Chuyện kể cho con : Easter – Lễ Phục Sinh

Tuần vừa rồi Ba, Mẹ chuẩn bi cho các con đến trường nào trứng platic, jelly bean và Rabit Chocolate để cho các con chia sẽ với các bạn về niềm hân hoan, vui tươi  của ngày lễ Easter trong sự “tái sinh” qua hình ảnh “trứng” và “Thỏ”.

Nhân tiện đây, Ba xin chia sẽ đôi chút về ngày lễ được đón mừng trên toàn thế giới này với các con từ nguồn gốc của lễ phục sinh, lửa phục sinh, nến phục sinh…v..v..

Các con thân mến !

Thật ra, lễ Phục sinh – Easter có nguồn gốc từ lễ Vượt qua của Do Thái Giáo, bắt nguồn từ biến cố Moses dẫn dân Chúa (Israel) ra khỏi ách nô lệ người Ai Cập vượt qua biển đỏ để về miền đất Chúa hứa “đầy sữa và mật ong.” Biến cố “Vượt qua” đã đưa dân Chúa từ kiếp nô lệ, tù đày tới bến tự do, tự chủ chỉ là một phần trong công cuộc “cứu chuộc” mà Thiên Chúa đã ký kết với loài người mà người Do Thái giáo và Kitô giáo vẫn sống trong niềm tin đó. Lễ Phục sinh theo ý nghĩa đạo Thiên chúa giáo, là lễ mừng Chúa Giêsu sống lại sau ba ngày chết. Lễ này tiếp theo Tuần Thánh mà người ta tổ chức cho bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với các Tông đồ (ngày thứ Năm) và ngày Chúa chết trên Thập tự giá (thứ Sáu).

Các hậu duệ và những người Kitô giáo (người theo chúa Kitô) nhận ra rằng cái chết khổ nhục trên thập tự giá và sự phục sinh của Jesus Christ cách đây 2012 năm đã hoàn thành những gì biến cố Xuất Hành biểu hiện trước và lời giao ước của Thiên Chúa đã hứa với loài người: giải phóng con người khỏi sự dữ và đưa họ vào cuộc sống do Thiên Chúa trao ban.

Thời xa xưa người ta gọi lễ này là lễ hội mùa xuân – Frühlingsfest, spring festival hay “Ostarum.” Người Đức gọi là “Ostara” và danh từ “Ostern/ Easter” nguồn gốc từ chữ “Ost/ East” hướng về phương đông mặt trời hay mùa xuân. Người Do Thái gọi ngày lễ này là “Paschafest.” Người Ai Cập gọi là “Osterlamm/ paschal lamb” cũng nhằm ngày rằm đầu tiên mùa xuân, họ giết cừu ăn mừng được giải phóng khỏi sự đàn áp, thoát khỏi thân phận nô lệ.

Kinh thánh Tân ước không có đoạn nào nói về lễ Phục sinh của Kitô giáo. Điều này chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ hai công nguyên. Các Giáo hội Đông phương thuộc miền Tiểu Á như Êphêxô, Smyrne theo sát với truyền thống Do thái giáo, và họ mừng lễ Phục sinh theo ngày 14 tháng Nisan, cho dù ngày này rơi vào một ngày trong tuần chứ không bắt buộc phải là ngày Chúa nhật như Giáo hội Roma ngày này tưởng niệm ngày Đức Giêsu chịu chết và sống lại. Palestine, Ai cập, Hy Lạp và xứ Gaule (Pháp) mừng lễ Phục sinh vào ngày Chúa nhật vì Chúa Giêsu sống lại ngày Chúa nhật. Ngày Chúa nhật này có thể rơi vào ngày 14 Nisan của Do thái, hay là Chúa nhật kế tiếp nếu như ngày 14 Nisan không là một ngày Chúa nhật.

Có rất nhiều tranh cãi về việc mừng lễ Phục sinh, các giáo hội Đông phương cũng mừng mầu nhiệm Đức Giêsu chết và sống lại, nhưng họ đánh dấu trọng tâm vào cái chết của Người; trong khi đó bên Tây Phương nhấn mạnh vào sự sống lại. Cuộc tranh luận suýt gây ra đổ vỡ giữa hai bên. Vào năm 192, Đức Gíao Hoàng Victor quyết định dứt phép thông công các Giáo Hội miền Tiểu Á. Thánh Irênê can thiệp một ôn hoà và Đức Giáo hoàng rút lại vạ tuyệt thông để cùng thông công trong Chúa Phục Sinh.

Tại Công đồng Nicêa năm 325 do hoàng đế Constantin triệu tập, các Giáo hội Kitô giáo đồng ý tách biệt lễ Vượt qua Do thái giáo và lễ Phục sinh Kitô giáo. Các nghị phụ chấp thuận mừng lễ Phục sinh vào ngày Chúa nhật tiếp theo tuần trăng tròn (14 Nisan) sau ngày Phân xuân.

Các con thương !

Nguồn gốc của lửa phục sinh ngày xưa được đốt lên từ những cánh đồng trong đêm đầu tiên phục sinh, từ đó sẽ thắp lên ánh nến phục sinh. Ngọn lửa sưởi ấm mùa đông dài lạnh lẽo, mùa đông giá lạnh đi qua, xuân đến bắt đầu gieo trồng rồi gặt hái.

Không có mặt trời thì trên trái đất nầy sẽ không có sự sống, vì thế ánh lửa phục sinh cũng là nguồn sống của con người, lửa phục sinh tượng trưng cho ánh sáng mới mà Chúa đã mang đến cho con người. Từ năm 750 ở Pháp đã có phong tục đốt lửa phục sinh. Đến thế kỷ thứ 11 ở Đức đã dùng ánh lửa như một sự dâng hiến trong các nghi lễ về Tôn giáo.

Kế tiếp, Cơ Đốc giáo từ xa xưa đã sử dụng nến đốt sáng trên bàn thờ. Năm 384 lần đầu tiên ở Piacenca thánh Hieronymus (347- 419) viết trong thư Tông đồ về ý nghiã biểu tượng của nến phục sinh là sự sống, đến năm 417 Giáo Hoàng Zosimus cùng công nhận biểu tượng đó là sự chết và sống lại của Chúa Jesus. Từ thế kỷ thứ 7 Giáo hội La Mã công nhận và sử dụng nến phục sinh cho đến thế kỷ thứ 10 được hầu khắp các quốc gia theo Cơ Đốc giáo sử dụng cho đến thế giới ngày nay.

Nến Phục sinh được đốt lên từ đống lửa trước nhà thờ trong đêm Phục sinh được thánh hóa theo phong tục lâu đời. Nến đốt sáng được rước vào nhà thờ, tín đồ sẽ thắp nến của mình từ cây nến phục sinh cả nhà thờ được rực sáng bởi ánh nến là dấu hiệu của sự sống, chiến thắng được tội lỗi và sự chết. Mọi người reo mừng “Ánh sáng chúa Kitô” và “Alleluia”. Ngày phục sinh cây nến có ghi hình thánh giá hay khắc tia ánh sáng mặt trời hay dòng nước.. Trên nến có cắm 5 dấu đinh, phía trên ghi mẫu tự Alpha và bên dưới mẫu tự Omega với ý nghiã đầu tiên và cuối cùng của tiếng Hy Lạp, tượng trưng cho Chúa Jesus là khởi đầu và cuối cùng, Chúa Jesus là Đấng Cứu độ từ khởi đầu, hôm nay và mãi mãi.

Từ thế kỷ thứ 12, ngày thứ Bảy Tuần thánh (Ostersamstag) người ta nấu trứng gà chín và sơn màu sắc sặc sở với những ý nghiã đẹp : màu đỏ tượng trưng cho may mắn, màu xanh cho hy vọng, trẻ trung vô tội, màu vàng cho sự khôn ngoan, màu trắng cho thanh bạch màu cam cho sức mạnh…rồi bỏ trứng vào trong giỏ với những thức ăn khác mang đến nhà thờ. Trứng còn biểu tượng cho sự khởi nguyên của sự sống, bởi vậy theo truyền thuyết người chết được tẩm liệm người ta để trong quan tài một cái trứng biểu tượng cho cứu chuộc và sự sống đời sau, trên quan tài người chết thường cúng cơm có trứng gà.

Biểu tượng Thỏ phục sinh xuất hiện từ năm 1678 do một giáo sư y khoa Von Georg Franck ở Franckenau dạy đại học Heidelberg công nhận thỏ là biểu tượng của sự sinh nở phong phú.

Các chuyện thần thoại hay trong dân gian đều có con thỏ là con vật hiền lành không làm hại sinh vật nào. Thỏ không có khả năng tấn công hoặc gây nguy hại cho các loài động vật khác, nhưng lại thường xuyên bị những con như sói, báo, chim ưng, cú… uy hiếp. Chính vì vậy, thỏ thường xuyên phải vểnh tai để chú ý xem bốn phía chung quanh có động tĩnh gì không, nhằm đề phòng bất trắc. Trong hoàn cảnh khắp nơi là kẻ địch như vậy, nên đôi tai của thỏ đặc biệt to dài nghe rất thính để chạy trốn khi nghe tìếng động trước sự tấn công nên các nhà biểu tượng học xem biểu tượng con thỏ là một Thiên sứ.

Các con thân mến !
Tội lỗi hủy diệt con người và làm con người xa rời Thượng Đế, Easter – Phục sinh là lễ của mùa Xuân, của hy vọng và của sự tái sinh.  Mến chúc các con từ cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, có thể chiến thắng cái chết từ tội lỗi và phục sinh thành con người mới mà Thượng Đế trao ban.

Thương các con
Orange County ngày 31 tháng 3 năm 2013
Ngoan-Thùy-Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *