Dấu ấn Dòng Đa Minh trên quê hương Việt Nam (6 phần)

Dấu ấn Dòng Đa Minh
trên quê hương Việt Nam

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu, op

I. Tổng quát II. Những bước chân ban đầu
III. Từ miền truyền giáo Đa Minh (1676) đến các giáo phận Dòng (1756)
IV. Các Tu sĩ Đa Minh Việt Nam
V. Dấu ấn Dòng Đa Minh
VI. Một truyền thống để khắc ghi
VI.
Một truyền thống để khắc ghi (tiếp)
I. Tổng quát

Trong lịch sử Truyền giáo tại Việt Nam, sau Hội Thừa Sai Paris, Dòng Đa Minh là đơn vị đã có những đóng góp lâu dài và phong phú, với một số nét riêng biệt trong việc xây dựng tòa nhà Giáo hội Việt Nam. Anh em Đa Minh đã xuất hiện ngay từ ban đầu, giữa thế kỷ XVI, và hiện diện liên tục trên quê hương này tính đến nay tròn 340 năm (Hai cha Juan Santa Cruz và Lezoli Cao đến Phố Hiến năm 1676),với số thừa sai và linh mục tu sĩ Việt Nam đông đảo, với sự cộng tác đắc lực của các nữ tu Đa Minh và giáo dân dòng Ba, đã trực tiếp phụ trách trên dưới hai thế kỷ vùng lãnh thổ nay là năm giáo phận, mà một số tín hữu quen gọi cách thân thương là “những địa phận dòng”, gồm Hải Phòng, Bùi Chu, Bắc Ninh, Thái Bình và Lạng Sơn.

Đúng vậy, trải qua trên ba trăm năm lịch sử, đã có 245 thừa sai thuộc tỉnh dòng Mân Côi và 40 thừa sai thuộc tỉnh dòng Lyon đến phục vụ tại Việt Nam (từ 1902). Dòng đã đóng góp 37 giám mục (31 Tây Ban Nha, 2 Pháp, 3 Việt, trong đó có khâm sứ Antoine Drapier OP (1936-50), những người lãnh trách nhiệm điều hành mọi sinh hoạt mục vụ trong giáo phận được trao phó : từ việc đào tạo linh mục tu sĩ, tổ chức các đoàn thể, hướng dẫn đức tin, đến việc kiến thiết thánh đường, cơ sở bác ái và văn hóa …

Trong phạm vi tài liệu này, trước tiên, xin trình bày đôi nét về sứ vụ truyền giáo Đa Minh, tổng hợp một vài sinh hoạt truyền thống tại các giáo phận Dòng. Cuối cùng, xin đề cập đến sự nghiệp tinh thần, những di sản đức tin và lòng nhiệt thành của các vị tiền bối, đặc biệt là chứng từ đức tin bằng máu đào của 38 thánh tử đạo thuộc Gia đình Đa Minh Việt Nam, chưa kể 118 đấng đáng kính đã hoàn tất hồ sơ.

juan_letran.jpg

Thánh Vinhsơn Liêm là bổn mạng thứ hai trường Juan Létran, Manila

II. Những bước chân ban đầu

Sứ vụ Truyền giáo gắn liền với bản chất của Dòng. Khi thánh Đa Minh qua đời, một số anh em đang được phái đi truyền giáo tại Balan và Hungari (1221). Năm 1225, một số tu sĩ khác thẳng bước đến Hy Lạp và Thánh Ðịa để thiết lập tỉnh dòng tại đây. Cũng năm đó, các tu sĩ giảng thuyết đã có mặt ở Marốc rồi Tunisie (1230), Phi Châu, đã lập các tu viện tại Kiev Nga để đi giảng Tin Mừng cho các nước vùng Baltique (1250). Cũng trong thế kỷ XIII, họ đã có mặt tại Ba Tư, Ấn Độ và Trung Hoa. Vị giám mục cuối tại Trung Hoa theo lộ trình đường bộ là đức cha Sultanic OP năm 1410.

Với tinh thần nhiệt tình hăng say đó, bước vào thời phục hưng, tổng giám mục Diego de Deja OP đứng ra bảo trợ cho ông Christophe Colomb tại triều đình tại Tây Ban Nha. Các thừa sai Ða Minh Tây Ban Nha đã cập bến Antilles năm 1510, đã thiết lập tỉnh dòng đầu tiên tại Mêhicô năm 1530 và đã làm trổ sinh những bông hoa đầu mùa tại lục địa này là thánh nữ Rosa Lima (+1617) và thánh Martinô Porres (+1639). Năm 1555, tỉnh dòng Mêhicô đã có 210 tu sĩ, trở thành điểm xuất phát cho công cuộc truyền giáo đến Châu Á. Năm 1677, Dòng có một Tổng quyền gốc Mêhicô, cha Antôn de Monroy.

