“Hãy tỉnh thức và hãy sẵn sàng” (31.08.2023 – Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa:  1 Cr 1,1-9 (năm chẵn), 1 Tx 3,7-13 (năm lẻ), Mt 24,42-51

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 24,42-51)

42 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến. 43 Anh em hãy biết điều này : nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. 44 Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.

45 “Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc ? 46 Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy. 47 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. 48 Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng : ‘Còn lâu chủ ta mới về’, 49 thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa, 50 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết, 51 và ông sẽ loại trừ hắn ra, bắt chung số phận với những tên đạo đức giả : ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

“Hãy tỉnh thức và hãy sẵn sàng” (31.08.2023)

Bài Tin mừng hôm nay trích từ bài giảng về ngày cánh chung của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mát-thêu. Giáo huấn chính của Chúa Giêsu trong bài giảng này là Ngài muốn các môn đệ, muốn tất cả chúng ta, phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng cho ngày Chúa Quang Lâm (Chúa Giêsu dùng mệnh lệnh cách : “HÃY”).

Vậy sẵn sàng là gì, tỉnh thức là gì và thực hiện như thế nào ?

Tỉnh thức là không ngủ quên, nhưng không phải theo nghĩa đen là không được ngủ, vì trong dụ ngôn các cô trinh nữ đón chú rể thì tất cả các cô đều ngủ cả, nhưng chỉ những cô không sẵn sàng đầy đủ dầu đèn thì mới bị loại ra ngoài. Tỉnh thức cũng không phải là chỉ ngồi đó chờ đợi, mà vẫn phải làm việc theo bổn phận và trách nhiệm của mình trong tư thế chờ đợi như người đầy tớ trung tín vẫn chu toàn nhiệm vụ quản gia.

Tỉnh thức trước hết là nhận ra con người thật sự của mình so những gì Chúa muốn người môn đệ phải trở thành. Từ đó thấy được tình trạng của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và môi trường để thay đổi cách sống và trở nên người môn đệ như Chúa muốn. Đây chính là thái độ tỉnh thức mà Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ phải có. Để được như vậy thì Kitô hữu phải sống theo Lời Chúa và sự hướng dẫn của Hội Thánh.

Nhờ tỉnh thức, người Kitô hữu biết mình phải làm gì để luôn sống đẹp lòng Chúa, để bất cứ lúc nào đến trình diện Chúa cũng không bị Chúa chối bỏ “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta”. (Lc 13,27).

Hãy tỉnh thức, hãy sẵn sàng, nghĩa là hãy làm đầy đủ bổn phận khi còn có thời gian, đó quãng đời ta có được là do sự kiên nhẫn, là hồng ân Chúa ban bởi Lòng thương Xót của Chúa, để không rơi vào tình trạng khi Chúa đến thì đã quá muộn, vì thới gian lúc đó đã là của Chúa, không phải của mình nữa, như lời kinh “Bởi Lời” đã diễn đạt : Mà bây giờ mùa phúc đã hết, mùa tội phải đền, bao nhiêu kẻ còn sống hãy mở con mắt linh hồn ra mà xem, vì sự tội lỗi là rễ những của đắng làm vậy.”.

Cuộc đời và cách sống của vị Thánh trẻ Gioan Berchmans (1599-1621) là minh hoạ cụ thể cho ý nghĩa “sẵn sàng” mà Chúa Giêsu muốn nói.

Chuyện kể rằng: Một hôm, có một số trẻ em đang chơi đá bóng, cha xứ đi tới hỏi các em: “Nếu bây giờ Chúa gọi các con chết, các con sẽ làm gì?”.

Nghe hỏi thế, em thì nói: “Con vào nhà thờ cầu nguyện”.

Em khác thưa: “Con đi xưng tội”.

Có một em hồn hiên trả lời: “Phần con vẫn tiếp tục đá bóng”.

Cha xứ hỏi: “Tại sao con lại chơi tiếp như vậy?”.

Em trả lời: “Vì con luôn sống tốt đẹp, nên con chẳng có gì phải lo sợ”. Em bé đó chính là thánh trẻ Berchmans.

Trong Thư I gửi các tín hữu Thesalonica (bài đọc 1), Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu vững vàng Đức Tin với Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, đó là sẳn sàng cho ngày Chúa Giêsu Kitô quang lâm : “Về phần anh em, xin Chúa ban cho anh em được gia tăng và dồi dào lòng yêu thương nhau và yêu thương mọi người, như chính chúng tôi yêu thương anh em: để làm cho lòng anh em nên vững vàng trong sự thánh thiện, không còn điều gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đến làm một cùng tất cả các thánh của Người.” (1 Tx 3,13).

Sau khí nhắc nhở các môn đệ phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng chờ ngày phán xét, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn “Người đầy tớ trung tín và khôn ngoan” để dạy các môn đệ về sự trung tín và khôn ngoan khi làm nhiệm vụ.

Đầy tớ chỉ có được sự trung tín và khôn ngoan khi tin tưởng, kính phục và luôn làm theo ý chủ. Người ấy thật thà và coi tất cả những gì mình được giao là của ông chủ, hết lòng tôn trọng, bảo vệ, phát triển những của cải, tài sản cho chủ. Đối lại người đầy tớ như thế chắc chắn sẽ được chủ tín nhiệm và giao những công việc, những tài sản lớn lao quan trọng hơn.

Người đầy tớ trung tín” trong dụ ngôn là những người được “đặt lên coi sóc gia nhân”. Trước hết đó là những vị mục tử được Chúa giao chăm sóc đàn chiên của Chúa, tiếp theo là mỗi Ki-tô hữu trong bổn phận, trách nhiệm theo ơn gọi bậc sống của mình đối với những người mà Chúa đã giao cho mình chăm sóc và phục vụ.

Người Kitô hữu chỉ trở thành tôi tớ trung tin và khôn ngoan của Chúa khi mọi việc đều làm theo ý Chúa, dù việc gây ra những thiệt thòi, đau khổ, bất hạnh, thậm chí là phải đánh đổi cả mạng sống. Luôn ý thức rằng mình chỉ là hư vô, sự có mặt trên đời này và mọi thứ mình có đều là hồng ân Chúa ban cho. Vì vậy phải biết sử dụng, phát triển những khả năng, của cải, cơ hội Chúa ban mà làm ra những thứ tốt đẹp để vinh danh cảm tạ Chúa, xây dựng Hội Thánh, xã hội và chia sẻ với tha nhân những hoa quả gặt hái từ những nỗ lực của mình.

Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa vì đã nhắc nhở con phải chuẩn bị đón ngày giờ chết. Con không biết giờ nào Chúa đến đón con. Xin Chúa giúp con luôn siêng năng chu toàn bổn phận của mình, để luôn luôn sẵn sàng trình diện và được đi theo Chúa khi Người gọi con.

Xin Chúa cho các vị mục tử, đặc biệt là các linh mục phụ trách các giáo xứ, biết hết sức yêu mến Chúa và lấy từ đó động lực để yêu thương và phục vụ đàn chiên Chúa giao phó, để các ngài trở thành những đầy tớ trung tín và khôn ngoan, luôn nhớ rằng mình là đầy tớ Chúa đã đặt lên coi sóc đàn chiên của Chúa, phải đối xử với chiên bằng trái tim nhân hậu của người mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước, làm cho đàn chiên luôn mạnh khoẻ, phát triển và hiệp nhất. Amen.

Jos. NM Tưởng

Tỉnh thức phục vụ (25.08.2022)

Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến”. Chúa muốn nói đến ngày Chúa đến đưa chúng ta ra khỏi thế gian này, giờ chết của ta, hay là ngày tận thế. Tất cả đều là bí mật trước mắt con người.

Thật là mầu nhiệm kì diệu: Chúa ban cho con người mà xưa nay vẫn tự hào với thân xác tốt lành, tài năng, trí tuệ thông minh, phát minh, sáng chế biết bao sản phẩm máy móc tinh vi hiện đại…Thế mà cái chết đến nơi thân xác mình thì lại chẳng biết gì. Nhiều người nói rằng đây cũng là mục đích, quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa. Không được biết ngày tận số của mình, con người nhận ra sự bất tài bất lực của mình mà khao khát hướng lên Chúa chốn trời cao và luôn chờ đợi ngày có thật định mệnh ấy sẽ đến. Để ai nấy luôn biết kiểm điểm đời sống mà sống tốt cho ngày ấy hơn. Nhưng nhất là để con người biết kính sợ quyền phép của Đấng tạo dựng nên họ.

Điều hiển nhiên ấy, hôm nay Chúa dạy ta kỹ càng để ta chu toàn bổn phận mỗi người nơi dương thế. Tất cả chúng ta đều là những đầy tớ được gửi vào trần gian này mà làm việc cho ông chủ là Thiên Chúa. Thật là chí lý, dụ ngôn Chúa cho ta một mẫu người chung cho mọi lớp người. Người mẫu đó không phải ông vua, ông quan, ông giáo, bác sĩ, người lính… nhưng là “người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, mà ông chủ đặt lên coi sóc gia nhân để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc”. Chúa dạy ta  cuộc đời theo Chúa là cuộc đời phục vụ, lấy phục vụ là lẽ sống, như Chúa đã dạy và làm gương: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em…Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ…” (Mt 20,28).

Có bạn nói rằng: Tôi sống là để làm tiền làm giàu, để nuôi gia đình. Bạn đừng lo điều đó, cứ lam lũ, cứ lấy việc phục vụ tha nhân làm đầu, chứ không phải vì tiền làm đầu, vì lấy tiền làm đầu thì dễ sinh tội ác. Ở đời thường có câu với kẻ gây tội ác: “Không nhân oán thì cũng bị Thiên oán”. Vậy người làm thiện cũng thế: “ không được nhân trả thì sẽ được Thiên trả”. “Ông Chủ” sẽ tính cho ta. Người chẳng để cho ai bị thiệt thòi, vì Người cũng đã nói: “Làm thợ thì đáng được hưởng công”(Lc10 ,7). Người còn nói, khi họ đã phục vụ chu tất bổn phận rồi thì “Ông chủ sẽ đưa họ vào bàn ăn và đến bên từng người mà phục vụ” mà đáp trả lại… (Lc 12,37).

Ước gì mọi lớp người, mọi giai cấp , từ quan quyền đến người thường dân đều có tâm tình phục vụ nhau làm đầu, thì xã hội yêu thương nhau, biết ơn nhau biết mấy.

Một người vừa được bầu làm trưởng thôn, anh đã bị vợ con phản đối kịch liệt vì lương bổng của chức vị đó chẳng được là bao. Anh nhẹ nhàng tâm sự: “Mẹ con em cứ xem những ông trùm, ông quản, ông giáp ở Công  Giáo, họ phục vụ, lam lũ hết năm này đến năm khác cho giáo xứ, mà chẳng thấy họ đòi hỏi một xu một hào. Cũng chẳng thấy họ đói khát thiếu thốn hơn nhà mình gì . Ở đây anh vẫn còn được trả thù lao mà”.

Lạy Chúa! Xin cho con luôn ý thức rằng: Con được sinh ra là để phục vụ cho Chúa. Dù ở chức vị nào con cũng phải sống theo tinh thần Chúa dạy là phải phục vụ ấy. Nếu không con sẽ không được ở trong bàn ăn với Chủ, sẽ phải “ loại ra ngoài, chung số phận với những kẻ giả hình, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.

Giuse Ngọc Năng.

Tỉnh thức chờ Chúa (26.08.2021)

Các nhà chú giải thường đề nghị đọc và suy niệm những dụ ngôn của Chúa Giêsu về việc Chúa trở lại trong vinh quang trên hai bình diện: Kitô học và Giáo Hội học. Trên bình diện Kitô học nhấn mạnh đến việc Chúa trở lại vào cuối lịch sử như một quan tòa xét xử mọi người. Trên bình diện Giáo Hội học nhắc đến thời giờ của Giáo Hội trong thời gian, từ khi Chúa lên trời cho đến lúc Ngài trở lại; trong thời gian này, mỗi Kitô hữu phải tích cực chờ đợi và chu toàn bổn phận của mình một cách tốt đẹp.

Hai dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay cho thấy ý nghĩa bổ túc cho nhau: dụ ngôn thứ nhất nói về kẻ trộm đến bất ngờ trong đêm, do đó người chủ phải sẵn sàng luôn; sự sẵn sàng này được giải thích trong dụ ngôn thứ hai về người đầy tớ trung tín và khôn ngoan thi hành mệnh lệnh của chủ, cứ đúng giờ mà cấp phát lương thực cho người nhà.

Thật không dễ dàng mà có thái độ sẵn sàng theo đúng ý Chúa muốn. Vào thời các Tông đồ, có những tín hữu quá sốt sắng chờ đợi Chúa trở lại đến độ lơ là việc bổn phận của mình. Ðó là thái độ của tín hữu cộng đoàn Thessalonica mà thánh Phaolô đã phải khuyến cáo: “Thưa anh em, về ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Ngài, thì tôi xin anh em điều này: nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Ðừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào”.

Sống chờ đợi Chúa lại đến không phải bằng thái độ thụ động, nhưng bằng thái độ tích cực. Thánh Phaolô mô tả thái độ đó như sau: “Anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, là con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ, hãy mặc áo giáp là đức tin và đức mến, hãy đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ”.

Sống đức tin, đức cậy, đức mến, trong khi chờ đợi Chúa đến, không có nghĩa là chúng ta bỏ quên sự dấn thân của mình. Mỗi người chúng ta cần phải luôn tỉnh thức với thái độ tích cực, đồng thời nỗ lực góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Hãy là đầy tớ trung tín (27.08.2020)

Ngày 27.08: Lễ Nhớ Thánh nữ Mô-ni-ca

Lời phán xa xưa về ngày Thiên Chúa sẽ đến và những người công chính được vào Nước Trời hưởng hạnh phúc muôn đời. Điều mà con cháu các thế hệ vẫn chờ đợi và mãi đến hôm nay vẫn chưa biết chính xác là thời điểm nào. Lời Chúa Giê-su nhắc nhở các môn đệ: “Các con hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến”  “nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng , vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến”.

Thực ra Chúa biết rõ bản chất của con người vốn yếu đuối, dễ sa ngã, dễ thay đổi, nên đã căn dặn với các môn đệ như vậy, vì khi không còn thầy Giê-su bên cạnh, các ông  sẽ lo sợ và quên đi sứ vụ rao giảng Tin Mừng mà Chúa Giê-su đang dẫn dắt, nếu không có động lực thúc đẩy phía trước là niềm tin vào Thiên Chúa.

So sánh hình ảnh về đầy tớ trung tín, khôn ngoan và hình ảnh về đầy tớ xấu. Với người đầy tớ trung tín và khôn ngoan: “mà chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cứ giờ mà phân phát lương thực cho họ?”

Ngược lại, với đầy tớ xấu nghĩ thầm: “Chủ về muộn, rồi nó đánh đập các bạn đầy tớ, lại còn chè chén với lũ say sưa”.

Qua hai hành động trên để ta nhận ra được sự khác biệt, người trung tín thì siêng năng chuyên cần làm tốt công việc theo lời căn dặn của chủ,  hàng ngày tận tình chăm sóc và chu đáo cấp phát lương thực đầy đủ đúng giờ, cho dù không có mặt chủ nhưng đầy tớ ấy vẫn làm với trách nhiệm và khi làm chủ hài lòng sẽ có phần thưởng xứng đáng.

Và lời răn đe cho kẻ xấu xa, khi chủ trở về,” hình phạt của nó là chung số phận với những kẻ giả hình, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

Tin Mừng hôm nay là bài học về cách sống tỉnh thức và trung thực, giả sử  chủ nhà ngủ quên thì trộm đã vào nhà lấy mất tài sản hay giả sử đầy tớ xấu được biết ngày chủ nhân về, thì đã không xảy ra các hành vi tồi tệ và sẽ không lộ bộ mặt gian ác của hắn ta.

Chúng ta mong ngày Chúa đến sẽ là ngày vui của người Ki-tô hữu, là ngày kiểm nghiệm lại những thành quả tốt đẹp mả chúng ta đã kiên trì dành thời gian thực hiện : đó là đem niềm vui khi đến chăm sóc người già cả, bệnh tật – là lòng bác ái quảng đại để không ngại đường xá xa xôi đến giúp đỡ những người nghèo khó – là sự ấm áp khi đem Lời Chúa đến với những tâm hồn cô đơn, lạnh lẽo – là lòng nhân hậu để xây dựng một gia đình công giáo đầy ấp tình yêu thương và hạnh phúc trong Chúa làm lan tỏa đến những người xung quanh.

Lạy Chúa xin giúp chúng con luôn trung thành và tỉnh thức trong ngày Chúa đến.

LHTH

Hãy sẵn sàng vì không biết ngày giờ nào? (30.08.2018)

Ghi nhớ:

Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày giờ nào Chúa của anh em đến.” (Mt 24,42).

Suy niệm:

Có một vị tu sĩ nọ đóng một chiếc quan tài nhỏ đặt ngay trên bàn làm việc của mình. Nhiều người thấy vậy lấy làm lạ, bèn hỏi:

  • Thầy để cái hòm ở trên bàn làm chi vậy?.

Vị tu sĩ trả lời.

  • Để mỗi sáng, sau khi thức dậy nhìn thấy cái quan tài đó nó sẽ nhắc nhở cho tôi nhớ rằng kiếp người chóng qua và tôi sẽ phải luôn chu toàn bổn phận của mình, để bất cứ lúc nào Chúa gọi tôi đều ở trong tư thế sẵn sàng cả!

Nhờ kinh nghiệm và kiến thức  con người ta có thể dự đoán, biết trước được một số sự việc sẽ xảy ra tương đối chính xác.  Chẳng hạn người ta có thể dự đoán nắng ráo hay mưa bão… Nhưng có một việc quan trọng mà loài người không thể biết trước được; Đó là bao giờ mình chết , chết bằng cách nào và chết ở đâu?

Mọi người đều phải chết. Đây là một sự thật hiển nhiên ;vậy mà con người lại sống theo cách như là họ chẳng bao giờ phải chết cả. Họ cứ ăn chơi sa đọa, họ chạy theo tiên bạc danh vọng, sắc dục… Chính vì vậy lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh cho chúng ta biết và ý thức được thân phận  của mình để chọn lựa cho mình đời sông luôn ở trong tư thế \sẵn sàng.

Suy cho cùng thì con người ta sống trên đời này là để chuẩn bị cho minh một cái chết! Hay nói cách khác là để chuân bị cho mình một cuộc sống mới mà nó sẽ bắt đầu sau cái chết. Mà đời sống mới này phụ thuộc hoàn toàn vào những việc lành phúc đức mà con người ta đã thực hiện khi còn sống. Chúa Giê-su đã nói: “Được lời lãi cả và  thế gian này mà mất linh hồn thì nào có ích chi? ” (Mt 16,26). Như vậy nếu như trong đời sống trần gian này chúng ta có đạt được những thành công mỹ mãn, giầu sang tuyệt đỉnh… bao nhiêu đi chăng nữa mà cuối cùng chết đi trong tội lỗi, mất linh hồn thì thật là vô phúc và bất hạnh cho chúng ta,  vì chẳng có thể lấy gì mà bù đắp, thay thế lại được!

Vì vậy lời Chúa hôm nay cảnh báo cho chúng ta phải luôn chu toàn bổn phận của mình đối với Chúa và với anh em hàng ngày trong cuộc sống dương thế này. Để khi cuộc sông trần gian kết thúc chúng ta xứng đáng hưởng Nước Trời. Nơi đầy hoan lạc và hạnh phúc mà Chúa đã thiết lập để dành sẵn cho những đây tớ trung tín và khôn ngoan của Ngài.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, trên trần gian này lắm thú vui xác thịt bất chính luôn mê hoặc cám dỗ làm cho chúng con xa lìa và quên đi bổn phận phải thi hành ý Chúa. Xin ban ơn trợ giúp để chúng con biết luôn trung tín và khôn ngoan hướng tâm trí về Chúa mà ra sức thực thi lời Chúa dạy, để mai sau xứng đáng được hưởng Nhan Thánh Chúa trên thiên đàng. Amen.

Sống Lời Chúa:

Tham dự thánh lễ mỗi ngày, và luôn làm việc lành tránh diều  dữ.

Đaminh Trần Văn Chính 

Canh thức (31.08.2017)

Tin Mừng hôm nay Chúa dạy tôi phải canh thức, với thái độ sẵn sàng đón chờ Chúa đến, phải loại bỏ những cản trở như danh vọng, đam mê, những thứ khác ràng buộc, khiến ta mất tự do, không hoàn toàn thuộc về Chúa, để sẵn sàng ra đón tiếp Người đến cách chung hay riêng. Người Kitô hữu phải có thái độ luôn tỉnh thức. Canh thức còn là luôn ở trong tình trạng “đang làm nhiệm vụ”. Tỉnh thức là thái độ của người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, biết mình đang làm gì. Sự lựa chọn trong giây phút hiện tại sẽ định đoạt số phận trong cuộc đời vĩnh hằng. Tỉnh thức là dấu hiệu của người đang sống đức tin sống động, kết hợp mật thiết với Chúa, sẽ có tâm hồn bình an hạnh phúc. Người tỉnh thức là người luôn sống tinh thần cầu nguyện: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).

Chúa nói: “Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy.” (Mt 24, 46).  Ai mà biết được giờ nào thì Chúa đến? Chỉ có cách tốt nhất là luôn luôn trong tư thế sẵn sàng. Nếu lúc nào chúng con cũng “có Chúa ở cùng”, sống mật thiết với Chúa thì dù có bất ngờ, chúng con sẽ được vui vẻ ra đón rước Người, chứ không phải giật mình sợ hãi. Thánh Phaolô dạy sống canh thức trong bài đọc I: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy. Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê và trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người” (1Tx 3,12-13).

Thực ra Chúa luôn có đó, bên ta, trong ta mà ta không thấy, vì bị nhiều thứ trần gian che mờ con mắt, nên chẳng nhận ra và khó mà thấy được. Sống canh thức là luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa trong mọi nơi mọi lúc, ở trên mọi nẻo đường đời, trong sâu thẳm cõi lòng, cả khi cô đơn. Sống như vậy thì lúc Người chợt đến, có chi là bất ngờ hay phải giật mình hoảng sợ? Canh thức như vậy thì Chúa đến bất cứ giờ nào cũng trong tư thế sẵn sàng. Chúa rất hài lòng và sẽ ban thưởng quá lòng ước mong: “Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình” (Mt 24,47).

Lạy Chúa! Xin dạy chúng con biết sẵn sàng canh thức để đón Chúa qua việc tiếp xúc, cư xử tốt lành với tha nhân, để chúng con được hưởng hạnh phúc của người con tín trung, ngay từ bây giờ và cho đến muôn đời.

 Én Nhỏ

Tỉnh thức và sẵn sàng để chờ đợi Chúa đến (25.08.2016)

1- Ghi nhớ:

 “Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24,42).

2- Suy niệm:

Lời Chúa hôm nay hướng dẫn chúng ta đến sự tỉnh thức. tỉnh thức không phải là không ngủ. Nhưng tỉnh thức là luôn ở trong tư thế sẵn sàng đón tiếp Chúa bất cứ lúc nào, sẵn sàng cả trong khi ngủ. Tỉnh thức là tỉnh táo nhận ra Chúa đến viếng thăm chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, Chúa đến với chúng ta qua mọi biến cố của cuộc sống với những biến cố mừng vui hy vọng và cả những biến cố đau buồn tang tóc. Chúa sẽ đến để gọi mỗi người chúng ta về với Chúa, Chúa cũng sẽ đến trong ngày Quang Lâm để phán xét nhân loại. Nếu chúng ta biết lắng nghe, chúng ta sẽ nhận ra được bước chân Chúa đến và sẵn sàng mở cửa để đón tiếp Ngài.

Tỉnh thức còn có nghĩa là có cặp mắt đức tin đủ sáng để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa ngay trong những điều bình thường của cuộc sống. Tỉnh thức còn là biết mình đang đi về đâu và phải làm gì để đạt tới sự sống vĩnh cửu. Nhiều tội nhân đã thức tỉnh, can đảm nhận ra tình trạng tội lỗi của bản thân, biết cậy nhờ ơn Chúa giúp và quyết chí canh tân đời sống theo tinh thần Tin Mừng của Chúa.

Còn sẵn sàng là phải nỗ lực làm việc với ý thức rằng mình đang phải làm việc để đợi chờ Chúa đến. Làm việc ở đây là làm sinh sôi nảy nở ra các ơn Chúa đã ban cho chúng ta, phải sinh hoa kết quả tốt là các việc lành. Khi Chúa đến tính sổ linh hồn, chúng ta sẽ như một tên đầy tớ tỉnh thức đi đón Chúa, trình với Ngài các việc làm của chúng ta để được lĩnh phần thưởng Chúa sẽ ban cho những ai đã trung thành thực thi Thánh ý của Ngài.

Chúa dạy chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng. Đó là Chúa muốn chúng ta dành trọn thời gian, dành trọn cuộc đời để yêu mến Ngài không giới hạn, khao khát Ngài không điểm dừng. Vì Chúa muốn nói với chúng ta: Chúa là tất cả. Vì Chúa là tất cả nên ngoài Chúa ra chúng ta đừng tìm thứ hạnh phúc nào khác. Chúng ta hãy cố gắng sống những tâm tình của Thánh Augustinô : “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên hồn con luôn khát khao cho đến khi được về an nghi bên Chúa “

 3- Cầu nguyện :

 Lạy Chúa, Chúa đã trao cho mỗi người chúng con trách nhiệm của bản thân; nhiệm vụ trong gia đình, với cộng đoàn, ngoài xã hội và dạy chúng con phải biết tỉnh thức. Xin Chúa giúp chúng con luôn tỉnh thức để chu toàn trách nhiệm mà Chúa đã trao phó và sẵn sàng chờ ngày Chúa đến để chúc phúc và cho chúng con được vào Thiên Quốc hưởng Tôn Nhan Chúa muôn đời. Amen.

 4- Sống Lời Chúa :

Bao giờ Chúa trở lại trần gian? Chúng ta không biết. Và Chúa cũng đã nói là không ai biết được ngày giờ Chúa đến. Vì thế, chúng ta phải tỉnh thức, vì chúng ta không biết lúc nào Chúa lại đến để phán xét riêng từng người chúng ta cũng như phán xét chung toàn thể nhân loại. Điều quan trọng đó là  chúng ta phải biết chuẩn bị sẵn sàng để ra nghinh đón Chúa.

 HOÀI THANH 

Là người tôi trung của Chúa (28/08/2014)

“Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24,44)

Suy niệm: Chúa Giê-su nhắc nhở các môn đệ phải sẵn sàng chờ đợi Chúa đến với tinh thần tỉnh táo và trong tư thế sẵn sàng hành động như người đang canh phòng kẻ trộm. Sự tỉnh thức sẵn sàng của các môn đệ không giống như sự tỉnh thức của toán quân đang phục kích chờ địch đến để tiêu diệt; nó cũng khác với sự tỉnh thức trong run sợ của một tử tội chờ đến giờ mình bị hành quyết. Chúa Giê-su chân dung người tôi tớ trung thành, đó là: chu toàn với tinh thần trách nhiệm các bổn phận được giao phó, tận tâm chăm lo cho tha nhân trong tình huynh đệ, sẵn sàng chờ đón chủ bằng lòng yêu mến trung thành. Việc chủ trở về cách bất ngờ không phải là một điều gây sợ hãi mà trái lại càng làm sâu đậm hơn sự gắn bó của người tôi trung với chủ mình.

Mời Bạn: Bạn có xác tín rằng chọn lựa căn bản của những người môn đệ của Chúa Ki-tô chính là sống như người tôi trung của Thiên Chúa không? Là người tôi trung của Chúa, bạn có trách nhiệm coi sóc những tài sản của Ngài, đó là vũ trụ, mà Thiên Chúa đã tạo dựng, là nhân loại trong đó có cả chính bạn, là những thụ tạo đặc biệt đã được tạo thành giống hình ảnh của Thiên Chúa.

Chia sẻ: Những đam mê hưởng thụ ích kỷ và vô độ là đầu mối dẫn đến chỗ bất trung với Thiên Chúa. Cộng đoàn của bạn đang vướng vào thứ bất trung nào?

Sống Lời Chúa: Bạn chu toàn cách tốt nhất bổn phận hằng ngày trong tâm tình người tôi trung của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chỉ là tôi tớ vô dụng của Chúa. Xin chỉ cho con biết Chúa muốn con làm gì và giúp con chu toàn những việc đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *