Mời vào dự tiệc cưới Nước Trời (18.08.2022 – Thứ Năm tuần XX Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Ed 36,23-28 (năm chẵn), Tl 11,29-39a (năm lẻ), Mt 22, 1 – 14

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 22, 1 – 14)

1 Khi ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng : 2 “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. 3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. 4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ : ‘Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng : Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới !’ 5 Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi : kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, 6 còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết. 7 Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. 8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ : ‘Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. 9 Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.’ 10 Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.
11 ‘Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12 mới hỏi người ấy : Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới ?’ Người ấy câm miệng không nói được gì. 13 Nhà vua liền bảo những người phục dịch : ‘Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng ! 14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít’.”

Mời vào dự tiệc cưới Nước Trời (18.08.2022)

Có thể nói tiệc cưới là một cuộc vui hoan lạc bậc nhất trong các tiệc vui ở trần gian nên Chúa Giêsu đã sánh ví Nước Trời như chuyện “ một vua kia mở tiệc cưới cho con mình”.

Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn dài mà nhìn vào lịch sử cứu độ, dụ ngôn đã nói lên những điều trong lịch sử ấy.

“ Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến”.  Ở đây ta có thể hiểu rằng, ông Vua trời đất chính là Thiên Chúa đã chuẩn bị việc cưới cho con mình là Chúa Giêsu cứu thế đến trần gian từ trước muôn đời. Lời mời gọi tiệc cưới ấy đã được loan báo trước trong Thánh Kinh. Thiên Chúa lại sai bao sứ giả là các ngôn sứ đến mời gọi, giảng dạy cho dân tộc Do Thái dân riêng Chúa chọn. Nhưng tất cả các ngôn sứ đều bị họ ghét bỏ loại trừ, còn bị giết nữa.

“Nhà vua lại sai các đầy tớ khác đi và dặn họ: Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn, mời quý vị đến dự tiệc cưới”. Đây là lúc mà Chúa Cứu Thế đã đến trần gian cùng các môn đệ rong ruổi giảng dạy mời gọi 3 năm trường. Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, Chúa còn hứa bàn tiệc trên trời, cùng nguồn ơn bởi các bí tích mà ra nay ở trên đời này. Chúa Giêsu thiết lập để ban cho họ đó chính là những cỗ bàn “ bò tơ và thú béo” .

 “Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: Kẻ thì đi thăm trại, người thi đi buôn, còn các kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà xỉ nhục và giết chết”. Đúng vậy Chúa Giêsu và các môn đệ của Người đã bị hầu hết các nhà cầm quyền Do Thái thù ghét loài trừ và giết chết.  Lời Chúa không thấm được vào lòng họ, họ không màng đến những điều cao sang trên trời mà chỉ biết bám lấy mọi thứ ở trần gian này làm mục đích.

“Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và tiêu diệt thành phố của chúng”. Lịch sử dân Do Thái đã ứng nghiệm: Năm 70 sau khi Chúa về trời, dân Do Thái nổi lên chống lại người La Mã hòng thoát ách nô lệ. Nhưng đế quốc La Mã hùng mạnh, đã sai đạo binh lớn đến bao vây thành Giêrusalem, phá huỷ thành, đền thờ, người chết vô kể. Dân Do Thái tan nát  đi làm tôi khắp thiên hạ từ đây.

Tiếp tục dụ ngôn : “ Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi mà những kẻ được mời thì không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”. Đến đây lịch sử đã cho ta rõ ràng: Chúa Cứu Thế đã ưu tiên tuyển chọn dân Do Thái là dân riêng của Chúa, nhưng họ đã không đón nhận Người, không đến  “dự tiệc” của Người, thì Chúa đã phế truất họ, cho đi mời gọi mọi thứ hạng người đến dự tiệc. Hai nghìn năm nay Hội Thánh thực thi sứ mệnh ấy, mời gọi hàng tỉ người thuộc mọi quốc gia không phân biệt giai cấp mầu gia chủng tộc…vào dự tiệc trong Hội Thánh Chúa.

Cuối dụ ngôn cho ta hình ảnh một người được mời dự tiệc nhưng không mặc áo cưới, người ấy như những người đã được ơn mời gọi vào Hội Thánh Chúa, đã lãnh bí tích rửa tội nhưng đời sống trơ trọi, khô khan tội lỗi. Họ không đáng được vào hưởng tiệc cưới Con Chiên nơi trần thế cũng như trên trời.

Tiệc cưới giữa Con Thiên Chúa và Hội Thánh Người đã mở ra đã hai nghìn năm nay. Nhưng bữa tiệc ấy vẫn còn đang diễn ra hàng ngày và Chúa vẫn đang mời gọi mọi người đến với Người  nơi bàn tiệc Thánh Thể.

