Giải đáp phụng vụ: Được dùng chuông mõ Phật giáo trong phụng vụ không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.


Hỏi: Tại giáo xứ của chúng tôi trong mùa Chay, người ta đánh chuông mõ Phật Giáo ở đầu Thánh lễ thay cho bài ca nhập lễ. Theo một nguồn phổ biến là Wikipedia, chuông mõ Phật giáo được “sử dụng như là một sự hỗ trợ cho chiêm niệm, đưa vào sự xuất thần và cầu nguyện”. Trên mạng Internet, nhiều trang web khẳng định rằng chuông mõ Phật giáo cung cấp “năng lượng tích cực” và “liệu pháp mang lại lợi ích”, vì “tiếng rung đặc biệt của chuông này… chạm vào các cơ quan năng lượng của chúng ta” (Sound Bliss). Tôi biết rằng các nhạc cụ phải đến từ nơi nào đó, nhưng nền tảng của âm thanh chuông mõ Phật giáo làm như thể nó giới thiệu một linh đạo khác với đạo Công Giáo. Vì vậy, tôi xin hỏi ý cha: liệu có thích hợp để dùng một chuông mõ Phật giáo hoặc nhạc cụ tương tự trong một Thánh Lễ Công Giáo không? – A. C., Texas, Mỹ.

Đáp: Chuông mõ Phật giáo, về mặt kỹ thuật, là một loại chuông, một dụng cụ đúc bằng đồng dùng dùi gỗ đánh khẻ vào miệng chuông để phát ra âm thanh. Nó được sử dụng nhiều trong truyền thống Phật giáo.

Về tính hợp pháp của nó trong phụng vụ Kitô giáo, trước tiên chúng ta phải nhớ rằng việc đưa các nhạc cụ mới vào phụng vụ là không dành cho ý thích của các nhạc công, hoặc thậm chí cha sở địa phương. Thẩm quyền chính thức về việc cho phép sử dụng nhạc cụ mới chính là Hội đồng Giám mục. Số 393 của Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma [GIRM] nói rõ:

“Phải chú ý đến vai trò cao cả của hát ca trong cử hành, như là thành phần cần thiết hay trọn vẹn của phụng vụ. Các Hội Ðồng Giám Mục có quyền phê chuẩn những giai điệu thích hợp, nhất là cho các bản văn phần Thường Lễ, cho các lời đáp và tung hô của giáo dân, và cho các nghi thức đặc biệt xảy ra trong năm phụng vụ.

Các Hội Ðồng Giám Mục cũng xét xem nên chấp nhận hình thức âm nhạc, giai điệu, nhạc cụ nào trong việc thờ phượng thánh, vì chúng thích hợp hay có thể thích hợp với việc sử dụng thánh” (bản dịch tiếng Việt của Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang)

Trong trường hợp của nước Mỹ, Hội đồng Giám mục nước này, trong khi tự hào là nơi sử dụng đại phong cầm, đã cho phép đưa một số nhạc cụ khác vào phụng vụ. Vì vậy, trong tài liệu “Sing to the Lord” (Hãy hát mừng Chúa), các Giám mục khẳng định:

“89. Tuy nhiên, từ thời Hòm Giáo Ước được rước đi trong tiếng chũm chọe, đàn hạc, đàn lia, và kèn, dân Thiên Chúa trong nhiều thời kỳ khác nhau đã sử dụng một loạt các nhạc cụ để hát lên chúc tụng Thiên Chúa. Mỗi nhạc cụ, phát sinh từ nền văn hóa và các truyền thống khác nhau của một dân tộc đặc biệt, đã hòa giọng vào một loạt các hình thức và phong cách khác nhau, mà qua đó tín hữu của Chúa Kitô hòa giọng của mình vào ca khúc hoàn hảo của lời ngợi khen chúc tụng của Người trên Thánh giá.

“90. Nhiều nhạc cụ khác cũng làm phong phú cho cuộc cử hành Phụng Vụ, chẳng hạn các đàn gió, đàn dây và nhạc cụ gõ theo cách sử dụng lâu đời của địa phương, miễn là chúng thực sự thích hợp, hoặc có thể thích hợp với việc sử dụng thánh”.

Có lẽ, do sự phong phú lớn của các truyền thống đạo và văn hóa Công Giáo hiện nay tại Mỹ, các Giám mục đã quyết định không lập ra một danh sách các nhạc cụ được chấp thuận dùng trong phụng vụ”.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn “cách sử dụng lâu đời của địa phương” không cung cấp một chuẩn mực tốt cho việc đánh giá sự chấp thuận sử dụng một nhạc cụ. Dựa trên nguyên tắc này, người ta khuyên nên tham khảo ý kiến của Văn phòng phụng vụ hữu quan, trước khi đưa vào sử dụng một nhạc cụ mới, như trường hợp chuông mõ Phật giáo này.

Nguyên tắc thứ hai – đó là các nhạc cụ “thích hợp, hoặc có thể thích hợp với việc sử dụng thánh” – cũng mời gọi sự thận trọng và khôn ngoan trước khi hành động. Một lần nữa, cha xứ cần phải tham khảo ý kiến của giáo quyền hữu quan, về sự thích hợp hoặc sự thích đáng của việc này, trước khi đưa vào sử dụng một nhạc cụ mới.

Trong khi nhạc cụ có thể tự chúng là trung tính, ý nghĩa xã hội và tôn giáo của chúng cung cấp cho các Giám mục các yếu tố để đánh giá tính thích hợp để sử dụng chúng trong phụng vụ.

Ví dụ, một nhạc cụ được xác định cách mạnh mẽ là gắn với âm nhạc thế tục hay tình huống đời thường, chẳng hạn khiêu vũ hay nhà hát, sẽ có thể bị loại trừ, nếu việc sử dụng nó trong phụng vụ đã gợi lên một cách tự phát các sự nối kết tinh thần kém thánh thiêng trong cộng đoàn.

Các nhạc cụ liên quan đến các tôn giáo ngoài Kitô giáo cần được đánh giá cẩn thận, để tránh bất kỳ nguy cơ giải thích việc sử dụng chúng, trong ý nghĩa của thuyết tương đối tôn giáo hay chủ nghĩa chiết trung tôn giáo.

Ví dụ, trong trường hợp của chuông mõ Phật giáo, trong bối cảnh ban đầu của nó, âm nhạc này có một chức năng tôn giáo chính xác, vốn có thể được đánh giá là xa lạ với bản chất của việc cầu nguyện Kitô giáo.

Tôi không có đủ kiến thức để tự mình khẳng định rằng đây là trường hợp ấy. Nhưng quan điểm của tôi là rằng các vấn đề này cần được nghiên cứu cẩn thận, trước khi đưa ra quyết định.

Tài liệu các Giám mục Mỹ cũng đưa ra một số lời khuyên về việc sử dụng nhạc cụ cách thích hợp:

“91. Mặc dù các nhạc cụ được sử dụng trong việc thờ phượng Kitô giáo để chủ yếu dẫn dắt và nâng đỡ việc hát của cộng đồng, ca đoàn, người hát Thánh vịnh, người lĩnh xướng, chúng có thể hòa tấu khi thích hợp. Âm nhạc nhạc cụ này có thể giúp cộng đoàn chuẩn bị việc thờ phượng trong hình thức của khúc dạo đầu. Nó có thể hòa giọng vào tâm tình của tâm hồn con người qua các bài hát trong Phụng vụ, và sau Phụng vụ. Các nhạc công cần phải nhớ rằng Phụng vụ mời gọi vài khoảnh khắc có ý nghĩa cho sự suy tư thinh lặng. Nhưng sự thinh lặng này không cần phải luôn luôn được giữ đầy đủ.

“92. Các nhạc công được khuyến khích chơi các bản nhạc trong kho tàng thánh nhạc của các nhạc sĩ của nhiều thời đại khác nhau và các nền văn hóa khác nhau. Ngoài ra, các người này được khuyến khích nâng cao tài năng và sự tập luyện của mình…”

Một lần nữa, việc sử dụng một chuông mõ Phật giáo sẽ không có khả năng được coi là một phần của “kho tàng thánh nhạc”, để được sử dụng trong việc thờ phượng Kitô giáo.

Cuối cùng, độc giả của chúng tôi cho biết rằng chuông mõ Phật giáo này được dùng trong Mùa Chay – chính xác là mùa mà nhạc cụ được chơi mà không có tiếng hát đi kèm là bị loại trừ cách rõ ràng. Như số 313 của Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma [GIRM] nói rõ: “Trong Mùa Chay, tiếng phong cầm và các nhạc cụ khác chỉ để giúp hát mà thôi, trừ Chúa Nhật Laetare (IV Mùa Chay), lễ trọng và lễ kính” (bản dịch tiếng Việt, như trên). (Zenit.org 14-1-2014).

Nguyễn Trọng Đa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *