Hành Trang 43 : Nên giống Đức Kitô đau khổ

dm45.jpgThánh Ða Minh đã không gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng Dòng như nhiều tổ phụ khác. Ngài cương quyết nhưng hiền từ nhân ái; ngài thúc đẩy anh em nhưng cũng hết tình nâng đỡ cảm thông; nhất là ngài luôn tôn trọng anh em và để cho tập thể (tổng hội) điều khiển Dòng, ngài chỉ là người thực thi những quyết định của tổng hội.

Nhưng thánh Ða Minh cũng hiểu rằng không có đau khổ thì không thể hoàn thành một công cuộc lớn lao nào cả, và không có đau khổ thì không thể hiện hết tấm lòng yêu mến Chúa Kitô. Chúa Giêsu đã có thể cứu độ nhân loại bằng một đường lối đầy vinh quang và sung sướng hơn, nhưng Ngài lại sẵn lòng chịu chết vì vâng theo Thánh Ý Chúa Cha. Thánh Ý Chúa Cha muốn Ðức Giêsu phải chịu đau khổ để liên đời với con người đau khổ, để trong tận cùng nỗi đau khổ, con người cảm nhận được một Thiên Chúa yêu thương. Qui luật yêu thương đó, thánh Ða Minh đã cũng muốn sống trọn vẹn : yêu thương thì muốn nên giống người mình yêu. Trong nỗi khổ đau mà lại gặp một tình yêu thương tha thiết thì nỗi khổ đau đó lại trở thành niềm hạnh phúc, vì tình yêu mạnh hơn sự chết.

Cha Humberto nói về cha thánh Ða Minh như sau :”Với tấm lòng hào hiệp, ngài chịu đựng sỉ nhục, chua cay và hấp hối vì Danh Chúa Giêsu”. Lòng yêu mến Chúa Giêsu đã thúc bách thánh Ða Minh sẵn sàng chịu mọi đau khổ để nên giống Chúa. Ngài đã chọn đi truyền giáo ở miền Cacassonne thay vì Toulouse; ngài nói : “vì ở Toulouse có nhiều người tôn kính tôi, trái lại ở Cacassonne thì ai nấy đều đả đảo tôi”. Thật vậy, ở Cacassonne, Ða Minh thường bị các người lạc giáo làm khó dễ, lấy bùn đất ném vào ngài. Cha Ða Minh đã có lần nói với những người định giết ngài : “Nếu tôi phải lọt vào tay các anh, thì yêu cầu đừng giết tôi ngay, trái lại hãy băm xác tôi ra trăm mảnh, xẻo tai, cắt mũi, móc mắt tôi, đoạn để tôi mửa sống nửa chết, tùy ý các anh”. Câu nói đó chắc chắn không phải là một lời thách thức điên cuồng hay là một thứ khinh chê thân xác như bè rối Cathares chủ trương, vì đó là điều ngài hằng rao giảng chống lại; nhưng điều đó cho thấy thánh Ða Minh cũng muốn được chết đau khổ như Ðức Kitô và mong rằng cái chết như vậy cũng là một chứng tá về lòng tin vững mạnh của những người thuộc về Giáo hội. Chính thái độ đó mới góp phần cảm hóa người lạc giáo.

Sách sử còn kể lại, khi người ta đang xây tu viện ở Segovia, thánh Ða Minh đã chọn một hang đá ở dưới chân núi để làm nơi hãm mình, đánh tội. Ban đêm, ngài đánh tội ba lần và ngày nay người ta còn xem thấy những vết máu của Ða Minh dính trên vách đá.

Ðau khổ, tự nó không có ý nghĩa gì cả. Nhưng vì yêu thương, Chúa Giêsu đã vui lòng chấp nhận đau khổ. Chính qua đau khổ, Chúa Giêsu đã trở nên dấu chỉ của tình yêu thương cao cả; và tất cả những ai muốn theo Chúa, muốn thấm nhuần tình yêu của Ngài đối với nhân loại thì cũng phải hội nhập vào nỗi đau khổ của Ðức Giêsu. Tất cả những ai sống kết hợp với Chúa đều cảm thấy “vui mừng chịu đau khổ vì anh em và làm trọn nơi thân xác mình những gì còn thiếu trong các đau khổ của Ðức Kitô, vì thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24). Kiểu tình yêu trong đau khổ như vậy, với lý luận trần gian thực là một sự điên rồ, là cớ vấp phạm. Cả người Hy lạp lẫn người Do Thái đều không thể tưởng tượng được một Thiên Chúa chịu đau khổ. Nhưng với những ai thực sự cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa thì đau khổ lại là hồng ân để nên giống Chúa Kitô và góp phần mang lại ơn cứu độ cho con người,

Thánh Ða Minh đã thực sự yêu mến Chúa và yêu thương con người như thế và Ngài để lại một mẫu gương cho con cái ngài.