thất bại và ý tưởng anti-công giáo sẽ lắng dịu dần. Anh em Đa Minh Ái nhĩ lan đang mong chờ một tương lai sáng sủa hơn.

Dù các tu sĩ Đa Minh tại Anh giai đoạn này chỉ theo quy chế Hiệp hội không buộc phải sáp nhập vào tỉnh dòng nào, nhưng dưới sự chỉ đạo của cha Thomas Howard, họ đã tạo nên được một sức sống mới. Việc thành lập học viện Louvain năm 1697 cho phép hy vọng sẽ có một tỉnh dòng thực sự. Về phần anh em Đa Minh Hà lan, không chịu những khó khăn như các tu sĩ Anh. Họ hoạt động truyền giáo cho vùng Pays-Bas. Anh em điều hành một chủng viện do Giám mục R. Cools, một tu sĩ Đa Minh ở Roemond thành lập.

X

Thời kỳ lịch sử của dòng Đa Minh bắt đầu từ những năm 1500, được kết thúc bằng cuộc cách mạng Pháp 1789. Ngoài phong trào tập trung quyền hành từ năm 1650 ; đời tu Đa Minh chịu tác động rất lớn của lịch sử xã hội. Tuy nhiên, sứ vụ Dòng ít nổi bật về giảng thuyết đúng nghĩa, mà thiên về các sinh hoạt trí thức hơn, nghĩa là tham gia các cuộc tranh luận đương thời và đi sâu hơn vào các khoa học thực nghiệm.

Một số tỉnh dòng mở rộng thêm cánh đồng truyền giáo và sinh hoạt truyền giáo vẫn tuyệt vời trên các cánh đồng đã có từ lâu. Các vua chúa “sáng suốt” tìm cách hạn chế ơn gọi và đóng cửa nhiều tu viện, dĩ nhiên đã góp phần làm Dòng suy yếu. Giới trí thức thì chế nhạo đời sống thánh hiến và các lời khấn, và làm cạn nguồn các ơn gọi mới.

Dầu bên ngoài Dòng vẫn có vẻ mạnh mẽ, nhưng trừ một vài lãnh vực trí thức, nói chung các tu sĩ Đa Minh thời này thiếu khả năng sáng tạo. Đó là lời giải thích một phần nào những trì trệ. Các nhà thần học và triết học bị lôi cuốn vào những cuộc tranh luận cổ điển với anh em phái Don Scot, vào những cuộc bút chiến vô ích với anh em Tin lành, vào việc lập lại không ngừng những tranh luận về vấn đề ân sủng và tự do, chưa kể đến lập trường truyền thống về Ơn Vô Nhiễm. Những cuộc tranh luận này đã chiếm hết thời giờ của các nhà thần học có khả năng thay vì lo giải đáp những vấn nạn mới của triết học Ánh Sáng. Theo tinh thần của thánh Thomas, họ có thể phân biệt những điều tích cực trong thuyết duy lý để thích ứng những quan điểm mới về chính trị, xã hội cũng như trí thức phục vụ ơn cứu độ con người và hữu ích cho Giáo hội.

Dưới sự điều hành của Tòa Thánh, đời tu Đa Minh không có gì biến đổi cũng không nỗ lực nào tìm kiếm những cách thế hiện diện mới. Việc tôn trọng các giá trị nhân bản đối với các tu sĩ thời này cũng như thời trước chưa cảm thấy cần thiết. Thực ra, Dòng sống trong bối cảnh xã hội cụ thể, nên cũng như Giáo hội thời đó, bị lạc vào trong các trào lưu mới của những nhà cai trị “sáng suốt”, để phải kết thúc bằng việc lật đổ chính sách cai trị cũ và sáng tạo cơ chế mới. Chẳng bao lâu, tất cả những gì thuộc thời đại cũ đó sẽ bị tẩy chay cách thô bạo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *