Theo Chúa và chấp nhận đau khổ (17.07.2023 – Thứ Hai Tuần XV Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Is 1,10-17 (năm chẵn), Xh 1,8-14.22 (năm lẻ), Mt 10,34-11,1

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 10,34-11,1)

1034 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất ; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. 35 Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. 36 Kẻ thù của mình chính là người nhà.

37 “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. 38 Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. 39 Ai tìm giữ mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.

40 “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.

41 “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.

42 “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”

111 Khi Đức Giê-su ra chỉ thị cho mười hai môn đệ xong, Người rời chỗ đó, đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành thị trong miền.

Theo Chúa và chấp nhận đau khổ (17.07.2023)

“Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.”

Tin Mừng hôm nay chứa đựng một số những lời nghịch lý nhất chưa bao giờ được Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà.”

Thoạt nghe qua câu nói này, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng. Tại sao Chúa Giêsu được mệnh danh là “hoàng tử hoà bình” mà lại đem gươm giáo? Thực ra phải hiểu câu nói của Chúa Giêsu thế này: Ngài đến mang Tin Mừng cứu độ cho con người. Đứng trước Tin Mừng ấy, mỗi người phải chọn lựa: đón nhận hoặc từ chối chứ không ở trong tình trạng dửng dưng nửa vời. Khi đón nhận hoặc từ chối, con người bị phân thành hai nhóm, một theo và một không theo.

Không phải Chúa Giêsu có ý đến để đem gươm giáo gây ra sự chia rẽ và chiến tranh, nhưng điều Ngài mang đến không thể tránh được sự chia rẽ và sự chống đối: vì những  giáo huấn của Ngài nghe có vẻ ngược đời, thể hiện sự nhu nhược yếu kém, không phù hợp với suy nghĩ của người đời.  Sự “chia rẽ” này cũng có thể xảy ra trong gia đình: giữa cha và con trai, mẹ và con gái, anh em và chị em, nàng dâu và mẹ chồng. Và vô phúc thay, chúng ta biết điều này thỉnh thoảng gây đau đớn thật sự.

Khi đứng trước sự chọn lựa theo hoặc không theo, người môn đệ không tránh khỏi những mất mát, thua thiệt. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ không để họ phải thất vọng, Ngài sẽ đền bù vượt quá sự chờ đợi của họ. “Ðón tiếp một ngôn sứ, sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; đón tiếp một người công chính, sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.” Người môn đệ của Chúa đừng sợ mất phần thưởng, nhưng hãy sợ mình chưa trung thành trong bổn phận của mình mà thôi.

Theo Chúa, người môn đệ phải chấp nhận nhiều thua thiệt: họ có thể bị chống đối từ ngoài xã hội đến trong gia đình, như Chúa Giêsu cũng bị xem là nguyên cớ của các tranh chấp, chống đối, bị đồng hương rẻ rúng, bị lãnh đạo Do-thái loại trừ. Thật thế, làm sao không có đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa quyền lực Thiên Chúa và quyền lực ma quỷ. Bước theo Chúa, người môn đệ phải chọn lựa, và chỉ chọn lựa tình yêu Chúa mới cho họ xứng đáng được gọi là môn đệ Ngài.

Chúa Giêsu đã chỉ rõ cho chúng ta thấy rõ bản chất đích thực của “được” và “mất”. Điều này xem ra là một nghịch lý, vì “giữ lấy” thì sẽ bị “mất” , còn “liều mất” thì lại “tìm thấy được”. Người môn đệ đi theo Chúa phải từ bỏ tình cảm, từ bỏ những tương quan mật thiết, nhất là phải từ bỏ cả mạng sống vì Chúa và vì Tin Mừng. Bỡi lẽ đó, là người tin theo Chúa, chúng ta phải biết sẵn sàng và chấp nhận mọi thiệt thòi, mất mát và hy sinh bản thân mình vì sứ vụ, vì phần rỗi tha nhân và nhất là để vinh danh Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin thờ Chúa nhưng niềm tin của chúng con vẫn còn non nớt, xin ban thêm lòng tin cho chúng con và giúp chúng con biết sống niềm tin ấy bằng hành động cụ thể. Xin cho chúng con biết biểu lộ lòng trung thành với Chúa và Giáo Hội bằng những đóng góp nhỏ bé trong đời sống hàng ngày của chúng con. Amen.

Joston

 

Sự lựa chọn dứt khoát để nhận bình an (11.07.2022)

“Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.”

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đặt chúng ta trước những sự lựa chọn. Khi đi theo Chúa, chúng ta sẽ bị giằng co giữa tin hay không tin; sẽ chọn Chúa hay chọn thế gian; sẽ chọn hy sinh từ bỏ hay thoả hiệp với tình cảm, thú vui, danh vọng và quyền lực. Chúa Giêsu đòi hỏi những ai tin Người phải sẵn sàng vượt lên và thậm chí trên cả tình cảm gia đình ruột thịt để dứt khoát chọn Chúa và bước theo Người.

“Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo… gây chia rẽ…” Nghe có vẻ ngược đời, nhưng sự chia rẽ ở đây nói lên một sự lựa chọn cho người môn đệ. Những ai dám sống và hành động theo lời Chúa Giêsu thường bị người đời coi là dại dột, là ngu xuẩn, là điên rồ, thậm chí còn bị ghen ghét và bị bách hại đủ kiểu. Vì thế Chúa Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải sẵn sàng chia sẻ sự đau khổ mà Chúa Giêsu phải chịu, “ai bền đỗ đến cùng sẽ được ơn cứu độ.”

Những người đi theo Chúa phải luôn từ bỏ tất cả những gì ngăn cản ta đến với Chúa. Dù đó là cha mẹ, anh em, con cái. Thậm chí phải bỏ chính mình, bỏ cả mạng sống mình nữa. Và kết quả họ nhận được là gì? Kết quả trước mắt là bình an. Người chỉ lo chiếm đoạt và ức hiếp bóc lột sẽ tạo ra chiến tranh, bất bình. Bản thân người đó chỉ lo tính toán để hại người cũng không được bình an. Những nhà độc tài luôn lo sợ và nghi ngờ. Dục vọng, tham lam làm cho tâm hồn con người không bao giờ an nhiên.

Điều khó từ bỏ hơn cả là “bỏ mình”, nghĩa là bỏ chính cái tôi của mình, bỏ cái tham vọng địa vị và lợi lộc cho mình, bỏ những thứ muốn làm cho sự hướng thiện không còn chỗ đứng trong tâm hồn của mình nữa. Chúa không đòi chúng ta phải vác thập giá của Chúa, cũng không buộc chúng ta phải vác thập giá của anh em, mà Chúa muốn chúng ta vác thập giá của chính mình, là trách nhiệm trong bậc sống của mình. Từ bỏ mình là điều rất khó, nhưng những người theo Chúa biết từ bỏ mình lại luôn được bình an. Một niềm bình an sâu thẳm vì đã thoát được tất cả những dục vọng, thèm muốn, chiếm đoạt. Và nhất là vì đã được chính Chúa làm phần thưởng.

Ở phần tiếp theo của bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về tương quan với Thiên Chúa dựa trên tương quan đức ái của chúng ta với đồng loại. Khi chúng ta làm điều gì cho anh em là chúng ta đang làm cho chính Chúa Giêsu và cũng đồng thời đang làm cho Chúa Cha.

Việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân, dù là nhỏ nhất nhưng luôn được Chúa ghi nhận và có giá trị cứu độ. Thiên Chúa sẽ trao phần thưởng cho chúng ta trong Nước của Người bằng với những gì chúng ta đã trao tặng cho tha nhân. Vấn đề được Thiên Chúa ân thưởng đó không phụ thuộc vào việc cho đi nhiều hay ít giá trị, nhưng là biết sống tương quan đức ái với tha nhân, giúp đỡ nhau vì lòng mến Chúa và yêu đồng loại. Chúng ta cho nhau một ly nước vì thương người và kính mến Chúa thì có giá trị hơn gấp bội so với người cho đi vật chất giá trị cao chỉ để nhận lời tán dương ở đời này.

Hướng về ngày Chúa quang lâm, những người chỉ lo thu tích, chiếm đoạt bằng áp bức bóc lột người khác sẽ mất tất cả khi bước vào đời sau. Tệ hơn thế, họ còn bị xét xử, kết án và bị trừng phạt. Trái lại những người đã biết cho đi, biết quên mình thì sẽ được phần thưởng trọng hậu. Ngay cả những cử chỉ bác ái quên mình bé nhỏ thôi, Chúa cũng ghi nhớ và thưởng công xứng đáng. Khi sống quên mình và biết nghĩ đến người khác, người môn đệ kiến tạo hòa bình trên thế giới. Đó là nền hòa bình chân thực phát xuất từ tâm hồn. Đó là bình an của Chúa.

Lạy Chúa, xin đổ tràn tình yêu Chúa xuống trên chúng con, để chúng con sống trung kiên với Chúa và quảng đại với anh chị em chung quanh. Amen.

Joston

Tình cảm và lòng yêu mến (12.07.2021)

Tình cảm là sự yêu ghét, thích hợp giữa người này với người khác. Tình cảm luôn thiên vị, mù quáng và dẫn đến mê tín.

Trong thời cựu ước, vua Đavit đã có tình cảm với vợ của cận thần là Bà Bat Sa-ve rồi tìm cách giết chồng là U-ri-gia để cướp lấy vợ người ta làm vợ mình (2 Sm 11, 1-5).

Trong thời tân ước, khi người thanh niên giàu có muốn theo Chúa Giêsu, khi nghe Chúa nói: “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Thật vậy, khi nghe câu trả lời của Ðức Giê-su, người thanh niên nọ đã buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải (Mc 10,22).

Sống theo tình cảm thì nặng nề xác thịt và khó thoát khỏi sự ràng buộc của vật chất, nó hướng lòng người đến sự thoả mãn, sự nuối tiếc lê thê, thiếu khôn ngoan sáng suốt và dễ thay đổi.

Lòng yêu mến thì thuộc về đức tin, sự thánh thiện, khôn ngoan trung tín. Lòng yêu mến không thiên vị, luôn tin tưởng, yêu cái đẹp, cái thật, và không mê muội.

Như ông Abraham yêu mến Thiên Chúa nên ông đã tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, đến nỗi tuổi già mới có được một con trai nhưng cũng sẵn sàng sát tế làm của lễ dâng lên Thiên Chúa (St 22, 1-18).

Như lòng yêu mến của cô Maria tội lỗi, đã lấy nước mắt rửa chân Chúa, lấy tóc lau chân Chúa và lấy dầu thơm xức lên Chúa, và Chúa đã nói, tội của cô đã được tha. Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi” Lc 7:36-48).

Cũng như những người Pharisieu, Biệt phái họ để tình cảm chi phối lý trí, nên họ yêu cái này, ghét cái kia, mà tất nhiên họ yêu bản thân họ trên hết, rồi yêu đến những người thuộc phe họ. Còn Chúa Giêsu nói: “Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống vì Thầy thì sẽ tìm lại được” (Mt 10:39). Cho nên, ai yêu cha mẹ, anh em hơn Chúa Giêsu thì sẽ không được vào Thiên Đàng vì không xứng đáng với Thầy.

Chúa Giêsu đến để phân chia rạch ròi giữa những gì thuộc về Thiên Chúa và những gì thuộc về trần gian.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy con yêu mến cả kẻ thù của con, vì họ cũng là người con của Chúa, chỉ vì lòng họ gian dối mưu mô. Xin dậy cho con biết yêu mến những đường lối huấn lệnh của Chúa. Xin cho con biết yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân của con, đừng vì tình cảm làm cho con hư mất.

Hư Vô

Vác thập giá mình để theo Chúa (13.07.2020)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ rằng: “Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đánh mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó”. Mới nghe điều này, xem ra có vẻ như nghịch lý, bởi vì: khi bám víu, giữ lấy thì bị mất; còn dám chịu mất mạng sống vì Chúa thì lại được tất cả. Chúa Giêsu đã thực hiện điều đó qua cái chết và sự phục sinh của Ngài: “Phải qua đau khổ mới tiến được vào vinh quang.”

 

Thập giá mình, mình mang mình vác

Chẳng ngại ngần thoái thác chi đâu

Dẫu cho nặng nhọc khổ sầu

Vững tâm cất bước, dài lâu chẳng nề
*

Thập giá đó, tràn trề ơn phúc

Lấy niềm tin thôi thúc bước đi

Gian nan vất vả là gì

Ngước nhìn lên Chúa, quên đi nhọc nhằn

Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy”. Khi Đức Kitô tắt thở trên cây thập giá, Người đi vào đời sống mới thì cây thập giá khốn khổ ấy trở thành cây cứu rỗi và trở nên thánh thiêng. Sự thánh thiêng ấy là tình yêu, là đau khổ, là sự chết và là vinh quang. Do vậy: không có tình yêu thì thập giá không là Thánh Giá.

Thập giá đó, muôn phần vinh thắng

Cứ bền lòng, năm tháng cũng qua

Ngày mai hát khúc hoan ca

Khải hoàn rộn rã chính là niềm vui

*

Trong cuộc sống trần đời dương thế

Biết cam lòng tất sẽ thành công

Thập giá đâu phải cùm gông

Vui lòng chịu đựng, vun trồng phúc ân

 

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta: người Kitô hữu khi đi theo Chúa, phải cố gắng từ bỏ rất nhiều để vác thập giá của chính mình mỗi ngày mà theo Ngài. Phải có tình yêu của Chúa trong mỗi hành vi từ bỏ, giúp chúng ta có thêm sức mạnh và ơn thánh, để mọi thập giá trong đời sống hằng ngày của chúng ta đều trở thành Thánh Giá và có thêm lòng mến Chúa và yêu thương tha nhân.

 

Lòng bảo lòng bền bỉ mãi luôn

Theo Chúa quên hết u buồn

Mừng vui đón nhận bao nguồn ơn thiêng

*

Vác thập giá kết liên cùngChúa

Để yêu thương chan chứa rạng ngời

Thưởng công là chính Quê Trời

Hưởng Tôn Nhan Chúa muôn đời phúc vinh

 

Lạy Chúa! Xin cho chúng con luôn hiên ngang bước đi theo Chúa, cho dẫu có gặp muôn vàn những khó khăn, gian khổ, nhưng chúng con vẫn quyết tâm vác thập giá trên đường đời chúng con đi. Xin cho tâm hồn chúng con được tràn đầy tình yêu của Chúa để Thánh giá mà Chúa muốn chúng con vác luôn được nhẹ nhàng và êm ái hơn. Amen.

HOÀI THANH

 Chọn lựa điều thiện (15.07.2019)

Ngày 15.07: Lễ Nhớ Thánh Bô-na-ven-tu-ra, Giám mục, TSHT

“Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất…” (Mt 10,34)

Bài Tin Mừng hôm nay, làm cho chúng ta có cảm tưởng đó là một cái gì nghịch lý. Tại sao Đức Giêsu không đem đến hòa bình mà lại đem chiến tranh? Thực sự phải đi vào chiều sâu của vấn đề mới có thể hiểu được. Chúng ta đừng tưởng hòa bình là không có chiến tranh. Nhưng đúng hơn hòa bình đích thực chỉ có sau những trận chiến ác liệt. Trận chiến là một cuộc phân chia phải- trái, thiện- ác và quyết liệt chọn lựa điều thiện. Vì thế nếu chưa chiến đấu là còn lửng lơ chưa dứt khoát. Thiên Chúa không chấp nhận tình trạng ương ương dở dở. Nóng thì nóng hẳn, nguội thì nguội hẳn, hâm hâm dở dở, Thiên Chúa sẽ loại trừ.

Là một hội viên Đa Minh đàng hoàng minh bạch, ấy vậy mà khi có người nhà bị đau ốm, chị đi xin lễ cầu nguyện hoài không được khỏi bệnh, bèn nghe theo ai đó xúi quẩy, chị đem tiền đến ông thầy bùa ngải nhờ lên đồng bóng…mê tín dị đoan. Cuối cùng tiền mất mà tật vẫn mang, chị đành quay về chạy đến Cha xứ tỏ bày tâm sự. Cha giận dữ phán cho một bài học nhớ đời: “Tin Chúa mà còn mê tín dị đoan thì thật đáng trách…”. Chị đã quỳ gối sám hối ăn năn và lãnh nhận Bí Tích hòa giải với Chúa. Người nhà tuy không khỏi bệnh phần xác, nhưng được Chúa ban ơn bình an tâm hồn, như thế là quá tốt rồi còn đòi hỏi gì quá đáng theo ý riêng mình nữa.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con có được ĐỨC TIN vững mạnh, để biết chọn lựa điều thiện, để liên lỉ đấu tranh với chính bản thân, để sẵn sàng bước đi theo Chúa trong chân lý của Ngài. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

BCT

Hành trình theo Chúa (16.07.2018)

Ghi nhớ:

“Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải đem bình an, nhưng để đem gươm giáo” . (Mt 10,34)

Suy niệm:

Đoạn Tin Mừng Thánh Mathêu nêu ra, đó là lý do giúp các môn đệ mạnh dạn ra đi và tin tưởng loan báo chân lý lời Chúa Kitô. Người môn đệ khi thi hành sứ vụ, đứng trước những đe đọa, ngăm đe, thử thách lòng tin của người đời, thì họ luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa khôn ngoan và tình yêu thương của Ngài. Thế nên họ biết sống trung thành, để làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt người đời, nên Người luôn nâng đỡ che chở chúng ta trước tòa Thiên Chúa.

Vì thế, Chúa Giêsu muốn mọi người phải đích thân chọn lựa, và quyết tâm dứt khoát ra đi theo Chúa, khi Chúa đến trần gian đem bình an cho loài người. Nhưng sự bình an của Chúa khác với sự mong đợi của loài người, đặc biệt không phải là thanh thoát, nhàn hạ, sung sướng như kiểu người đời, nhưng lại là cuộc chiến đấu cam go,  không ngừng ngơi nghỉ, luôn ở tư thế chiến đấu chống lại ba thù đang rình rập, chúng tìm cách cướp thân xác, linh hồn ta về tay ma quỷ.

Hành trình chọn lựa theo Chúa, là sự hy sinh, đớn đau, tổn thương hay mất mát nhiều thiệt thòi, thay vào đó là chúng ta được phần thưởng viên mãn vinh hiển nước Trời mai sau. Vì vậy Thiên Chúa rất cần mỗi người có một tấm lòng biết vị tha, nhân ái, sống chân  thành trong  tin yêu, luôn biết rao giảng lời Chúa, làm chứng tá cho Ngài khắp tận cùng trái đất.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, hành trình theo Chúa là khó khăn, chịu đựng trong đau khổ. Xin Chúa tiếp sức cho chúng con và ban ân sủng dồi dào, để chúng con hăng say ra đi loan báo Tin Mừng và làm chứng nhân cho Chúa, để xứng đáng làm con cái Chúa đến trọn đời. Amen.

Cho là hạnh phúc (11.07.2016)

1. Ghi nhớ:

“Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,42).

2. Suy niệm:

Chúng ta thường nói “cho là hạnh phúc”. Nhưng nói thì dễ mà thực hiện là rất khó, điều này đâu phải dễ dàng thực hiện được. Đặc biệt là trong cuộc sống ngày nay khi người ta tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, đặt cái tôi làm trọng và luôn sống riêng cho bản thân hay riêng cho gia đình mình, thì việc cho đi quên mình mà giúp đỡ người khác quả thật là quá xa vời.

Chữ “cho” thường được hiểu là tôi phải có dư dả hay giàu có mới san sẻ cho mọi người được. Nhưng qua bài Tin Mừng chữ “cho” ở đây, bao gồm bằng nụ cười ánh mắt cảm thông chia sẻ, hay bằng lời động viên lúc người khác cần lời hỏi han, họ sẽ thêm nghị lực hăng hái vượt qua sự gian khổ của cuộc đời. Đối với Thiên Chúa thì “dù chỉ một chén nước lã mà thôi, kẻ ấy là môn đệ Thầy”. Đây hẳn là chén nước lã bằng sự yêu thương, tha thứ, cảm thông hay chia sẻ tinh thần với anh em xung quanh mình.

Sách Công Vụ tông đồ có đoạn như sau: “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20, 35). Ta chớ nên xem việc cho đi chỉ bao gồm hạn hẹp ở khía cạnh vật chất. Cuộc đời này còn cần lắm những nụ cười, những lời nói tử tế, những tấm lòng nhân hậu và tình thương yêu được trao đi. Tình thương đổi lấy tình thương chính là ân phúc mà ta sẽ nhận được. Cuộc sống luôn chứa đựng bao điều kỳ diệu và linh thiêng qua mầu nhiệm của Thiên Chúa, khi ta “cho đi” thì niềm vui sẽ vô hình nhân rộng, tuy rằng ta không chạm được hay không thấy, nhưng chính Chúa sẽ bù đắp lại cho ta bao cố gắng, hãy cho đi dù chỉ một chén nước lã thôi, là ta đã biết sống trong yêu thương, biết sống thực thi “mến Chúa yêu người” và: “Hãy làm ơn cho mọi người còn sống, ngay cả với người đã chết, cũng đừng từ chối làm ơn” (Hc 7, 33)

3 Gợi ý và chia sẻ:

Có bao giờ tôi sống vô cảm, bàng quan, dửng dưng trước sự đau khổ của tha nhân trong khi họ cần sự giúp đỡ hay lời động viên chia sẻ của tôi không?

4. Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Hành trình cuộc sống của con nhiều khúc khuỷu gian nan, xin cho con nhận ra Chúa luôn hiện diện nơi anh chị em, để gặp gỡ đối xử trong yêu thương với tấm lòng nhân ái, chia sẻ với mọi người, hầu chúng con mong được hưởng phúc quê Trời.  Amen.

M.Liên

Thiên Chúa có chỗ đứng nào trong cuộc đời chúng ta? (17.07.2017)

Đọc lại Kinh Thánh chúng ta thấy ngày xưa dân Do Thái rất nhiều lần đã quì gối thờ lạy con bò vàng. Họ chọn con bò vàng làm thần tượng thay cho Thiên Chúa. Còn ngày hôm nay, nhiều người trong chúng ta cũng đã chọn lầm thần tượng cho mình. Con bò vàng ngự trị trong thẳm sâu cõi lòng họ là tiền tài, là danh vọng, là lạc thú…

Còn chúng ta thì sao? Mang danh hiệu là Kitô hữu, rất nhiều lần chúng ta đã tuyên xưng đức tin, đã chọn lựa Đức Kitô và đã dành cho Ngài địa vị số một trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta liên tục thực hiện khẩu hiệu sau đây:

– Thiên Chúa là thứ nhất, tha nhân là thứ hai, còn tôi là thứ ba.

De Leo là một quân nhân Hoa Kỳ, sau khi từ giã chiến trường Việt Nam trở về, anh kiếm được một chân canh giữ tượng nữ thần tự do ở Nữu Ước. Công việc của anh là chăm sóc cho ngọn đuốc trong tay và chiếc mũ triều thiên trên đầu bức tượng.

Anh phải làm thế nào cho ngọn đuốc luôn cháy, những khung cửa sổ bằng kính nơi ngọn đuốc và mũ triều thiên lúc nào cũng sạch sẽ. Chỉ vào ngọn đuốc, anh hãnh diện nói:

– Đó là ngôi nhà nguyện của tôi. Tôi dâng hiến nó cho Chúa và tôi thường lên đó để cầu nguyện vào những lúc rảnh rỗi.

Đối với anh, Thiên Chúa là thứ nhất.

Tuy nhiên, anh còn làm được nhiều việc khác nữa. Hội Hồng thập tự đã cấp giấy khen cho anh sau khi anh hiến nửa lít máu lần thứ sáu mươi năm. Khi hay biết những công việc bác ái Mẹ Têrêsa đang làm bên Ấn Độ, anh đã gửi tặng Mẹ 12.000 đô la, ngòai ra anh còn bảo trợ cho sáu em bé mồ côi, thông qua các tổ chức từ thiện.

Và như thế, đối với anh, tha nhân là thứ hai.

Riêng bản thân anh thì như thế nào? Chính anh đã nói với phóng viên tờ Los Angeles Times như sau:

– Tôi chẳng giàu xã hội tính, cũng chẳng bận áo quần hợp thời trang, nhưng tôi có được tính khôi hài. Tuy nhiên vấn đề là tôi không có đủ tiền để cưới vợ, và cũng chả giữ lại được đồng nào làm của riêng.

Và như thế đối với anh, bản thân mình là thứ ba.

Lúc đầu mọi người đều nhìn anh bằng cặp mắt nghi ngờ và họ mỉm cười, nhưng giờ đây thì tất cả đều nhìn nhận anh một cách nghiêm chỉnh và anh thực xứng đáng với danh hiệu là người giữ ngọn lửa của nữ thần tự do.

Với chúng ta cũng vậy. Chúng ta phải đặt Chúa vào địa vị, vào chỗ đứng số một, đồng thời phải cố gắng thực thi sự lựa chọn ấy suốt dọc cuộc đời của mình. Như trái đất xoay quanh mặt trời thế nào, thì mọi tư tưởng, mọi lời nói và mọi việc làm của chúng ta cũng phải xoay quanh Đức Kitô như vậy, để rồi chúng ta có thể nói lên như thánh Phaolô:

– Tôi sống, những không còn là tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.

Nói cách khác, Đức Kitô chính là thần tượng số một của lòng chúng ta.

Có như vậy thì trong ngày sau hết, chúng ta mới được Ngài đón nhận vào quê hương nước trời.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *