Chương trình chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Bảo Gia Lợi và Cộng hòa Bắc Macedonia 5-7/5

Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Bảo Gia Lợi (hay còn gọi là Bungari) và Cộng hòa Bắc Macedonia từ Chúa Nhật mùng 5 đến hết ngày thứ Ba 7 tháng Năm. Đây là chuyến tông du thứ 29 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài Italia và là chuyến tông du thứ 4 của ngài trong năm 2019 này, sau Panama, Abu Dhabi, và Rabat.

Chúa Nhật 5 tháng 5

Sáng Chúa Nhật 5 tháng 5, lúc 7 giờ sáng, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay đến phi trường quốc tế của thủ đô Sofia vào lúc 10 giờ, theo giờ địa phương. Thủ tướng Boiko Borissov sẽ đón ngài tại phi trường và sau đó lễ nghi chính thức đón tiếp sẽ diễn ra lúc 10g40 tại quảng trường bên ngoài phủ tổng thống.

Lúc 11 giờ, Đức Thánh Cha sẽ hội kiến với Tổng thống Roumen Radev trong dinh tổng thống.

Sau đó, lúc 11g30, Ðức Thánh Cha sẽ gặp chính quyền, cùng với các đại diện xã hội dân sự và đoàn ngoại giao tại Quảng trường Atanas Burov.

Lúc 12g trưa, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm xã giao Ðức Thượng Phụ Neophyte, là Giáo chủ Chính Thống Bảo Gia Lợi, cùng với Thánh Hội Đồng của Giáo Hội này trước khi đến cầu nguyện riêng trước ngai của hai thánh Cirillo và Metodio vào lúc 12g50 tại Nhà thờ chính tòa thánh Alexander Nevsky của Tòa Thượng Phụ. Hai vị thánh này là bổn mạng các dân tộc Slave.

Lúc 13g, Đức Thánh Cha sẽ đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng với các tín hữu tại Quảng trường Thánh Nevsky.

Ban chiều, lúc 16g45, Ðức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo tại Quảng trường Knyaz Alexandar I.

Thứ Hai 6 tháng 5

Sáng thứ Hai, 6 tháng 5 năm 2019, lúc 8g30 sáng, Ðức Thánh Cha sẽ đến thăm một trại dành cho người di cư và tị nạn.

Lúc 9g30, ngài sẽ đáp máy bay đến Rakovsky, là thị trấn có 17 ngàn dân cư ở mạn đông nam thủ đô Sofia, là vùng có đông tín hữu Công Giáo nhất tại Bảo Gia Lợi.

Ðức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ tại Nhà Thờ Thánh Tâm vào lúc 11g15, và cho hàng trăm trẻ em được rước lễ lần đầu. Sau lễ, vào lúc 13g, Đức Thánh Cha sẽ dùng bữa trưa với các Giám Mục Bảo Gia Lợi tại tu viện Thánh Tâm của các nữ tu dòng Phan Sinh.

Buổi chiều, lúc 15g30, Ðức Thánh Cha sẽ gặp cộng đoàn Công Giáo tại Nhà Thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae tại Rakovsky, trước khi đáp máy bay trở về thủ đô Sofia vào lúc 17g15 để chủ sự buổi cầu nguyện cho hòa bình cùng với các vị lãnh đạo các cộng đoàn tôn giáo tại Bảo Gia Lợi ở Quảng trường Nezavisimost vào lúc 18g15.

Trong tuyên bố hôm 3 tháng Tư Thánh Hội Đồng Chính Thống Giáo Bảo Gia Lợi bác bỏ khả năng họ sẽ đến tham dự buổi cầu nguyện đại kết này.

Thứ Ba 7 tháng 5

Sáng thứ Ba, 7 tháng 5 năm 2019, Ðức Thánh Cha sẽ giã từ phi trường thủ đô Sofia lúc 8 giờ 20 để bay đến phi trường quốc tế Skopje của Cộng hòa Bắc Macedonia.

Skopje cách Sofia 174 km theo đường chim bay, và trễ hơn Sofia một giờ nên Đức Thánh Cha sẽ đến nơi vào lúc 8g15 giờ địa phương.

Lễ nghi đón tiếp chính thức Đức Thánh Cha sẽ diễn ra tại dinh tổng thống vào lúc 9g. Sau đó, Đức Thánh Cha và Tổng thống Gjorge Ivanov sẽ hội kiến riêng tại dinh tổng thống. Kế đó, vào lúc 9g30, Đức Thánh Cha sẽ gặp Thủ tướng Zoran Zaev.

Lúc 9g45, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ chính quyền dân sự, cùng với ngoại giao đoàn tại hội trường Mosaic của Phủ Tổng thống.

Lúc 10g20, Ðức Thánh Cha sẽ viếng đài kỷ niệm Mẹ Têrêsa Calcutta cùng với các vị lãnh đạo tôn giáo địa phương, và gặp gỡ những người nghèo.

Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại Quảng trường Macedonia cho các tín hữu Công Giáo vào lúc 11g30, trước khi dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng.

Ban chiều lúc 16g, Ðức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn với giới trẻ tại Trung Tâm Mục Vụ, trước khi có cuộc gặp gỡ các Linh Mục, các gia đình và nam nữ tu sĩ tại Nhà thờ Chính tòa Skopje vào lúc 17g.

Ðức Thánh Cha sẽ rời phi trường quốc tế thủ đô Bắc Macedonia lúc 18g15 để trở về Roma. Máy bay sẽ cất cánh lúc 18g30. Theo dự kiến, ngài sẽ về đến phi trường Ciampino vào lúc 20g30.


Source:Crux

Giới thiệu Đất Nước và Giáo Hội Bảo Gia Lợi

Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ lên đường đến thăm Bảo Gia Lợi (hay còn gọi là Bungari) và Cộng hòa Bắc Macedonia từ Chúa Nhật mùng 5 đến hết ngày thứ Ba 7 tháng Năm. Đây là chuyến tông du thứ 29 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài Italia và là chuyến tông du thứ 4 của ngài trong năm 2019 này, sau Panama, Abu Dhabi, và Rabat.

Trong bài này, chúng tôi xin giới thiệu với anh chị em một vài nét về quốc gia này và tình hình Giáo Hội tại đây.

Bảo Gia Lợi là một quốc gia nằm tại khu vực đông nam Âu châu, giáp với Rumani về phía bắc, giáp với Serbia và Cộng hòa Bắc Macedonia về phía tây, giáp với Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ về phía nam và cuối cùng giáp với Biển Đen về phía đông.

Quốc gia này rộng 108,489 km² với dân số là 7,101,510, và thủ đô là Sofia.

1. Lịch sử cận đại

Vị trí của Bảo Gia Lợi nằm ngay ở giao lộ quan trọng của hai châu lục khiến đây là nơi tranh giành quyền lực trong nhiều thế kỷ. Thời Trung cổ, quốc gia này đã từng là một cường quốc lớn trong thời gian dài, và có một truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời tại Âu châu. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), chính phủ cộng sản được hậu thuẫn của Liên Xô đã nắm chính quyền ở Bảo Gia Lợi, và đưa đất nước vào tình trạng lầm than cùng cực. Sau khi cộng sản tan rã tại Đông Âu, năm 1990, Bảo Gia Lợi đã tổ chức tổng tuyển cử đa đảng và đã đổi tên từ Cộng hòa Nhân dân Bảo Gia Lợi thành Cộng hòa Bảo Gia Lợi.

Tiến trình chuyển đổi dân chủ và thể chế kinh tế của Bảo Gia Lợi không dễ dàng do việc mất thị trường truyền thống Liên Xô. Điều này dẫn tới tình trạng đình đốn kinh tế, lạm phát và thất nghiệp gia tăng. Nhiều người Bảo Gia Lợi đã rời bỏ đất nước. Quá trình cải cách vẫn tiếp tục và năm 2000, Bảo Gia Lợi đã bắt đầu đàm phán xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.

Nước này là thành viên của NATO từ năm 2004 và thành viên Liên minh châu Âu từ năm 2007.

Trong những năm gần đây Bulgaria là một trong những nước có tỷ lệ tăng dân số thấp nhất thế giới. Tăng trưởng dân số âm đã diễn ra từ đầu thập niên 1990, vì sụp đổ kinh tế và di cư cao. Năm 1989 dân số nước này có 9 triệu người, giảm dần xuống còn 7.9 triệu vào năm 2001 và 7.6 triệu năm 2009.

2. Quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh

Bảo Gia Lợi có quan hệ ngoại giao chính thức với Tòa Thánh. Sứ thần Tòa Thánh tại Bảo Gia Lợi hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Anselmo Guido Pecorari, người Ý năm nay 72 tuổi. Ngài từng là Sứ Thần Tòa Thánh tại Rwanda, Uruguay. Ngài cũng kiêm nhiệm Sứ Thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Bắc Macedonia.

3. Chính trị

Từ năm 1991 Bảo Gia Lợi đã là một quốc gia dân chủ, cộng hoà nghị viện. Quốc hội hay còn gọi là Narodno Sabranie gồm 240 đại biểu, với nhiệm kỳ 4 năm và được bầu lên bởi nhân dân. Quốc hội có quyền ban hành luật, thông qua ngân sách, lập kế hoạch bầu cử tổng thống, lựa chọn và bãi chức Thủ tướng và các bộ trưởng khác, tuyên chiến, triển khai quân đội ở nước ngoài và thông qua các hiệp ước và thoả thuận quốc tế. Thủ tướng hiện nay là ông Boiko Borissov sinh ngày 13 tháng Sáu, 1959. Ông được Quốc Hội chỉ định làm Thủ tướng vào ngày 4 tháng Năm, 2017. Trước đó, ông cũng từng làm Thủ tướng từ 2009 đến 2013 và từ 2014 đến 2017. Đây là nhiệm kỳ thứ ba của ông.

Sau cuộc bầu cử năm 2013, đảng “Các công dân vì sự phát triển Âu châu”, gọi tắt là GERB, của Bảo Gia Lợi đã thắng cử với 97 ghế và trở thành đảng cầm quyền đầu tiên liên tiếp thắng lợi trong lịch sử Bảo Gia Lợi hậu cộng sản.

Tổng thống Bảo Gia Lợi là nguyên thủ quốc gia và tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Ông cũng là chủ tịch Hội đồng Tư vấn An ninh Quốc gia. Tuy không thể đưa ra bất kỳ điều luật nào ngoài việc đề xuất sửa đổi Hiến pháp, Tổng thống có thể từ chối một điều luật buộc nó phải quay lại quá trình tiếp tục tranh luận, dù nghị viện có thể bác bỏ sự phủ quyết của tổng thống bằng một đa số đại biểu.

Tổng thống hiện nay của Bảo Gia Lợi là ông Rumen Radev. Ông sinh ngày 18 tháng Sáu, 1963, được bầu làm tổng thống từ ngày 22 tháng Giêng 2017. Ông là vị tổng thống thứ năm của Bảo Gia Lợi sau thời kỳ cộng sản.

4. Chính Thống Giáo Bảo Gia Lợi

Bulgaria chính thức là một nhà nước thế tục và Hiến pháp bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng nhưng Chính thống giáo được coi là quốc giáo.

82.6% người Bulgaria thuộc về Giáo hội Chính thống Bulgaria, ít nhất là trên danh nghĩa. Được thành lập năm 870, Giáo hội Chính thống Bulgaria trực thuộc Tòa Thượng phụ Constantinople. Giáo hội Chính thống Bulgaria được ban cấp Tomos, tức là quy chế độc lập, từ năm 927.

Quan hệ Công Giáo và Chính Thống Giáo

Quan hệ Công Giáo và Chính Thống Giáo được phản ảnh rõ nét trong tuyên bố đưa ra khi kết thúc phiên khoáng đại hôm 3 tháng Tư, 2019 của Thánh Hội Đồng Chính Thống Giáo Bảo Gia Lợi. Thánh Hội Đồng này cho biết Giáo Hội Chính Thống tại quốc gia này sẽ không tham dự vào bất kỳ Phụng Vụ hay cầu nguyện chung nào.

Thánh Hội Đồng nói rằng họ đã quyết định viết thư cho Đức Tổng Giám Mục Anselmo Guido Pecorari, là Sứ thần Tòa thánh tại Bảo Gia Lợi, nói rằng vì lời mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm Bảo Gia Lợi đã đến từ chính quyền quốc gia này, nên thật phù hợp là chính quyền phối hợp với Tòa Thánh trong các sự kiện liên quan đến chuyến thăm. Chính Thống Giáo tại Bảo Gia Lợi sẽ không tham gia vào các sự kiện đó.

Thánh Hội Đồng cho biết thêm là Đức Thượng Phụ Neophyte và các thành viên của Thánh Hội Đồng đã chuẩn bị đón Đức Thánh Cha Phanxicô tại trụ sở của Thánh Hội Đồng vào ngày 5 tháng 5, như được dự kiến trong chương trình dự thảo.

Tuyên bố nói thêm: “Một chuyến viếng thăm nhà thờ Alexander Nevsky là có thể, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng bất kỳ hình thức phụng vụ hoặc cầu nguyện chung, với các trang phục phụng vụ, đều không thể chấp nhận được, vì giáo luật không cho phép điều đó.”

“Cũng vì lý do này, sự tham gia của dàn hợp xướng của Đức Thượng Phụ trong các buổi lễ là không thể được.”

Thánh Hội Đồng cũng bác bỏ sự hiện diện của các vị đại diện cho Đức Thượng Phụ Neofit trong tất cả các sự kiện khác được hoạch định trong chương trình dự thảo do chính quyền Bảo Gia Lợi đề nghị.

Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa thánh cũng được thông báo rằng:

“Liên quan đến đề nghị của ngài xin phó tế Ivan Ivanov tham gia với tư cách là một thông dịch viên trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Bảo Gia Lợi, Thánh Hội Đồng không ban phép việc này, ngoại trừ trong các chuyến viếng thăm trụ sở của Thánh Hội Đồng và Nhà thờ Chính Tòa Thánh Alexander Nevsky”.

Cuối cùng, tuyên bố nhấn mạnh rằng “Thánh Hội Đồng cũng không ban phép cho bất kỳ giáo sĩ Chính thống Bảo Gia Lợi nào tham gia vào tất cả các sự kiện khác trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Bảo Gia Lợi.”

5. Giáo Hội tại Bảo Gia Lợi

Ở thế kỷ 16 và 17, các nhà truyền giáo từ Rôma đã đến truyền đạo tại Rakovsky và Paulicians khiến những nơi này có thêm các tín hữu Công Giáo. Người Công Giáo tại Bulgaria chỉ có 0.5% dân số.

Giáo Hội Công Giáo tại Bảo Gia Lợi gồm 2 giáo phận và một Miền Phủ Doãn Tông Tòa.

Miền Phủ Doãn Tông Tòa Sofia

Thông thường, trong việc phân chia địa giới các giáo phận, thủ đô một nước thường là một tổng giáo phận. Tuy nhiên, tình hình ở Bảo Gia Lợi có phần ngược lại. Ở ngay tại thủ đô Sofia, dân số Công Giáo quá ít nên đây chỉ là một Miền Phủ Doãn Tông Tòa, được thành lập vào năm 1926. Miền Phủ Doãn Tông Tòa Sofia hiện được coi sóc bởi Đức Cha Christo Proykov, năm nay 73 tuổi. Theo thống kê vào năm 2016, Miền Phủ Doãn Tông Tòa Sofia hiện có 10,000 tín hữu, 17 linh mục, trong đó có 4 linh mục triều và 13 linh mục dòng, coi sóc 16 giáo xứ. Bên cạnh đó, còn có 27 nữ tu và 15 nam tu sĩ không có chức linh mục.

Giáo phận Sofia e Plovdiv

Sáng thứ Hai, 6 tháng 5 năm 2019, tức là ngày thứ hai trong chuyến tông du của ngài, lúc 9g30, Đức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đến Rakovsky, là thị trấn có 17 ngàn dân cư ở mạn đông nam thủ đô Sofia, là vùng có đông tín hữu Công Giáo nhất tại Bảo Gia Lợi.

Rakovsky thuộc về giáo phận Sofia e Plovdiv của Bảo Gia Lợi.

Năm 1601, Đức Giáo Hoàng Clêmentê Đệ Bát quyết định thành lập giáo phận Sardica bao gồm miền Sredek và thủ đô Sofia. Năm 1642, Đức Giáo Hoàng Urbanô Đệ Bát nâng giáo phận này lên hàng tổng giáo phận.

Đến năm 1758, vì số tín hữu sa sút nên, Đức Giáo Hoàng Clêmentê thứ 13 đổi lại thành miền Giám Quản Tông Tòa Sofia e Plovdiv. Đến ngày 3 tháng Ba năm 1979, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng lên hàng giáo phận như hiện nay.

Giáo phận Sofia e Plovdiv hiện được coi sóc bởi Đức Cha Gheorghi Ivanov Jovčev / ʒo:g-gɪ̈ va-nɔv ʒo:-vei/, năm nay 68 tuổi.

Thủ phủ của giáo phận Sofia e Plovdiv là Rakovsky. Toàn giáo phận có khoảng 33,000 tín hữu Công Giáo sinh hoạt trong 18 giáo xứ dưới sự chăm sóc mục vụ của 13 linh mục triều và 12 linh mục dòng. Bên cạnh đó, còn có 20 nữ tu và 14 nam tu sĩ không có chức linh mục.

Giáo phận Nicopoli.

Năm 1789, Đức Giáo Hoàng Clêmentê thứ 13 thiết lập giáo phận Nicopoli. Trải qua bao nhiêu sóng gió, kinh hoàng nhất là dưới thời cộng sản, giáo phận này vẫn tồn tại và phát triển mạnh cho đến nay.

Giáo phận Nicopoli hiện được coi sóc bởi Đức Cha Petko Jordanov Christov thuộc dòng Anh em Hèn mọn. Năm nay ngài 68 tuổi.

Giáo phận Nicopoli hiện có 30,000 tín hữu Công Giáo, sinh hoạt trong 21 giáo xứ dưới sự chăm sóc mục vụ của 5 linh mục triều, và 11 linh mục dòng. Bên cạnh đó còn có 20 nữ tu và 13 nam tu sĩ không có chức linh mục.

6. Các tôn giáo khác tại Bảo Gia Lợi

Hồi giáo tới nước này vào cuối thế kỷ 14 sau cuộc chinh phục của đế quốc Ottoman. Cho nên, sau Chính Thống Giáo là Hồi giáo với 12.2% dân số.

Do chính sách tận diệt người Do Thái dưới thời cộng sản dân số của cộng đồng Do Thái tại Bulgaria, từng là một trong những cộng đồng lớn nhất Âu châu giảm rất mạnh còn chưa tới 2,000 người theo thống kê vào năm 2009.


Source:Wiki

Giới thiệu Đất Nước và Giáo Hội Bắc Macedonia

Bắc Macedonia, tên chính thức là Cộng hòa Bắc Macedonia, là một quốc gia thuộc khu vực đông nam Âu châu, giáp với Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo về phía bắc, giáp với Albania về phía tây, giáp với Hy Lạp về phía nam và giáp với Bảo Gia Lợi về phía đông.

Tổng diện tích là 25,713km2 với dân số là 2,119,00 người, thủ đô là Skopje /skɒ-pi-eɪ/.

Nước Cộng hòa này có những tranh cãi với Hy Lạp về tên gọi của quốc gia vì Macedonia lại là một vùng đất lịch sử nằm trên lãnh thổ nhiều quốc gia khác nhau và có lịch sử cũng như văn hóa gắn liền Hy Lạp. Năm 1991, quốc gia này tách ra khỏi Liên bang Nam Tư lấy quốc hiệu là Cộng hòa Macedonia thì liền có những tranh cãi với Hy Lạp. Vào ngày 12 tháng 6 năm 2018, hai chính phủ Macedonia và Hy Lạp đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ chấm dứt tranh chấp kéo dài 27 năm, trong đó Cộng hòa Macedonia được đổi thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Ngày 12 tháng Hai năm nay, hai quốc gia tuyên bố rằng thỏa thuận đổi tên chính thức của Cộng hòa Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia bắt đầu có hiệu lực.

Bắc Macedonia là thành viên của Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới. Hiện nước này đang là một trong những ứng cử viên tiếp theo gia nhập Liên minh Âu châu và NATO.

1. Lịch sử cận đại

Vùng đất này liên tục bị đổi chủ đặc biệt là sau cuộc thế chiến vào thế kỷ vừa qua. Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, lãnh tụ cộng sản Tito thành lập ra Liên bang Cộng hòa Nhân dân Nam Tư và Macedonia bị sát nhập thành một trong sáu nước thành viên của Liên bang.

Ngày 8 tháng 9 năm 1991, Macedonia ly khai ra khỏi Liên bang Nam Tư một cách hòa bình và lấy ngày này là ngày quốc khánh. Khoảng đầu thập niên 1990, nước này vẫn giữ được hòa bình và không can dự vào cuộc chiến trong vùng. Nhưng khi cuộc chiến tranh ở Kosovo nổ ra vào năm 1999, khoảng 360,000 người Albania tị nạn đã chạy vào Macedonia. Sau khi chiến tranh kết thúc những người Albania ở cả hai phía biên giới lại tìm cách đòi quyền tự trị và quyền độc lập cho cộng đồng người Albania tại Cộng hòa Macedonia. Những vụ xung đột đã nổ ra giữa chính phủ Skopje với quân phiến loạn Albania tại miền bắc và miền tây đất nước trong từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2001. Cuối cùng cuộc chiến kết thúc với sự can thiệp của NATO. Theo Hiệp định Ohrid, chính phủ Macedonia đồng ý trao nhiều quyền chính trị rộng rãi hơn cho người Albania cũng như công nhận những đóng góp văn hóa của cộng đồng thiểu số này. Còn người Albania theo thỏa thuận sẽ ngừng các hoạt động ly khai chống chính phủ và giao nộp vũ khí cho NATO.

2. Quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh

Bắc Macedonia có quan hệ ngoại giao chính thức với Tòa Thánh. Sứ thần Tòa Thánh tại Bảo Gia Lợi hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Anselmo Guido Pecorari, người Ý năm nay 72 tuổi. Ngài từng là Sứ Thần Tòa Thánh tại Rwanda, Uruguay. Ngài cũng kiêm nhiệm Sứ Thần Tòa Thánh tại Bảo Gia Lợi.

3. Chính trị

Cộng hòa Bắc Macedonia là một quốc gia theo thể chế dân chủ nghị viện. Quốc Hội Bắc Macedonia, hay còn gọi là Sobranie, là cơ quan lập pháp duy nhất của Bắc Macedonia. Quốc Hội có thể có từ 120 đến 140 thành viên (hiện là 120), được bầu từ 6 khu vực bầu cử, và cũng có 3 ghế dành riêng cho các cộng đồng người Macedonia hải ngoại có đủ túc số cử tri. Các thành viên Quốc Hội được bầu với nhiệm kỳ bốn năm và không thể bị giải tán trong nhiệm kỳ. Trụ sở của Quốc Hội là ở thủ đô Skopje.

Thủ tướng hiện nay là Zoran Zaev, sinh ngày 8 tháng 10, 1974. Ông được Quốc Hội bầu vào chức vụ này ngày 31 tháng Năm, 2017.

Tổng thống là tổng tư lệnh quân đội và là người đứng đầu các lực lượng vũ trang. Ông cũng là người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia. Tuy nhiên, trong thực tế tổng thống chỉ có vai trò nghi lễ. Quyền lực thực sự nằm trong tay người đứng đầu chính phủ là thủ tướng.

Chức vụ tổng thống tại Cộng hòa Bắc Macedonia có nhiệm kỳ 5 năm và mỗi tổng thống có thể nắm tối đa 2 nhiệm kỳ. Đương kim tổng thống hiện nay là ông Gjorge Ivanov. Ông sinh ngày 2 tháng Năm, 1960, và được bầu làm tổng thống từ ngày 12 tháng Năm, 2009 đến nay.

4. Giáo Hội tại Bắc Macedonia

64.8% người dân Bắc Macedonia theo Chính Thống Giáo. 33.3% theo Hồi Giáo. Người Công Giáo chiếm chưa đầy 0.4%.

Giáo Hội Công Giáo tại Bắc Macedonia gồm một Miền Phủ Doãn Tông Tòa dành cho các tín hữu Công Giáo nghi lễ Đông phương, với 11,400 anh chị em sinh hoạt trong 8 giáo xứ. Miền Phủ Doãn Tông Tòa Đông phương này, do Đức Cha Kiro Stojanov, 60 tuổi coi sóc, có 15 linh mục triều, một linh mục dòng, 18 nữ tu và một nam tu sĩ không có chức linh mục.

Ngoài ra còn có giáo phận Skopje dành cho anh chị em Công Giáo nghi lễ Latinh, cũng do Đức Cha Kiro Stojanov coi sóc.

Giáo phận Skopje được thành lập từ thế kỷ thứ Tư với danh xưng tổng giáo phận Dardania. Đến năm 1656, Đức Giáo Hoàng Alexander Đệ Thất đặt tên lại là tổng giáo phận Skopje. Đến thế kỷ thứ 18 chỉ còn gọi là giáo phận Skopje.

Giáo phận Skopje hiện có 3,670 tín hữu sinh hoạt trong 2 giáo xứ, dưới sự chăm sóc của 7 linh mục triều và 13 nữ tu.


Source:Wiki

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *