Hành trình đức tin (28.03.2016 – Thứ Hai trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh năm C)

  Lời Chúa: Mt 28,8-15
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
8 Khi ấy, các người phụ nữ vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.
9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói : “Chào chị em !” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. 10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà : “Chị em đừng sợ ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”
11 Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. 12 Các thượng tế liền họp với các kỳ mục ; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, 13 và bảo : “Các anh hãy nói như thế này : Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. 14 Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.” 15 Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.

1. Ghi nhớ: Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28, 10)

2. Suy niệm:

Trong xã hội Do Thái thời đó, thân phận người phụ nữ không được coi trọng, thậm chí bị hạ thấp đến mức tột cùng. Hay trong xã hội phong kiến của một số nước Phương Đông như: Trung Hoa, Việt Nam, Ấn Độ… luôn có những tư tưởng phân biệt “trọng nam khinh nữ” đối xử theo giới tính, trong đó nam giới được coi trọng hơn phụ nữ theo kiểu “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Người xưa quan niệm rằng có một người con trai còn hơn cả mười người con gái. Ngày nay, khi chế độ phong kiến bị sụp đổ, xã hội đi vào hiện đại hóa và đã có rất nhiều phong trào đấu tranh nổi lên dành quyền bình đẳng cho phụ nữ. Người phụ nữ ngày nay được bình đẳng tham gia vào các hoạt động xã hội, làm kinh tế và không còn lệ thuộc vào đàn ông nữa. Tuy nhiên, sự bình đẳng hẳn nhiên không phải tất cả người phụ nữ nào trên thế giới cũng có được, và vẫn còn đâu đó những bất công tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, đối với Thiên Chúa, chính phụ nữ lại góp phần quan trọng loan báo Chúa sống lại, Ngài đã hiện ra trao sứ mạng cho các chị em loan báo tin vui cho các Tông đồ: “Và kìa, Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “ Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người, bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: “Các chị em đừng sợ! về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”(Mt 28, 9-10).

Đây cũng là một điều diễn tả Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra ưu ái trao tác vụ cho các bà, và ngay khi con người sống trong “hành trình đức tin” Thiên Chúa  luôn yêu thương tất cả mọi người, Ngài không loại trừ bất cứ một ai, nếu biết tin tưởng, trông cậy và yêu mến hay thao thức biết kiếm tìm, tin tưởng sống niềm tin. Với Ngài “trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa” (Mt 6,33). Điều này muốn nói lên rằng, nếu  chúng ta nhận ra đức tin của Chúa, nhận ra một sức sống mới của Chúa Phục Sinh được lan tỏa đến chúng ta để mỗi người biết bỏ đi sự ích kỷ, gian trá của mình mà sống vị tha với anh em hơn.

Với người Kitô hữu trong mọi thời, việc loan báo Tin Mừng vẫn là một tiếng gọi tồn tại trong sâu thẳm của con người hay chính nội tâm mỗi người là một ơn gọi cách riêng cho “ hành trình đức tin” của mình. Khi chúng ta có niềm tin vào Đấng Kitô Phục Sinh, lòng tin sẽ tiếp thêm cho chúng ta sức mạnh và ơn bền đỗ đến cùng vào Chúa, như Chúa Giêsu đã nói “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con”  (Mt 9,21).

Trong niềm tin chúng ta được đón nhận niềm hy vọng Chúa Phục Sinh, những chặng đường Chúa Tử nạn Ngài đã vượt qua mọi cám dỗ chông gai mồ hôi cùng máu chảy ra, vì Chúa nhìn thấy rõ tội lỗi vô vàn của nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế đang hiển hiện, và Chúa cũng thấy rõ Máu Cực Thánh đổ xuống trở nên vô ích đối với biết bao kẻ phản bội ơn Thánh và từ chối công nghiệp của Ngài, và Ngài đã cứu chuộc nhân loại,  xóa bỏ tội lỗi của chúng ta trong hành trình cuộc sống.

Qua đó, chúng ta nhận ra nơi Chúa Phục Sinh bằng sự thôi thúc trỗi dậy, nhìn vào đích điểm là nước Trời để biết cảm thông cho mọi tội lỗi hay mọi tổn thương mà người anh em đã chạm tới mình hay xúc phạm tới nhau để biết thứ tha mọi lỗi lầm vấp phạm của anh em. Ước chi đời sống của chúng ta cũng được củng cố và biến đổi nhờ niềm tin Chúa Kitô Phục Sinh.

3. Sống lời Chúa: Biết lắng nghe và thực hành qua lời Chúa dạy. 

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Phục Sinh! Xin vì mầu nhiệm Chúa Kitô tử nạn và Phục sinh, xin thanh tẩy và biến đổi mỗi người chúng con biết loại bỏ mọi thú đam mê trần thế hay tính xấu xa ích kỷ, ghen ghét, để chúng con bình tâm định hướng cuộc đời mình, mà mạnh dạn ra đi loan báo Tin Mừng lòng thương xót Chúa, biết sống trong “hành trình đức tin” để tin vào mầu nhiệm Phục sinh vinh hiển của Chúa luôn là dấu chỉ cho sự sống đời sau. Amen.

M.Liên