Cố chấp và thành kiến (12.03.2016 – Thứ Bảy sau Chúa Nhật 4 Mùa Chay năm C)

Lời Chúa: Ga 7,40-53

 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an

40 Khi ấy, Đức Giê-su giảng dạy tại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Trong dân chúng, có những người nghe các lời của Đức Giê-su thì nói : “Ông này thật là vị ngôn sứ.” 41 Kẻ khác rằng : “Ông này là Đấng Ki-tô.” Nhưng có kẻ lại nói : “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao ? 42 Nào Kinh Thánh đã chẳng nói : Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao ?” 43 Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. 44 Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt.
45 Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng : “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây ?” 46 Các vệ binh trả lời : “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy !” 47 Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng : “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao ? 48 Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu ? 49 Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa !” 50 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su ; ông nói với họ : 51 “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không ?” 52 Họ đáp : “Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao ? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy : không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả.”
53 Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay nối tiếp sự kiện Đức Giêsu tham dự lễ Lều Trại ở đền thờ Giê-ru-sa-lem (theo truyền thống hàng năm của người Do Thái), Người cũng giảng dạy ở đó. Lễ Lều Trại có rất đông người tham dự vì là những ngày tưởng nhớ những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho dân “It-ra-en” trong biến cố xuất hành và những ngày dân chúng sống du mục nơi sa mạc. Vào ngày bế mạc là ngày long trọng nhất trong dịp lễ, Đức Giêsu đã lớn tiếng công bố: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7, 39).

Lời tuyên bố của Đức Giêsu đã mặc khải về : “Thánh Thần” mà Người sẽ trao ban cho những ai tin vào Người; có nhiều người nghe lời ấy, họ liên tưởng đến những giáo lý cao siêu Đức Giêsu đã giảng dạy, có uy quyền như của các ngôn sứ xưa, để hướng dẫn dân chúng thực hiện giao ước với Thiên Chúa. Nhiều người khác lại thấy rằng lời giảng dậy và hoạt động của Đức Giêsu lôi cuốn được nhiều người, họ nghĩ: Đức Giêsu muốn phục hưng Vương Quốc It-ra-en. Dân chúng khâm phục Người như các ngôn sứ và còn hơn thế nữa họ cho rằng Người chính là Đấng được Thiên Chúa xức dầu để phục hưng dân tộc Ít-ra-en.

Tuy nhiên những người này cũng chỉ mới khởi đầu cho hành trình tin vào Người mà thôi; một số khác tỏ ra am hiểu Kinh Thánh thì phản bác: Đấng Ki-tô phải xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít. Những suy tư ngược chiều của đám đông khiến dân chúng chia rẽ và có ý định tra tay bắt và giết Người. Thấy những phép lạ Người làm; nghe những lời khôn ngoan Người nói, họ trầm trồ khen ngợi; nhưng họ không nhận ra và không tin Người là Đấng Kitô.

Còn những người lãnh đạo Do Thái giáo, là các thượng tế, đầu mục và giới Pha-ri-sêu;  họ vốn cố chấp, có thành kiến với Đức Giêsu nên càng căm ghét và tìm cơ hội để bắt Người; họ nguyền rủa cả những ai không đứng về phía họ để chống lại Đức Giêsu. Tuy nhiên cũng có người đã can đảm bênh đỡ cho Đức Giêsu trước âm mưu bách hại của các thượng tế và người Pha-ri-sêu, đó là ông  Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do Thái (Ga 3, 1). Ông Ni-cô-đê-mô cũng là thành viên Pha-ri-sêu và trước đây có lần ông đã đến gặp Đức Giê-su để thắc mắc về việc “tái sinh”, ông được Đức Giêsu gọi là bậc thầy trong dân Ít-ra-en (Ga 3, 9).

Thái độ và cách cư xử của dân chúng Do Thái ngày xưa đối với Đức Giêsu cho thấy lòng tin của họ được đặt trên cơ sở thực tế, phải có lợi ích trước mắt như lương thực hằng ngày, không bệnh tật đau khổ; nhất là thoát họ khỏi sự thống trị của đế quốc La Mã; họ trông chờ một vị cứu tinh dân tộc xuất hiện và làm thỏa mãn ước mơ của họ, người đó phải xuất thân từ một vương gia, quý tộc và danh giá; do đó, họ đã xem thường và muốn loại trừ Đức Giêsu. Thái độ đó ngày hôm nay vẫn còn tái diễn trong nhiều người tín hữu. Trước nhu cầu cơm áo, gạo tiền và quyền lực; đức tin của không ít người Kitô hữu dần bị suy thoái vì chỉ nghĩ đến cuộc sống vật chất, trần thế mà quên đi đời sống tinh thần và hạnh phúc đích thực mai sau; nhiều người có đạo nhưng đã dần dần không còn giữ đạo, sống đạo.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

Đặt trọn niềm tin nơi Đức Giêsu Na-da-rét, Người chính là Đấng được Thiên Chúa xức dầu để giải thoát nhân loại khỏi quyền lực tội lỗi và ban cho tôi hạnh phúc Nước Trời.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho con nhận ra Chúa đang hiện diện đồng hành với con để từng bước dẫn con đến hạnh phúc vĩnh cửu và cho con biết đặt trọn niềm tin vào Người vì Người là Đấng Kitô thiên chúa sai đến để cứu chuộc muôn dân.

SỐNG TIN MỪNG

Xác tín Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ trần gian duy nhất, hôm qua, hôm nay và mãi mãi; đồng thời nỗ lực lắng nghe và thực thi lời giáo huấn của Người trong mọi khoảnh khắc cuộc sống.

Augustin Thuận