Trong vùng bảo trợ của vua Bồ Đào Nha, nhiều anh em Đa Minh đã có mặt trong phái đoàn ông Albuquerque khi khám phá đất Ấn Độ. Cha De Souza OP là người rước thánh giá tiến vào Goa năm 1510. Một môn đệ cha De Souza là cha Gaspar da Cruz tình nguyện đi lập tu viện Santa Cruz tại Malacca.

Năm 1550, cha Gaspar theo tàu buôn từ Malacca vào Cần Cáo, Hà Tiên (khi đó còn thuộc Chân Lạp), 5 năm sau cha có mặt tại Quảng Đông, Trung Quốc, nơi cha bị bắt giam và bị trục xuất. Ngoài I-ni-khu, vị thừa sai đầu tiên giảng đạo ở Nam Định năm 1533, được đề cập đến trong Khâm Định Việt Sử chưa thể xác định thuộc đơn vị nào, thì sự hiện diện của cha Gaspar da Cruz năm 1550, được coi là sớm nhất.

Năm 1557, Malacca có giám mục tiên khởi thuộc dòng Đa Minh, đức cha Jorge de Santa Lucia (BĐNha). Năm 1558, hai cha Lopez và Azevedo (BĐNha) đến hoạt động ở Chân Lạp được khoảng 10 năm thì bị trục xuất.

Năm 1580, hai cha dòng Đa Minh khác là Luis da Fonseca (BĐNha) và Grégoire de la Motte (Pháp) đến giảng đạo cho người Miên, người Chiêm Thành và người Việt ở vùng Quảng Nam. Tám năm sau, hai vị bị vua Chiêm Thành kết án tử hình (1). Cha Fonseca bị giết đang khi dâng lễ (+1588). Còn cha Grégoire bị thương nặng và chết trên tàu chạy về Malacca (+1589). Hai vị được kể là những chứng nhân đầu tiên trên đất Việt. Năm 1615, giáo sĩ Buzomi đến Cửa Hàn, có gặp một vài giáo hữu Công giáo ở đây. (2)

santo_tomas.jpg

Đại học Santo Tomas – thành lập 1611

Ngày 15-8-1587 tại Manila, 15 tu sĩ Tây Ban Nha, trong đó có cha giám tỉnh tiên khởi Juan de Castro, đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng tu viện Santo Domingo, thiết lập tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi, với mục đích truyền giáo cho các dân tộc vùng Đông Á gồm Philippines, Trung Hoa, Việt Nam và Nhật Bản. Đây là một tỉnh dòng đặc biệt trong lịch sử truyền giáo của Dòng, vì suốt hai thế kỷ rưỡi, tỉnh dòng không có cơ sở huấn luyện, chỉ chiêu mộ anh em từ các tỉnh dòng khác hoặc đào tạo tại miền truyền giáo. Ai thiếu tư cách hoặc nản chí thường được trả về tỉnh dòng cũ. Mãi đến năm 1830, tỉnh dòng mới có trung tâm đào tạo tại Ocaña (Ô-ca-nha), vừa là thỉnh viện, tập viện lẫn học viện. (3)

Theo lời mời của các vua hoặc quan đại thần Chân Lạp, các vị thừa sai tỉnh dòng Mân Côi đã thực hiện được bốn chuyến truyền giáo tại đây. Năm 1596, hai cha Jimenez, Aduarte và thầy Deza đến vùng Châu Đốc, rồi vòng lên Hội An, nhưng chỉ rửa tội được cho hai tù nhân bị án tử hình. Năm 1598, hai cha Maldonado và Bastida đến vùng lưu vực sông Cửu Long. Tiếc rằng nhà vua băng hà nên các vị đành trở về tay không. Năm 1603, ba cha Inigo, Bellen và Collar đến tận Kinh thành Lovea En, dựng được một nhà nguyện. Khi Ấu vương Srey Sauryeper đổi chính sách, các vị về Manila. Năm 1629-1631, theo lời mời quan tòa quyền Chân Lạp, cha Morales dẫn đầu một phái đoàn năm người đến lưu vực sông Cửu Long, cũng dựng được một nhà nguyện để dâng lễ. Dân địa phương hiếu kỳ đến xem nhưng chẳng ai theo đạo. Các cha chỉ rửa tội được một em bé gái, con một tín hữu Nhật.

 

 

(1) Năm 1566, Nguyễn Hoàng trấn đóng Quảng Nam. Hai cha bị quân Chiêm bắt trong một cuộc chiến với nhà Nguyễn. Marcos Gispert, Historia de la Misiones Dominicanas en Tungkin, Avila, 1928, tr 188.- Louvet, La Cochinchine religieuse I, Paris, 1885, tr 230.

(2) Hồng Lam, Lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, chú giải F của cha Cadière. Nxb Đại Việt – Huế, 1944

(3) Năm 1876 công chúa TBN Isabella II, tặng tòa nhà Santo Tomas tại Avila làm học viện. Năm 1958 tỉnh dòng mới xây học viện thánh Phêrô Tử Đạo tại Madrid. Tây ban nha ñ đọc theo âm “nh”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *