Cô đơn và tĩnh mạc

Từ ít lâu nay, trong Hội thánh Công giáo đã xuất hiện một phong trào tu đức nhằm vào sự cô đơn.

Phong trào này đào tạo nên những con người:

Coi sự cô đơn của Chúa Giêsu là một yếu tố quan trọng của thân phận Đấng cứu Thế được sai vào đời.

Quan tâm cách đặc biệt đến những người cô đơn trong xã hội và Giáo Hội.

Biết dùng bất cứ cảnh cô đơn nào xảy đến cho chính mình, để thêm cậy tin và phó thác nơi Chúa giàu lòng thương xót.

Biết phân biệt cảnh cô đơn không cần thiết và cảnh tĩnh mạc cần thiết cho việc đạo đức.

Với mấy nhận thức trên đây, tôi xin kính mời mọi tín hữu nói chung và mọi môn đệ được gọi vào chức thánh nói riêng, hãy nhìn vào Chúa Giêsu của tuần thánh.  Hãy ngắm nhìn kỹ và suy nghĩ thực sâu, để chia sẻ đôi chút tâm tình của Người.  Bởi vì cô đơn và tĩnh mạc đang và sẽ là vấn đề lớn cho ta và cho cộng đoàn của ta.

1. Sự cô đơn của Chúa Giêsu

Trong tuần thánh, cảnh nổi bật vây phủ Chúa Giêsu là cảnh cô đơn.

a) Quần chúng trước đây tung hô Người, nay quay lại nguyền rủa Người thậm tệ. Sự thay lòng đổi dạ đó đã gây cho Chúa Giêsu một sự cô đơn đầy sát khí. Nó đổ trên Người những bất hiếu, bất trung, vô ơn, độc ác.

b) Sự cô đơn của Chúa Giêsu do quần chúng gây nên lại càng nặng thêm do thái độ các môn đệ thân tín bỏ rơi Người. Kẻ thì bán Người, kẻ thì bỏ mặc Người bị bắt, kẻ thì chối Người.

c) Sự cô đơn của Chúa Giêsu càng trở nên bi đát, khi Người bị xét xử trước tòa đạo, tòa đời hồi đó. Những kẻ được nắm quyền do ơn trên, nay lại dùng chính quyền đó để kết án Người với sự hãnh diện của thứ đạo đức giả sành nghề.

d) Sự cô đơn coi như đẩy Chúa Giêsu xuống vực thẳm sâu nhất chính là khi Người cảm thấy như mình bị Chúa Cha từ bỏ. Chính Chúa Giêsu đã thốt lên một lời diễn tả nỗi khổ đó: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Người bỏ rơi con” (Mc 15,34).

2. Sự tĩnh mạc của Chúa Giêsu

Khi Chúa Giêsu bị các nỗi cô đơn đè nặng trên mình, Người đã đối phó bằng sự đi vào cõi tĩnh mạc.

Trước hết là tĩnh mạc địa lý.  Người đi vào vườn Cây Dầu là nơi vắng vẻ.  Khi cầu nguyện, thì chỉ đi với ba môn đệ.  Nhưng rồi Người cũng không cùng với ba môn đệ cầu nguyện chung.  Người cầu nguyện một mình ở một chỗ tĩnh mạc, xa ba môn đệ.

Trong tĩnh mạc địa lý, Chúa Giêsu đi sâu vào tĩnh mạc nội tâm.  Sự tĩnh mạc này giúp Người cầu nguyện, thêm sức cho Người được chịu mọi đau khổ về thể xác và tinh thần.

Sự tĩnh mạc nội tâm này đã được nhận thấy ở sự rất ít nói của Chúa Giêsu, khi bị nhục mạ, bị vu khống, bị kết án.  Ban đầu, Người còn trả lời vắn tắt những câu tra vấn.  Sau đó, Người trả lời bằng sự im lặng.  Trên Thánh giá, Người chỉ nói mấy lời với nội dung yêu thương đối với loài người, và phó thác đối với Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Trong sự cô đơn và tĩnh mạc nội tâm, Chúa Giêsu đã rất quan tâm đến những người khác bằng tình yêu thương.

3. Sự quan tâm của Chúa Giêsu đối với những cảnh cô đơn

a) Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã an ủi các môn đệ: “Thầy không để các con phải mồ côi” (Ga 14,18). “Thầy để lại bình an cho các con. Bình an mà Thầy ban cho các con không giống bình an mà thế gian ban tặng” (Ga 14,27).  “Nếu Thầy không đi, Đấng Bảo trợ sẽ không đến với các con.  Nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với các con” (Ga 16,7).  Hơn nữa, Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức Thánh để ở lại với nhân loại một cách gần gũi đầy an ủi.

b) Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã nghĩ tới cảnh cô đơn của mẹ Người. Nên Người đã trối thánh Gioan cho Đức Mẹ, và trối Đức Mẹ cho thánh Gioan và nhân loại.

c) Trên thánh giá, Chúa Giêsu thấy rõ cảnh con người bị tội lỗi xiềng xích là cảnh cô đơn đáng phải sợ nhất, nên Người đã xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ làm khổ Người, đặc biệt là Người nhận lời kẻ trộm chịu đóng đinh bên hữu Người. Ông sẽ được cùng Người vào chốn trường sinh.

Trên đây là vài chia sẻ vắn tắt cho một vấn đề đã xưa, nhưng hiện đang là thời sự chi phối bầu khí đạo đức trong xã hội và trong Giáo Hội.

Thực vậy, theo các nhà khảo sát xã hội và quan sát tình hình tôn giáo, thì hiện nay:

Số người rơi vào cảnh cô đơn càng ngày càng đông.

Số người bị loại trừ cũng đang có chiều hướng gia tăng.

Cảnh cô đơn và cảnh bị loại trừ diễn ra ngay trong gia đình, trong các cộng đoàn xã hội, cả trong những cộng đoàn tôn giáo.

Động cơ đẩy người ta vào cảnh cô đơn và loại trừ càng ngày càng phức tạp.

Nếu chúng ta không tỉnh thức và cầu nguyện, thì cảnh cô đơn và loại trừ sẽ phát sinh và phát triển mạnh trong Hội Thánh Việt Nam ta.  Đang khi đó, cảnh tĩnh mạc sẽ lại bớt đi.  Lỗi phần nào là do các phong trào không lành mạnh trong xã hội, nhưng cũng một phần do chính những nhẹ dạ hoặc ác ý của một số thành phần thuộc nội bộ Giáo Hội ta.

Xin nhớ rằng: Ác quỷ Satan rất khôn khéo trong việc phá Hội Thánh Chúa.  Phá dưới mọi hình thức. Hiện nay hình thức Satan ưa dùng, là gây nên cảnh cô đơn và loại trừ trong chính nội bộ, đang khi đó chúng lại gây nên cảnh náo động hướng ngoại, thay cho tĩnh mạc cầu nguyện.  Nếu đúng như vậy, thì vấn đề chúng ta nên để tâm nhiều hơn trong tu đức là hãy đón Chúa Giêsu chịu tử nạn vào tâm hồn ta.

Khi Người là sự sống của ta, thì chính Người sẽ đổi mới ta.  Nhờ Người, ta sẽ biết khiêm tốn nhìn nhận mình chỉ nắm được một phần nhỏ của các sự thực, để ta sẽ sống bé nhỏ trong việc góp phần xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh có nhiều khác biệt, trên đường hành hương nhiều khi cô đơn và tĩnh mạc.

Dù cô đơn, dù tĩnh mạc, chúng ta tuyệt đối phó thác cuộc đời chúng ta nơi Chúa tình yêu. “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10,9).

 

Gm. G.B. Bùi Tuần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *