Dấu ấn Dòng Đa Minh trên quê hương Việt Nam (3/6)

IV. Các Tu sĩ Đa Minh Việt Nam

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu, op

Sự hiện diện của các tu sĩ Đa Minh Việt Nam gồm có hai giai đoạn, với khoảng cách 53 năm không có lớp khấn nào.

4.1. Giai đoạn I (1738-1882)

Năm 1738, là thời điểm đáng ghi nhớ trong lịch sử Đa Minh trên đất Việt, khi hai tu sĩ Đa Minh Việt Nam tiên khởi  là cha Pio de Santa Cruz và cha Gioan de Santo Domingo được diễm phúc tuyên khấn Dòng trong tay cha chính Valerio Khâm. Hai vị đã theo giúp đức cha Juan de Santa Cruz Thập từ khi còn nhỏ tuổi và thụ phong linh mục khi đức cha đã qua đời. Để tỏ lòng biết ơn và kính nhớ đức cha, khi tuyên khấn, mỗi vị nhận một nửa danh tính của ngài.

Từ 1748 đến 1795, có tất cả 14 lớp khấn, tổng cộng 37 người, hầu hết các linh mục đều trẻ trung dưới 30 tuổi. Trong số này có sáu linh mục và một thày bốn chức qua năm tập và khấn tại Manila, đó là lớp của thánh Phạm Hiếu Liêm (14). Tính đến năm 1836, số linh mục khấn dòng là 98, thì gần một nửa là cựu sinh viên hai trường Santo Tomas và Juan de Létran (Philippines).

Trừ bảy vị lớp thánh Phạm Hiếu Liêm khấn tại Manila, các tu sĩ khác khấn dòng tại Việt Nam được chuẩn chước và qua năm tập dưới sự hướng dẫn của cha chính Dòng tại Lục Thủy. Vì giai đoạn này Dòng Đa Minh không có tu viện tại Việt Nam, nên thường nhận các chủng sinh sắp ra trường hay đã làm linh mục. Chủng sinh được gửi du học không nhất thiết phải vào Dòng, các vị được đào tạo trước tiên để phục vụ giáo phận. Khi trở về, ai muốn khấn dòng mới xin gia nhập. Tuy nhiên, số linh mục Dòng tại giáo phận Đông Đàng Ngoài luôn luôn đông hơn số linh mục triều.

Tổng số tu sĩ Đa Minh Việt Nam trong giai đoạn I này là 135 anh em (gồm 134 linh mục và 1 thày bốn). Trong đó có 35 vị lấy máu đào làm chứng cho niềm tin, 11 hiển thánh và 18 đấng đáng kính.

khoadong_xua.jpg

Nhà thờ Khoái Đồng – Nam Định

Từ 1842-58, Dòng Đa Minh có 10 lớp, 27 linh mục. Sau đó chỉ còn ba vị khấn riêng rẽ là cha Cần 1874, cha Nghiêm 1877, và cha Bartolomêo Oanh 1882. Cha Oanh sống và làm việc đến ngày 23.07.1919. Như vậy trong 40 năm thời kỳ này, có thêm 30 tu sĩ, hầu hết được khấn trong thời tử đạo.

Sử gia Marcos Gispert OP giải thích việc không mở thêm lớp tập là vì Pháp đã đô hộ Việt Nam, các thừa sai Tây Ban Nha vẫn tiếp tục đào tạo nhiều linh mục cho giáo phận, nhưng có lẽ thầm lo ngày phải rời Việt Nam. Ngoài ra, khi tình hình yên ổn, việc đào tạo phải tuân theo những điều kiện bình thường, với tu viện theo giáo luật.

4.2. Giai đoạn II (từ 1935)

Theo hướng đi của Thánh Bộ Truyền giáo và tinh thần thông điệp Rerum Ecclesiae của Đức Piô XI, năm 1926, đức cha Muñagorri Trung, nhân dịp về Rôma, đã trình bày lên Đức Thánh Cha ước muốn chuẩn bị một tỉnh dòng Đa Minh tại Việt Nam. Trở về nước, đức cha cùng các bề trên dòng đã xây cất và khánh thành trường Đệ tử Hải Dương năm 1931, qui tụ 40 đệ tử đầu tiên làm nền móng cho tỉnh dòng tương lai. Năm 1934, tập viện Đa Minh được thiết lập tại Quần Phương, Nam Định, đón nhận 13 tập sinh tiên khởi.

haiduong2011d.jpg

Thăm lại di tích Trường Đệ Tử Hải Dương (2011)

Ngày 8.12 năm 1935, 12 tu sĩ tuyên khấn, khởi sự giai đoẠn II của các tu sĩ Đa Minh Việt Nam. Ngay sau đó, Tỉnh Dòng Mân Côi đã lần lượt gởi nhiều anh em đi du học ở nước ngoài, tại Hồng Kông, Manila, Bỉ, Pháp, Roma, Canada hoặc Giêrusalem. Chỉ trong vòng mười năm, từ 1935-45, số tu sĩ khấn đã lên tới 75, nhưng sau đó, do hoàn cảnh chiến tranh thời chống Pháp từ 1946-54, chỉ thêm 15 người. Như vậy năm 1954, nhân sự Phụ Tỉnh là 69 tu sĩ (không kể 8 vị về nhà Cha, 6 sang giáo phận và 7 không khấn trọn).

Ngoài tu xá thánh Đa Minh nơi có trường Đệ tử Hải Dương, và tu xá thánh Vinh Sơn Cát Đàm, trụ sở bề trên Phụ Tỉnh tại Thái Bình (1938) anh em đã có 2 tu viện : Tập viện Gabriel (1939) ở Bắc Ninh sau bị bom đạn tàn phá; và Tu viện thánh Tôma ở Khoái Đồng, Nam Định (1947).

Từ 1939, hằng năm Phụ Tỉnh đều có tân linh mục. Nhiều vị được cắt cử làm giáo sư Giáo Hoàng Chủng viện Alberto Nam Định, giáo sư Chủng Viện, hoặc phụ trách giáo xứ. Bảy anh em được chọn làm giáo sư Giáo Hoàng Chủng viện tại Rosaryhill, Hồng Kông.

Ở miền Bắc sau 1954, Dòng Đa Minh vẫn còn Đức cha Hoàng Văn Đoàn, cha Phạm Quang Chiêu phục vụ tại Thái Nguyên (+1983) và thày Nguyễn Duy Uyển ở Nam Định (+1978).  Các cha Đa Minh Lyon vẫn phục vụ tại Lạng Sơn và Hà Nội cho đến năm 1960.

Ngoài một số giáo sư đi theo Giáo hoàng chủng viện Alberto qua Hồng Kông, anh em đã chung sống với giáo dân trong các lều tạm trú, trước khi giúp ổn định đời sống cho họ. Ngoài bốn giáo xứ tỉnh Dòng vẫn đảm nhiệm là: Ngọc Đồng và Thánh Tâm (Hố Nai), Cao Xá (Tây Ninh), và Lạc Lâm (Lâm Đồng), rất nhiều giáo xứ đã được chuyển lại cho giáo phận. (15)

Số đệ tử được đưa vào Nam và sống tập trung không nhiều nhưng cũng đủ tạo nên một thế hệ chuyển tiếp. Dầu sao quyết định mở Đệ tử viện Gò Vấp năm 1956 sẽ đem lại thành quả rõ rệt. Số tu sĩ khấn từ 1965 đến 1976 được 89 anh em, một thời là thành phần nhân sự chủ lực của Tỉnh Dòng.

Từ 21.12.1956, Phụ Tỉnh bắt đầu có bề trên Việt Nam là cha chính Giuse Nguyễn tri Ân (1956-1964), rồi đến cha chính Gioakim Nguyễn văn Liêm (1964-1967).

tinhdong1967a.jpg

Ngàythành lập Tỉnh Dòng 18-3-1967

Ngày 18.03.1967 lễ thánh Giuse, tại tu viện Anbêtô Phú Nhuận, BTTQ Aniceto Fernandez đã chính thức chính thức nâng phụ tỉnh Việt Nam lên Tỉnh dòng, với danh hiệu Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo”. Tỉnh dòng đã có sáu vị giám tỉnh là các cha Gioakim Nguyễn Văn Liêm (1967-81), Giuse Đoàn Thiệu (1981-90), Giuse Đinh Châu Trân (1990-99), Giuse Nguyễn Cao Luật (1999-2007), Giuse Ngô Sĩ Đình (2007-15), Giuse Nguyễn Đức Hòa (2015 đương nhiệm). Tỉnh dòng đã có hai vị phụ tá Tổng quyền đó là cha Giuse Nguyễn Công Lý (1974-80), và cha Vinh-sơn Hà Viễn Lự (2010- …….), một Tổng quản dòng là cha Giuse Nguyễn Tất Thắng (2001-04)

Ngày 22.05.1999, BTTQ Timothy Radcliffe đã ký nghị định công bố thống nhất Phụ Tỉnh Pháp tại Việt Nam với Tỉnh dòng Nữ Vương các thánh Tử đạo Việt Nam.

Chung chia với những biến chuyển của Giáo hội Việt Nam qua thời chiến tranh, thời đất nước thống nhất và thời đổi mới. Theo niên giám 2015, Tỉnh dòng có 386 tu sĩ (1 giám mục, 169 linh mục, 78 du học và làm việc ở hải ngoại). Ngoài Phụ tỉnh thánh Vinh-sơn Liêm Calgary, Canada, Tỉnh dòng tại Việt Nam có năm tu viện, ba tu xá, phụ trách 28 giáo xứ, và tham gia nhiều sinh hoạt đa đạng. (16)

Năm tu viện là : Thánh Anbêtô Phú Nhuận (1959), Mân Côi Gò Vấp (1965), Mai Khôi Tú Xương (1969), thánh Martinô Hố Nai (1991) và Vinhsơn Liêm, Thủ Đức (2014). Ba tu xá là : thánh Đa Minh Đà Lạt (1955), thánh Gia Thịnh Tây Ninh (2008) và thánh Vinhsơn Cát Đàm (tái lập 2010).

Các tu sĩ Đa Minh Việt Nam hiện coi sóc 28 giáo xứ tại các giáo phận Sài Gòn (5), Xuân Lộc (4), Hưng Hóa (3), Phú Cường (3), Thái Bình (3), Vinh (2). Các giáo phận Đà Lạt, Kontum, Bà Rịa, Bắc Ninh, Bùi Chu, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hà Nội, mỗi giáo phận một giáo xứ. Ngoài ra, các tu sĩ Dòng còn hiện diện với tư cách Phó xứ tại giáo phận Ban Mê Thuột.

Ghi chú

14. Thày Gioan Santa Rosa khấn khi gần chết vì bệnh. Xc Bùi Đức Sinh, DĐMTĐV, q. I, Sàigòn 1993, tr 76-79

15. Các giáo xứ anh em Đa Minh từng coi sóc : Lạc An (Phú Cường), Tư Đa (Hố Nai), Cầu Váng (Kiến Hòa), Đa Minh (Đà Lạt), Xuân Ninh (Ninh Thuận), Long Bình (Thủ Đức), Suối Nhâm (Bình Thuận) và Tân Hà (Bảo Lộc).

16. Văn phòng Tỉnh Dòng : Niên giám 2015.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *