“Không giữ lại, Không hối tiếc, Không thoái lui” (08.11.2023 – Thứ Tư Tuần XXXI Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Rm 13,8-10 (năm lẻ), Pl 2,12-18 (năm chẵn), Lc 14, 25-33

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 14, 25-33)

25 Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ :

26 “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. 27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.

28 “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có hoàn thành nổi không ? 29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi, lại không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chế diễu mà bảo : 30 ‘Anh ta đã khởi công xây, nhưng chẳng có sức làm cho xong việc.’ 31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng ? 32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

“Không giữ lại, Không hối tiếc, Không thoái lui” (08.11.2023)

Không giữ lại, Không hối tiếc, Không thoái lui”. Đó là những gì chúng ta gọi là sự cam kết trọn vẹn, tự hiến hoàn toàn và dâng chính mình cách vô điều kiện cho Chúa và sứ mạng của Ngài bằng mọi giá. Đó cũng là loại cam kết mà Chúa Giê-su yêu cầu nơi những người bước theo Ngài.

Lời mời gọi của Chúa Giê-su không chỉ dành riêng cho Phê-rô hay mười một tông đồ, mà cho tất cả, cho bất kỳ ai sẵn sàng hiến dâng cho Thiên Chúa và cho sứ mệnh của Ngài (x. Lc 14,25). Như vậy “làm môn đệ không phải là một ơn gọi đặc biệt chỉ dành cho một số ít người; nó là một ơn gọi của tất cả những ai tin vào Chúa.”[1]

Đoạn Tin Mừng Lc 14, 25-33 bao gồm 3 lời dạy cho người môn đệ và hai dụ ngôn.

Lời dạy đầu tiên, đó là đặt tình yêu dành cho Chúa Giê-su trên hết mọi tình yêu khác, trên cả tình yêu cho gia đình và bản thân. Thử thách này trong trình thuật của Luca được đưa ra một cách mạnh mẽ và gây sốc: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, và ngay cả mạng sống của mình, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14:26).

Trình thuật trong Tin Mừng Mat-thêu thách thức được làm dịu đi qua cách diễn đạt: “ai yêu cha hoặc mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 37).

Từ “dứt bỏ” gia đình của một người trong Tin Mừng Luca không có nghĩa là hướng tới thù địch và từ bỏ gia đình, từ bỏ những nghĩa vụ gia đình nhưng là sự tách biệt và ưu tiên truyền giáo. Nói cách đơn giản, bất cứ ai muốn trở thành môn đệ của Chúa Giê-su, phải làm cho Ngài trở thành ưu tiên hàng đầu và là trung tâm của cuộc đời mình. Tất cả các mối tương quan khác, bao gồm quan hệ với các thành viên trong gia đình, chỉ là thứ yếu và phải xoay quanh mối quan hệ trung tâm của người môn đệ với Chúa.

Lời dạy thứ hai là sự sẵn lòng và khả năng bước theo Chúa Giê-su bằng cách vác thập giá– một hệ quả của việc yêu mến Chúa Giê-su trên tất cả: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 27).

Chúa Giê-su, khi hoàn thành ý muốn và sứ mệnh của Chúa Cha, đã đón nhận Thập giá của khổ nạn và cái chết.  Đó không chỉ vì Ngài vâng theo ý muốn của Cha, nhưng vì tình yêu thương đối với con người, để giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi. Như thế, muốn chia sẻ vinh quang và chiến thắng của Ngài, người môn đệ cũng phải sẵn lòng vác thập giá của mình và theo Ngài. Theo Chúa Giê-su là đáng giá, người môn đệ phải bằng lòng và sẵn sàng trả giá cho giá trị đó bằng tất cả những gì họ sở hữu và bằng chính cả mạng sống.

Lời dạy thứ ba ngắn gọn nhưng dứt khoát. Từ bỏ của cải vật chất, hay từ bỏ mọi hình thức chiếm hữu, vật chất, và lòng tham (x. Lc 14,33). Của cải vật chất, khi không được sử dụng theo các giá trị của Tin Mừng, có thể nguy hiểm và có thể làm chúng ta thành nô lệ, chúng trở thành chủ nhân, và cuộc sống của chúng ta có thể bị quyết định bởi những mong muốn không thể dừng đối với của cải và vật chất. Giá trị đạo đức và tinh thần có thể bị hy sinh để tích lũy của cải. Trong Tin Mừng khác, Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta “không thể cùng một lúc phục vụ Thiên Chúa và của cải” (x. Mt 6,24; Lc 16,13).

Hai dụ ngôn được đưa ra sau những lời dạy về việc làm môn đệ nhấn mạnh sự cần thiết của việc nắm lấy tư cách môn đệ cách rõ ràng và kiên định. Trong dụ ngôn thứ nhất, người môn đệ được so sánh với người đàn ông đang xây tháp- người đó phải biết những gì cần thiết để hoàn thành công trình (x. Lc 14, 28-30). Người môn đệ phải xác định thực tế những gì mình có và cần để kiên trì theo Chúa.

Trong dụ ngôn thứ hai, người môn đệ được ví như một sĩ quan quân đội, không được đánh giá thấp sức mạnh và khả năng của kẻ thù (x. Lc 14, 31-32). Người môn đệ phải có sự đánh giá trung thực về những đòi hỏi của việc làm môn đệ

Đi theo Chúa Giê-su là một dự án đáng giá cả đời, vì theo Chúa giá trị không kém hơn mọi thứ khác. Khi chúng ta theo Chúa, chúng ta phải sẵn sàng dâng cho Ngài mọi sự. “Hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Lc 12, 31).

Thật vậy, theo Chúa đòi hỏi phải từ bỏ tất cả những gì có thể cản trở chúng ta dâng hiến chính mình cho Ngài, cho ý muốn của Ngài, và cho sứ mạng của Ngài. Bất cứ điều gì có thể cản trở việc một lòng đáp lại lời mời gọi làm môn đệ của Ngài đều phải bị từ chối. Vì vậy, việc theo Chúa phải có sự cân nhắc tính toán trước những đòi hỏi của việc làm môn đệ (x. Lc 14, 26-32). Chúng ta phải biết những gì chúng ta đang tham dự vào và sẵn sàng cho điều đó.

Bước theo Chúa Ki-tô được cụ thể hóa trong các hình thức cam kết khác nhau của ơn gọi- trong ơn gọi gia đình, ơn gọi linh mục và ơn gọi đời sống tu sĩ. Sự cam kết đó với Thiên Chúa đòi hỏi sự đổi mới liên tục. Bất kỳ cam kết nào không được gia hạn cũng yếu dần theo thời gian. Vì thế, một khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta không trung tín với Thiên Chúa và với yêu cầu của Ngài dưới bất kỳ hình thức ơn gọi nào chúng ta đang là, chúng ta có thể bắt đầu lại từ đầu. Chúng ta có thể đưa ra quyết định đó nhờ ân sủng của Chúa để cam kết lại một lần nữa với sự hăng say, nhiệt thành và quyết tâm mới.

Đức Giáo Hoàng Bênêdictô 16 đã nói: “Đừng ngại nói CÓ với Chúa Giê-su, để tìm thấy niềm vui khi làm theo ý muốn của Ngài, hiến thân hoàn toàn cho việc theo đuổi sự thánh thiện, và sử dụng tất cả tài năng của mình để phục vụ người khác.”[2]

Heo nói với con gà: “chúng ta sẽ có gì cho bữa sáng?

Gà đáp: “hãy ăn giăm bông và trứng”

Heo nói: “không phải giăm bông”.

Gà hỏi: “tại sao không? tôi cung cấp trứng, bạn –giăm bông.”

Heo trả lời: “đối với bạn, đó là sự đóng góp, nhưng đối với tôi, đó là một cam kết hoàn toàn”.

Trong hành trình bước theo Chúa Giê-su, trong bất kỳ hình thức ơn gọi nào- trong đời sống hôn nhân, giáo sĩ hay tu sĩ, trong sự tham gia vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội, và trong nhiệm vụ biến đổi đời sống xã hội dựa trên các giá trị Phúc âm, chúng ta chỉ tham gia vào hay chúng ta hoàn toàn cam kết?

Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho con một tinh thần mới, để con dám hành động theo những lời dạy của Ngài, xin ban cho con một con tim mới, để con dám từ bỏ những gì trói buộc lý trí và tự do và bước vào một cam kết trọn vẹn với Chúa.


[1] Patricia Datchuck Sanchez, Học giả thánh thư, Tác giả của các bài giảng và bình luận kinh thánh.

[2] Benedict XVI, “Bài giảng cho ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 23 tại Randwick Racecourse, Sydney”,  (July 12-21. 2008).

Maria Trần

Môn đệ Tôi (03.11.2021)

Ngày 03.11: Lễ Kính Thánh Mác-ti-nô Po-rét, OP, tu sĩ (Phụng vụ Dòng Đa Minh)

Để lôi cuốn khách hàng, để chiêu dụ những người khác đến cùng lập trường hoặc lý tưởng với mình, ngày nay người ta thường sử dụng những kỹ thuật quảng cáo hấp dẫn, trình bày những lợi ích cụ thể, quyến rũ trước mắt, và thường nhấn mạnh đến những sung sướng hạnh phúc dễ dãi, không vất vả, cực nhọc sẽ đạt được. Còn Chúa Giêsu thì ngược lại. Ngài thẳng thừng đòi những ai muốn theo ngài thì phải yêu mến ngài trên hết tất cả. Những ai muốn làm môn đệ ngài thì phải vác thập giá mình mà đi theo. Tại sao Chúa Giêsu lại đòi hỏi khắt khe như thế ?- Đâu là lý do sâu xa của việc chọn lựa nầy ?-

Lời dạy trên đây có vẻ như là một yêu sách tiên quyết. Tuy nhiên, điều đó là sự thực và có thể hiểu được. Chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa, là Đấng Tạo dựng nên chúng ta. Phải yêu mến ngài trên tất cả. Bởi vì, tất cả những gì chúng ta có, những gì thuộc về chúng ta đều đến từ Thiên Chúa. Mà Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Thiên Chúa nhập thể làm người. Ngài đã trao ban mạng sống ngài để cứu chuộc chúng ta. Cho nên, ngài cũng có quyền đòi hỏi một tình yêu ưu việt như thế, như Thiên Chúa Cha. Ngài đặt điều kiện duy nhất: những ai muốn theo ngài không thể có một con tim chia năm, xẻ bảy. Phải ưu tiên chọn ngài trên hết, cách đặc biệt trong mối liên hệ gia đình và trong việc sử dụng của cải, vật chất.

Yêu mến Cha mẹ, vợ con, người thân… là điều tự nhiên, hợp lý và phải lẽ. Đó là điều Chúa truyền dạy phải làm trong điều răn thứ bốn. Tuy nhiên, đi theo Chúa đòi phải có niềm tin và một quyết tâm vững chắc. Ngài như muốn nói với chúng ta, chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng Tuyệt đối mà thôi. Ngài cư xử như một người tình đối với một người tình, bởi vì tình yêu đòi hỏi một sự hiến dâng trọn vẹn. Yêu mến ngài trên hết không phải là chê bỏ lòng hiếu thảo, nghĩa vợ chồng. Nhưng là yêu thương bằng một tình yêu mãnh liệt hơn và bao la hơn; bởi vì ngài là trọng tâm của tất cả, là nguồn mạch của tất cả và nơi cùng đích của tất cả. Khi cần phải chọn lựa, thì Thiên Chúa phải được ưu tiên.

Đồng thời, để trở thành môn đệ còn cần phải có một thái độ thích hợp đối với tài sản, của cải. Từ chối không tôn thờ của cải vật chất, bằng cách sẵn sàng chấp nhận mất đi tất cả để trung thành với đức tin. Đến với Chúa Giêsu và vui sướng bước theo ngài, cần phải tận dụng mọi phương tiện, và dẹp bỏ mọi hành lý cồng kềnh vô ích. Noi gương Chúa, con người phải giải thoát mình khỏi tất cả những gì cỏ thể làm cản trở bước chân. Chỉ còn thập giá là phải mang theo để đi theo ngài.

Từ xưa đến nay, thập giá nói lên một điều gì ghê tởm, gớm ghiếc, một sự thất bại ô uế, nhụt nhã. Người bị xử đóng đinh thập giá phải chịu một cái chết đau đớn, dân mòn, treo lơ lửng, xa khỏi mặt đất. Người muốn bước đi theo Chúa phải vác thập giá đi đến núi Sọ, sẵn sàng hy sinh chính mạng sống mình. Sở dĩ Chúa Giêsu đòi điều kiện nầy là vì, thập giá là phương tiện, là con đường Thiên Chúa chọn để đem lại hạnh phúc đích thực cho con người.

Đồng ý là Thiên Chúa có thể dùng nhiều cách thức khác nhau, dễ dàng, quyền năng… để thực hiện công cuộc cứu độ. Thế nhưng, ngài đã chọn thập giá để nói lên tâm tình đền tội, tha thứ, thanh luyện, cầu nguyện. Mục đích là để giúp con người ý thức về phần rỗi vô cùng quan trọng. Cần phải tránh tội, đền tội, hy sinh, hãm mình, cầu nguyện.. Hơn nữa, thập giá cũng muốn mạc khải cho mọi người biết tình yêu Thiên Chúa vô cùng lớn lao. Con Thiên Chúa chịu chết để đền tội cho nhân loại. Đó là đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa. Và cũng là con đường chúng ta phải theo, nếu muốn được hạnh phúc với ngài.

Đối với chúng ta trong hoàn cảnh hiện tại, thập giá cần phải mang chính là những việc bổn phận hằng ngày, những trách nhiệm phải chu toàn trong cuộc sống, những đau khổ, bất hạnh gặp phải nơi chính bản thân.. Với Chúa Giêsu, với ơn cứu độ, tất cả đều là những sợi chỉ thiêng liêng, cao quí dệt nên cuộc đời chúng ta từ ngày nầy qua ngày khác cho đến khi ra trình diện trước mặt Chúa. Vác thập giá mình theo chân Chúa Giêsu, chắc chắn chúng ta không đi vào vô nghĩa, đi đến sự chết, mà là đi đến vinh quang Phục sinh muôn đời trong Nước Trời.

Ơn cứu độ là một vấn đề sống còn, sinh tử. Được thì được hết, mất thì mất tất cả. Cho nên cần phải biêt khôn ngoan, suy tính, chọn lựa. Cần phải tránh thái độ dấn thân hời hợt. Cần phải quyết định sáng suốt, cân nhắc kỹ lưởng. Phải dứt khoát rõ ràng, để làm môn đệ Chúa ở đây và ngay lúc nầy. Cần phải suy xét cẩn thận, đo lường cái giá phải trả, đừng liều lĩnh, nhắm mắt đưa chân. Đó là điều Chúa Giêsu nhấn mạnh qua hai dụ ngôn về người định xây một cái tháp và một ông vua sắp đi giao chiến với mộ vua khác.

Đó cũng là điều Chúa cũng muốn nhắn nhủ chúng ta hôm nay.

Vác thập giá mình mà theo Chúa (04.11.2020)

Ngày 04.11: Lễ Nhớ Thánh Ca-rô-lô Bo-rô-mê-ô, giám mục

Tin Mừng hôm nay Chúa đặt điều kiện cho ai muốn theo Chúa thật là khắt khe, phải “… dứt bỏ cha mẹ vợ con, anh em, chị em, và cả mang sống mình nữa…”. Đòi hỏi này đối với những người không có đức tin thì chẳng mấy ai chấp nhận. Cha mẹ là người sinh thành, dưỡng dục ta từ tấm bé. Người không tin Thiên Chúa họ coi cha mẹ là thần linh, Thượng Đế của họ. Anh em ruột thịt là những người cùng chung máu huyết cùng một cha mẹ, một nhà yêu thương. Chính Chúa cũng dạy phải yêu mọi người như  “anh em” . Vậy mà Chúa lại dạy từ bỏ là sao?

Người có đức tin thì nhận đây là lời chân lý. Thật vậy! Thiên Chúa là Đấng tạo hóa, Ngài là nguyên nhân của muôn loài, muôn vật. Chúa chỉ cho ta rõ “Cha mẹ, anh em, hay cả mạng sống ta nữa”, những người ấy, thứ ấy quý thật nhưng chúng đều là những tạo vật do Chúa dựng nên. Sự tốt lành của nó chỉ có chừng có mực và tồn tại có thời có hạn. Còn Chúa thì tuyệt hảo vô cùng vô tận. Con người tính tự nhiên là yêu kính cha mẹ và anh chị em mình, nên có nguy cơ coi các vị ấy hơn cả Thiên Chúa. Do vậy Chúa cảnh báo phải “dứt bỏ” và chỉ có Thiên Chúa mới là trên hết, là mục đích tối hậu, là cứu cánh của ta. Người cha, người mẹ, người anh người chị yêu thương nhau thật nhưng ai có thể cứu ta khỏi chết ở đời này ngoài Thiên Chúa?

Chúa cũng dạy ta phải  “vác thập giá mình mà theo Chúa” nữa. Những đau khổ, những thập giá trên đời này là hậu quả của tội nguyên tổ, là một mầu nhiệm vẫn tràn lan xưa xưa nay trên mặt đất: vất vả, đói khổ, chiến tranh, bệnh tật, hận thù, chết chóc… Chúa đễn cứu chuộc trần gian, dù có quyền phép, Người đã không loại bỏ đau khổ ấy, mà lại còn vác thập giá để cứu chuộc. Vì vậy Chúa cũng muốn ta vác thập giá đau khổ ấy mà bước theo, vì nó có sức mạnh cứu chuộc mọi người.

Người Phật giáo nói “đời là bể khổ” rồi họ dùng chính nghị lực của mình mà giải thoát đau khổ. Còn ta, không chỉ dùng nghị lực của mình mà còn phải nhờ vào ơn Chúa giúp nữa, thì mới có thể vượt thắng được.

Chúa cũng dạy ta con đường theo Chúa quả là một công trình quan trọng, lớn lao. Đòi hỏi ta phải biết “tính toán”, kiên trì trù liệu cẩn thận thì mới hoàn thành tốt đẹp được.

Hãy xem lại mấy điều Chúa dạy: “Phải kính mến Thiên Chúa hết linh hồn hết trí khôn…và yêu thương tha nhân như chính mình.” (Mc 10, 28-30). “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5, 43-45). “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được kho tàng trên trời. ” (Mc 10,17-27). “Vì danh Thầy anh em sẽ bị mọi người thù ghét.” (Mt 10,17-22). “Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16,29). Thật là kỳ diệu, trọng đại, hy sinh, nghiệt ngã và cũng thật hy vọng cho những ai muốn được cùng Chúa về hưởng Nước Trời!

Lạy Chúa! Xin cho con luôn vững vàng vác thập mình mà theo Chúa dù trong mọi hoàn cảnh, mọi quãng đường. Xin Chúa luôn thêm sức để thánh giá đời con trở nên những bông hoa thơm êm dịu dẫn con về Nước Trời. Amen.

Giuse Ngọc Năng

Dứt phù hoa chọn Chúa (06.11.2019)

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi mọi người theo Chúa, nhưng với những đòi hỏi quả là khắt khe. Phải “dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa”. Sống trên đời, Chúa đã ban cho những thứ đó, mà chỉ những thứ đó là niềm vui là hạnh phúc. Thế mà Chúa lại muốn mọi người theo Chúa phải dứt bỏ nghiã là làm sao?

Trước hết ta thấy đây là một đòi hỏi của một Đấng vượt trên hết loài người, Đấng Tạo Hóa – Thiên Chúa. Đấng tạo dựng nên tất cả, nên Người cũng có quyền đòi hỏi tất cả. Đây cũng là đòi hỏi của Chúa Giêsu cứu thế, Đấng cứu chuộc linh hồn chúng ta. Cho nên Người muốn chúng ta phải quy hướng về Người là trung tâm, cứu cánh của toàn thể nhân loại. Thiên Chúa đã tạo dựng, cứu chuộc cả thể xác và linh hồn chúng ta nên Người mới có quyền đòi hỏi như vậy. Đúng như điều răn 1 đã công bố trước Chúa Kitô hàng ngàn năm mà Chúa Kitô đã nhắc lại: “Ngươi phải kính mến Thiên Chúa là Chúa ngươi hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” (Mt 22, 37).

Thứ nữa Thiên Chúa đã tạo dựng mọi thứ ở đời này tốt lành nên con người dễ bám lấy nó. Nhưng nó chỉ là thứ phù hoa chóng qua chóng hết. Chúa muốn ta sử dụng những cái đó để tìm cái lợi lộc lớn lao vĩnh cửu là chính Chúa. Đừng vì thú vui mau qua ấy mà quên hạnh phúc đời đời. Chính Chúa cũng đã hứa với các tông đồ, Người sẽ không để cho họ bị thiệt thòi khi theo Chúa không phải chỉ đời sau mà ngay cả đời này nữa: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất vì Thầy và vì Tin Mừng mà ngay bây giờ ở đời này lại không được nhà cửa anh em chị em, mẹ con hay ruộng đất gấp trăm, cùng với sự ngược đãi và sự sống vĩnh cửu đời sau.” (Mc 10, 28-31). Chúa muốn ta dứt ra khỏi cái quan hệ máu huyết ruột rà ấy, để dành cho Chúa sứ mệnh lớn lao là yêu thương cứu độ tất cả mọi người. Từ bỏ những thứ đó không phải Chúa muốn ta lìa bỏ thế gian, vì có lần Người đã thưa với Chúa Cha: “Con không xin Cha cất họ ra khỏi thế gian… nhưng xin Cha cho họ khỏi ác thần”. (Ga 17, 16). Theo Chúa, “từ bỏ” cũng không phải là thoái thác bổn phận với cha mẹ con cái, mà càng phải trọn những bổn phận đó, như thế mới là vác thập giá mình mà theo Chúa. Phải “từ bỏ mọi sự” mà theo Chúa, nghĩa là phải coi Chúa là trên hết,  là cứu cánh duy nhất đem lại cho ta hạnh phúc đích thật. Tin Mừng hôm nay Chúa cũng dạy ta khi thực thi một công việc, phải biết “tính toán phí tổn”. Vì con đường ta đi theo Chúa quả là một công trình lớn lao duy nhất đời ta, nên càng phải tính toán trước sau, phải có ý chí mạnh mẽ, còn phải có ơn Chúa giúp sức nữa, ta mới mong hoàn thành tốt đẹp được.

Lạy Chúa! Xin cho con luôn an vui thực thi Lời Chúa. Cho con biết coi thường tất cả những gì chóng qua, chóng hết mà chỉ biết đặt trọn niềm tin yêu, hy vọng vào một mình Chúa là gia nghiệp đời đời của con. Để rồi con biết yêu thương, chia sẻ với anh chị em con, cho đến ngày được về hưởng gia tài bất tận là Chúa trên quê Trời. Amen.

Gs. Ngọc Năng

Từ Bỏ

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu làm sáng tỏ thêm giới răn thứ nhất mà Thiên Chúa đã truyền cho Môsê trước Chúa Kitô hàng nghìn năm mà chúng ta vẫn đọc hàng ngày: “ Thờ phượng và kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự”. Thiên Chúa đã tạo dựng trần gian này mọi sự tốt lành. Mọi sự: con người, tiền của, vật chất trên đời này làm ta yêu mến nó vì nó cần thiết phục vụ cho sự sống của ta. Ở đây Chúa muốn ta từ bỏ, mà lại từ bỏ cha mẹ, vợ, chồng, anh em ruột thịt… nghe mà bạc bẽo nghiệt ngã. Vậy ta nên hiểu lời Chúa theo nghĩa hẹp hay nghĩa rộng. 

Trước hết ta phải nhận biết Thiên Chúa là đấng tối cao, toàn năng, quyền phép, là cha yêu thương. Mọi sự chúng ta đang có được: thân xác, linh hồn, vật chất trần gian… đều nhờ Ngài mới có. Từng giây, từng phút mạng sống của ta và cả vũ trụ bao la này phải nhờ vào Ngài nó mới tồn tại. Ngài còn có quyền năng ban cho ta được sống đời đời. Vậy ngoài Thiên Chúa ra, ai có thể ban cho ta điều gì hơn thế nữa. Người ban ân huệ nhiều nhất, lớn nhất cho ta, thì lẽ thường ta cũng phải yêu mến nhất. Do vậy lời Chúa trên đây ta có thể hiểu theo nghĩa hẹp hay nghĩa rộng đều đúng cả.

Các thánh Tử Đạo xưa nay thấm nhuần lời Chúa, các Ngài đã triệt để thực thi nghĩa hẹp, đã thực sự “Từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống nữa” để theo Chúa. Đọc gương tử đạo của mãi thời Cựu ước, nhưng ai mà không xúc động trước lời của một bà mẹ nài nỉ khuyến khích các con mình tin yêu vào quyền năng của Thiên Chúa, để đừng sợ hiến dâng thân xác mình cho Chúa: “Chín tháng trong bụng mẹ, không phải mẹ đã ban và sắp đặt các phần thân thể… cho các con, nhưng chính là Thiên Chúa… Ngài sẽ trả… các con cho mẹ” (2Mcb7,20). Thánh Phêrô thì trước công  nghị Do Thái, Ngài đã quả quyết về Chúa Giêsu: “Dưới gầm trời này không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại để chúng ta được nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv4,12). Còn lời Chúa với chúng ta hôm nay, chắc Chúa chưa muốn ta phải máu chảy đầu rơi để theo Chúa, nhưng ta có biết yêu người thân, của cải… bên dưới tình yêu mến Thiên Chúa không? Nếu những thứ ấy nó cản trở ta yêu Chúa ta có dám lìa bỏ nó không? Có lần Chúa nói với anh thanh niên giầu có hãy về bán gia tài cho người nghèo rồi đến đây theo Chúa. Còn ta nếu chưa dám bán, thì hãy tập dần dần xa nó, coi thường nó trong bình an vì chắc chắn có ngày ta sẽ phải xa lìa nó.

Một lần được dự giờ dạy giáo lý về bí tích Xức dầu, người thầy đã tâm sự: “Trước một căn bệnh hiểm nghèo thì bác sĩ sẽ  chịu bó tay, người thân dù có nhiều tiền nhiều của, dù yêu thương bao nhiêu cũng đành bất lực. Bệnh nhân chỉ còn trông chờ vào Người yêu duy nhất quyền phép chữa trị hay nâng đỡ ủi an họ được an bình về chốn vĩnh hằng”.

Lạy Chúa, xin Chúa ban cho chúng con lòng yêu mến lời Chúa dạy, được hiểu đúng giá trị và sử dụng những tạo vật  Chúa ban cho trên đời này, để giành được gia tài vĩnh cửu là chính Chúa.  Amen.

Ngọc Năng (BC)

Theo Đức Kitô là từ bỏ tất cả

“Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,33)

Suy niệm: “Có rất đông người cùng đi đường với Chúa Giêsu” nhưng không phải ai trong số đó cũng có cùng một thao thức, một cái nhìn, một mục đích như Ngài. Có người đi theo Chúa để thoả tính hiếu kỳ trước các phép lạ Ngài làm; có người mong được một lợi lộc nào đó, được khỏi bệnh, được ăn no…; có người mơ tưởng đến một địa vị một chức quyền cao trọng trong vương quốc –họ tưởng tượng– của Ngài. Họ cùng đi đường với Chúa Giêsu nhưng chưa hẳn đã là môn đệ của Ngài. Chúa Giêsu cho biết chỉ những ai dám từ bỏ mọi sự để đi theo Ngài mới có thể là môn đệ Ngài được: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con… không từ bỏ hết những gì mình có… thì không thể làm môn đệ tôi được.”

Mời Bạn: Có thể bạn đã từ bỏ rất nhiều điều, có khi là những điều rất lớn lao, để đi theo Chúa Kitô. Thế nhưng nếu như bạn vẫn còn giữ lại một chút tự ái, một chút ham muốn hưởng thụ ích kỷ… thì thực ra bạn chưa từ bỏ gì cả, và chưa thể làm môn đệ Chúa Kitô được. Mời bạn bắt đầu làm môn đệ của Ngài bằng cách làm những hy sinh nho nhỏ kín đáo, bằng việc từ bỏ những thói quen xấu tuy nhỏ nhặt nhưng dung dưỡng cho tính tự ái và lòng ham muốn hưởng thụ của mình.

Sống Lời Chúa: Làm một hy sinh nhỏ bé tự nguyện và xin ơn luôn biết từ bỏ một cách triệt để mỗi khi Chúa đòi hỏi bạn như thế.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin an ơn trợ giúp cho con, để con dám hiến dâng Chúa tất cả con người và cuộc sống của con để con luôn là môn đệ trung thành của Chúa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *