Gương sáng phục vụ của các Nữ tu

1. Sr. Mary Joan Njeri, bác sĩ phụ sản, hết lòng chăm sóc phụ nữ nghèo khổ

Bệnh viện quận Mbagathi là bệnh viện công gần Kibera, khu ổ chuột của thành phố lớn nhất của Nairobi, nơi có khoảng 800 ngàn cư dân. Cứ 2 người ở Kibera thì có 1 người bị thất nghiệp. Chương trình chăm sóc sức khỏe miễn phí tại bệnh viện đã đáp ứng được nhu cầu rất lớn của dân chúng. Khoa sản của bệnh viện Mbagathi có khả năng phục vụ cho khoảng 300 thai phụ mỗi tháng, nhưng trong thực tế, mỗi tháng có hơn 1000 phụ nữ đến bệnh viện để được trợ giúp cho việc sinh nở. Sr. Mary Joan Njeri đã quyết định phục vụ tại bệnh viện công của chính phủ, nơi các phụ nữ của khu ổ chuột, những người không có khả năng tài chính để đi sinh con ở nơi khác. Sơ đã kể lại lý do mình quyết định trở thành bác sĩ phụ khoa và sản khoa và công việc của sơ ở bệnh viện này.

“Khi tôi là một bác sĩ đa khoa, thỉnh thoảng tôi làm việc tại khoa phụ sản. Mỗi khi tôi nhìn thấy các phụ nữ đau đớn và cần một bác sĩ chuyên khoa thì lại không có các chuyên viên. Các phụ nữ này có rất nhiều vấn đề nhưng lai không có đủ bác sĩ để chăm sóc họ. Vì vậy tôi tự hỏi mình: ‘Nếu tôi trở thành một bác sĩ phụ sản thì sao? Tôi có sẵn lòng không? Tôi sẽ chữa trị cho họ mà không đòi hỏi phí tổn cao hơn các bác sĩ khác yêu cầu? Đó là những điều thúc đẩy tôi. Ngày nay tôi cảm thấy hoàn thành được ước muốn của mình. Tôi đang làm việc trong một trong những khu ổ chuột lớn nhất và tôi có rất nhiều các phụ nữ, những phụ nữ rất nghèo. Khi họ đến với tôi, tôi không kể thời gian và tôi không tính tiền bạc. Tôi dâng tặng bản thân cách tự do và tôi có thể cho họ sự phục vụ tốt nhất mà tôi có thể.

Tại bệnh viện này, có khi có đến 3 phụ nữ chung một giường. Hai người nằm một đầu, còn người nằm giữa nằm quay đầu khác. Bởi vì họ đều sống ở khu ổ chuột nên họ không có tiền để đi đến bệnh viện tốt hơn. Khi một phụ nữ sinh con, thường chúng tôi giữ bà ấy 24 tiếng. Nhưng vì khả năng của bệnh viện, chúng tôi chỉ có thể giữ họ lại 12 tiếng. Nếu họ sinh con vào ban chiều, và ngày hôm sau sức khỏe của họ ổn định, thì chúng tôi cho họ xuất viện. Chúng tôi  cũng thực hiện khoảng 100 đến 150 ca sinh mổ mỗi tháng, chiếm 18-20% các ca sinh nở. Thỉnh thoảng khi mà số ca sinh quá đông, dù sinh mổ, các sản phụ cũng phải nằm chung giường. Nó là rất khó khăn. Chúng tôi cũng có những bà mẹ bị biến chứng phụ khoa, cần được chăm sóc y tế nhiều hơn.”

Kể về một ngày hoạt động của mình, sơ Njeri chia sẻ: “Tôi thức dậy lúc 4.30 sáng và cầu nguyện. Tôi phải đón xe buýt lên thành phố để tham dự Thánh lễ lúc 6.30 sáng. Tôi vào bệnh viện lúc 7.30 và bắt đầu đi thăm khám cho các phụ nữ được nhập viện chiều tối hôm trước trong khi đợi các bác sĩ khác đến lúc 8 giờ. Đúng 8 giờ, tôi bắt đầu đi khám quanh khoa với các bác sĩ. Vì số phụ nữ quá đông nên phải đến một giờ trưa mới xong. Tôi đọc kinh trưa lúc 1.15 và ăn trưa. Tôi trở lại khoa vào lúc 2 giờ, thăm bệnh cho các phụ nữ được nhập viện lúc ban trưa. Bên cạnh công việc ở khoa phụ sản, tôi cũng tham gia vào các ca bệnh đặc biệt và huấn luyện các kỹ năng cho các thực tập sinh.

5.30 chiều tôi đón xe buýt trở về tu viện. Tôi chầu ThánhThể từ 6-7giờ chiều, rồi cầu nguyện với cộng đoàn đến 7.30 và ăn tối. Sau đó chúng tôi có nửa giờ giải lao, rồi chúng tôi cùng nhau xem tin tức cho đến 9.30. Sau đó tôi đọc sách vở một lúc và nghỉ đêm lúc 10 hay 11 giờ. Ban đêm, thỉnh thoảng tôi cũng bị thức dậy khi có điên thoại gọi đến để xin giúp ý kiến hay yêu cầu đến bệnh viện. Vào ban đêm, tôi ngủ bất cứ khi nào tôi tìm được giờ rảnh. Ngày hôm sau, tôi thức dậy lúc 4.30 và tiếp tục công việc. Đây là lịch trình từ thứ hai đến thứ sáu.

Vào thứ 7 và Chúa nhật, nếu không có điện thoại, tôi đi đến khu ổ chuột, thỉnh thoảng đến Masailanh – là những khu vực thôn quê, nghèo khổ, nơi cư ngụ của bộ tộc Masai, những người du mục hay bán du mục. Tôi siêu âm cho họ để khám ung thư tử cung và tôi khuyến khích họ sinh con tại các bệnh viện. Nếu tôi thấy trường hợp nào cần chú ý, bởi vì tôi đang làm việc tại một bệnh viện công, tôi sắp xếp với các trạm y tế địa phương đưa họ đến bệnh viện của chúng tôi, để tôi có thể có cơ hội chăm sóc cho họ. Đó là những gì tôi làm ngày này qua ngày khác. Tôi rất vui và hài lòng.

Sơ Njeri cũng chia sẻ về hoàn cảnh của một bệnh nhân rất đáng nhớ. “Có một phụ nữ đến bệnh viện khi mang thai được 6 tháng. Trước đó bà chưa bao giờ đi khám thai. Tôi đã siêu âm và nói cho bà biết bà đang mang thai đôi. Bà ta khóc và nói với tôi: ‘Sơ ơi, 2 đứa con à? Tôi sẽ đưa chúng đi đâu?’ Tôi nói với bà: ‘Chúa sẽ giúp bà. Chúa sẽ cho bà biết bà sẽ đưa 2 đứa bé đi đâu.’ Trong khi sinh, một trong những đứa trẻ đã bị vỡ nước ối, nên tôi đã mổ cho bà. Bà ấy rất nghèo, thậm chí không có thứ gì để quấn cho con của mình sau khi sinh. Tôi có tấm kitenge trong túi của tôi, là tấm vải lớn mà phụ nữ quấn quanh bụng trong khi đi lại hoặc làm việc. Nó rất lớn và ấm áp, vì vậy tôi lấy nó ra và cắt thành hai. Tôi quấn hai đứa con của bà trong tấm khăn kitenge của tôi. Mỗi ngày tôi được phát tiền để ăn trưa, nhưng thỉnh thoảng tôi chỉ ăn quả chuối và để dành số tiền còn lại. Vì vậy, vào ngày hôm sau, tôi đi chợ và mua quần áo cho hai đứa bé. Ở Kenya, chăm sóc sinh sản được miễn phí, nên bà không phải trả đồng nào. Nhưng tôi đã hỏi các bác sĩ xem chúng tôi có thể quyên góp cho bà ta ít tiền không. Ngày hôm sau, mỗi bác sĩ đã góp 100 hay 50 shillings, khoảng 1 đô la hay 50 cents, và chúng tôi đã có thể cho bà ta một chút gì đó. Trước khi bà xuất viện, tôi đã giúp bà liên lạc với nhân viên xã hội để họ có thể theo dõi chăm sóc cho bà.”

Sơ Njeri mong muốn là có thật nhiều nữ tu làm việc trong các bệnh viện để họ có thể đến với những người nghèo nhất trong những người nghèo và có thể thay đổi cuộc sống của họ, dù chỉ là một tí thôi. Sơ chia sẻ là có nhiều chuyên viên y khoa chăm sóc cho những người có điều kiện kinh tế, nhưng có rất ít chuyên viên chăm sóc cho người nghèo. Sơ khuyến khích các nữ tu đừng bỏ cuộc nhưng cần hoạt động cật lực hơn. Và nếu các nữ tu có thể tìm được những ân nhân giúp đỡ, hãy để họ xin sự giúp đỡ.

Dù cho những điều kiện khó khăn ở bệnh viện, nhưng sơ Njeri vẫn giữ vững đức tin. Sơ chia sẻ: “Niềm tin và xác tín của tôi đã cho tôi sức mạnh để tiếp tục. Tôi biết rằng tôi không chỉ làm việc cho con người, nhưng tôi đang làm việc cho một quyền lực cao hơn, đó là cho Chúa. Và chính Người là Đấng ban sinh lực cho tôi. Ngoài ra, mỗi ngày, tôi phải cầu nguyện hai lần. Tôi phải đi tham dự Thánh lễ vào sáng sớm: thức dậy, cầu nguyện, sau đó đi tham dự Thánh lễ. Vào buổi chiều, một lần nữa, tôi phải ở trước Chúa Giêsu và cầu xin Người ban cho tôi sức mạnh và năng lượng. Điều đó giúp tôi hoàn thành công việc, ngay cả khi công việc rất khó khăn.”

 

2. Nữ tu bác sĩ Mariana Koonce phục vụ người nghèo Appalachian, Tennessee

Ngày 8-14 tháng 3 là tuần lễ Nữ tu Công giáo Hoa kỳ. Nhân dịp này, tổ chức Catholic Extension có trụ sở ở Chicago, chuyên tổ chức giúp Giáo hội Công giáo tại những khu vực nghèo nhất của Hoa kỳ, đã vinh danh các nữ tu hoạt động tại 90 giáo phận mà tổ chức trợ giúp, bằng cách chia sẻ các câu chuyện của các nữ tu trên trang web và bằng phương tiện truyền thông xã hội. Trong số các nữ tu được tổ chức Catholic Extension nhìn nhận, có nữ tu Mariana Koonce, thuộc dòng Thương xót, đã cùng với phòng khám lưu động đi loan báo Tin mừng ở các cộng đồng Appalachian, bang Tennesee, là nơi mà Giáo hội Công giáo chưa từng hiện diện trước đây.

Người ta thường nói: có nhiều con đường để người ta đi đến việc nhận biết Giáo hội Công giáo. Ở miền đông Tennessee, con đường này chính là các buổi khám bệnh của nữ tu bác sĩ Mariana Koonce. Đối với sơ Koonce, việc chữa bệnh tật thể lý và sứ vụ phục vụ các linh hồn không phải là hai hoạt động tách rời nhau. Từ năm 2014, sơ Koonce điều hành một phòng khám lưu động ở giáo phận Knoxville. Phòng khám này cung cấp các chăm sóc y tế căn bản và miễn phí. Mỗi hai tuần hay mỗi tháng, sơ Koonce đi đến các vùng xa xôi hẻo lánh của bang Tennessee, chữa bệnh cho mọi người cần đến sự chăm sóc sức khỏe của bệnh xá phi lợi nhuận, không kể họ thuộc tôn giáo nào. Yêu cầu duy nhất là các bệnh nhân không có bảo hiểm sức khỏe và không có khả năng để trả cho các chi phí chữa bệnh.

Chiếc xe van, phòng khám lưu động của sơ Koonce được gọi là phòng khám đa khoa Đức Maria, có 2 phòng; chính sơ Koonce tự lái chiếc xe này. Dựa vào sáng kiến của Đức cha Richard Stika, Giám mục Knoxville, phòng khám mở rộng họa động phục vụ đến với những khu vực nghèo khổ, nơi có điều kiện y tế thấp và không có nhiều sinh hoạt với Công giáo.

Tại miền đông Tennessee, người Công giáo chỉ chiếm 3% và nhiều người đề phòng cảnh giác với đạo Công giáo. Sơ Koonce cho biết dân chúng ở đây có thành kiến và nghi ngờ chống lại các tín hữu Công giáo. Phòng khám di động giúp cho giáo phận cho người ta thấy gương mặt của Giáo hội Công giáo theo cách thức không đe dọa, nhưng cung cấp sự phục vụ mà dân chúng cần.

Sơ Koonce đã thành lập một mạng lưới 70 chuyên gia y khoa tình nguyện để trợ giúp sơ trong việc khám chữa bệnh cho các bệnh nhân. Họ phục vụ 5 cộng đồng mà 3 trong số này không có nhà thờ Công giáo. Phòng khám lưu động chữa trị cho các bệnh nhân ở các quận nơi có khoảng 20% cư dân sống trong nghèo khổ. Chiếc xe di động rất quan trọng vì di chuyển đi lại là một cản trở lớn cho những khu vực nghèo và nhiều người sống xa các trạm xá và bệnh viện khác.

Thời gian đầu, dân chúng còn lưỡng lự đến khám bệnh tại trạm xá. Họ không quen thuộc với Giáo hội Công giáo, mà hình ảnh một nữ tu nhỏ xíu mặc áo dòng, mang ống nghe bác sĩ làm cho họ trở nên thận trọng. Nhưng sự kiên trì của sơ Koonce đã phá vỡ những rào cản này.

Xung quanh chiếc xe van là những dòng chữ huy hiệu “Mở rộng sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu đến miền đông Tennessee”. Khi các bệnh nhân vào trạm xá, họ nhìn thấy những sứ điệp hy vọng và các hình ảnh của Chúa Giêsu và Đức Giáo hoàng Phanxicô. Sơ Koonce chia sẻ: “Nhiều người chưa bao giờ gặp một nữ tu hay một người Công giáo. Vì vậy đây là cách thế tốt để tỏ cho họ Giáo hội Công giáo là gì. Chúng tôi ở đây là vì họ.”

Trong 2 năm đầu hoạt động, sơ Mariana đã chữa trị chi 800 bệnh nhân và năm nay sơ hy vọng sẽ giúp cho 600 người bệnh. Sơ Koonce chú trọng đến việc chữa trị các bệnh mạn tính và giáo dục cho bệnh nhân biết cách phòng chống bệnh. Sơ đặc biệt muốn giảm bớt và ngăn ngừa các bệnh như tiểu đường, béo phì, cao huyết áp, cảm cúm và dị ứng – những căn bệnh đặc biệt nguy hiểm cho những ai không có chăm sóc sức khỏe đinh kỳ.

Bên cạnh việc điều hành phòng khám đa khoa Đức Maria, sơ Koonce còn hướng dẫn Văn phòng dịch vụ y tế của giáo phận. Sơ Koonce chia sẻ rằng: các bệnh nhân thường nói: “Cám ơn sơ. Tôi chưa bao giờ được chữa trị tốt như thế.” Sơ cũng cho biết thêm: “Các bệnh nhân của chúng tôi có rất nhiều vấn đề mà chúng tôi không thể giải quyết, nhưng một trong những vai trò lớn nhất của chúng tôi, đơn giản là nâng cao ý thức của họ về phẩm giá, để khi họ rời phòng khám, họ biết rằng họ có giá trị bởi vì họ là con Thiên Chúa.”

 

3. Nữ tu Pime ở Bonpara chữa bệnh cho người Hồi giáo, Ấn giáo và Công giáo

Natore, Bangladesh – Từ 50 năm qua, các nữ tu Thừa sai Đức Mẹ Vô nhiễm ở Bonpara, quận Natore, đã chăm sóc cho hàng ngàn người nghèo, phần lớn là Hồi giáo và Ấn giáo.

Các nữ Thừa sai được biết đến với tên gọi “Các nữ tu Pime” (Hội Giáo hoàng truyền giáo hải ngoại) điều hành một cơ sở y tế, bệnh xá và nhà hộ sinh Đức Maria, đón nhận chăm sóc các bệnh nhân thuộc mọi tôn giáo. Trung tâm y tế này được Giáo hội địa phương thành lập từ năm 1966.

Nữ tu Clare Costa, một nhân viên cuả trung tâm chia sẻ: “Mỗi ngày có khoảng 50 bệnh nhân bệnh nặng đến đây. Phục vụ các bệnh nhân là một trong những nhiệm vụ trong sứ vụ của chúng tôi.”

Một bệnh nhân Hồi giáo cho biết từ 40 năm nay, mỗi khi bị bệnh bà lại đến cơ sở y tế này. Các bác sĩ Kitô giáo lịch sự và dành thời gian cho các bệnh nhân.  Còn Muslam Uddin, một bệnh nhân Hồi giáo đã đến chữa trị ở đây từ 10 năm, biết đến trung tâm qua lời giới thiệu của bạn bè Hồi giáo. Ông nhận xét: “Các bác sĩ và nhân viên y tế cho tôi những toa thuốc phù hợp. Họ thăm viếng các bệnh nhân với nụ cười. Tôi ngưỡng mộ cách phục vụ của họ và vì vậy tôi đã đi xa cả 20 km để đến đây dù trong vùng của tôi có những bệnh viện lớn khác.” Một bệnh nhân khác chia sẻ là các bác sĩ không muốn tiền bạc. Họ chỉ lấy một ít tiền thuốc. Họ không muốn thu lợi từ các bệnh nhân nhưng chữa trị cho chúng tôi với tình thương. Họ là các bác sĩ thật sự.

Có 75 nữ tu Pime hoạt động ở Bangladesh trong các môi trường học đường, giáo xứ và bệnh xá. Tại trung tâm này, các nhân viên không chỉ cung cấp thuốc men nhưng cả những lời dạy luân lý như kính trọng người khác, chăm sóc con người, từ chối việc phá thai. Cha Bikash H. Reberio, cha xứ của Bonpara, khẳng định là “các Thừa sai Pime thật sự phục vụ cho các người nghèo trong vùng. Bệnh xá hoạt động nhờ lòng tốt của các chị. Và bởi thế nó thu hút nhiều người.”

 

4. Các nữ tu Đức Mẹ núi Carmel Ấn độ hứa hiến tặng cơ phận khi qua đời

Khoảng 60 nữ tu dòng Đức Mẹ núi Carmel ở bang Uttarakhand, miền Bắc Ấn độ, đã hứa hiến tặng các cơ phận của mình khi qua đời. Đối với họ, việc làm này là một đóng góp cho năm Thánh Lòng Thương xót. Chị Jaya Peter nói: “khi sống, chúng tôi phục vụ con người qua sự phục vụ xã hội và bây giờ, sau khi chết các cơ phận của chúng tôi sẽ hữu ích cho những ai cần đến chúng”. Chị cũng cho biết là 110 nữ tu Carmel ở Kerala cũng đã hứa như thế vào tháng trước.

Ở Ấn độ, người ta ngần ngại hiến tặng cơ phận dù cho thực tế là các cơ phận được hiến tặng đang rất thiếu. Theo chị nhiều người không ý thức về việc hiến tặng cơ phận và giáo dục họ về điều này rất là quan trọng. Ở Ấn độ, hàng năm có hơn 3000 việc cấy ghép cơ phận trong khi có hơn 1 triệu người đang chờ đợi chết vì không có cơ phận được hiến tặng để cấy ghép.

Cha Mathew Abraham, giám đốc Hiệp hội Sức khỏe Công giáo của Ấn độ, cho biết là nhu cầu về các cơ phận vượt quá khả năng cung cấp vì một số lý do. Người dân vẫn chưa biết tầm quan trọng của việc hiến tặng cơ phận và việc này có thể giúp họ và người khác thế nào. Họ không biết việc hiến tặng cơ phận được thực hiện thế nào. Ngay cả tôn giáo cũng có vài ảnh hưởng tiêu cực về việc này, ví dụ một số niềm tin vào sự sống sau khi chết. Các thành viên của Hiệp hội sự sống đang truyền bá ý thức về việc hiến tặng trên khắp quốc gia và khuyến khích người dân hiến tặng.

 

Tổng hợp từ Đài Vatican

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *