Người quản lý tuyệt phẩm của Chúa (25.10.2023 – Thứ Tư Tuần XXIX Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Ep 3,2-12 (năm chẵn), Rm 6,12-18 (năm lẻ), Lc 12,39-48

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 12,39-48)

39 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em hãy biết điều này : nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. 40 Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

41 Bấy giờ ông Phê-rô hỏi : “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người ?” 42 Chúa đáp : “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc ? 43 Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. 44 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. 45 Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng : ‘Còn lâu chủ ta mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, 46 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.

47 “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. 48 Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.”

Người quản lý tuyệt phẩm của Chúa (25.10.2023)

 “Ngài đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều”.

Mỗi người chúng ta là một người quản lý các tài sản của Thiên Chúa. Tài sản ấy trước tiên là thân xác linh hồn mình, thứ đến là ân sủng và tất cả những gì mà mình lầm tưởng là của mình như tự do, ý chí, sức khỏe, sắc đẹp, tài năng, ơn gọi, danh phận, tiền bạc, điều kiện sống, cả những tương quan…

Chúng ta chỉ là người quản lý, và phải là người quản lý trung tín, để không làm hư hao thất thoát những gì Chúa đã ban cho.

Người quản lý trung tín thì phải biết canh phòng cẩn mật và làm sinh lợi tài sản của Chúa. Chớ để kẻ trộm đào nghạch khoét vách nhà mình, và lấy cắp tài sản của Thiên Chúa, chớ dùng tài sản của Thiên Chúa cách lãng phí vô bổ mà chuốc họa vào thân.

Khi còn bé, cha mẹ vui mừng vì con ngoan, con khỏe, con đẹp, giờ con 50 tuổi, cha mẹ khóc ròng vì con nát rượu, nát bệnh, con mất kiểm soát, con tâm thần, con thân tàn ma dại.

Chúa cũng đau lòng khi chúng ta lãng phí ân sủng của Ngài, ăn chơi trác tang, mê muội hưởng thụ trần gian, để bây giờ tuyệt phẩm của Ngài chỉ còn là một cái xác không hồn, mất niềm tin, mất niềm hy vọng, mất luôn cả lòng mến Chúa yêu người…Không còn gì cả, tất cả tài sản của Thiên Chúa trong tay chúng ta đã không được làm cho sinh lợi, mà lại còn mất trắng!

Chúa dạy chúng ta hãy sẵn sàng để tường trình với Ngài về tuyệt phẩm của Ngài đã ban, sau một thời gian làm con người. Không chỉ trình bày một xác thân xinh đẹp tinh tuyền, một linh hồn luôn thuộc về Chúa, mà còn phải trình bày hoa trái tốt lành của một cuộc đời trần gian nhờ ân sủng của Chúa.

Đúng là, ai cũng phải trả lẽ về mình trước mặt Thiên Chúa, Chúa đã ban cho ai nhiều, thì Ngài sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều hơn.

     Lạy Chúa, xin giúp cho tất cả chúng con luôn biết sống công chính ngay lành trước mặt Chúa, và trước mắt mọi người, để chúng con vẫn luôn mãi được là tuyệt phẩm của Chúa ngay ở đời này và cả đời sau nơi vương quốc tình yêu Thiên Chúa. Amen.

BCT

Chia cho nhau sự sống đời này, và đời sau (19.10.2022)

“Người đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều”.

Thánh Phao-lô nói: “Thiên Chúa ban phát ân sủng để cho tôi mưu ích cho anh em: vì nhờ ơn mặc khải mà tôi biết được sự mầu nhiệm…”, và, “Hiện nay mầu nhiệm của Đức Kitô đã được mạc khải, các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa”.

Cũng thế, mỗi chúng ta đều được Chúa ban muôn vàn ân sủng, để chúng ta làm lợi cho tha nhân. Mà, mối lợi lớn nhất chính là “ Tha nhân nhận biết Thiên Chúa, và được ơn cứu độ”.

Kẻ ít, người nhiều, ai cũng được Chúa ban ân sủng, và ai cũng có bổn phận làm lợi nén ân sủng ít nhiều ấy, mới xứng đáng là người quản lý trung tín và khôn ngoan. Bởi ngày Chúa đến đưa chúng ta ra khỏi trần gian này, Chúa sẽ hỏi mỗi người: “ Nén bạc của ta đâu?”. Và bấy giờ, ai đã được Chúa ban cho nhiều, thì Người sẽ đòi lại phần lợi nơi kẻ ấy nhiều.

Cuộc sống muôn hình vạn trạng, kẻ ăn không hết, người lần không ra, kẻ tài ba lỗi lạc, người mộc mạc quê mùa…Nhưng ước gì, mỗi người, mỗi nhà đều nhận ra “ Tất cả là hồng ân của Chúa”, và biết dùng hồng ân ấy mà sinh lợi cho mình, cho người.

Có câu hát: “Cây sẽ rất buồn, nếu cây không sinh lá, lá sẽ rất buồn nếu không trái không hoa. Cuộc đời sẽ hoang vu nếu người không tiếng nói. Con người sẽ chết dần nếu không tình yêu thương. Này hãy nói với lá rằng hoa chưa đẹp nhất, nếu không chen vào giữa lá nhung xanh. Nói với anh rằng em chưa đẹp nhất, nếu không chen vào giữa trái tim anh”. Vâng, đời chúng ta cần có nhau. Nếu không có người nghèo, thì tôi chẳng biết tôi giàu có! Nếu không có người bất hạnh đau khổ thì tôi chẳng ngộ ra tôi hạnh phúc an vui. Hãy chia nhau sự sống đời này, để chúng ta cùng có sự sống  đời sau trong nước Thiên Chúa hạnh phúc đến vạn đại thiên thu.

       Lạy Chúa, xin thương giúp tất cả chúng con, biết dùng ân sủng Chúa ban, để sống mến Chúa yêu người , và làm cho mọi người  được hưởng ơn cứu độ của Chúa. Amen.

BCT

Người quản lý trung tín và khôn ngoan (20.10.2021)

“Người đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều” (Lc 12,48).

Chúa ban cho mỗi người một thân xác, có trí khôn, trí hiểu, khả năng để chúng ta giữ gìn và phát triển sự sống cho vinh danh Chúa. Chúa ban cho chúng ta linh hồn, còn ban đức tin, cậy, mến để chúng ta giữ gìn sự sống phần hồn tinh tuyền, làm nơi Chúa cư ngụ. Thân xác, linh hồn, trí khôn, khả năng, hiểu biết và đức tin cậy mến… tất cả là ân sủng Chúa ban. Những ân sủng ấy, không chỉ để chúng ta lo cho mình, mà còn phải lo cho tha nhân nữa. Chúng ta phải là những “người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ”. Làm lợi ra vốn liếng Chúa ban là bổn phận của mỗi chúng ta. Đã không làm lợi ra, lại làm thất thoát, tiêu tán, là tội vong ân nặng nề.

Nếu ngày ấy, cha mẹ sinh con ra, nâng con như nâng trứng, hứng con như hứng hoa, nuôi con lớn, cho con học hành…; mà bây giờ, con lâm cảnh nghiện ngập, lúc vật vờ như chết, lúc ngông cuồng điên dại, thì lòng cha mẹ đớn đau dường nào?! Thì cũng thế, Chúa đau lòng biết bao khi nhìn thấy thân xác linh hồn chúng ta, đã không sinh lợi gì cho mình, cho ai, không sinh lợi cho Chúa, lại biến thái ra xấu xa bi đát sống trong sự kiềm kẹp của ma quỷ, của tội lỗi. Chúa, như ông chủ sẽ trở về bất ngờ, và hỏi chúng ta, những người quản lý của Người, về số vốn liếng đã ban và phần lợi từ số vốn liếng ấy. Vậy chúng ta hãy quý chuộng ân sủng, biết ơn Người và làm sinh lợi cho Người bằng cách “sống công chính cho vinh danh Chúa, yêu thương bác ái với hết mọi người, nhất là  hiến thân phục vụ người cùng khốn”.

Lạy Chúa, xin cho các gia đình chúng con sinh lợi hồng ân Chúa ban, để sống xứng đáng là quản lý trung tín của Chúa. Amen.

BCT

Ai  được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều (21.10.2020)

Mở đầu Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến ngày ta phải lìa bỏ cõi đời này, và ngày trở lại phán xét thế gian của Chúa Giêsu. Ngày ấy sẽ đến bất ngờ “như kẻ trộm” nên “chủ nhà”  không biết trước được. Vì thế Chúa đã dặn: “Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng vì giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến”.

Tiếp tục Chúa dạy cho các tông đồ cũng là cho cả mọi người: Họ đang sở hữu sự sống con người, sản vật của cải, tài nguyên đất đai ruộng vườn, nhà cửa… Tất cả các thứ ấy đều là của “Ông Chủ” là Thiên Chúa gừi cho. Mỗi chúng ta được Chúa gọi là “những quản gia” hay còn gọi là người quản lý, người giúp việc, mà “Ông Chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở” cho ông. Chúa muốn ta phải là những người quản gia “trung tín, khôn ngoan…coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc…”. Chúa cũng muốn người quản gia phải yêu thương nữa, vì “Ông Chủ” của mình là Đấng yêu thương, để đừng bao giờ dám “đánh đập tôi trai tớ gái” của Chủ và “chè chén say sưa” mà quên bổn phận.

Người quản gia “khôn ngoan” còn phải là người “biết ý chủ” để dù khi có hay vắng mặt chủ, người quản gia ấy đều làm đẹp ý chủ, làm lợi cho chủ, cũng không được phép làm hại đến“tôi trai tớ gái” của chủ nữa.

Cuối cùng Chúa Giêsu cho ta biết Ông Chủ là Thiên Chúa giầu có quyền năng, yêu thương nhưng cũng thật công thẳng. Ông trao mọi thứ vào tay con người là những “quản gia” được ông ban cho trí tuệ, có linh hồn, có trái tim biết yêu thương, có năng lực… chứ không phải những con rôbôt. Nên phải học biết ý Chủ mà sử dụng những tài sản đã nhận được như những nén bạc mà lo làm lởi ra cho Chủ. Bởi vì “Đầy tớ nào biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ thì sẽ bị đòn nhiều…Vì ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn”.

Giờ đây nhìn vào đời mình, ta có nhận ra những “thóc gạo, những tôi trai tớ gái” mà Chúa đã trao cho ta không? Đó là những con cái cháu chắt, những người dưới quyền ta, đó là những ơn lành hồn xác Chúa ban xuống hàng ngày, đó là những gia sản ta đang thụ hưởng… Ta đã coi sóc, hướng dẫn chúng như thế nào? có sử dụng những của cải ấy theo ý Chủ, có biết dùng nó mà phục vụ tha nhân và đổi lấy hạnh phúc Nước Trời cho mình không?

Chuyện ông Gióp xưa, một mẫu gương vâng theo “ ý Chủ” tuyệt vời. Ông được Chúa ban cho một gia đình giầu có vô cùng: con cháu đông vui, tôi trai tở gái đầy nhà, sản vật không ai đếm xuể. Thế mà chỉ trong chốc lát tai họa đã làm ông chỉ còn tay trắng với con người bệnh hoạn. Ông đã không hề phàn nàn kêu trách mà sấp mình sụp lạy và nói: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: Xin chúc tụng danh Đức Chúa. (G 1, 6-22).

Lạy Chúa! Con cảm tạ Chúa hết lòng vì mọi ân huệ Chúa đã ban cho con: Được sống làm người, được làm con cái Chúa trong một thế giới vũ trụ huyền diệu này. Xin cho con luôn biết trân trọng ân huệ ấy mà tạ ơn Chúa không ngừng. Cho con biết dùng mọi thứ ân lộc Chúa ban đời này theo ý Chúa. Để khi Chúa đến bất kỳ lúc nào con cũng được Chúa yêu và được đem về bên Chúa hưởng phúc muôn đời. Amen.

 Giuse Ngọc Năng

Giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến (23.10.2019)

Mở đầu Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định chủ nhà chẳng có thể biết được giờ nào, ngày nào kẻ trộm đến trộm cướp nhà mình. Nếu biết “hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình”. Xưa nay Hội thánh vẫn dạy ta cái ngày giờ ấy chính là  ngày Chúa gọi ta ra khỏi thế gian này, hay là ngày Chúa trở lại lần thứ hai để phán xét ta. Ông Phêrô đã hỏi Chúa: “Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?”.

Chúa đã lờ đi việc trả lời cho Phêrô. Người lại dạy cho các môn đệ một bài học dài về địa vị và trách nhiệm sống của mỗi người ở trần gian này. Chúa dạy cho ta biết mỗi chúng ta được sinh ra đều là những người quản gia, quản lý cho Chúa mà Người đã đặt lên, chứ ta không phải là những ông chủ sở hữu tài sản, tiền bạc.

Vì mọi sự ở trần gian này đều là của một “Ông Chủ là chính Thiên Chúa. Tất cả những gì ta đang có: thân xác, sức khỏe, tiền của đều là của Người ban và trao cho ta quản lý cho đến ngày Chúa sẽ đòi hỏi lại. Mỗi chúng ta phải là những quản gia “trung tín, khôn ngoan” cho Chúa, để “coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát đúng giở đúng lúc”.

Người quản lý là người thay quyền chủ ở chỗ được trao. Họ phải làm theo ý chủ mà bảo vệ và làm gia tăng nguồn tài sản của chủ hiện có, không được chi tiêu hà tiện, hà khắc quá mà làm hỏng việc cho chủ. Họ cũng không được chi tiêu bừa bãi làm tổn thất của cải chủ mình. Người quản lý phải có lòng yêu thương và “trung tín”với chủ cũng như mọi người cả bên ngoài cũng như bên trong, lúc có mặt chủ cũng như khi chủ vắng mặt. Có như vậy mọi công việc nơi quản gia được trao ấy mới tốt đẹp, mới được ông chủ yêu mến, mới không bị “loại raphải chung số phận với những tên thất tín”.

Hôm nay Chúa cũng dạy cho ta một đều quan trọng nữa là: “Đầy tớ nào đã  biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều, còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt thì sẽ bị đòn ít”. Đây chính là sự khắt khe, quyết liệt đối với người đã được phúc tin yêu Chúa và cũng là sự cảm thông, nhân từ, tha thứ của Chúa đối với những ai chưa được hiểu biết Người.

Giờ đây mỗi chúng ta hãy nhận ra Chúa đã ban cho tôi, trao cho tôi quản lý những thứ gì: con người, sức khỏe, nhan sắc, địa vị, tiền của…? Tôi đã làm lợi thêm bao nhiêu cho ông chủ là Chúa của tôi? đó là việc làm bác ái đối với tha nhân. Tôi đã có phúc là được học biết ý chủ đó là sống trong đạo thánh Chúa. Có bao giờ tôi cố tình làm trái ý “Chủ” là làm trái luật Thiên Chúa không?

Người ta nói, ở một số nước người ta không nhận những người vô tín ngưỡng vào làm công cho họ. Người ta giải thích rằng, những người chẳng tin có thần thánh họ sẽ chẳng có sự trung tín với chủ trong lòng, mà chi biết tôn sợ chủ khi chủ có mặt. Ngoài ra họ sẽ dám làm đủ thứ để có lợi cho họ.

Lạy Chúa! Xin cho con luôn ý thức con đang là một người quản gia cho Chúa là Chủ của con. Cho con luôn học hiểu được ý Chúa mà làm theo và làm lợi cho Chủ nhiều. Amen.

Gs. Ngọc Năng     

Con Người sẽ đến (24.10.2018)

Mỗi người chúng ta đã được Thiên Chúa tạo dựng và sống ở trần gian này một quãng đời khác nhau. Ngày từ biệt thế gian, giờ chết của mọi người duy chỉ có một mình Thiên Chúa, đấng làm chủ sự sống biết và nắm giữ. Ngày ấy ta thường gọi là ngày phán xét riêng. Cũng vậy cả thế giới vũ trụ vật chất hùng vĩ kỳ diệu này cũng có ngày tận số của nó. Đó là ngày tận thế, phán xét chung. “Ngày ấy chỉ có Chúa cha biết mà thôi” (Mc 23,32). “Giờ phút anh em không ngờ thì Con người sẽ đến”. Biết được vai trò, thân phận mình trên dương gian này để ta biết chọn lựa, sử dụng tiền của, danh vọng thú vui… ở đời này cho phải phép của Đấng đã ban cho mình. Đó là những bổn phận của mỗi người chúng ta.

Chốn trần gian này mỗi người đã được Thiên Chúa trang bị cho những ân huệ phần hồn, phần xác khác nhau: Đó là sức khỏe, trí tuệ, nhan sắc, tiền của, thân nhân, thiên thời, địa lợi…từ đó nhận ra ơn gọi-bổn phận của mình mà thực thi theo giới luật và tiếng lương tâm hướng dẫn. Không thể khác được, cũng không thể người sao ta vậy. Như cậu thiếu niên Đa Minh Savio học trò của cha Gioan Donboscô. Có lần người ta hỏi thử cậu và các bạn cậu: “Nếu đang chơi thể thao mà được tin ngày tận thế sắp ập đến thì các cậu sẽ làm gì?” Người thì trả lời là sẽ đi xưng tội, đi đọc kinh, làm việc bác ái…

Nhưng riêng cậu Đa Minh trả lời: “Tôi vẫn cứ đá banh bình thường”. Đúng vậy cậu Đa Minh thấm nhuần lời Chúa, sống đời đạo đức, giờ nào việc nấy, mình luôn sạch tội, nên Chúa đến bất kỳ lúc nào cậu cũng chẳng lo, còn mong Chúa đến là khác nữa. Còn chúng ta, Chúa đang sai chúng ta làm “quản gia” cho Ngài: “Phải coi sóc kẻ ăn người ở để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc”. Không được “chè chén say sưa mà đánh đập tôi trai tớ gái’’. “Quản gia” ấy giờ đây đang là Giáo sĩ, tu sĩ hay những ngươi cha, người mẹ, người con, những người làm thầy, hay những chủ xưởng thợ hoặc những lao công… đều có những bổn phận cụ thể mà Lời Chúa qua Giáo Hội, cả xã hội nữa soi dẫn mà mỗi người phải thực thi.

Ngày nay chúng ta cũng rất vui mừng có nhiều quốc gia tiến bộ dân chủ, cấp trên biết lắng nghe cấp dưới và dưới biết tôn trọng cấp trên. Còn có gia đình cuối tuần cha con xum họp một buổi tối để cùng dùng bữa, cầu nguyện và góp ý cho nhau. Đó là những tổ chức, gia đình cần khích lệ vì họ biết yêu thương nhau giúp đỡ nhau làm trọn bổn phận mỗi người.

Chúa cho chúng ta thấy nguyên tắc của sự phán xét Chúa sẽ xử với mỗi người là: “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, được giao phó nhiều sẽ bị đòi nhiều hơn”. Dụ ngôn trên cùng với dụ ngôn “Những yến bạc” (Mt 25,14) càng làm sáng tỏ nội dung cho nhau: “Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến”. Giờ đây mỗi người hãy tự hỏi: “ Chúa đã trao cho mình bao yến về sức khỏe, trí tuệ, nhan sắc, tiền của, người thân?”. Đó là những ân huệ vật chất được làm người. Vậy ta đã làm được những gì để tỏ lòng bác ái đối với anh em hèn kém? Còn những ân huệ khi được làm con cái Chúa còn lớn lao gấp bội. Khi lãnh bí tích Rửa tội được tham dự vào ba chức vụ của Chúa Kitô: Tư tế, ngôn sứ, vương đế, mỗi chúng ta đã làm được những gì cho Chúa?

Lạy Chúa, xin cho con thấu hiểu và yêu mến sứ mệnh của mình được Chúa yêu thương tạo dựng giữa thế gian này. Để con luôn chăm lo phục vụ Chúa và phục vụ anh em mình. Đến ngày Chủ về được Chủ yêu mến và trọng thưởng hơn trên quê Trời. Amen.                    

Ngọc Năng (BC)

Trung thành phục vụ và sẵn sàng tỉnh thức (25.10.2017)

Dụ ngôn chủ nhà tỉnh thức. Dụ ngôn này không so sánh Thiên Chúa với tên trộm, mà so sánh việc Thiên Chúa đến và tên trộm đến cũng bất ngờ như nhau. Vì bất ngờ nên phải tỉnh thức. Ý chính là tỉnh thức.

Phải tỉnh thức chờ ngày Chúa đến

Đưa ta về bờ bến yêu thương

Thực tâm sống thật mẫu gương

Bước đi chính đạo, tìm phương sáng ngời
*
Hãy tỉnh thức để cùng mong đợi

Dù thời gian vời vợi xa xăm

Thực lòng thống hối ăn năn

Hiểm nguy tan biến, khó khăn hết dần

Dụ ngôn quản gia trung thành: Dụ ngôn này nói riêng cho những người có trách nhiệm lãnh đạo, phải trung thành phục vụ mọi người cho tới khi Chúa quang lâm. Khi đó, người đó sẽ được trọng thưởng. Trái lại nếu nghĩ rằng Chúa chưa đến, để rồi lạm dụng chức vụ lo cho bản thân và ngược đãi kẻ khác, thì khi đến ngày quang lâm sẽ bị trừng phạt nặng. Chức vụ càng cao thì hình phạt càng nặng. Ý chính là

Trung thành trong nhiệm vụ được giao.

Hãy phục vụ, tinh thần hoan hỷ

Vững một lòng, Chung thủy mà thôi

Nghĩa tình trọn vẹn người ơi!

Trung thành giữ trọn, sáng ngời niềm tin
*
Nhớ tỉnh thức giữ gìn tâm trí

Để cõi lòng ý chí thẳng ngay

Điều thiện, việc tốt: “bắt tay”

Làm cho cuộc sống từng ngày vươn lên

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực là chu toàn bổn phận của mình với một tinh thần trách nhiệm cao cùng với một tinh thần phục vụ quên mình. Người Kitô hữu luôn dấn thân để làm chứng cho Tin Mừng của Chúa. Có như vậy, chúng ta mới đáng được Chúa thưởng công ở đời này và cả đời sau.

Cùng tỉnh thức cầm đèn cháy sáng

Đợi Chủ về thấp thoáng gần xa

Nguyện cầu chăm chú thiết tha

Đến khi Chủ tới sẽ là hồng ân
*
Phải tỉnh thức rất cần đấy chứ!

Theo thời gian: quá khứ – giờ đây

Tương lai sắp đến từng ngày

“Sẵn sàng”: cảm thấy tràn đầy niềm vui.

Lạy Chúa, chúng con xin tạ ơn Chúa vì biết bao ân huệ Chúa đã ban cho chúng con. Xin Chúa cho chúng con biết phát triển những khả năng Chúa ban và dùng chúng để phục vụ tha nhân một cách tận tình chân thật. Xin Chúa cũng giúp chúng con luôn biết tỉnh thức để sẵn sàng chờ ngày Chúa đến. Amen

HOÀI THANH

Tỉnh thức – ý thức (19.10.2016)

1. Chi tiết hay: 
  • (c.45) Luca nhấn mạnh đến việc trừng phạt. Những người phục vụ trong Giáo Hội không bao giờ được lạm dụng quyền hạn của mình. Chính họ phải phục vụ chứ không được bắt người khác phục vụ mình.
  • (c.48) Ai được cho nhiều, và ai được giao phó nhiều thì phải sống đúng với chức năng của mình. Luca đã nhìn trước đến cách tổ chức trong Giáo Hội.

2. Suy niệm:

Mỗi tín hữu chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng chu toàn các bổn phận đạo đức hằng ngày như dâng lễ cầu nguyện sớm tối để đón nhận ơn Chúa. Tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách tay luôn cầm cây đèn là đức tin, chứa đầy dầu ân sủng là đức cậy, để luôn cháy sáng là đức mến giữa cuộc sống đời thường.

– Phải làm gì để đón Chúa đến ngay từ bây giờ ?:

Hãy luôn ý thức sống tốt giây phút hiện tại bằng việc chu toàn bổn phận hằng ngày. Tránh chỉ lo tích trữ của cải cho mình, đừng quá bám víu vào những của cải trần gian.

– Chu toàn công việc bổn phận:

Đối với những ai được Chúa trao quyền quản lý một gia đình, một hội đoàn, một cộng đoàn dòng tu hay giáo xứ… Hãy nhớ rằng: Mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Quyền bính là phương tiện để phục vụ tha nhân. Người ta có thể lạm dụng quyền bính để phục vụ bản thân và làm khổ kẻ khác như tên quản lý trong bài Tin mừng đã “Đánh đập tôi trai tớ gái”, “chè chén say sưa” vì nghĩ rằng còn lâu chủ mới về. Ngừơi quản lý sẽ bị phạt nặng hơn vì đã biết ý Chúa mà còn cố tình bỏ việc bổn phận của mình.

 “Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”:

Sẵn sàng để biết sử dụng của cải đúng theo ý Chúa: Cụ thể là chia cơm sẻ áo cho những người nghèo đói, góp phần nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, người già neo đơn và động viên an ủi nhưng người đau khổ bất hạnh… Hiện nay nhiều người tuy rất tỉnh thức đọc kinh cầu nguyện, nhưng lại đang mê ngủ trước những đòi hỏi phải chia sẻ bác ái của Tin Mừng. Nếu các tín hữu luôn tỉnh thức bằng việc quan tâm giúp đỡ người bên cạnh thì hai phần ba nhân loại sẽ không còn nghèo đói nữa. Bắt đầu từ hôm nay chúng ta hãy tập quảng đại cho đi những gì mình có. Hãy “làm những công việc bình thường bằng một cách thức phi thường” noi gương thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, để chiếu ánh sáng tin yêu giúp cho nhiều người nhận biết Thiên Chúa như lời Chúa dạy: “Cũng vậyánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạđể họ thấy những công việc tốt đẹpanh emlàm mà tôn vinh Cha của anh em” (Mt 5,16).

– Phải sẵn sàng phục vụ để loan báo Tin Mừng: Những ai không có tiền vẫn có thể làm việc tông đồ băng việc phục vụ. Mẹ Mẹ Têrêsa thành Calcutta và các nữ tu Thừa Sai Bác Ái đã không cho người nghèo đói bệnh tật tiền bạc vật chất, nhưng cho sự ân cần phục vụ trong yêu thương. Đây cũng là một phương cách loan báo Tin Mưng hữu hiệu. Hiện nay có nhiều tín hữu vẫn đang mê ngủ khi chỉ lo hưởng thụ tiện nghi vật chất va các đam mê thấp hèn… mà không ưu tiên tìm kiếm Nước Trời bằng việc chia sẻ phục vụ tha nhân. Thánh Phao-lô đã khuyên tín hữu chúng ta như sau: “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ!  Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào!  Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi !” (Ep 5,14).

3. Mời Bạn: Nhớ rằng Chúa không bao giờ đi vắng, nhưng luôn hiện diện trong cuộc đời bạn để khích lệ, nâng đỡ, an ủi, ban ơn… Bạn luôn sống dưới cái nhìn yêu thương và bàn tay che chở của Chúa.

4. Sống Lời Chúa: Để nhớ Chúa hiện diện, bạn hãy: – đem đạo vào đời: sống Lời Chúa trong mọi sinh hoạt trần thế như trong hôn nhân, gia đình, lao động, học hành…; – và đem đời vào đạo: dâng lên Chúa những vui buồn của đời thường khi đọc kinh, cầu nguyện, dâng lễ…

5. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, tuy Chúa luôn có mặt bên chúng con, nhưng Chúa hiện diện một cách vô hình, kín đáo, để chúng con trưởng thành. Xin giúp chúng con luôn sống trưởng thành dưới cái nhìn yêu thương của Chúa.

Lại là lời gọi sẵn sàng

“Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Lc 12,40).

Suy niệm: Lại một lần nữa Chúa Giê-su đưa ra lời kêu gọi “hãy sẵn sàng”, nhưng lần này không phải là sẵn sàng cho sự bất ngờ đầy hứng thú khi ông chủ trở về với phần thưởng trọng hậu cho người đầy tớ trung thành. Chúa đưa ra hình ảnh rất thực tế về một sự bất ngờ khó chịu: hình ảnh tên trộm luôn rình rập, chỉ cần một giây phút chủ nhà sơ hở mất cảnh giác là tên trộm chớp nhoáng ra tay. Chắc chắn rằng Ngài không có ý hù doạ chúng ta khi sánh ví việc “Con Người đến” với việc “kẻ trộm viếng nhà”. Ngài muốn nhấn mạnh rằng Lời của Chúa luôn là lời mời gọi cấp bách, đòi hỏi chúng ta đáp trả cách mau mắn và quảng đại. Hơn nữa, Ngài muốn chúng ta phải sẵn sàng ở mức cao nhất, không được phép lơ là một đường tơ kẽ tóc nào khiến cho chúng ta vuột mất hạnh phúc Chúa dành cho những “tôi tớ trung thành và khôn ngoan”.

Mời Bạn: Người tôi tớ trung thành mẫu mực là Đức Ma-ri-a tỉnh thức sẵn sàng để đón nhận lời thiên sứ truyền tin, và Mẹ cũng mau mắn, quảng đại trước lời kêu mời của Chúa “vội vã lên đường” thăm viếng phục vụ người chị là Ê-li-sa-bét (Lc 1,39-40). Hãy noi gương Mẹ.

Sống Lời Chúa: Thời gian là “tên trộm bất ngờ” thoắt đến rồi đi, và đã đi thì không bắt lại được. Tôi sẵn sàng bằng cách mau mắn quảng đại chu toàn các việc bổn phận hằng ngày của tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Lời của Chúa như ngọn lửa bùng cháy, sưởi ấm con người. Xin cho con mỗi khi nghe Lời Chúa, tâm hồn con được hấp thu sức nóng của Lời, và xin giúp con mau mắn thi hành Lời Chúa. Amen.

Sống đạo giữa đời

“Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Còn lâu chủ ta mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.” (Lc 12,39-48).

Suy niệm: Hiện diện như không hiện diện, giống như đang vắng mặt nhưng thực ra vẫn ở bên cạnh ta, đó là cách thế tế nhị Chúa dùng để giúp ta trưởng thành. Lúc nào Chúa cũng có mặt trong cuộc đời ta, nhưng một cách kín đáo. Tiếc thay ta lại hay quên điều quan trọng này! Ta thường chia cuộc đời thành nhiều ô hộc: ô hộc này có Chúa hiện diện như ô hộc nhà thờ, ô hộc đọc kinh, v.v… còn ô hộc kia thì Chúa không có mặt hay chỉ có một cách mơ hồ, như ô hộc lao động, ô hộc giải trí, ô hộc nghỉ ngơi… Trong những ô hộc này, ta không hề nghĩ đến Chúa, thậm chí còn mời Chúa đi chỗ khác chơi cho mình dễ “làm ăn”. Cuộc đời Kitô hữu bị chia thành hai phần tách biệt: đời và đạo không hề dính líu, quan hệ gì với nhau.

Mời Bạn: Nhớ rằng Chúa không bao giờ đi vắng, nhưng luôn hiện diện trong cuộc đời bạn để khích lệ, nâng đỡ, an ủi, ban ơn… Bạn luôn sống dưới cái nhìn yêu thương và bàn tay che chở của Chúa.

Sống Lời Chúa: Để nhớ Chúa hiện diện, bạn hãy: – đem đạo vào đời: sống Lời Chúa trong mọi sinh hoạt trần thế như trong hôn nhân, gia đình, lao động, học hành…; – và đem đời vào đạo: dâng lên Chúa những vui buồn của đời thường khi đọc kinh, cầu nguyện, dâng lễ…

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, tuy Chúa luôn có mặt bên chúng con, nhưng Chúa hiện diện một cách vô hình, kín đáo, để chúng con trưởng thành. Xin giúp chúng con luôn sống trưởng thành dưới cái nhìn yêu thương của Chúa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *