Giờ Kinh Phụng Vụ

Chị được chuyển từ Huynh đoàn khác về đây sinh hoạt.

Chị siêng năng đi lễ, lễ sáng, lễ chiều, tham gia đủ cả giờ Kinh Sáng lẫn Kinh Chiều. Chị luôn đến từ rất sớm: quét bụi các ghế trong nhà thờ, sắp xếp sách kinh, sách hát ra các đầu ghế; và lại là người về gần như cuối cùng: dọn sách vào kệ, quét lại vài cọng rác vô tình vương trên nền nhà. Tích cực là thế nhưng anh chị em trong Huynh đoàn hay nói nhỏ với nhau về chị: “chị ít chữ”. Gọi tên chị thế vì khi đọc Kinh Phụng vụ chi hay đọc sai các dấu thanh: “thành Giê-ru-sa-lem” chị đọc là “thánh Giê-ru-sa-lem”, “vì có Chúa là Ðấng tạo thành ngươi” chị đọc là “vì có Chúa là Ðấng tạo thành người” ”, có khi chị còn tự động thêm chữ “xin cứu con khỏi chết” chị đọc là “xin cho cừu con khỏi chết”… mà nào có phải chị đọc gẫy gọn theo mọi người cho cam; đằng này chị vừa đọc vừa đánh vần chữ khó, nên có khi cả cộng đoàn đọc xong câu rồi mà chị còn ê a “vì có Chúa là Đấng a tạo thành a người” Đã vậy tiếng chị lại còn to, vang át cả tiếng người khác.

Thật là chia trí! Nhiều lần đang trong giờ kinh chị bị người này người kia quay lại mắng: “to mồm thế, không biết đọc thì im đi”, “đúng là ngọng còn hay nói”, “đọc chưa thông thì ngồi im mà nghe”. Mặc ai mắng mỏ chị vẫn nhiệt thành.

Tuần trước, sau giờ kinh các chị gọi chị lại lấy tình “huynh đệ” mà “nhỏ nhẹ” khuyên bào chị: “chúng em biết chị rất chăm chỉ, nhưng vì cộng đoàn, chúng em xin chị đừng đọc kinh nữa, kẻo chúng em chia trí lắm”. Buồn, tủi nhưng chị cũng vâng lời, vẫn dọn sách ra, cất sách vào, nhưng giờ kinh thì chị im như thóc, không dám mở miệng.

Nhưng rồi sáng thứ sau vừa rồi có lẽ chị quên mất “bổn phận” của mình là chỉ tham dự, nghe các anh chị khác đọc kinh, nên khi gặp câu kinh quen thuộc trong Thánh vịnh 50 tự  nhiên chị lại buột miệng đọc và dĩ nhiên đọc to, và chắc chắn lại đọc sai: “xin đừng đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con than khí thanh của Ngài”.

Vì lý do ấy, mà tối nay: tối Chúa Nhật nguyệt hội, chị bị anh chị em đưa ra buổi sinh hoạt:

– Anh trưởng tính sao chứ, cứ để chị ấy đọc kinh chung chúng em chia trí lắm.

– Em đề nghị chị ấy ở nhà luôn đi, chứ cho đi chị ấy lại không biết khóa mồm khóa miệng, đọc sai, đọc chậm mất cả sự sốt sắng của giờ kinh…

Mặc ai nói gì thì nói, chị cứ cúi gằm mặt, mân mê tà áo.

Anh trưởng đứng lên:

– Em xin lỗi các anh chị vì bận rộn công việc, không thường xuyên tham dự giờ kinh với anh chị em, nên em không biết chuyện to đến thế này.

Rồi anh trưởng tiến đến trước mặt chị:

– Em cũng đặc biệt xin lỗi chị, để phiền lòng chị lâu đến thế.

Rồi anh tâm sự với cộng đoàn:

– Không được tham dự giờ kinh đều đặn với các anh chị, em thiệt thòi lắm, em ao ước có ngày em thảnh thơi để cùng các anh chị cất lời kinh ca ngợi tôn vinh Thiên Chúa, nhưng em và một số anh chị khác chưa thu xếp được. Vì thế, khi nguyện kinh chung xin các anh chị đọc không chỉ cho riêng cá nhân hay cho những người hiện diện mà hãy đại diện cho toàn thể Hội thánh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa. Vì thế em xin các anh chị hãy đón nhận người chị em nhỏ bé này đây như đón nhận chính Đức Giê-su. Riêng chị, em tha thiết xin chị vì sứ vụ Dòng, chị vẫn tiếp tục tham dự giờ kinh và xin chị đọc nhỏ lại một chút. Em tặng chị cuốn sách Kinh Phụng Vụ để chị đem về nhà đọc trước cho quen. Còn cộng đoàn chúng ta: em xin các anh chị đọc chậm lại vừa để lời kinh thấm đậm vào tâm hồn, vừa chờ đợi các anh chị em mình hòa chung lời kinh.

Kết thúc buổi sinh hoạt nguyệt hội anh Trưởng xin mọi người cùng cầu nguyện cho nhau bằng cách nắm tay nhau cất cao lời cầu nguyện Chúa Giê-su đã dạy: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”

Ra về, lòng chị nhẹ như vừa cất được tảng đá đè nặng bấy lâu, bất chợt hai tay chị có người hai bên nắm chặt:

– Mai chị vẫn đi đọc kinh với chúng em nhé!

Tạ ơn Chúa! Tuyệt vời làm sao.

Theresa