Chúa khóc thương vì con người không nhận ra Chúa (23.11.2023 – Thứ Năm tuần XXXIII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa:  Kh 5,1-10 (năm chẵn), 1 Mcb 2,15-29 (năm lẻ), Lc 19, 41 – 44

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 19, 41 – 44)

Khi ấy, Đức Giê-su đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, thì khóc thương  mà nói : “Phải chi ngày hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi ! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được.  Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.”

Chúa khóc thương vì con người không nhận ra Chúa (23.11.2023)

“Phải chi ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi!”

Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu khóc thương thành Giê-ru-sa-lem vì đã không biết nhìn nhận giờ Thiên Chúa đến viếng thăm. Nhìn bao quát toàn bộ mạch văn thì biến cố này đi liền sau biến cố Chúa Giêsu vào thành Giê-ru-sa-lem mà chúng ta hay nghe vào Lễ Lá. Đây không phải là lần vào thành thông thường như bao lần khác, mà là lần vào thành long trọng, lần cuối cùng, để rồi sau đó Chúa thực hiện công cuộc cứu độ – mục đích cuối cùng của việc nhập thể, của cuộc đời Chúa Giêsu.

Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem để thực hiện cuộc vượt qua mang lại ơn cứu rỗi, sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa. Ðây là giờ Thiên Chúa đến viếng thăm, giờ mang đến ơn cứu rỗi, sự bình an. Tuy nhiên, những người lãnh đạo dân Do-thái tại Giê-ru-sa-lem như chúng ta thấy trong cuộc thương khó của Chúa, không những họ từ chối mà còn thành công trong việc lôi kéo toàn dân chối bỏ Chúa, yêu cầu quan Phi-la-tô đóng đinh Chúa và tha cho tên nổi loạn Ba-ra-ba. Như thế, dù có sự nồng nhiệt hoan hô Chúa trong ngày vào thành Giê-ru-sa-lem trên lưng lừa, nhưng sự nồng nhiệt này chỉ thoáng qua và Chúa Giêsu nhìn thấy sự khước từ ơn cứu rỗi mà Ngài mang đến hơn là sự chấp nhận.

Ðiều xảy ra cho thành Giê-ru-sa-lem cũng có thể xảy ra cho mọi người thuộc mọi thời đại. Mỗi người chúng ta đều có giây phút Chúa đến viếng thăm, đó là giây phút hồng phúc mang đến ơn lành, ơn cứu rỗi và sự bình an. Theo quan niệm Kinh Thánh, giây phút Thiên Chúa viếng thăm là giây phút Ngài thực hiện lòng nhân từ, trao ban sự bình an cho tâm hồn.

Giê-ru-sa-lem là thành phố hoà bình, nhưng không thể tự mình kiến tạo hoà bình. Thiên Chúa mới là Đấng ban hoà bình, Chúa Giêsu là ông Vua Thái Bình. Nhưng đáng tiếc là thành phố hoà bình không biết đón tiếp vua của mình, không “nhận ra những gì đem lại bình an”, “không nhận biết thời giờ được Thiên Chúa viếng thăm”. Cơ hội chỉ đến một lần, nên Chúa rơi lệ khóc thương cho số phận của thành. Giê-ru-sa-lem là trái tim của dân tộc Do-thái, là niềm tự hào dân tộc, ai cũng hân hoan khi được đến Giê-ru-sa-lem như lời Thánh Vịnh đã chép: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa.” Chúa Giêsu đã nhiều lần hớn hở vui mừng vì được lên Giê-ru-sa-lem dự lễ, nhưng giờ đây Ngài phải rơi lệ vì thấy số phận tiêu điều của nó: “sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào.” Lời tiên báo đó đã ứng nghiệm vào năm 70 khi đền thờ này bị quân La Mã phá huỷ tan tành, Giê-ru-sa-lem đánh mất hoà bình từ hơn hai ngàn năm nay và hiện tại đó vẫn là một miền đất có hai dân tộc và ba tôn giáo, chiến tranh chưa có dấu hiệu ngưng mà ngày càng căng thẳng như chúng ta đang theo dõi tin tức hơn tháng nay.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mau mắn đón nhận lời giáo huấn của Chúa và ra sức thi hành để được cứu độ. Cần loại bỏ sự tự kiêu, ích kỷ và thay vào đó là thái độ khiêm nhường để nhận ra vai trò, trách nhiệm của mình. Có thế, chúng ta mới mong được ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã luôn luôn đối xử nhân từ đại lượng với chúng con, mặc dù chúng con vẫn nhiều lần làm ngơ, không muốn nhìn thấy những việc Chúa làm cho chúng con, không muốn lắng nghe những gì Chúa chỉ dạy để được sống an vui, hạnh phúc. Xin Chúa thương giúp chúng con trở về sống trong tình thương Chúa luôn mãi. Amen.

Joston

Chúa thương khóc người tội lỗi (17.11.2022)

Ngày 17.11: Lễ Nhớ Thánh nữ Ê-li-sa-bét Hung-ga-ri

Tin Mừng hôm nay tiếp trong đoạn Chúa Giêsu lên Giêrusalem để thụ nạn cứu chuộc nhân loại, thường đọc vào ngày lễ lá. Hành trình lên Giêrusalem của Người được dân chúng phát hiện. Họ kéo đến Betania gặp Chúa vì trước đó Người mới làm Lazarô sống lại. Cuộc lên Giêrusalem của Chúa đã thành cuộc rước xuất phát từ Betania. Chúa được cưỡi lừa vào thành , dân chúng trải cành lá, có người cởi áo trải  đường để Chúa đi. Họ cầm cành lá tung hô  Người như trào nước lũ, như đón vị tướng khải hoàn vào thành. Trong bối cảnh ấy,  khi vào thành, Chúa đã nhìn đền thờ, nhìn đoàn dân ấy thương khóc mà nói:“ Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi”.

Với tình yêu thương và lòng trung tín với lời hứa ban Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu đã đến trần gian để mời gọi ban ơn, dạy dỗ và cứu chuộc nhân loại. Nay đã 3 năm mà với đám dân này chẳng thấy kết quả là bao. Dù rằng hôm nay thấy họ tung hô Chúa, nhưng Chúa biết họ sẽ dễ dàng thay lòng đổi dạ. Vì lời Chúa dạy chưa thấm vào lòng họ được. Vì lòng họ chỉ có chỗ cho tiền bạc quyền lực danh vọng thế gian… ngự trị. Rồi đúng như vậy, chỉ ít hôm sau thôi, cũng hầu hết trong đám người này, trước mặt Chúa bị điệu ra công quyền xét xử, họ đã đồng thanh hô lên: “ Đóng đanh nó đi, đóng đanh nó vào thập giá” (Lc 23,21). Họ bị lôi kéo, a dua, khiếp sợ quyền lực thế gian mà đi theo con đường tội ác, kết án tử Đấng vô tội.

Chúa thương khóc họ, tiếc cho họ là vì thế. Họ không nhận ra ngày giờ Thiên Chúa đến thăm mình. Đấng đến ban ơn hồng phúc cho họ thì bị họ kết án tử, mà lại tha cho kẻ trọng tội là Baraba!

Chúa thương khóc họ vì Người đã nhìn thấy án phạt mà Thiên Chúa sẽ giáng xuống nơi thành này, trên cả một dân tộc “ Do Thái” chai lỳ, khô khan “cứng đầu cứng cổ này”. “Lời Chúa sau này đã hoàn toàn ứng nghiệm. Lịch sử cho thấy, sau khi Chúa về trời, năm 66 người Do Thái muốn dành độc lập đã nổi lên chống đế quốc Lamã. Chính quyền Lamã đã phái quân đội  do ông Vespasianô rồi đến ông Titô cầm đầu sang dẹp. Lính Lamã khoét lỗ đào hào bao vây thành. Năm 70 kinh thành bị tàn phá, đền thờ bị đốt ra tro, số người chết không thể tính được. Người sống sót đều bị Lamã đưa đi lưu đầy ở hải ngoại. Ngày nay còn thấy một khải hoàn môn sừng sững ở công trường Lamã nhắc nhớ trận đại thắng của Titô tiêu diệt người Do Thái. Đồng thời ở Đất Thánh còn một nhà nguyện gọi là “nhà nguyện Chúa khóc”. (Theo ĐC Pr.M. Phạm Ngọc Chi).

Ngày nay đọc Tin Mừng, nhiều người cho rằng Chúa Giêsu đã kết án loại trừ dân Do Thái, nhưng chưa phải, thánh công đồng Vatican 2 (1961-1965) đã dạy ta:

“Mặc dầu chính quyền Do Thái và thuộc hạ đã đưa đến cái chết của Chúa Kitô, nhưng không thể quy trách một cách hàm hồ những tội ác đã phạm trong khi Người bị khổ nạn cho hết mọi người Do Thái thời đó, cũng như cho người Do Thái thời nay. Dù Giáo Hội là dân mới của Chúa, nhưng việc Chúa phế thải và nguyền rủa người Do Thái không thể coi như là kết luận của Thánh Kinh. Vì thế, mọi người phải lo làm sao để khi dạy giáo lý và khi rao giảng Lời Chúa, đừng dạy điều gì không thích hợp với chân lý Phúc Âm và tinh thần Chúa Kitô”. (Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô Giáo-số 4).

Thiên Chúa gớm ghét tội lỗi nhưng vẫn yêu thương người tội lỗi.

Lạy Chúa! Lịch sử là thầy dạy, là bài học cho con sống trên đời. Xin Chúa luôn hướng dẫn con, để con làm điều hay điều tốt mà tránh xa lỗi lầm của tiền nhân đã vấp phạm. Amen.

Giuse Ngọc Năng. 

Nhận biết thời điểm Chúa viếng thăm (18.11.2021)

Di tích lịch sử thành Thánh Giê-ru-salem, đền thờ thiêng liêng tôn thờ Thiên Chúa, nơi mà thuở xưa vua Salomon xây dựng, niềm tự hào của dân Do Thái thời ấy về sự hoành tráng sang trọng bậc nhất, cũng là nơi mà giáo dân Công giáo trên toàn thế giới ước ao đến chiêm ngưỡng. Ngày nay vẫn có nhiều đoàn du lịch vừa đi hành hương vừa chiêm ngắm lại dấu tích nơi Chúa Giê-su chịu tử nạn và phục sinh, cũng là nguồn gốc được ghi nhận trong Kinh Thánh. Minh chứng về mầu nhiệm một Đấng Cứu Thế đã xuống trần gian làm người, với tình yêu là hy sinh trên thập giá để cứu chuộc muôn người. Một quá khứ trên hai ngàn năm vẫn còn sống động trong lòng con dân Chúa, “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu”  Mc 13,31.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, lời than trách và tiếc thương của Chúa Giê-su về dân thành Giê-ru-salem: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được” Vì sao Chúa lại khóc thương thành? Phải chăng Chúa đã thấy con người vô tín và lãnh đạm trước Lời Chúa? Là một bằng chứng cho thấy họ đang xa lìa cốt lõi của ơn cứu độ, của sứ điệp hòa bình mà Chúa đem lại. Họ chỉ nhìn thấy sự nguy nga diễm lệ bên ngoài, không nhận biết Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế đang ở giữa họ. “Này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” Lc 17,21. Con người chỉ thấy sự việc trước mắt như cơm áo, gạo tiền là những vật chất mà mắt nhìn thấy, nắm trong tay. Còn về đức tin thì thiếu lòng tin tưởng, trông cậy nên không nhận thấy Chúa đang hiện hữu, Lời Chúa rao giảng về đời sống vĩnh cửu, “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” Mt 5, 1-12, họ không mở lòng đón nhận các lời khuyên răn ấy. Dân Do Thái thật vinh hạnh được Chúa Giê-su đến thăm nhưng họ đã không nhận ra sự quý hiếm này. Còn chúng ta có nhận ra sự hiện hữu của Chúa trong cuộc sống hiện nay?

Chúa nói tiên tri với dân Do Thái về việc trong tương lai thành Giê-ru-salem bị phá hủy tới mức không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. “Vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm”. Lời tiên báo của Chúa Giê-su khi đến thành Giê-ru-salem cũng là lời cảnh tỉnh chúng ta biết đón nhận và sống Lời Chúa. Ngày hôm nay đang là thời đại của Chúa viếng thăm chúng ta và mời gọi chúng ta bước theo Ngài, qua lời giáo huấn các vị Mục Tử tại các giáo xứ từng ngày một vẫn luôn nhắc nhở chúng ta sám hối, hoán cải, biến đổi con người mình để có cuộc sống an bình, hạnh phúc không những ở đời này mà còn đời sau. Chúa Giê-su mong đợi mỗi người chúng ta trở thành một đền thờ, đơn sơ giản dị, nhưng là đền thờ đầy Lời Chúa, cầu nguyện, tình thương với lòng tin tưởng phó thác và tôn vinh Người như tiếng kêu van của anh mù bên vệ đường khi biết Chúa đi ngang qua : “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi” Lc 18,39.

Lạy Chúa Giê-su, chúng con luôn làm Chúa phiền lòng vì tội lỗi cứ tái phạm trong cuộc sống, xin Chúa giúp chúng con biết yêu mến và sống Lời Chúa dạy, để tâm hồn chúng con xứng đáng trở nên đền thờ cho Chúa đến thăm.                                     

Anna Anh

Ký ức về thành thánh Giêrusalem (19.11.2020)

Vào thế kỷ thứ 10 trước Công Nguyên, vua Đavít muốn xây một thành Thánh, đã lấy Giêrusalem làm trung tâm của nước Do Thái. Salomon kế nghiệp cha, đã cho xây dựng đền Thánh Giêrusalem nguy nga, lộng lẫy vĩ đại nhất thời bấy giờ. Một công trình nguy nga tráng lệ xây cất ròng rã 46 năm, người Do Thái tự hào là không có đền thờ nào đẹp bằng đền thờ Giêrusalem.

Tin Mừng hôm nay nói lên tình cảm của Chúa Giê-su dành cho thành Giêrusalem, khi các môn đệ tự hào chỉ cho Chúa thấy sự huy hoàng của đền thờ, thì Người khóc thương thành mà rằng: “ Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hòa bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp lũy bao vây ngươi, xiết chặt ngươi từ bề.”. Có phải Chúa đang tiếc nuối công trình kiến tạo đền thờ Thiên Chúa của các vị vua Do Thái được Ngài tuyển chọn và tấn phong chăng? Đó là thế hệ điển hình của người biết kính sợ, tôn thờ, luôn tin tưởng vào Đấng Toàn Năng. Thời gian qua đi, theo đà phát triển của xã hội cuộc sống có nhiều thay đổi về vật chất, khiến con người không còn trông đợi vào Đấng Cứu Độ được hứa ban. “Và cứ thế tội lỗi trở nên mạnh hơn, lan rộng, trở thành nguồn cội của các tội khác, và như vậy, gây tác hại lên hành vi của nhiều người” (thánh Gioan Phao lô II,SRS 36). Dân Do Thái không sẵn lòng đón nhận Đấng Cứu Thế đã thật sự xuống trần gian, họ tìm mọi cách để xua đuổi, thậm chí đe dọa tính mạng Người. Thánh Gioan Maria Vianê đã nói : “Chúng ta thật điên rồ. Chúa gọi chúng ta đến với Người, nhưng chúng ta lại trốn tránh. Người muốn làm cho ta được hạnh phúc, nhưng chúng ta không thèm hạnh phúc của Người. Quả chúng ta là hạng vô ơn”.

Tội lỗi xuất phát từ lòng ham muốn của con người, chiều theo hướng hưởng thụ của bản thân làm chúng ta sa ngã và xa rời Thiên Chúa. Căn bệnh tự kiêu, tự phụ … có từ thời xa xưa tồn tại trong mỗi con người nhất là người có quyền lực, của cải trong tay, họ không hề biết kiềm hãm tham vọng trước mắt cũng như không dễ gì lắng nghe lời người khác can ngăn.

Vì thế, Chúa thấy trước cảnh tượng thành bị san bằng : “ Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng”. Lời ấy đã ứng nghiệm, năm 70 sau Công Nguyên, vị tướng La Mã Titus đem đại quân vây hãm, phá hủy thành và đền thờ. Dân Do Thái không nhận ra “Đức Giê-su đến để mang họ ra khỏi sự giam hãm của tội lỗi. Muôn loài thụ tạo cho đến nay bị tội giăng bẫy, được Đức Kitô giải thoát, để yêu thương và làm theo lẽ phải”. Còn chúng ta là những đoàn viên huynh đoàn giáo dân Đa Minh, chúng ta cảm nhận gì về bài học “Tội lỗi luôn là hành vi của một người có ý thức và tự do, nhưng nó còn tác động tới nhiều mối quan hệ , và lan rộng ra cả xã hội”. Theo Billy Graham chia sẻ:”Mỗi tội của bạn đều làm tổn hại ai đó, bao gồm cả chính bạn”. Vậy chúng ta có sẵn sàng đón nhận  “Nền văn minh tình yêukhởi đầu bằng sự hối cải của mỗi cá nhân, và sự hòa giải của mình với Thiên Chúa” (Docat 63, 51).

Lạy Chúa, xin soi sáng cho chúng con cảm nhận được ân huệ Chúa ban mỗi ngày và xin giúp chúng con luôn nhận biết sự hiện diện và nâng đỡ của Chúa trong mọi biến cố cuộc đời chúng con.

LHTH

Yêu đơn phương (22.11.2018) 

Ghi nhớ:

“Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành. Đức Giê-su khóc thương mà nói: Phải chi hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi.” (Lc 19, 41).

Suy Niệm:

Nhạc sỹ Châu Kỳ có kể lại cảnh ngộ khiến ông cho ra đời nhạc phẩm mang tựa đề: “ Giọt lệ đài trang” như sau. 

Khi vừa lớn lên. Châu Kỳ đã đem lòng thương mến một người con gái tên Tâm Anh. Cô rất đẹp lại là con nhà quyền quý cao sang. Một hôm thấy cô đang ngồi đan áo trên gác, Kỳ bèn mang cây đàn đến trước sân nhà nàng để mượn tiếng đàn nói lên tình cảm của mình, với hy vọng Tâm Anh sẽ hiểu. Nào ngờ vừa gảy được đôi nốt nhạc, Tâm Anh liền đứng dậy nói vọng xuống: 

  • Đồ xướng ca vô loài.

 Sau đó cô nhổ một bãi nước miếng ngay trước mặt Châu Kỳ rồi vào nhà đóng cửa.

 Đau buồn vì tình  yêu bị xúc phạm và trà đạp. Ông bỏ Huế vào Sài Gòn sinh sống. Nhiều năm sau khi đang ngồi uống cà-fe với các bạn ông tình cờ gặp lại “cố nhân” lúc ấy  người bệ rạc và tiều tụy lắm, hỏi ra mới hay gia đình cô đã tan nát, bị chồng bỏ, hiện tại đang thuê nhà sống ở khu…

Châu kỳ đề nghị chở cô về nhà, cô đông ý nhưng khi còn chưa đến nơi, Tâm Anh xin xuống xe với lý do muốn ghé thăm  một người bạn rồi sau đó sẽ tự đi về nhà.

Lấy hết số tiền mà mình đang có, Châu kỳ đưa cho cô 300 đồng và nói.

 Trong hoàn cảnh khó khăn này, Tâm Anh hãy giữ lấy mà sài!

 Trong khi nhận lấy số bạc,  đôi mắt Tâm Anh tuôn trào lệ rơi. Vì vậy những lời kết trong bài hát có câu:

“Em nhớ xưa rồi em khóc, tôi thoáng buồn thương dòng lệ đài trang!”.

Chúa  rât  yêu thương con người, mà cụ thể hôm nay qua Kinh Thánh được thể hiện qua thành Giê-ru-sa-lem. Ngài thổn thức xót xa đến nỗi đã khóc cho viễn cảnh tan hoang điêu tàn của nó, chỉ vì nó đã không màng đến tình yêu của Thiên Chúa. Chúa muốn bảo vệ chở che cho nó thoát khỏi những gian nguy đang rình rập đổ xuống trên đầu nó đấy. Nhưng dân thành vẫn lạnh lùng ngoảnh mặt làm ngơ! Họ cố tình chối bỏ Chúa để chạy theo những thú vui danh lợi trần gian, và rồi họ phải lãnh nhận hậu quả đau khổ!

Ngày nay cũng vậy, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương và muốn bảo vệ cho loài người chúng ta, thoát khỏi những sự dữ! Nhưng chúng ta có biết mở lòng ra đón nhận tình yêu của Ngài không, hay cũng như dân thành Giê-ru-sa-lem xưa, chúng ta vẫn để Ngài phải khổ đau mòn mỏi yêu thương chúng ta trong một tình yêu đơn phương? Tuyệt vọng?

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã xuống thế đem tình yêu đến cho nhân loại và Ngài luôn khát khao cho loài người biết và đón nhận tình yêu ấy. Xin cho chúng con được Lời Chúa thức tỉnh để chúng con biết \quay về với Chúa, biết từ bỏ đời sống tội lỗi, để chúng con được hưởng nhờ tình yêu, sự tha thứ và ơn cứu độ của Ngài. Amen.

 Sống lời Chúa:

Luôn ý thức rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta hơn ai hết.

Đaminh Trần văn Chính.

Được Chúa viếng thăm (23.11.2017)

“Ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19, 44).

Tin Mừng hôm nay kể lại biến cố Đức Giêsu khóc thương thành Giêrusalem, khi Người chuẩn bị khải hoàn vào thành thánh tưng bừng. Bởi vì Người biết rõ trong tương lai, đền thờ sẽ bị phá hủy tan tành. Hôm nay khi đến gần Giêrusalem, vừa trông thấy thành thánh, một Vị Thiên Chúa không cầm được nước mắt, Người đã khóc, bởi vì thành thánh, nơi chứa Hòm Bia thánh với đền thờ nguy nga tráng lệ này, sẽ đến ngày không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào. Cung thánh bị quân ngoại dày xéo trong khói lửa thành tro tàn… Và đến ngày nay chỉ còn lại “bức tường than khóc”, để rồi khách hành hương hôm nay cũng khóc than mỗi khi đến viếng chứng tích này.

“Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề.” (Lc 19, 42-43). Dân Do Thái xưa được Đấng Mêsia đến viếng thăm và cứu chuộc, nhưng họ “còn bị che khuất”, nên đã không nhận ra. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chấp nhận làm người, sống giữa loài người là để bày tỏ tình thương của Thiên Chúa cho họ. Nhưng loài người lại hờ hững với Ngài. Họ khinh chê chối từ, còn hành hình và giết Người cách nhục nhã đau thương trên thập giá. Đây là sự thật đau lòng đã hiện lên trong chính tâm trí thấu suốt của Người khi đứng nhìn thành thánh năm xưa.

Ngày nay, qua cái chết và sự Phục sinh của Người, chúng con đã được chính Đức Kitô đã vén mở bức màn che khuất ấy, như sách Khải huyền cho biết: “Ngài xứng đáng lãnh nhận cuốn sách và mở ấn niêm phong, vì Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước mọi dân. (Kh 5,9).

Lạy Chúa! Chúa vẫn viếng thăm con trong cuộc sống hằng ngày, qua các biến cố, chỉ cần con “mở mắt ra” để nhìn thấy, mở lòng ra để tiếp đón Chúa. Trong giờ cầu nguyện, suy niệm, giờ rước Chúa trong thánh lễ xin cho con cảm nghiệm sâu xa hạnh phúc được Chúa viếng thăm cõi lòng, để con luôn an bình bước đi trên nẻo đường theo Chúa. Amen.

  Én Nhỏ

Hãy nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống (17.11.2016)

Người Do Thái thời Chúa Giêsu, họ đọc biết bao sách luật, biết bao lời ngôn sứ đã báo trước Đấng Mêsia sẽ đến, thời của bình an, hoan lạc, thời mà Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người. Chúa Giêsu – Đấng Mêsia đã đến, nhưng họ không nhận ra Người, vì mắt tâm linh, mắt linh hồn của họ còn bị che khuất bởi sự kì thị, sự đối xử phân biệt, ông này không phải là con ông Giuse làm nghề thợ mộc sao? Anh em người không phải là bạn bè chúng ta sao? …

Nhìn xem trời đất quanh ta

Mênh mông bát ngát, bao la ngút ngàn

Thiên nhiên rộng lớn vô vàn

Núi đồi, sông biển, đầy tràn cỏ cây

*

Nắng mưa, bão gió, sương mây

Hiện tượng, thời tiết, tháng ngày luân phiên

Bàn tay Chúa đã dựng nên

An bài sắp đặt triền miên mọi thời

Chúa Giêsu đã trừ quỉ, làm biết bao phép lạ, cho người điếc được nghe, người câm nói được, kẻ què được đi, người mù được thấy, người phong cùi lành bệnh, hoá bánh nuôi 5.000 người đàn ông ăn no nê, chưa kể đàn bà con trẻ, cho Ladarô sống lại … thế mà những người Do Thái vẫn không nhận ra được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế mà họ đang mong đợi. Chúa Giêsu đã buồn sầu vì thái độ kém tin của họ : “Phải chi ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi.”

 

Chúa thương ngự xuống trần đời

Cứu chuộc nhân thế, giảng lời yêu thương

Dạy cho đúng nẻo ngay đường

Tìm về chính lộ, tìm phương sáng ngời

*

Nhận ra lẽ sống cao vời

Nước Trời vinh phúc cho người lòng ngay

Chúa luôn hiện diện từng ngày

Giúp con vững bước tràn đầy hân hoan


Mỗi người chúng ta ngày hôm nay cũng có thể giống như người Do Thái ngày xưa, Chúa Giêsu đã bao lần đến với chúng ta, thế mà, nhiều khi chúng ta thờ ơ, dửng dưng, không nhận ra và đáp trả lại tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Mong sao, mỗi người chúng ta hãy cố gắng dành một chút thời gian, ngồi lắng đọng tâm hồn, để gặp được Chúa Giêsu, để nhận ra những dấu chỉ tình yêu mà Ngài đã dành cho chúng ta, để chúng ta cảm tạ Ngài.

 

Đôi khi gặp cảnh khó khăn

Chớ đừng thất vọng phàn nàn trách than

Hoặc là khốn khó nghèo nàn

Hãy luôn cố gắng tìm đàng vươn lên

*

Tình thương của Chúa vững bền

Trông cậy nơi Chúa, đáp đền niềm tin

Ngài luôn nâng đỡ giữ gìn

Suốt đời, trọn kiếp con xin theo Ngài.

 

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã khóc trước những khổ đau của nhân loại. Xin cho chúng con đừng cứng lòng trước lời mời gọi của Chúa, và không chai đá trước nỗi đau của tha nhân, nhưng biết tỏ lòng xót thương và thể hiện tinh thần quan tâm tới anh chị em đồng loại. Amen.

 

                                                                             HOÀI THANH

Nước mắt của Thiên Chúa (20/11/2014)

Khi đến Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi !” (Lc 19,41-42.44).

Suy niệm: Nhà văn Pháp A. Gide đã có lần than thở: “Tôi muốn khóc nhưng thấy hồn mình khô hơn sa mạc”. Phụ nữ có thể khóc thoải mái, nhưng đàn ông hoặc khô khan như A. Gide, hoặc che giấu nuớc mắt của mình: “Trái tim khóc hoài mà vẫn không rơi lệ”. Thế mà ở đây, ta thấy Đức Giê-su khóc! Hẳn Ngài quá xúc động đến nỗi những giọt nước mắt cứ tuôn tràn. Đó là những giọt nước mắt đau đớn, buồn khổ của vị Thầy nhân lành thấy trước những đau khổ Giê-ru-sa-lem phải chịu, vì khước từ ơn cứu độ. Những giọt nước mắt của một vị Thiên Chúa “bất lực” vì quá tôn trọng tự do của con người. Những giọt nước mắt yêu thương dành cho những đứa con cứng lòng, đang tràn chảy như vỡ bờ trên khuôn mặt Thầy Giê-su, khuôn mặt của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Ngắm nhìn khuôn mặt đẫm lệ của Đức Giê-su và nhận ra lòng yêu mến vô hạn qua những giọt nước mắt ấy. Thiên Chúa yêu thương bạn, dù bạn tốt hay xấu, là nguời con hiếu thảo hay ương ngạnh. Bạn hãy là một người con hiếu thảo, luôn một lòng kính yêu tôn thờ Chúa, như Đức Giê-su.

Sống Lời Chúa: Bạn thường lãnh đạm, chai lì trước đau khổ của người nào bạn thường gặp hơn cả? Hãy bày tỏ một cử chỉ thân ái, một lời nói thiện cảm và nếu được, một sự nâng đỡ cụ thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã khóc trước những khổ đau của nhân loại. Xin cho chúng con đừng cứng lòng trước lời mời gọi của Chúa, và không chai đá trước nỗi đau của tha nhân.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *