Giải đáp phụng vụ: Nghi thức cho Rước lễ ngoài Thánh lễ và Nghi thức Sám hối


Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi đang băn khoăn về một xung đột rõ ràng trong các chỉ thị về Nghi thức cho Rước lễ ngoài Thánh Lễ. Trong nghi thức được cung cấp bởi Hội Đồng Giám Mục Mỹ trong ấn phẩm “Sunday Celebration in the Absence of a Priest” (Cử hành ngày Chúa Nhật khi vắng linh mục, 2012), nghi thức sám hối bị bỏ qua hoàn toàn. Tuy nhiên, trong ấn phẩm cũ “Holy Communion and Worship of the Eucharist Outside of Mass” (Rước lễ và Phụng tự Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, 1976) và nghi thức Cho bệnh nhân Rước lễ (1983), nghi thức sám hối vẫn còn, và các nghi thức được điều chỉnh cho phù hợp với việc cử hành của một thừa tác viên không có chức thánh. Với ý nghĩ này, liệu một thừa tác viên ngoại lệ có là thích hợp để hướng dẫn nghi thức sám hối không (có hoặc không có lời cầu cuối cùng “Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời”)? – K. W., Austin, Texas, Mỹ.

Đáp: Sự hiện diện của nghi thức sám hối là chắc chắn sự khác biệt giữa hai nghi thức, và thực sự cả hai nghi thức đều là hoàn toàn hợp lệ trong bối cảnh riêng của chúng. Một khác biệt nữa là rằng ‘Nghi thức cho Rước lễ ngoài Thánh Lễ’ và ‘Nghi thức Cho bệnh nhân Rước lễ’ đều được Tòa Thánh ban hành, trong khi ‘Nghi thức Cử hành ngày Chúa Nhật khi vắng linh mục’ được soạn thảo và ban hành bởi Hội đồng Giám mục, dựa trên một chỉ thị được nhận từ Tòa Thánh và ban hành ngày 2-6-1988.

Về cơ cấu của nghi thức cho các cử hành ngày Chúa Nhật, chỉ thị nói:

“41. Sau đây là một phác thảo của các yếu tố của buổi cử hành.

“a. Nghi thức mở đầu. Mục đích của nghi thức này là qui tụ các tín hữu thành một cộng đoàn, và chuẩn bị họ cho việc cử hành.

“b. Phụng vụ Lời Chúa. Ở đây Chúa nói với Dân Chúa, tiết lộ cho họ mầu nhiệm cứu độ và chuộc tội; các tín hữu đáp ứng qua việc tuyên xưng đức tin và các lời nguyện chung.

“c. Tạ ơn. Ở đây Thiên Chúa được chúc tụng vì vinh quang cao cả của Chúa (xem số 45).

“d. Nghi thức Rước lễ. Đây là một diễn tả và hoàn tất sự thông hiệp với Chúa Kitô và với các thành phần của Chúa, đặc biệt là với những người trong cùng một ngày này tham gia vào hy tế Thánh Thể.

“e. Nghi lễ kết thúc. Nghi thức này nêu ra sự kết nối hiện tại giữa phụng vụ và đời sống Kitô hữu.

“Hội đồng Giám mục, hoặc chính cá nhân Giám mục, xét theo các điều kiện của nơi chốn và số người tham dự, có thể xác định chính xác hơn các chi tiết của buổi cử hành, sử dụng các nguồn lực được chuẩn bị bởi Ủy ban phụng vụ quốc gia hoặc Ủy ban phụng vụ giáo phận, nhưng cơ cấu chung của buổi cử hành không nên được thay đổi một cách không cần thiết.

“42. Trong phần giới thiệu ở đầu buổi cử hành, hoặc vào lúc nào đó, người chủ sự nên nhắc đến cộng đoàn tín hữu, mà cùng với họ linh mục quản xứ đang cử hành Thánh lễ Chúa Nhật này, và xin mọi người cùng hiệp nhất trong tinh thấn với cộng đoàn ấy”.

Sách nghi thức được ấn hành bởi Hội đồng Giám mục Mỹ, và các qui định bổ sung được công bố bởi cá nhân Giám mục, nêu rõ rằng rằng sách nghi thức này chỉ được dùng cho cử hành ngày Chúa Nhật. Điều này ghi nhận sự ý thức rằng mục đích của nghi thức ấy là khác với hai nghi thức kia về cho Rước lễ ngoài Thánh Lễ.

Như đã thấy ở trên trong số 41a, mục đích của nghi thức mở đầu cho buổi cử hành Chúa Nhật “là qui tụ các tín hữu thành một cộng đoàn, và chuẩn bị họ cho việc cử hành”.

Tôi không biết lý do tại sao các người soạn thảo nghi thức đã quyết định bỏ qua nghi thức sám hối cho buổi cử hành Chúa Nhật. Có lẽ họ nghĩ rằng các công thức mở đầu đặc biệt được sử dụng ở đầu nghi lễ là đủ để qui tụ các tín hữu thành một cộng đoàn. Có thể họ cho rằng nghi thức sám hối là quá vang vọng cho Thánh lễ, và chỉ thị của Tòa Thánh là rất rõ ràng rằng nghi thức nên tránh tất cả sự nhầm lẫn với Thánh Lễ. Cuối cùng, đây là một vấn đề của lựa chọn, và chúng tôi cho rằng quyết định đã được thực hiện với thiện ý, và dựa vào những gì đã được xem là nguyên tắc phụng vụ tốt, và tất nhiên đáp ứng với sự chuẩn thuận của đa số Giám mục.

Tuy nhiên, nó không phải là khả năng duy nhất. Các Hội đồng Giám mục khác, chẳng hạn Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales, đã đưa nghi thức sám hối vào ấn bản cập nhật năm 2013 về việc cử hành cho Rước lễ khi vắng mặt linh mục. Tuy nhiên, trong trường hợp này, họ đã cung cấp một nghi thức, vốn cũng có thể được sử dụng cho các ngày trong tuần.

Cuối cùng, điều quan trọng là cần nhắc lại rằng người ta phải tuân theo bất cứ nghi thức nào được phê duyệt cho quốc gia, mà ở đó việc cử hành nghi thức diễn ra, và phù hợp với các chỉ thị của Giám mục giáo phận. (Zenit.org 10-2-2015).

Nguyễn Trọng Đa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *