Nguyện làm cho dạnh Chúa được cả sáng (25.03.2024 – Thứ Hai Tuần Thánh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

 Lời Chúa: Is 42,1-7, Ga 12,1-11

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 12,1-11)

 1 Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 2 Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su ; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. 3 Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. 4 Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói : 5 “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo ?” 6 Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp : y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. 7 Đức Giê-su nói : “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. 8 Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có ; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.” 9 Một đám đông người Do-thái biết Đức Giê-su đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 10 Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, 11 vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su.

Nguyện làm cho dạnh Chúa được cả sáng (25.03.2024)

Ghi nhớ: 

Đức Giê-su nói:“Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy”. (Ga 12, 7) .

Suy niệm:

Giá tiền bình dầu thơm mà cô Maria dùng để xức chân Chúa có giá trị là ba trăm đồng tương đương với ba trăm ngày công, hành động này thể hiện lòng yêu mến và kính trọng Thầy Giê-su của cô Maria.

Bên cạnh đó là thái độ khó chịu của Giu-da khi hắn ta khi nhìn thấy sự việc đó và đã thốt lên lời: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm qua tiền mà cho người nghèo”. Nhưng Phúc Âm ghi lại rõ ràng rằng: “Y nói thế không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp; y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung”. Như vậy thì tâm địa của Giu-da là vị kỷ chỉ biết vun vén cho mình mà không cần biết đến ai!

Kế đến là thái độ của các thượng tế; chỉ vì sợ dân chúng theo Đức Giê-su nên họ đã lên kế hoạch là sẽ giết Chúa rồi, và bây giờ khi chứng kiến anh La-da-rô được Đức Giê-su cho sống lại, họ lại quyết định giết luôn cả anh nữa!

Đoạn Phúc Âm hôn nay thánh sử Gio-an tường thuật về sự việc Đức Giê-su trong những ngày sắp bước vào cuộc thương khó tử nạn và Phục sinh để cứu chuộc cho thiên hạ. Qua đây chúng ta hãy nhìn vào bản thân mình mà có hướng đi sao cho đẹp lòng Chúa xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ mà Đức Giê-su đã dành cho chúng ta.

Chúng ta có dám hy sinh tiền bạc, thời gian và công sức để làm vinh Danh Thiên Chúa hay không? Trong cuộc sống đời thường chúng ta đã để cho tiền bạc cũng những lợi lộc thế gian chi phối để rồi quên đi mục đích cuối cùng là “làm cho Danh Cha cả sáng không?” và sau hết chúng ta có hay ghen tỵ, đố kỵ với anh em mình và tìm cách hạ bệ họ xuống không muốn cho họ hơn mình?

Chớ gì lời đoạn Tin Mừng hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta biết mở lòng mình ra để cảm thông và chia sẻ với Đức Giê-su vì những đau đớn cả về thể xác xũng như tinh thần mà Ngài phải gánh chịu vì tội lỗi chúng ta, cùng quyết tâm sống theo những điều Ngài dậy bảo để đền đáp lại tình Chúa yêu thương của Ngài. 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, Giu-đa là biểu tượng của mỗi người chúng con. Chúa có tiếc gì với chúng con? Có gì quý nhất trên đời mà Chúa chưa ban cho chúng con? Trong khi Chúa lại mòn mỏi chờ đợi chúng con đáp trả! Lạy Chúa, xin tha thứ sự bất kính và vô tâm của chúng con. Xin cho chúng con biết chân tình cảm mến Chúa như cô Maria để đáp lại tình thương vô bờ của Chúa. Amen.

Sống Lời Chúa:

Thương yêu, giúp đỡ những người cơ nhỡ, bất hạnh.

Đaminh. Trần Văn Chính.

Tình yêu dành cho Chúa (03.04.2023)

“Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy.”

Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh, tuần lễ cao trọng nhất của năm phụng vụ, tuần lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu, kể lại việc Ngài phải bỏ thế gian này mà về với Chúa Cha.

Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu được xức dầu tại Bê-ta-ni-a, “Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua” tức là sáu ngày trước khi Ngài chịu chết, cô Maria, chị của Ladarô đem bình dầu thơm cam tùng hảo hạng, nguyên chất và quý giá tiến đến quỳ bên chân Chúa, đổ cả bình dầu lên chân Ngài, khiến cả nhà nực mùi thơm, rồi lấy tóc lau chân Ngài. Việc đổ dầu thơm lên chân Chúa Giêsu là dấu nói đến việc táng xác, như Ngài nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy.” Hành động của cô biểu lộ lòng yêu mến (không tiếc tiền của), và sự kính trọng (lấy tóc lau chân) đối với Chúa Giêsu.

Ta thấy hành động của cô Maria lấy dầu thơm xức chân Chúa Giêsu, được chính Ngài công nhận là một hành động mang tính ngôn sứ: “Dầu thơm này có ý dành cho ngày mai táng Thầy.” Dù trước mặt mọi người, hành động của Maria có vẻ khó hiểu, nhưng đối với cô điều đó không quan trọng, bởi vì cô đã hành động theo sự thúc đẩy của tình yêu dành cho Đức Kitô. Chính tình yêu giúp cô đồng cảm sâu xa với Ngài; và ngay từ lúc này, cô đã cùng Đức Kitô đi vào cuộc khổ nạn.

Trái ngược với Maria là một Giu-đa Ít-ca-ri-ốt luôn tính toán và phê bình. Khi nói về hành động của cô, ông đã để lộ chân tướng hẹp hòi, ích kỷ của mình. Ông bực tức, phản đối hành động của cô Maria. Ông che đậy lòng tham của mình, viện cớ để số tiền ấy giúp người nghèo nhưng thực chất là để thỏa lòng ham tiền, hám lợi của chính mình. Ông theo Chúa nhưng lòng trí lại ở xa Chúa.

Thánh Gioan chú giải rằng Giu-đa không hề lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà hắn ta là một tên trộm cắp. Thầy trò có một quỹ chung và hắn ta đã bớt xén tiền ở trong đó. Một lời lên án mạnh mẽ về Giu-đa. Lời lên án không phải vì y không quan tâm đến người nghèo khó, mà là sự đạo đức giả lợi dụng người nghèo khó để tự quảng cáo và làm giàu cho chính mình. Giu-đa, trong lợi ích vị kỷ của hắn ta, chỉ nghĩ về tiền bạc. Đây là lý do tại sao hắn ta đã không nhận thức được những gì cô Maria đang nghĩ ở trong lòng. Chúa Giêsu đọc được điều này và bênh vực cô Maria.

“Người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.” Phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân đều là hai việc tốt. Tuy nhiên Chúa dạy ta hai điều: Phải biết cân nhắc khi nào thì ưu tiên cho việc nào, đừng viện cớ phục vụ tha nhân mà bỏ bổn phận phục vụ Chúa.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con luôn mang tâm tình mến Chúa tha thiết như cô Maria, nhất là trong Tuần Thánh chiêm ngắm bước đường thương khó và tử nạn của Chúa vì tội lỗi chúng con. Amen.

Joston

Tôi yêu Chúa chân thành hay yêu tính toán? (11.04.2022)

“Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy.”

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan đã nhẹ nhàng đưa ra bối cảnh về tuần lễ sau cùng của cuộc đời Chúa Giêsu. Trước khi lên Giêrusalem để chịu thương khó, Chúa Giêsu đã đến Bêtania và ở lại ngôi nhà bé nhỏ của Mátta, Maria và Ladarô, những người bạn thân thiết của Ngài. Có thể nói, đây là lần cuối cùng Ngài đến và ở với các bạn của mình, cũng như đón nhận sự chào đón thân thiện của tình bạn; vì chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ bị ruồng bỏ, chồi từ, ngay chính những môn đệ của Ngài cũng sẽ bỏ rơi Người khi phải đối mặt với thế lực thù địch, sự ghen ghét của thế gian.

Mátta, vẫn như những lần trước, cô bận rộn với việc tiếp đãi Chúa Giêsu. Ladarô thì đồng bàn để trò chuyện với Người, còn Maria thì có hành động mang tính tiên tri về cái chết của thầy mình. Cô đem lọ dầu thơm cam tùng hảo hạng – mà theo đánh giá của Giuđa Ítcariốt là có giá trị gần bằng một năm lao động của người bình thường – để xức chân Chúa Giêsu, rồi cô lấy tóc mình mà lau. Lúc ấy hương thơm lan tỏa khắp cả căn phòng, mọi người im lặng theo dõi hành động của cô.

Bỗng trong không gian tĩnh lặng ấy, Giuđa lên tiếng trách cô lãng phí, tiếng nói đó sao lạ lẫm, vì có thể đây là câu nói đầu tiên của ông được Kinh Thánh ghi lại. Hôm nay ta được nghe tiếng của ông, nếu ta chỉ nghe ông nói và suy nghĩ về những lời của ông, thì ta nhận thấy ông là một người tốt, biết lo cho người nghèo. Ông không nói tiếng nào, nhưng khi ông nói, thì toàn là lời tốt. Ấy thế nhưng câu chuyện không diễn tiến như ta nghĩ và thánh Gioan không phải vô tình để ông Giuđa xuất hiện bên cạnh cô Maria trong khung cảnh này.

Có một sự tương phản sâu sắc mà thánh Gioan muốn nhắn gửi chúng ta. Cô Maria lấy dầu thơm xức chân Chúa, lấy tóc lau, cô không nói một lời, chỉ thinh lặng… nhưng đó lại thể hiện sự chân thành của tình yêu mà cô dành cho Chúa Giêsu. Mùi hương của dầu thơm tràn ngập căn phòng thế nào thì hương thơm của tình yêu mà Maria trao cho thầy Giêsu cũng nồng nàn trong tim cô như vậy.

Trái ngược với điều đó, thánh Gioan cho thấy lời từ miệng Giuđa thốt ra, nghe có vẻ tốt lành vì ông quan tâm đến người nghèo, nhưng thực ra lại mang đầy tính ích kỷ: “y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.” Hóa ra, sự quan tâm của ông lại mang đầy toan tính của sự tham lam và gian dối.

Suy niệm đến đây, sự đối nghịch giữa hai con người cũng đã nói lên hai bộ mặt trong mỗi người chúng ta là những người đang theo Chúa ngày nay. Có những lúc ta thấy mình như cô Maria, rất yêu mến Chúa và sẵn sàng dâng hiến Chúa tất cả, thậm chí dâng hiến cả cuộc đời để đi theo Chúa. Nhưng bên cạnh đó, cũng có lúc ta như ông Giuđa, khi ta để sự ích kỷ, tham lam điều khiển con người mình, làm cho ta ra rụt rè, tính toán khi làm việc này việc kia cho Chúa hay cho người anh em xung quanh.

Hôm nay, khi chúng ta đối diện với Chúa Giêsu, hãy nhìn lại bản thân và lương tâm của chúng ta, rồi với lòng ngay thẳng, hãy tìm xem hình ảnh nào ta đang mang trong mình khi theo Chúa, Maria hay Giuđa? Như thế, chúng ta sẽ bước vào Tuần Thương Khó của Thầy Giêsu với một tấm lòng yêu tương chân thành của một môn đệ đích thực.

Xin Chúa thương nâng đỡ và dìu dắt chúng ta trên con đường thập giá cuộc đời, dù gặp nhiều gian truân trắc trở cực lòng, chúng ta vẫn vững vàng bước đi trong sự quan phòng yêu thương của Chúa, để khi đã trải qua đau khổ của thập giá, chúng ta sẽ chung hưởng niềm vui bất tận của ngày vinh thắng. Amen.

Joston

Giá trị của con người (29.03.2021)

Giá trị là sự so sánh giữa vật này với vật khác, giữa điều này với điều khác, khiến cho cái này hơn cái kia, điều này quý hơn điều kia, người này thánh thiện tốt lành hơn người kia. Bởi vậy nó luôn phụ thuộc vào hoàn cảnh, không gian và thời gian.

Ví như một ổ bánh mì quý hơn cả ký vàng khi gặp cảnh chết đói. Ví như một ly nước cần hơn một đống tiền khi giữa sa mạc chết khát, ví như nghèo khó mà thanh sạch còn quý hơn giàu có mà tham lam, ví như đồng tiền bà goá nghèo cho hai đồng bạc là cả gia tài và tấm lòng còn hơn người giàu có cho một nắm bạc dư để cầu danh, ví như nghĩa cử cao đẹp giúp người hoạn nạn còn hơn quyền quý mà làm ngơ.

Con người là loài động vật cấp cao, suy sâu xa hơn thế nữa, thì con người là một loài không thuộc động vật vì có cả xác cả hồn và mang hình ảnh của Thiên Chúa.

Giá trị của con người là cao quý, là vô giá trên trần gian, đến nỗi Con Thiên Chúa xuống chết thay tội lỗi của con người để con người khỏi phải chết mà được sự sống đời đời.

Con người có giá trị khi có cả phần hồn cả phần xác, phần xác là vật hiện hữu của vật chất, phần hồn là sự hiện hữu của lương tâm, mà lương tâm thuộc về tính thiêng liêng phần hồn nên những ai có đức tin mới nhận ra. Cho nên, đã là con người là có xác hồn dù tin hay không tin mà những ai có đức tin mới nhân ra tiếng lương tâm, tiếng Chúa.

Từ đó cho thấy, giá trị của con người là sự toàn thiện, chân thật từ tư tưởng, lời nói, hành động. Nghĩ đúng ao ước thiện, nói đúng lời chân thật trìu mến yêu thương, nhìn đúng đôi mắt thanh sạch, làm đúng thực hành yêu thương tha thứ. Tất cả để phục vụ và dâng hiến cho con người, đó chính là giá trị cao quý nhất của con người.

Hôm nay Chúa Giêsu đến thăm nhà chị em Maria mà lần trước Maria đã chọn phần tốt nhất, trong khi Mátta còn băn khoăn nhiều chuyện. Maria đã yêu mến Chúa Giêsu bằng một tình yêu chân thật, kính mến và tôn trọng, yêu mến Chúa Giêsu hết lòng hết sức đến nỗi không tiếc gì, cho nên khi gặp Chúa Giêsu Maria đã lấy cân dầu thơm trị giá 300 đồng bằng với 300 ngày công gom góp, tương đương với một năm làm công. Nhưng chị đã sắn sàng sức cho Chúa Giêsu. Việc làm và tấm lòng của chị Maria thật cao quý và vô giá, chính việc làm ấy đã tạo nên một con người giá trị cao quý Maria.

Ngược lại với chị Maria, một tấm lòng gian tham, một con người dối trá, một lương tâm lọc lừa, một hành động che dấu của Giuda, ông ấy tỏ ra tiếc xót vì số tiền quá lớn với ông nếu ông được cầm thì sẽ phung phí vào những tham vọng thoả mãn tội lỗi của mình, nên tỏ giả dối xót thương người nghèo, nhưng thật sự chưa bao giờ ông đã làm gì cho người nghèo, Giuđa Iscariô, kẻ sẽ phản nộp Người, liền nói: 5 “Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?” Ông còn là người giữ tiền bạc của Chúa Giêsu nhưng đã nhiều lần ăn cắp để sử dụng sai mục đích vào những điều tội lỗi. Cho nên Chúa Giêsu quở trách ông: 7 “Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. 8 Vì các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu”.

Cái tư tưởng, lời nói và hành động của Giuđa đã làm cho con người Giuđa trở thành người vô giá trị, một con người tồi tệ vì phản bội, một con người xấu xa vì lừa dối.

Giá trị của con người là biết hướng thiện và làm thiện. Biết thiện và làm thiện là biết yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức hết linh hồn và yêu thương tha nhân như chính mình. Vì Thiên Chúa chính là Đấng Thánh Thiện Tốt Lành.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn biết trở thành người có giá trị trước mặt Thiên Chúa bằng chính đời sống và việc làm tốt lành của con cho tha nhân.

Hư Vô

Vào cuộc thương khó với Chúa Giê-su (06.04.2020)

“Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta”. (Ga 12,7).

Chúa Giê-su đến thăm nhà Lagiaro, người đã chết chôn bốn ngày mà Chúa làm cho sống lại. Cô Matta lo phục vụ bữa ăn. Maria quỳ dưới chân Chúa. Cô lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Hương thơm tỏa đầy nhà. Giuda cũng có mặt ở đó. Ông nghĩ cô Maria làm chuyện lãng phí. Những tốn kém cho Thầy để dành cho người nghèo thì hơn. Ý nghĩ ấy, tưởng như là đạo đức. Nhưng không, nói lên sự tiếc rẻ hẹp hòi của người ham tiền, hám lợi.

Biết thâm ý của Giuda, Chúa Giê-su nói: “Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta”. Tin Mừng mời gọi chúng ta hãy có tâm tình yêu mến đối với Chúa Giê-su, như tâm tình của cô Maria. Yêu mến và bày tỏ lòng yêu mến ấy cao độ một cách chân thành. Đừng tiếc gì với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã ban Con Một Người đến để cứu chuộc chúng ta. Đừng tiếc gì với Chúa Giê-su, vì Người đã đến trần gian trong thân phận một người tôi tớ của Thiên Chúa, đến để thi hành thánh ý của Thiên Chúa, là chết và sống lại, đến để cứu con người khỏi chết muôn đời, lại được sống lại đời đời trong Nước Chúa. Đừng tiếc gì với anh chị em mình mà không sẻ chia, không hy sinh giúp đỡ, không xuống tay khi khổ đau, hoạn nạn, khốn đốn, bởi vì anh chị em mình chính là hiện thân của Chúa Ki-tô đau khổ, Chúa Ki-tô thương khó và tử nạn.

Lạy Chúa Giê-su, vào cuộc thương khó với Chúa hôm nay, xin cho mỗi chúng con vào cuộc thương khó với biết bao con người đang lao đao, lận đận, thương tích, dịch bệnh, đói nghèo, cùng khốn. Xin cho người khỏe vác đỡ thánh giá cho người yếu liệt, người giàu có vác đỡ thánh giá cho người nghèo khó… Xin đừng để chúng con hẹp hòi tiếc rẻ vì chúng con đã nhận được quá nhiều nơi Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giê-su, tai hoa Corona virus khủng khiếp tràn lan khắp địa cầu, xin cho tất cả mọi người biết kết hiệp khổ đau này với cuộc thương khó của Chúa,để nhờ những đau khổ trong cơn dịch bệnh, thanh tẩy lòng trí mê muội của con người, và dẫn con người tới niềm vui đích thực là sự chết và sống lại với Chúa. Xin giúp chúng con phòng tránh và tận diệt thứ dịch bệnh nguy hiểm nhất là tội lỗi, để chúng con được sống trong ân nghĩa Chúa luôn. Amen.

HH- BCT

Hạnh phúc đời đời (15.04.2019)

1. Ghi nhớ:

Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. (Ga 12, 3)

2. Suy niệm:

Trên đời con người sống phải có tình yêu, tình yêu luôn luôn bất hủ, bất diệt tồn tại với thời gian, từ vạn năm tình yêu không bao giờ già nua cằn cỗi, luôn tươi vui, trẻ đẹp hòa quyện cùng con người theo thời gian năm tháng, nhưng cái tồn tại vĩnh cửu đời đời vẫn là tình yêu Thiên Chúa vượt không gian và thời gian. Thánh Gioan hôm nay cho chúng ta thấy một tình yêu của cô Maria đối với Chúa Giêsu là một tình yêu vô vị lợi, cô yêu Chúa với cả tấm chân tình, một tình yêu vượt qua tình yêu nam nữ, hôn nhân, gia đình. Đối với cô Maria, Chúa Giêsu là tất cả là cùng đích cho đời mình, chính Người là Đấng đem lại cuộc sống hạnh phúc đời đời cho cô.

Chúng ta đã bước vào tuần Thánh, tuần lễ vượt qua của Chúa Giêsu. Giáo Hội cũng mời gọi mỗi người Kitô hữu, từng bước theo Chúa Giêsu đi trên con đường khổ nạn và Thập giá, từ bỏ mọi thế tục phù vân mà theo Chúa, chính là sống thoát khỏi u mê trong thế giới bạc tiền.  Quả thật trong cuộc sống, có những người giống như Giuđa Ít-ca-ri-ốt, không chấp nhận hành động của cô Maria vì giá trị bình dầu thơm mà Cô đổ ra và xức chân Chúa Giêsu là 300 đồng, số tiền rất lớn tương đương với ba trăm ngày công (Ga 6, 7). Mà gia đình cô không khá giả cho lắm, nhưng với Cô Maria đã làm một việc này cho Chúa rất vui, với lòng kính trọng, đó là cử chỉ diễn tả lòng khiêm nhường và việc làm ấy xuất phát từ lòng yêu mến chúa bằng mọi giá, Maria không tiếc nơi Chúa dù tiền bạc hay thời gian hay không bằng lời nói suông, nhưng thể hiện bằng việc làm cụ thể, đồng thời những hành động của cô diễn tả nghi thức mai táng trước hạn. Như Chúa Giêsu nói: “ Hãy để cô ấy yên hầu giữ lại dầu thơm này cho đến ngày mai táng Thầy”.

Ngày nay bao người đang tự hỏi trọng tâm đời sống tôi quy hướng về đâu? Tiền bạc, giàu nghèo sang hèn, danh vọng, hạnh phúc ư? Mọi người vẫn mải mốt đi tìm, cái hay, cái đẹp, cái sang, cái hèn, người giầu có địa vị cố tìm cho mình thật hoàn hảo, người nghèo đi tìm manh cơm tấm áo cho bằng mọi người, nhưng Chúa vẫn nhắc nhở: “thật vậy, người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh; còn Thầy, anh em không có mãi đâu”. Cuộc sống luôn là phù vân, phù vân nối tiếp phù vân nên dù chúng ta giàu hay nghèo, sang hay hèn hãy học mẫu gương cô Maria biết dùng tiền bạc diễn tả tình yêu, hay lời cầu nguyện liên lỷ kết hợp cùng Thiên Chúa. Chúng ta biết đặt Thiên Chúa với một vị trí cao trọng nhất. Mong sao mùa chay Thánh này giúp mỗi người biết sống hy sinh cầu nguyện, cảm nghiệm với lối sống quảng đại hy sinh quên mình, để chúng ta đón nhận Chúa Giêsu phục sinh hằng ban sự sống đời đời cho chúng ta.

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa! cuộc đời  chúng con luôn tìm Ngài, theo Chúa là cùng đích đời chúng con, xin ban cho chúng con biết sống bằng lời cầu nguyện, bằng sự hy sinh cho đi, mở rộng tấm lòng đến với bao người đang khổ đau, cùng cực, khó nghèo, đó là hạnh phúc trường sinh vĩnh hằng Chúa trao cho chúng con. Amen.

Thiên Chúa là cùng đích đời con (10.04.2017)

1. Ghi nhớ:

Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. (Ga 12, 3)

 2. Suy niệm:

Trên đời con người sống phải có tình yêu, tình yêu luôn luôn bất hủ, bất diệt tồn tại với thời gian, từ vạn năm tình yêu không bao giờ già nua cằn cỗi, luôn tươi vui, trẻ đẹp hòa quyện cùng con người theo thời gian năm tháng, nhưng cái tồn tại vĩnh cửu đời đời vẫn là tình yêu Thiên Chúa vượt không gian và thời gian. Thánh Gioan hôm nay cho chúng ta thấy một tình yêu của cô Maria đối với Chúa Giêsu là một tình yêu vô vị lợi, cô yêu Chúa với cả tấm chân tình, một tình yêu vượt qua tình yêu nam nữ, hôn nhân, gia đình. Đối với cô Maria, Chúa Giêsu là tất cả là cùng đích cho đời mình, chính Người là Đấng đem lại cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng cho cô.

Chúng ta đã bước vào tuần Thánh, tuần lễ vượt qua của Chúa Giêsu. Giáo Hội cũng mời gọi mỗi người Kitô hữu sống từ bỏ mọi thế tục phù vân mà theo Chúa.  Quả thật trong cuộc sống, có những người giống như Giuđa Ít-ca-ri-ốt, không chấp nhận hành động của cô Maria vì giá trị bình dầu thơm mà Cô đổ ra và xức chân Chúa Giêsu là 300 đồng, số tiền rất lớn tương đương với ba trăm ngày công (Ga 6, 7).

Mà gia đình cô không khá giả cho lắm, nhưng với Cô Maria đã làm một việc này cho Chúa rất vui, với lòng kính trọng, đó là cử chỉ diễn tả lòng khiêm nhường và việc làm ấy xuất phát từ lòng yêu mến chúa bằng mọi giá, Maria không tiếc nơi Chúa dù tiền bạc hay thời gian hay không bằng lời nói suông, nhưng thể hiện bằng việc làm cụ thể, đồng thời những hành động của cô diễn tả nghi thức mai táng trước hạn. Như Chúa Giêsu nói: “ Hãy để cô ấy yên hầu giữ lại dầu thơm này cho đến ngày mai táng Thầy”.

Ngày nay bao người đang tự hỏi trọng tâm đời sống tôi quy hướng về đâu? Tiền bạc, giàu nghèo sang hèn, danh vọng, hạnh phúc ư? Mọi người vẫn mải mốt đi tìm, cái hay, cái đẹp, cái sang, cái hèn, người giầu có địa vị cố tìm cho mình thật hoàn hảo, người nghèo đi tìm manh cơm tấm áo cho bằng mọi người, nhưng Chúa vẫn nhắc nhở: “thật vậy, người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh; còn Thầy, anh em không có mãi đâu”. Cuộc sống luôn là phù vân, phù vân nối tiếp phù vân nên dù chúng ta giàu hay nghèo, sang hay hèn hãy học mẫu gương cô Maria biết dùng tiền bạc diễn tả tình yêu, hay lời cầu nguyện liên lỷ kết hợp cùng Thiên Chúa. Chúng ta biết đặt Thiên Chúa với một vị trí cao quý, ưu tiên tuyệt đối để cùng đích cuộc đời chúng ta chính là Thiên Chúa.

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa, cuộc đời  chúng con luôn tìm Ngài, theo Chúa là cùng đích đời chúng con, biết sống bằng lời cầu nguyện, bằng sự hy sinh cho đi, mở rộng tấm lòng đến với bao người đang khổ đau, cùng cực trong cuộc sống. Amen.

M.Liên

Mở rộng tấm lòng (21.03.2016)

1. Ghi nhớ: Cô Maria lấy dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân cho Chúa Giêsu, rồi tóc mà lau, cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giêsu là ông Giuđa It-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người liền nói: “sao lại không bán dầu thơm đi lấy ba trăm đồng bạc mà cho người nghèo ?” (Ga 12, 3-5)

2. Suy niệm:

Chúng ta đã bước vào tuần Thánh, tuần lễ vượt qua của Chúa Giêsu. Giáo Hội cũng mời gọi mỗi người Kitô hữu sống từ bỏ mọi thế tục phù vân mà theo Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay đã nói lên một tình yêu thầm lặng của cô Maria: “Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mà lau” (Ga 12, 3). Quả thật trong cuộc sống ngày nay, có những người giống như Giuđa Ít-ca-ri-ốt, không chấp nhận hành động của cô Maria vì giá trị bình dầu thơm mà Cô đổ ra và xức chân Chúa Giêsu là 300 đồng, số tiền rất lớn tương đương với ba trăm ngày công (Ga 6, 7). Nhưng với Cô Maria đã làm một việc cho Chúa rất vui, việc làm ấy xuất phát từ lòng yêu mến chúa không bằng lời nói suông, nhưng thể hiện bằng việc làm cụ thể,

Thế nhưng, còn rất nhiều người vẫn còn đam mê vật chất, vì tiếc của cải, ky bo thí dụ như: họ không dám dâng của cải mình cho những nơi xây dựng nhà Giáo lý, Thánh Đường, hay xây dựng nhà tình thương, hoặc giúp đỡ người nghèo, nơi trại trẻ mồ côi, khuyết tật, cảnh màn trời chiếu đất v.v…vì họ tiếc những đồng tiền đã làm, tạo ra được, bằng mồ hôi của mình, nên không cho ai hết,  sợ tiêu hao lãng phí, hay cố giữ cho thật nhiều tiền hơn mọi người, họ đâu biết rằng  tình yêu trao tặng, hay biết mở rộng lòng mình, còn giá trị gấp vạn lần tiền bạc, nên  họ đâu nhận ra rằng: “ Hãy theo lệnh Đấng Tối Cao mà sử dụng của cải, việc đó còn có ích lợi cho con hơn cả vàng” (Hc 3011).

Trên thực tế cũng có người đem người nghèo làm bình phong che đậy để lấy tiếng thơm cho mình, làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi của mình, có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi ngay chính bản thân mình, ta làm từ thiện vì lý do gì?  Thánh Mát-thêu viết: “ Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diển trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen, Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi” ( Mt 6, 1-2)

Tuy nhiên cũng có rất nhiều người làm từ thiện vì mục đích cao cả, họ muốn chia sẻ cho người nghèo bằng chính cái nội tâm, cái thiện có trong trái tim nhân ái của họ, không cần tư lợi, không cần khen ngợi, tiếng thơm, nhưng lại quên đi chẳng còn nhớ đên việc làm từ thiện nữa, thế giới ngày nay rất cần những người có  những tấm lòng hay bàn tay nối dài hy sinh  của họ cho tha nhân. Và biết “mở rộng tấm lòng” mình, đó là một điều quan trọng trong cuộc sống.

Hãy nhìn lại cách sử dụng đồng tiền mình, qua cách cho đi đến với tha nhân, “cách dùng của cải vật chất Chúa đã ban cho ta như thế nào?”, ta đã sử dụng đồng tiền đó ra sao? Trong tuần chay Thánh này, chúng ta có suy nghĩ  hy sinh sự tiêu pha vô độ để dùng đồng tiền ta có, để trao tặng cho những người đói khổ, trẻ em mồ côi, khuyết tật không nơi nương tựa không? Hay ta biết dừng lại cuộc chơi bời sáng đêm, ăn chơi phung phí để trao lại cho bao người đang rất cần sự giúp đỡ. 

3. Sống lời Chúa:

Thánh Đa Minh đã bền bỉ trong việc tông đồ, Ngài còn bán bộ sách quý giá cho người nghèo và hy sinh bản thân mình cho người  khác được tự do.N oi gương Thánh Tổ phụ, người Giáo dân Đa Minh cũng phải đem hết khả năng để thực thi sứ vụ tông đồ theo hoàn cảnh riêng của mình.

4. Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết nhìn vào mẫu gương yêu mến Chúa của cô Maria và Cha Thánh Đa Minh để chúng con biết đón nhận Chúa, theo Chúa bằng sự cho đi, mở rộng tấm lòng đến với bao người đang khổ đau, cùng cực trong cuộc sống. Amen.

M.Liên 

Giu-đa đóng đinh Chúa Giê-su

“Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” Y nói thế không phải vì y lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp. (Ga 12,5-6).

Suy niệm: Người thầy nào cũng muốn môn đệ của mình trở thành người tốt, người hữu ích cho cho người khác. Nếu chẳng may người học trò nào biến chất trở thành người trộm cắp và gian dối, thì chắc chắn người thầy sẽ vô cùng đau khổ. Quả vậy, Đức Giê-su đã phải đau khổ vì Giu-đa. Ngài đã đích thân chọn ông làm tông đồ, dạy dỗ ông, lại còn tín nhiệm giao cho ông giữ túi tiền chung của nhóm, thế mà Giu-đa đã lạm dụng sự tín nhiệm của Thầy mình để ăn cắp và còn giả hình giả bộ, tỏ vẻ quan tâm tới người nghèo để tạo tấm bình phong che đậy lòng tham của mình. Thực sự Giu-đa đã đóng đinh Đức Giê-su rồi qua việc ăn cắp và sự giả dối của ông.

Mời Bạn: Chúng ta thường nghĩ những đau khổ Đức Giê-su phải chịu là bị đánh đòn, sỉ nhục, phải đội mão gai, phải vác thập giá, phải chịu đóng đinh, v.v.; và rồi chịu chết. Nhưng đó không phải là tất cả những đau khổ Đức Giê-su phải chịu. Trước đó, Người đã chịu đau khổ vì tội ăn cắp và gian dối của Giu-đa. Giờ đây, Người vẫn tiếp tục chịu đau khổ vì tội loài người. Mỗi khi chúng ta phạm tội là mỗi lần chúng ta lại tiếp tục đóng đinh Người!

Chia sẻ: Bạn có kinh nghiệm thế nào khi bạn chiến thắng được một cơn cám dỗ và nhờ đó bạn đã không đóng đinh Chúa bằng tội lỗi của bạn?

Sống Lời Chúa: Làm một hy sinh trong việc ăn uống hoặc chi tiêu để cùng vác thập giá với Chúa Giê-su.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng từ nay biết xa tránh tội lỗi và chỉ làm những điều đẹp lòng Chúa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *