Dụ ngôn cỏ lùng (28.07.2015)

Thứ ba sau CN XVII

Dụ ngôn cỏ lùng

Xh 33,7-11;34,5b-9.28; Mt 13, 36-43

Khi rời đám đông về nhà, các môn đệ xin Đức Giê-su giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng.  Người giải thích thật rõ ràng: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần.” Bức tranh “ruộng thế gian” luôn gồm đủ mọi hạng người.  Nhân thế không chỉ có sự khác biệt giữa người với người, mà còn có cả sự thù nghịch giữa người với người nữa. Cỏ lùng và lúa ví như kẻ xấu người tốt luôn hiện diện, luôn có đó trong cùng một thế gian này.

Có khi cỏ lùng ngay bên cạnh mình. Mọi người trong xã hội sống trà trộn với nhau. Người được coi là “tốt” thì thường có tư tưởng muốn thanh toán, khử trừ những người bị cho là xấu xa, hư hỏng, tội lỗi, nghiện ngập… bên cạnh, để tránh tai họa, ảnh hưởng xấu đến mình. Có khi người không ưa cũng bị đối phương coi như một thứ “cỏ lùng” và không muốn sống chung.

Ngôn sứ I-sa-ia từng mô tả một bức tranh tình đại đồng thật đẹp: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang” (Is 11,6-8).

Trong dụ ngôn cỏ lùng, người đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” Ông bảo: “cứ để cả hai lớn lên cho tới mùa gặt… Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Thiên Chúa là Đấng cho mưa xuống trên cả người lành và kẻ dữ. Ngài tôn trọng những quy luật tự nhiên, cũng như tôn trọng sự tự do của con người. Ngài kiên nhẫn chờ đợi sự hoán cải, đổi mới từ cỏ lùng trở thành lúa tốt. Trong bài đọc I, Đức Chúa ngự xuống trong đám mây và nói với Mô-sê: “ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín,  giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi”.

Như vậy lúa sẽ sống chung với cỏ lùng, hy vọng “cỏ lùng” được Chúa biến đổi trở thành lúa tốt tươi. Có những thứ cỏ lùng lại mọc ngay trong lòng mỗi người. Vậy tự sức riêng tôi có thể nhổ cỏ lùng ra khỏi chính con người của mình được không? Khi tôi mở lòng đón Chúa vào cuộc đời hãy còn cỏ lùng ngổn ngang, nhưng có Chúa bên trong sẽ dần đẩy xa điều xấu, biến đổi thành cây lúa tốt lành.

                                                           Én Nhỏ