Hành Trang 45 : Lòng từ tâm của thánh Đa Minh

dm43.jpgDi sản của thánh Ða Minh để lại cho con cái hẳn là rất nhiều và rất quý báu, trong đó, chúng ta không thể nào bỏ qua một nét lớn trong cuộc đời ngài, đường nét vẫn thường được nhắc nhủ trong Dòng và được các sách sử kể lại, đó là Lòng Từ Tâm của thánh Ða Minh. Trong các chứng từ của cha Jourdain de Saxe, của các nhân chứng án phong thánh và các nhân chứng khác, chúng ta thấy nhắc đi nhắc lại nhiều lần về lòng thương xót hay lòng từ tâm của thánh Ða Minh, chẳng hạn :

– Chi Cécile ghi lại trong nhật ký : “Lúc nào cha cũng rạng rỡ vui tươi, trừ khi cảm thông với người sầu khổ”.

– Chân phước Jourdain de Saxe, trong cuốn “Thời khai nguyên của Dòng”  :

* “Tâm hồn người rất bình thản và chỉ xúc động vì cảm thông và thương xót người đồng loại”.

* “Ngài giàu lòng tư bi hết lòng săn sóc tha nhân và thương xót những người túng cực”.

* “Chúa ban cho cha ơn đặc biệt cầu nguyện cho các tội nhân, cho người nghèo và người sầu khổ. Cha cảm thông những nỗi sầu khổ của họ tận đáy lòng và biểu lộ ra bên ngoài bằng những giọt nước mắt”.

Lòng từ tâm của thánh Ða Minh được biểu lộ một cách rõ ràng, nên ai tiếp xúc với ngài càng cảm nhận thấy được ngay. Tuy nhiên, Ða Minh không không phải là người, khi tiếp xúc với con người thì nước mắt vắn dài, rồi sau đó lại quên ngay; trái lại cha Ða Minh đã cưu mang những đau khổ của con người vào trong tận đáy sâu tâm hồn mình, và trong những giây phút sống chân thực và mạnh mẽ, thân tình nhất, tức trong khi cầu nguyện, thì lòng từ tâm ấy lại bộc ra thành những lời cầu nguyện thiết tha. Cha Jourdain de Saxe và các nhân chứng kể rằng, có khi giữa đêm thanh vắng, ngài lớn tiếng kêu gào : “Chúa ôi ! rồi đây các tội nhân sẽ ra sao?”.

“Lúc nào cha cũng cầu xin cho được lòng bác ái đích thực để mưu tìm và chăm lo phần rỗi mọi người cách hữu hiệu. Cha nghĩ rằng chỉ khi nào mình noi gương Ðấng Cứu Thế, hiến toàn thân toàn xác sức cứu rỗi các linh hồn thì mới thực sự thành thi thể của Chúa” (Cha Jourdain, Sđd, chương 7)

Lòng từ tâm của cha thánh là một nét lớn trong cuộc sống của ngài, và thực sự nó ảnh hưởng trên toàn bộ cuộc đời ngài. Chính vì thế, ngay trong thời gian ở Kinh sĩ Hội Osma, khi đó ngài ít ra khỏi tu viện, chỉ chuyên chăm cầu nguyện, thì chân phước Jourdain cũng nói đó là lúc cha “để rộng mở cung thánh tâm hồn là lòng trắc ẩn” qua lời cầu nguyện cho mọi người. Nhận xét đó không phải là một điều quá đáng. Chúng ta biết trước đó, khi còn đang học ở Palencia, cha đã yêu thương những người nghèo đó mà đem bán đi bộ sách quý giá của mình. Cha nói : “tôi không thể học trên những miếng da chết, đang khi người khác chết đói”.

Về sau, trên những bước đường truyền giáo, cha vẫn luôn sống trọn vẹn một lòng từ tâm như vậy. Một lần khi khuyên nhủ một người theo bè rối trở lại, người này lo ngại vì nếu bỏ bè rối thì biết sinh sống ra sao. Trước tình cảnh đau lòng đó, cha đã đề nghị tự bán mình để lấy tiền chuộc người ấy khỏi sự lầm lạc. Cũng vậy, lần khác cha gặp một bà góa có người anh bị dân Maurô bắt làm nô lệ, cha không có tiền chuộc và cũng nghĩ ra “diệu kế” là tự nộp mình làm nô lệ thay cho anh của bà góa…

Cuộc đời thánh Ða Minh là như vậy, ngài đã chẳng tiếc bộ sách quý và cũng chẳng tiếc sự tự do của mình, vì lòng thương yêu những con người cùng quẫn. Mẫu gương đó thực sự là một di sản quý báu cho con cái của ngài. Mỗi người Ða Minh cần phải trân trọng di sản đó, không phải chỉ là sự ca tụng ngài trong lời nói, sách vở, nhưng là tiếp tục thể hiện lòng từ tâm đối với anh chị em của mình, đối với những người nghèo khổ và tội lỗi chung quanh mình. Lòng từ tâm cũng phải là một nét lớn trong cuộc đời của mỗi người Ða Minh chúng ta.