Lạy Chúa! Con xin cảm tạ Chúa vì con đã được Chúa mời gọi bước vào Hội Thánh Chúa. Xin cho con luôn biết ơn và sống trung thành với ơn huệ ấy. Xin cho con luôn được ơn Thánh Linh mà tỉnh táo nhận ra tiếng Chúa mời gọi hàng ngày. Để con được đến hưởng ân phúc, hay để làm bổn phận của con mà Chúa muốn- Amen.

Giuse Ngọc năng .

Áo dự tiệc cưới Nước Trời (19.08.2021)

Mỗi thứ tư đầu tháng, chúng tôi có giờ học với Cha giáo là Cha Vinh Sơn Nguyễn Thành Tín Đặc trách Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh Tổng giáo phận Sài Gòn, khi thành phố thực hiện giãn cách không học tập trung tại nhà thờ Ba Chuông nữa. Lúc này chúng tôi lại có thời gian rảnh rỗi online với nhau, vậy là mỗi tuần lớp Docat có giờ học online với Cha giáo vào các sáng thứ tư, cơ hội này giúp chúng tôi có những giây phút trải lòng với Cha giáo về những hoang mang, lo sợ trong tình hình hiện nay, những gì xảy ra chung quanh cả nỗi buồn vui trong gia đình, làm chúng tôi chao đảo. Nhưng khi Cha giáo phân tích điều kỳ diệu của Thiên Chúa đã làm, con người hiện tại nhận ra tiền của thật sự không còn quan trọng nữa, mà chính là đức ái tình nghĩa thân thương với nhau mới cần thiết, Cha giáo đã lắng nghe hết mọi tâm tình của các anh chị và trấn an bằng niềm tin vào Thiên Chúa: vắc xin Giê-su. Được nghe Cha giáo giảng giải chúng tôi giải tỏa được ưu tư và niềm vui như trở lại .

Dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay mà Đức Giê-su đề cập đến: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình”. Vì sự từ chối của các vị khách được mời đã khiến chủ tiệc nổi giận sai gia nhân mời các người khác đến dự tiệc, những người sau này không phân biệt giàu nghèo tốt xấu đều được mời tham dự tiệc Nước Trời, và trong số khách mời ấy có chúng ta, vậy chúng ta đã sẵn sàng đến dự chưa? Theo thánh Théophane Vénard: “Hãy vui vẻ, rất vui vẻ. Đời một Kitô hữu thật phải mãi mãi là một ngày lễ mừng, báo trước những ngày vui vĩnh cửu”.

Thế nhưng muốn dự tiệc cưới long trọng như thế, thực khách cũng phải có sự chuẩn bị về y phục cho chỉnh tề để xứng đáng và thể hiện sự tôn trọng chủ tiệc. Vì khi chủ tiệc phát hiện: “Này bạn,làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới”, thì kẻ ấy sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài. Nước Thiên Chúa được ví như một tiệc cưới tràn ngập niềm vui của sự sống, vậy để được cùng chung bàn tiệc Nước Trời chúng ta cần có gì? Chiếc áo dự tiệc cưới, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, mỗi người Kitô hữu đều được Hội Thánh trao cho một chiếc áo trắng tinh tượng trưng cho ân sủng và sự sống mới trong Thiên Chúa. Sự sống mới ấy là sự biến đổi con người mình trở nên con cái Chúa, vun đắp đời sống đức tin theo lời dạy của Đức Kitô, làm đẹp lòng Chúa bằng sự tin tưởng, phó thác trong tay Chúa quan phòng. Sự lựa chọn theo Chúa để có cuộc sống vĩnh cửu, con người cũng phải trải qua những thử thách cam go để nhận ra giá trị của sự kiên trì nhẫn nại trong niềm tin cậy vào Thiên Chúa. Thánh Grêgôriô thành Nitxê chia sẻ: “Mục đích của đời sống đức hạnh là nên giống Thiên Chúa”. Chúng ta có nhận ra: “Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”, rất nhiều người được mời dự tiệc nhưng người được cùng chung vui trong bàn tiệc thì không phải là tất cả.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết quý trọng chiếc áo ân sủng và sự sống mới của Đức Kitô, để sự sống mới Chúa đã ban, sẽ luôn nảy sinh hoa trái trong đời sống chúng con.                                                                                       

Anna Anh

 Lời mời gọi đến với Chúa (20.08.2020)

Ngày 20.08: Lễ Nhớ Thánh Bê-na-đô, Viện phụ, TSHT

Một tiệc cưới hoàng gia được chuẩn bị linh đình nhưng những vị khách được mời dự đều khước từ, phản ứng tự nhiên của chủ tiệc là tức giận nên không ngần ngại mời người khác, và nhiều người mau mắn nhận lời, chủ nhân vui mừng nhưng không có nghĩa là mọi người đều xứng đáng để đến dự tiệc “Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít”. (Mt 22,1-14)

Dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay đề cập đến tiệc nước Trời, Thiên Chúa đã ưu ái dân Do Thái mà Người tuyển chọn trước hết. Người mong muốn tất cả đều được dự phần vào hạnh phúc đời sau, nhưng thực tế con người đã không đón nhận. Và cơ hội cho người khác được mời đến, đó là chúng ta, có phải chúng ta đã sẵn sàng nhiệt thành hưởng ứng lời mời gọi của Chúa. Chúng ta đã buông bỏ hết những đam mê tiền tài, danh vọng của đời sống này để đến với Chúa hay chưa?

 Lạy Chúa, xin giúp chúng con mở rộng tâm hồn, đón nhận tình yêu thương của Chúa, biết lắng nghe để nhận ra lời mời gọi của Chúa và luôn khao khát tìm kiếm Chúa trong cuộc đời mình.

LHTH

Chiếc áo cưới (20.08.2020)

Không ai biết đích xác được là con người đã bắt đầu biết may mặc từ thời nào, nhưng chắc chắn là rất xa xưa. Cái mặc đã đi theo cái ăn như là một trong hai cách thế hiện thân độc đáo của loài người, và ngay từ sớm, nó đã vượt ra ngoài cái ý nghĩa sở đẳng là một vật dụng để che thân cho kín đáo, cho ấm áp, hầu mang lấy những ý nghĩa khác có tính cách văn hoá, kinh tế, chính trị và tôn giáo.

Thực vậy, cái áo có thể cho chúng ta biết được giai cấp, địa vị, nghề nghiệp, và thậm chí đến cả tư cách và tính tình của một người. Người nông dân nghèo không ăn mặc như một cậu công tử thành phố. Ông quan không mặc như người lính, thầy tu không mặc như dân thường. Người con gái nết na kín đáo thì không thích ăn mặc hở hang khêu gợi. Người khiêm tốn không ăn mặc loè loẹt phô trương. Cái áo do đó có một vai trò, một ý nghĩa quan trọng trong đời sống con người. Vì thế mà Chúa Giêsu đã sử dụng nó như một hình ảnh để nói lên cái tư cách của một người công dân Nước Trời.

Bài Tin Mừng vừa nghe ghi lại hai dụ ngôn. Dụ ngôn tiệc cưới và dụ ngôn chiếc áo cưới. Hai dụ ngôn này, nguyên thuỷ có lẽ đã được Chúa Giêsu nói trong hai trường hợp riêng biệt, nhưng đã được Matthêu chắp lại thành một đề tài chung vì thấy có liên hệ với nhau.

Dụ ngôn thứ nhất ám chỉ dân Do Thái là dân hai lần được mời gọi tham dự tiệc cưới, nhưng họ đã từ chối và không những thế, họ còn sát hại những sứ giả của Thiên Chúa. Bởi đó cuối cùng, Ngài lại sai các sứ giả đi khắp các ngả đường để mời gọi tất cả mọi người, không phân biệt tốt xấu. Tuy nhiên lời mời gọi ấy đã được đưa ra với điều kiện là phải sám hối, phải hoán cải, phải đổi đời.

Sám hối, hoán cải hay đổi đời được diễn tả qua dụ ngôn chiếc áo cưới, là dụ ngôn thứ hai đã được ghi lại. Như chúng ta đã nói cái áo không phải chỉ là một đồ dùng để che thân mà còn là một trang phục, nghĩa là một phương tiện tô điểm, đánh giá con người, nói lên địa vị, nghề nghiệp cũng như tư cách của một con người. Đã hẳn tuyệt đối mà nói, cái áo không làm nên thầy tu, nhưng bình thường thì thầy tu vẫn có cái áo của thầy tu. Nhưng lính có cái áo của người lính hay ít ra thầy tu không được ăn mặc loè loẹt diêm dúa.

Ngoài ra cái áo còn là điều kiện để cho con người nhập cuộc với tha nhân: không ai ở trần và và mặc quần xà lỏn mà đi ăn đám cưới, trái lại không ai mặc bộ đồ vét mà lại đi hôi cá dưới ao.

Khi Chúa Giêsu dùng dụ ngôn chiếc áo cưới để nói về những điều kiện mà kẻ đón nhận Tin Mừng phải có để được vào Nước Trời, dĩ nhiên Ngài không muốn nói đến cái áo theo nghĩa thông thường mà là nói tới cái thái độ bên trong, tới những đức tính, hay nói đúng hơn đến cái tinh thần mà người đó phải có. Nói theo thánh Phaolô thì mặc áo cưới ở đây là mặc lấy con người mới được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Hay nói một cách mạnh mẽ hơn, đó là hãy mặc lấy Đức Kitô.

Mặc lấy Đức Kitô là mang những tâm tình của Ngài, là sống hiền từ và khiêm tốn, biết chia sẻ nỗi bất hạnh của người anhem, biết yêu thương cho đến cùng như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta và hiến mạng sống mình vì chúng ta.

Mặc lấy Đức Kitô là nên giống Ngài, đó là chiếc áo cưới mà tất cả những ai được nghe Tin Mừng và đón nhận lời mời vào Nước Chúa phải mặc lấy. Thế nhưng, có mấy ai trong chúng ta đã thực sự mặc lấy Đức Kitô như thế hay chưa?

Phúc thay những ai được tham dự bàn tiệc Nước Trời! (22.08.2019)

Ngày 22.08: Lễ Nhớ Đức Ma-ri-a Nữ Vương 

Trong Tin Mừng theo Thánh Mát thêu, Đức Giêsu giảng dạy dân chúng về hình ảnh Nước Trời bằng nhiều dụ ngôn khác nhau. Nước Trời là của những ai giống như trẻ nhỏ (Mt 19, 13-15), Nước Trời giống như gia chủ vườn nho (Mt 20, 1-16), Nước Trời giống như chuyện mười trinh nữ ra đón chàng rể (Mt 25, 1-13). Chúa nhật 28 thường niên, Giáo Hội cho chúng ta suy niệm về Nước Trời giống như chuyện một vị vua kia mở tiệc cưới cho con mình (Mt 22, 1-14).
Vị vua của Thánh Mát thêu chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn và sai đầy tớ đi mời khách: “Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. “Mời quý vị đến dự tiệc cưới” (Mt 22, 4). Nhưng các vị quan khách của ông vua này thât tàn nhẫn. Không những họ không đáp lại lời mời vì bận rộn việc buôn bán, nương rẫy, nhưng họ còn sỉ nhục và giết chết các đầy tờ của vua. Chúng ta tự hỏi nhà vua gì mà sao chẳng được tôn kính, các đầy tớ của vua chẳng được nể nang ? Ở đời này, có vị vua nào lại bị đối xử tàn nhẫn như vậy không ? Trước quan tổng trấn Philatô, Đức Giêsu đã nói : “Nước tôi không thuộc về thế gian này ” (Ga 18, 36).
Khách mời thì không đến, đầy tớ thì bị giết, vị vua nổi cơn thịnh nộ và “sai quân đi tru diệt bọn sát nhân và thiêu hủy thành phố của chúng” (Mt 22, 7). Và cũng vì phẫn nộ cái bọn bất xứng với tiệc cưới dọn sẵn, nhà vua sai các đầy tớ ra các ngã tư đường mời hết tất cả mọi người đến dự tiệc cưới, bất luận xấu tốt. Và … nhà vua thở phào nhẹ nhỏm vì phòng tiệc đã đầy thực khách. Tâm trạng của nhà vua trở nên nhẹ nhỏm thì cũng đúng thôi, vì tiệc cưới mà không có khách thì ta có gọi là tiệc cưới không, huống chi đây lại là một tiệc cưới hoàng gia!
Tại sao những người này (những người mà nhà vua không dự tính mời lúc đầu) lại trả lời một cách mau lẹ như thế ? Có phải vì họ không bận rộn với việc đồng áng, buôn bán ? Có phải vì họ không có gì nên chẳng đắn đo thiệt hơn và chỉ muốn đến chia vui cùng gia đình vua ?
Vào thời Chúa Giêsu, Ngài dùng dụ ngôn này để nói về những người cầm quyền Gio thái về thái độ chối bỏ không đón nhận Giao ước mới trong Ngài.
Ngày hôm nay, dụ ngôn này là cơ hội để chúng ta tự hỏi : chúng ta (những người kitô hữu) có sẵn sàng đáp trả lời mời đến dự tiệc thánh của Thiên Chúa hay chúng ta cũng đắn đo, do dự, vì đến dự tiệc thì mất thời gian, đến dự tiệc thì sẽ không kiếm được đồng lời nhờ buôn bán ?

Và không phải chỉ đến để có mặt trong buổi tiệc mà thôi, nhưng phải mang y phục lễ cưới, nếu không còn bị đối xử tồi tệ hơn những người không đáp lại lời mời. Gia chủ tiệc cưới nói với một thực khách không mang y phục : ” Này bạn, làm sao bạn vào đây mà không có y phục lễ cưới ? … Hãy trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng ! ” (Mt 22, 12-13). Y phục lễ cưới là gì ? Có phải áo quần thướt tha để trưng diễn với mọi người hay một tâm hồn xứng đáng với lời mời của vị gia chủ ? Thật vậy, không ai lại đến dự tiệc cưới với một con tim ghen ghét, không ai lại đến dự tiệc cưới với tấm lòng thù hằn, vì khi nói đến tiệc cưới là nói đến tình yêu. Tiệc cưới, bữa tiệc của tình yêu, bữa tiệc của niềm vui !

Đến dự bàn tiệc Thiên Chúa đã dọn sẵn, mỗi kitô hữu cũng được mời chuẩn bị tâm hồn mình để xứng đáng ngồi vào bàn tiệc cùng với toàn thể Giáo Hội và đón nhận mâm cỗ dọn sẵn chính là Mình và Máu Đức Kitô.

Lạy Thiên Chúa, vị Vua tối cao, Ngài mời gọi chúng con đến dự bàn tiệc mỗi ngày, xin cho chúng con biết đáp lại lời mời của Ngài và biết chuẩn bị y phục sẵn sàng để được ngồi vào bàn tiệc Thánh Ngài đã dọn sẵn.

” Phúc thay những ai được tham dự bàn tiệc Nước Trời ! “

Tiệc cưới (23.08.2018)

Mùa xuân năm 1947, cả thế giới chú ý tới hàng tin lớn trên báo chí cho biết: công chúa Êlisabét của nước Anh sẽ đẹp duyên với hoàng tử Philip người Hy Lạp. Cuộc tình duyên này quan trọng, bởi vì công chúa Êlisabét sẽ lên ngôi kế vị vua cha trị vì không những trên vương quốc Anh và bắc Ailen mà còn đứng đầu khối thịnh vượng lớn, gồm trên 50 quốc gia lớn nhỏ như Ấn Độ, Canađa, Úc, Tân tây Lan… Ai cũng tò mò theo dõi lễ cưới lịch sử này. Cuộc lễ được tổ chức ngày 20-11-1947 tại tu viện cổ kính Oét-minh-tơ, nơi chôn cất các bậc vương quân và những nhân vật lớn nước Anh. Người ta không những theo dõi hai nhân vật chính là cô dâu chú rể mà còn chăm chú điểm danh từng nhân vật lớn trên thế giới. Không ai được mời tới dự mà muốn vắng mặt, từ những vị nguyên thủ quốc gia đến các vị thủ tướng và các nhà chính trị, từ những nhà quý tộc đến những nhà tỷ phú. Nói tắt, tất cả những nhân vật quan trọng hàng đầu của nước Anh và nhiều nước trên thế giới đều lấy làm vinh dự được mời và được xuất hiện trong lễ cưới long trọng đó.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng kể một lễ cưới long trọng được tổ chức do một ông vua mở tiệc cưới cho hoàng tử. Câu chuyện tiệc cưới này có cái gì khác thường, từ thực khách cho đến những sự tham dự, và nhất là cách xử sự của chủ tiệc, cho chúng ta thấy có điều gì không bình thường, và đó chính là điều Chúa Giêsu muốn dạy bảo và chúng ta cần tìm hiểu. Trong thực tế có lẽ chẳng có tiệc cưới nào diễn ra như thế. Đúng, đây không phải là một tiệc cưới bình thường mà là tiệc cưới nước trời. Bữa tiệc cưới này là hình ảnh tiệc cưới nước trời mà Thiên Chúa khoản đãi loài người, không phân biệt ai, đều được mời tham dự, chỉ với một điều kiện tối thiểu là mặc áo cưới.

Qua dụ ngôn này Chúa Giêsu đã phác hoạ cho chúng ta thấy các giai đoạn chính của lịch sử cứu chuộc. Từ khi Thiên Chúa gửi đến các ngôn sứ cho đến khi Ngài gửi đến chính Con Một Ngài, nhưng tất cả đều thất bại. Cây thánh giá như chóp đỉnh của lịch sử. Có phải thất bại thật không? Thưa không, qua biến cố phục sinh, lịch sử cứu chuộc vẫn tiếp diễn. Phòng tiệc cưới vẫn rộng mở, mời gọi hết mọi người, mọi dân tộc đến tham dự, làm sao cho đầy phòng tiệc. Không ai có thể từ chối, viện lý do nọ lẽ kia ti tiện, hẹp hòi để khước từ ơn Chúa. Nếu làm như vậy là họ tự chuốc lấy án phạt cho mình.

Quả thực, qua mọi thời đại, Thiên Chúa đã gửi các đầy tớ, các vị thừa sai, đi qua mọi nẻo đường thế giới kêu gọi mọi người vào Giáo Hội. Bất cứ họ là ai, tốt xấu bất kể, đều được mời tất cả. Thiên Chúa không loại bỏ ai bao giờ, nhưng chính chúng ta tự loại bỏ chính mình, đó là hình ảnh người không mặc áo cưới. Chúng ta cần hiểu rằng: Giáo Hội đón nhận tất cả mọi người, nhưng Giáo Hội không phải là một quán cơm bình dân, nên cũng đòi hỏi một chút điều kiện tối thiểu nào đó. Nói cách khác, đành rằng Thiên Chúa rất thương kẻ có tội, và Giáo Hội của Ngài đầy tội nhân hơn là thánh nhân, nhưng dầu sao, muốn vào Giáo Hội, Chúa cũng đòi hỏi một điều kiện tối thiểu nào đó.

Y phục lễ cưới ở đây chính là điều kiện tối thiểu để được dự tiệc cưới trong nước Thiên Chúa. Theo ý kiến của một số giáo phụ, chiếc áo cưới ám chỉ đức ái, tối thiểu là cuộc sống ăn ngay ở lành. Còn theo ý kiến của các nhà chú giải Kinh Thánh hiện đại, thì chiếc áo cưới ám chỉ sự hoán cải hay sự trở về, tức là tinh thần sám hối chân thật. Nội dung của dụ ngôn cho thấy rõ điều đó: tất cả những người xấu và cả những người tốt đã được gọi vào dự tiệc. Vì lòng thương bao la của nhà vua, những người xấu này đã tỏ ra dấu hoán cải thật sự hay đã thi hành những công việc cụ thể do đức ái đòi hỏi. Chính vì thế họ đã thoát khỏi cặp mắt xét xử của nhà vua. Trong khi đó, con người kia đã không thèm để ý gì tới việc cố gắng và còn dám bước vào phòng tiệc mà không mặc áo cưới. Vì vậy, anh ta đã tự chứng tỏ rằng anh ta không xứng đáng tham dự bàn tiệc. Nói ngắn gọn hơn, Giáo Hội là một “bữa tiệc” của người tội lỗi, nhưng là những người tội lỗi tin tưởng vào Chúa Kitô và ơn cứu độ Ngài đem đến, nên đã hoán cải để nhận được ơn đó. Tóm lại, Thiên Chúa yêu thương con người, nhất là người tội lỗi. Tình thương ấy đòi hỏi một chút tình thương đáp trả mới xứng đáng dự vào bữa tiệc tình thương.

Như vậy, bài Tin Mừng này muốn dạy chúng ta ba điều: Thứ nhất, cho chúng ta thấy tính phổ quát của ơn cứu độ, bao gồm tất cả mọi người, ai cũng được mời gọi đón nhận ơn cứu độ, nhất là những người tội lỗi. Tất cả đều do sáng kiến nhân từ của Thiên Chúa hay thương xót. Thứ hai, ơn cứu độ Thiên Chúa mang đến là nhưng không, nhưng vẫn có điều kiện, là phải thống hối, ăn năn, hoán cải, phục thiện. Nói cách khác, Thiên Chúa yêu thương con người, nhất là người tội lỗi. Tình thương ấy đòi hỏi một chút tình thương đáp trả, mới xứng đáng dự vào bữa tiệc tình thương. Thứ ba, chúng ta phải cố gắng không những vào số những người được gọi, mà còn phải vào số những người được chọn nữa, bởi vì gọi thì nhiều, chọn thì ít. Được rửa tội không có nghĩa là đã được cứu rỗi không cần phải làm gì nữa. Cũng thế, vào Giáo Hội của Chúa Kitô cũng không đương nhiên vào thẳng nước trời, mà còn phải tỉnh thức, phải ra sức lập công và bền đỗ đến cùng mới được cứu rỗi.

Bài Tin Mừng làm chúng ta rất phấn khởi: chúng ta biết Thiên Chúa là một người cha thương yêu chúng ta vô cùng, lúc nào cũng sẵn sàng ban ơn trợ giúp chúng ta. Nhưng chính chúng ta phải đáp lại tình yêu thương đó bằng đời sống tốt đẹp hoặc bằng thái độ chân thành sám hối. Mọi người chúng ta hãy giúp đỡ nhau để cùng nhau sống đẹp lòng Chúa và rồi cùng nhau dự tiệc cưới nước trời vĩnh cửu mai sau.

Đáp lại lời mời của Chúa (18.08.2016)

Ghi nhớ:

“Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi hãy đi ra các ngả đường gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.” (Mt 22,8-9

Suy niệm:

Hình ảnh “tiệc cưới” thật quen thuộc đối với chúng ta, bởi vì tiệc cưới cũng là một sự kiện mà ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm; có thể chúng ta chưa và sẽ không bao giờ làm đám cưới, nhưng chắc chắn đã từng đi ăn cưới. Tuy nhiên, dụ ngôn “tiệc cưới” của Đức Giê-su lại gây ra cho chúng ta nhiều thắc mắc, thậm chí những vấn nạn, bởi lẽ dụ ngôn có nhiều điều điều lạ lùng, hay không bình thường.

Hai việc xem ra bất bình thường đó là: được Vua mời đến dự tiệc cưới, thần dân lại khước từ. Đây quả là một hành động nhục mạ đối với nhà Vua. Nhưng thách thức không kém là khi vào phòng cưới mà không chịu mặc y phục lễ cưới do nhà Vua qui định, thái độ này tỏ ra khiêu khích đến nhà Vua , nên nhà Vua phải truyền lệnh cho gia nhân trói tay chân người đó lại và ném ra ngoài.

Hình ảnh người thực khách vào dự tiệc cưới mà không chịu mặc y phục lễ cưới của nhà Vua qui định, gợi lại cho chúng ta lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Không phải những ai nói “Lạy Chúa, Lạy Chúa” mà được vào Nước Trời đâu, mà chỉ có những ai thực thi ý Chúa muốn, mới được vào mà thôi”

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở cho chúng ta về những lời cam kết khi chịu Phép Rửa Tội, một trong những ý tưởng đầy ý nghĩa của Bí Tích này là chiếc áo trắng mà Giáo Hội phủ lên người chúng ta. Chiếc áo trắng ấy là căn cước Kitô của chúng ta, chúng ta không chỉ mang nó mỗi năm một lần, mỗi tuần một lần hay thậm chí chờ cho đến khi ta nhắm mắt lìa đời. Chiếc áo trắng ấy là từng hơi thở của chúng ta, chiếc áo trắng ấy là Tin Mừng Chúa Kitô mà chúng ta phải sống từng giây phút trong cuộc sống. Có sống như thế chúng ta mới thật sự cảm nhận được niềm vui khi tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể mà Chúa dọn ra cho chúng ta trong thánh lễ mỗi ngày, nhất là vào ngày Chúa Nhật. Có sống như thế những người xung quanh mới nhìn vào chúng ta mà ngợi khen Cha chúng ta ở trên trời. Amen.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết lắng nghe Lời Chúa và sẵn sàng đáp trả lại bằng cách luôn biết sống và thực thi những điều Chúa dạy trong đời sống của mỗi người chúng conxin cho chúng con biết can đảm dứt bỏ mọi vấn vương thế trần, để đáp lại lời mời gọi tham dự tiệc thánh hàng ngày, để nhờ của ăn thần diệu là Mình Máu Thánh Chúa, chúng con được sức mạnh đỡ nâng trên hành trình về Nước Trời hưởng Tôn Nhan Chúa muôn đời. Amen.

Sống Lời Chúa :

Nhiều khi chúng ta tỏ ra nhàm chán và xem thường những gì chúng ta đang được hưởng. Thế nên chúng ta cần phải dành thời gian để hồi tâm xem lại chính bản thân mình, hầu nhận ra những ơn lành của Thiên Chúa đã ban xuống trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, để chúng ta biết tạ ơn Chúa và thực thi đời sống sao cho đẹp ý Chúa. Có như thế chúng ta mới xứng đáng là con cái được Chúa yêu thương.

                                                                       HOÀI THANH

Đi Dự Tiệc (20.08.2015)

Hôm nay, Tin Mừng thuật việc Đức Giêsu lấy hình ảnh hôn lễ để nói về Nước Trời:

– Ông Vua là Thiên Chúa Cha

– Hoàng Tử là Đức Giêsu

– Hôn Thê là Giáo Hội.

– Khách được mời là dân Dothái, nhưng họ đã khước từ, vì thế khách được mời là hết mọi người, không phân biệt.

Ngày cưới là ngày chung cuộc, ngày phán xét, ngày Vua tập hợp tất cả mọi người trên mọi nẻo đường, mọi thành phần tốt cũng như xấu, và đến giờ khia tiệc, nhà vua mới tiến vào và quan sát khách mời để phân biệt ai không có trang phục xứng hợp sẽ bị ném vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng.

Tại sao có người lại không chịu đến dự tiệc dù đã được mời? Phải chăng vì lý do chinh đáng? Ở đây nêu rõ lý do: thăm nông trại, đi buôn bán; quan trọng là họ không đếm xỉa gì gi và bỏ đi. Họ chối từ tiệc cưới vì họ không quan tâm, không màng đến phần rỗi đời đời. Nói cách khác, vào Nước Trời hay không chẳng phải là điều họ quan tâm lúc này, quan tâm của họ là vui chơi, mua bán, làm giàu… những người này chỉ biết cuộc sống trần thế hoặc không nghiêm túc sống đạo nên đánh mất cơ hội vui hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Chúng ta cũng nhiều lần viện lý do: “Đi làm, đi thăm người bệnh…” để tránh đi sứ vụ phải làm. Những lý do ấy không sai trái vì nào có ai khước từ vì lý do bận buôn lậu hoặc bận đi chơi, nên ta tự biện minh có những lý do chính đáng. Điều đó cho thấy chúng ta chỉ bận tâm đến những điều tạm bợ ở thế gian này mà quên đi điều vững bền mai sau. 

“Sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?” (Mt 22,12)

Trang phục cưới là gì? Làm thế nào để có được bộ trang phục ấy?

Người Ki-tô hữu chúng ta được trao cho bộ trang phục cưới khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, người giáo dân Đa Minh chúng ta lại được tẩy trắng tinh tuyền tấm áo ấy một lần nữa khi gia nhập Huynh đoàn, và chúng ta còn được tẩy trắng, tinh luyện mỗi khi tham dự Thánh lễ, tham dự các Giờ Kinh Phụng vụ, khi lãnh các Bí tích, khi sống Lời Chúa…

Nhưng tấm áo ấy cũng nhiều lúc bị lấm lem, nhàu nát vì những lần ta lãng quên việc bổn phận, không thi hành sứ vụ được trao ban. Cả những khi tấm áo bị rách toạc vì những lầm lỗi do những ích kỷ, tị hiềm, tham lam, bất chính,…

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức việc mình được mời đến dự tiệc Thánh Thể và Lời Chúa hằng ngày. Tuy nhiên, chúng ta đã đáp trả như thế nào? Thờ ơ lãnh đạm không đi dự tiệc vì quá nhiều bận rộn trong đời sống, hay chúng ta đi dự tiệc mà không mặc y phục lễ cưới là phẩm hạnh của bàn tiệc mà Đức Giêsu đòi hỏi như: y phục của lòng tin, cậy, mến; y phục của lòng ăn năn sám hối và sự kính trọng đối với Thiên Chúa; y phục của tình yêu thương, liên đới và chia sẻ với người nghèo.

Hướng đến Năm Thánh Dòng, ước mong, mỗi chúng ta cùng nhắc nhở, khuyến khích, nâng đỡ nhau để khi được mời gọi tham dự sứ vụ, chúng ta mau mắn đáp lời và khi được tham dự bàn tiệc Thánh Thể và Lời Chúa thì cũng được biến đổi, để tấm áo cưới của ta ngày càng trở nên trắng trong, tinh tuyền, thẳng thớm và đẹp đẽ đủ điều kiện để một ngày kia tham dự vào bàn tiệc Thiên Quốc.

theresa

Khao khát dự tiệc cưới ở Nước Trời (20.08.2015)

1. Ghi nhớ: “Nhà vua bảo đầy tớ: “ Tiệc đã sẵn sàng rồi, mànhững kẻ được mời lại không xứng đáng ” (Mt 22,8).

2. Suy niệm: Chúa luôn tha thiết kêu mời mọi người đến với bàn tiệc Nước Trời, nhưng con người không để ý tới hay khước từ những lời mời gọi ấy, vì những quyến rũ trần gian đã lôi kéo và chinh phục lòng họ. Những kẻ không xứng đáng dự tiệc trong Nước Chúa là những người ham mê của cải trần gian, thích danh vọng, ích kỷ, kiêu căng, biếng trễ, dị đoan, dâm ô …. . Như thế thì họ là những người “ không xứng đáng ” với Nước Trời. Qua hình ảnh bài dụ ngôn chúng ta hãy luôn sẳng sàng thức tỉnh và sống trung thành với niềm tin của mình.

3. Sống Lời Chúa: Giữ mình khỏi những dính bén trần tục

4. Cầu nguyện : Lạy Chúa, xin cho chúng con biết hăng hái trong việc chu toàn bổn phận hằng ngày và luôn khao khát tới ngày được vào dự tiệc cưới ở Nước Trời. Amen.

Biết chuẩn bị tiệc cưới Nước Trời (21.08.2014)

“Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.” (Mt 22,14)

Suy niệm: Tại sao có người chối từ tiệc cưới của nhà vua – biểu tượng của hạnh phúc Nước Trời – bằng những lý do vu vơ? Thưa, bởi vì họ không màng đến phần rỗi đời đời. Nói cách khác, vào Nước Trời hay không chẳng phải là điều họ quan tâm lúc này, quan tâm của họ là vui chơi, mua bán, làm giàu… Tại sao có người không mặc y phục lễ cưới? – Vì họ cho rằng hễ mời là tôi đi, cần gì phải sắm sửa. Ông chủ cần tôi chứ đâu phải tôi cần ông chủ! Họ là người tin Chúa, nhưng không tôn trọng Ngài, cũng chẳng thực hành các điều răn và Tám Mối Phúc. Như vậy, cả hai hạng người trên đây – chỉ biết cuộc sống trần thế hoặc không nghiêm túc sống đạo – đều đánh mất cơ hội vui hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Mời Bạn: Bạn có quan tâm đến hạnh phúc Nước Trời này không, hay cũng biết rồi để đó? Hoặc có thể bạn ỷ lại vào tình thương của Chúa thái quá, nên chưa sống xứng hợp tư cách người Ki-tô hữu. Bạn hãy bày tỏ lòng kính trọng và tâm tình biết ơn Chúa qua nỗ lực sống đức tin triệt để hơn trong đời sống.

Chia sẻ: Nhắc nhở, tạo điều kiện cho (vợ) chồng, con cái tuân thủ điều răn Chúa, dự lễ và cử hành phụng vụ trong giáo xứ. Những việc này là phương thế thờ phượng Chúa và đồng thời nuôi dưỡng đức tin của gia đình bạn.

Sống Lời Chúa: Tôi cố gắng dự lễ Chúa Nhật và lễ trọng, trừ khi có những lý do bất khả kháng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đừng để con vì mải mê thế sự mà quên mất việc thờ phượng Chúa. Xin cho con ý thức đó là việc quan hệ nhất trong đời Ki-tô hữu của mình. Amen.