ĐTC chúc mừng nữ tu André, phụ nữ thọ nhất châu Âu và Cha Amanuel Adel Kloo, vị linh mục duy nhất đã ở lại trong một thành phố bị Tổ chức Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng

ĐTC chúc mừng nữ tu André, phụ nữ thọ nhất châu Âu

Tháng 6 bà Giuseppa Robucci-Nargiso, một phụ nữ người Ý thọ nhất châu Âu qua đời ở tuổi 116 thì sơ André, người năm nay được 115 tuổi trở thành người phụ nữ châu Âu lớn tuổi nhất. Trên toàn thế giới thì sơ là là người thọ đứng thứ hai, trên sơ là một người Nhật.

ĐTC chúc mừng nữ tu André, phụ nữ thọ nhất châu Âu

Sơ André là nữ tu thuộc Hội dòng Nữ tử Bác ái. Hiện sơ đang ở cộng đoàn thánh Catherine Labouré, Toulon. Các y tá chăm sóc cho sơ đều nói sơ là niềm vui và tự hào cho cộng đoàn, nhà dòng cũng như cho nước Pháp.

Sơ André sinh năm 1904 tại Alès (Gard), trước khi trở thành nữ tu sơ đã từng làm việc trong một bệnh viện. Hiện nay sơ hầu như không thể nhìn thấy và di chuyển trên một chiếc xe lăn nhưng sơ vẫn còn minh mẫn như sơ chia sẻ: “Mọi sự đều từ từ qua đi. Hạnh phúc mỗi ngày của tôi đó là tôi vẫn có thể cầu nguyện”.

Cháu trai của sơ hiện nay cũng đã 90 tuổi, người vẫn thường xuyên tới thăm sơ. Ông cho biết sơ chính là người đã chăm sóc ông khi ông còn bé. Ông nói “Mối liên hệ của chúng tôi không bao giờ bị ngắt quãng”. Một người chị em cùng dòng với sơ cho biết sơ André là một người lạc quan yêu đời, thích làm đẹp và ăn uống rất tốt. Sơ không vắng mặt trong những sinh hoạt cộng đoàn đặc biệt các giờ cầu nguyện.

Vào tháng hai, nhân dịp sinh nhật lần thứ 115, sơ André đã nhận được một lá thư chúc mừng của Đức Thánh Cha Phanxicô cùng một món quà là xâu chuỗi Mân côi. (Leparisien 15/8/2019).

 

Cha Amanuel Adel Kloo, vị linh mục duy nhất đã ở lại trong một thành phố bị Tổ chức Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng

Kể từ khi thế lực khủng bố sụp đổ, có một vị linh mục đã đảm trách một sứ mạng quan trọng ở Mosul đó là kêu gọi những người Công giáo tị nạn trở về nhà của họ. Vị linh mục ấy là cha Amanuel Adel Kloo, ngài là vị linh mục Công giáo duy nhất hiện nay còn ở Mosul.

Mosul là một trong những thành phố quan trọng nhất ở Iraq và nó cũng là một trong những nơi phải chịu đựng nhiều nỗi kinh hoàng đẫm máu nhất bởi những kẻ cuồng tín theo Hồi giáo. Nhóm Jihadi tuyên bố một thể chế của nhà nước Hồi Giáo trong vùng và áp đặt một thế lực khủng bố lên cư dân địa phương, nhóm này đã hoạt động trong suốt ba năm cho đến khi bị đánh bại vào ngày 10 tháng 7 năm 2017.

Trong suốt ba năm kinh hoàng dưới sự khủng bố của nhóm Jihadi, người dân địa phương phải theo luật Sharia, một hệ thống luật pháp Hồi giáo cứng nhắc, họ bị ép buộc phải chuyển sang Hồi giáo, bị xử tử hàng loạt và rồi hồi sinh chế độ nô lệ. Trong tình cảnh đó “không ai tin được rằng các Kitô hữu sẽ trở lại Mosul”.

Cha Amanuel Adel Kloo cho biết chỉ có khoảng 30 đến 40 Kitô hữu đã trở lại thành phố, ngài cho biết thêm có nhiều cộng đồng lưu động thì mọi thứ có thể sẻ ổn định hơn.

Mỗi ngày có gần một ngàn sinh viên Kitô giáo từ các thành phố lân cận đến Đại học Mosul. Cũng thế, có hàng trăm công nhân đến đây mỗi ngày, đa số họ đến làm việc cho chính phủ như sửa chữa hệ thống cấp nước và mạng lưới điện của Mosul đang vẫn còn bị hư hỏng nặng.
Cha Adel Kloo đang cho xây sửa lại Nhà thờ Truyền tin, đây sẽ là nhà thờ đầu tiên ở Mosul được khôi phục, vì đối với Cha Adel Kloo Nhà thờ Truyền tin sẽ là biểu tượng cho niềm hy vọng về sự tái sinh Kitô giáo tại thành phố này.

Cha Adel Kloo cho biết, người dân nơi đây vẫn còn sợ hãi, nhưng khi nhà thờ và các tòa nhà khác mở cửa thì họ sẽ cảm thấy được an toàn và nhiều người sẽ quay trở lại. Cha hy vọng rằng nhà thờ sẽ được hoàn thành trong vòng ba tháng.

Cha cũng muốn xây dựng nhà ở cho sinh viên đại học và cho những người có nhu cầu, bởi khi có một trường học Công giáo mở ra thì sẽ khuyến khích được các gia đình Công giáo quay trở lại thành phố.

Mosul có gần một triệu cư dân Hồi giáo. Năm 2003 có 35.000 Kitô hữu, nhưng con số đã giảm mạnh chính là hậu quả của cuộc đàn áp mà họ phải chịu trong 11 năm sau đó, bắt đầu từ cuộc chiến lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein.

Nhiều nhà thờ của Giáo hội Chaldean đã bị đóng cửa ngay cả trước cuộc xâm chiếm của Nhà nước Hồi giáo, bởi vì sau vụ ám sát ĐC Raho và cha Ragheed vào năm 2008 rất nhiều người đã rời khỏi Mosul. Trong năm 2014 vẫn còn 15.000 tín hữu của các giáo hội khác ở Mosul và một số gia đình Armenia.

Cuộc xâm chiếm của nhóm Jihadi làm tình hình trở nên rất tồi tệ, nó khiến hàng ngàn người Kitô hữu phải rời bỏ thành phố bởi vì họ có nguy cơ bị giết chết hoặc buộc phải chuyển sang Hồi Giáo nếu như không trốn thoát. Các tín hữu ở đây cần lời cầu nguyện, sự hỗ trợ của Giáo hội khắp nơi trên toàn thế giới và cần hành động can đảm của những người như cha Kloo. Xin Chúa ban ơn lành để người Kitô hữu ở Mosul và ở khắp mọi nơi đang bị buộc phải chạy trốn có thể trở về nhà của họ.

Ngọc Yến – Vatican

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *