Hành Trang 41 : Thánh Đa Minh con người chiêm niệm

dm47.jpgThánh Thomas đã tóm lược tinh thần Dòng bằng một câu châm ngôn nổi tiếng : Chiêm niệm là trao cho người khác điều mình chiêm niệm. Tinh thần đó phát xuất từ cách sống của thánh Ða Minh và được gìn giữ trong truyền thống Ða Minh. Nhưng chiêm niệm là gì ?

Một cách vắn gọn, chúng ta có thể nói chiêm niệm là nhìn ngắm các chân lý cứu độ và hướng tới cầu nguyện, hoặc là nhận ra sự hiện diện của nước Thiên Chúa, của các mầu nhiệm đức tin và qua đó hướng tới sự kết hiệp với Thiên Chúa. Như vậy, chúng ta thấy chiêm niệm khác với sự học hỏi thông thường, là các suy tư của lý trí dựa trên ánh sáng mạc khải. Cầu nguyện là hình thức chiêm niệm được áp dụng nhiều nhất. Người ta thường kể đến ba hình thức chính của sự chiêm niệm : Kinh nguyện thần vụ, suy niệm, đặc biệt là suy niệm Lời Chúa và chiêm niệm thần bí.

Thánh Ða Minh thực sự là một con người chiêm niệm. Ngài đã sống những năm ở Kinh sĩ Hội Osma, là một nhóm các giáo sĩ tập trung quanh đức giám mục để cầu nguyện thay cho địa phận; ngài đã sốt sắng tham dự các giờ kinh thần vụ với anh em trong Dòng; khi đi đường, ngài thích vào trong các tu viện của bất cứ cộng đoàn tu trì nào để được nguyện chung. Hiện nay người ta còn giữ được cuốn sách nguyện của thánh Ða Minh, với các ghi chú theo cách thức nguyện kinh của các cộng đoàn ngài đã tham dự khi đi đường. Thánh Ða Minh đã miệt mài 4 năm ở đại học Palencia với môn Kinh Thánh đó không phải chỉ là sự học hỏi thông thường mà thôi, nhưng chúng ta có thể quả quyết ngài luôn học hỏi trong tinh thần chiêm niệm. Ðiều đó được thể hiện trong suốt cuộc đời ngài : khi đi đâu ngài vẫn mang theo Phúc Âm thánh Matthêu và các thư thánh Phaolô, ngài thường đọc Kinh Thánh với anh em và chia sẻ cho anh em những cảm nhận qua đoạn Tin Mừng. Cuối cùng, chúng ta được biết rõ những chứng nhân đã bắt gặp thánh Ða Minh cầu nguyện ngây ngất, hoặc được nâng cao lên trong khi cầu nguyện, đó là sự kết hợp thần bí …

Lịch sử cho thấy thánh Ða Minh đã làm biết bao công việc, những hành trình đây đó, những cuộc tranh luận về đạo lý, những công việc của Dòng, của anh chị em, những trách vụ Tòa thánh trao cho … nhưng dù bận công việc đến đâu, đời sống thánh Ða Minh vẫn luôn tràn ngập một bầu không khí chiêm niệm. Chúng ta tin tường ngài đã đón nhận sức mạnh, tìm thấy được ánh sáng soi dẫn của Chúa trong những giờ cầu nguyện. Bởi thế, cuộc đời và những công trình của ngài đều mang đậm dấu ấn của sự chiêm niệm. Ý thức tầm quan trọng của sự chiêm niệm, ngài đã lập Dòng nữ chiêm niệm để hỗ trợ cho công tác tông đồ của anh em : đời sống của các anh chị em thì được tổ chức sao cho có thể giữ được trọn vẹn tinh thần chiêm niệm.

Một trong những nguy cơ của tinh thần chiêm niệm ngày nay chính là tinh thần ham mê hiệu năng, làm việc thái quá. Thái quá ở đây không có nghĩa là làm việc bên ngoài nhiều, nhưng làm việc không cân xứng với đời sống chiêm niệm. Sự hăng say làm việc mà thiếu chiêm niệm như vậy chẳng những sẽ rơi một cách đáp ứng vá víu các vấn đề, nhưng còn đưa tới một sự bất an, hoang mang, vì không bắt nguồn, không gắn bó sâu xa với hơn cứu độ. Người ta sẽ cảm thấy bị giằng co, căng thẳng. Khi làm việc phát xuất từ chiêm niệm : hoạt động sẽ được qui chiếu, soi dẫn và được tăng sức những chân lý cứu độ đã ăn sâu vào trong tâm hồn, tạo nên một sự thống nhất bản ngã của toàn thể con người. Hoạt động như thế trở thành như điều tất nhiên, trào vọt ra từ đời sống nội tâm phong phú.