Giải đáp những thắc mắc về Mùa Vọng – Phần I

Phần I

Phần II

***

1. Có Thể Thay Chuông Bằng Nhạc Cụ Khác Trong Mùa Vọng Không?

2. MÙA VỌNG: MÀU PHỤNG VỤ VÀ TRANG TRÍ

3. Mùa Vọng Phụng vụ được hình thành như thế nào?

4. Có xông hương cho Vòng hoa Mùa Vọng không?

***

1. Có Thể Thay Chuông Bằng Nhạc Cụ Khác Trong Mùa Vọng Không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Thưa cha, con muốn tìm xem trong việc cử hành Thánh lễ, nhất là trong mùa Vọng, liệu việc rung chuông có bị cấm khi truyền phép, như được làm trong suốt mùa Thường Niên không. Con nhận thấy rằng trong mùa Vọng, chuông không được sử dụng. Nhưng đồng thời, các thanh gổ tròn dài được đánh vào nhau để thay thế tiếng chuông khi truyền phép. Liệu sự thay thế này là được phép không? Nếu có, tại sao không tiếp tục dùng chuông, vì các thanh gỗ này cũng gây “tiếng ồn” không kém tiếng chuông bình thường. Có điều khoản Giáo luật nào nói về việc thay thế này không? Con cũng biết là không được sử dụng các nhạc cụ trong Mùa này. Liệu đây có phải là sự thực hành trong cả Giáo Hội phổ quát không? – E. C., Kabwe, Zambia

Đáp: Về việc sử dụng đại quản cầm và các nhạc cụ khác trong Mùa Vọng, chúng tôi xin nhắc lại một phần chúng tôi đã viết trong một câu trả lời cách đây 10 năm:
“Có nhiều tài liệu liên quan đến chủ đề này. Huấn thị về âm nhạc trong phụng vụ thánh “Musicam Sacram” (ngày 5-3-1967 của Thánh Bộ Nghi lễ) giải quyết vấn đề về đại quản cầm và các nhạc cụ khác trong các số 62-67. Xin trích dẫn:
“62. Các nhạc khí có thể rất hữu ích trong các buổi cử hành lễ nghi phụng vụ, hoặc đệm theo tiếng hát, hoặc chơi riêng một mình.
Trong Hội Thánh la-tinh, đại quản cầm có ống rất được quý chuộng và được coi như nhạc khí cổ truyền mà âm thanh có thể tăng thêm vẻ huy hoàng kỳ diệu cho những nghi lễ của Hội Thánh, và có sức mãnh liệt nâng các tâm hồn  lên cùng Thiên Chúa và lên trời.
Còn những nhạc khí khác, thì tùy theo sự xét đoán và chấp thuận của thẩm quyền địa phương, có thể được dùng trong việc thờ phượng, tùy như chúng thích hợp hay có thể thích hợp được để dùng vào việc thánh với công dụng thiêng thánh, hay hợp với vẻ trang trọng của đền thờ, và thực sự giúp cho các tín hữu sốt sắng hơn. (41)
“63. Muốn thừa nhận và sử dụng các nhạc khí, phải để ý đến nét đặc sắc và tập quán của mỗi dân tộc. Những nhạc khí nào, mà theo ý kiến chung, và cách sử dụng thông thường, chỉ hợp với nhạc đời, thì phải loại trừ ra khỏi lễ nghi phụng vụ và các việc đạo đức thánh thiện.
“Mọi nhạc khí được thừa nhận trong việc thờ phượng phải sử dụng thế nào cho hợp với các đòi hỏi của lễ nghi phụng vụ, và làm cho việc thờ phượng nên tốt đẹp cũng như giúp các tín hữu thêm lòng đạo đức.
“64. Nên dùng nhạc khí để đệm theo tiếng hát hầu giữ cho giọng khỏi xuống, và giúp cho cộng đoàn tham dự dễ dàng hơn, cũng như hợp nhất với nhau mật thiết hơn. Nhưng âm thanh của các nhạc khí không bao giờ được lấn tiếng hát, và làm cho bản văn trở nên khó hiểu. Mọi nhạc khí đều phải im tiếng khi linh mục hay thừa tác viên đọc cao giọng một bản văn được dành riêng cho các vị ấy.
“65. Trong các lễ hát hoặc lễ đọc, có thể dùng đại quản cầm hoặc một nhạc khí nào khác đã được chính thức thừa nhận để đệm theo tiếng hát của ca đoàn và giáo dân. Có thể độc tấu nhạc trước khi linh mục tới bàn thờ, lúc dâng lễ vật, trong khi rước lễ và lúc cuối lễ. Có thể áp dụng cùng một quy tắc đó, thích nghi cho hợp trong các buổi cử hành thiêng thánh khác.
“66. Không được phép độc tấu các nhạc khí đó trong Mùa Vọng và Mùa Chay, trong Tuần Tam Nhật Vượt qua, và trong giờ Kinh Lễ cầu hồn.
“67. Mong sao các nhạc công đại quản cầm và các nhạc khí khác, chẳng những sử dụng thành thạo nhạc khí, mà còn hiểu biết sâu sắc tinh thần phụng vụ, để khi thi hành nhiệm vụ, dù chơi theo ngẫu hứng, họ vẫn làm cho buổi cử hành thêm phong phú theo bản tính thực của mỗi yếu tố và làm cho tín hữu say sưa tham dự” (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).
Do đó, theo tài liệu này, không được phép độc tấu đại quản cầm trong Mùa Vọng.
Tuy nhiên, trong khi các tiêu chí trên vẫn còn hiệu lực, dường như có một sự nới rộng nhỏ để cho phép độc tấu đại quản cầm trong Mùa Vọng, trong Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma năm 2001, vốn trích dẫn các qui chế được đưa ra trong Sách Lễ nghi Giám Mục năm 1984.
Số 313 nói: “Trong Mùa Vọng được phép đánh phong cầm và các nhạc cụ khác cách vừa phải, phù hợp với đặc tính của mùa này, nhưng đừng đi trước niềm vui trọn vẹn của lễ Chúa Giáng Sinh.
“Trong Mùa Chay tiếng phong cầm và các nhạc cụ khác chỉ để giúp hát mà thôi, trừ Chúa Nhật Laetare (IV Mùa Chay), lễ trọng và lễ kính” (Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).
Như vậy, việc cấm rõ ràng độc tấu đại quản cầm, được tìm thấy trong huấn thị “Musicam Sacram”, được giới hạn trong Mùa Chay, trong khi trong mùa Vọng, bây giờ có thể độc tấu đại quản cầm, miễn là “một cách vừa phải, phù hợp với đặc tính của mùa này”.
Đúng là không phải Sách Lễ Nghi Giám Mục, và cũng không phải Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) số 66, đã minh nhiên cấm hoặc xóa bỏ luật trước đó.
Tuy nhiên, bởi vì các tài liệu Giáo Hội thường trích dẫn chính xác các tài liệu trước đó, các thay đổi nhỏ trong việc nhấn mạnh thường có ý nghĩa, và có thể phản ánh một sự tiến hóa trong qui chế, ngay cả khi luật trước đó không được bãi bỏ cách đặc biệt. Vì vậy tôi nghĩ rằng đây là một sự thay đổi rõ ràng về sự nhấn mạnh đối với tài liệu trước đó, bởi vì việc không nhắc đến sự sử dụng đại quản cầm để giúp hát trong mùa Vọng chắc chắn không phải là ngẫu nhiên.
Lý do có thể cho việc này là rằng Mùa Vọng không còn chính thức được kể vào các mùa thống hối.
Theo Sách Lễ Nghi Giám Mục, số 41, trong Mùa Vọng được phép đánh phong cầm và các nhạc cụ khác cách vừa phải, phù hợp với đặc tính của mùa này, nhưng đừng đi trước niềm vui trọn vẹn của lễ Chúa Giáng Sinh.
Chắc chắn, Mùa Vọng có các yếu tố giống với mùa Chay sám hối (lễ phục màu tím, bỏ kinh Vinh Danh (Gloria…). Chúng được biện minh bởi sự tập chú của Mùa Vọng vào việc chuẩn bị tinh thần cho Chúa Kitô đến, bằng cách nhắc lại các mầu nhiệm của lịch sử cứu độ, cũng như các ám chỉ cánh chung của phụng vụ với “bốn sự sau”: sự chết, sự phán xét, thiên đàng và hỏa ngục.
Theo số 39 của Phần Giới thiệu lịch phụng vụ Rôma: “Mùa Vọng có hai đặc điểm: là một mùa để chuẩn bị Lễ Chúa Giáng Sinh khi việc Chúa Kitô đến lần đầu với chúng ta được tưởng nhớ; là một mùa khi sự tưởng nhớ này hướng tâm trí và con tim để chờ đợi việc Chúa Kitô đến lần thứ hai vào lúc tận cùng thời gian. Do đó Mùa Vọng là một khoảng thời gian cho sự chờ đợi sốt sắng và vui mừng”.
Mùa Vọng, được phát triển trong Nghi Lễ Rôma vào thế kỷ thứ sáu và luôn chứa đựng hai yếu tố này, mặc dù đôi khi một yếu tố được nhấn mạnh nhiều hơn yếu tố kia, cho đến khi mùa đạt đến nhiều hay ít hình thức hiện tại của nó.
Việc dùng các thanh gỗ gõ ra tiếng để thay thế cho chuông trong mùa Vọng dường như là một tập tục địa phương, và không được quy định trong luật phụng vụ. Chỉ có một số dịp  khi luật phổ quát tiên liệu việc dùng các thanh trắc được gõ thay tiếng chuông khi truyền phép, sau kinh Vinh Danh cho Thánh Lễ Tiệc ly ngày Thứ Năm Tuần Thánh, sau đó không được rung chuông nữa cho đến kinh Vinh Danh của Đêm Vọng Phục Sinh.
Tại một số nơi, việc dùng các thanh trắc được tập tục địa phương cho mở rộng trọn mùa Chay, và cũng xuất hiện ở đây trong mùa Vọng nữa. Không có lý do phụng vụ tốt để duy trì sự thay thế này, và chuông có thể được rung trong suốt Mùa Vọng. Tuy nhiên, nếu tập tục đã có từ lâu và có qui chế của một tập tục pháp lý, nó cũng có thể được tiếp tục thực hiện. (Zenit.org 16-12-2014).

Chuyển ngữ
Nguyễn Trọng Đa

2. MÙA VỌNG: MÀU PHỤNG VỤ VÀ TRANG TRÍ

Tôi có một câu hỏi nhỏ, nhờ giải đáp cho:

(1) Trong nghi thức mùa Vọng, ở nhà thờ thường hay trưng bày 4 cây nến: 3 cây màu tím, và 1 cây màu  hồng. Ý nghĩa của màu tím và màu hồng là gì, và khác nhau thế nào?

(2) Tại sao mùa Chay cũng dùng chung một màu ” tím” nhưng lại có ý nghĩa khác?

(3) Tại sao dùng màu tím mà không thể dùng màu khác?

(4) Cây nến màu hồng được đốt vào tuần lễ thứ 3 mùa Vọng, sao không để đến tuần thứ 4 mới đốt?

Xin cám ơn nhiều. Cầu chúc một mùa Giáng Sinh thánh đức (Thanh Vu).

 

Bạn Thanh Vu mến,

Xin trả lời tổng hợp các câu hỏi của bạn.

1. Về màu sắc

Bạn có thể đọc các Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (QCTQSLR) năm 1970 và 2000 (ấn bản thứ ba năm 2001):

– Trong QCTQSLR được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI chuẩn nhận qua Tông Hiến “Sách Lễ Rôma” ban hành ngày 3-4-1969 và Thánh Bộ Phụng Tự ký sắc lệnh ngày 26-3-1970:

Số 308: Về các màu sắc của phẩm phục, hãy giữ các tâp quán cổ truyền, nghĩa là:

d/ Màu tím dùng trong Mùa Vọng (MV), Mùa Chay (MC), cũng có thể dùng trong thần vụ và các thánh lễ cầu cho những người đã qua đời.

e/ Màu hồng có thể dùng trong các Chúa Nhật Gaudete (CN III MV) và Laetare (CN IV MC).

– Trong QCTQSLR năm 2000 được Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II phê chuẩn ngày 11-01-2000 và Thánh Bộ về Phụng Tự Thánh và Kỷ Luật Bí Tích ban hành ngày 20-4-2000, và trong QCTQSLR của ấn bản thứ ba (editio typica tertia) được Đức Gioan-Phaolô II phê chuẩn trong Năm Thánh 2000 và được xuất bản vào mùa xuân 2001: Nói chung, qui định về màu sắc từ số 345 đến 347 giống như bản được ĐGH Phaolô VI phê chuẩn.

Màu tím diễn tả một tình trạng chưa trọn vẹn, chưa hoàn tất. Do đó, Giáo Hội dùng làm màu của áo lễ cho MV lẫn MC, bởi vì cả hai mùa Phụng vụ này đều diễn tả một tình trạng chưa trọn vẹn của đời Kitô hữu: trong MV, chúng ta trông chờ Chúa Kitô đến để làm cho đời sống chúng ta nên viên mãn; trong MC, chúng ta hướng đến biến cố sống lại để giải thoát chúng ta khỏi tọi lỗi. Cũng chẳng cần phải tìm một màu cho MV và một màu khác cho MC, bởi lẽ các màu có tính cách biểu tượng và nhằm mục đích sư phạm, nghĩa là nhắc các tín hữu nhớ đến giáo huấn của Hội Thánh là được. Xin đan cử một ví du: Màu đỏ để mừng lễ các thánh tử đạo (đổ máu), nhưng cũng để mừng lễ Chúa Thánh Thần (được tượngt rưng bằng lửa).

Còn màu hồng thì diễn tả niềm vui. CN III MV và CN IV MC là hai CN “của niềm vui” nên QCTQSLR đề nghị dùng áo màu hồng: CN III MV thì bảo chúng ta rằng chúng ta đã đi được nửa MV, Chúa càng đến gần hơn; CN IV MC thì được coi như là nửa Mùa Chay, nói với chúng ta rằng ngày cứu độ, ngày chúng ta thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi, ma quỷ, thế gian và xác thị đã gần rồi, nhờ cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu.

2. Về trang trí bàn thờ

Nói chung, về việc trang trí nhà thờ, Giáo Hội để cho chúng ta tự do, miễn là cách trang trí nào đó “cổ võ đức tin và lòng sốt sắng” (QCTQSLR, 289), “tăng cường lòng sốt sắng và nêu bật tính linh thánh của các mầu nhiệm được cử hành” (QCTQSLR, 294).

Riêng ở nhà thờ xứ của bạn, ban trang trí dùng nến màu tím và màu hồng với con số 4 cây cho 4 CN, như nhiều nhà thờ trên thế giới cũng làm, như thế cũng rất gợi ý. Có lẽ người ta đốt cây nến hồng vào CN III MV là để đáp ứng đề nghị của QCTQSLR, và dường như bạn muốn nói là suốt tuần lễ đó, họ cũng đốt cây nến hồng? Như thế càng hay! Nhưng rồi đến CN IV, lại đốt cây tím còn lại hay sao? Như vậy, họ đã giữ quá đúng mặt chữ của Quy Chế, vì Quy Chế không xác định gì đặc biệt cho CN IV! Tuy nhiên, theo thiển ý tôi, nếu đã chọn “chơi màu” như thế, thì nên dùng hai cây nến tím cho 2 CN đầu và dùng hai cây nến hồng cho 2 CN sau. Bởi vì tuy CN IV MV không được gọi là CN “Hãy vui lên”, nhưng kể từ CN III, bầu khí vui tươi đã chan hòa và ngày càng thêm tưng bừng rộn rã. Vào CN III MV, Giáo Hội cho biết lý do “hãy vui lên” là vì Chúa sắp đến; chẳng lẽ CN IV và tuần IV, điều này lại càng không đúng hay sao? Chẳng lẽ vào thời gian này niềm vui lại không càng dâng cao hơn hay sao? Từ CN IV MV, và từ ngày 17-12, thân thế của Đấng Cứu Thế được giới thiệu rất rõ. Nhưng nói như thế cũng có nghĩa là chúng ta tự do trong lãnh vực trang trí này. Có nơi người ta dùng 4 cây nến 4 màu cho MV, và dĩ nhiên cây hồng luôn dành cho tuần III.

Cầu chúc bạn một Mùa Vọng thánh thiện và một Mùa Giáng Sinh chan hòa niềm vui thánh do Chúa Hài Đồng mang đến.

Thân mến.   
        Lm Phan Long, ofm

3. Mùa Vọng Phụng vụ được hình thành như thế nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Xin cha giúp con hiểu biết về vấn đề mùa Vọng, vì Mùa này sắp đến rồi. Sự hình thành và thần học của nó là như thế nào, thưa cha? – D. K., Harare, Zimbabwe

Đáp: Đây là một câu hỏi quá rộng và thật là không dễ dàng để trả lời nó cách ngắn gọn được. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng cung cấp ít nhất một số ý tưởng cơ bản.

Hệ thống hiện nay của chúng ta về tổ chức chu kỳ phụng vụ bắt đầu với Mùa Vọng. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì tất cả mọi sự trong Giáo Hội bắt đầu với sự xuất hiện của Chúa Kitô.

Tuy nhiên, năm phụng vụ đã không luôn được xếp đặt theo cách này và do đó không được tổ chức trong mọi gia đình phụng vụ. Các dấu vết sớm nhất của một chu kỳ phụng vụ đi theo tập tục của người Do Thái, và bắt đầu năm mới với lễ Phục sinh, mà ngày lễ này vẫn xác định nhiều ngày lễ khác.

Điều này cũng là hài hòa với sự khởi đầu của năm dân sự, vốn bắt đầu, không trong tháng Giêng, nhưng trong tháng Ba. Theo một số truyền thống Kitô giáo, ngày xuân phân, vốn rơi vào ngày 25-3, là ngày đầu tiên của sự sáng tạo, ngày của mầu nhiệm Nhập Thể, và ngày của Chúa bị đóng đinh. Là một nhân chứng cho truyền thống này, chúng tôi biết Sách bài đọc lâu đời nhất, đó là bản viết trên da cừu của Wolfenbüttel (sáng tác trước năm 452), vốn có chu kỳ các bài đọc bắt đầu từ lễ Phục Sinh, và kết thúc vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh của năm sau.

Khi việc cử hành lễ Giáng sinh trở nên phổ biến hơn, cùng với sự việc rằng một số Giáo Hội chuyển lễ Truyền Tin vào trước lễ Giáng sinh, để loại nó khỏi Mùa Chay, ý tưởng bắt đầu năm phụng vụ trong khoảng thời gian này dần dần manh nha. Điều này được phản ánh trong các sách phụng vụ của thế kỷ VI và thế kỷ VII, vốn bắt đầu bằng lễ Giáng sinh. Một hoặc hai thế kỷ sau đó, khi mùa Vọng được quan niệm như là một sự chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, chúng ta tìm thấy các cuốn sách bắt đầu với Chúa Nhật I Mùa Vọng, và sự sử dụng này là phổ biến sau thế kỷ IX.

Dường như việc cử hành phụng vụ Mùa Vọng có nguồn gốc ở miền nam nước Pháp và Tây Ban Nha, đôi khi với một tính cách sám hối đáng kể. Tại Rôma, chúng tôi tìm thấy các dấu vết đầu tiên của việc cử hành phụng vụ này vào thế kỷ VI, đôi khi với năm hoặc sáu Chúa Nhật. Chúa Nhật IV mùa Vọng có thể đã được thiết lập bởi Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả sau năm 546, mặc dù mùa Vọng dài hơn vẫn còn tìm thấy ở một số nơi cho đến thế kỷ XI, và vẫn còn tồn tại trong nghi lễ Ambrôxiô ở Milan.

Dưới ảnh hưởng của sự thực hành phụng vụ Tây Ban Nha và Pháp, mùa Vọng Rôma bắt đầu từ từ đưa vào tính cách đền tội, ăn chay, sử dụng lễ phục màu tím, bỏ qua kinh Te Deum và kinh Vinh Danh (Gloria), không sử dụng đàn phong cầm và không chưng hoa bàn thờ. Tuy nhiên, tính cách sám hối không đi vào các bản văn phụng vụ Thánh Lễ và Thần vụ Thánh, vốn thường bày tỏ sự mong muốn đón nhận Chúa đang đến.

Từ một quan điểm lịch sử, các kinh nguyện sử dụng trong Mùa Vọng được lấy từ các bản viết tay cổ xưa, được gọi là Cuộn giấy da ở Ravenna (từ thế kỷ V đến thế kỷ VI) và Sách Bí tích Gêlaxiô (thế kỷ VII). Chủ đề liên tục của chúng là sự xuất hiện của Chúa Kitô, cả trong sự nhập thể (sự đến lần thứ nhất) và vào ngày tận thế (sự tái lâm). Chúng đề cập đến sự thanh luyện cần thiết để xứng đáng đón nhận Chúa, nhưng không có dấu vết của sự sợ hãi hay sầu buồn.

Các cải cách hiện tại của lịch phụng vụ và Sách lễ, trong khi giữ lại một số yếu tố này như là cần thiết cho việc chuẩn bị tinh thần cho lễ Giáng sinh, đã giảm bớt phần nào khía cạnh đền tội, cho phép việc chưng hoa cách vừa phải, và sử dụng đàn phong cầm nhiều hơn trước kia.

Do đó, Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) số 305 cho biết:

“Trong Mùa Vọng, bàn thờ được chưng hoa cách vừa phải, thích hợp với đặc tính của mùa, để không cho thấy quá sớm niềm vui trọn vẹn của ngày Sinh Nhật Chúa”

Và GIRM số 313:

“Trong Mùa Vọng được phép đánh phong cầm và các nhạc cụ khác cách vừa phải, phù hợp với đặc tính của mùa này, nhưng đừng đi trước niềm vui trọn vẹn của lễ Chúa Giáng Sinh” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang)

Do đó, mặc dù Mùa Vọng không còn được coi là một mùa sám hối, việc lưu giữ một số các yếu tố trước kia như lễ phục màu tím, bỏ qua kinh Vinh Danh (Gloria), nhấn mạnh sự tương phản giữa thời gian chuẩn bị và niềm vui ngày lễ Giáng sinh.

Về linh đạo của mùa Vọng, qui chế tổng quát cho lịch phụng vụ nói:

“39. Mùa Vọng có hai đậc tính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, trong lễ này kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người, vừa là mùa qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như là mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi”.

“40. Mùa Vọng bắt đầu bằng giờ Kinh Chiều I của Chúa Nhật, vốn rơi vào gần ngày 30-11, và kết thúc trước Kinh Chiều I của lễ Giáng sinh.

“41. Các Chúa Nhật của mùa này được gọi là Chúa Nhật I Mùa Vọng, Chúa Nhật II Mùa Vọng, Chúa Nhật III Mùa Vọng và Chúa Nhật IV Mùa Vọng.

“Các ngày trong tuần từ ngày 17 đến ngày 24-12 giúp chuẩn bị trực tiếp hơn cho ngày sinh của Chúa”.

Lời giải thích, vốn đi kèm với phần giới thiệu qui chế tổng quát cho lịch phụng vụ, nêu rõ:

“Các bản văn phụng vụ Mùa Vọng trình bày một sự thống nhất, được chứng minh bởi việc đọc hầu như hàng ngày sách ngôn sứ Isaia. Tuy nhiên, hai phần của Mùa Vọng có thể được phân biệt rõ ràng, mỗi phần có ý nghĩa riêng của nó, như các kinh tiền tụng mới minh họa rõ ràng. Từ Chúa Nhật I Mùa Vọng cho đến ngày 16-12, phụng vụ diễn tả tính cách cánh chung của Mùa Vọng, và thúc giục chúng ta mong chờ sự tái lâm của Chúa Kitô. Từ ngày 17 đến ngày 24-12, các phần riêng của Thánh lễ và Giờ Kinh Phụing Vụ chuẩn bị trực tiếp hơn cho việc cử hành lễ Giáng Sinh”.

Sau Công đồng chung Vatican II, Sách bài đọc mới cho mùa Vọng tăng số lượng các bài đọc. Các người soạn thảo Sách bài đọc mới đã thực hiện một nghiên cứu toàn diện của tất cả các Sách bài đọc của Giáo Hội Phương Tây cho khoảng thời gian 1.500 năm, và chọn tất cả các bài tốt nhất và truyền thống nhất. Kết quả là gồm có 75 bài đọc. Hai Chúa Nhật đầu tiên công bố sự xuất hiện của Chúa để phán xét, Chúa Nhật III diễn tả niềm vui của việc Chúa đã gần đến, Chúa Nhật IV và là Chúa Nhật cuối cùng “xuất hiện như là một Chúa Nhật của các tổ phụ của Cựu Ước và Đức Trinh Nữ Maria, với dự báo của sự ra đời của Chúa Kitô”. Các bài đọc trong tuần tuân theo thần học, vốn đã được diễn tả trong ngày Chúa Nhật trước đó.

Trong khi Sách lễ của hình thức ngoại thường chỉ có các kinh nguyện riêng cho Chúa Nhật và các ngày gần lễ Giáng Sinh, Sách Lễ Rôma hiện tại có một lời nguyện chung cho mỗi ngày của Mùa Vọng, một lựa chọn rộng hơn các lời nguyện khác cho Thánh Lễ, và hai kinh tiền tụng theo mùa, vốn chưa từng có trước đây.

Cuối cùng, một yếu tố đặc trưng của mùa này là các điệp ca O tuyệt vời, được một số tác giả gán cho Giáo Hoàng Grêgôriô Cả, mặc dù được đưa vào phụng vụ trễ hơn. Chúng được sử dụng trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, và trong Sách bài đọc trong các ngày từ ngày 17 đến 24-12, và loan báo Chúa Kitô đến với muôn dân. (Zenit.org 15-11-2016)

Nguyễn Trọng Đa chuyển ngữ

4. Có xông hương cho Vòng hoa Mùa Vọng không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Khi linh mục xông hương đầu Thánh lễ, liệu ngài có xông hương cho Vòng Hoa Mùa Vọng theo cung cách xông hương cho Nến Phục Sinh trong Mùa Phục Sinh không? Còn về Máng Cỏ Giáng Sinh (trong mùa Giáng Sinh) thì sao, có được xông hương không? – T. D., Leuven, Bỉ.

Đáp: Các quy định liên quan việc xông hương được tìm thấy chủ yếu trong Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma và Sách Lễ Nghi Giám mục. Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nói:

“Việc xông hương

“276. Xông hương diễn tả lòng tôn kính và cầu nguyện, như Thánh Kinh đã nói (x. Tv 140,2; Kh 8,3).

“Ðược tuỳ ý xông hương trong bất cứ hình thức Thánh Lễ nào:

“a. Khi đi rước tiến vào;
“b. Ðầu lễ, xông hương thánh giá và bàn thờ;
“c. Khi rước và công bố Tin Mừng;
“d. Sau khi đặt bánh và chén rượu trên bàn thờ, xông hương lễ phẩm, thánh giá và bàn thờ, cũng như vị tư tế và giáo dân;
“e. Khi nâng bánh thánh và chén sau truyền phép.
“277. Khi bỏ hương vào bình hương, vị tư tế làm dấu thánh giá chúc lành mà không đọc gì.

“Trước và sau khi xông hương, cúi sâu chào những người hay những vật được xông hương, ngoại trừ bàn thờ và lễ phẩm dùng cho hy tế Thánh Lễ.

“Phải xông hương ba lần: Thánh Thể, di tích Thánh Giá và ảnh Chúa được trưng bày cho tôn kính công khai, lễ phẩm dùng cho hy tế Thánh Lễ, thánh giá bàn thờ, sách Tin Mừng, nến phục sinh, vị tư tế và giáo dân.

“Xông hương hai lần các di tích và ảnh các Thánh được trưng bày cho tôn kính công khai, và chỉ lúc đầu cuộc cử hành, khi xông hương bàn thờ.

“Bàn thờ được xông hương bằng những cái lắc bình hương theo cách thức sau đây:

“a. Nếu bàn thờ tách biệt vách tường, vị tư tế đi vòng chung quanh bàn thờ mà xông;
“b. Nếu bàn thờ dính liền với vách tường, vị tư tế xông hương phía phải, rồi phía trái;
“Nếu thánh giá đặt phía trên bàn thờ hay tại bàn thờ, thì xông hương thánh giá trước khi xông bàn thờ; trong những trường hợp khác, xông thánh giá khi đi ngang qua.

“Vị tư tế xông hương lễ phẩm ba lần trước khi xông thánh giá và bàn thờ, hoặc xông theo hình thánh giá trên các lễ phẩm” (Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo Phận Nha Trang).

Mặc dầu có một nghi thức làm phép cho Vòng hoa Mùa Vọng trong Sách Các Phép ở Mỹ, Sách này không nói gì đền việc xông hương cho Vòng hoa ấy. Việc làm phép này là riêng cho Giáo Hội Mỹ, chứ không có trong Sách Các Phép ở các nước khác, chẳng hạn nước Ý.

Do đó, phải kết luận rằng Vòng hoa Mùa Vọng không được xông hương theo cung cách như xông hương cho Nến Phục sinh. Vòng hoa này không là một thánh tích, cũng không là một tượng ảnh, nó chỉ là một sự diễn tả lòng đạo đức bình dân hơn là một đồ vật phụng vụ tự thân.

Cây Nến Phục sinh nhận được sự tôn kính đặc biệt, bởi vì nó là một biểu tượng truyền thống và cổ xưa cho Chúa Kitô phục sinh. Người ta có thể lập luận rằng, trong một cách thức nào đó Vòng hoa Mùa Vọng là một biểu tượng của Chúa Kitô đang đến, nhưng chúng ta thấy nó là một tập tục tương đối mới, và tập tục này là không hiện diện trong Giáo Hội phổ quát. Việc Vòng hoa này không được xông hương không làm giảm bớt trong bất kỳ cách nào tính hữu ích của Vòng hoa, trong việc nuôi dưỡng một tinh thần chuẩn bị cho đại lễ Giáng sinh.

Một Máng cỏ Giáng sinh, hoặc ít nhất một tượng của Chúa Giêsu Hài Đồng, đặt trong cung thánh có thể đưa vào loại “tượng ảnh của các thánh được trưng bày cho tôn kính công khai”, như được nói trong số 277, và do đó được xông hương.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng nhiều hướng dẫn của Giáo Hội khuyên không dựng Máng cỏ Giáng Sinh trong cung thánh, và trên hết, nó không bao giờ có thể nên là một trở ngại cho việc cử hành phụng vụ trang nghiêm. Thí dụ, Hội Đồng Giám Mục Mỹ nói trong tài liệu “Xây dựng các Viên Đá Sống động” (Built of Living Stones):

“§ 124 Kế hoạch trang trí mùa lễ nên thực hiện ở các khu vực khác ngoài cung thánh. Các trang trí là nhằm lôi kéo tín hữu đến với bản chất đích thực của các mầu nhiệm được cử hành, hơn là trở thành mục đích trong chính chúng. Hoa tự nhiên, cây cỏ, vòng hoa và các dây treo, và các đồ vật theo mùa có thể được sắp xếp và trưng bày, để đẩy mạnh các điểm tập trung phụng vụ. Bàn thờ nên để trống rõ ràng và không trang hoàng gì, không chưng cụm hoa lớn hoặc Máng cỏ Giáng Sinh quanh bàn thờ, và các đường đi ở hiên vào nhà thờ, lối giữa nhà thờ và cung thánh cần được để trống”.

Nếu Máng cỏ Giáng Sinh, như là phổ biến trong nhiều nhà thờ, được dựng ở ngoài khu vực cung thánh, linh mục không cần rời cung thánh để xông hương cho Máng cỏ. (Zenit.org 9-12-2014)

Chuyển ngữ
Nguyễn Trọng Đa

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *