Đố kỵ, thù ghét (22.03.2024 – Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Gr 20,10-13, Ga 10,31-42

Tin Mừng Chúa Giê- su Ki- tô theo thánh Gio-an (Ga 10,31-42)

Khi ấy, người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su.  Người bảo họ : “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm ; vì việc nào mà các ông ném đá tôi ?”  Người Do-thái đáp : “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng : ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.”  Đức Giê-su bảo họ : “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao : ‘Ta đã phán : các ngươi là những bậc thần thánh’ ?  Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, 36 thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi : ‘Ông nói phạm thượng !’ vì tôi đã nói : ‘Tôi là Con Thiên Chúa’ ? Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi.  Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng : Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.”  Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.

Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau : “Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.” Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.

Đố kỵ, thù ghét (22.03.2024)

Cổ học tinh hoa có kể câu chuyện Ngọc Bích họ Hòa, nội dung như sau:

Vào thời Sở Lệ vương, có người là Biện Hòa tìm được một viên ngọc ở trong núi đem dâng vua. Lệ Vương sai thợ ngọc xem, người thợ này cho là đá không phải là ngọc. Lệ Vương liền cho người họ Hòa này là nói dối, rồi sai người chặt chân trái anh ta.

Đến khi Vũ vương nối ngôi, người họ Hòa này lại đem ngọc đến dâng. Vũ Vương lại sai thợ ngọc xem. Người thợ ngọc này cũng cho thứ đó là đá không phải là ngọc. Vũ Vương lại cho người họ Hòa này là nói dối, rồi sai người chặt nốt chân phải anh ta. Vì thế người ta đều cười và thương hại anh chàng họ Hòa này.

Đến khi Văn vương lên ngôi, người họ Hòa ôm hòn ngọc, khóc ở chân núi Sở Sơn suốt ba ngày ba đêm đến chảy cả máu mắt ra. Vua thấy thế, sai người đến hỏi. Người họ Hòa thưa: “Tôi khóc không phải là thương hai chân tôi bị chặt, chỉ thương về nỗi ngọc mà cho là đá, nói thật mà cho là nói dối”. Vua liền cho người xem lại thật kỹ, thì quả nhiên là ngọc thật, mới đặt tên gọi là Ngọc bích họ Hòa và từ đó viên ngọc này được coi là quốc bảo của nước Sở. Và tác giả Ôn Như Hầu Nguyễn Văn Ngọc đã để lại lời bình:

Người ta ở đời thường mờ mịt của thật cho là của giả, sự phải ngờ là sự trái. Hoặc có ai biết lẽ phải, muốn đem ra bày tỏ, mà thiên hạ không biết cho, lại còn mỉa mai, thì thực là khổ tâm. Người họ Hòa không đau vì nỗi hai chân bị chặt chỉ vì đau vì nỗi ngọc mà cho là đá, nói thực cho là nói dối, quả là một người vì yêu cái thực, cái phải, cố làm cho sự thực, sự phải phá đổ được sự u mê của người đời.

Tuy mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng chúng ta cũng có thể cảm nhận được phần nào nối ngâm ngùi của Chúa Giêsu trước dã tâm của các Kinh sư và Luật sĩ Do Thái…

Chúa Giêsu đã biết bao lần nói lên sự thật Người là Con Thiên Chúa với những chứng cứ rõ ràng, xác thực, nhưng họ vẫn bưng tai bịt mắt, cố tình mang luật ra để gán ghép tội cho Người, để có thể giết chết Người:   “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà tự cho mình là Thiên Chúa”!

Tính tự cao đã làm cho lòng họ ra chai cứng. Cho dù Đức Giêsu đã làm biết bao điều tốt đẹp nhưng họ vẫn đóng cửa lòng và cố tình không hiểu, không tin và không đón nhận Ngài. Họ cố chấp, cứng lòng và cố tình lên án Đức Giêsu là phạm thượng để tìm cách loại trừ và bắt nộp Người.

Đối với đời sống của người Kitô hữu, nhiều lúc chúng ta cũng để cho đủ thứ cám dỗ của tự kiêu tự mãn che phủ và bóp nghẹt con tim ta. Giống như dân Do Thái ngày xưa, chúng ta cũng biết bao lần giơ tay lên để ném đá Chúa khi gạt bỏ Chúa ra khỏi con người và cuộc đời của mình. Chúng ta phớt lờ hoặc bỏ ngoài tai lời Chúa dạy. Chúng ta gạt bỏ những lời dạy khôn ngoan của Giáo Hội để thỏa mãn cái tôi ích kỷ. Từ đó, tâm hồn chúng ta trở nên khô cứng, chai lỳ; và Lời Chúa thay vì là ngọn đèn soi bước ta đi, thì lại trở nên như cái gai cản trở cuộc đời ta…

Mặt khác chúng ta lại nhận thấy còn có người khác nhận biết Chúa và tin vào Chúa. Đây là những người thành tâm thiện chí, họ muốn tìm ra sự thật về vị Thầy Giêsu mà dân chúng xôn xao bàn tán bấy lâu. Dư luận nói tốt về Người cũng có, mà dư luận nói xấu về Người cũng chẳng thiếu, nhưng họ vẫn bình tâm đứng giữa hai luồng dư luận và cố gắng tìm hiểu những lời Chúa nói, những việc Chúa làm và suy gẫm lại lời làm chứng của Gioan Tiền Hô với thành tâm thiện chí, để rồi cuối cùng họ tin vào Chúa.

Hai cách hành xử của hai nhóm người trong đoạn Phúc Âm chúng ta vừa đọc lại trên đây là những gợi ý quý báu cho chúng ta khi phải nhận định đánh giá các nguồn dư luận quanh ta hàng ngày về Chúa Giêsu. Là những người yêu chuộng sự thật, chắc chắn chúng ta biết mình sẽ chọn con đường nào để đạt tới chân lý, mà đến với Chúa Giêsu.

Đố kỵ, thù ghét có thể như những “trái bom nổ chậm,” tạo nên những vết thương trong tâm hồn mình và cả với người bên cạnh. Mùa Chay sẽ là mùa của hòa bình nếu chúng ta biết tháo “ngòi nổ” trong trái bom ấy ra khỏi lòng mình, để tha thứ và đón nhận người khác như họ “là,” chứ không phải như mình muốn. Đó chắc chắn là tâm tình tuyệt vời trong suốt Mùa Chay thánh này.

Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn chân lý và là nguồn sự khôn ngoan. Xin ban cho con một trí óc luôn bình tâm sáng suốt, một con tim luôn khách quan vô tư, để con có thể nhận xét mọi người, mọi việc quanh con và tìm ra sự thật mà đến với Chúa. Xin cho con cũng biết tích cực làm chứng cho sự thật mà mình đã xác tín. Amen.

Có Chúa bước bên tôi (31.03.2023)

Bài đọc I hôm nay, trích trong sách Tiên Tri Giêrêmia chương 20, 10-13 nói về việc ngài bị trăm ngàn sự khốn khó. Từ việc bị lùng bắt, đến những cạm bẫy giăng ra để làm hại, cả những đôi mắt xăm soi để tìm điều cáo gian. Đủ mọi sự đau khổ. Nhưng Tiên Tri Giêrêmia vẫn vững dạ an lòng:

“Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất bát điên đảo, sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề”

Tiên Tri Giêrêmia là hình ảnh báo trước của Chúa Giê su. Cuộc đời của Ngài cũng vì làm chứng cho Thiên Chúa mà từ một vị Ngôn Sứ cao cả, bị truy lùng và bắt hại như một tên tử tù. Điều này rất tương đồng với Ngôi Hai Thiên Chúa. Và điểm chung quan trọng nhất đó chính là cả hai đều có Chúa Cha ở cùng, và hằng nâng đỡ chở che. Cho dù có gặp hiểm nguy, cũng hằng có Chúa bảo vệ.

Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Ắt hẳn ai cũng gặp những khốn khó, những nhục nhã đau đớn. Người ta nói rằng “đời là bể khổ, hết khổ thì đã tàn đời”. Thế nên qua các bài đọc hôm nay. Chúng ta biết rằng chúng ta không cô đơn. Vì có Ngôn Sứ Giêrêmia và Đức Giêsu đồng cảnh ngộ với ta. Hơn thế nữa, ta có Thiên Chúa là Cha yêu thương nhân loại luôn là thuẫn đỡ khiên che cho con cái của Ngài.

Đừng sợ hãi khi làm chứng cho sự thật. Đừng lo lắng sẽ bị người ta ghét khi mình góp ý điều xấu của người khác. Vì những ai là con cái của sự thật đều sẽ bị bách hại, đều sẽ bị con cái thế gian, con cái ma quỷ lên án và làm hại. Nhưng vì ta biết Chúa hằng bên ta, và dù có đau khổ, ta hãy biết rằng: phần thưởng trên trời của ta thật lớn lao.

“Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.”

Ngọn cỏ ven đường.

Đấng Thiên Sai khẳng định thiên tính (08.04.2022)

Chúng tôi thường mang theo bánh kẹo trong những lần đi hành hương bác ái đến các mái ấm Vinh Sơn – Kontum, trên đoạn đường đến mái ấm Vinh Sơn 3 đi ngang qua các nhà của người dân tộc, nhiều trẻ nhỏ chân đất ngồi trước hiên nhà, gương mặt thơ ngây, khi nhận bánh kẹo biết cám ơn, chúng tôi hay nói với các bé: “ Tạ ơn Chúa nhe”. Những trẻ nhỏ vui vì có quà, thậm chí có người bế con đang bị bệnh ra gặp chúng tôi nhận quà. Thánh Vinh Sơn Phaolo chia sẻ: “Đức bác ái chân thật thì mở tay ra và nhắm mắt lại”.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay: “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Người Do Thái thời ấy tôn thờ Thiên Chúa là bậc Chí Tôn uy quyền ở trên cao vời vợi, và con người là kẻ bé mọn, các Thượng tế, Biệt phái không thể chấp nhận được điều Chúa Giêsu nói với họ: “vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa?”, dù họ đã biết khi Chúa Giêsu đi rao giảng mời gọi mọi người đón nhận Tin Mừng, Người không chỉ nói lý thuyết mà luôn có hành động của Lòng Chúa Thương Xót là cứu chữa các bệnh nhân. Lòng yêu thương con người từ Chúa Cha và Chúa Con đã thực hiện điều ấy thay Chúa Cha. Chúa Giêsu muốn tỏ bày cho dân Chúa biết Người là Con Thiên Chúa và cũng muốn nhân loại biết về Chúa Cha, nhưng những nhà lãnh đạo Do Thái tỏ thái độ chống đối, có thể là do xuất thân của Chúa Giêsu là con của gia đình lao động, quá tầm thường. Ông bà xưa có câu : “Miệng nhà giàu nói đâu ra đấy” hay thành ngữ có câu “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền” thật chẳng sai. Trong đời sống xã hội từ thời xưa đã có sự phân biệt người quyền thế, giàu có, người có tiền, thì luôn dễ dàng chiếm lĩnh ưu thế.

Bài học cho chúng ta là những vị Mục Tử tại các giáo phận, giáo xứ là những vị đại diện cho Giáo Hội với trọng trách chăm sóc linh hồn của giáo dân, thực thi sứ vụ truyền giáo tại các địa phương rất cần sự hợp tác, đón nhận của người Kitô hữu. Theo thánh Augustino chia sẻ: “Nếu mặc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người thì đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu xuống thế gian để cứu rỗi và nâng con người lên làm con cái Chúa Cha, để cùng hưởng hạnh phúc với Chúa Cha. Hành trình trở thành con cái Chúa là sự tự nguyện của mỗi người, Lời Chúa giúp chúng ta biến đổi từ bên trong và thể hiện ra bên ngoài với mọi người chung quanh từ cách giao tiếp, cư xử…  làm đời sống Kitô hữu ngày một nên thánh thiện. Ngày nay, khi nghe Giáo Hội giảng dạy Lời Chúa, cũng có những Kitô hữu không chấp nhận mà còn có hành động như: coi thường Lời Chúa, vi phạm luật công bình, bác ái, phản đối luật lệ Hội Thánh, chống đối chủ chăn…

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban muôn hồng ân trong thời gian qua, Mùa Chay Thánh giúp chúng con xác tín niềm tin vào Đấng Kitô là Con Thiên Chúa, xin giúp chúng con luôn vững tâm trông cậy vào Chúa, thật tâm hoán cải để đời sống gia đình mình trở nên tốt đẹp hơn, sống chan hòa với anh em, cùng hiệp hành trên hành trình nên Thánh. Chúng con tin rằng Thiên Chúa luôn muốn thế giới loài người đầy ắp tình yêu thương với nhau, như thánh Phanxico Salê từng nói: “Tình yêu làm con người trở nên bình đẳng”.                                                                                           

Anna Anh

Họ tìm cách bắt Đức Giêsu (26.04.2021)

Tin Mừng hôm nay cho ta thấy công cuộc loan báo Nước Thiên Chúa của Chúa Giêsu đã gần đến hồi kết thúc.

Ba năm say sưa miệt mài với mọi cách thức giảng dạy, Chúa Giêsu dùng những dụ ngôn thiết thực, những lời nói cao siêu hay đơn sơ dễ hiểu. Nhất là Người đã dùng đến quyền phép của Thiên Chúa mà làm những phép lạ để ban ơn giáng phúc cho người Do Thái, dân riêng của Người. Hầu cho họ nhận ra Thiên Chúa quyền phép tạo dựng yêu thương, là cha của họ cùng toàn thể nhân loại. Đặc biệt là muốn cho họ nhận ra Đấng Thiên Chúa yêu thương ấy cũng chính là Đức Giêsu đã đang ở với họ mà dạy dỗ, mà cứu chuộc, cho họ được sống muôn đời. Vậy mà công ơn của Người với họ như là vô hiệu. Từ việc bới móc, chê bai bất tuân lời Chúa dạy, đến hôm nay sự thù ghét đã gần đến đỉnh điểm: “Họ lượm đã ném Đức Giêsu” và họ còn “tìm cách bắt Người” nữa..

Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng thánh thiện tốt lành đến với trần gian u mê tội lỗi, như ánh sáng đến với bóng đêm mà Chúa Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta yêu chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. (Ga 3,19-20).

Đến ngày phán xét, nhiều dân tộc có thể họ bào chữa cho mình rằng: Vì tôi chưa được nghe giảng Tin Mừng. Nhưng với người Do Thái họ không những được nghe, còn được nài nỉ van xin, chỉ vẽ để cho họ dù không nghe lời dạy, thì ít ra cũng tin yêu những việc kỳ diệu của Đấng Thiên Sai đã làm.

Họ tỏ ra tôn kính Thiên Chúa: “Chúng tôi ném đá ông… vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Nhưng không nhận những việc thiện hảo bởi quyền phép Thiên Chúa. Họ nại đến Thiên Chúa mà giết người tin kính Thiên Chúa, điều mà Chúa Giêsu đã nói: “Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường, hơn nữa sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa.” (Ga 16,2). Tâm hồn họ mù tối ích kỷ, kiêu căng ghen ghét, không muốn nhìn nhận một điều gì tốt lành nơi người khác. Họ như những con mắt bệnh tật không muốn tiếp nhận ánh sáng chói lọi là lời Chúa Giêsu đem đến cho họ: “Ta là Con Thiên Chúa… Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha”.

Lòng dạ mù tối ác độc đã dẫn họ đến phạm tội ác tầy đình có một không hai trong lịch sử nhân loại: Giết Chúa Cứu Thế. Một tội ác, một vết nhơ, họ đã bị nhân loại nguyền rủa hai nghìn năm qua. Nhưng công đồng Vaticano II (1965) đã nhắc nhở mọi người: “Mặc dầu chính quyền Do Thái và thuộc hạ đã đưa đến cái chết của Chúa KiTô, nhưng không thể quy trách một cách hàm hồ những tội ác đã phạm trong khi Người bị khổ nạn cho hết mọi người Do Thái thời đó… cũng như thời nay.” (TN,4.). Thật vậy, Tin Mừng hôm nay kể dù “nhiều kẻ tìm cách bắt Người”… Nhưng cũng “… có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: Gioan đã không làm một phép lạ nào, nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả”.

Lạy Chúa! Xin ánh sáng chân lý Chúa luôn chiếu giãi nơi tâm hồn con. Để con  luôn nhận ra chân lý Chúa hướng dẫn mà tthoát khỏi tối tăm lầm lỗĩ. Vì mỗi lần con phạm một tội trọng là con lại đi theo những người Pharisêu xưa mà ném đá, mà đóng đanh Chúa nữa. Amen.

 Giuse Ngọc Năng 

Nhiều người đã tin vào Đức Giê-su (03.04.2020)

Ghi nhớ:

Họ bảo nhau: “Ông Gioan đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông nói về người này đều đúng.” Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.

Suy niệm:

Người Ba Tư có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:

Ngày xưa tại một thành phố nọ. Xuất hiện một nhà hiền triết, ông nói rằng sẽ giải đáp tất cả mọi câu hỏi cho bất cứ ai thành tâm thiện chí hỏi mình.

Một hôm. Có một người mục tử từ xa đến, nghe tiếng đồn về sự khôn ngoan thông thái của vị hiền triết nên người ấy muốn chứng kiến tận mắt, nghe tận tai và nhất là muốn hạ nhục nhà hiền triết giữa đám đông. Anh ta đến gặp nhà hiền triết khi trong tay cầm một con chim nhỏ. Người này đặt câu hỏi như sau:

– Thưa Ngài, trong tay tôi hiện đang cầm một con chim. Ngài là bậc khôn ngoan thông thái nên sẽ biết mọi sự. Vậy xin hãy nói cho tôi biết con chim đang nằm trong tay tôi là con chim sống hay chết?

Nhà hiền triết biết đây là một cái bẫy tinh ranh mà kẻ kia giăng ra. Vì nếu như ông bảo là sống thì lập tức hắn sẽ bóp chết con chim trước khi mở bàn tay ra, ngược lại nếu ông nói  chết thì hắn sẽ mở tay ra để chim bay đi! Thế nên ông trả lời rằng.

– Con chim mà ngươi đang giữ trong tay ấy, nó sống hay chết là tùy ở ngươi! Ngươi cho nó sống thì nó được sống, ngươi bắt nó chết thì nó phải chết!

 Bài Tin Mừng hôm nay thánh sử Gioan thuật lại việc người Do Thái lấy đá để ném Chúa Giê-su, khi Người hỏi lại họ vì lý do gì mà các ngươì ném đá tôi? thì chúng trả lời rằng: Bởi vì ông đã nói phạm thượng tự nhận mình là Thiên Chúa. (nhân cơ hội này Đức Giê-su đã giải thích cho họ biết về giá trị cao trọng của mỗi con người, được gọi là thánh bởi đã được tạo dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa).

Chúng ta thấy trong số những người đi theo để nghe Đức Giêsu rao giảng ngoài những người thành tâm thiện chí ra thì có không ít những kẻ gian manh, họ là những con người “bới lông tìm vết” họ cũng chăm chú lắng nghe lời Người nói đấy nhưng tâm địa của họ thì gian tà, chỉ là chờ đợi có cơ hội để bắt bẻ Ngài mà thôi! Bao nhiêu việc tốt đẹp mà Đức Giê-su đã thực hiện họ chẳng mảy may để ý tới, họ chỉ mong muốn có điều gì đó từ miệng Ngài thốt ra khả dĩ có thể bắt bẻ được là họ tận dụng ngay. Cụ thể như tường thuật trong bài Tin Mừng hôm nay. “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: Ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Họ, những người Do Thái cố chấp, không để cho lời Chúa thấm nhập vào tâm can để lắng đọng suy xét và tìm ra chân lý. Đối với những người không có thành ý phục thiện như vậy, thì họ cho rằng mình chính là trung tâm của mọi thứ; là cái rốn của vũ trụ, đối với họ mọi sự phải xảy như suy nghĩ của họ, và những gì đi ngược lại những suy nghĩ ấy thì họ ngoan cố không chấp nhận.

Ngay nay, Tuy rằng Thiên Chúa không còn trực tiếp để nói với nhân loại về Ngài nữa: Song, qua Kinh Thánh, qua Giáo hội và qua những dấu chỉ của thời đại Chúa vẫn tiếp tục mạc khải về Ngài, về tình yêu thương và công trình cứu độ của Ngai . Điều quan trọng nằm ở phía con người có biết mở đôi mắt, mở đôi tai và mở tấm lòng ra đón nhận Thiên Chúa hay không?

Thiên Chúa đã tôn trọng và ban cho mọi người được quyền tự do để tùy đó lựa chọn cho mình sự sống hay cái chết. Vì vậy. Chúng ta hãy nên khôn ngoan biết dùng chính cái quyền được tự do ấy mà đón nhận Thiên Chúa bằng việc mang Lời Ngài ra thực hành trong cuộc sống, có như thế chúng ta mới hy vọng sẽ được sống đời đời bên Chúa sau cuộc lữ hành trần gian này.

 Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con có một tâm hồn luôn biết khát khao chân lý, luôn biết hướng tìm về Chân Thiện Mỹ, xin ban cho chúng con biết nhạy bén để biết nhận ra Chúa qua các biến cố của thời đại. Để rồi chúng con hoàn toàn tin tưởng, cậy trông và tín thác vào Chúa. Xin ban cho chúng con lòng mến để hăng say làm việc lành hầu trở nên những chứng nhân đem Chúa đến cho mọi người chung quanh trong thời đại hôm nay. Amen.

 Sống Lời Chúa:

Sống kính Chúa và yêu người.

Đaminh Trần Văn Chính.

Hãy đi theo Chúa và tin tưởng nơi Ngài (12.04.2019)

 Trong bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu trở vào Đền thờ để giảng dạy. Điều này, chứng tỏ Ngài không hề khiếp sợ trước phản ứng của người Do Thái, Ngài vẫn bình tĩnh và mạnh dạn tiến vào Đền thờ giữa những con người với bộ mặt đằng đằng sát khí. Những người Do Thái đã lượm đá để ném Chúa Giêsu, vì họ cho rằng Ngài đã lộng ngôn phạm thượng, là người mà dám cho mình ngang hàng với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã dùng Kinh Thánh để cắt nghĩa và dùng các việc làm của Ngài để chứng minh Ngài được Thiên Chúa thánh hiến và sai đến thế gian, nhưng họ vẫn ngoan cố và không tin vào Ngài.

Chúa ơi! Con đã chọn Ngài

Tâm –  tình dâng hiến, không phai lời thề

Tình thương của Chúa tràn trề

Cứu chuộc nhân thế, đưa về cùng Cha

*

Tình thương của Chúa bao la

Dành cho con đó, chính là ơn thiêng

Đời con vẫn mãi triền miên

Chăm lo phục vụ, thường xuyên giúp người

 

Cho dù Chúa Giêsu có giải thích thế nào đi chăng nữa, thì người Do Thái vẫn không tin và không chấp nhận.  Vì ngay từ đầu, họ đã khẳng định: Chúa Giêsu chỉ là một con người bình thường, một con người giống như bao người khác. Người Do Thái không thể nhìn nhận ra Con Thiên Chúa đang ẩn náu dưới một con người bình thường. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu,”. Còn bây giờ, Chúa Giêsu có nói  thêm gì nữa cũng chỉ càng làm cho họ tức tối và căm ghét Ngài nhiều hơn mà thôi.

Lòng con luôn thấy vui tươi

Vì Chúa hiện diện, mỉm cười với con

Chúa luôn chúc phúc ban ơn

Cuộc sống thánh thiện, đẹp hơn từng ngày

*

Quá khứ, hiện tại, tương lai

Con luôn theo Chúa, xin Ngài đoái thương

Lời Ngài minh bạch tỏ tường

Dìu con tiến bước trên đường dương gian

Người đời vẫn hay nói “sự thật mất lòng” và vì sợ mất lòng nên có nhiều người không dám nói lên sự thật. Đối với Chúa Giêsu, Ngài không thể làm thinh trước những sự thật, vì chính Ngài là Sự Thật. Ngài nói để người ta tin Ngài, nhưng điều Ngài nhận lại chỉ là sự chống đối của giai cấp lãnh đạo. Tuy nhiên, lời thật đó cũng có giá trị khi có nhiều kẻ đến cùng Ngài. Họ nói:Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả”. Từ đó có nhiều kẻ đã tin và đi theo Ngài.

 

Chọn Ngài con thấy hân hoan

Cuộc sống tốt đẹp đầy tràn thánh ân

Ngày mai chung hưởng phúc phần

Nước Trời vinh hiển tinh thần hỷ hoan

 

 Lạy Chúa, Chúa chính là nguồn mạch chân thật và thiện hảo. Xin thanh luyện lòng trí chúng con nên trong sạch và ngay chính, để cuộc sống của chúng con là một bằng chứng sống động giúp người khác nhận biết ra Chúa và tin theo Ngài.  Amen.

 

 HOÀI THANH

 

Ở trong Đức Giêsu Kitô (07.04.2017)

Suy niệm

Là Kitô hữu, nếu không ở trong Đức Giêsu Kitô và làm những việc của Người, thì không xứng đáng được ơn cứu độ.

Chuyện kể về một người thật việc thật.

Anh Tân, một người nghèo ít học, hành nghề bán vé số nuôi vợ con. Cuộc sống của anh từng ngày vật lộn với cơm áo gạo tiền. Nắng gắt mưa dầm anh vẫn thoăn thoắt trên vỉa hè đường phố, lấm lét nơi quán ăn, len lủi trong quán cafe để bán. Nhưng anh lúc nào cũng vui tươi. Bạn bè hỏi anh sao anh có nghị lực đến thế. Anh trả lời đơn giản: Chúa Giêsu đang sống trong tôi.

Chính cái đơn giản nhận ra Chúa Giêsu đang sống trong anh, anh đã làm cho nhiều người yêu mến anh, biết đến Chúa Giêsu và tin theo Ngài. Anh đã lập nên nhóm thiện nguyện «Cho và Nhận». Giúp được bao nhiêu nỗi cơ cực của người nghèo. Vì người có thì cho đi, người thiếu thì đến nhận. Cho vì Đức Kitô, nhận vì được Đức Kitô yêu thương.

***

Bài Tin Mừng theo Thánh Gioan hôm nay, đã diễn tả nhiều lần Chúa muốn giải thích cho dân Do thái nghe để biết về Người, mà họ chỉ nhìn nhận Chúa Giêsu làn con người phàm mà thôi, không phải Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu đã trở nên cái gai, cái chướng ngại quyền lực trần gian, họ cần phải loại trừ bằng cách giết đi.

Người Do thái dưới ánh mắt phàm trần họ không thể nhận ra Chúa Giêsu là Thiên Chúa, vì cái tâm trí u mê trần tục của họ đã che mờ cái lương tâm của họ. Lương tâm họ đã chai đá.

Tính kiêu ngạo và lòng ganh ghét của dân Do thái đã cao ngạo như Luxiphe, lòng họ toàn những hận thù, nên họ tìm chỉ trích Chúa Giêsu mà không thể chấp nhận những việc làm của Chúa Giêsu. Họ nói rõ cho Chúa biết: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.”

Nếu họ chấp nhận những việc làm của Chúa Giêsu, đồng nghĩa với việc họ chấp Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Điều này đối với họ là không thể. Vì lòng họ đã chai đá rồi.

Nhưng Chúa Giêsu vẫn yêu thương họ, yêu thương đến tận cùng, và Ngài đã như nài nỉ những kẻ không tin Ngài rằng: “Nếu các người không thể tin những lời Ta nói thì ít ra hãy tin những việc Ta làm.”

Hôm nay, Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta vô cùng, Ngài hằng luôn ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, trong bí tích Thánh Thể. Chúa quan phòng chúng ta từng giây phút trong cuộc đời, trong từng hơi thở, trong giấc ngủ, trong công việc thường ngày…

Chúng ta có nhận ra Chúa không?

Chắc chắn trong cuộc đời mỗi người cũng có lúc từ chối Chúa trong tư tưởng, lời nói và nhất là trong hành động, có phải chúng ta theo Chúa như một phản ứng tự nhiên, bởi vì ta không đặt Chúa trong suy nghĩ của ta, đặt Chúa trong lời nói của và đặt Chúa trong việc làm của ta. Khi thành công ta đã không thật lòng tạ ơn, khi thất bại thì tự đáy lòng ta than trách Chúa.

Ta không nhận ra Chúa ngay cả trong sự kiện lớn lao vĩ đại của Người, có rất nhiều sự kiện Chúa tỏ hiện cho ta, Chúa nài nỉ ta tin tưởng nơi Chúa, nhưng ta vẫn thờ ơ. Sự kiện vĩ đại gần đây nhất, đó là sự kiện Fatima. Sự kiện Fatima làm rúng động cả thế giới, nhưng rồi cũng qua đi trong lòng mọi người. Niềm tin cũng đã tắt, sự nghi ngờ Thiên Chúa vẫn tồn tại nơi con người.

Là Kitô hữu, nếu không ở trong Đức Giêsu Kitô và làm những việc của Người, thì không xứng đáng được ơn cứu độ.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho con luôn sống kết hiệp mật thiết với Thánh Thể trong từng ngày. Xin cho con luôn sống niềm tin ơn cứu độ trong suốt cuộc đời con.

Gã Đầu Bạc

Dấu chứng đáng tin (18.03.2016)

“Nếu Tôi không làm các việc của Cha Tôi, thì các ông đừng tin Tôi. Còn nếu Tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin Tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó.” (Ga 10,37-38)

Ngày 25/02/2006, việc phục vụ của các nữ tu Công giáo – cụ thể là các chị em tu hội Nữ Tử Bác Ái – tại trại phong Di Linh đã được xã hội tuyên dương qua việc trao tặng huân chương cho nữ tu Mai Thị Mậu. Việc tuyên dương đó không chỉ có ý nghĩa công nhận sự hiện diện của các nữ tu, và xác nhận tính chất “tử tế” của công việc họ làm hằng ngày giữa những anh chị em bệnh phong. Họ đã âm thầm phục vụ như thế từ lâu vì họ được thôi thúc bởi tình yêu mãnh liệt đối với Chúa và tha nhân, cách riêng với những anh chị em bất hạnh nhất. Họ đang lặp lại sự chọn lựa của Chúa Giê-su nơi cuộc đời mình: Cùng với Đức Giê-su “làm các việc của Thiên Chúa” để nếu như người đời chưa tin thì ít ra cũng cảm nhận được Ngài qua những “việc-của-Thiên-Chúa” đó.

Hẳn chúng ta đang tự hỏi đâu là tiêu chí xác định một việc là việc của Thiên Chúa. Gương sống của các nữ tu trên đây minh hoạ cho Lời Chúa và trả lời cho chúng ta câu hỏi đó: Tình yêu mãnh liệt đối với Chúa và tha nhân đến độ “hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên”. Chúng ta chỉ trở thành một chứng nhân đáng tin cậy khi chúng ta làm “việc-của-Thiên-Chúa”  cũng theo một tiêu chí đó.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn tìm kiếm và thi hành thánh ý Cha; bởi đó là tình yêu và lẽ sống của Ngài. Xin cho con cũng biết luôn làm đẹp lòng Chúa Cha, dù phải đi vào con đường thập giá. Amen.

BCT

Dấu chứng đáng tin

“Nếu Tôi không làm các việc của Cha Tôi, thì các ông đừng tin Tôi. Còn nếu Tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin Tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó.” (Ga 10,37-38)

Suy niệm: Cách đây gần 10 năm, công việc phục vụ của các nữ tu tu hội Nữ Tử Bác Ái tại trại cùi Di Linh đã được xã hội tuyên dương qua việc trao tặng huân chương cho nữ tu Mai Thị Mậu. Việc tuyên dương như thế không chỉ có ý nghĩa công nhận sự hiện diện của các nữ tu, và xác nhận tính chất “tử tế” của công việc họ làm hằng ngày giữa những anh chị em đang bị bệnh phong tàn phá. Họ đã âm thầm phục vụ như thế từ đã lâu vì họ được thôi thúc bởi tình yêu mãnh liệt đối với Thiên Chúa và tha nhân, cách riêng với những anh chị em bất hạnh nhất. Họ đang lặp lại sự chọn lựa của Chúa Giê-su nơi cuộc đời mình: Cùng với Đức Giê-su “làm các việc của Thiên Chúa” để nếu như người đời chưa tin thì ít ra cũng cảm nhận được Ngài qua những “việc-của-Thiên-Chúa”đó.

Mời Bạn: Hẳn bạn đang tự hỏi đâu là tiêu chí xác định một việc là việc của Thiên Chúa. Gương sống của các nữ tu trên đây minh hoạ cho Lời Chúa và trả lời cho bạn câu hỏi đó: Tình yêu mãnh liệt đối với Chúa và tha nhân đến độ “hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên”. Bạn chỉ trở thành một chứng nhân đáng tin cậy khi bạn làm “việc-của-Thiên-Chúa” theo cũng một tiêu chí đó.

Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ mà bạn thấy giúp bạn nên giống Chúa Giê-su nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn tìm kiếm và thi hành thánh ý Cha; bởi đó là tình yêu và lẽ sống của Ngài. Xin cho con cũng biết luôn làm đẹp lòng Chúa Cha, dù phải đi vào con đường thập giá. Amen.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *