Giới thiệu tổng quát Huynh đoàn Đa Minh (8 bài)

GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT
HUYNH ÐOÀN GIÁO DÂN ÐA MINH
CHÂN LÝ – 2002

1. Người giáo dân và ơn gọi Dòng Ba
2. Về Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh
3. Tinh thần và Đoàn sủng Đa Minh
4. Các phương tiện sống ơn gọi Đa Minh
5. Việc huấn luyện Giáo dân Đa Minh
6. Hệ thống tổ chức và điều hành
7. Chức năng Vị Linh Hướng
8. Phụ lục : Huynh đoàn trong Giáo xứ

LỜI GIỚI THIỆU

Kính thưa quí cha và quí tu sĩ nam nữ,

Trong Tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu”, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đề cập đến ơn gọi ngôn sứ của người giáo dân như sau : “Theo Công Ðồng Vatican II, ơn gọi của người giáo dân đặt họ vững chắc trong thế giới để họ thực hành những công tác đa dạng nhất. Ở đó, họ được mời gọi loan truyền Tin mừng Chúa Giêsu Kitô. Do ân sủng và tiếng goị của Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, tất cả giáo dân phải là thừa sai; môi trường hoạt động tông đồ của họ là thế giới mênh mông và phức tạp, gồm có chính trị và kinh tế, kỹ nghệ và giáo dục, truyền thông, khoa học kỹ thuật và thể thao. Trong nhiều xứ tại Á châu, người giáo dân phục vụ như những nhà truyền giáo thực thụ, tiếp xúc những người bạn Á châu, những người có lẽ chưa bao giờ gặp được hàng giáo sĩ và tu sĩ …

Vì thế, các vị chủ chăn cần huấn luyện người giáo dân trở nên người rao giảng Tin mừng, có khả năng thích ứng với thế giới ngày nay, không phải với hiệu năng thế gian, nhưng với tâm hồn được đổi mới và được tăng cường bằng chân lý Chúa Kitô. Khi làm chứng cho Tin mừng trong mọi lãnh vực của xã hội, người giáo dân có thể đóng vai trò duy nhất trong việc nhổ tận gốc sự bất công và áp bức nếu được huấn luyện đầy đủ” (TH Giáo Hội tại Á Châu, số 45).

Là chủ chăn coi sóc đoàn chiên Chúa hay tu sĩ được sai đi làm việc tông đồ, với tấm lòng thao thức thăng tiến ơn gọi người giáo dân, giúp họ sống thánh giữa đời và làm việc tông đồ, hẳn ai nấy đều cảm thấy nhu cầu cần huấn luyện cho anh chị em giáo dân để họ cộng tác với mình trong việc mở mang nước Chúa không phải ở đâu xa lạ, mà ngay trên quê hương Việt Nam và ngay tại Giáo Hội địa phương mình.

Chúng con xin trân trọng giới thiệu đến quí cha và quí tu sĩ nam nữ tập tài liệu : “Giới Thiệu Tổng Quát Huynh Đoàn Giáo Dân Đaminh”, để tham khảo.

Thiết tuởng, đây là một trong những tổ chức có thể đáp ứng được đường hướng thăng tiến ơn gọi người giáo dân trong hiện tại của Giáo Hội và nỗi thao thức của quí vị trong việc huấn luyện giáo dân. Ước mong rằng, sau khi nắm bắt được những nét đại cuơng của tổ chức này, quý cha và quý tu sĩ nam nữ sẽ thương gầy dựng và hướng dẫn những giáo dân đang có khát vọng sống đời sống Kitô hữu hoàn hảo và thiết tha việc tông đồ, tham gia vào Huynh đoàn giáo dân Ða Minh.

Mặc dầu trong thực tế có các huynh đoàn còn rất nhiều hạn chế cần phải chấn chỉnh, nhưng chúng con hy vọng khi thấy được mục đích chính yếu của huynh đoàn, quí cha và quí tu sĩ sẽ góp phần với chúng con giúp họ đi đúng đường lối để cùng góp phần tích cực với Giáo hội trong việc mang ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người trong thiên niên kỷ mới này.

Ngoài ra trong phần phụ lục, chúng con xin giới thiệu cùng quý vị bài viết về vai trò người giáo dân Ða Minh trong giáo xứ để quí vị giúp họ sống đúng chức năng của một người giáo dân và một người giáo dân Ða Minh; đó cũng là ước muốn của Giáo hội và của Dòng như là một sự tái khẳng định sự đóng góp quan trọng của nguời giáo dân trong việc loan báo Tin mừng Tình Thương của Thiên Chúa.

Xin chân thành cảm tạ.

BAN HUẤN LUYỆN

hddm_01.jpg

Bài 01 : NGƯỜI GIÁO DÂN
VÀ ƠN GỌI DÒNG BA TRONG GIÁO HỘI

I. Sự tham gia của các tín hữu vào linh đạo dòng tu

Trong lịch sử Giáo Hội, các Dòng tu thường tỏa ra một sự thu hút. Vì sự thu hút ấy, nhiều giáo sĩ và giáo dân muốn được chia sẻ tinh thần và cộng tác vào hoạt động của các hội Dòng. Từ đó phát sinh ra các hội : Hiến sĩ (oblates), Dòng Ba (tertiaries), Tán trợ (aggregates), Liên kết (affiliates) với tính cách hoặc như một đoàn hội có tổ chức riêng nhưng lệ thuộc vào gia đình Dòng mẹ, hoặc như những đoàn hội riêng biệt. Nhiều Dòng tu có hội Dòng ba giữa đời, một số khác có Hiệp hội riêng, một số khác nữa có các phần tử liên kết với Dòng bằng những điều tương tự như những qui định của các Tu hội đời (GL số 725).

Hiện tượng trên còn lan rộng hơn nữa trong bầu khí canh tân của Giáo hội, của các Dòng tu, và cũng nhờ men hứng khởi đời sống thiêng liêng và tông đồ của người giáo dân. Nhiều tín hữu muốn tham dự vào đời sống và sứ vụ tông đồ của các Dòng tu và muốn trở thành phần tử của Dòng ở một mức độ nào đó. Các mối liên kết của họ với Dòng rất thoáng, đôi khi họ muốn thực hiện những lời khấn hay những mối liên kết nhưng chỉ kèm theo trách vụ tương đối nhẹ nhàng, hoặc sẵn sàng cống hiến một phần hoạt động của mình nhưng không châp nhận những ràng buộc của đời sống chung hay một số nghĩa vụ nào đó. Chung quy họ khát khao thể hiện việc nên thánh theo linh đạo của Dòng tu trong bậc sống mình.

Các Dòng tu nhận ra hiện tượng này như một dấu chỉ thời đại và nghĩ đến việc mở cửa để đón nhận các phần tử ấy. Càng ngày họ càng hiện diện tích cực hơn giữa thế giới hôm nay, khuếch trương lãnh vực hoạt động và làm thấm nhuần sức sống nơi các tín hữu có khát mong nên trọn lành.

II. DÒNG BA

Các Dòng ba trước kia vốn là đặc ân của các Dòng tu cổ đại, tương đương như các hiệp hội riêng của một Dòng tu sống đời tận hiến và vẫn còn được phép hoạt động cho tới ngày nay. Giáo luật số 303 minh định : “Các Dòng Ba hay những tên tương tự là những hiệp hội, trong đó các phần tử sống đời tông đồ với mục đích tiến tới việc nên hoàn thiện qua việc thông phần đặc sủng của Dòng nhưng vẫn sống ở giữa trần gian, dưới sự hướng dẫn của chính Dòng đó”.

Các Dòng Ba của các Hội Dòng có thể có những mục tiêu khác nhau nhưng đều thể hiện tinh thần cố gắng sống đời hoàn thiện hơn, cổ động việc phụng vụ công cộng, quảng bá đạo lý Kitô giáo, thực hiện việc tông đồ và bác ái, làm thấm nhuần tinh thần Kitô giáo vào trật tự trần gian theo tinh thần và đoàn sủng của Dòng mình.

Các phần tử Dòng Ba quây quần bên một Hội Dòng để sống một cuộc sống Kitô giáo hoàn thiện hơn bằng việc cam kết thực hành các giáo huấn Phúc âm theo tinh thần và đoàn sủng của Dòng để trở thành những cộng sự viên của Dòng giữa trần gian.

Theo Giáo luật cũ (các số 686, §3 và 702 §1) cũng như Giáo luật hiện hành (các số. 301 §1; 312 §1 và các điều khoản khác), ghi nhận: Dòng ba của các Dòng tu – với sự tôn trọng các đặc ân đã được ban cấp – phải được qui định trong hiến pháp và phải được chấp thuận qua văn bản phê chuẩn hiến pháp bởi các vị có thẩm quyền hợp lệ.

Các Dòng tu phải chăm sóc đặc biệt đến Dòng ba và cố liệu sao cho các đoàn viên sống đúng tinh thần của gia đình Dòng (GL số 677 §2).

Các phần tử Dòng ba phải cộng tác vào các công việc tông đồ trong Giáo phận, làm việc dưới sự lãnh đạo của Ðức Giám mục và hợp tác với các tổ chức khác của Giáo phận (GL số 311). Giáo Luật số 328 cũng đề nghị tương tự, nhằm ngăn ngừa các Hiệp hội hoạt động riêng lẻ trong Giáo phận.

III. DÒNG BA ÐA MINH HIỆN NAY ÐỐI VỚI DÒNG

Ðối với Dòng Ða Minh, từ Tổng hội River Forest (1968), danh hiệu Dòng ba không còn nữa và được thay thế bằng Huynh đoàn giáo dân Ða Minh. Ðiều đó phản ánh khuôn mặt mới của “người gíao dân Ða Minh” theo tinh thần của Công đồng Vatican II. Họ họp thành những cộng đoàn huynh đệ cùng với các ngành của Dòng Ða Minh làm nên một gia đình duy nhất. Các ngành của Dòng gồm có: các tu sĩ linh mục và tu huynh, các nữ đan sĩ, các nữ tu, hội viên các tu hội đời, hội viên huynh đoàn giáo sĩ và huynh đoàn giáo dân. Tất cả làm thành Gia đình Ða Minh để cùng tham gia vào sứ vụ tông đồ của Dòng phục vụ Giáo Hội một cách đa dạng và mang lại nhiều hiệu quả hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *