Dấu lạ phát xuất từ lòng tin và lòng mến (13.02.2023 – Thứ Hai tuần VI Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

 Lời Chúa: Gc 1,1-11  (năm chẵn), St 4,1-15.25 (năm lẻ), Mc 8,11-13

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 8,11-13)

11 Khi ấy, những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. 12 Người thở dài não nuột và nói : “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ ? Tôi bảo thật cho các ông biết : thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” 13 Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.

Dấu lạ phát xuất từ lòng tin và lòng mến (13.02.2023)

“Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ.”

Tin Mừng hôm nay, thánh Mác-cô đặt cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Pha-ri-sêu, sau một loạt phép lạ Chúa đã thực hiện khi bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài. Phép lạ mới nhất là việc hóa bánh và cá ra nhiều cho đám đông hơn bốn ngàn người. Những người Pha-ri-sêu đã bắt đầu nghe nói đến hoặc chính mắt họ chứng kiến các phép lạ của Chúa Giêsu, nhưng họ lại không tin.

Nếu phải chứng minh mình là Đấng Mêsia, Chúa Giêsu chỉ cần làm một dấu lạ cũng đã đủ rồi. Đằng này Chúa đã làm biết bao điềm thiêng dấu lạ, ấy thế mà những người Pha-ri-sêu vẫn chưa cho là đủ lại còn đòi hỏi “một dấu lạ từ trời”. Vậy thì cái gì khiến những người Pha-ri-sêu khó tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến thế?

Sự chai lỳ và u mê do thói kiêu ngạo, ghen tị và sự giả dối đã làm cho lương tâm những người Pha-ri-sêu bị phủ lấp và không còn nhạy bén để nhận ra tình thương của Thiên Chúa ngang qua Chúa Giêsu. Vì thế, Chúa Giêsu đã phải thốt lên: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?” Chúa Giêsu đã buông tiếng thở dài. Ngài cảm thấy chán quá rồi. Ngay khi Ngài vừa mới ở dưới thuyền lên, những người Pha-ri-sêu đã xấn lại và bắt đầu chất vấn. Họ đòi Ngài làm cho họ một dấu lạ từ trời, bởi lẽ theo họ quan niệm, một vị ngôn sứ phải chứng tỏ mình có sứ mệnh Thiên Chúa trao bằng một dấu lạ từ trời. Trước sự yêu sách như thế, Chúa đã không làm phép lạ nào để đáp ứng thị hiếu của người Pha-ri-sêu nữa, bởi vì họ không tin và phép lạ không thể diễn ra trong sự thách thức và cưỡng bách được. Ta luôn phải nhớ: phép lạ chỉ xảy ra khi có đủ đức tin và lòng mến.

Chúa Giêsu đã đến cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Mỗi công việc Ngài làm đều nhằm mang hạnh phúc đến cho con người. Phép lạ biến nước lã thành rượu ngon là để chúng ta hưởng nếm sự thánh thiện và vinh quang của Thiên Chúa. Phép lạ hóa bánh ra nhiều để chúng ta tin nhận Thiên Chúa là Đấng ban sự sống. Suốt hành trình rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã chữa lành bao nhiêu thứ bệnh hoạn tật nguyền. Người xua trừ ma quỷ để con người thấy được quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa. Đi tới đâu Chúa Giêsu cũng thi ân giáng phúc cho con người, an ủi kẻ sầu khổ, nâng đỡ người yếu đuối, trả lại địa vị và phẩm giá cho người bị áp bức…

Trong đời sống đức tin của chúng ta thường ngày cũng vậy. Nhiều khi cũng thách thức Thiên Chúa khi chúng ta đem Ngài ra để so sánh với ông nọ, thần kia; hoặc có lúc chúng ta cũng ra những điều kiện cho Ngài khi nhủ rằng: nếu Chúa có mặt thực sự, thì Chúa làm cho con được thế này hay thế kia thì con sẽ tin? Những lúc như thế, chúng ta đã bị sự kiêu ngạo thúc bách và khi đó trong ta chỉ còn những yêu cầu phát xuất từ sự tham vọng và thực dụng thuần túy mà không hề nghĩ đến ơn cứu chuộc là hạnh phúc vĩnh cửu!

Lạy Chúa, mỗi ngày chúng con lãnh nhận biết bao hồng ân từ lòng thương xót của Chúa. Hồng ân lớn nhất đó là hồng ân được sống làm người, được làm con cái Chúa. Xin cho chúng con nhận ra những “dấu lạ” yêu thương ấy để từng ngày sống chúng con biết cộng tác với ơn Chúa, biết quảng đại phục vụ xây dựng cuộc sống tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Amen.  

Joston

Đức tin đem đến sự nhận biết (14.02.2022)

Ngày 14.02: Lễ Nhớ Thánh Sy-ri-lô, đan sĩ, và thánh Mê-tô-đi-ô, giám mục

Xuyên suốt Tin Mừng, chúng ta thấy dân chúng đoàn đoàn lớp lớp theo Chúa Giêsu để nghe Ngài rao giảng và được Ngài chữa lành các bệnh tật. Những lúc đó, chúng ta thấy có một điểm đặc biệt này, hễ có sự xuất hiện của những người Pharisêu thì cuộc tranh luận lại xảy ra. Nguyên nhân có những cuộc tranh luận ấy là vì những người Pharisêu không phải vì họ tìm kiếm Chân Lý mà là vì ganh ghét, tìm cách bắt bẻ lời rao giảng và công việc của Chúa Giêsu làm.

Và Tin Mừng hôm nay, tuy ngắn gọn, nhưng cũng cho  chúng ta thấy được lòng dạ không ngay thẳng của họ, khi thách thức Chúa Giêsu làm một “dấu lạ từ trời”, nghĩa là một dấu lạ phát xuất từ chính Thiên Chúa.

Ngay từ câu mở đầu, chúng ta đã thấy bộ mặt thật và tâm địa của người Pharisêu. Họ có những hành vi: “Họ kéo ra… tranh luận… đòi dấu lạ… ”. Đây là hành vi của một nhóm người có mưu kế sắp đặt trước. Họ “cùng nhau kéo ra” nghĩa là họ đã chọn một thời điểm, một không gian và nhất trí làm cùng nhau.

Có lẽ sau khi chứng kiến phép lạ hoá bánh ra nhiều, những người Pharisêu sợ dân chúng tôn vinh Chúa Giêsu lên làm Vua, nên vội vã cùng nhau đi gặp Chúa để “tranh luận”. Cũng có thể, họ sợ Chúa Giêsu hưởng hết các phúc lợi của họ, khi dân chúng bỏ họ mà theo Chúa, vì thế, họ mới tranh luận với Ngài. Chúng ta có thể suy đoán như thế. Nhưng chúng ta không thấy thánh Maccô đưa ra vấn đề để tranh luận ở đây. Ngài chỉ cho chúng ta biết những người Pharisêu chỉ “đòi dấu lạ” để “thử Chúa Giêsu” mà thôi.

Việc đòi dấu lạ này mang dấu vết “ Kinh Thánh”. Từ thời Cựu Ước, dân Do Thái vẫn luôn có thái độ thách thức Thiên Chúa, dù họ đã chứng kiến bao dấu lạ điềm thiêng mà Thiên Chúa làm từ khi Xuất Ai Cập, cũng như hành trình 40 năm trong sa mạc; đến cả Môsê cũng phải thốt lên trước mặt Chúa rằng, ông đang phải lãnh đạo một dân cứng đầu cứng cổ. Và Chúa cũng đã phán rằng: “Tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm. Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán, Ta đã nói: Đây là dân tâm hồn lầm lạc” (Tv 95, 9-10).

Xưa kia, dân Israel đã thử thách Thiên Chúa khi đòi Ngài thực hiện những dấu lạ, những điều họ muốn. Hôm nay cũng thế, những người Pharisêu muốn Chúa Giêsu làm một dấu lạ, để chứng tỏ cho họ thấy thần tính và uy quyền của Ngài, một “Mêsia trần tục” theo kiểu họ muốn.

Đã bao lần Chúa Giêsu làm phép lạ, chữa lành bênh tật, xua đuổi ma quỷ cho những ai lòng tin tưởng, thành thật và khiêm nhường… Nhưng đối với những kẻ tự cao tự ngạo và thiếu lòng tin, thì Chúa Giêsu đã thẳng thắn: “Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả. Và Chúa Giêsu đã bỏ họ ở đó với những lời thách thức của họ mà xuống thuyền qua bờ bên kia, để tiếp tục sứ mạng rao giảng Tin Mừng, đem tin vui cứu độ đến cho những ai có lòng tin và thành thật.

Qua thái độ của người Pharisêu, cũng như lời khiển trách của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra một bài học căn cốt trong đời sống đức tin rằng, chúng ta hãy đến bên Chúa với lòng thành thật, khiêm nhường và tin tưởng, chứ không phải bằng sự giả dối, bất tín; bằng thái độ thử thách, đòi dấu lạ.

Kinh nghiệm đức tin cho chúng ta thấy, những ai có lòng khiêm nhường và tin thật trong lòng, thì nhận thấy những dấu lạ trong tất cả việc Chúa làm, kể cả những việc rất nhỏ và thậm chí tầm thường nhất trong cuộc đời của mình.

Nhưng với những kẻ không có đức tin, thì họ sẽ giống như những người Pharisêu trong Tin Mừng hôm nay, không có khả năng nhận thấy những dấu lạ, những điều kì diệu Thiên Chúa đã làm nơi vũ trụ thiên nhiên này và khó có thể nhân thấy những điều tốt đẹp mà Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc đời của họ.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết chân thành, không giả dối; biết khiêm nhường, cậy trông và tin tưởng vào Thiên Chúa. Xin cho chúng ta ngày thêm mạnh mẽ trong đức tin, để có thể dễ dàng nhận biết thánh ý Thiên Chúa qua dấu chỉ thời đại mà cần không dựa trên những điềm thiêng dấu lạ.

Bình Minh

Dấu lạ (15.02.2021)

Dấu lạ là một hiện tượng, một sự việc xảy ra ngoài sự bình thường vượt khả năng của con người. Như dấu lạ tiên tri Giona ở trong bụng cá ba ngày đêm mà vẫn sống.

Dấu lạ luôn là những cảnh báo, nhắc nhớ hoặc báo trước một tình yêu lớn lao cả thể của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Khi thành Vinive xưa sắp bị hủy diệt thì Chúa cho một dấu lạ, đó là tiên tri Giona bị cá nuốt ba ngày và nhả ra mà không chết để ông loan báo cho toàn dân trong thành ăn chay xám hối mà được cứu thoát.

Khi con Vua Trời đất là Đức Giêsu Kitô xuống thế nhập thể thì xuất hiện ngôi sao dẫn đường để chỉ cho ba nhà đạo sĩ đến thờ lậy, cũng là xác định dấu lạ cả thể của Tình Yêu Thiên Chúa cho loài người.

Khi Chúa Giêsu đến trong trần gian, Người đã làm rất nhiều phép lạ để minh chứng Người là Con Thiên Chúa đầy uy quyền, những dấu lạ về một con người khác thường đầy uy quyền đang ở giữa muôn dân, nhưng họ cố tình không nhận ra mà còn thách thức đòi hỏi Chúa cho xem dấu lạ về Chúa trước mặt họ. Thật là những kẻ cố chấp cứng lòng tin đã dám thử Chúa Giêsu, và họ đã không được xem thấy gì mà còn bị Chúa bỏ đi nơi khác.

Ngày nay, có những dấu lạ cảnh báo con người thật là khủng khiếp, nhưng con người đã mấy ai nhận ra bàn tay quan phòng của Thiên Chúa đang cảnh báo về tội lỗi của con người. Đó là những dấu lạ về đại dịch, nó diễn biến từ đại dịch này tới đại dịch khác, những dấu lạ về sự hủy hoại sự sống con người tôn vinh cái ác trên cái thiện (như luật phá thai), những dấu lạ kinh khủng thách thức Thiên Chúa bằng loại trừ Thiên Chúa ra khỏi lòng người, chai cứng lòng tin đến nỗi chống đối Thiên Chúa, trở nên vô thần.

Có những dấu rất lạ ngay trong lòng con, đó là:

– Biết Chúa là Đấng tạo dựng nên muôn loài muôn vật mà con vẫn thờ ơ.

– Biết Chúa là Cha rất nhân từ của con mà con chẳng tôn thờ cho xứng.

– Biết rằng trung tín với Chúa con sẽ được cứu độ mà con vẫn bội tín.

– Biết Chúa là Đấng rất Thánh mà con yêu trần tục.

– Biết rằng thực thi Lời Chúa con sẽ thuộc về Chúa nhưng con luôn làm theo ý con.

– Biết rằng đừng lo lắng ngày mai nhưng con luôn bận tâm thân xác.

– Biết rằng vào đời và ra đi bằng hai bàn tay trắng nhưng con mải mê tham sân si.

– Biết rằng phục vụ tha nhân là phục vụ Chúa nhưng con luôn làm cho riêng con.

– Biết rằng yêu thương là hạnh phúc nhưng lòng con luôn hận thù ghen ghét.

– Biết rằng thời gian là của Chúa nhưng một phút dành trọn vẹn cho Chúa con cũng không.

Chúa ơi, tất cả những gì con làm chẳng theo thánh ý Chúa, chẳng phải để phục vụ tha nhân, mà là cho chính con. Con thật bất xứng. Thế mà Chúa không bỏ con, Chúa không trách mắng con, nhưng Chúa vẫn luôn yêu thương, quan phòng và che chở cho suốt cuộc đời con.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho con luôn nhận ra những dấu lạ của Chúa trong cuộc đời con, để con sống hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa, cho Danh Chúa được cả sáng muôn đời.

Hư Vô

Đừng thử thách Thiên Chúa (17.02.2020)

 “Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ?” (Mc 8, 12).

Chúa Giê-su rao giảng Tin Mừng, và có những phép lạ kèm theo, cho biết: Người là Con Thiên Chúa, và là Thiên Chúa. Những gì mà sức con người không thể, khả năng con người chào thua, thì với uy quyền của Thiên Chúa, trong Chúa Giê-su, đều có thể. Và quả thực, biết bao người khiêm nhượng đơn sơ đã thán phục, tin nhận, và tôn vinh Thiên Chúa.

Thế nhưng, cũng có những người kiêu căng tự phụ cho mình là hiểu biết về Đấng Thiên Sai, hay đúng hơn, họ tự họa nên một mẫu người của Đấng Cứu Thế. Bởi vậy, khi nhìn dáng vẻ bên ngoài, khi xét nhân thân của Chúa Giê-su, thì họ ra mặt xem thường, khinh bỉ Người  hoặc nửa tin nửa ngờ. Họ muốn có một Đấng Cứu Thế luôn biết làm vui lòng vừa ý họ.

Bởi vậy, họ thử thách Người khi xin Người thực hiện một điềm lạ. Cũng vậy, nhiều người trong chúng ta không nhận ra biết bao phép lạ Chúa đã thực hiện trong cuộc đời mình, để mà tin nhận, tôn vinh, và tạ ơn Chúa, lại còn trách móc Chúa, thử thách Chúa cách này cách khác.

Đừng nói một cách vô ơn rằng: Chúa chẳng ban gì cho tôi, tôi có mọi sự là bởi tài sức và nỗ lực của tôi. Không khí để thở bởi đâu mà có? Nước uống bởi đâu mà có? Giả như không có khí, không có nước, ta sẽ thế nào? Đừng nói: dưới sức người sỏi đá cũng thành cơm. Sức người bởi đâu mà có? Có được bao lâu? Cũng đừng đòi hỏi Chúa ban cho con cái này con sẽ dâng cho Chúa cái kia… Như thế là thử thách Chúa xem có đúng là Thiên Chúa theo ý của mình không.

Hãy tin Chúa đang hiện diện và can thiệp vào cuộc sống của ta bằng tình yêu thương quan phòng của một người cha. Phép lạ là ta làm theo ý Chúa, chứ không phải là Chúa làm theo ý ta.

Lạy Chúa, xin cho con luôn nhận ra biết bao ơn lành của Chúa đã là phép lạ trong đời con, và con hằng nhớ tạ ơn Chúa trong từng ngày sống của mình. Amen.

Dấu Chỉ (12.02.2018)

Ghi nhớ:

“Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết; thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả”.

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay, sau những dấu lạ Chúa Giêsu đã làm, người Pha-ri-sêu còn xin một dấu lạ khác. Lời yêu cầu của họ, cho chúng ta thấy những đòi hỏi mù quáng thiếu đức tin như muốn thách thức Thiên Chúa, hay cố tình không chịu tin vào quyền năng của Người. Mặc dù họ rất thông minh, nhưng không hề khiêm nhường đơn sơ, nên đứng trước biết bao phép lạ Chúa đã làm, nhưng người biệt phái vẫn còn mơ hồ, nghi ngờ, đòi hỏi Người thêm một phép lạ từ Trời nữa, khiến Chúa Giêsu phải lắc đầu não nuột: “sao thế hệ này lại xin một dấu lạ”. Mặc dù Thiên Chúa cố gắng thể hiện tình yêu của Người đến với họ, nhưng họ là những người yếu đuối, kém cỏi trong đức tin, nhưng vẫn tỏ ra mình là những người hiểu biết, nhìn xa trông rộng. Nhưng tình yêu Thiên Chúa luôn lan tỏa bằng sự tự nguyện, không phải là ép buộc. Dấu lạ của Người bằng lòng tin yêu, bằng chính tâm hồn hướng về Người. Thiên Chúa chỉ cần lòng tin, như lòng tin của người phụ nữ thật mạnh mẽ nhưng đơn sơ giản dị: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu”. ( Mt 9,22)

Cuộc sống ngày nay biết bao mưu toan tính toán của con người, biết bao biến cố xảy ra hàng ngày, hàng giờ, hàng phút đến với chúng ta, với gia đình, xã hội, thế giới, đó cũng là dấu chỉ, có cảm nhận được dấu chỉ sẽ giúp chúng ta tỉnh thức, bình tâm lại, để có một niềm tin, trông cậy phó thác trong tình yêu bao la của Thiên Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin giúp chúng con tin tưởng và phó thác nơi tình yêu của Thiên Chúa, khi gặp gian truân thử thách, giúp chúng con can đảm thắng vượt sự khó khăn, để lòng tin chúng con luôn tín thác tuyệt đối vào lòng nhân từ của Người hầu mong được chuẩn bị hưởng hạnh phúc nước Trời mai sau. Amen.                                                                                                      

Chúa Giêsu, dấu lạ từ trời

Những người Pharisêu đòi Chúa Giêsu một dấu lạ từ trời để thử Người. (Mc 8,11)

Suy niệm: Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ, gần nhất là phép lạ hoá bánh ra nhiều lần thứ hai (Mc 8,1-10), nhưng những người Pharisêu vẫn “chê” đó là dấu lạ “dưới đất” mà có lần họ đã họ xuyên tạc là Ngài dựa vào quyền thế của Bêendêbun để thực hiện (Mc 3,22). Thế nên họ đã “đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người”. Không phải là Chúa Giêsu không đáp ứng yêu cầu của họ, bởi vì Ngài là chính “dấu lạ từ trời,” điều đã được chứng thực khi Ngài chịu phép rửa: “Có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Ta” (Mc 1,11). “Dấu lạ từ trời” đó có tên là Giona khi Ngài sẽ trỗi dậy vinh hiển sau ba ngày chịu mai táng trong lòng đất. Cũng như dân Do Thái trong sa mạc thử thách Chúa, để rồi cứng lòng tin vẫn hoàn cứng lòng tin “dù đã thấy những việc Chúa làm” (Tv 95,8-9), người Pharisêu cũng vẫn cứng lòng tin, dù đã thấy biết bao dấu lạ, ngay cả dấu lạ Giona!

Mời Bạn: “Chúa Giêsu dấu lạ từ trời” vẫn tiếp tục là dấu lạ cho chúng ta hằng ngày trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta sẽ giống như người Pharisêu nếu vẫn từ khước “dấu lạ Thánh Thể” này để đòi hỏi những dấu lạ thoả mãn tính hiếu kỳ, đáp ứng những ham muốn về tiền bạc, dục vọng và quyền lực.

Sống Lời Chúa: Bạn viếng Thánh Thể hoặc rước lễ thiêng liêng để chiêm ngắm “Chúa Giêsu, dấu lạ từ trời” đang ở với bạn trong Bí tích Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tin Chúa một cách vô điều kiện, để đức tin của con cùng Chúa chuyển được núi kiêu căng thành đồng bằng khiêm tốn; dời non dối trá, tham lam thành con đường của sự thật và yêu thương.

Thấy và tin

Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. (Mc 8,11-12).

Suy niệm: Khi khoa học thực nghiệm ngày càng được cổ súy, người ta cứ đòi điều gì phải “thấy” thì mới “tin,” nghĩa là phải nắm bắt được bằng lý trí mới chấp nhận. Thế nhưng giữa “thấy” và “tin” không minh nhiên có mối quan hệ nhân quả. Nhiều khi người ta vẫn “tin” dù không thấy cũng như lắm người “thấy” đó mà không “tin.” Quả thật, trong cuộc sống, có những điều ai cũng “tin” dù chưa hề “thấy” bao giờ; và nhất là cả cuộc sống, cung cách hành xử của người ta lắm khi lại dựa trên những điều “không thấy mà tin” đó. Người ta vẫn tin rằng dân số thế giới hiện nay trên 7 tỷ người mà không cần kiểm tra con số chính xác hay tin rằng rắn hổ mang chúa có thể cắn chết người mà không ai dại gì thử để xác minh… Những người Pha-ri-sêu ngay cả sau khi thấy Chúa hóa bánh ra nhiều lần thứ hai mà họ vẫn yêu cầu một dấu lạ khác để thử Người. Thật ra, “tin-đức tin” là ơn ban của Thiên Chúa đi trước nỗ lực “thấy-hiểu biết” của con người.

Mời Bạn: Không thấy Chúa hiện ra an ủi mình trong những lúc gặp khó khăn, bạn có thất vọng không? Phải chăng bạn đang trông chờ vào một phép lạ mà quên rằng Chúa vẫn luôn chở che bạn? Bạn nhớ Chúa Giê-su đã nói với Tô-ma: “Phúc cho ai không thấy mà tin.”

Sống Lời Chúa: Tôi xác tín Chúa đang hiện đến với tôi qua những người khó khăn cần sự giúp đỡ của tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa luôn quan phòng yêu thương che chở con mỗi ngày. Xin gia tăng ơn đức tin để con được nhìn thấy Chúa nơi anh chị em xung quanh con. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *