Đêm tình yêu

 

Tôi không theo đạo. Tôi cũng chẳng tin vào thánh thần. Tôi chẳng đặt quá nhiều niềm tin vào ai cả. Tôi chỉ tin tôi.

Nhưng tôi yêu em, một người có đạo.

Màn đêm trùi trụi ánh trăng khuya. Tôi đoan chắc rằng mình chưa hề tin vào những mầu nhiệm của tôn giáo. Tôi càng không dễ bị thuyết phục bởi những ý niệm xa vời với lý trí đòi thực chứng của mình. Dưới ánh trăng lõa lồ, tôi cố giải thích xem tại sao lại có nhiều người tin vào một Đấng tạo hóa tới vậy. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, là họ mù quáng đến ngớ ngẩn. Nhưng còn biết bao bậc vĩ nhân, những nhà bác học kiệt xuất tin theo, thì quả là tôi đang bế tắc.

Ánh trăng như bong tróc từng mảng xuống mỗi ngọn sóng đang gầm gừ kia rồi loang ra khắp mặt biển. Sóng ngoạm sâu vào những ghềnh đá lỗ rỗ như muốn nuốt chửng chúng. Lòng tôi vẳng lại những cung bậc của tình yêu.

– Anh yêu em chứ?

– Em biết anh nghĩ gì mà

– Anh sẽ tôn trọng và giữ gìn cho nhau tới ngày mình cưới chứ?

– Tất nhiên rồi.

Em nép vào tôi. Em hay nói về Chúa, về Kinh thánh, về những điều hết thật xa lạ với tôi. Em tặng tôi một bức tượng nhỏ, em bảo đó là tượng Đức Mẹ Fatima, Mẹ sẽ che chở cho tôi. Không vồ vập, tôi miễn cưỡng nhận lấy. Tôi có một suy nghĩ hơi ác ý một chút lúc đó, đây chỉ là một khối đá được chế tác, không có gì là thiêng liêng hay mầu nhiệm gì cả.

Tại sao em lại dành nhiều khoảng thời gian cầu nguyện với Chúa và Đức Maria? Tại sao em lại thánh thiện tới vậy? Tại sao em luôn làm việc tốt nhưng vẫn luôn nhận mình là người tội lỗi mỏng giòn? Mỗi câu hỏi nho nhỏ ấy khiến tôi nghĩ ngợi.

Làm thế nào để tin vào một Đấng mà tôi không thể nhìn thấy? Tôi đã từng đọc Cựu ước, cả Tân ước nữa, nhưng quả là khó hiểu. Những gì tôi biết về Chúa, chủ yếu là từ em, một người ngoan đạo.

– Bố mẹ em không muốn con gái lấy chồng ngoại đạo đâu anh!

– Tại sao hả em?

– Chúng em phải tuân giữ lề luật của Giáo hội. Khi đã lập gia đình, thì không được ly hôn. Ngoại tình và đi bước nữa khi cả hai còn sống là điều bị cấm. Mọi chuẩn mực đều khá nghiêm ngặt. Bố mẹ em lo lấy người ngoại đạo sẽ không giữ được.

– Em không tin anh sao?

– Em tin anh, em yêu anh, và luôn giữ sự tôn trọng nơi anh

– Nếu ta lấy nhau thì sẽ gặp những khó khăn gì đây?

– Anh sẽ được học đạo, học giáo lý, khi đủ thời gian và điều kiện thì sẽ cưới.

– Tại sao lại ép buộc như vậy hả em?

– Em nghĩ rằng, mọi cha mẹ đều muốn dành những gì tốt nhất cho con cái. Nếu theo đạo là không tốt, em tin là bố mẹ sẽ không cho em theo. Em yêu anh, nên em cũng muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho anh.

Những mẩu đối thoại ngắn ngủi ấy, mặc dù tôi không hiểu gì nhiều về đạo, nhưng quả thật có khiến tôi tò mò.

Tôi nhìn xuống mặt nước, lòng dềnh lên mênh mang.

Em kể với tôi về một người bạn Tin lành. Cô ấy nói với em rằng, giáo dân Công giáo nhìn chung rất lười đọc Kinh thánh, và nhiều khi chẳng dám tuyên xưng đức tin của mình với những người ngoại đạo. Chỉ một việc đơn giản là làm dấu thánh trước bữa ăn khi có những người không cùng đạo, mà nhiều người cũng không dám. Đôi mắt em thoáng u ẩn buồn khi chia sẻ những điều ấy.

Tiếng gió thổi ro ro bên tai. Tôi rùng mình khi nhìn mãi ra mặt biển phía chân trời thăm thẳm. Chúng như có cả triệu triệu mảnh trăng vỡ vụn trong sóng nước, chồng chồng lớp lớp những viền sóng oàm oạp vào bờ. Tôi lãng đãng nghĩ về thế giới tâm linh, về cõi vô hình, về những điều mà dường như lý trí tôi không thể có một lời giải thích đích đáng nổi. Tôi thấy thời điểm này cuộc đời mình như một hạt bụi dấp dính nơi lá cây và chẳng có quyền quyết định mình sẽ đi đâu, sẽ ở lại bao lâu nơi chiếc lá. Dường như có một điều gì đó nơi cõi vô hình cứ ám ảnh mãi tôi. Tôi rút bức tượng Đức Mẹ Fatima ra. Một cảm giác bình an choán lấy tâm hồn tôi.

Tôi nhớ lại cảnh đập phá nhà thờ, cảnh chém giết những người Công giáo, cảnh những con người bé mọn ấy bị kỳ thị thông qua những hình ảnh, những bài viết, những video mà tôi xem được. Họ cầu nguyện chân thành khi bị vu khống và lăng nhục, họ đoàn kết nhau lên tiếng khi thấy những cảnh bất công, họ dành những khoản tiền nho nhỏ để giúp đỡ những vùng chịu thiên tai và những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng tôi cũng thấy không ít những gương mù, gương xấu trong số họ. Tôi thấy có những người chẳng bao giờ đến nhà thờ, tôi thấy có người hàng chục năm không đi xưng tội, tôi thấy có cả những người Công giáo sống thử, tôi thấy có cả người trong số họ đi phá thai, tôi thấy có cả người trộm cắp. Những suy nghĩ ấy cứ xoắn vặn lại trong tâm trí tôi.

Tôi ấp bức tượng Đức Mẹ Fatima vào lòng. Đức Maria được tôn kính ở vị trí đặc biệt trong Giáo hội Công giáo, có lẽ gọi là biệt kính như cách gọi ở đâu đó mà tôi từng đọc được. Đối với em cũng vậy, em luôn cầu nguyện với Đức Mẹ và Chúa vào mỗi tối, thú thực là tôi chẳng hiểu em mỗi khi như vậy. Bật đèn điện thoại lên, tôi đọc lại những dòng chữ nắn nót trong cuốn sổ nhỏ:

“…

20-7 năm…: Chúa vẫn sống khi được tháo xác xuống- Hãy tha thứ và giải thích vào ngày mai.

09- 07 năm…: Maria có con mà không phải của chồng – Hãy tha thứ, giải thích và cầu nguyện cho họ.

02- 04 năm…: Chúa là thằng điên, luôn làm nhiễu loạn cho xã hội từ lúc sống cho tới bây giờ…: Hãy tha thứ và cầu nguyện cho họ.

08- 05năm…: Chúa là kẻ bất hiếu, luôn lảng tránh gặp mẹ khi trưởng thành: Hãy tha thứ và cầu nguyện cho họ.

….”

Vậy là tôi chỉ còn cuốn sổ tay nhỏ và bức tượng này của em làm kỷ vật. Em ghi rất nhiều lời lẽ mà em cảm thấy bị xúc phạm vào cuốn sổ ấy. Sau mỗi lời xúc phạm, em đều cẩn thận ghi lại nhiều nhất chữ tha thứ và cầu nguyện.

Nhắm mắt lại, tôi cảm thấy đức tin mạnh mẽ nơi em cho đến phút cuối cùng. Chính chỗ vùng biển này, em đã mãi ra đi khi cố cứu lấy một cô bé bị đuối nước. Tiếng ràn rạt của gió phả lên những ngọn cây phía sau hòa cùng tiếng sóng ào ào phía trước. Tôi ôm chặt lấy bức tượng Đức Mẹ Fatima hơn nữa. Tôi cứ ngồi ngắm biển nơi đây và nhung nhớ về em, tôi biết, sẽ đến lúc tôi phải về.

 

Mã số: 17-152

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *