Chuyện Huynh Đoàn: Hành Hương Đức Mẹ Mêkông, Campuchia

 

Campuchia mặc dù là đất nước Phật giáo với vô số chùa chiền kiến trúc đồ sộ, nhưng cũng được biết đến như một nơi rất nổi tiếng với đại đa số gười Công giáo là Đức Mẹ Sông Mê Kông. Thế nên, cuối nhiệm kỳ Đặc Trách Huynh Đoàn Tỉnh, với lòng ước ao được viếng Đức Mẹ từ rất lâu, Cha Đặc Trách và Cha Phụ tá cùng Ban Phục vụ đã lên đường hành hương đến mảnh đất Campuchia để về bên Mẹ.

Chúng tôi tới Thành Phố Phnom Penh vào chiều ngày 20/8/2019, trời vẫn mưa dai dẳng kéo dài không ngớt. Chương trình chiều nay định viếng Đức Mẹ sông Mê Kông ngay, nhưng vì thời tiết thay đổi nên chúng tôi chuyển hướng tham quan nhà Thờ Chính Tòa Russey Keo trước. Nơi đây thật vui sướng khi được Cha Đặc Trách và Cha Phụ Tá đã dâng một Thánh Lễ ngoại lịch mừng Lễ Hồn Xác Đức Mẹ  Lên Trời. Qua bài giảng của Cha Đặc Trách, chúng tôi được biết:

  • Năm 1850: Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Cha Jean-Claude Michelàm Đại Diện Tông Tòa  Phnôm Pênh: bao gồm đất nước Campuchia và các tỉnh miền Hậu Giang là Châu Đốc và Hà Tiên.
  • Một phần người Công giáo Việt Nam sang Campuchia lánh nạn vì những cuộc bách hại đạo vào năm 1861. Thời Pháp thuộc, người Việt Nam được đưa thêm sang Campuchia làm việc quản lý, thông ngôn, nông ngư dân, công nhân cao su , lao động thành thị. Đến năm 1897 có khoảng 4.000 người Việt sinh sống từ biển hồ Russeykeo, do các Cha thừa sai Paris coi sóc.
  • Trước đây, Giáo Phận Long Xuyên và Giáo Phận Cần Thơ thuộc về Giáo phận Nam Vang. Đặc biệt nơi đây có Chủng Viện Nam Vang, đã có trước Đại Chủng Viện Thánh Giuse miền nam Việt Nam. Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn và một số Cha miền Nam đã từng học tại chủng viện này
  • Qua gần 100 năm hình thành và phát triển, Giáo xứ Russeykeo đã trưởng thành với những sinh hoạt truyền thống đức tin mà các Mục tử Thừa Sai đã dày công vun trồng. Hơn 7000 giáo dân đã sinh sôi và lớn lên  từ dạo ấy. Và cũng từ những năm này, giáo xứ được chăm sóc bởi những vị mục tử Việt Nam.

Hôm sau, khoảng hơn 8h sáng ngày 21/8 chúng tôi đã có mặt tại nhà thờ Đức Mẹ Mê kông  (Nữ Vương Hòa Bình). Với sự ước ao đến với Đức Mẹ từ bấy lâu, hầu như mọi người đều mãn nhản thỏa lòng mong đợi, chúng tôi vây quanh Pho tượng Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu đặt cuối nhà thờ, với cảm nhận sự thiêng liêng, thanh thoát, hiền hậu tỏa sáng nơi Mẹ sông Mê Kông mặc dù Mẹ đã nằm dưới lòng sông Mê Kông nhiều năm. Tôi ôm lấy Chúa Hài Đồng với một cảm giác kỳ lạ như ôm một trẻ thơ thoang thoảng mùi hương của sữa mẹ.

Sau đó, chúng tôi tiếp tục viếng tượng Đức Mẹ được đặt trên núi nhân tạo ngang hông nhà thờ, pho tượng Đức Mẹ ban ơn được trục vớt ngày 16/4/2008 cao 1m50, nặng 150kg. Thánh Lễ nơi đây cũng được Cha Đặc Trách, Cha Phụ Tá dâng lễ. Bài giảng Cha Đặc Trách nói về lịch sử  Đức Mẹ sông Mê Kông, Mẹ đã ban cho bất cứ ai đến xin ơn gì, Mẹ cũng ban cho, hồng ân Thiên Chúa luôn tuôn đổ qua lời cầu bầu Mẹ Maria. Thánh lễ được cử hành trang nghiêm và sốt sắng, đọng lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc khó tả.

Thật là không uổng công vượt xa ngàn dặm. Cũng phải nói thêm rằng để đến viếng Đức Mẹ Mê Kông, đoàn chúng tôi phải đi qua phà Bãi Cái nơi ngã tư gồm 4 nhánh sông Hợp lưu: con sông Mê kông chạy theo hướng bắc- Nam từ Thái Lan đổ về, con sông Stonle Sap ngược dòng chảy lên biển hồ phía Đông Bắc Campuchia, đây cũng là nơi sông Mê Kông rẽ thành hai nhánh đổ xuôi vể Việt Nam ra biển tạo sông Tiền và sông Hậu.

Phà vượt sông khá lớn, chở nhiều hành khách và xe hơi. Sau 10 phút đi phà, và vài phút đi bộ là tới nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình tại Arey Ksath, huyện Lvi-em, tỉnh Condal, nhà thờ trước là tên là Bãi Cái, nay gọi là Nhà Thờ Đức Mẹ sông Mê Kông. Tại đây có hai pho tượng Đức Mẹ bằng hợp kim pha gang được đúc từ bên Pháp do Các Cha Thừa Sai mang sang đặt trong nhà thờ thuộc Giáo phận Phnompenh trước năm 1975.

Việc pho tượng nằm dưới đáy sông là bí ẩn chưa có lời giải, có thể là quân Khmer đỏ tràn vào thủ đô Phnompenh, tàn phá không thương tích các công trình tôn giáo, nhất là Giáo Hội Campucchia. Các pho tượng được vớt lên ven bờ sông, cách bến đò 250 mét, tượng thứ nhất vớt ngày 16/4/2008, và tượng thứ hai vớt ngày 19/11/2012 cách nhau không xa. Do nằm dưới nước lâu năm, các loại nhuyễn thể đeo bám nên các lớp vỏ ngoài bị phân hóa, bong tróc nhưng cấu trúc vẫn còn nguyên vẹn không biến dạng, hình dáng Đức Mẹ vẫn giữ được sự thanh thoát, thánh thiện, hiền hòa. Điều đặc biệt hai pho tượng đều được những người ngoại giáo phát hiện và trục vớt. Đồng thời họ được mặc khải bằng dấu lạ, có người tìm thấy đức tin và theo đạo nhờ lời cầu nguyện dâng lên Đức Mẹ đạt theo ý nguyện.

“Tượng Đức Mẹ vớt ngày 16/4/2008, do 8 người theo đạo Phật trục vớt. Người công giáo xin chuộc với giá 2 triệu ria. Nhưng đêm đó một trong nhóm thợ lặn thấy Đức Mẹ bay ba bốn lượt trên bè cá. Hôm sau cả nhóm tới vái lạy tượng cầu khẩn, xin tha lỗi vì sự thiếu tôn kính, thiếu hiểu biết. Cả 8 người không dám nhận tiền nữa.

Tượng Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu được vớt lên ngày 19/11/2012, do ông Phan văn Hủ, sinh năm 1953, thuộc xóm Arey Ksath, xã Arey Ksath huyện Lviem, tỉnh Condal. Ông là một người theo đạo Phật, thấy trong giấc chiêm bao đêm 18/11: “Hãy vớt tôi lên, tôi đang nằm dưới sông Mê Kông , tôi ở gần nơi mà các ông đã vớt Đức Mẹ lần trước”. Hôm sau, ông và hai con đi tìm tượng Đức Mẹ bồng Chúa Con, tượng cao 2,3 mét. Và ông Hủ nói: “ Khi vớt Đức Mẹ lên ghe, tôi có cảm giác tượng Đức Mẹ không phải là một pho tượng, nhưng là một thân thể của người đang sống như chúng ta, tôi vừa mừng vừa run. Lúc đó tôi cầu xin Mẹ cho vợ tôi khỏi bệnh, tôi dâng tượng Đức Mẹ cho nhà thờ, không tính toán hơn thiệt” tượng Đức Mẹ đây được vớt lần thứ hai với dấu ấn phép lạ cho người nghèo ngoại đạo, tại ngay bến đò này. (Trích nguồn Internet)”

Trên đường trở về, đoàn chúng tôi ai ai cũng cảm thấy phấn khởi, an vui như được ơn lành Mẹ trao ban, phù trợ cho mọi người khấn xin: ơn chữa lành, khỏi bệnh v.v…

Còn bao nhiêu thắc mắc của bao người, nhiều năm Mẹ nằm dưới dòng sông Mê Kông, tại sao con người lại có thể tìm được Mẹ. Nhưng hồng ân Thiên Chúa vẫn cao vời vẫn giang rộng cánh tay yêu thương ban cho chúng ta nhiều hồng ân nối tiếp, về bên Mẹ Mê Kông đang ẵm Chúa Hài Đồng, ánh mắt Mẹ trìu mến nhìn đoàn con cái đang cần đến Mẹ . Thiên Chúa không bao giờ từ chối lời kêu xin của Mẹ. Và Chúa sẽ ban mọi ơn cho Mẹ, để chuyển thông ơn lành cho chúng ta. Amen.

Maria Trần Thị Liên

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *